Phần II - Chương 11
abu, jabu, jabu, jabu.
Âm thanh nào ngân vậy?
Đó là tiếng chuông đấy.
Jabu, jabu, jabu
Giọng nói nào vang vang?
Đó là giọng quỷ đấy”.
Chị hát như thầm thì với mình, nhắc đi nhắc lại không biết mệt mấy câu ấy trong khi thay lu nước.
Khi bài hát dứt, tiếng vo gạo vẳng đến tai anh. Anh thở dài nhè nhẹ, giở mình chờ đợi, người nặng trình trịch. Một lát sau, chị bưng một chậu nước đầy vào, chắc là để tắm rửa cho anh. Da anh phồng lên vì cát và mồ hôi, rất rát. Anh nằm đấy, đầu đắp chiếc khăn bông ướt lạnh.
Anh nằm liệt giường sau ngày bị ngất đi trên cát. Hai hôm đầu anh sốt gần bốn mươi độ, nôn mửa liên tục. Nhưng ngày thứ ba, cơn sốt giảm, anh ăn đã thấy ngon. Nguyên nhân chính có lẽ không phải do vết thương vì trận cát lở mà là do anh không quen làm việc lâu dưới nắng.
Cơn sốt cũng không nặng lắm, có lẽ vì thế mà anh chóng khỏi. Đến ngày thứ tư, chân và phần thắt lưng của anh hết đau. Sang ngày thứ năm ngoài vài chỗ sây sát còn thì không có gì đáng ngại cả. Tuy thế anh vẫn nằm lỳ trên giường làm ra vẻ ốm nặng, tất nhiên có lý do và tính toán hẳn hoi. Không một phút nào anh quên dự định trốn khỏi đây.
Chị rụt rè hỏi: “Ông đang thức đấy chứ?”. Anh hé mắt nhìn, thấy quần làm việc của chị rách bươm, lộ cả đầu gối. Anh chỉ trả lời chị bằng một tiếng rên rỉ. Vừa từ từ vắt nước khỏi cái khăn mặt vào cái thau đồng cũ, chị vừa hỏi:
- Ông thấy trong người thế nào?
- Ờ... có khá hơn một chút...
- Ông có muốn lau lưng không?
Từ hôm bị ốm anh không thấy khó chịu mấy về sự chăm sóc của chị đối với anh. Anh nhớ mang máng đã đọc một bài thơ về một đứa trẻ bị sốt nằm mơ thấy mình được quấn trong một tấm giấy lụa trắng mát lạnh. Làn da ram ráp cát của anh bỗng nhiên lại mát mẻ và sạch sẽ. Hơi hướng từ cơ thể của người thiếu phụ choán lấy khiến anh đê mê.
Tuy vậy anh không thể bỏ qua tất cả cho chị được. Cảm xúc dậy lên trong anh khi ở bên chị là một chuyện, nhưng việc chị làm lại là chuyện khác, và anh phải phân biệt rõ như vậy, ít ra vào lúc này. Ba ngày nghỉ của anh đã qua hẳn rồi. Không ích gì mà quẫy cựa nữa. Kế đầu tiên là làm giảm bớt độ dốc của bức tường cát bằng cách bới bớt cát đi đã không thành vì không chuẩn bị tốt cũng như nhiều nguyên do khác. Nếu anh không bị cảm thì công việc đã tiến triển tốt. Nhưng việc đào cát vất vả hơn là anh nghĩ. Anh phải tìm phương pháp có kết quả hơn và vì vậy anh rơi vào trận ốm giả này.
Khi trấn tĩnh lại, anh thoáng thấy bất bình vì phải nằm lại nhà người phụ nữ này trong khi đau ốm. Rõ ràng là dân làng chẳng thương xót gì anh. Anh biết điều đó, song anh có quan điểm riêng của mình. Họ đã coi thường việc anh ốm và không chịu mời bác sĩ đến. Anh sẽ làm cho họ phải ân hận. Anh sẽ ngủ suốt đêm khi chị làm việc và ngược lại ban ngày khi chị cần nghỉ, anh sẽ quấy rầy chị bằng cách rên la thật nhiều.
- Thế ông đau lắm à?
- Tất nhiên rồi. Có thể bị trẹo cột sống.
- Để em xoa nắn cho nhé.
- Thôi đi, trời ơi! Tôi không chịu được bàn tay xoa nắn của một lang băm đâu. Thần kinh xương sống là hệ trọng. Nếu tôi mà chết thì mấy người sẽ làm gì? Mấy người sẽ gặp rắc rối cho coi. Hãy mời bác sĩ đến ngay. Bác sĩ! Ôi, đau quá. Tôi không thể nào chịu được cơn đau này. Nếu chị không mau mau thì sẽ chậm mất.
Chị sẽ nhanh chóng kiệt sức vì không thể chịu đựng được sự căng thẳng như thế này mãi. Khả năng làm việc của chị sẽ giảm đi, từ đó sự an toàn của căn nhà này cũng bị đe dọa. Điều này còn có tầm quan trọng không nhỏ đối với dân làng nữa. Chẳng những không có thêm người giúp việc, họ đã tự chuốc lấy sự phiền toái vào mình. Nếu họ không thả anh ra, chưa biết điều gì sẽ xảy đến với họ.
Nhưng điều này cũng không diễn ra trôi chảy như anh dự đoán. Ở đây ban đêm bận rộn hơn ban ngày... Nào là tiếng xẻng xúc cát nghe thấy qua bức vách, tiếng thở của người phụ nữ... tiếng huýt sáo và la ó của bọn đàn ông lúc kéo mấy thùng cát lên... tiếng xe cút kít ba bánh lắng xuống trong gió... tiếng chó sủa từ xa vọng lại. Anh càng cố chợp mắt bao nhiêu thì lại càng bực bội bấy nhiêu, và thế là anh thức trắng đêm.
Khi anh mất ngủ ban đêm thì ban ngày anh không thể nào chợp mắt... Một tuần lễ trôi qua. Có lẽ bây giờ đang nổi lên vấn đề phải điều tra về anh. Ba ngày đầu là ba ngày nghỉ phép năm của anh. Nhưng sau đó không ai biết vì sao anh vắng mặt. Các bạn đồng nghiệp của anh, những người rất nhạy cảm về chuyện riêng của người khác chắc chắn sẽ không bỏ qua mà không dò hỏi nguyên nhân tại sao.
Sự biệt tích của anh có phải do tình cờ không? Không. Nếu là một tai nạn thì thế nào cũng phải có một mẩu tin về anh. Nếu không thế thì hẳn đây là một vụ tự tử? Trong trường hợp đó thì không đời nào! Đừng đánh giá quá cao cái thằng cha điên khùng đó. Phải, thật thế, hắn biến mất chỉ vì hắn muốn thế; chẳng cần thiết tra hỏi thêm nữa làm gì. Nhưng đã gần một tuần lễ rồi. Hắn đúng là một kẻ hay phao tin đồn làm hốt hoảng. Quả thực không biết là hắn đang nghĩ gì nữa.
Không chắc là họ thành thực băn khoăn về hắn, song ít ra sự tò mò thắc mắc của họ cũng là một cái gì đáng kể. Kết quả là chính ông hiệu trưởng sẽ đến đồn cảnh sát hỏi về thủ tục làm cách nào để xin cho mở cuộc điều tra. Phía sau bộ mặt nghiêm trang của hắn chứa đựng một niềm sung sướng khôn tả đang sôi lên trong lòng hắn. “Tên họ: Niki Jumpei. Tuổi: Ba mươi mốt. Chiều cao: Một thước sáu mươi lăm phân. Cân nặng: Sáu mươi ba cân. Tóc: Hơi thưa, chải lật ra phía sau; không bôi dầu. Thị lực: Mắt phải 20/30; mắt trái 30/30. Màu da: ngăm ngăm đen. Hình dáng: Mặt dài, mắt hơi quắc, mũi tẹt và hếch, cằm vuông; không có đặc điểm gì khác ngoài một nốt ruồi bên dưới tai trái. Nhóm máu: AB. Đặc điểm: Nói khó nghe và hay lắp bắp. Ưa sống ẩn dật, bướng bỉnh, nhưng không phải không dễ thích nghi với xã hội. Quần áo: Có lẽ mặc theo kiểu một nhà côn trùng học trong lúc làm việc. Bức ảnh chụp cả khuôn mặt đính theo đây đã được chụp hai tháng về trước”.
Tất nhiên dân làng cũng đã lường trước một số phản ứng có thể xảy ra, do đó họ mới dám dấn thân vào cuộc phiêu lưu điên rồ này. Lừa gạt mấy gã cảnh sát nhà quê là một việc dễ dàng. Dân làng sẽ thận trọng không để họ đi lại điều tra này nọ. Song cái lối che đậy này chỉ cần thiết và có hiệu quả được ngày nào anh còn khỏe mạnh và có thể chịu đựng được công việc đào cát. Che giấu một người ốm nặng như anh cả tuần lễ nay quả chẳng phải đáng liều lĩnh đến thế. Nếu cho anh là vô dụng, họ nên thả anh ra trước khi vấn đề trở nên quá phức tạp. Ở điểm này họ có thể bịa ra một chuyện gì đó. Họ có thể nói rằng anh bị ngã lộn xuống hố và mê man bất tỉnh, và cái lối giải thích như vậy còn dễ được người ta chấp thuận hơn là chính anh sẽ tố cáo họ về tội giam cầm và bắt cóc anh.
Có tiếng gà gáy và tiếng bò rống rất to đâu đây. Ở dưới đáy hố không thể phân biệt được khoảng cách và phương hướng. Thế giới bình thường chỉ có ở bên ngoài, nơi trẻ con chơi đùa, đá sỏi dọc theo lề đường, và nơi mà gà trông gáy báo hiệu đêm tàn. Màu sắc của rạng đông đang hòa lẫn với hương thơm của mùi cơm chín tới... Chị xát mạnh lên người anh. Sau khi lau qua bằng một cái khăn bông ướt, chị vắt kiệt chiếc khăn đến cứng như gỗ, rồi kỳ cọ người anh như đánh bóng cửa kính. Cùng với những âm thanh buổi sáng, động tác kỳ cọ nhịp nhàng của chị đưa anh vào giấc ngủ thiu thiu.
- Từ hôm nọ đến nay cũng lâu rồi... Tôi muốn đọc báo. Chị xem có cách nào để xin họ một tờ không?
- Dạ... để em hỏi xem... lát nữa.
Anh hiểu rằng chị đang cố tỏ ra rất thành thật. Anh còn thấy là chị sợ làm anh mất lòng, căn cứ vào giọng chị nói không giống những hôm trước. Điều đó cũng làm anh khá bực bội. Liệu chị có hỏi xin họ tờ báo thật không? Anh có được quyền đọc báo nếu anh thích không? Anh đẩy tay chị ra vẻ trách móc, mạnh đến nỗi anh hất đổ cả chậu nước làm nước bắn tung tóe.
Giận dữ như vậy có khác nào làm lộ mọi chuyện. Một người đang ốm nặng không khi nào lại nóng nảy đòi đọc báo đến thế. Tất nhiên là anh muốn đọc báo lắm. Nếu không được ngắm cảnh thì ít ra cũng phải được xem những bức ảnh chụp phong cảnh. Hơn thế nữa, không chừng anh sẽ gặp may nếu đọc thấy những mẩu rao vặt về những người bị thất lạc. Hoặc biết đâu lại chẳng có một bài viết về việc mất tích của chính anh ở một góc nào đó trong những cột báo về các vấn đề xã hội. Tất nhiên, đời nào dân làng lại cho anh xem một tờ báo có đăng một bài như thế. Dù sao, kiên nhẫn vẫn là điều quan trọng nhất lúc này.
Giả ốm thực chẳng có gì là thú vị. Người ta không thể nào chịu đựng tình trạng này mãi được. Ngay từ hôm nay, bằng cách này hay cách khác, phải làm cho người thiếu phụ ấy không thể nào chợp mắt được. Anh vươn vai, ngáp một cái thật dài.
Người Đàn Bà Trong Cồn Cát Người Đàn Bà Trong Cồn Cát - Kobo Abe Người Đàn Bà Trong Cồn Cát