Mắt Thù epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12
óng biển khuất sau dãy nhà tôn mái thấp, dồn đuổi vào tai tôi, một nhịp đều và tẻ. Tôi không con cảm nghe được một nỗi mơ hồ nào vẳng lên từ những con sóng ấy. Những con sóng đã vỗ mềm trí tưởng tôi trong suốt một thời gian đằng đẵng. Nó đã bồi đắp không ít, cho đời tôi, những hoảng hốt, những ngày mất tăm sự sống.
- Tao hy vọng mình cùng được dạy một nơi với nhau. Thúy nói, khi nheo mắt nhìn theo chiếc xe nhà binh vừa hút mất ở khúc quanh, chỗ rẽ vào thị trấn.
- Mày xin về đâu? Tôi hỏi.
- Huế và tại đây. Thúy đáp không suy nghĩ, ngập ngừng.
Tôi cười:
- Tao không mong mày về Huế bằng được ở lại đây.Vì ở lại đây mày còn có thể tìm lại những gì đã mất. Dù cái mày tìm thấy chỉ là vảng vất của ngày qua. Thế cũng là hạnh phúc rồi. Về làm gì nơi ấy. Nơi mà tất cả mọi liên hệ đã dứt, đã đứt. Tôi nói với Thúy như vậy, có lẽ tai thâm tâm, tôi mong được ở Sài-gòn. Được ở một thành phố hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Nơi tôi chưa hề có một kỷ niệm. Nơi không choán tôi khoảng nhỏ nào của ký ức tôi mù rối. Nhưng điều ấy có sao. Phải rồi có sao đâu. Chưa biết chừng lại là một may mắn. Tôi đến đó để bắt đầu lại đời mình. Để có từ cái không có. Để sống bù cho những tháng ngày đã uổng phí, được ở gần nhau, ở gần bên Thúy, cái tình cảm ấy tốt lắm. Đẹp lắm. Nhưng sự có mặt của một người bạn thân, cạnh cuộc đời mình, không thể là sự có mặt cần thiết của một người tình, một người khác phái. Không có gì thay thế được ngôi vị đó. Nó khuyết là nó mãi mãi trống vắng. Danh vọng tiền bạc không thể lấp đầy được khoảng trống đó. Bố mẹ, anh chị em cũng không thể kế vị, một khi nó mất đi. Hoặc nó đầy, hoặc nó khuyết. Thế thôi. Cũng như nếu một ngày mai, chẳng may tôi mất Nhiệm, mất Nhiệm là mất vĩnh viễn, không một ai thay thế được chàng trong tâm tưởng tôi. Trong một tương lại xa hay gần, có thể tôi sẽ yêu một người khác. Tôi sẽ ôm một người đàn ông nào đó, trong tay. Tôi cũng sẽ có con với họ. Nhưng họ có vị thế của họ. Và một cuộc tình lụn, nó cũng có một chỗ riêng của nó.
Chiếc xích lô chờ tôi. Tôi trả giá rồi leo lên. Thúy khom lưng, nhắc chiếc va-li đặt vào lòng xe. Nó tần ngần vin tay vào khung sắt gấp nếp, trên thành xe. Tôi cũng bần thần ngó lung khoảng không trước mặt.
Nắng hoe vàng trên những đỉnh cây gỗ lác. Người phup xe đặt chân lên bàn đạp. Chiếc xe rung rinh muốn chuyển bánh. Tôi hoảng hốt nắm lấy tay Thúy. Những ngón tay nó run lên, trong bàn tay tôi phủ kín. Chiếc xe khựng yên, như không thể chạy được nữa. Chúng tôi không dám nhìn nhau. Hình như hai đứa cùng cố ý tránh ánh mắt của nhau.
Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình lả đi nhẽo xèo gần như nhiễn tan đến thế. Tôi cũng không thể ngờ giờ phút này, tôi lại bỗng đau đớn không muốn đi. Tôi muốn ở lại. Muốn nhảy xuống ngay lập tức. Tôi muốn ôm Tải và khóc, khóc cho hả. Khóc cho cạn nước mắt. Dù không biết rằng khóc như thế để làm gì và bởi đâu. Cũng không một ý tưởng nào bật sáng trong óc tôi. Tất cả đều lợn cợn, lộn xộn. Tất cả đều như không còn mang một nghĩa gì. Có lẽ chúng tôi đang bị đặt trước một công trình vĩ đại, do chính mình dựng lên và nay đã đổ nát,vụn tan ngay dưới chân mình, bởi chính tay mình. Trong một phút mơ hồ, tôi đã gọi tên Thúy. Tiếng nói tôi hình như không thoát ra, vì chính tai tôi cũng không nghe thấy gì ngoài tiếng sóng vỗ đều, vỗ đều đã từ hai năm nay. Nhưng tâm hồn tôi lại cảm nghe rõ lắm. Thật rõ. Tiếng ai đó, không phải giọng tôi, gọi Thúy. Không in là giọng tôi gọi đó. Một tiếng kêu thương vang lên từ tìm thức, từ hư vô? Hay chính là tiếng kêu tên tôi, trở về định mệnh nào đã an bài, phơi lộ...
Bất thần, Thúy rút nhanh tay về. Nó ù té chạy. Tôi không ngoái nhìn nhưng biết rõ, những giọt nước nong nóng, từ đâu lăn đều trên hai gò má tôi như bánh xe cao su, sàn sạt trên mặt nhựa đầy cát, lăn đến một nơi nào, tôi đã nói.
Ở đàng xa, xa tít, chiếc máy bay lượn vòng rồi chao cánh xuống thấp.
Buổi sáng nắng căng đổ trên con lộ bụi lầm. Tôi mặc cho thân thể lắc lư theo nhịp xe chuyển động. Những vòng nan quay đều, trong trí làm tôi dần dần trở về trạng thái cũ. Những nôn nả, những thắc mắc vẩn vơ, lại theo đà phóng tới. Nghĩ đến chàng, bất giác tôi mỉm cười, một mình. Cái mà tôi chắc một đời tôi không thể nào quên được là vẻ lúng túng của chàng lúc đưa tôi vào khách sạn. Lẽ ra thì chính tôi chỉ tôi là kẻ lúng túng, lo sợ. Ấy thế mà chàng lại run rẩy ngượng ngùng. Tôi nhận ra điều này khi chàng lóng cóng tra chiếc chìa khóa đồng, to bản vào ổ khóa lẩn trong cánh cửa. Khi ấy là lần đầu tiên chàng ra đây thăm tôi, và cũng là lần đầu tiên, tôi nhận lời đến thăm nơi chàng ở. Thực tình, tôi không nghĩ rằng cái buổi trưa đó lại là buổi của định mệnh, định mệnh một khắc gắn chết đời chúng tôi vào nhau.
Tôi nhớ, khi chàng ghé môi hôn, có tôi cảm tưởng như ở môi chàng có tẩm nhiều nọc độc, thứ nọc độc của rắn tiêm vào đâu, ở đó thịt da tê dại, thần trí ngẩn ngơ, tan loãng, cho đến lúc tay chàng chạm vào ngực tôi thì hầu như tôi không còn là tôi nữa. Mọi tế bào trong người tôi phụt vỡ, những dây thần kinh như bị bàn tay vô hình nào kéo căng. Máu giần giật chảy. Những sợi tóc dài xuôi trên vai tôi, chừng như cũng muốn dóc xuống trên một thân thể dọng ngươc.
"Đừng anh... Đừng anh..." tôi van xin chàng. "Đừng anh... Đừng anh..." tôi năn nỉ chàng. "Đừng anh... Đừng anh..." Tôi đã nói thế với chàng không biết để làm gì? Để làm gì và có lẽ chính chàng cũng không nghe rõ lời kêu líu ríu ấy.
