Chương 12: Những Đứa Trẻ Chuối
m trai tôi, các chị em gái của tôi và tôi, chúng tôi là những đứa trẻ “chuối”. Vàng bên ngoài, nhưng trắng bên trong. Tất cả đều sinh ra ở Pháp. Trăm phần trăm là kết quả của Cộng hòa Pháp. Chúng tôi không nói ngôn ngữ của cha mẹ. Tôi quên hết tiếng Việt mẹ đẻ, ngôn ngữ mà tôi đã học nói những từ đầu tiên.
Tôi hầu như không nói một từ tiếng Pháp nào khi đặt chân vào trường mẫu giáo. Trước đấy, tôi chỉ gặp người Việt. Thế nên với tôi, các bạn cùng lớp có mặt mũi kỳ quặc, mắt xanh to đùng, còn tóc lại vàng. Một lần, chúng tôi phải nắm tay nhau thành một vòng tròn. Cô giáo yêu cầu tôi hát một bài. Tôi định hát Quốc ca Việt Nam mà bà ngoại tôi đã dạy cho tôi. Nhưng cô giáo bảo tôi phải hát Frère Jacques[37]. Tôi nào biết Frère Jacques là bài nào. Cuối cùng, tôi cất tiếng bi bô vài câu bài hát Pháp duy nhất được cha mẹ tôi dạy cho ở nhà, một bài hát dành cho người lớn trong album của Brassens: “Khi nàng Margot cởi xu chiêng/ Ðể cho mèo bú tí”.
Cioran[38] nói: “Người ta không sống trong một đất nước mà sống trong một ngôn ngữ”. Cha tôi không bao giờ sống trong tiếng Pháp. Ngôn ngữ này làm hỏng hết tên riêng của cha, nó phức tạp tới mức cha phải bảo mọi người: “Hãy gọi tôi là Zum”. Chỉ sau này, tôi mới hiểu đó là cách cha Pháp hóa tên mình. Thế nhưng cái tên “Zum” chẳng có gì giống với tên thật của cha khi được phát âm đúng trong tiếng Việt. Tôi tự hỏi: Tại sao cha lại tự chọn cho mình một biệt danh nực cười như thế? Zum nghe như tên một con chó trong truyện tranh, Zum, bạn thân của chim cánh cụt T’choupi hay gấu Baloo. Tôi ghen với lũ bạn, cha chúng nó tên là Patrick hay Jean – sự ngắn gọn tuyệt vời của các tên riêng Pháp. Tên riêng của chúng tôi khó nhớ đến nỗi chúng tôi ngay lập tức bị rơi vào sự quên lãng của người khác. Còn cái tên riêng không giống ai của cha đã khiến cha trở thành một kẻ vô căn cước, không được coi là hiện diện trên đời.
Bản thân tôi cũng như bị lạc trong gia đình bên nội. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn nhầm lẫn các khuôn mặt và các tên riêng. Mẹ và các chị em gái của cha tôi mãi những năm 80 mới sang Pháp. Số còn lại chạy sang Mỹ. Thuyền nhân. Với tôi, đó là một từ hơi xấu hổ. Tôi còn nhớ những người bà con của cha tôi đổ bộ vào nhà tôi, đầu trùm ni-lông kín. “Ðể tránh chấy!”, mẹ tôi nói. Họ là anh em họ, bạn bè, cô dì hay người không quen? Chúng tôi gọi tất cả là “bác” và “cô” theo kiểu tiếng Việt. Tôi không phân biệt được ai là họ hàng, ai không. Tất cả họ đều là “dân tị nạn”, như người ta gọi họ lúc đó, chứ không phải là “nhập cư” như sau này. Tôi tự nhủ: Họ đâu dính dáng đến chúng tôi, chúng tôi là người Pháp thứ thiệt. Và tôi gán cho gia đình bên nội một cái mác thấp hèn: “Dân tị nạn”. “Dân ngoại quốc”.
Gia đình bên nội này, tôi chỉ gặp mỗi năm một lần, nhân dịp giỗ[39] ông nội tôi, người mà tôi chưa bao giờ biết mặt. Chúng tôi ăn trong phòng khách. Lũ trẻ gốc Việt lớn tuổi hơn chúng tôi một chút thì ngồi trong bếp: chỉ mãi sau này tôi mới biết đấy là anh chị em họ của mình. Tôi không bao giờ tự hỏi về sự bất lịch sự đó, tại sao họ bị đẩy vào chỗ đó, còn chúng tôi lại được ngồi cạnh người lớn. Về sau, tôi phát hiện ra lý do: cha tôi là con trai duy nhất trong gia đình bên nội, còn được coi là sếp trong nhà. Nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì trong phòng khách hôm đó. Ai cũng nói tiếng Việt, trừ chúng tôi. Chúng tôi như bị câm, cứ gật đầu rồi nhe miệng ra cười. Như thể đang xem một bộ phim của Uzbeckistan nhưng thiếu phụ đề. Tôi im lặng nhai. Phần lớn các món ăn đều kỳ lạ, giống món máu đông[40] mà cha tôi phát rồ phát dại. Tôi lao vào món bánh cuốn – một loại bánh kếp làm bằng bột gạo, thanh nhẹ như mây, có nhân bằng thịt lợn điểm mộc nhĩ, tôi tập trung tư tưởng và nuốt một cách có ý thức từng miếng bánh, để nước chấm tung tóe trong miệng.
Gia đình bên mẹ tôi có không khí thân thiện hơn. Tất cả đều nói được tiếng Pháp. Tôi tự hào về mẹ tôi vì khả năng nói tiếng Pháp “như người Pháp” của mẹ. Mà mẹ cũng có tên Pháp: Jeanne, dù nó không được ghi trong hộ chiếu của mẹ. Trong các gia đình miền Nam Việt Nam thì đó là chuyện thường. Trên ghế nhà trường, học sinh bản xứ nhà giàu ngồi cạnh con em thực dân, mỗi sáng tất cả đều hát Quốc ca Pháp, tiếng Việt bị cấm nói và được dạy như sinh ngữ thứ nhất. Tôi không biết tên riêng ghi trong giấy tờ hành chính của các dì các cậu đằng mẹ. Với chị em chúng tôi, họ bao giờ cũng là tonton[41] Paul, tata[42] Pauline, tata Yvette. Cậu út là người duy nhất giữ tên khai sinh, Ðông. Năm 1954, khi cậu vào Sài Gòn nhập học thì Ðiện Biên Phủ vừa thất thủ. Mùa thu năm đó, những binh đoàn cuối cùng của quân đội Pháp bỏ chạy và chỉ trong vòng vài tháng, một thế kỷ thực dân đã bị xóa sổ trên bản đồ Việt Nam: André đã trở thành Ðông.
Giống như chúng tôi, các anh chị em bên ngoại của tôi đều là “chuối” bên ngoài vàng, bên trong trắng. Vào các ngày cuối tuần, chúng tôi thường lên Paris chơi với họ. Paris ở đây nghĩa là các khu nhà cao tầng của phố Tàu quận 13 và siêu thị Á châu Tang Frères, đặc biệt là ngoại ô Les Ulis: ông bà ngoại tôi sống ở đó trong một khu chia lô với những con đường nhỏ mang tên các loài chim. Ngôi nhà của ông bà thường trực mùi nước mắm, đồ rán, dầu con hổ và hương, giấy dán tường in những bông hoa khổng lồ. Cũng như ở nhà chúng tôi, tôi nhìn thấy một bàn thờ bày những bức ảnh kỳ quặc, nhất là bức của ông cố, hoặc cũng có thể là của bà cố, bị chỉnh sửa biến dạng đến mức người ta có thể tin rằng đang thấy những đôi mắt không có mặt người trong bộ phim của Georges Franju. Bà ngoại tôi gõ mõ và đốt hương, tụng kinh mấy tiếng liền, quanh quẩn câu “nam mô a di đà fuck” – vâng, fuck, vì đó là cách người ta phát âm từ “phật” (Bouddha).
Chiều, chúng tôi ngồi xem vô tuyến – Say mê mạo hiểm, Người đến từ Atlantide, tôi giở bộ Reader’s Digest[43] của ông ngoại tôi ra. Còn bà ngoại tôi thì kể cho tôi nghe những câu chuyện bằng tiếng Việt mà tôi chỉ hiểu được một nửa trong lúc tôi bóp lưng cho bà bằng dầu con hổ.
