Nhắt Stuart epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12 - Lớp Học
rong lúc nha sĩ Carey sửa chiếc xe, Stuart đi mua sắm. Nó quyết định rằng, vì sắp làm một chuyến đi dài bằng ô tô, nó nên có quần áo thích hợp. Nó tới một cửa tiệm đồ búp bê, ở đó có những thứ hợp kích cỡ nó, và tự sắm sửa toàn bộ, với va li, đồ vest, sơ mi, và đồ phụ kiện mới. Nó trả tiền cho tất cả mọi thứ và hài lòng với những thứ mình sắm được. Đêm đó nó ngủ trong căn hộ của ông nha sĩ.
Sáng hôm sau, Stuart khởi hành sớm, tránh kẹt xe. Nó nghĩ sẽ là một ý hay nếu lên đường trước khi có quá nhiều xe hơi và xe tải. Nó lái xuyên công viên Central Park, tới đường Một Trăm và đường Mười, rồi sang xa lộ West Side, rồi theo hướng Bắc tới đại lộ Saw Mill River. Chiếc xe chạy ngon và mặc dù người ta cứ hay nhìn chằm chằm, Stuart không lấy đó làm điều khó chịu. Nó thật cẩn thận để không ấn phải cái nút đã gây biết bao nhiêu phiền phức vào hôm trước. Nó quyết định rằng sẽ không bao giờ dùng cái nút ấy lần nữa.
Ngay khi mặt trời lên cao, Stuart thấy một người đàn ông ngồi suy tư bên vệ đường. Stuart tấp xe vào, dừng lại, thò đầu ra.
“Anh có chuyện gì lo lắng phải không?” Stuart hỏi.
“Vâng, đúng rồi,” người đàn ông nói; anh ta cao và nhã nhặn.
“Mà này tôi giúp được gì cho anh nào?” Stuart hỏi bằng giọng thân thiện.
Người đàn ông lắc đầu. “Tôi đồ rằng đây là một tình huống không làm gì được,” anh ta đáp. “Cậu biết đấy, tôi là Tổng giám thị của các trường học trong thành phố này.”
“Đó đâu phải là một tình huống không làm gì được,” Stuart nói. “Tệ, nhưng không phải là không làm gì được.”
“Chà,” người đàn ông tiếp tục, “tôi luôn luôn gặp phải những vấn đề không giải quyết được. Thí dụ hôm nay, một trong những giáo viên của tôi bị bệnh – tên cô này là Gunderson. Cô ấy dạy ở trường Số Bảy. Tôi phải tìm người thay thế cô ấy, một giáo viên thế chỗ cho cô ấy.”
“Thế cô ấy bị sao?” Stuart hỏi.
“Tôi không biết chính xác. Bác sĩ nói có thể cô ấy bị đá thận[12],” Tổng Giám thị đáp.
“Thế anh không tìm được giáo viên khác à?” Stuart hỏi.
“Không, thế mới là vấn đề. Chẳng có ai trong thành phố này biết bất kỳ cái gì, không có giáo viên dư nào, không có cái gì cả. Mà lớp thì phải bắt đầu trong một tiếng nữa.”
“Tôi sẽ rất vui nếu được thế chỗ cô Gunderson trong một ngày, nếu anh muốn,” Stuart đề nghị một cách dễ chịu.
Anh Tổng Giám thị ngước mắt lên.
“Thật chứ?”
“Dĩ nhiên rồi,” Stuart nói. “Rất lấy làm hận hạnh.” Nó mở cửa chiếc xe nhỏ và bước ra ngoài. Đi vòng qua đuôi xe, nó mở khoang đựng hành lý và lôi cái va li của nó ra. “Nếu điều khiển một lớp học trong một trường học, tốt hơn là tôi thay cái bộ đồ lái xe này ra và mặc cái gì thích hợp hơn,” nó nói. Rồi nó trèo lên vệ đường, đi vào bụi cây, và vài phút sau quay ra lại, bận một cái quần soọc cũ, khoác một cái áo khoác màu muối tiêu, thắt một cái nơ kiểu Windsor, và đeo cặp kính. Nó quấn mớ quần áo kia lại và nhét vào va li.
“Cậu nghĩ cậu duy trì trật tự lớp nổi không?” Tổng Giám thị hỏi.
“Dĩ nhiên là được,” Stuart đáp. “Tôi sẽ khiến cho công việc thành thú vị và tự thế mà có trật tự. Đừng có lo cho tôi.”
Người đàn ông cám ơn nó và họ bắt tay nhau.
Vào lúc chín giờ kém mười lăm, học trò đã tụ tập trong ngôi trường Số Bảy. Khi thấy thiếu mất cô Gunderson và nghe đồn sẽ có người thay thế, bọn chúng đều thích thú.
“Một người dạy thế!” Đứa này thì thầm với đứa kia. “Một người dạy thế, một người dạy thế!”
Tin tức lanh nhanh, và chẳng mấy chốc học trò trong trường đều biết sẽ được thoát khỏi cô Gunderson ít nhất một ngày và sắp được nếm trải cái trải nghiệm tuyệt vời là được một giáo viên lạ hoắc đến dạy – một người mà chưa ai từng gặp bao giờ.
Stuart đến lúc chín giờ. Nó nhanh nhẹn đậu xe ở cửa trường, bước hiên ngang vững chãi vào lớp học, tìm thấy một cái thước tựa vào bàn cô Gunderson, và tay này bắt tay kia mà trèo lên bàn. Ở đó nó thấy có một bình mực chấm, một que chỉ bảng, mấy cây bút mực với bút chì, một bình mực, một ít phấn, một cái chuông, hai cái kim ghim, và ba hay bốn cuốn sách chồng thành một chống. Stuart thoăn thoắt bò lên đầu chồng sách và nhảy lên cái nút chuông.
Stuart đủ nặng để làm cái chuông reng, và rồi nhanh nhẹn trượt xuống, đi tới phía trước cái bàn giấy, và nói:
“Làm ơn chú ý!”
Bọn con trai và con gái tụ lại quanh cái bàn và nhìn vào người dạy thế. Tất cả cùng ồ lên và có vẻ hết sức vui thích. Đám con gái cười khúc khích và đám con trai cười ha ha, mắt đứa nào đứa nấy sáng bừng vì phấn khích khi nhìn thấy một giáo viên bé đến thế lại xinh đến thế, ăn mặc lại lịch quá là lịch.
“Làm ơn chú ý!” Stuart lặp lại. “Các trò biết đấy, cô Gunderson bị bệnh và tôi thế chỗ cô ấy.”
“Cô ấy bị sao thế?” Roy Hart hớn hở.
“Rối loạn vitamin,” Stuart đáp. “Cô ấy dùng vitamin D trong khi cần là vitamin A. Cô ấy dùng B trong khi lại thiếu C, và hệ thống trong người cô ấy quá tải vì riboflavin, thiamine, hydrochloride, và thậm chí cả pyridoxine, mà người ta lại chưa rõ về nhu cầu dinh dưỡng của con người với những thứ ấy. Chúng ta lấy đó làm một bài học luôn vậy!”
Nó liếc một cách hung tợn về phía đám trẻ con và đám trẻ thôi không thắc mắc gì thêm về cô Gunderson.
“Mọi ngươi giờ ngồi vào chỗ mình đi!” Stuart ra lệnh. Đám trẻ ngoan ngoãn tuân lệnh xếp hàng đi xuống lối đi và chui vào chỗ ngồi của mình, và mất một lúc, cả lớp im phăng phắc. Stuart hắng giọng. Mỗi bàn tay xiết lại một bên ve áo cho giống giáo sư, Stuart bắt đầu.
“Có ai vắng mặt không?”
Học trò lắc đầu.
“Có ai đi trễ không?”
Bọn trẻ lắc đầu.
“Tốt lắm,” Stuart nói. “Buổi sáng các trò thường học môn gì trước tiên?”
“Số học,” đám trẻ la to.
“Số học chán ngắt!” Stuart quát. “Bỏ qua đi.”
Vang lên những tiếng gào hoang dã vì hào hứng trước đề nghị này. Cả lớp dường như hòan toàn mong muốn có một ngày được bỏ qua môn Số học.
“Kế tới các trò học môn gì?” Stuart hỏi.
“Đánh vần,” đám trẻ hét to.
“Chà,” Stuart nói, “một từ đánh vần sai là một sự ghê tởm trong mắt mọi người. Tôi cho rằng đánh vần chuẩn các từ là một việc hay ho và tôi tha thiết đề nghị từng người trong các trò mua ngay một cuốn từ điển bỏ túi của Webster và bất kỳ lúc nào có nghi hoặc gì nhỏ nhất là đem ra tra ngay. Chẳng còn gì để nói về đánh vần nữa cả. Kế là môn gì?”
Đám học trò hài lòng quá vì được thoát khỏi môn Đánh vần cũng như đã thoát khỏi môn Số học, và chúng thét lên vi vui sướng, đứa này nhìn đứa kia và cười và vẫy khăn tay với thước kẻ, một vài thằng con trai lại còn ném đạn giấy vào một vài đứa con gái. Stuart phải trèo lên chồng sách lần nữa và vồ lấy cái chuông để giữ trật tự. “Kế là môn gì?” Nó nhắc lại.
“Tập viết,” đám học trò kêu lên.
“Trời đất,” Stuart nói một cách ghê tởm, “bọn trẻ con các trò bộ chưa biết viết sao?”
“Dĩ nhiên là biết chớ ạ!” Cả đám đông cùng thét lên.
“Thế thì không còn gì để nói nữa,” Stuart bảo.
“Kế là các môn khoa học xã hội,” Elizabeth Gardner nôn nóng kêu to.
“Khoa học xã hội? Chưa từng nghe,” Stuart nói. “Thay vì học môn đặc biệt nào đó sáng nay, tôi có ý hay là sao chúng ta lại không cứ thế mà ngồi nói về một điều gì nhỉ?”
Đám học trò liếc nhau chờ đợi.
“Chúng ta có thể nói về chuyện giữ một con rắn trong tay và rồi để nó quấn quanh cổ tay thì thấy thế nào không ạ?” Arthur Greenlaw nói.
“Có thể, nhưng tôi thì không nên,” Stuart đáp.
“Chúng ta có thể nói về tội ác và trụy lạc không ạ?” Lydia Lacey nài nỉ.
“Không,” Stuart nói. “Thử lần nữa đi.”
“Chúng ta có thể nói về cái bà béo ở gánh xiếc mọc râu quanh cằm không?” Isidor Feinberg khẩn nài, vẻ hồi tưởng.
“Không,” Stuart nói. “Đây để tôi bảo, hãy nói về Đức Vua của Thế giới.” Nó nhìn quanh lớp học đầy hy vọng, xem đám trẻ thích ý tưởng này đến cỡ nào.
“Có Đức Vua nào của Thế giới đâu?” Harry Jamieson căm phẫn nói. “Thì có khác gì nào?” Stuart nói. “Khiểu gì cũng phải có một ông.”
“Vua là xưa rồi,” Harry nói.
“Rồi, thế thì nói về ông Chủ tịch của Thế giới vậy. Thế giới rơi vào bao nhiêu là rắc rối chỉ vì không có một ông chủ tịch. Tôi ước gì chính tôi được là Chủ tịch của Thế giới.”
“Thầy quá bé,” Mary Bendix nói.
“Ồ, chuyện tép!” Stuart nói. “Kích cỡ chẳng liên quan gì tới chuyện ấy. Đáng kể chăng là tính khí và khả năng. Chủ tịch thì phải có khả năng và phải biết cái gì là quan trọng. Có bao nhiêu người trong số các trò biết cái gì là quan trọng nào?”
Mọi cánh tay giơ thẳng lên.
“Giỏi lắm,” Stuart nói, ghếch chân này lên chân kia và thọc hai tay vào hai túi áo khoác. “Henry Rackmeyer, nói chúng tôi nghe xem cái gì là quan trọng nào.”
“Một tia nắng cuối chiều tà, một nốt nhạc trong bản nhạc, mùi giày trẻ con khi mẹ nó giữ nó được sạch sẽ.” Henry nói.
“Đúng,” Stuart nói. “Đó là những thứ quan trọng. Tuy nhiên trò quên một điều. Mary Bendix, Henry Rackmeyer quên gì nào?”
“Trò ấy quên kem trên có xốt sô cô la.” Mary đáp nhanh.
“Chính xác,” Stuart nói. “Kem là quan trọng. Chà, nếu sáng nay tôi mà thành Chủ tịch của Thế giới, chúng ta phải có một số luật ngay, bằng không sẽ vô cùng rỗi, mỗi người chạy một cách, tha hồ tự tiện và chẳng ai cư xử cho ra hồn. Chúng ta phải có một số luật nếu chơi trò chơi này. Có trò nào đề ra được luật gì hay ho cho thế giới không?”
Albert Fernstrom giơ tay. “Đừng ăn nấm. Chúng dễ là nấm độc lắm,” Albert đề xuất.
“Đó không phải là luật,” Stuart nói, “đó chỉ là một lời khuyên có chút thân tình. Lời khuyên rất tốt, Albert à, nhưng lời khuyên với luật không phải là một. Luật nghiêm hơn lời khuyên. Luật phải cực nghiêm. Có ai khác nghĩ ra được một luật cho thế giới không nào?”
“Liệu hồn khi chôm chỉa bất cứ cái gì.” John Poldowski nói, nghiêm trang.
“Rất tốt,” Stuart nói. “Luật này hay đấy.”
“Không bao giờ đánh bả bất cứ cái gì, trừ chuột cống.” Anthony Brendist nói.
“Không hay,” Stuart nói. “Thế là không công bằng với chuột cống. Luật thì với ai cũng phải công bằng.”
Anthony ngó hờn dỗi. “Nhưng chuột cống bất công với chúng ta,” nó nói. “Chuột cống chẳng ai ưa.”
“Tôi biết là thế,” Stuart nói. “Nhưng từ quan điểm chuột cống mà nói, đánh bả cũng chẳng ai ưa. Một Chủ tịch phải biết nhìn mọi khía cạnh của một vấn đề.”
“Thế thầy có quan điểm của một con chuột cống không?” Anthony hỏi. “Thầy trông cũng hơi giống chuột cống.”
“Không,” Stuart đáp, “tôi chỉ có quan điểm cao hơn một con chuột nhắt, mà cái đó thì rất khác. Tôi nhìn mọi vật một cách toàn thể. Rõ ràng đối với tôi chuột cống có bị thiệt thòi. Họ không bao giờ có thể ra ngòai công khai.”
“Chuột cống không thích ra ngòai công khai,” Agnes Beretska nói.
“Đó là bởi vì mỗi khi ra ngòai thì đều có ai đó ném họ. Chuột cống có thể sẽ thích công khai nếu họ được phép sử dụng cái công khai đó. Còn ý tưởng nào cho luật không?”
Agnes Beretska giơ tay. “Phải có luật nào chống đánh nhau chứ.”
“Không thực tế,” Stuart nói. “Con người thích đánh nhau. Nhưng trò nói gần đúng rồi đấy, Agnes”.
“Không được đánh nhau ạ?” Agnes rụt rè hỏi. Stuart lắc đầu.
“Tuyệt đối không được xấu tính.” Mildred Hoffenstein đề xuất.
“Luật rất hay.” Stuart nói. “Khi tôi lên làm Chủ tịch, bất kỳ ai xấu tính với người khác sẽ bị quở phạt.”
“Chẳng tác dụng gì đâu,” Herbert Prendergast nhận xét. “Một số người bản tính tự nhiên là xấu tính. Albert Ferstrom luôn luôn nhỏ nhen với em.”
“Tôi không bảo là luật ấy sẽ có tác dụng.” Stuart nói. “Nó là một luật hay và chúng ta cứ thử nó đi. Chúng ta sẽ thử nó ngay tại đây bây giờ. Ai đó chơi xấu ai đó đi nào. Harry Jamieson, trò tỏ ra xấu tính với Katharine Stableford đi. Giờ, đợi một phút, trò có cái gì trong tay đó, Katharine?”
“Một cái gối nhỏ xíu xíu nhồn nhựa thơm ạ.”
“Trên đó có ghi ‘Vì bạn tôi hao mòn, vì bạn tôi tỏa thơm’ không?”
“Có ạ.” Katharine nói.
“Trò có thích nó lắm không?” Stuart hỏi.
“Dạ, thích lắm ạ,” Katharine nói.
“OK, Harry, giật lấy nó, lấy nó đi!”
Harry chạy tới chỗ Katharine ngồi, giật lấy cái gối nhỏ từ tay con bé, và chạy về chỗ ngồi trong khi Katharine thét lên.
“Nào bây giờ,” Stuart nói bằng giọng dữ tợn, “gượm đấy, nhân dân của tôi, trong lúc Chủ tịch của các người tham khảo sách luật!” Nó giả vờ như lật một cuốn sách. “Đây rồi. Trang 492. ‘Tuyệt đối không được xấu tính.’ Trang 560. ‘Liệu hồn khi chôm chỉa bất kỳ cái gì.’ Harry Jamieson đã phạm hai luật – luật chống xấu tính và luật chống chôm chỉa. Bắt lấy Harry và giữ cậu ta lại trước khi cậu trở nên quá xấu tính đến nỗi người ta khó mà nhận ra cậu được nữa! Nào!”
Stuart chạy kiếm cây thước và leo xuống, như một người lính chữa lửa leo xuống một cây cột trong một ngôi nhà cháy. Nó chạy về phía Harry, và những đứa trẻ khác đang ngồi nhảy bắn lên từ dưới phóng lên, từ trên phóng xuống dọc theo những dãy bàn và tụ cả lại quanh Harry trong khi Stuart đề nghị thằng bé buông cái gối con ra. Harry trông hoảng sợ, mặc dầu nó biết đây chỉ là một thí nghiệm. Nó đưa Katharine cái gối.
“Đấy, có tác dụng khá đấy chứ.” Stuart nói. “Không được xấu tính là một luật hay tuyệt hảo.” Nó quệt mặt bằng cái khăn tay, do nó ngốt cả người vì phải nỗ lực vào vai Chủ tịch Thế giới. Việc đó hóa ra phải chạy, phải nhảy, phải trườn nhiều hơn nó tưởng. Katharine thì vô cùng hài lòng đã lấy lại được cái gối.
“Cho coi cái gối con đó một phút nào,” Stuart nói, sự tò mò của nó đang bắt đầu thắng nó. Katharine cho nó coi cái gối. Cái gối dài đúng bằng chiều cao Stuart, và Stuart bất chợt nghĩ cái này mà làm giường thì mới tốt mới thơm tho mới ngọt ngào làm sao. Nó bắt đầu muốn có cái gối.
“Đó là một thứ rất đẹp,” Stuart bảo, cố giấu lòng ham muốn của nó đi. “Trò không muốn bán nó chứ hả?”
“Ồ, không ạ,” Katharine đáp. “Đó là quà tặng đấy ạ.”
“Tôi đồ rằng quả này là của một cậu trai mà trò gặp ở hồ Hopatcong mùa hè rồi, và nó nhắc trò nhớ tới cậu ấy,” Stuart thì thầm, mơ màng.
“Vâng, đúng thế ạ,” Katharine bẽn lẽn đáp.
“À,” Stuart nói, “những mùa hè thật tuyệt vời, đúng không, Katharine?”
“Vâng, và hè rồi là hè tuyệt nhất em từng có trong đời.”
“Tôi hiểu,” Stuart đáp. “Trò chắc trò không muốn bán cái gối nhỏ đó chứ?”
Katharine lắc đầu.
“Không thể trách trò được,” Stuart lặng lẽ đáp. “Mùa hè là quan trọng. Nó như một tia nắng.”
“Hay như một nốt trong bản nhạc,” Elizabeth Acheson nói.
“Hay như mùi gáy trẻ con khi mẹ nó giữ nó được sạch sẽ,” Marilyn Roberts nói.
Stuart thở dài. “Chớ bao giờ quên những mùa hè, các trò thân mến,” nó nói. “Chà, tôi sắp phải đi thôi. Thật vui được biết tất cả các trò. Lớp được nghỉ.”
Stuart sải bước nhanh ra cửa, trèo vào trong chiếc xe hơi, và vẫy một cái vẫy tay cuối cùng, nó lái thẳng theo hướng Bắc, trong lúc bọn trẻ con chạy à à một bên xe và gào lên “Tạm…biệt, tạm…biệt, tạm…biệt!” Chúng thảy đều muốn ngày nào cũng có một người dạy thế, thay cho cô Gunderson.
[12] Nguyên gốc là rhinestones, kim cương giả hoặc đá thạch anh sông Ranh, đọc gần giống renal stones, sỏi thận. Tổng Giám thị nói nhầm.
Nhắt Stuart Nhắt Stuart - E.b.white Nhắt Stuart