Tôi không bao giờ tự coi mình như một đồ vật được treo giá cao để mặc cả với tương lai. Khi tôi không đem tất cả những gì có nơi tôi để mặc cả với tương lai, thì không lý gì tôi phải đắn đo với hiện tại vì cân nhắc bằng vào kinh nghiệm quá khứ. Tình yêu không là một kinh nghiệm, nó là sự sống hay lẽ chết tùy theo diễn biến của cuộc tình. Có thể quan niệm của tôi sẽ bị nhiều người liệt vào "loại đợt sống mới" với một giọng mỉa mai riễu cợt. Nhưng dầu thế nào chăng nữa thì tôi sinh ra để sống cuộc đời tôi chứ nào để tùy thuộc nơi kẻ khác. Sống hay chết lúc này đều chỉ còn có nghĩa như một nhục nhã, một bất lực khôn bề vượt quá. Tôi phải chọn cho tôi một lối thoát chứ. Một đánh lừa thì đúng hơn, để dìm đắm mình trong đó, để ít nhứt còn thấy đời mình đáng sống.
"...Anh không biết làm sao khác hơn...anh yêu Nữ quá. Hãy hiểu cho anh."
Nỗi đắm say rạo rực này. Nếu trong hoàn cảnh nào người ta cũng tìm thấy một hy vọng, thì hy vọng của anh ở đây là tình yêu nơi Nữ. Bây giờ không ai được sống đúng đời mình. Sự gian khổ, ngụy tín đã là căn bản của mọi cảnh đời, chỉ tình yêu mới đem đến cho ta những phút giây sống thực, và những phút giây này thường ngắn ngủi. Anh xin Nữ hãy cho anh một phút được sống đúng đời anh. Tôi lúc ấy như một chiếc chong chóng bằng giấy mỏng manh, quay tít trong cơn lốc nhỏ là những lời nói thì thầm đứt quãng của chàng.
Chiếc phi cơ quần một vòng rồi là là đáp xuống. Tôi choàng tỉnh khi tiếng nói trong suốt, dịu dàng của cô chiêu đãi viên hàng không nhắc nhở hành khách soát lại dây an toàn.
Qua khung kính nhỏ, phi trường mở lớn với những vạch sơn xanh đỏ, thẳng mút mắt. Thân tầu rung rinh lừ đừ bò tới.
Nắng chiều còn ấm và vàng nhòe một khoảng sân bóng. Mình mẩy tôi ê ẩm, đau nhừ nhưng trí óc lại vô cùng sáng suốt. Nhớ lúc ngồi đợi máy bay ở ga Bình-định, một bà già cỡ gần năm mươi, không biết căn cứ vào đâu, bỗng dung hỏi tôi:
- Cô hai có thai được mấy tháng rồi?
Thoạt tôi ngỡ ngàng, ngó sững bà ta, vẻ mặt bà thản nhiên không lộ một chút gì soi mói hay ngờ vực. Tôi chợt nhớ ra trường hợp mình, vội mỉm cười đáp:
- Dạ ba tháng. Gần ba tháng.
- Chắc con so? Bà nói tiếp.
Tôi gật đầu:
- Vâng, con so. Câu chuyện lanh quanh dẫn tới chàng. Tôi bảo "nhà tôi" làm lính trong Sài-gòn. Ngồi bàn giấy, nhưng thỉnh thoảng cũng phải đi theo những cuộc hành quân bất thường.
Bà ta bảo:
- Dậy là phước rồi đó nghe. Có phước lắm.
Tôi cũng nghĩ thế. Thời buổi này, có gì để mà đòi hỏi hơn. Tôi tưởng tượng tới khuôn mặt chàng rạng rỡ trong đám đông những người đón thân nhân ở sân bay. Tôi cũng hình dung ra ngôi nhà mà tôi sẽ đến, ở và biết đâu tôi chẳng sinh nở tại đó.
Ngôi nhà theo lời chàng, lọt trong một khu nhiều lạch, nước lên xuống ngày hai lần. Căn nhà có một cái hiên nhỏ thừa ra, với những thanh gỗ rào quanh đã mục, gẫy. Ở góc trong của chiếc sân nhỏ đó, là cây trứng cá, do người chủ trước trồng. Người chủ cũ hình như đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Người vợ trẻ với ba đứa con thơ sang nhà cho một người nhà cho một người hàng xóm, bồng con đi phương khác. Không ai biết đi đâu, nhưng có người trông thấy chị ta đi với Mỹ. Người hàng xóm sang được căn nhà ấy với một giá rẻ mạt đã cho người bạn của chàng thuê lại.
Căn nhà có hai gian và một chái nhỏ ở ngay bên hông. Chúng tôi sẽ ở cái chái đó. Vợ chồng người bạn ở gian trong và gian ngoài dùng làm phòng khách chung cho cả hai gia đình. Ừ, hai gia đình. Chữ gia đình âm vang trong óc tôi một cảm giác lạ lùng, ngượng ngập. Ồ, sao lại ngượng nhỉ. Tôi với chàng hai đứa chẳng tạo nên một gia đình rồi sao. Cũng như ai chứ bộ... Tôi mường tượng tới lúc được tiếp bạn bè chàng trong ngôi nhà hai gian một chái đó. Tôi băn khoăn không biết họ gọi tôi bằng chi đây? Bà Nhiệm. Chị Nhiệm? Hay chỉ mỗi chữ chị không thôi? Ôi chao, thế nào chẳng được. Điều quan trọng là chúng tôi được ở bên nhau, được ở bên chàng. Và miễn chàng hết mực yêu tôi. Thế là quá đủ rồi.
Mỗi ngày, tôi sẽ đi chợ ở chiếc chợ con, nhóm ngay trong con hẻm đó. Tôi sẽ làm cơm ngày hai bữa, dọn sẵn, chờ chàng về. Tất cả những kinh nghiệm nấu nướng mà thời gian sống trong gia đình, với mẹ tôi, học được bao nhiêu, chắc tôi sẽ đem hết ra để làm vừa lòng chàng. Để chàng phải vừa ăn vừa tấm tắc khen tài nấu bếp của tôi. Có thể, chàng phải buột miệng: "Anh thực không ngờ Nữ làm cơm khéo thế". Và tôi chỉ cười, chỉ cười thôi, chứ nói gì được. Cười và sung sướng nhìn chàng ăn món ăn tôi làm với tất cả tâm hồn và tình yêu dồn ủ trong đó. Tôi nhớ chàng nhiều lần bảo tôi, anh ăn giản dị lắm. Thịt kho và rau muống. Ăn suốt đời cũng được. Rau muống, người Bắc mà. Phải rồi. Tôi sẽ xào những cọng rau muống xanh non. Tôi sẽ giã nát những nhánh tỏi, bỏ vào chảo, trước khi hạ xuống, sớt ra đĩa. Tôi sẽ tập bằng mọi cách để biến thành người Bắc. Người Bắc thực sự từ cách nấu bếp tới giọng nói, từ cách mời cơm, tới những lời chào hỏi mỗi khi có người lạ lại chơi. Chừng đó, chắc chàng sẽ thương tôi lắm. Chàng sẽ đưa tôi đi xi-nê mỗi tuần. Lâu lâu, chàng sẽ cho tôi ăn mì trong Chợ-lớn. Tôi bảo bà bạn mới quen rằng:
- Nhà cháu người Bắc, thưa bác. Mới lấy nhau nhà cửa không có, nên phải ở mướn. Nói rồi tôi mới chợt thấy câu nói của mình vô duyên, vô duyên tệ. Khi không đem chuyện riêng của mình kể tông tông cho người ta nghe trong khi người ta không hề tra khảo.Nhưng bà bạn mới của tôi, vẫn mỉm cười, dễ dãi.
Bà ta đáp:
- Vậy hả. Vậy là tốt dữ đa. Vợ chồng mới cưới, còn nhỏ tuổi lo chi nhà cửa vội cho mệt. Thủng thẳng rồi đâu cũng vào đó à. Ai lúc đầu không vậy. Người Bắc ưa cưng vợ lắm đó nghen.
Tôi sung sướng đỏ mặt. Rồi chừng như cao hứng sao đó, tôi lại tỉ tê kể cho bà ta nghe ngôi nhà mà tôi sẽ ở. Cứ y như ngôi nhà ấy đã quen thuộc với tôi từ lâu lắm. Tôi cũng nói ra luôn cho bà ta nghe về người bạn chàng, vợ chồng người bạn ở cùng với tôi, anh chị Nguyễn. Tôi không hề biết mặt ngang mũi dọc của anh Nguyễn ra làm sao, nhưng tôi vẫn tả về anh ấy, bằng vào những lời chàng nói với tôi. Chẳng hạn, Nguyễn đi dạy học. Chị vợ ở nhà nhận may thêm quần áo cho lối xóm. Hai người sống với nhau có vẻ hạnh phúc và êm thấm lắm. Chỉ tiếc một điều là họ muộn con quá. Nghe đâu lý do là tại phía người vợ, bởi trước khi lấy chị này, anh Nguyễn đã có một thời gian ăn ở với một người đàn bà khác và có với người đó hai đứa con. Có lẽ những lúc kể chuyện cà kê là lúc tôi đàn bà nhất. Bởi không nói thì thôi, hễ đã nói rồi là tôi ưa nói lòng thòng về cả những chi tiết lẽ ra không nên nói vì thêm rối rắm lung tung mà thôi. Không phải tôi không biết cái tật ấy của mình, tôi biết lắm chứ, nhưng sửa hoài không được. Mỗi lần nói với chàng, tôi cũng ưa dài dòng như vậy. Thường tôi hay kể cho chàng nghe những chuyện vặt vãnh xẩy ra trong lớp tôi, chuyện những con bạn tôi nói thế này, bảo thế kia, mà những con bạn đó, chàng không hề biết nó là ai. Có lần chàng đã sốt ruột mắng yêu tôi: "Em thật đúng là đàn bà". Không lẽ em là đàn ông sao? Đàn ông thì làm sao yêu anh được. Tôi trả lời liền như thế. Cuối cùng không đứa nào chịu thua đứa nào, chàng cười ngặt nghẽo và ôm xiết lấy tôi: Anh tiếc không ăn được thịt em...
Tôi muốn trong tương lai, tôi cũng có một chiếc máy may, một chiếc máy may cũ thôi, mua lại cho rẻ. Tôi sẽ không may thuê như vợ Nguyễn. Tôi muốn chỉ may cho chàng và lũ con tôi. Trẻ con, người ta thường nói lớn mau như thổi. Quần áo cho chúng nó có khi may không kịp, nên có cái máy may trong nhà thiệt là một điều cần thiết. Hơn nữa, những khuya chàng làm việc, con cái đã đi ngủ cả, tôi thí dụ thế, tôi sẽ ngồi may để thức thi với chàng. Tôi tiếc là cảnh chồng đọc sách vợ dệt cửi ngày nay không còn thấy nữa. Tôi thích cái hình ảnh ấy lắm, vì tôi nghĩ nó Việt-nam vô cùng. Bây giờ không những nó không còn mà tất cả những gì của Việt-nam cũng không còn thấy. Chung quanh tôi, giữa đời sống tôi, chỉ còn là những gì rất lạ, lạ hoắc, lạ đến ngay cả con người, nhiều khi, tôi không thể phân biệt được họ là Việt Nam hay là một giống dân nào, - một giống dân lai? một tổng hợp của nhiều sắc dân, không sắc thái?
Có thể ý nghĩ của tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi văn thơ lãng mạn, thứ lãng mạn mà người thời nay gọi là lãng mạn thời tiền chiến. Dù lãng mạn ấy thế nào, thuộc thời nào thì lúc nầy nó vẫn là một cần thiết. Nếu không có nó đời sống người ta sẽ không còn đáng gọi là đời sống nữa, nhất là trong trạng huống xã hội ngày nay. Đôi khi tôi nghĩ những người sống không một chút mơ mộng, một giây phút thụ hưởng được cái lãng mạn viển vông, vô ích, thì đời sống ấy có hơn gì con vật! Tôi nói cho chàng nghe điểm đó. Chàng đồng ý gật đầu, nhưng bảo: "Chính đời sống nhìn từ một phía nào đó lại là những lưỡi dao bén cứa đứt, chặt rời những dự tưởng của con người."
Có nhiều người trở nên khô khan, cằn cỗi, không phải vì bản chất họ thế, nhưng chính đời sống đã xô họ tới bước đường cùng quẫn đó. Song song với mỗi cảnh đời là một tuyệt lộ, canh cánh bên mỗi đời sống là một hố thẳm, bất cứ giờ phút nào chúng ta cũng có thể sa chân vào đó, ngã vùi dưới ấy, chỉ cần một chút lơ đễnh một thoáng vô tình. Dẫu sao thì chúng ta cũng mừng thầm khi thấy mình còn có thể mơ mộng được. Còn có những nhớ nhung thương tiếc vơ vẩn, hay cao hơn, chúng ta còn yêu được. Dù chúng ta yêu chính tình yêu hay yêu lầm cái bóng của nó. Ta thường có những lầm lẫn về tình yêu. Chẳng hạn như khi người ta xây dựng nó trên những đắn đo, suy tính. Một tình yêu đích thực tự nó không có một căn bản nào. Nó không hình thành trên những bảo đảm vững bền của vật chất của những yếu tố thực tiễn, nó cũng chẳng chỉ có nghĩa là một rung động thuần chất. Nó gò bó, tình cờ, thản nhiên, tất thế như một định mệnh, không thể khác hơn.
Thâm tâm về điểm này, tôi không đồng ý với chàng. Chắc chắn trong tương lai, nếu có thể nào, tôi không thể yêu một ai, như đã yêu chàng. Nhưng phía chàng tôi có cảm tưởng như tất cả sẽ ngược lại. Tôi tin vậy. Nếu mất tôi hoặc sau thời gian yêu tôi, chàng sẽ chán, chàng sẽ hết yêu và biết đâu chàng chẳng tìm đến người khác. Một kẻ nào, ví dụ X... Có thể thế lắm chứ.
Trong cuộc tình, người phụ nữ càng thiết tha đắm đuối hơn với thời gian thì người đàn ông, ngược lại chỉ nồng nàn mãnh liệt ở giai đoạn đầu rồi phai lạt dần ở những đoạn kế tiếp.
Tôi nói với chàng rằng: Nữ không lo cho cuộc tình mình ở lúc này, mà Nữ thường hoảng hốt khi nghĩ tới thời gian một vài năm nữa. Chàng cười. Chàng bảo tôi lẩn thẩn. Tại sao lại nghi ngờ nhau trong những ngày sẽ tới, khi chính ra, ở những ngày sẽ tới, mình sẽ khắng khít nhau hơn, với những đứa con sẽ có. Chàng cũng nhắc lại dự tính của hai đứa. Chúng tôi mong có chừng ba hay bốn đứa con. Bốn đứa thôi. Hai trai, hai gái. Chàng thích nhiều con gái và muốn có con gái đầu lòng ( để giống mẹ nó) trong khi tôi thích nhiều con trai và nên là con trai đầu lòng ( để giống bố nó). Chuyện thoạt tưởng không có gì nhưng sau nó biến thành một cuộc "tranh chấp nặng nề và gay go". Cuối cùng, chúng tôi phải tìm đến một thỏa hiệp như đã tính ở trên nghĩa là phải chia đều...Giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy buồn cười về lời giao ước của chúng tôi. Làm sao có thể đinh ninh là hai trai hai gái. Nhưng nếu có thiệt thòi thì tôi van vái trời xin nghiêng phần thiệt thòi đó về phía tôi. Nghĩa là tôi sẵn sang vui mừng khi có nhiều thấy gái hơn trai. Sauk hi chia nhau đồng đều, chúng tôi còn bàn tính tới việc hướng dẫn nghề nghiệp chuyên môn cho mỗi đứa. Về điểm này chúng tôi cũng cãi nhau kịch liệt không kém. Chàng thì nhất định dự trù sau này mấy đứa con trai đừng đứa nào bị rơi vào trường hợp của chàng... Tôi thì ngược lại, mong có một đứa đi lính. Những đứa còn lại