Trong những ngày cuối tuần đó, cha mẹ tôi tranh thủ đi mua đồ ở siêu thị Tang Frères vì ở thành phố Le Mans nơi chúng tôi sống không thể tìm thấy thực phẩm Việt, bánh phở, nước mắm, dầu hào, rau thơm, không có gì hết. Một hoang mạc nơi cha mẹ tôi đang héo úa gầy mòn. Ðối với những người tha hương thì thức ăn thường là cách duy nhất để có thể cảm thấy chút không khí quê hương.
Mùa hè, chúng tôi tới La Grante-Motte, và giữa vũ trụ bê-tông mà chúng tôi từng coi như đỉnh điểm của duyên dáng kiến trúc ấy, chúng tôi vui mừng nếm mùi vị của biển, của kem Mỹ ba viên mỗi tối, những điệu đà trên bãi tắm, những buổi cắm trại với bánh mì kẹp lẫn cát biển. Chúng tôi nằm dài trên một đống khăn tắm, nhóm chúng tôi có lợi thế đông người, khoảng hai mươi đứa trẻ, dăm người lớn, tất cả đều mắt xếch. Ðiều đó đồng nghĩa với trẻ con thì nói to, xô đẩy, còn các bà mẹ thì thơm con theo kiểu Việt Nam, hít hà mùi của chúng như chó sói, và khi chúng lớn lên thì bày tỏ tình cảm bằng một cách rất kỳ quặc là lấy đốt ngón giữa cốc lên đỉnh đầu chúng. Có thể đó là một tập tục để xua đuổi ma quỷ. Có biết bao nhiêu tập tục như thế, như chiếc gương nhỏ treo trước cửa ra vào của nhà chúng tôi: “Ma quỷ nhìn thấy bóng mình là sợ phải biến ngay!”. Người Việt như thế đó, ồn ào, cười to, nói năng ầm ĩ, tiếng Việt tiếng Pháp lẫn lộn, thỉnh thoảng lại đệm một câu cảm thán: “Chết cha, chị quên mua chip khoai tây!!!”, hay: “Bọn mình bữa nay ăn quá trời quá đất!”. Họ nằm dài, bẻ khớp tay khớp chân răng rắc, ăn mận chấm muối và trêu chọc, cấu véo trẻ con chúng tôi, nhìn chằm chằm vào mặt chúng tôi và đôi khi tiếp chúng tôi bằng một câu không mấy dịu dàng, với một kiểu thẳng tưng rất Việt: “Trời ơi, trời đất quỷ thần ơi, sao hồi này con mập dữ vậy!”
Nhờ thức ăn mà cha tôi bám lấy quê hương đã thất lạc của mình. Mẹ tôi nấu đồ Việt cho cha và đồ Pháp cho chúng tôi. Buổi tối, cha thường về quá muộn để ăn cơm cùng với gia đình. Những món ăn mà cha thưởng thức với một tiếng thở dài dễ chịu dường như quá đặc biệt với chúng tôi.
Chúng tôi đã hòa nhập vào nước Pháp, những đứa trẻ “chuối” bên ngoài màu vàng, bên trong màu trắng. Chúng tôi nói tiếng Pháp, ăn cơm Pháp, tiêu hóa nước Pháp. Chúng tôi đi dạo trong siêu thị Leclerc như thể đi dạo trong một khu công viên giải trí, hồ hởi đẩy xe chất đầy sữa chua Mami Nova, phó-mát Babybel, phó-mát tươi trộn tỏi Boursin, khoai tây nghiền Mousline, sô-cô-la Trufon, khoai tây chiên McCain, thịt bò xay Charal, pizza Pai, hạt ngũ cốc Smacks… Chúng tôi muốn ăn như người Pháp. Chúng tôi, những kẻ đã quen với những quán ăn của phố Tàu có bàn tròn và một cái mâm gỗ quay tít ở chính giữa, tranh treo tường in hình thác nước lung linh và những con vịt quay treo ở tủ kính, chúng tôi mơ ước được đến các quán ăn của người Pháp, quán ăn giữa đường Courtepaille có mái lợp rơm giả, các quán bánh kếp theo kiểu Bretagne, các flammenkueche[44] theo kiểu Alsac. Mỗi khi đọc sách, tôi bị say mê bởi các món ăn, tôi nuốt nước bọt ừng ực trước các bữa tiệc trong truyện của Zola[45], rượu vang trắng, gà mái tơ, thịt rừng và nước sốt, thịt bê Marengo, bánh trứng phồng, đồ nguội nhồi, tôi tưởng tượng ra mùi vị thanh tao của món bánh rán nhân sữa và si-rô đào mà bà Fleurville dọn ra trong truyện của nữ công tước Ségur, và tôi bị thu hút bởi các sách dạy nấu ăn, mê những cái tên vang vang của các món ăn Pháp, ragu cừu non, trứng mimosa, tuyệt đỉnh gia cầm, gà cỏ nướng than.
