Chương 11 - Bọn Denikin
à thế đấy, hãy cho Hồng quân
Kiếm nắm chắc trong bàn tay chai sạm
Rồi tất cả cùng không do dự,
Bước vào cuộc đấu tranh sống mái cuối cùng.
Vaska được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Trong tòa nhà viện Duma cũ của thành phố, giờ là trụ sở của khu đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Ukraina (ĐTNCSU), anh em công nhân đang họp.
Ngồi sau cái bàn phủ cờ đỏ trên sân khấu là chị Nadya mặc áo va-rơi bộ đội mới, chiếc thắt lưng da bộ đội bị khẩu súng lục nặng có vỏ da kéo xệ xuống. Cạnh chị là một anh chàng tóc đen mặc áo khoác. Mọi người gọi anh rất lạ, người thì “Chủ tịch đoàn”, người thì “Vanya”.
Ảnh Lenin treo tít sâu trong sân khấu được trang trí bằng những lá cờ đỏ thắm. Lenin mặc bộ quần áo giản dị, đội mũ cát-két công nhân màu đen, thắt ca-vát đốm trắng nhìn tôi mỉm cười. Căn phòng chật hẹp trở nên ấm áp, tươi vui do có ảnh Lenin với đôi mắt âu yếm của Người.
Vaska đứng trên sân khấu, bối rối mân mê chiếc mũ trong tay, dường như không phải chị Nadya, mà chính là ông Lenin kết nạp cậu vào Đoàn Thanh niên Cộng sản ấy. Chị Nadya vẻ nghiêm trang hệt một ông chánh án, nghiêm nghị hỏi Vaska bao nhiêu tuổi, bố mẹ là ai và cậu có thái độ ra sao đối với cách mạng.
Vaska trả lời.
Tiếp sau chị Nadya, các công nhân lên phát biểu và rất khen Vaska, nhắc lại chuyện Vaska đã bị hành hạ ra sao khi cậu còn làm ở lò than cốc.
Vanya Chủ tịch đoàn cũng phát biểu. Anh ấy kể lại chuyện Vaska đã đi dán truyền đơn chống lại bọn Đức và vì vậy đã bị bọn Đức bỏ tù ra sao.
Sau đó bác Mityai, chính ủy, cũng tới dự. Bác nói là mặc dù Vaska chưa đủ tuổi, nhưng cần kết nạp cậu vào Đoàn Komsomol.
- Đội ngũ của các đồng chí mạnh hơn vì được thêm một chiến sĩ nữa. Mặc cho giai cấp thống trị run sợ trước cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa. Trong cuộc cách mạng này giai cấp vô sản không mất gì ngoài xiềng xích của họ. Và họ sẽ được cả thế giới!
Bác Mityai nói thật là hay. Bây giờ mặc cho thằng Senka con lão hàng giò run sợ!
- Vấn đề đã rõ ràng, – chị Nadya nói. – Các đồng chí, chúng ta sẽ biểu quyết. Ai đồng ý kết nạp Vaska Rudnev, con em của giai cấp vô sản, vào hàng ngũ chiến đấu của Đoàn Thanh niên Cộng sản, đề nghị giơ tay lên.
Tôi ngồi xổm cạnh cái lò tròn và cũng giơ tay đồng ý Vaska. Chị Nadya trao cho Vaska một quyển sổ con. Bác Mityai lắc mạnh tay Vaska như lắc một người lớn, tất cả đoàn viên Komsomol ngồi trong phòng đứng cả dậy, cất tiếng hát:
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
Tôi cũng muốn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhưng người ta không kết nạp tôi vào Đoàn Komsomol. Chị Nadya bảo chỉ kết nạp vào Đoàn Komsomol những ai biết cầm súng. Làm như chị Nadya không biết tôi đã suýt bắn chết thằng Ilyukha. Thôi được, mặc cho đồng chí chỉ huy béo tai, mặc cho người ta cấm mon men tới gần vũ khí, nhưng liệu tôi đã biết bắn súng hay chưa đã nào? Nếu như không biết bắn thì đã chả bắn rồi…
- Em hãy đợi hai năm nữa, chúng tôi sẽ kết nạp. – Chị Nadya bảo tôi.
Mà điều đó lại đúng lúc Denikin đang tiến tới thành phố của chúng tôi. Bọn chúng đã chiếm được ga Karavannaya và đã tới gần thành phố, tôi đã tận mắt đọc được tấm áp-phích trên tường: “Tất cả mọi người đi đánh nhau với bọn Denikin”.
Chị Nadya quả quyết với tôi rằng không ai có thể lật đổ được Chính quyền Xô-viết. Chúng tôi sẽ cùng chiến đấu. Chẳng có lẽ Vaska lại không cho tôi bắn vào quân bạch vệ sao.
2
Với cảm giác sung sướng tôi cầm trong tay tấm thẻ đoàn của Vaska. Ngoài bìa có chữ in nổi “ĐTNCSU”. Có lẽ tôi sẽ hiến dâng tất cả những viên đạn của mình để được cuốn sổ như vậy! Chỉ mình Vaska hiểu được tâm trạng nặng nề của tôi.
- Vaska, cậu có biết thằng Denikin ở đâu ra không?
- Từ nước Anh. Vua nước Anh này mới lôi thằng Denikin ra. Hắn nói tao cho mày súng liên thanh, tao cho mày phi cơ, bay được trên bầu trời, tao cho mày đại bác, súng trường, mày phải giết hết bọn bôn-sê-vích.
- Chúng ta thật không may, – tôi bảo, – khi thì Kerensky, khi thì bọn Đức tới, lúc thì toán cướp, bây giờ lại thằng Denikin.
Vaska thở dài:
- Chúng mình phải giúp Hồng quân cái gì chứ. Nhất định phải giúp.
- Tớ biết cần giúp gì rồi, chúng mình đưa lựu đạn lại cho họ.
- Lựu đạn nào?
- Cậu không nhớ, chúng mình đã bắt được ở ngoài sông ấy à?
- Lựu đạn đó không còn tác dụng nữa, nó bị gỉ rồi.
Bỗng Vaska:
- Thế này nhé. Chúng mình sẽ trao lại những viên đạn đã thu thập được ấy. Cậu có bao nhiêu?
- Tớ có bốn băng. Ba với bốn là bảy. Bảy băng mỗi băng có năm viên, tất cả sẽ là bao nhiêu?
Chúng tôi đếm trên đầu ngón tay: ba mươi nhăm viên.
- Ít quá, – Vaska chán ngán.
- Giá lấy được của thằng Ilyukha, – tôi nhắc. – Thằng tóc hung ấy thu nhặt được cả một chậu giặt đấy.
- Nó lấy ở đâu ra?
- Ăn cắp. Cậu rõ thật, không biết thằng tóc hung sao?
- Phải đoạt lấy, – Vaska nói.
- Đoạt thế nào được một khi nó đem chôn hết cả xuống đất rồi.
- Cậu hãy nói là chúng mình bắt giam nó.
- Dù thế nào nó cũng không chịu nhả đâu! Cái thằng tham lam ấy!
- Thế thì hãy thắng nó. Cậu hãy tới và bắt nó chơi. Còn tớ, cậu phải tự hiểu, bây giờ tớ không thể làm như vậy được, dù sao tớ cũng đã là đoàn viên Komsomol.
- Thế nếu tớ bị thua?
- Không được, cậu rõ thật!
- Thế nhỡ không gặp may?
- Chỉ có bọn lười biếng mới không gặp may. Còn cậu phải tự nhủ: ta thắng – và chấm hết. Biết đâu chính những viên đạn của chúng mình sẽ giết đúng thằng Denikin, cậu hiểu chứ?
- Tớ hiểu.
- Đi chơi đi! Và nếu như xảy ra chuyện gì – ta sẽ đoạt lấy.
Tôi lấy đạn, rồi chạy đến nhà thằng Ilyukha.
- Chúng mình chơi nào? – tôi đề nghị thằng Ilyukha khi thấy nó bước ra khỏi cổng rào và ngồi xuống ghế dài.
- Chơi với mày chỉ mất thì giờ. Nhặt được mỗi viên đạn gỉ mà cũng gạ – chơi nào!
Tôi lôi trong ngực áo ra những băng đạn mới toanh. Mắt thằng Ilyukha sáng lên. Nó nhìn tôi vui vẻ như vớ được một món bở.
- Thôi được, nào chơi. – Nó đồng ý. – Nhưng không được bỏ đi đấy, tao chạy về lấy đạn cái đã.
Tôi nhòm qua khe rào thấy thằng Ilyukha ngoái lại xem tôi có theo dõi không, rồi nó nhanh nhẹn lẩn vào trong kho. Mãi không thấy nó ra.
Tôi bắt đầu lo: nó có sợ hay không? Nhưng nó đã quay ra và giơ cho tôi xem một băng đạn.
- Có một thôi à? – tôi cằn nhằn. – Thế mà khoác lác: cả một chậu!
- Cứ chơi được cái này đi, rồi sẽ thấy.
Tôi muốn thắng đến mức đã tưởng tượng ra mình là chủ tất cả tài sản quý báu của thằng Ilyukha. Cứ thử nghĩ xem, mang về cho Vaska được cả một chậu đạn.
Chúng tôi dốc những vỏ đạn cũ trong túi ra để xếp vào vạch. Chúng tôi không xếp đạn thật để khỏi làm bẹp và cũng để tránh nguy hiểm nữa: đạn có thể nổ tung khi bị va mạnh.
- Chúng mình sẽ đặt mấy viên? – thằng Ilyukha hỏi.
- Năm viên.
- Đặt vào.
- Còn mày?
- Không ngại, tao sẽ đặt.
Một hàng dài mười vỏ đạn dăng ra trước mặt chúng tôi. Chúng tôi đếm sáu bước, vạch một vạch ngang mà không ai được vượt qua, rút thăm xem đứa nào được đi trước. Tôi đã gặp may. Tay tôi run lên: Vaska bảo – nhất định phải thắng – nhưng bỗng bị thua thì sao?
Tôi vung tay.
Đồng cái đổ bằng chì nặng lướt trên những vỏ đạn, không trúng vào cái nào. Chỉ có một đám bụi mù bốc lên xa xa phía sau vạch.
Thằng Ilyukha bước một bước dài ngắm đích, rồi tiếng vỏ đạn đồng loảng xoảng vang nhói vào tim tôi. Thằng Ilyukha đã hạ đổ một lúc sáu vỏ đạn. Bắt đầu đánh những cái còn lại. Thằng Ilyukha lại hạ thêm ba cái nữa. Dù tôi đã cố gắng đến thế nào đi nữa, thằng Ilyukha vẫn hạ nốt chiếc vỏ đạn cuối cùng.
Thế là phải đưa cho nó cả một băng mới toàn đạn thật.
- Chơi nữa chứ? – thằng tóc hung chế nhạo.
- Chơi, chơi chứ. Đặt mười nào, – tôi bực tức đáp.
- Đặt vào!
Hiệp hai thằng Ilyukha cũng thắng. Tôi hồi hộp đến nỗi phải đánh tới năm lần mới hạ được có hai vỏ đạn.
- Nữa chứ? – thằng Ilyukha giễu cợt hỏi và nhét tất cả đạn của tôi vào trong ngực áo.
Tôi giận dữ đặt nốt vào vạch hai vỏ đạn cuối cùng. Bây giờ thằng Ilyukha sẽ hạ đổ chúng và thế là hỏng hết. Thế mà cũng gọi là giúp đỡ Hồng quân!
Tôi nhìn quanh xem Vaska có đi tới không. Nếu gọi cậu ta, thằng Ilyukha sẽ bỏ chạy mất.
Lại trúng vào lượt tôi được đi trước. Bây giờ cả tay lẫn chân cũng run bắn. Để bình tĩnh, tôi đặt đồng cái xuống một bên rồi thắt lại quần, mặc dù việc đó không cần thiết.
- Đánh đi, lề mề thế?
- Đợi tí, quần tụt.
- Sửa lại sau, đánh đi!
- Gớm, khôn chửa. Nhưng tao thấy vướng. Sao, tao không được quyền thắt lại quần à?
Tôi liếc nhìn về phía nhà một cách vô vọng, vẫn không thấy Vaska đâu.
Không gì có thể giúp được nữa: tôi lại thua. Tôi sẽ sung sướng được ném ngay đồng cái không phải vào những vỏ đạn, mà vào chính thằng Ilyukha, nhưng chả làm sao được: chơi là chơi.
- Tao sẽ mang thêm lại giờ nhé? – tôi nói, cố giữ cho khỏi khóc.
- Mang lại đây, mà nhiều vào, – thằng Ilyukha chế giễu. – Đạn rất có ích cho tao.
Tôi tìm thấy Vaska ở kho. Cậu vừa đổ chì vào vỏ đạn súng săn. Chì vẫn còn nóng bỏng.
- Vaska…
Tôi không còn nói thêm được một lời nào. Vaska nhìn tôi chằm chằm, cậu đã hiểu tất cả.
- Không may, Vaska, nhưng tớ biết làm sao được, – tôi cố tự bào chữa.
Vaska giận dữ, chụp mũ lên đầu, bỏ vào túi bốn băng đạn của mình, rồi giận dữ nói:
- Thế mà tớ lại định tặng cậu đồng cái mới.
Tôi chán ngán lê theo Vaska, còn cậu sải dài chân trên sân ra tới cửa rào, dáng vẻ quả quyết và hung dữ. Thằng Ilyukha đang ngồi trên ghế dài, nhổ phì phì vỏ hạt hướng dương ra xa. Thậm chí nó không thèm quay lại chỗ chúng tôi.
- Cậu thắng Lenka hả?
- Với nó thì ngay cả gà cũng thắng được.
- Chơi với tớ đi!
- Tớ không thích! Tớ sẽ chơi với Lenka.
- Nhưng tớ bảo cậu: phải chơi!
- Cậu không có quyền bắt.
- Lenka, cậu lột mũ nó ra.
Tôi chỉ đợi có điều đó và chộp luôn lấy mũ trên đầu thằng Ilyukha, giấu ra sau lưng.
- Trả mũ đây!
- Cậu chơi đi, chúng tớ sẽ trả lại mũ, – Vaska bảo nó.
- Thôi được.
Cuộc đấu lại bắt đầu. Bộ dạng Vaska hùng hổ, cậu giận dữ và khéo léo hạ đổ những vỏ đạn đồng đến nỗi thằng Ilyukha mất hết cả can đảm.
Nhưng lòng tham của nó không có giới hạn. Thằng Ilyukha không muốn rời những viên đạn đã bị thua mất và cứ mang ra hết băng này đến băng khác.
Bị thua, thằng Ilyukha trắng trợn tranh cãi, đòi bước thêm một chân lên khỏi vạch vì Vaska có chân dài hơn. Vaska đồng ý tất cả.
Song thằng Ilyukha lại đòi nhiều hơn. Nó đòi kỳ được Vaska phải đặt vào vạch hai viên chấp một viên của nó. Vaska cũng không tranh cãi.
Tôi đoán chắc Vaska sợ nhỡ thằng Ilyukha bỏ chạy, mà chúng tôi lại cần được tất cả đạn của nó.
Vaska đánh hầu như không cần ngắm và vỏ đạn bắn ra tứ phía kêu loảng xoảng. Tôi vất vả mới nhặt kịp. Tôi nhận thấy Vaska giận cả thằng Ilyukha lẫn tôi: chúng tôi đã bắt cậu ta phải làm cái việc vớ vẩn như trò chơi ăn đạn này.
Thằng Ilyukha tức tái mặt. Nó sẵn sàng gây sự đánh nhau và tố cáo Vaska gian lận. Vaska không tránh nữa lại đặt vỏ đạn vào vạch chơi và lại lia đổ lần thứ hai.
Tôi đã mang về nhà ba lần, mỗi lần mười băng đạn rồi mà cuộc đấu mới bắt đầu găng.
Đầu tiên thằng Ilyukha thua tất cả những viên đạn đầu tù của Đức, sau nó mang ra những viên đạn của Nga có đầu chì nhọn như ngòi ong, chính loại đạn chúng tôi đang cần. Vaska lấy những viên đạn của thằng Ilyukha trao lại cho tôi và nháy nháy mắt ý bảo: mang về nhà đi thôi.
Thằng Ilyukha bị thua sạch trơn: tất cả mười bảy băng đạn của Đức và hai mươi ba băng đạn của Nga chưa kể những viên đạn lẻ có tới vài vốc. Tôi đổ cả vào vạt áo mang về nhà.
Thằng Ilyukha chả còn gì để chơi nữa, nhưng nó không chịu thả Vaska ra. Nó cáu kỉnh đề nghị:
- Chúng mình chơi ăn mũ đi.
- Tớ cũng có mũ rồi, – Vaska trả lời.
- Thế chơi ăn tiền nào! Cậu bán cho tớ mười viên đạn!
- Cậu mua của bọn khác ấy. Tớ không phải thằng Tsybulya mà mua với bán.
- Thế chơi ăn kẹo vậy, Vaska. Tớ sẽ đổi ba kẹo lấy một viên đạn, cậu muốn không?
- Tớ không thích của ngọt. – Đáp rồi Vaska đội lại chiếc mũ đã lột ra khi chơi.
Thằng Ilyukha không còn biết nói gì hơn nữa. Nó nắm lấy tay áo Vaska.
- Thế nào, thắng rồi, cậu định chạy làng hử? Thế là nghĩa làm sao? Cậu sẽ đổi bao nhiêu đạn lấy một quả bom nào?
- Bom thật chứ?
- Mới toanh.
- Cậu lấy ở đâu ra thế?
- Đó là việc của tớ – mua, tìm thấy, lấy được.
- Mang ra đây!
Thằng Ilyukha chạy vụt ra với một quả lựu đạn chày vỏ “áo” sắt tây còn sáng nguyên. Vaska xem xét, sờ nắn vòng, liếc nhìn thằng Ilyukha rồi hỏi:
- Bao nhiêu?
- Mười băng.
Cuộc chơi lại tiếp tục.
Vaska lại thắng. Thằng Ilyukha tức run người, nó cắn môi, suýt khóc.
- Chúng mình chơi ăn súng máy nhé? – thằng Ilyukha bỗng đề nghị.
- Súng máy nào? – Vaska ngạc nhiên hỏi lại.
- Khẩu “Maksim”. Súng ở sân nhà tớ ấy, tớ mua một trăm rúp ngoài chợ đấy.
Vaska kéo mạnh cái mũ rách tướp xuống tận mũi nó.
- Súng máy của người ta để ở sân nhà cậu thì có ấy.
Thằng Ilyukha làm dấu thề.
Vaska nắm lấy thằng Ilyukha, tay trái ghì đầu nó, tay kia búng vào trán nó, miệng nói:
- Đứng lại – đừng lắc lư; đi đi – nhớ có vấp; nói đi – đừng nói lắp; nói dối – cấm ngắc ngứ…
- Buông ra, – thằng Ilyukha kêu lên rồi vùng ra. Vaska còn búng thêm hai cái nữa, rồi mới thả nó ra và bảo:
- Thêm cho mày để không được ăn cắp đạn của đội viên cận vệ đỏ, để không được phản bội đồng chí mình, đồ ti tiện phản bạn!
Chúng tôi bỏ đi, mặc cho thằng Ilyukha ti tỉ khóc ở giữa phố.
3
Chúng tôi cẩn thận đổ tất cả những viên đạn được cuộc với thằng Ilyukha vào cái hòm nuôi gà con. Thế là vẫn chưa được nửa hòm. Bấy giờ chúng tôi quyết định thu thập đạn cho tới khi đầy hòm. Ngoài ra chúng tôi còn thỏa thuận sẽ đi tìm xem các loại vũ khí vứt bỏ lăn lóc ở các kho nhà. Rất nhiều loại vũ khí khác nhau đã đánh cắp được của bọn Đức: có những lưỡi lê bẹt, những thanh gươm dài thẳng, những khẩu súng. Chúng tôi quyết định dồn tất cả những cái đó vào một góc riêng không ai để ý, rồi sẽ trao tận tay chính ủy – bác Mityai cùng với số đạn.
Các đơn vị Hồng quân đóng hầu như ở khắp mọi nhà. Ban tham mưu được đặt ở ngôi nhà bỏ không của tôi. Các chú Hồng quân đã chữa lại những cánh cửa gãy, các chú mang rơm vào nhà đầy đến cửa sổ và ngủ quanh cái bàn trên đặt máy điện thoại có người trực ngồi ở bên.
Các chú Hồng quân mặc đồng phục mới – mũ dạ rất đẹp có gắn sao, áo va-rơi có móc cài đỏ ở ngực.
Một cuộc sống mới tươi vui đã bắt đầu. Ngựa, xe, bếp lưu động có ống ám khói để la liệt trong sân mọc đầy cỏ tân lê. Súng máy “Maksim” được gắn vào xe nòng quay về phía sau và thừa lúc người gác lơ đãng trong nháy mắt, Vaska đã leo lên xe, áp người vào súng máy và lia cho tôi một tràng dài. Thật ra trong súng chẳng có đạn, Vaska cố ý tặc lưỡi và gầm lên, còn tôi làm ra vẻ như đạn đã quật ngã tôi rồi.
Cứ chiều đến các chú Hồng quân lại tập hợp trong sân và cuộc vui lại bắt đầu. Chú bắn súng máy Petya chơi phong cầm hát theo:
Tàu lướt đi trên biển
Nước lăn tăn gợn sóng
Ta tiến ra trận tuyến
Những đoàn viên Komsomol!
Tôi và Vaska được các chú Hồng quân thết cháo lúa mạch đen và cả cháo tấm. Chú Petya tặng tôi chiếc thìa nhôm trổ bằng đinh dòng chữ “Hãy cứ ăn, chớ băn khoăn”. Tôi đeo chiếc thìa trong ngực áo, nhưng tiếc là chả có gì để ăn cả.
Vaska được các chú Hồng quân cho một cái ca làm bằng vỏ đạn đại bác. Có lần chúng tôi dùng ca đó uống nước chè pha đường cát thật sự. Và mặc dù đường có lẫn đến một nửa rơm – đành phải thổi đi – nhưng nước chè vẫn ngọt không thể tưởng được.
Trong thành phố có một cái mốt là đi guốc gỗ. Tất cả mọi người diện guốc vì không có loại giày nào khác. Cho nên guốc được làm theo đủ kiểu: có gót và không có gót, lòng lõm sâu xuống, có đóng quai da, buộc dây, có đường viền trổ bằng đinh nung đỏ, không thì chỉ đơn giản bằng hai miếng gỗ buộc vào chân thôi. Hầu hết bọn trẻ con ở phố chúng tôi đều vênh vênh lên vì có guốc. Và bây giờ cả tôi lẫn Vaska cũng không còn phải chạy chân đất nữa mà đã được đi guốc, và không phải loại thường mà có đế uốn cong ở chỗ đóng quai kia nhé. Đi loại guốc ấy dễ hơn và nó còn kêu lộc cộc nữa kia! Anh cứ đi đi và chỉ còn nghe thấy – cộc cộc, cộc cộc. Mọi người sẽ ngoái lại nhìn – thèm muốn!...
Một lần, các chú Hồng quân phi ngựa ra sông cho ngựa uống nước.
- Lenka kỵ binh, lên đây nào, – một chú đội mũ lông đen gật đầu gọi tôi, rồi khi phóng qua chỗ tôi, đã nhấc tôi lên ngồi phía trước mình.
Vaska nắm lấy bờm con ngựa cái lông xám và chỉ trong nháy mắt cậu ta đã leo lên ngồi trên cái lưng dài, oằn xuống của nó.
Ngồi trên mình ngựa thật thú vị, nhưng hơi sờ sợ. Con ngựa động đậy ở dưới, nó cúi đầu xuống, không nắm chặt lấy quần chú Hồng quân là bị tuột sang một bên ngay.
Vaska chưa bao giờ ngồi trên mình ngựa, mà vẫn phi, như một kỵ sĩ thực thụ – chỉ thấy có hai khuỷu tay cậu rập rình và con Polkan nhảy nhót theo sau, sủa ăng ẳng mừng rỡ.
Ngoài bờ sông trong khi ngựa thở phì phò, phập phồng cánh mũi rộng uống nước ừng ực, chúng tôi ngồi nghe các chú Hồng quân nói chuyện.
Theo lời lẽ của họ thì tình hình ngoài mặt trận đã trở nên gay go.
Bọn Denikin có một đội kỵ binh hùng mạnh được gọi là “Sư đoàn man rợ” của Shkuro. Bọn này mang những mũi giáo có treo sọ chó, còn binh khí thì không tha cho một ai: chúng chém tất, kể cả trẻ con và người lớn.
Bọn Anh lại còn gửi cho tướng Denikin máy bay và một số xe tăng gì ấy – những cái nhà bằng sắt có cửa sổ và có gắn súng máy nhô ra ở cửa sổ ấy. Không thể tới gần mà cũng không bò lại sát được – và bọn chúng cứ việc lia súng máy ra.
Nghe nói về xe tăng mà kinh khủng. Nhưng Petya nói rằng con người ta mạnh hơn bất kỳ loại xe tăng nào. Nếu bị ném đá vào chân người ta sẽ nhảy lên tránh, còn xe tăng thì mắc kẹt ngay.
- Ta sẽ ném vào bánh xe của nó đá, gỗ, lựu đạn – ta sẽ chặn đứng được nó, – Petya nói. – Trước sau thằng Denikin cũng chết. Không có loại xe tăng, máy bay nào giúp cho hắn được.
Tôi ngồi ngay sát bờ sông xem ngựa Vaska uống nước. Bỗng con vật rời khỏi mặt nước, máy mõm và vểnh tai nghe ngóng.
- Đo-ó, thằng Anh bay đó! – Petya thốt kêu, rồi nhỏm dậy, nhìn chăm chăm lên trời.
Trên không nghe vọng rõ tiếng vù vù.
- Nó bay, nó bay, xem kìa! – Vaska hét lên, rồi bỏ mũ vẫy vẫy trên đầu.
Tôi căng mắt nhìn nhưng chả thấy gì. Tiếng ù ù tăng dần.
Bỗng tôi trông thấy một con chim sắt giống như con chuồn chuồn hiện ra gần một đám mây trắng không lớn lắm. Con chim sắt ấy có hai cánh và một cái đuôi dài, thẳng.
Máy bay bay ngay trên đầu chúng tôi, rồi quay trở lại thành phố.
“Làm sao máy bay không cần vẫy cánh mà lại bay được nhỉ? – tôi suy nghĩ, – ngay cả con chim sẻ cũng vẫy cánh mà đây cả một tòa nhà bay, mà cánh không vẫy…”
- Vaska này, có người trên ấy không?
- Có chứ.
- Thế người ta níu vào đâu được.
Vaska cũng không biết nên không trả lời.
- Lên ngựa, các cậu ơi! – chú Petya ra lệnh rồi cố bắt con ngựa của mình. – Đó là trinh sát của thằng Denikin, không khéo bọn bạch vệ đã tấn công vào thành phố.
Các chú Hồng quân nhảy cả lên ngựa.
Vaska định lôi tôi lên ngựa của mình. Cậu đã đặt hẳn tôi lên, nhưng tôi vừa leo lên lưng ngựa thì con vật đã phi đi. Vaska chạy theo bên và không tài nào lên được. Tôi run rẩy trên mình ngựa, cho đến khi tụt sang một bên. Con ngựa ngừng lại. Vaska lôi nó đến bên hàng rào và phắt một cái, đã cưỡi trên lưng nó. Cậu không kịp kéo tôi lên và tôi chạy theo sau, cầm cây ngải cứu đuổi con ngựa.
Trong thành phố yên ắng. Máy bay đã bay đi, chỉ còn những con chó khiếp sợ sủa từng hồi lên trời.
Buổi tối, sân nhà tôi bắt đầu có liên hoan. Chú Petya mặc bộ quần áo tư sản, và với vẻ quan trọng đang đi quanh sân, chỗ các chú khác đang ngồi ăn.
Chú Petya mặc áo vét đen phía trước ngắn và mở, đằng sau dài có xẻ đôi hệt đuôi chim én. Trên đầu chú ngất ngưởng một cái mũ tròn đen lấp lánh trông giống như cái bô. Một băng giấy có viết hai chữ “Tư bản” bằng mực đen vắt chéo từ trái sang phải qua cái bụng phệ quá lớn (có lẽ chú đã đệm gối ở dưới áo).
Các chú Hồng quân cười ha hả:
- Ái chà chà, anh chàng Petya tư bản!
- Cái mũi quả là một củ cà-rốt!
- Ngài tư bản thích uống rượu nên mũi đỏ đấy.
Chú Petya bắt chước người khóc, nhăn nhó đến buồn cười rồi chú cất giọng the thé, kêu lên quang quác như gà sống:
- Thưa các ngài công nhân Nga, tôi từ nước Anh tới và mang lại cho các ngài một cuộc sống tốt đẹp. Tôi kêu gọi các ngài chớ có nghe bọn bôn-sê-vích. Bọn chúng đánh đuổi địa chủ cho các ngài, nhưng thiếu địa chủ các ngài sẽ chết…
Chú Petya lại bắt chước người khóc nhăn nhó, rống lên rồi rút trong túi ra miếng giẻ giả vờ lau nước mắt.
- Chà, nghệ sĩ Petya, hay tuyệt!
- Cái khăn tay hệt của bá tước!
Còn chú Petya vẫn tiếp tục rống lên:
- Và làm sao các ngài sẽ sống được nếu không có tư bản… Các ngài sẽ chết đứt. Bọn bôn-sê-vích cho các ngài một phun-tơ bánh, và các ngài sẽ bị nặng bụng; tôi chỉ cho các ngài một phần tư phun-tơ thôi – bụng sẽ nhẹ nhàng. Bôn-sê-vích chỉ bắt các ngài làm có tám tiếng thôi, làm cho tôi các ngài sẽ được làm mười hai giờ. Tôi xây cho các ngài nhà tù kiên cố, vững vàng, đeo cho các ngài cái này… gọi bằng tiếng Nga thế nào nhỉ, cái xích, đẹp như vòng đeo tay. Nó sẽ kêu leng keng ở tay – đinh-đinh-đinh, rất là xinh. Denikin sẽ chỉ hơi bóp nghẹt các ngài một chút thôi.
- Gớm, mới hiền lành làm sao chứ, muốn bóp nghẹt chúng ta.
Một chú túm lấy đuôi áo dài đen của chú Petya, chú khác hất rơi cái mũ-bô lấp lánh xuống. Vaska chộp lấy rồi chúng tôi tranh nhau cố ướm thử vào đầu mình.
Chú Petya lấy lại cái mũ-bô, cởi bỏ quần áo, rút chiếc gối ở bụng ra, rồi mang tất cả vào nhà. Thì ra có những nghệ sĩ thật sự đã đến chỗ các chú và tối sẽ diễn kịch.
Nhưng kịch không kịp diễn.
Chính ủy, bác Mityai, phóng ngựa tới, lo lắng ra lệnh:
- Các đồng chí, tập hợp!
4
Bắt đầu thu dọn vội vã. Các trung đội Hồng quân đã đứng rải dọc đường phố thành đội hình chiến đấu. Đội kỵ binh đều bước ở hàng đầu, sau họ là bộ binh mang súng trường, vai đeo ba-lô. Xe chở đồ đạc tiếp ngay sau hàng quân.
Các chú Hồng quân vẫy tay:
- Tạm biệt!
Liền sau đó vang lên bài ca:
Mặc cho mìn nổ,
Và đạn réo ầm.
Ta là Hồng quân,
Ta đâu sợ chúng.
Tôi và Vaska theo tiễn Hồng quân qua khắp thành phố. Súng nổ ở đâu đó xa xa. Ra khỏi thành phố các đội Hồng quân dàn thành hàng ngang và bắt đầu tiến công.
Chỉ mãi sau chúng tôi mới được chị Nadya cho biết lý do báo động bất ngờ. Thì ra kỵ binh Denikin đã chọc thủng trận tuyến của chúng ta và tiến gần tới thành phố.
Cuộc chiến đấu diễn ra ở vùng mỏ lân cận đã hơn hai tuần rồi. Những người bị thương từ đó trở về kể là quân Denikin rất đông, mỗi chiến sĩ Hồng quân phải chọi với ba tên bạch vệ.
Thoạt đầu mọi việc bên ta đều trôi chảy – Hồng quân truy đuổi bọn bạch vệ tới tận ga Volnovakha, nhưng tên Denikin đã kịp tung xe tăng Anh ra. Có tin đồn rằng xe tăng nhảy qua cả kênh đào, húc đổ nhà cửa, đè bẹp cả trâu bò: không có cách nào thoát được chúng.
Công nhân ở nhà máy thử làm một số đại bác chống tăng, nhưng đạn không xuyên thủng được vỏ thép và bật trở lại.
Thành phố trống rỗng, tình hình thật đáng lo lắng, tôi muốn lại tiễn Nadya người chỉ huy đơn vị Komsomol. Chị ấy biết tất cả và có thể an ủi chúng tôi. Nhưng ở Quận đoàn tôi thấy cửa khóa, kèm theo thông báo “Quận đoàn đóng cửa. Tất cả đã ra mặt trận”.
“Có lẽ anh Vanya Chủ tịch đoàn đã viết thông báo này, – tôi thầm nghĩ, – mà cũng có thể chính là chị Nadya đã viết”.
Các trận đánh gần thành phố diễn ra ngày càng quyết liệt. Súng đại bác gầm lên làm kính cửa sổ rung loảng xoảng.
Tôi và Vaska đóng gói chiếc hòm đạn. Bọn trẻ mang các loại vũ khí cần thiết và không cần thiết tới chỗ chúng tôi. Thậm chí thằng Ilyukha còn lấy đâu ra được cả một khẩu súng lục. Tất cả những thứ đó được chúng tôi xếp cả vào kho để chờ các đơn vị Hồng quân tiến vào thành phố.
Ụ chiến đấu được dựng lên trên các đường phố. Người ta đặt đại bác trên chóp đỉnh nhà máy của mỏ, nòng chĩa sang phía quân bạch vệ.
Ban tham mưu đặt ở nhà Vitka Bác sĩ.
Tôi và Vaska khiêng thẳng hòm đạn, lựu đạn và số vũ khí còn dùng được đến ban tham mưu. Bác Mityai khen ngợi chúng tôi, đặc biệt về đạn: đạn mang tới rất đúng lúc.
Các trận đánh diễn ra trên các cửa ô vào thành phố. Đạn rít lên trên các đường phố, đại bác nổ trong các sân nhà.
Tôi cùng chú Anisim Ivanovich và thím Matrena ngồi trong hầm. Chỉ có Vaska được bố cho phép đi đánh nhau. Còn tôi thì mọi người coi là còn nhỏ. Nghĩ thật giận.
Vaska thường chạy về chỗ chúng tôi và kể lại tin tức. Chú bắn súng máy Petya ngồi trên mái cửa hiệu của lão Murat, sau ống khói với khẩu “Maksim” của chú ấy, còn cậu ta, Vaska thì cùng Ucha chuyển đạn cho các chú Hồng quân.
Gần nhà máy, một phụ nữ bị trúng đạn tan nát cả thân thể. Chị Nadya cũng bị thương.
Tức nhất là khi nghe chuyện bọn nhà giàu cười nhạo Hồng quân. Bọn lái buôn, bọn đầu cơ tích trữ đóng những bộ quần áo ngày lễ, giễu cợt với theo các chiến sĩ:
- Cuộc diễu binh nào thế này, hả các ngài?
- Đó là đội quân mặc váy ngắn đỏ chạy trốn đấy.
- Thế tại sao không nghe thấy chúng đi?
- Toàn chạy chân không… cho nó nhanh mà… ha ha ha!
Đặc biệt vênh váo là thằng Senka con lão hàng giò, nó cảm thấy nó có quyền đánh mắng bọn trẻ con nhà nghèo. Chính quyền của thằng Senka đã trở về.
Chú Anisim Ivanovich nghe chuyện xong, bực bội và buồn bã, nói:
- Trên đời này không còn có con thú nào độc ác hơn thằng nhà giàu bị lấy mất của cải mà nó đã bòn được. Không bao giờ nó quên được điều đó và khi trả thù nó sẽ không tha một ai…
5
Hồng quân rút khỏi thành phố lúc đêm. Đường phố trở nên im ắng, hãi hùng. Ngay cả chó cũng lẩn trốn hết.
Cho tới sáng chúng tôi vẫn không ngủ và lắng tai nghe ngóng trong bầu không khí im lặng.
Trước lúc rạng đông tôi và Vaska ra khỏi hầm, vừa đi vừa nhìn quanh, lén ra tới cổng rào. Mặt trời còn chưa lên. Không khí ẩm ướt và tươi mát: lúc đêm trời mưa.
Đường phố không một bóng người. Bỗng thấy có một tiếng kêu gì đó vang lên. Từ một góc gần đấy một người cưỡi ngựa trông giống hệt con quỷ lao vọt ra, làm bắn tung tóe những vũng nước trên đường. Hắn mặc cái áo lông đen dài, đội mũ lông xù ra, trong tay một ngọn dáo dài phấp phới cái đuôi con chó. Theo sau hắn xuất hiện cả một đội kỵ binh mặc quần áo kiểu Cherkess có thêu hình sọ người màu trắng ở cánh tay. Bọn chúng gào hú, huýt sáo một cách man rợ, quất ngựa lao như tên bắn trên đường phố và biến mất ở phía xa.
Sau đó ba ngày liền chúng tôi không ra đường. Cướp phá diễn ra trong thành phố. Ngay đêm đầu tiên bọn Denikin đã chém giết cả nhà chú Mosya: vợ chú, hai đứa bé và bà mẹ già. Nghe nói bọn bạch vệ đã đòi bà già bốn mươi ngàn tiền chuộc. Bà ta chỉ đưa có hai nghìn. Thế là bọn chúng trị tội bà ta, cứ mỗi nghìn không chịu đưa lại đánh một cái và sau đó chém chết bà. Cửa nhà ấy mở toang suốt cả đêm, mọi người sợ không dám vào.
Người ta còn kể là tất cả các kho trong thành phố đều đã bị phá, bột vãi tung tóe trên các đường phố. Chúng lại phá mất trụ sở Xô-viết.
Bọn lái buôn mở cửa hàng. Lão Tsybulya trở thành thị trưởng, còn thằng con trai Senka của hắn ta sai bọn trẻ con truyền đi rằng chẳng bao lâu hắn sẽ tự tay treo cổ tôi và Vaska lên cây tại vườn hoa thành phố.
Một quán rượu được khai trương “dành cho sĩ quan” tên là “Quán Chantecler”. Ở đó có chơi nhạc từ sáng sớm đến tối khuya.
Những người Do Thái còn sống sót trốn trên các trần nhà. Chúng tôi cất giấu ở hầm nhà mình ba người. Để bọn Denikin khỏi vào nhà, Vaska đã lấy phấn vẽ hình chữ thập ở cánh cửa sổ và cổng rào. Nhưng cái đó cũng không cứu vãn được. Bọn lính say rượu thường rẽ vào nhà chúng tôi và hỏi:
- Đây là nhà theo đạo Tin lành phỏng?
- Vâng, Tin lành.
- Trong nhà có chứa bọn Do Thái không?
Qua nét mặt chú Anisim Ivanovich tôi thấy chú muốn tát vào mặt thằng bạch vệ lắm, nhưng chú đã nén được.
- Không, – chú đáp. – Ở đây chỉ có tôi, thợ giày người Nga, còn thằng bé này bị mồ côi – tôi nhận làm con nuôi.
Một hôm một tên bạch vệ cầm thanh gươm dính máu xộc vào nhà chúng tôi.
- Ông chủ, có dây không?
- Không có, – chú Anisim Ivanovich giận dữ trả lời và bực tức đập búa vào gót giày.
- Đáng tiếc, – thằng lính kéo dài giọng, liếc nhìn quanh nhà. – Sao nhà anh không có ảnh Chúa?
- Anh cần dây làm gì? – chú Anisim Ivanovich hỏi để tránh trả lời vào câu hỏi của nó.
Hắn ta cười khẩy:
- Dây à? Cần, ông chủ ạ. Để kéo linh hồn bọn Do Thái đến gần Chúa, – nó vòng ngón tay quanh cổ, cười khì khì. Công việc của chúng tôi là tiêu diệt bọn Do Thái.
Chú Anisim Ivanovich hất đầu chỉ vào thanh gươm dính máu, hỏi:
- Thế anh, anh có phải là tín đồ Thiên chúa giáo không?
- Sao lại không, nhìn đây! – Tên lính bạch vệ mở phanh cổ áo, cho xem cây thánh giá.
- Thế mà tôi nhìn anh lại không giống người Nga; đấy, cả áo khoác, cả giày của anh đều không phải của ta làm.
Thằng lính láu lỉnh nháy mắt chỉ vào cái đế giày đóng đầy đinh sắt có mũ tròn và vỗ vỗ tay vào chiếc giày.
- Hàng Anh. Loại nhất đấy, không như của ta, của Nga đâu. Thôi, khỏe nhé! – nói rồi hắn đã định đi ra, nhưng lại quay lại. – À thế nào, kiếm cho một sợi dây chứ?
Ra đến sân, con Polkan tức giận nhảy xổ vào thằng bạch vệ, nhưng tên cướp này đã lấy kiếm chém vào cổ nó. Con Polkan sủa lên ăng ẳng một cách ai oán, lánh xa thằng lính rồi cứ rên ư ử như khóc mãi. Sau đó nó đầu gục trên cẳng, suốt ngày nằm yên cạnh nhà kho. Lông trên cổ nó dính bết lại vì máu đã đông cứng, mắt nó trở nên rầu rĩ. Đến chiều con Polkan bổ ra đồng cỏ. Vaska bảo nó sẽ tìm thấy cỏ thuốc và sẽ trở về khi nào khỏi. Nhưng con Polkan đã không về.
- Phải đấu tranh, – Vaska cương quyết nói và tôi thấy khiếp sợ trước giọng nói quyết liệt của cậu.
Ra khỏi nhà thật nguy hiểm, nhìn bọn bạch vệ đến là ghét, nhưng chúng tôi vẫn đi. Vaska phải đi đấu tranh, còn tôi không muốn ở lại một mình.
Vaska bọc thẻ Đoàn vào khăn mặt, giấu tận đáy hòm. Cũng từ hòm đó cậu lôi ra tờ truyền đơn bỏ quên đã từ lâu – bức tranh vẽ Nga hoàng Nikolai – và bảo rằng cậu sẽ không phải là người nữa, nếu không dính được tờ tranh vào lưng chính Denikin.
Có tin đồn tướng Denikin sẽ đích thân tới thành phố trên con ngựa trắng có cả bàn đạp bằng vàng nữa.
Mùa hè đã hết. Không khí ngưng đọng bốc lên toàn bụi. Trong công viên thành phố đang có cuộc dạo chơi. Bọn sĩ quan thuộc Quân tình nguyện đi dạo dọc các con đường trồng cây làm lóa mắt người ta bởi những lon sĩ quan sáng ánh, bởi những huân chương chữ thập. Đội quân nhạc chơi bài “Oira” và có những chú bé rao bán lẻ những điếu thuốc “Shury-mury”.
Tôi với Vaska nhìn thấy hai tên sĩ quan say rượu thi nhau bắn vào cái đèn soi đường độc nhất còn nguyên vẹn ngoài phố. Mãi không thằng nào bắn trúng; một thằng thứ ba tới gần, rút trong bao ra một khẩu súng ngắn và chỉ một phát đã bắn vỡ tan kính đèn. Bây giờ cả ba đứa kéo nhau đi uống rượu bằng tiền “được cuộc”.
Tôi và Vaska liếc nhìn vào quầy của quán “Chantecler” qua cửa kính.
Trong quán đầy chật sĩ quan và đủ loại đàn bà con gái lưng để trần. Bọn nhạc công ngồi trên một cái bục hơi cao ở tít sâu trong phòng, phía trước là một mụ ca sĩ mặt bự phấn. Mụ ta ưỡn ẹo ngoáy cặp mông, cất giọng khàn khàn:
Ta tự hào là ca sĩ
Hát những bài tếu, vui.
Ta đã bắn là trúng đích
Và chẳng sai một ly…
Bọn sĩ quan hút xì-gà, phả khói mù mịt và hát: “Cuộc đời chúng ta trôi nhanh như sóng biển…”
Khắp thành phố dán la liệt các bản thông cáo ra lệnh “hủy bỏ” các đạo luật Xô-viết, “giải tán” các hội và các buổi họp, “đóng cửa” các Câu lạc bộ công nhân.
Chúng tôi đứng lại đọc bản thông cáo tai ác dán trên cột điện báo tại đường phố chính, giờ lại gọi là “Đại lộ Nikolai”:
“Vào những ngày gần đây trong thành phố và ở những vùng lân cận đã có phong trào công nhân nổi dậy. Bàn tay tội lỗi nào đó đã treo cờ đỏ ở trên ống khói nhà máy. Tôi cảnh cáo: để tránh sự đổ máu không cần thiết, tôi triệt để cấm những hành động như vậy. Tôi ra lệnh xử bắn ngay bất cứ mọi cuộc tụ tập nào.
Tôi báo cho mọi người biết rằng thời đại Xô-viết đại biểu đã qua rồi và đã đến lúc phải lãng quên nó đi. Mọi hành động tỏ ý bất mãn sẽ bị đàn áp thẳng tay.
Tư lệnh thành phố von Graff”.
- Cậu biết thằng von Graff này là ai không? Con thằng chủ mỏ Pastukhovska đấy. – Vaska nói rồi đấm mạnh vào bản thông cáo, chọc cả móng tay vào chữ “Graff”.
- Mày thụi vào đâu đấy hả? – chúng tôi nghe thấy một giọng nói hăm dọa sau lưng và quay lại thấy thằng Zagrebay. Nó mặc quân phục trắng còn mới toanh, đứng chắp tay sau lưng, ưỡn cái bụng phệ ra hệt như dưới thời Nga hoàng. – Mày đấm vào đâu đấy hả, tao hỏi?
- Tôi không chọc, mà đang giải thích cho thằng bé này, nó không biết chữ. – Vaska chỉ vào tôi nói.
Tên Zagrebay giơ nắm đấm lông lá, to tướng đến mức che khuất cả mặt Vaska, từ trán cho tới tận cằm.
- Coi chừng với tao đấy! – thằng cảnh sát hăm dọa, vẻ đủng đỉnh và làm bộ quan trọng như một con gà tây, bước đi dọc đường phố.
Mắt Vaska ánh lên một tia lửa tinh ranh. Cậu vội thọc tay vào ngực áo lục lọi, lấy ra tờ truyền đơn, quết hồ dán trong cái lọ con vào mặt sau, rồi chạy theo tên cảnh sát. Không một tiếng động cậu lén tới sau, đặt tay vào lưng hắn ta. Tên này giận dữ quay lại, nhưng Vaska đã hỏi:
- Bác ơi, có đúng ngài Denikin sẽ tới thành phố ta không?
Mặt thằng cảnh sát nở ra trong nụ cười, thậm chí cả cái mũi đỏ chót của nó cũng như toe toét.
- Đức Vua Anton á? – tên cảnh sát vuốt hàng ria hung đỏ, vẻ hài lòng. – Tất nhiên sẽ tới chứ. Rồi chúng ta sẽ tuyên thệ… Sẽ tuyên thệ phục vụ trung thành.
- Thế mà cháu lại nghĩ ông ta sẽ không tới, – Vaska lúng búng.
Thằng cảnh sát ư hừm sau hàng ria:
- Ngựa cũng đòi nghĩ, mà lại nghĩ lầm, ha, ha, ha… Hiểu chưa, thằng lỏi, hề, hề, hề… – Rồi hắn ta hể hả bước tiếp.
Tôi nhìn theo tên cảnh sát và sững người: trên lưng tên cảnh sát trắng xóa tờ truyền đơn của Vaska được dán, hơi lệch một chút.
Chúng tôi nấp sau góc phố và theo dõi tên cảnh sát.
Hắn bước trên phố với tờ truyền đơn sau lưng. Vaska ánh lên cặp mắt sung sướng.
6
Tin đồn trong thành phố quả không phải là vô cớ: trong thực tế đúng là Denikin đã tới.
Trước đó một ngày tôi thấy trong tay một thằng lái buôn tờ báo của bọn bạch vệ, trong đó có in bằng chữ to:
“CUỘC ĐÓN TIẾP TRANG TRỌNG NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG”
Trong khi tên lái buôn đọc trang đầu, tôi liếc nhìn trang sau, đọc ngấu nghiến:
“Bữa tiệc trang trọng mà giới thương gia thành phố sẽ ăn mừng người giải phóng vĩ đại của nước Nga, tướng tổng tư lệnh Denikin và các vị khách Anh, Pháp, sẽ được tổ chức thật sang trọng. Các vị đứng ra tổ chức tiệc yến sẽ đặt những món ăn và nước chấm đặc biệt. Từ những tảng băng người ta sẽ đẽo thành hình con gấu và sư tử mà dưới chân chúng sẽ là những bát trứng cá đen nặng một pút.
Thực đơn bữa tiệc:
Canh cá nấu dấm với gan cá quả.
Bánh nhân thịt Novotroitsky.
Chả cừu băm viên tưới nước sốt American.
Chim rẽ giun, nước chấm “pê-ri-gun”.
Món rán: gà lôi và gà tây non.
Măng tây, hai loại sốt”.
Bụng tôi sôi lên khi đọc tới những thứ nước chấm và thịt băm viên đó. Bây giờ chính quyền tư sản quay trở lại, thì đừng có hòng mà chờ bánh mì! Vaska thường bảo tôi: “Bọn tư sản bỏ một xu cũng xót. Bọn chúng đem đổ bánh xuống ao mà không phân phát cho người nghèo”. Và đúng như thế…
Vào đúng ngày tướng Denikin đến thành phố, Vaska biến đi đâu mất từ sáng sớm. Tôi tìm đâu cũng không thấy. Mãi sau cậu mới về. Tôi cảm thấy ngay Vaska vừa chạy đi đâu đó khá xa về, đúng là cậu đã chạy ra ngoài mỏ: người cậu sặc mùi đồng cỏ và mặt đầy bụi bặm.
Về tới nhà, Vaska lẳng lặng vội vã ăn xúp nguội, rồi lại chuẩn bị đi đâu đó.
- Vaska, cậu đi đâu xa không? – tôi thận trọng hỏi.
- Đừng đi theo tớ, – cậu nhăn nhó trả lời.
- Vì sao?
- Tớ phải làm một việc. Nguy hiểm đấy. Chúng có thể bắn vào tớ.
- Thế thì sao? Tớ không sợ, kệ cho chúng bắn vào tớ.
- Chúng có thể giết chết nữa đấy. Chớ có đùa trong chuyện này.
Thế đấy: kết bạn, kết bạn với nhau mãi mà bỗng chốc Vaska lại giấu tôi điều gì đó.
- Cho tớ đi với Vaska! Cậu tiếc à?
- Cậu phải hiểu đây không phải trò chơi. Tớ phải đấu tranh…
- Còn tớ?
- Thôi được. Có điều là cậu phải đứng bên nhé. Bởi vì nếu chúng giết mất cậu, tớ sẽ ăn nói với bố ra sao?
- Chúng không giết được đâu, Vaska…
Tướng Denikin đến vào lúc trưa. Bọn tư sản ăn diện là lượt đổ ra phố chính. Chuông nhà thờ rung lên như mừng ngày lễ.
Thoạt đầu một đội kỵ binh bạch vệ phi ngựa lộp cộp qua. Lá cờ ba màu đỏ, xanh, trắng phấp phới trước gió. Lấp loáng những chỏm mũ xanh, vàng, những chiếc mũ lông màu xám gắn phù hiệu, những chiếc áo lông xù và những thanh gươm sáng quắc.
Các bà nhà giàu rít lên sung sướng ở lòng đường:
- Hoan hô những chiến sĩ tình nguyện! Hoan hô-ô!...
- Lạy Chúa, thời công xã đã chấm dứt rồi!
Sau đội kỵ binh là những chiếc xe thắng sáu ngựa kéo đại bác ầm ầm lăn bánh. Sau đó lại một đội kỵ binh nữa và cuối cùng xuất hiện chiếc xe ô-tô mui trần trong có tướng Denikin mặt bự, má đỏ tía với bộ râu trắng.
Hai tên sĩ quan nước ngoài ngồi lù lù cạnh Denikin. Một tên ăn mặc đẹp đến nỗi không thể rời mắt khỏi hắn ta được. Hắn đội một chiếc mũ điểm vàng trông như một cái gầu. Hai bên vai và trên ngực hắn – lóng lánh những sợi dây vàng lấp lánh những ngôi sao.
Tên thứ hai, ngồi bên phải Denikin, mặc áo nhà binh xanh lá cây có túi vuông khâu vào với dây đeo súng vắt qua vai từ phải sang trái và đội chiếc mũ nhà binh, không giống kiểu của quân Nga.
Trong ô-tô còn có ba tên nữa, mũ đen chụp trên đầu chúng như cái bô. Nếu như trong ô-tô không phải ba, mà chỉ có một đứa ngồi thôi, có thể nghĩ đó chính là chú Petya đã len vào đây và đang diễn kịch.
Sau này tôi mới biết đó là bọn Pháp và Anh, còn lão Hughes đội bô đen, chủ nhà máy. Lão tức điên lên vì công nhân đã tước mất của lão nhà máy và lão dọa sẽ lôi tất cả ra quảng trường để đánh đòn.
Xe ô-tô của tên Denikin từ phố chính rẽ sang quảng trường “Chữa cháy”, chỗ sẽ cử hành buổi “lễ cầu kinh tạ ơn Chúa”. Tôi và Vaska chạy tới đó.
Không thể lọt vào quảng trường được: bọn kỵ binh Cozak gươm tuốt trần bao vây chặt chung quanh.
Thế thì chúng tôi đột nhập vào một cái sân, rồi theo ống dẫn nước leo lên mái ngôi nhà hai tầng trông sang quảng trường “Chữa cháy”. Rồi chúng tôi nấp sau cái ống khói bằng gạch. Từ đây nhìn rất rõ tất cả.
Xe tên Denikin đỗ cách đài kỷ niệm cũ của Nga hoàng không xa. Nơi đây người ta đã dựng một khán đài, tên Denikin và bọn Pháp, Anh lên đó từ đầu này đến đầu kia của quảng trường.
Thật buồn cười khi được xem lính của Denikin quỳ trên quảng trường cầu Chúa, chúng vừa làm dấu vừa cúi gập người, trán chạm tới đất để lễ. Cha cố Ioann rảy nước thánh lên người họ.
Sau lễ cầu kinh là mít-tinh. Một tên béo ị, chân ngắn ngủn phát biểu.
Vaska bỗng nắm chặt vai tôi.
- Cậu nhìn xem kìa, chính là thằng men-sê-vích Angel Petrovich, cậu nhớ chứ, hắn đã có mặt ở lễ kỷ niệm ngày Mồng Một tháng Năm ấy mà.
Đúng, chính là hắn ta. Chỉ khác là mùa đông hắn mặc áo lông có cổ trễ đến tận bụng, còn bây giờ lại mặc bộ com-lê đen.
- Tôi hân hạnh được thay mặt các cơ quan dân sự xin chào mừng các ngài, các vị khách quý hằng mong đợi của chúng tôi. Bị đày đọa bởi loạn lạc không ngớt ở trong nước, chúng tôi khâm phục theo dõi những chiến công của các đội quân quang vinh của các ngài.
- Thằng thượng đẳng thiên sứ đáng nguyền rủa, nghe xem nó tán dương thế nào kìa… – Vaska bực tức nói.
- …Bây giờ chúng tôi trông chờ sự ủng hộ của các ngài trong cuộc đấu tranh với kẻ địch điên rồ đã trắng trợn xâm phạm vào tự do, quyền lợi, danh dự và cái đẹp của cuộc sống. Chúng tôi nhiệt liệt chào đón và hoan nghênh các ngài, các vị khách và bạn đồng minh cao quý, – tên men-sê-vích kết luận, rồi hướng về phía bọn Pháp, Anh cúi đầu thấp chào chúng.
Bọn bạch vệ reo hò “hoan hô”, lính Cozak giơ giáo lên.
- Chà! – Vaska giận dữ đấm vào đùi.
- Cậu sao thế?
- Chả có bom…
Tiếp theo thằng men-sê-vích, tên người Pháp đội mũ màu vàng phát biểu. Hắn nói liến thoắng cái gì đó, bằng tiếng nước hắn – chả hiểu gì cả. Tiếp sau nó, tên sĩ quan đứng cạnh tên Denikin bắt đầu đọc theo một tờ giấy. Tôi đoán hắn giải thích những điều tên Pháp đã nói.
- Các ngài có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của nước Anh vĩ đại, nước Pháp tự do và nước Mỹ hùng mạnh. Chúng tôi đứng về phía các ngài, chúng tôi ủng hộ các ngài. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chẳng bao lâu nữa lá cờ đỏ trên điện Kremli sẽ bị giật xuống và sẽ được thay thế bằng lá cờ ba màu của nước Nga vĩ đại, thống nhất.
- Nhìn kìa! Nhìn kìa! – bỗng Vaska thốt lên mừng rỡ, chỉ sang bên này, trỏ sang bên kia. – Nhìn kìa, Lenka, đây nhìn hướng này này – trên tháp canh ấy!
Lá cờ đỏ kiêu hãnh tung bay trên quảng trường Chữa Cháy.
Đó là trong giấc mơ hay có thực? Lá cờ đỏ đang phần phật tung bay như chào đón chúng tôi.
- Còn kia nữa kìa! – Vaska lại thốt lên rồi nhanh chóng tự cởi cái dây buộc quanh mình ra.
Thật hoa cả mắt lên: trên mái nhà vốn là trụ sở Xô-viết đại biểu công nông, trên mái trường, nơi chúng tôi đã học và thậm chí cả trên ống khói mái nhà của tướng Shatokhin có những lá cờ đỏ xuất hiện.
Gió thổi căng những vuông vải màu đỏ thắm và chúng tung bay chiến thắng giữa bầu trời xanh trong. Tôi sửng sốt và say mê nhìn ngắm những lá cờ nên không thấy Vaska đã tự lấy ở đâu ra một vuông vải đỏ và buộc vào ống khói.
Một tiếng súng nổ vang khắp cả quảng trường. Tên Denikin ngắt ngang bài nói chuyện, vội vã đội mũ, rồi cùng bọn Pháp, Anh của hắn chuồn khỏi khán đài. Bọn chúng lên ô-tô và cút mất.
Lính Cozak tản ra các phố bên tìm người có tội. Bọn cảnh sát xô chạy giật cờ xuống, nhưng từ các nhà lại vang lên những tiếng súng. Một thằng cảnh sát bị vấp ngã sấp xuống, một thằng khác sợ hãi ngồi thụp sau cây keo.
- À, hà, hà, bọn chuột bạch! – Vaska nấp sau ống máng mừng rỡ hét lên. – Đánh chúng đi, các anh chị du kích, cho chúng nếm món nước chấm “pê-ri-gun”! – Nói rồi Vaska cho hai ngón tay vào miệng huýt ré lên.
Trên quảng trường bắt đầu đánh nhau thật sự. Bọn chúng bắn lên các mái nhà. Ở lại trên đó thật nguy hiểm, thế là chúng tôi chạy lạo xạo trên mái nhà lợp tôn, sau đó tụt xuống một cái sân.
Bọn kỵ binh bạch vệ phóng ngựa trên đường phố chính, bắn xả vào các cửa sổ, vào các cửa mở toang.
Tôi và Vaska nấp trong tòa nhà gạch theo dõi và mãi tới gần tối, khi tất cả đã yên ắng, chúng tôi mới bước ra.
Tên Denikin hoảng sợ đến nỗi cút ngay khỏi thành phố, thậm chí không nếm được cả món nước chấm “pê-ri-gun”.
7
Từ hôm đó đánh nhau không lúc nào ngớt trong thành phố. Ngày cũng như đêm luôn nổ ra những vụ bắn nhau, lúc ở nhà máy, lúc ở ngoại ô thành phố.
Tư lệnh thành phố von Graff lại cho đưa ra một lệnh mới: “Cấm bắt sống công nhân có vũ khí, phải bắn chết hoặc treo cổ và để nguyên ba ngày không hạ xuống”.
Sau này Vaska dặn tôi phải tuyệt đối giữ bí mật mới cho biết du kích chính là các đoàn viên Komsomol. Thế đấy, không thể nào đoán ra được! Thật ra, tôi cũng có nhận thấy có nhiều thanh niên hay đến nhà tôi chữa giày. Nhưng họ không chữa giày mà thường hay thì thầm gì đó với chú Anisim Ivanovich và hay sai Vaska lúc đi mỏ Pastukhovska, lúc lại nhà máy.
Sau tôi lại biết thêm được một chi tiết ngạc nhiên hơn nữa: các đoàn viên Komsomol do chị Nadya lãnh đạo. Đã lâu tôi không thấy chị và tôi cứ tưởng chị đã rút đi cùng với Hồng quân. Hóa ra Nadya là nữ du kích đỏ, lại chỉ huy các đoàn viên Komsomol nữa.
Ít lâu sau, tôi được gặp chị Nadya, nhưng giá không có buổi gặp gỡ đó, lại hóa hay hơn…
Một hôm đang đi ngoài phố, tôi bỗng thấy lính Cozak áp tải những người bị bắt – ba chàng công nhân và một cô gái.
Ngựa bọn bạch vệ lạnh lùng khua vó dưới lòng đường, những thanh kiếm tuốt trần lấp loáng ánh thép. Thằng Cozak trẻ đi đầu có túm tóc ngang ngược trên đầu, hét mọi người đi đường:
- Ê, tản ra, dẹp đường đây!
Những người bị bắt bị trói dính với nhau bằng dây thép. Người con gái gầy gò, bị đánh đập, đi lại khó khăn, thỉnh thoảng lại bị vấp. Tôi thấy cô gái mở to mắt nhìn tôi, đúng là muốn nói điều gì đó. Tôi nhìn lại và suýt kêu lên. Đó là chị Nadya.
Tôi chạy dọc lề đường bên cạnh, vượt đoàn kỵ binh, rồi cứ nhìn, nhìn mãi vào chị Nadya. Chị cúi đầu xuống, cau mày liếc nhìn bọn lính. Tôi hiểu: chị cần nói điều gì đó với tôi, nhưng không thể nói được. Sau tôi thấy chị lén để rơi xuống đường một mẩu giấy đã vò nhàu, rồi đưa mắt chỉ cho tôi.
Đợi cho bọn lính đi qua, tôi chạy ra đường, nhặt mẩu giấy lên, rồi lại chạy đuổi theo những người bị bắt. Từ xa tôi chỉ cho chị Nadya thấy một góc mảnh giấy. Chị mỉm cười với tôi. Chị Nadya đáng yêu của chúng tôi, bọn chúng đã dẫn chị đi mất…
Tôi chạy đến tận nhà tù, và khi cánh cửa nhà tù đã đóng sập lại, tôi mới giở mảnh giấy ra. Mảnh giấy viết bằng mẩu bút chì gì đó, chữ không được rõ:
“Các đoàn viên Komsomol bị kết án tử hình xin gửi các đồng chí lời chào vĩnh biệt! Chúng tôi chết, nhưng chúng tôi chiến thắng. Chúng tôi tin tưởng vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Đoàn Komsomol thân yêu muôn năm!”
Tôi nắm chặt mảnh giấy trong tay. Làm gì đây? Tôi nghĩ ngay đến Vaska và ba chân bốn cẳng chạy về. Ở nhà nghe tôi đọc xong, chú Anisim Ivanovich buồn bã nói:
- Dòng máu trẻ lại đổ. Nhưng máu đó là để ươm những mầm non vĩ đại…
- Cậu đã nhặt mảnh giấy lên, cừ lắm, – Vaska buồn rầu nói. – Bố ơi, con mang thư đến đó…
- Đi đi con, mà cẩn thận nhé. Bọn chúng đã để ý theo dõi chúng ta từ lâu.
Vaska giấu mảnh giấy rồi đi, còn đi đâu thì cậu không nói.
Đến đêm các du kích – đoàn viên Komsomol bí mật tụ họp tại nhà chúng tôi. Anh Vanya Chủ tịch đoàn báo tin chị Nadya đã hy sinh.
Các đoàn viên Komsomol đứng cả dậy, nghiêm nghị hát; tôi thấy rợn cả người vì tất cả những cái đã xảy ra: căn nhà hầm chật hẹp, ngọn đèn tù mù, đêm tối dày đặc ngoài cửa sổ và các đoàn viên Komsomol đứng đầu trần trong nhà khẽ hát:
Và nếu sấm chớp có gầm lên dữ dội
Trên đầu cả bọn đao phủ, chó săn
Với chúng ta khác nào ánh mặt trời
Mọc lên rạng rỡ những tia chói lọi.
Vaska cũng hát. Tôi nhìn cậu và không tin vào mắt mình nữa: Vaska đã khóc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mắt cậu đẫm lệ. Vaska cau mày; có lẽ cậu không muốn cho tôi thấy cậu đã khóc. Nhưng tôi nén được dù rất thương tiếc chị Nadya.
Và chúng tôi trả thù bọn bạch vệ bằng đủ mọi cách có thể được: chúng tôi ném đá vào một nồi cháo ở một bếp lưu động, ăn cắp cơ bẩm ở súng của một thằng Cozak, trát bẩn những khẩu hiệu của chúng trong thành phố…
8
Một hôm Vaska đem về một loạt tin mừng:
Hồng quân đang tiến công, bọn bạch vệ đang cuốn gói chạy. Binh lính Pháp ở Odessa đã nổi dậy, không chịu đánh nhau với công nhân Nga.
Ở những vùng mỏ lân cận chỗ chúng tôi du kích đỏ bí mật tụ tập lại. Còn bọn bạch vệ nhốn nháo khắp thành phố.
- Đã đến giờ tận số của chúng mày rồi. – Vaska hể hả thì thầm khi thấy những cỗ xe chở đại bác lăn ầm ầm trên đường, những đoàn xe nối đuôi nhau kéo dài dọc phố tới nhà ga và những con ngựa còm gò lưng kéo bếp lưu động.
Cuộc sống trở nên vui vẻ hơn. Chiều chiều cả bầu trời ửng đỏ. Vaska quả quyết đấy không phải là mặt trời, mà là ánh của hàng ngàn lá cờ đỏ do Hồng quân tiến công vào thành phố mang theo. Chẳng bao lâu nữa – tôi nghĩ – cờ đỏ sẽ tràn đầy đồng cỏ tươi đẹp của chúng tôi.
- Chúng mày sống trên đời này chẳng còn mấy nữa đâu. – Vaska nói, khi tống tiễn bọn bạch vệ.
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị