Mưa Thu Nhớ Tằm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Tre Phải Tàn
ề quê hôm đó, bác sĩ Ân sung sướng hơn chuyến nào cả. Lòng chàng ôm không muốn hết đến bao niềm vui một lượt, chúng nó cứ rơi lợt đợt ra ngoài, phải hốt liền tay. Vui nầy lấn vui kia quyết chiếm trọn dạ chàng vốn không đủ chỗ chứa.
Thăm lại làng cũ với mớ kỷ niệm buổi thiếu thời đang ngủ yên dưới góc da đầu làng trong mấy ngày giỗ tổ sắp tới, đông đủ bà con, là một niềm vui nhè nhẹ.
Phấn khởi lắm là chuyện chàng sắp cưới vợ. Ân về làng để báo cho ông trưởng tộc hay tin lành đó. Chàng thuộc chi thứ trong họ, cha mẹ chàng định hôn nhơn cho chàng là đủ rồi, nhưng cũng phải thưa qua với ông nầy. Cô Mai đẹp, ngoan, có hạnh, có nết, có duyên và có lu bù đức tính tốt khác nữa, kể sao cho xiết!
Nhưng sôi nổi trong lòng chàng là viễn ảnh danh vọng mà bác sĩ Ân sắp đoạt được. Chàng sẽ nổi danh, mà nhứt là chàng sẽ hưởng được lạc thú ở đời hơn vì vương đế nào cả.
Bất giác chơn cẳng Ân làm việc nhanh chóng như để ăn nhịp với sự bồng bột bên trong. Nếu đi bộ thì chàng đã chạy rồi. Lái xe, chạy không được, chàng đạp lút ga săng vậy.
Từ lúc mới vào học trường thuốc, bác sĩ Ân đã nghiên cứu sự già nua của con người để tìm thuốc trường sinh. Thấu đáo được nguyên nhơn sâu kín của thứ bịnh nan y kim cổ ấy, bác sĩ Ân chế ra một trị liệu làm cho trẻ lại những tế bào ủ rũ trong thân thể những người già.
Công việc còn đang ở trong vòng thí nghiệm, nhưng bác sĩ thoáng thấy kết quả rực rỡ của nó rồi.
Phương pháp trường sinh của chàng sẽ thành công. Chàng sẽ nổi danh. Mà thứ nhứt là chàng và Mai sẽ trẻ mãi để hưởng mối tình muôn xuân của họ.
Thế hệ con người kế tiếp nhau mà tàn mọc, nhưng đôi bạn trẻ cứ đắm đuối trong tình yêu huyền ảo, bất chấp thời gian.
Ân tin là chàng sẽ thành công trong khi bao nhiêu y sĩ khác trên thế giới thất bại. Vì họ, đến lúc đầu bạc răng long họ mới hoảng lên, hối hả tìm thuốc. Thế còn đâu đủ thì giờ để hoàn thành nghiên cứu. Chàng, chàng đã bắt tay vào việc ngay từ năm mười chín tuổi.
Chỉ phiền có một điều là trị liệu mà chàng nghĩ ra rất tốn kém vì phải đeo đuổi áp dụng trong nhiều năm. Không phải ai cũng hưởng được cái diễm phúc trẻ mãi với tháng năm.
Nhưng Ân tự an ủi: "Ít người hưởng còn hơn là không ai được hưởng cả".
Bận lo ra nên Ân phóng xe ra khỏi ngả ba đường quẹo vào làng mà không hay. Đang chạy ngoài nắng chang chang xe bỗng chun vào một đường hầm xe lửa tối om. Rừng cao su dày mịt hai bên đường đuổi cả nắng ở đây không còn sót một giọt. Những cây cao su già cỗi trồng ven đường giao nhành lại với nhau kết thành một vòm xanh che kín mít trên đầu chàng.
Điều kiện thấy thay đổi đột ngột quá khiến Ân suýt lạc tay lái. Ý thức chàng bấy giờ mới trồi trở ra ngoài và chàng chợt nhận thấy là mình đã đi khỏi ngã ba làng.
Ân quay xe lại và mười phút sau, chàng quẹo vào con đường đá đỏ bên trái, thân yêu với những cây sao bạn cũ trồng ở ven đường mà thuở bé chàng hay lân la để tắm mưa hoa trắng dưới tàn.
- Y hệt như hồi đó! Ân chạy xe chậm chậm cho đỡ xóc, nhìn hai bên đường và lẩm bẩm như vậy.
Đá đỏ lâu đời bị bánh xe bò nghiến nát thành bụi, nhuộm hồng cả cây cỏ hai bên đường. Không lần nào ngâm câu Kiều:
Bụi hồng dặm cuốn chinh an
Mà Ân không bùi ngùi nhớ lại cảnh nầy và giờ đây câu thơ ấy bỗng lại như văng vẳng bên tai và văng vẳng bên tai những âm thanh khác, huyền diệu vô cùng vì nó giúp chàng hoàn đồng trong giây lát.
Nhà thờ họ Tôn ở mép trái, khuất dạng trong vườn cau. Nhưng Ân đoán thấy được, nhớ nhắm cây da trước miễu làng, mọc đối diện với vườn nhà. Miễu làng đã bị tàn phá trong thời chiến tranh, cây da đã trốc gốc nhưng thân cây còn nằm đó và tiếp tục sống như một ông lão cao niên mắc chứng tê bại phải nằm tháng nầy qua năm khác.
Ở đây, nhà cửa đều cất day lưng ra đường vì dưới kia là ruộng mà khoa địa lý dạy phải cho nhà ngó mặt xuống ruộng mới mong làm ăn khá.
Thành ra Ân vào nhà bếp trước. Vì khách thường nào cũng vào đó - nhà trên chỉ mở cửa vào những dịp bất thường thôi - nên nhà bếp cất rộng rãi như một nếp nhà của người có ăn. Nhà có hai nóc. Nóc trên dùng làm nơi tiếp khách, nóc dưới - tức là nóc gần đường, dùng làm nhà khói.
- À, anh lang bâm về trễ dữ!
Người bác thứ ba Ân kêu lên như vậy rồi thì trong nhà thiên hạ túa ra mừng khách.
Nhà bếp hôm nay chứa đến non một trăm người. Ông cụ ăn hương hỏa nhà nầy có bốn người con, vừa trai vừa gái, đều ở trong làng nối nghiệp ông cha. Người con trưởng ông đã trên bảy mươi, có cháu nội cháu ngoại đủ cả, mấy người sau cũng thế. Thêm vào đó những chi thứ, con cháu của em ông cụ, mà Ân là một.
Họ Tôn là một họ lâu đời, rất hiếm hoi ở miền Nam nầy: Gia phổ nhà ghi tên đến ông tổ mười hai đời, và hiện người ta biết mồ mả của ông tổ chín đời.
Cánh họ Tôn nầy rất quí trọng sự lâu đời của nhà họ và cố giữ trọn truyền thống cũ đã có cớ mà tự hào. Thành ra ngày giỗ nào con cháu cũng tựu về đông đúc như vậy cả.
Ân thuộc chi thứ, không có bổn phận về cúng giỗ tổ cho lắm, và cũng không cần sự tự hào gia tộc, nhưng chàng vẫn về vì ngôi nhà thờ ấy đã chứa chấp không biết bao nhiêu kỷ niệm buổi thiếu thời của chàng. Mấy người ở chi thứ khác, toàn người Sàigòn, về đó hôm nay cũng vì lẽ ấy.
Về quê, tức là ngược dòng thời gian để lên nguồn đời minh. Thú biết bao! Về quê vào ngày giỗ tiên thường, ngày Tết lại càng thú gấp bội.
- Con đã ăn gì chưa?
Đó là câu hỏi đầu của người cô thứ tư, góa chồng và không con, ở nhà thờ để phụng dưỡng ông cụ.
Nội câu hỏi ấy cũng đủ làm cho lòng Ân nao nao, thương thương, nhớ nhớ những giương mặt của những người đờn bà trong họ nay đã khuất bóng, người nào cũng nuông con cháu bằng cách cho ăn.
Ân đã ăn rồi, nhưng cứ đáp là chưa để được hưởng trước những món cúng nhà quê lạ miệng và rất gợi nhớ.
Trong khi người cô hấp tấp chạy vào nhà khói thì người bác hai giới thiệu mấy đứa cháu nhỏ với Ân. Nhiều đứa, bận về trước, Ân không thấy: chúng còn bé quá, hay chưa đẻ cũng nên. Ân lơ đảng nghe danh từ đứa, xoa đầu của chúng lấy lệ vì biết chắc rằng lát nữa đây sẽ quên hết. Lũ nó đông trên ba mươi, còn làm sao mà nhớ thằng nào là thằng Cu và thằng nào là thằng Minh Dũng.
Ân được đãi bữa ăn sáng: bún, vịt tiềm, chàng vừa ăn vừa mách thuốc bởi vì bà con người nào cũng có sẵn một chứng bịnh trong mình cả, đợi gặp mặt ông lang nhà để hỏi thuốc khỏi tốn tiền đi đốc tơ.
Ân hỏi người bác hai:
- Thưa bác, ông vẫn mạnh khỏe như thường chớ?
- Ông năm nay yếụ hơn mọi năm, nhưng còn đi đứng được.
Ân ngó lên nhà trên, hình dung một ông lão đang ngồi chờ con cháu. Phải, họ bỏ ông cụ trên đó một mình và ngày giỗ, ngày Tết, con cháu về đông vầy, mà ông cụ vẫn cô quạnh như thường.
Ngôi nhà thờ ba gian hai chái, rộng minh mông như một ngôi chùa, càng giống ngôi chùa hơn, là sự vắng người ở trong đó.
- Những ngày thường, cửa đóng kín mít, chắc ghê sợ lắm, Ân nói một mình mà như hỏi ai.
Người bác hai vuốt chòm râu bạc mà nói:
- Cô Tư cháu nói hôm qua mở cửa để dọn quét bụi bặm, bắt được dưới bàn thờ giữa hai vỏ rắn lột.
Bỗng mọi người nín im, nhìn nhau mà cười bằng mắt: ông cụ đang nói chuyện một mình trên đó, mà nói lớn như là người đối thoại nặng tai lắm.
- Ông tối ngày cứ chơi với mấy cái giỏ mây, sắp vô rồi lấy ra, tìm trái cau, trái quít mà bỏ vào đó, như trẻ con chơi trò buôn bản...
Ân nghe là hiểu ngay; đó là địa hạt của chàng: tâm lý của những người già quá. Họ càng cao niên càng trở về với tuổi thơ ấu, ngủ sớm như trẻ, con mắt mờ, nhưng mờ đến độ chót, đến "quá làn" bỗng lại sáng tỏ ra, khỏi đeo kiến nữa. Đến một khi kia, họ khờ dại ra, bỏ rơi lần lần những gì mà kinh nghiệm sống đã dạy họ, họ không còn ước lượng được sức nặng, thời gian, không gian nữa.
- Thưa bác, Ân hỏi, ông lẫn luôn hay mới lẫn có lúc thôi.
- Chỉ lẫn có lúc thôi.
- Như vậy tinh thần ông cũng khá tráng kiện, ông đã chín sáu rồi. Có người chưa chín mươi đã lẫn luôn, không còn nhận ra con cháu nữa.
Khi Ân ăn xong bữa, người bác Hai nói:
- Giấc sớm mai thường thường ông sáng suốt lắm. Ta kéo nhau hết lên nhà trên để chào ông.
Không ai hoan nghinh ý kiến đó, nhưng ai cũng đứng dậy để đi theo ông trưởng tộc tương lai nầy. Ông ta đã bảy mươi bốn tuổi mà trông còn quắc thước lắm. Ông ở riêng với con cháu ông, nhưng khi nào ông cụ ở đây qua đời rồi, ông sẽ về đây mà coi nhà thờ.
Cả đoàn đi như đi đám cưới, long trọng vòng ra cửa trước, mặc dầu có cửa sau gần hơn. Người bác Hai bước lên bực đá ong và tằng hắng một tiếng.
Ân thấy ông trưởng lộc đầu sói sọi, da đầu láng bóng, trông giống như ông Thọ trong tranh Tàu, đang ngồi xếp bằng trên chiếc tràng kỷ, tay mân mê một cái chén trà cổ.
Nghe tiếng động, ông cụ ngước lên rồi kêu:
- Cả! Dữ ác hôn, tới bây giờ mới về!
Người bác Hai là cựu Hương Cả trong làng. Đây là kêu theo chức tước địa phương, chớ không phải kêu theo lối miền Bắc.
Ông Cả Hai bước đã tới trong mà con cháu có đứa còn đứng ngoài sân vì đoàn dài quá. Đây là cuộc họp mặt của bốn thế hệ người, từ ông cụ chín mươi sáu đến thằng bé lên năm, và là cuộc họp mặt toàn quốc có đủ mặt người Bến Tre, người Sàigòn, và người ở xó quê miền Đông nầy.
Ông Cả Hai kề miệng vào sát tai cha mà hét:
- Con cháu nó về đông đủ thăm tía, với lại để cúng giỗ!
Ông trưởng tộc gục gặc đầu và nói:
- Biểu chúng nó vô hết trong nầy.
Ông cụ nhìn đám con cháu vào nhà và vẹt qua một bên, cười bằng cái miệng móm sọm rồi hỏi:
- Chúng nó có ăn gì chưa?
Ông Cả Hai hét đáp:
- Đứa nào cũng ăn no rồi hết. Bữa nay có thằng Ân, con của chú Tư về để...
- Chú Tư nào?
- Chú tư Huệ ấy, cháu nội của chú Ba của con, tía quên rồi hay sao?
Ông nội của Ân là em ruột ông cụ. Nhưng ông cụ cố nhớ mãi mà không nhớ ra. Rốt cuộc ông cụ cũng hỏi:
- Đâu, nó mấy tuổi rồi, bước lại đây xem.
Ông Cả Hai và cả đoàn cười rộ lên. Ông kéo Ân đến trước mặt ông cụ và hét:
- Nó hăm bốn tuổi, mà đậu tới đốc tơ lận.
Ông cụ mỉm cười nhưng không nghe rõ nên nghiêng đầu đưa tay ra để đòi nghe lại câu vừa rồi.
Ông Cả Hai hét to hơn:
- Nó vừa đậu đốc tơ!
- Ạ ạ... đốc tơ. Giỏi quá! Chà giỏi quá! Mới hăm bốn tuổi! Nhưng con cũng phải học thuốc ta mới hoàn toàn được.
Ông cụ nắm tay Ân, nhìn chàng trân trối rồi hỏi:
- Con có biết chuyện "Phúc thống phục nhơn sâm...tắc tử" hay không?
Ân biết câu chuyện bốc thuốc đó, nhưng ông cụ vừa hỏi xong thì cười ha hả và cười mãi như vậy, nên chàng chỉ nhoẻn liệng cười và đứng đó làm thinh.
Bỗng ông cụ chỉ tay vào đám đông hỏi:
- Đứa nào kia?
Ngón tay ông cụ chỉ ngay con Hạnh, cháu nội của cô Năm. Gia quyến Hạnh ở Sài gòn cũng mới về hôm nay.
- Dạ, đây là con Hạnh, kêu tía bằng ông cố.
- Con Hạnh! Ai cho phép con cắt tóc đó?
Mọi người chưng hửng. Con Hạnh năm nay mười tám tuổi, nó uốn tóc quăn là sự thường như là ta thở hoặc ta đánh răng bằng bàn chải.
Con Hạnh bước tới, mặt tái lét, ú ớ đáp gì nho nhỏ trong miệng không ai nghe được cả. Mà ông cụ cũng chẳng thèm nghe, cứ lắc đầu mãi rồi nói:
- Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương! Có cái đầu để thờ ông thờ bà, lại đem mà cắt ngang đi, thì còn "Hạnh" cái nỗi gì.
Bỗng ông cụ ôm lấy chơn mình, rồi vừa nhăn mặt vừa hít hà kêu lên:
- Ý ôi! Trời ôi! Nó nhức chết đi thôi!
Bác sĩ Ân đứng ngây người ra. Cảnh trước mặt chàng chưa đầy mười lăm phút đồng hồ mà thấy sao y như là cả một đời kinh nghiệm nó bắt chàng soát lại quan niệm của chàng về lẽ sống.
Ông cụ đã đến tuổi không còn hiểu được ai nữa cả. Uốn tóc quăn, ông cụ không hiểu mà chắc bao nhiêu chuyện khác cụ cũng chẳng hiểu được.
Mấy đứa bé đứng đàng sau đuôi kia, ông cụ có thương yêu chúng nó hay không? Chắc là không! Những lúc không lú lẫn, chắc ông cụ bận nhơi lại dĩ vãng như bao nhiêu người già khác, không thiết đến tương lại đã đành, mà cũng thờ ơ với hiện lại. Thương yêu đã chết nơi lòng người một lượt với ham muốn thì chắc ông cụ cũng không bao giờ nghĩ đến bà cụ, đang nằm yên dưới mồ.
Con cháu chắc chắn là không thương yêu ông cụ rồi. Thế hệ thứ ba không ở chung với thế hệ thứ nhứt thì khó mà bị dính líu về tình cảm với thế hệ ấy lắm.
Còn nói gì thế hệ thứ tư là con Hạnh kia. Nếu luân lý không dạy nó phải thương yêu ông cố thì ông già ngồi trước mặt nó để mắng nó bằng chữ nho kia, bất quá chỉ là một ông lão gàn.
Không, không một liên hệ tình cảm gì giữa những thế hệ người xa nhau quá như vậy: Ngay như ông Cả Hai, tình thương cha của ông chắc đã bị tình thương vợ, thương con, thương cháu cướp hết cả rồi.
Không, không nên sống nhiều quá, sống lâu quá. Mình không thương ai được nữa mà cũng không còn ai thương mình nữa thì sống làm gì. Cho đến bạn hữu quanh mình, những người cùng thế hệ, cùng cảm nghĩ với mình, cũng đã từ giã cõi đời rồi thì sống thiếu tình thương lại thiếu cả tình bạn nhè nhẹ để cho vui tạm những lúc trà dư thì còn thú vị gì?
Ân nghĩ tới đó thì nhớ lại bụi tre đã gặp ở đầu làng khi sớm. Không hiểu vì lẽ gì mà cả bụi chỉ đứng trơ lại một cây, ngoặt ngoẹo dưới gió đồng. Tre đẹp nhờ xúm xít lại từng bụi lớn. Đứng lẻ loi một mình, xem nó vô duyên làm sao!
Những cây tre cô độc ấy phải tàn, không vì một mục đích vị tha nào cả, như là tre phải tàn cho măng mọc chẳng hạn, mà vì lợi riêng. Nó sống một mình có lợi gì cho nó đâu. Nó bị bơ vơ không biết thì thầm với ai lời gì. Cho đến gió cũng chẳng thèm ghé lại để rì rào với nó những câu chuyện thân mật hằng ngày.
Tre phải tàn, và con người phải chết. Thuốc trường sanh không giúp con người hưởng hạnh phúc lâu dài đâu.
Sống sót trên đời với những thế hệ không thân với mình, thật không khác nào sống sót sau một trận dội bom khinh khí, sau cuộc tận thế, sống một mình với những hòn đá chung quanh, nó không thèm biết có mình, hay chỉ xem mình là một hiện tượng lạ mắt thôi.
Ông cụ xổ nho một hơi, rồi như quên mất câu chuyện uốn tóc quăn, vuốt râu rồi nói:
- Tụi bây, bây giờ yếu nhớt, coi đứa nào đứa nấy ốm như con còng gió. Tao ngày xưa, tao bẻ cây tầm vông như là bẻ cọng rạ. Có vậy tao mới đả hổ được chớ.
Không đánh cọp làm sao mà làm ruộng. Nè, hễ mình lấn rừng thì cọp nó ghét, nó rình để móc họng mình mà trả thù việc phá chỗ ăn chỗ ở của nó.
Bọn tao đứa nào cũng thủ sẵn đủ cả khí giới. Ai đốn cây cứ đốn, ai đánh gốc cứ đánh, mà hễ nghe cái mùi khen khét thì...
Mắt ông cụ bỗng sáng lên. Bao nhiêu sinh lực còn sót lại trong người ông cụ đều dồn lên trên và muốn vọt ra ngoài nơi hai con mắt thình lình tỉnh dậy ấy.
Ân thoáng thấy con cháu ông cụ rút êm đi lần lần, lũ cháu nhỏ đi trước, kế đến những anh chị, em út cùng thế hệ với chàng.
Đám con cháu tan lần cả, chỉ còn sót lại hai người bác và hai người dượng rể thôi.
Ông Cả Hai rót ra một tách nước rồi bưng cho ông cụ và hét rằng:
- Tía nói nhiều, mệt, uống nước để thấm giọng.
Ông cự rước lấy tách trà nóng, hớp từng hớp một, rồi quên luôn vụ đánh cọp đang kể dở chừng.
Trời ơi, Ân kêu thầm! Ông cụ không hiểu con cháu, mà cón cháu nó cũng không hiểu ông cụ chút nào. Đây là câu chuyện mà ông cụ đã kể hằng trăm lần rồi, nên chúng nó đâm ngấy mà rút êm đi cho khỏi bực phải nghe.
Chúng có nhớ đâu rằng ông cụ là con của những người tiên phuông đi khai hoang miền Nam nầy, và thời kỳ đánh cọp phá rừng, là thiên anh hùng ca mà ông cụ hãnh diện lắm, kể mãi đến chết cũng chưa chán.
Bấy giờ cả những người bác, người dượng rể cũng xin phép mà lui.
Riêng Ân, chàng vẫn ở lì đó vì chàng tội nghiệp cho ông cụ quá. Vả câu chuyện hôn nhơn chưa thưa kịp.
Ông cụ ngó mông ra ngoài vườn cau giây lâu rồi như sực nhớ ra còn một đứa cháu trước mặt, nên day lại nhìn nó rồi hỏi:
- À, con tên gì, ông quên mất rồi?
- Thưa con tên Ân!
- À, ân. Con có biết ông thuộc tuổi gì hay không?
- Thưa tuổi Thìn.
Ông cụ cười ha hả rồi nói:
- Ai lại.không biết ông tuổi Thìn, nhưng thuộc vào tuổi gì chớ?
Ân ngơ ngác không hiểu câu hỏi của ông cụ. Thấy chàng bí, ông cụ giải thích:
- Nầy, hễ sáu mươi người ta gọi là Thọ; bảy mươi họ gọi là Trung Thọ, còn tám mươi là Thượng Thọ. Vậy ông trên chín mươi gọi là gì?
Ân đáp bừa:
- Thưa, là Đại Thượng Thọ.
- Hừ, dốt, trẻ bây ngày nay dốt lắm. Cái gì mà Đại rồi còn Thượng nữa. Chín mươi sắp lên là Thiên Liễu đó.
Ông đã Thiên Liễu nừ mấy năm nay rồi. Thiên Liễu là tuổi bất khả xâm phạm, ông bây giờ rủi giết người cũng không phải tội. Vua có vô làng, cũng phải nói chuyện với ông.
Một lần lữa, ông cụ sáng mắt lên. Gương mặt sắp hết chất sống của ông lão được sự hãnh diện cuối mùa làm tươi hẳn ra.
Nhưng Ân lại nghe thương hại quá sức cái tuổi Thiên Liễu nầy, bị phạt phải sống trơ trọi trong không gian và trong tình cảm!
Không, con người không nên Thượng Thọ cũng chẳng nên Tiên Liễu làm chi. Bảy mươi, nhường chỗ cho kẻ khác là vừa rồi.
Ân vụt nhớ lại điệu nhạc đám ma ngoại lai mà chàng đã nghe hôm tuần tnrớc. Đó là đám ma của một ông nhà giàu dốt, rước kèn tây thổi cho oai. Bọn kèn tây đã thổi bản "Tạm biệt".
Chàng đã mỉm cười chế nhạo bọn nhà giàu dốt ấy! Nhưng nay nghiệm ra, họ có lý của họ biết bao: ông nhà giàu bảy mươi ấy chết là vừa lắm rồi, nên con cháu nó không buồn, cho nhạc công thổi bản vui để ăn mừng một cuộc rảnh nợ.
Ân nhìn ông cụ bóp chơn và nhăn mặt kêu đau, rồi lẩm bẩm một mình:
- Giúp cho một vài ông cụ, một vài bà cụ sống dai như ông cụ trưởng tộc họ mình sống để không ai thương, không thương ai cả, sống bơ vơ như một Từ Thức, trong khi bao nhiêu người đồng thời đều đã ra ma, ích lợi gì cho người thọ?
Và phương thuốc trường sinh tốn tiền của mình chỉ tổ làm khổ cho mấy ông nhà giàu, sống sót lâu quá với những thế hệ khác mà thôi.
Mưa Thu Nhớ Tằm Mưa Thu Nhớ Tằm - Bình Nguyên Lộc Mưa Thu Nhớ Tằm