Tôi muốn là người Pháp tới mức không sao chịu nổi khi bị đánh đồng với những người nhập cư khác, những kẻ nói tồi ngôn ngữ của Voltaire, những “fresh of the boat”[46] – dân mới sang, hay di dân gốc Bắc Phi, tất cả đều nhà quê[47]. Nhục nhã nhất là bị nhét chung một rọ với Hoa kiều mà trên vô tuyến người ta vẫn nhắc đến với nhiều ngờ vực (nhập cư lậu, mafia,…). Có một thời gian, tôi sống nhờ nhà cô ruột tôi trong một cao ốc ở quận 13 và tôi đã đâm ra ghét cay ghét đắng mùi nước mắm thấm đẫm bốn bức tường, túi vàng của siêu thị Tang Frères, biển hiệu sặc sỡ “Thiên điểu”, “Thượng uyển”, những ngày Chủ nhật ồn ào khi tất cả những gia đình gốc Á của nước Pháp và vùng Bắc Tây Ban Nha có vẻ như đang tụ tập tại đây, chen lấn mua cả núi gạo mì, nước mắm, rau cỏ. À không nhé, không bao giờ có chuyện tôi sống ở khu này, cùng bọn Tàu phù. Không, cám ơn, thà chết còn hơn, trời ơi, có chỗ nào xấu hơn khu này nữa không, xấu kinh hoàng. Và tôi mơ tới những căn hộ cổ kính kiểu Haussman có chỉ tường hoa văn nổi, bên cạnh là các quán bánh mì, cửa hàng phó-mát, tiệm bán rượu vang… Ấy thế mà như bị nam châm hút, cuối cùng tôi đã chuyển đến ở trong một cao ốc, ngay trung tâm khu Tàu, giữa những Hoa kiều cứ nhầm tôi là đồng hương. Cứ vài mét một tiệm Tàu, một tiệm tóc mang tên Jenny treo ảnh các ngôi sao màn ảnh Hồng Kông tóc xù, và một rừng biển hiệu sáng choang bằng tiếng Hoa đèn nhấp nháy như một casino của Las Vegas. Mẹ tôi rất phiền lòng về chuyện này. Trước khi tôi chuyển đến, mẹ tôi tới thăm căn hộ, gặp một hàng xóm da trắng, mẹ tôi gọi to: “Ðây đông người Hoa quá nhỉ!”. Người này bối rối nói: “Họ tốt bụng lắm, bà đừng lo!”. Mẹ tôi giải thích với tôi: Hoa kiều càng đông thì giá bất động sản càng hạ, bất động sản mất giá. Và mẹ tôi không phải là người duy nhất có suy nghĩ như vậy: ông hàng xóm gốc Hoa – Thái sống ở tầng 4 cũng lo về việc Hoa kiều xâm nhập và khu nhà của chúng tôi ngày trước dễ chịu hơn bao nhiêu, khi mà chỉ có dân Pháp.
A người Pháp…
Lúc còn nhỏ, khi chị em tôi cãi nhau với các chị em họ, ông ngoại mắng chúng tôi và dọa gọi “ông Tây”. Ông Tây là con ngáo ộp độc ác. Ông Tây – một ông đến từ phương Tây – tóm lại, đó là người Pháp. “Nếu con không ngoan, ông Tây đến giết đấy”. Giờ đây tôi nghĩ về tất cả những lần mẹ tôi nói “bọn Pháp”. Bọn Pháp thế này, bọn Pháp thế kia. Chúng tôi thở dài bảo mẹ: Ðừng nói “bọn Pháp” nữa được không, mình cũng là người Pháp đấy.
Bây giờ tôi đã làm mẹ. Các con tôi là những đứa trẻ lai. Nửa này, nửa kia. Ðầu gà, đít vịt[48]. Tôi ôm điện thoại nhờ mẹ tôi dạy cách nấu phở. Khi chúng phản ứng bằng cách cho bơ vào cơm như bà nội chúng, tôi bất giác thấy mình nói: “À, đừng. Bọn Pháp mới ăn kiểu vậy”.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng