Chương 12
hi đầu óc đã trở lại bình thường và suy nghĩ được, Maggy tự hỏi không biết nàng sẽ xoay sở ra sao nếu không có Nanny Butterfield giúp đỡ trong những ngày vừa qua. Người đàn bà Anh dễ thương đó đã đảm đương mọi việc trong khi Maggy đần độn, tê liệt bởi nỗi đau buồn.
Nanny Butterfield đã tìm viên quản lý tàu để đổi tiền phrăng của Maggy ra đô la và đã nhờ ông ta giới thiệu nơi nghỉ. Họ ở hai buồng thông sang nhau tại khách sạn Dorset và với sự giúp đỡ của người thầy thuốc ở đây. Nanny đã đặt Maggy vào giường. Trong những ngày tiếp theo bà đã như một người mẹ trông coi nàng, ép nàng ăn chút ít để lấy sức và ngồi đợi cho đến khi thuốc ngấm và Maggy thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề.
Buổi sáng thức dậy, Maggy đau đớn đến nỗi không thể nằm trong chăn thêm một giây. Rùng mình trong chiếc áo ngủ mỏng, nàng đứng trước gương trong buồng tắm, hoảng sợ vì thấy mặt mình đầy những dòng nước mắt, cho đến lúc có đủ sức để chải răng và rửa mặt.
Mặc quần áo đối với nàng là một điều không thể làm được và cả một tuần lễ nàng chỉ toàn bận váy ngủ hay áo dài trong nhà, đi đi lại lại trong căn phòng ngột ngạt. Trong nhiều giờ liền, buồng che màn kín, đèn đầu giường bật sang, Maggy vừa đi bách bộ vừa run rẩy, co ro. Nàng có cảm tưởng là nếu dừng lại, nàng sẽ chết vì đau buồn. Nàng sợ nằm vào giường và chỉ ngủ khi quá mệt.
Mỗi ngày Nanny dắt Teddy đến với nàng ít phút. Maggy bế con và ôm chặt nó vào mình. Nhưng Teddy đang đầy sức mạng, vùng vẫy để chạy đi chơi phố. Trông thấy con là điều duy nhất sưởi ấm một chút tâm hồn nàng. Nàng như một người trượt tuyết đang bay lượn trên một hồ nước buốt giá. Chết đuối... chết đuối. Nhưng Teddy đang ấm nóng. Nàng không được chết đuối vì Teddy còn đó, còn đang ấm nóng.
- Chúng ta có trở về Paris không, thưa bà? - Nanny Butterfield hỏi.
- Ta còn bao nhiêu tiền?
- Khoảng ba trăm đô la, thưa bà.
- Tôi phải điện báo cho luật sư Hulot để ông gửi tiền cho đã. Ngay cả đến tiền mua vé về chúng ta cũng không còn đủ.
Sáng hôm sau, nàng nhận được điện báo trả lời.
Chia buồn thống thiết, ông Kilkullen không để lại một chỉ thị nào về những khoản tiền phụ có thể chuyển cho bà. Tôi đã được lệnh trả tiền thuê những người hầu và thanh toán các hóa đơn của bà mỗi tháng, chỉ có thế. Tôi đã chuyển hồ sơ cho luật sư ở New York của ông Kilkullen là ông Fairchlld 45 Broadway. Bà nên đến gặp ông ấy nếu bà cần giúp đỡ.
- Bà đọc cái này đi - Maggy chìa tờ giấy cho Nanny Butterfield. Nàng không giận dữ được vì quá sửng sốt.
- Ông ta phủi tay, không cần biết những gì có thể xảy ra cho bà nữa, thế thôi - Nanny tuyên bố.
- Tôi sẽ đến gặp cái ông Fairchild ấy - nàng nói vẻ lãnh đạm.
- Vâng, càng sớm càng tốt... - Nanny nhìn Maggy xanh tái, mắt đỏ, mặt phị ra vì khóc nhiều - Sao bà không viết ngay cho ông ấy để hẹn gặp? Và hôm nay, thưa bà, bà cần mặc quần áo và đi chơi với Teddy và tôi. Công viên rất dễ chịu và cái đó sẽ làm cho bà khuây khỏa. Không khí sẽ tốt cho bà.
- Ồ, không, Nanny, tôi không thể đi.
- Có chứ ạ, cần thế - Nanny trả lời với quyền lực lặng lẽ của mình.
Ba ngày sau, Magggy được mời đến văn phòng của Louis Fairchild. Mỗi ngày, nàng đã chơi nhiều giờ với Teddy ở công viên và sáng nay nàng đã đến làm đầu ở hiệu của Ricard Block, lớn nhất ở New York. Nàng còn thoa một chút son môi nhân cuộc gặp gỡ này.
- Cám ơn ông đã bớt thì giờ để tiếp tôi - nàng nói với người đàn ông tóc hoa râm ngồi trước mặt.
- Xin mời bà... Tôi phải nói là tôi rất ngạc nhiên khi nhận được thư bà.
- Nhưng ông biết tôi là ai chứ ạ? - Nàng hỏi, lo lắng.
- Tất nhiên là thế, duy có điều là ông Perry khốn khổ đã không cho tôi biết là bà đến New York. Tôi rất buồn, đau lòng... Thật là một việc khủng khiếp. Tôi vẫn còn chưa tin được. Ông ấy trẻ thế...
- Thưa ông Fairchild, xin ông, ông hãy dừng lại, tôi không thể nói về việc đó. Tôi đến để ông giúp cho một lời khuyên. Đề nghị ông đọc tờ điện báo này và cho biết tôi có thể làm những gì?
Ông ta đọc chăm chú rồi lắc đầu.
- Tôi đã gợi ý cho ông Perry làm một tờ chúc thư. Tôi đã hàng trăm lần khuyên như thế, nhưng ông ấy đã bỏ qua. Như tất cả những người đang ở tuổi ấy, ông đã tưởng là còn nhiều thì giờ.
- Tôi không hiểu... Xin ông hãy nói giản đơn, địa vị của tôi là như thế nào trong trường hợp này.
- Địa vị của bà? Tôi sợ rằng bà không có một địa vị nào hết.
- Nhưng ông ấy đã sẵn sàng ly dị. Chúng tôi sắp sửa cưới nhau - nàng kêu lên.
- Khi chết, ông ấy hãy còn là chồng, thưa cô Lunel. Đứng về mặt pháp luật mà nói, bà không thể đòi hỏi gì vì ông ấy không để lại một tờ chúc thư nào.
- Nhưng Teddy, con của chúng tôi! Nó cũng không có một chút quyền nào, cả nó nữa? - Nàng hỏi, giọng hoài nghi.
- Tôi rất tiếc, nhưng không!
Louis Fairchild nghĩ rằng, nếu Mary Jane không đến nỗi ngoan cố và gay gắt thì ông cũng có thể yêu cầu một cái gì đó cho đứa bé. Nhưng, chính là do cái đứa con hoang ấy, bà ta đã nhấn mạnh, mà chồng bà đã chết trong tình trạng tội lỗi chết người, do cái con mụ người Pháp và đứa con hoang của mụ ấy.
- Nhưng ông ấy đã hứa với tôi...
Maggy ngừng lại. Cơn giận thốt nhiên chặn lấy họng nàng. Nàng nhìn thấy nàng đúng như đã hiện ra trước mặt ông, than thở như hàng triệu những người đàn bà ngu ngốc khác từ khai thiên lập địa đến nay. Những người đàn bà điên rồ, trẻ con, đã đặt lòng tin vào những người đàn ông, những sinh vật nhẹ dạ đã chiếm lấy cái mà họ thèm muốn nhưng quên phứt việc bảo đảm tương lai cho những người mà họ yêu thương. Những người đàn ông dối trá. Luôn luôn dối trá. Nàng đứng lên và nhìn ông luật sư lúng túng.
- Ông làm ơn, thưa ông luật sư, ông có thể nói cho tôi biết chính xác những gì thuộc về tôi không ạ?
- Tất cả những của cải cá nhân. Những đồ trang sức, những áo lông hay tất cả các thứ quà khác mà ông Kilkullen đã tặng bà. Một chiếc xe, có thể thế.
- Và căn hộ của chúng tôi ở Paris?
- Nó thuộc về của thừa kế. Nó sẽ được bán đi với tất cả những gì ở bên trong.
- Bán đi - Maggy nhắc lại với giọng bình tĩnh mặc dầu nỗi giận dữ của nàng - Tôi hy vọng là có người đã nghĩ đến trả công cho những người hầu.
- Luật sư Hulot đã viết cho tôi về việc này.
- Tôi hy vọng rằng họ sẽ được bồi thường vì bị đuổi ra ngoài mà không báo trước. Có lẽ việc đó là bình thường, phải không ạ?
- Bà sẽ làm gì? - Louis Fairchild hỏi.
Thật ra ông không muốn biết điều đó. Ông không muốn nghĩ đến tương lai của người đàn bà trẻ đẹp mê hồn bị tước đoạt hết tất cả kia. Nhưng có thể ông sẽ giúp nàng...
- Tôi cần suy nghĩ đã...
Maggy buộc lại quanh eo nàng chiếc áo măng tô lông cáo bạc và xỏ và đôi tất tay dài xám.
- Tôi có thể giúp bà bất cứ cái gì không?
- Có thể ông cho tôi địa chỉ một cửa hàng trang sức thực thà. Tôi nghĩ là tôi chỉ còn cách bán đi một phần những đồ trang sức của tôi - Maggy nói, giọng tự nhiên - Nếu không ngay cả đến tiền chi trả khách sạn cuối tuần tôi cũng không có.
Fairchild ngoáy một cái tên và một địa chỉ lên một tấm thiếp.
- Đây là cửa hàng nơi tôi vẫn mua đồ trang sức cho vợ tôi. Bà bảo là tôi giới thiệu đến. Bà nghe tôi... - Ông ngập ngừng lúng túng vì nói chuyện tiền nong với một cô gái đang ao ước đến thế... - Nếu bà cần tiền mặt, tôi vui lòng cứu nguy cho bà.
- Cảm ơn lòng tốt của ông, nhưng tôi chưa cần - nàng trả lời do một phản xạ tự ái. Nàng chưa đến nỗi ấy. Ít ra cũng chưa.
Louis Fairchild tiễn nàng đến tận thang máy rồi buồn rầu quay lại văn phòng. Thật rối ren! Chắc là nàng sẽ quay về Paris và sẽ tìm được một người chồng. Ông không thể chê trách Perry. Nếu bản thân ông có cái may mắn gặp một cô gái như Maggy Lunel, ông sẽ không bao giờ để cho nàng lại ra đi. Nhưng ông sẽ có cái khôn ngoan là làm một tờ chúc thư có lợi cho nàng.
Tối hôm ấy Maggy lọc ra những đồ trang sức của nàng. Nàng để riêng ra một số có một giá trị nào đó. Đống kia, to hơn nhiều, gồm những chiếc cặp và vòng đeo cổ mà nàng đã mua ở hiệu Chanel. Người bán hàng vẫn nói: "Bà đeo gì thì đeo, miễn không phải là đồ giả".
Mình có khá đồ trang sức để khỏi bị túng thiếu trong một thời gian nào đó, nàng nghĩ.
Perry rất thích dẫn nàng đến những cửa hàng kim hoàn khi họ dạo chơi phía quảng trường Vendome. Ông đề nghị nàng chọn mọt thứ gì để kỷ niệm cái vui trong lành ấy hoặc để mừng chiếc răng thứ bốn của Teddy.
Nàng bỏ riêng những hòn ngọc trai và chiếc vòng tay ưa thích ra và dồn chỗ còn lại vào một chiếc túi xách tay. Nàng không thể cho phép mình sống thiên về tình cảm và dù sao chăng nữa, nàng đã cắt đứt với những tình cảm.
Maggy không thể tha thứ cho nàng về tội ngờ nghệch. Từ buổi gặp Louis Fairchild, nàng có cảm tưởng là mình đã già đi nhiều. Nàng sẽ không bao giờ nữa, đặt lòng tin vào một người đàn ông. Điều tin chắc ấy sưởi ấm nàng, thúc nàng vươn dậy, làm cho nàng nhanh nhẹn lạ lùng. Ở tuổi hai mươi hai, thật lạ là người ta không còn tin vào một người đàn ông nào, dẫu người ấy mê mình hay không... Nhưng cái đó đã là một bài học mà nàng không thể quên. Chỉ nên phụ thuộc vào chính mình. Cái đó từ nay trở đi đã thật rõ ràng với nàng. Nước bẩn giá băng của mùa đông trong đó nàng đã vùng vẫy bắt đầu rút đi, để nàng ở lại trên đất khô ráo. Một mảnh đất khô cằn và ít niềm nở thật đấy, nhưng bớt đáng sợ hơn nhiều khi nàng đã hiểu ra là nàng chỉ còn có thể dựa vào chính mình. Nàng đã từng có lần ở vào hoàn cảnh ấy và nàng đã tiếp tục sống. Đấy là một mảnh đất quen thuộc.
Maggy nhìn mình trong gương. mày không còn chỗ nào để đi tới nữa, nàng tự bảo. Mày phải đi thẳng về phía trước. Nàng nghĩ ngay đến cách mà nàng sẽ ăn mặc để đi bán những thứ trang sức kia. Nàng sẽ mặc cái áo dài đen giản dị hết sức của hiệu Vippnet. Rồi cái áo măng tô đen hiệu Shiaparelli mốt tối tân nhất với những chiếc độn làm cho nàng có khổ vai đàn ông. Vừa khắc khổ, vừa lạ lùng, rất mới. Nàng bổ sung bộ y phục bằng một cái mũ dạ đen hiệu Caroline Reboux. Nàng có dáng một bà góa không? Rõ ràng trong màu toàn đen đó, nhưng không phải là một trong những bà góa đáng thương mà người ta lừa dối một cách dễ dàng.
Hôm sau nàng kiên quyết bước vào cửa hiệu Tiffany và tìm người bán hàng mà Louis Fairchild đã giới thiệu.
- Ở kia tôi có nhiều thứ nữ trang mà tôi đã chán - nàng nói bằng một giọng rất tự nhiên - Ông Fairchild đã gợi ý cho tôi là đến gặp ông.
- Bà muốn nói là để tôi mua lại cho bà? - Người bán hàng hỏi, ngạc nhiên.
- Tôi đã mua chúng ở Paris.
- Nhưng, thưa bà, ngay cả hàng của chính chúng tôi, chúng tôi cũng không mua lại. Đấy là đường lối của nhà hàng.
- Những cửa hiệu kim hoàn khác ở New York cũng có chung một đường lối ấy hay sao - Maggy hỏi, sửng sốt.
- Tôi sợ rằng thế, nhất là trong lúc này, thưa bà. Có không biết bao nhiêu các bà bán lại những thứ trang sức mà họ không còn thích nữa.
- A, được... Thật là đáng buồn điều mà ông vừa nói.
Nàng ngập ngừng, thở dài và liếc nhìn người bán hàng, một cái nhìn bằng khóe mắt, láu lỉnh.
Ông ta kín đáo ho.
- Có lẽ bà thử đến một cửa hiệu nhỏ xem sao. Một nhà kim hoàn khiêm tốn có thể dễ lay chuyển hơn. Họ không phải chịu trách nhiệm với ai và thường tìm những vụ có thể làm ăn được.
- Ông có thể giới thiệu cho tôi một cửa hàng được không? - Maggy hỏi với giọng uể oải khiến ngay lập tức người bán hàng muốn hạ thủ một con rồng để được lòng nàng.
- Giới thiệu? Không, thưa bà, bà yêu cầu tôi nhiều quá đấy. Nhưng có một cửa hiệu nhỏ ở góc phố, Đại lộ Madison, cách đây hai khối nhà. Đó là một cửa hiệu nhỏ và tốt. Ông chủ hiệu tên là Harry C.Klein. nhưng đây chỉ là một gợi ý, không phải là một lời giới thiệu, bà hiểu chứ ạ?
- Tất nhiên và tôi biết ơn ông về việc đó. Ông đã rất dễ mến.
- Tôi rất vui lòng. Bà là người đầu tiên tôi được tiếp hôm nay. Nhưng cơn hoảng sợ của phố Wall này không thể kéo dài. Khi mọi việc trở lại tốt hơn, xin mời bà đến cửa hàng chúng tôi. Tiffany.
Harry C.Klein đã trải qua một buổi sáng đáng ghét. Một bà khách lâu năm đến để thay khung một viên ngọc làm mà ông đã bán cho từ nhiều năm trước và đòi được xem làm việc vì sợ bị thay bằng một viên khác không có giá trị bằng. Ông tưởng đã muốn ném cái nhẫn vào mặt bà ta. Một mụ mắc chứng hoang tưởng thực sự. Mọi người đã trở thành điên rồ trong thời buổi này. Việc buôn bán lại tồi tệ quá mức có thể chấp nhận. Thợ trong cửa hàng cũng điên khùng. Thế mà lúc này ông lại có trước mặt một người đàn bà trẻ vừa mới đặt một đống đồ trang sức lên mặt quầy. Bà ta nghĩ ông là ông già Noel chăng? Không một người chủ kim hoàn nào biết tính toán lại chủ trương tăng kho dự trữ của mình vào lúc này. Ông nhìn những chiếc ghim dài, những chiếc vòng, những chiếc hoa tai và nhanh chóng đánh giá chúng.
- Đó là một mớ lộn xộn - ông thở dài.
- Một mớ lộn xộn? Tiếng Pháp, có nghĩa là linh tinh? - Nàng nói sững sờ.
- Với những người kim hoàn, cái ấy có nghĩa đơn giản là một mớ những hòn ngọc nhỏ - Với vẻ rầu rĩ, ông trỏ một chiếc cặp cài lớn gắn nhiều hạt kim cương. Bà thấy đấy, không có một hạt lớn nào.
- Nhưng những hạt lớn trông ngán lắm - Nàng thốt lên - Chỉ hợp với những bà công tước già đi dự Opera hay với những Dolly Sisters. Tôi, tôi thích đeo những đồ trang sức vui mắt.
- Vâng, nhưng chẳng may những thứ vui mắt lại không bán lại được - ông ta vừa nói vừa phất ngón tay trỏ dưới mũi. Vẻ răn bảo.
- Tôi đã không bao giờ mua đồ trang sức nhằm để bán - nàng trả lời nho nhỏ.
Nàng đẩy lui hình ảnh những bữa ăn trưa vui vẻ trong khu vườn của khách sạn Ritz, thường kết thúc bằng việc tìm một cách điên rồ gì đó nhấp nhánh trong tủ kính các hiệu kim hoàn. Hồi ấy, ngay cả trong những việc đó, nàng đã đần độn. - Perry có lẽ đã tặng tất cả những gì nàng muốn. Những chiếc vòng tay lớn bằng kim cương, những thứ mà nàng đã khinh bỉ gọi là những "vòng tay của bọn mới giàu".
- Thưa bà, đồ trang sức chỉ để bán khi người ta cần giữ chúng hàng năm mươi năm. Và ngay trong trường hợp đó, cũng là một trò may rủi... Tất nhiên là bà có thể khâu chúng vào gấu váy và rời khỏi đất nước, nhưng để đi đâu? Tôi, tôi nói là bán lại, chứ không phải là bán. Tôi nói chuyện thu được từ những đồ trang sức của bà một món tiền gần bằng số tiền bà đã bỏ ra để mua. Muốn thế, phải có những hòm đá to và thuộc loại tốt. Thà một viên hồng ngọc hai cara màu đẹp còn hơn hòn năm cara mà có khuyết tật.
- Nhưng ông hãy nhìn sự phức tạp của hình vẽ, công trình của người thợ kim hoàn - Maggy thốt lên, bực bội. Thì ra, tất cả những của cải của nàng là không giá trị gì? Người đàn ông này chắc là muốn bịp nàng.
- Công trình ở đây không đáng kể. Điều quan trong khi người ta bán lại một mớ lộn xộn, là trọng lượng của các viên đá và giá trị của những chiếc khung, thưa bà, tôi vừa mới mua trong một lần đấu giá một lô những hòn đá nhỏ như của bà, có thể là không đẹp bằng, nhưng dù sao cũng không tồi. Không lãi lời gì, bà hiểu cho, vì mất rất nhiều công tháo những viên ngọc ra. Tôi có thể trả bà một giá không đáng kể... dù sao chăng nữa tôi cũng không thể nhận giúp bà vì từ ngày khủng hoảng, không còn ai hỏi mua nữa.
Ông ta nhìn những viên ngọc, rồi lắc đầu, vẻ tiếc.
- Giá những viên ngọc của bà có thể bằng một gia sản, phải không? Tôi cuộc rằng chúng là từ Miến điện. Hiện nay những người Nhật đã học cách cấy, nhưng cái ấy thật ra chẳng liên quan gì.
Ông ta thở dài nhìn những viên ngọc tuyệt vời ấy mà chính Maggy cũng biết là không thể bán được.
- Vậy là - Maggy vừa nói vừa cũng thở dài - Tất cả những thứ này đều không đáng giá gì cả? Bubkes... Không đáng giá gì?
- Bubkes? - Ông ta nhắc lại, ngạc nhiên - Bà là người Do Thái ạ?
- Vâng, tất nhiên là thế. Điều đó có thể biến cái mới lộn xộn của tôi thành những hòn ngọc lớn chăng?
- Thật không may, không. Nhưng tại sao một người con gái Do Thái đẹp như cô lại không có lấy ít nhất một viên lẻ ngọc lam hay hồng ngọc? Cô chẳng tinh ranh cho lắm?
- Tôi đã không mấy tinh ranh - nàng chấp nhận, mỉm cười trước vẻ bất bình của ông ta.
Nàng cởi những chiếc khuy lớn bằng đồng và bỏ chiếc áo măng tô của nàng ra. Gian hàng nóng bức và hình như nàng mang vẻ là một bà góa hơn trong chiếc áo dài màu đen giản dị. Có thể là ông già ngũ tuần đáng mến này có cảm tình với những bà góa Do Thái chăng? Thà bán tống bán tháo mớ lộn xộn này đi còn hơn là không bán.
- Xin đợi một chút... Bà có cái gì kia? - Ông ta cầm lấy cổ tay nàng và ngắm nghía chiếc vòng đeo.
- Vẫn là một mớ lộn xộn - tôi nghĩ thế - và vài viên ngọc lục bảo.
- Những viên ngọc lục bảo này trông hay đấy. Bà tháo ra, tôi muốn xem kỹ hơn. Với sự vô tâm của bà, thế nào tôi cũng tìm ra khuyết tật của chúng.
Ông soi kính lúp để xem từng viên ngọc rồi trả lại chiếc vòng cho Maggy
- Những viên ngọc này đẹp, rất đẹp. Với những viên ngọc như thế này, tôi sẵn sàng làm một việc ngoại lệ.
- Ông muốn mua chiếc vòng tay?
- Vâng, và tôi sẽ trả bà cái giá hết sức đúng đắn. Bà có muốn định giá trước không? Bà sẽ hài lòng.
- Nhưng, thưa ông Klein, tôi không muốn bán riêng chiếc vòng. Tất hoặc không - nàng trả lời cụt ngủn - Chung một lô.
Maggy đeo vòng vào và cầm lấy áo măng tô.
- Bà đi đâu?
- Tìm xem có ai mua tất cả không.
- Bà đợi cho, đợi cho. Nếu bà bắt đầu đi một vòng các cửa hiệu, bà sẽ chẳng còn biết đâu mà lần. Chúng ta sẽ thỏa thuận, xin bà đừng vội.
Nàng nhìn ông ta, vẻ hoài nghi, nhưng rồi bớt căng thẳng. Dù sao chăng nữa, nàng cũng đã kiên quyết cho định giá những viên ngọc trước khi bán.
Cuối cùng, Maggy bán những đồ trang sức của nàng cho Harry C.Klein, và sau nữa, họ đã trở thành những người bạn. Ông biết câu chuyện buồn của nàng: David Lunel, một người chồng Pháp, đã đầu tư lớn ở Mỹ. Ông ta đã đến New York để đánh giá những sự mất mát của mình và đã chết trong một tai nạn ô tô. Nàng còn lại một mình với một đứa con gái nhỏ. Khi đưa nàng tấm séc mười hai nghìn đô la, mà ba phần tư là tiền bán chiếc vòng đeo tay, Harry C.Klein bảo nàng.
- Tôi chắc là bà sẽ trở về Pháp? Có thể mở một hiệu buôn nhỏ? Người ta có thể làm rất nhiều việc bằng số tiền như thế này trong lúc này.
- Tôi còn chưa quyết định.
Nàng thong thả đi ngược Đại lộ Madison, mê mải với những ý nghĩ của mình, tấm séc thận trọng luồn trong nịt vú. Nàng có đủ tiền để sống ở Paris, trong một khu phố khiêm nhường, trong bốn hoặc năm năm. Nhưng khi không còn tiền, thì nàng sẽ làm gì? Mở một cửa hiệu gì khi người ta không có một kinh nghiệm nào? Và nếu thua lỗ, trở lại không có một xu? Có thể nàng sẽ tìm một chân bán hàng trong một trong những cửa hàng, nơi nàng đã từng có thói quen tiêu tiền của Perry mà không thèm hỏi giá những thứ mình mua.
Nàng nhìn chung quanh mình. Trời rét ngọt, bầu trời xanh ngắt. Thành phố đẹp, hoạt động, đầy hứa hẹn, người ta cảm thấy ở đấy một sức sống mà, nếu so sánh, sẽ làm cho Paris trở thành một thành phố già cỗi, bó mình trong những truyền thống không mấy hấp dẫn. Tại sao không ở lại đây, nơi mà nàng là bà Lunel, một bà góa, hơn trở về một đất nước, nơi mà quá nhiều người biết rõ hoàn cảnh của nàng. Rất kích động, nàng quay ngoắt lại và trở lại hiệu kim hoàn.
- Muộn quá rồi, không thay đổi ý kiến được nữa. chúng ta đã thỏa thuận và tôi đã trả giá đúng đắn - Ông Klein tuyên bố khi thấy nàng ùa vào cửa hiệu của mình, mắt sáng lấp lánh.
- Tôi phải tìm được việc làm. Ở đây, ở New York. Tôi không trở về Pháp, tôi đã quyết định.
- Bà đã không hề làm việc trong đời bà, làm thế nào mà hi vọng có việc được?
- Tôi đã từng là người mẫu.
- Loại người mẫu gì?
- Cho... những họa sĩ vẽ mốt.
- À, được! Bà đã không nói với tôi điều ấy - Ông ta chăm chú nhìn nàng. Đó là một cô gái can đảm đầy sức hấp dẫn. Nàng xứng đáng được giúp đỡ.
- Tôi có một người bạn cũ làm trong ngành thời trang. Chúng tôi chơi Pô-cơ với nhau mỗi tháng hai lần. Đó là một người Ý. Khi còn nhỏ, chúng tôi đã cùng chơi bóng chày trong những vùng ngoại ô thành phố. Alberto Bianchi. Ông ta đã làm ăn rất khá. Tôi sẽ gọi dây nói xem ông ta có thể giúp gì cho bà không.
Ông vào phía sau cửa hàng để gọi dây nói rồi trở lại, vẻ phấn khởi:
- Có thể ông ta sẽ nhận bà... có thể. Một cô mẫu của ông ta đã chuồn đi với chồng của một bà khách tốt nhất của họ. Bà hãy đến đấy ngay. Lúc này những chỗ làm rất quý. Đây là địa chỉ của ông ta - ông nói và hôn vào má Maggy, một chiếc hôn mang lại may mắn.
Khi đến cửa hiệu Bianchi, 55 phố Đông, tinh thần của Maggy cũng bị kích thích. Các cửa đều bằng kính màu khói và không có một chiếc tủ kính nào ở mặt trước, tuyền những hòn gạch phủ lớp gỉ đồng của một ngôi nhà riêng sửa theo lối mới.
Trong phòng lớn, lần đầu tiên từ ngày đến New York, nàng cảm thấy như ở nhà mình. Nàng đứng một lúc, yên lặng. Đó là không khí quen thuộc của những hiệu may quần áo nữ. Nàng nhận ra những tiếng động: tiếng người sau cửa những buồng thử, tiếng những phụ nữ bán hàng trầm tĩnh, kính cẩn, tiếng các bà khách: độc đoán, kiêu điệu. Và rồi, các mùi sữa: một mở hòa trộn những mùi khác nhau và mùi thuốc lá.
Patricia Falkland, một phụ nữ trung niên rất đẹp, mặc một bộ quần áo nữ lịch sự, đang ngồi sau bàn giấy, trên đặt một chiếc bình cao cổ chỉ cắm một bông hồng trắng. Bà đã làm việc với Alberto Bianchi từ bảy năm nay. Hoạt động của bà là giám sát công việc của những người bán hàng. Bà không bao giờ làm thay những người này mà chỉ góp những lời khuyên khi các bà khách lưỡng lự. Rốt cuộc, bà ta trông coi mọi vấn đề thuộc về nhân sự trong cửa hàng. Một cái liếc mắt đủ để bà đáng giá khách hàng. Bà biết rằng người đàn bà lù đù, đứng tuổi, vợ một nhà sản xuất sữa quan trọng ở Chicago kia sẽ tiêu hàng nghìn đô la để may mặc cũng như bà nhận ra ngay những phụ nữ của xã hội khá giả, ăn mặc theo mốt mới nhất, thở ra sự sang trọng nhưng không bao giờ bỏ tiền ra mua sắm gì.
Khi Maggy vào, Patricia Falkland huýt lên một tiếng ngưỡng mộ. Ít người đàn bà đã gây được phản ứng ấy ở Patricia. Maggy là hiện thân cho một lý tưởng không bao giờ đạt tới được của những người đàn bà giàu có nhất. Theo thói quen, Patricia Falkland nhận ngay ra tất cả những chi tiết trong y phục của Maggy, từ đôi giày tuyệt vời cho đến chiếc mũ nhỏ hình sao vui mắt. Bà biết là nàng đã may mặc ở một hiệu may rất lớn ở Paris. Người ta tha hồ mà cong lưng xuống để cóp cho được mẫu vải, kiểu may và những chiếc khuy, nhưng toàn bộ thì không thể nào bắt chước. Bọn đểu giả ấy đã làm như thế nào? Bà thêm một lần tự hỏi. Bà luôn luôn tự đặt câu hỏi ấy mỗi lần thấy sản phẩm của ngành cắt may những hàng sang trọng của Paris và bà vẫn chưa thể nào trả lời.
Trong một giây, không người nào trong hai người cất tiếng. Maggy nhìn chung quanh nàng. Cuối cùng, Patricia Falkland đứng dậy và tiến đến Maggy với vẻ tôn kính.
- Tôi có thể giúp bà, thưa bà? - Patricia hỏi với nụ cười dành cho những khách hàng quý nhất của bà.
- Tôi hy vọng thế - Maggy đáp.
- Xin mời bà ngồi, tôi sẽ gọi ngay một cô bán hàng.
- Không, xin khỏi phiền bà. Tôi tìm việc làm. Thấy nói ở đây đang cần một người mẫu.
- Việc làm? - Patricia nhắc lại, sửng sốt.
- Tôi nghĩ là ở đây tìm một người mẫu...
- Nhưng, không thể thế được! - Patricia trả lời, cụt ngủn.
Sao mà người đàn bà ấy ăn mặc như thế, dám vào phòng khách, dáng vẻ như một bà khách mà lại là tìm việc. Thật không thể ngờ. Bà chưa hề thấy một sự táo tợn nào như vậy. Cáu kỉnh vì đã bị tẽn, bà nghiêm khắc nhìn Maggy. Nàng bình tĩnh giải thích:
- Ông bạn tôi, Mr Harry Klein đã bảo tôi là cửa hàng Bianchi cần một người mẫu. Ông Klein đã gọi dây nói cho ông Bianchi cách đây chưa đầy ba khắc đồng hồ. Tôi đã đến ngay đây.
- Ông Bianchi cần một người mẫu chuyên nghiệp chứ không phải nghiệp dư. Chúng tôi trả ba mươi nhăm đô la mỗi tuần. Số tiền ấy khó mà đủ để mua một chiếc giày của bà. Và những cô người mẫu của chúng tôi làm việc cật lực... hoặc ra cửa. Không phải là vấn đề mướn một người không có chút kinh nghiệm ào.
- Đề nghị bà để tôi làm thử - Maggy nài. Bà này, nàng nghĩ, đâu dứt bỏ được mình dễ dàng đến thế. Mình đâu còn là một cô bé nhút nhát đã không dám cởi bỏ chiếc quần cụt - Ông Bianchi đã nói với ông Klein là ông cần...
Patricia ghi nhận sự ngang ngạnh của Maggy. Đã nhiều năm nay, bà không hài lòng về tình cảm nơi ông chủ của bà vẫn tiếp tục chơi pô cơ với những người bạn cũ, nhưng bà biết rằng ông rất coi trọng việc đó. Bà hiểu rằng sẽ chuộc lấy phiền nếu tống khứ Maggy.
- Xin theo tôi - bà đột nhiên nói - Nhưng chúng ta sẽ mất thì giờ.
Bà trèo lên vài bậc và đưa Maggy vào một gian trống, nơi những kiểu thời trang mới của Pháp được treo trên mắc áo, gần các bàn trang điểm của các cô người mẫu. Bà lấy một chiếc áo dài mặc tối bằng xa tanh trắng cắt chéo vải và hở cổ ở cả hai bên đến mức khó mà phân biệt được đâu là trước, đâu là sau. Với cái áo xếp nếp từ hông đến đầu gối ấy, có thể nói đấy là cái áo khó mặc nhất, Jeanne Lanvin đã sáng tạo ra. Bà đưa chiếc áo cho Maggy không nói một lời và quay về sau bàn giấy.
Bà vẫn còn đang nghiền ngẫm nỗi tức giận của mình thì Maggy hiện ra phía trên những bậc thang, choàng một chiếc áo choàng da lông chồn mà nàng đã thấy treo trên mắc. Tóc nàng màu hung, lúc này hơi dài hơn trước, làm thành như một làn sóng ngang tai. Nàng bước như lướt, không chậm quá, không nhanh quá, một kiểu bước có tính toán để người xem có thể nhận ra những chi tiết của chiếc áo. Mắt nàng nhìn cố tình xa xôi, làm nản mọi ý muốn gần gũi cá nhân.
Đừng nhìn tôi, hãy nhìn cái mà tôi đang mặc, nàng như nói vậy, và nếu cái áo này hợp ý bạn thì nó là của bạn. Tôi, vai trò của tôi là làm cho bạn mơ mộng, tôi không tồn tại, nhưng những bộ quần áo này có tuyệt vời không? Tôi lấy làm tự hào mang chúng, dẫu chỉ là trong vài phút.
Maggy đi ngang qua phòng lớn. Patricia Falkland lạnh lùng quan sát nàng, nhận ra nàng đã tìm được một đôi dép bằng xatanh trắng, chắc là trong tủ của một cô người mẫu. Nhưng bất cứ ai, dẫu là một người đàn bà dơ dáng đi nữa, cũng có thể gây hiệu quả khi khoác áo lông chồn. Tất cả các cô người mẫu của Bianchi đều tranh nhau mang cái áo ấy. Việc thử là dùng mánh khóe và không gây ấn tượng.
Maggy xoay mình phía trước bà và trở lại cầu thang. Ở đó, nàng cởi áo khoác và cầm hờ hững nó trong tay, để lộ ra chiếc áo dài bằng xatanh trắng, lúc này chỉ riêng vì nó ở trên cơ thể nàng, trở nên tuyệt đẹp.
Maggy đã gài một chiếc cặp bằng thủy tinh giả ngọc của Chanel ở trước ngực chiếc áo hở cổ và một chiếc khác ở sau lưng. Chưa ai được trông thấy cái đó ở New York. Nàng đi một vòng gian nhà với một nụ cười nhẹ tênh, nụ cười làm cho các nữ khách hàng không nén được ý muốn mang chiếc áo ấy. Nàng không nhìn Patricia Falkland để dò xem bà có tán thưởng hay không nhưng nếu nàng liếc nhìn bà, hẳn sẽ thấy một khuôn mặt cau có với đôi môi mím lại.
- Ai đấy? - Một giọng đàn ông hỏi.
Patricia Falkland giật nảy mình, còn Maggy, điềm nhiên, vẫn đợi, hiến dâng trước con mắt mọi người, nhưng vẫn giữ một khoảng cách.
- Đây là người muốn làm việc cho hiệu ta, thưa ông Bianchi, nhưng tôi nghĩ là khó đạt - bà trả lời.
- Theo tôi, Patsy, bà cần phải mang kính đấy! Tên cô là gì, cô gái?
- Magali Lunel - nàng trả lời với một nụ cười làm sa địa ngục tất cả các ông thánh trên trái đất - nhưng trong nghề, người ta gọi tôi là Maggy.
- A, cô là cô gái ông Harry đã giới thiệu với tôi à? Tôi không ngờ... Khi nào cô có thể bắt đầu làm việc?
- Khi nào ông cần. Ngày mai, nếu ông thấy tiện.
- Tại sao không ngay từ bây giờ? Patsy, đúng dịp bà Townsend đã gọi dây nói đến. Cuối cùng bà ấy đã quyết định đi bãi biển Palm. Bà ấy cần những áo dài mới cho các tối dạ hội ở công viên Tuxedo và chúng ta đang thiếu người.
- Tôi có thể bắt đầu ngay từ bây giờ - Maggy tuyên bố.
Sau mấy giờ trình bày một tá áo dài, một bộ quần áo nữ và áo măng tô cho bà Townsend, Maggy trở về nhà mình. Công việc ấy mang lại cho nàng ba mươi lăm đô la mỗi tuần. Hết sức sung sướng, nàng nghĩ là nàng đã có hai con chủ bài quý báu để thành công trong nghề này! Nàng đã tập được, khi làm mẫu cho các họa sĩ, cởi quần áo ra rất nhanh và trong hai năm nàng đã nhiều lần tới những hiệu may nữ nổi tiếng nhất ở Paris và đã dự xem nhiều cuộc trình diễn. Nàng có thể bắt chước không khó khăn những cô người mẫu. May thay, nàng có thể vẫn giữ Nanny Butterfield ở lại với mình.
Người Đàn Bà Vùng Gió Người Đàn Bà Vùng Gió - Judith Krantz Người Đàn Bà Vùng Gió