sẽ tuần tự làm những nghề tự do như nghề báo, buôn bán, nhà in... Riêng nghề dạy học bất đắc dĩ của tôi, tôi không muốn một đứa nào theo, thì chàng lại nằng nặc đòi phải có ít nhất một đứa. Chàng cũng khẳng định luôn, là đứa đầu lòng. Con trưởng sẽ là đứa lãnh trách nhiệm trông nom, hướng dẫn tinh thần các em, nên nó phải chọn nghề mô phạm. Sở dĩ tôi không muốn một đứa nào, con tôi, theo nghề bạc bẽo mà tình cờ tôi đã mang vào thân vì đã từ lâu, nó không còn là một nghề nghiệp cao đẹp thiêng liêng như trong sách vở người ta thường ca ngợi nữa. Nó trở thành một cái gì ngược lại. Nó chỉ còn là một lừa dối gạt gẫm, một cách bất nhẫn. Sự dối gạt những tâm hồn thơ trẻ, khi chúng chưa có một chút ý thức nào về đời sống thực ở bên ngoài. Mà chính đời sống ở bên ngoài đó, mới là đời sống mà chúng ta sẽ phải ngụp lặn, trở xoay khi lớn lên. Còn gì bi đát hơn, khi chúng ta dạy cho trẻ thơ có một ý niệm về quê hương, về tổ quốc, về danh dự, về tự do, về dân chủ, về...rất nhiều điều khác nữa mà tôi không thể nói ra ở đây, để rồi khi lớn lên, chúng sẽ không thấy gì hơn, ngoài những điều trái ngược với cái chúng ta nhập tâm. Chính chúng ta đã bị lừa gạt, chính chúng ta đã từng phẫn nộ khi nhận ra sự phỉnh gạt trên thì tại sao chúng ta lại đâm vào vết xe đó để làm gì?
Tuy nghĩ vậy, nhưng cuối cùng, tôi cũng đành gật đầu tuân theo ý chàng. Tôi gật đầu, thuận theo như vậy là bởi tình yêu, bởi tôi luôn muốn làm hài lòng chàng. Thành ra rút lại, những cuộc bàn cãi của hai đứa tôi, bao giờ cũng chỉ bàn cãi cho vui thôi. Tôi luôn muốn tôi là đàn bà, trước khi là cái gì khác.
Làm đàn bà, nếu không giữ đúng được vai trò là một bóng mát, cho một quãng đời người, thì cũng đừng đến nỗi trở thành cái bóng nắng trong một chuỗi ngày đen.
Chiếc phi cơ dừng hẳn. Máy tắt. Cánh cửa tàu mở lớn. Cô chiêu đãi viên với chiếc mũ chào mào nhỏ xíu trên đầu, đã tươi cười ở đầu cầu thang.
Khi tôi ngang qua hình như cô ta mỉm cười, chào. Tôi cũng mỉm cười, đáp lại nụ cười tôi thân thiết làm như đã quen nhau từ lâu lắm. Chỉ riêng tôi, tôi mới biết lý do nào khiến tôi lại mỉm cười một cách tươi tắn, dễ dàng và đằm thắm như vậy. Bởi lòng tôi rộn rã, bừng bừng, một hạnh phúc chứa chan ảnh hình chàng. Ảnh hình chàng lẫn trong đám đông ở nhà ga phi trường?
Trời không nắng chói, nhưng tôi cũng đưa tay ngang trán, nheo mắt tìm thử trong đám đông đang xì xầm, chỉ trỏ một bóng dáng quen thuộc, lạ là không có chàng. Chắc chàng không đứng ở đó, chàng đứng ở ngoài? Ờ có thể chàng còn phải trông chừng chiếc solex cũ, đã có lần chàng nói với tôi về nó. Chàng quý nó lắm, chàng bảo nếu không có nó, anh không khác gì người cụt chân. Tôi nói như vậy là anh đi ghê lắm. Chàng giơ tay tát yêu vào má tôi: Gớm. Người đâu mà thông minh thế. Vừa thôi chứ, cho người khác sống với. Thực thì đúng như Nữ nói. Nhưng anh đi nhiều tại ở một mình. Một mình nên phải đi nhiều. Để quên tất cả, ngay con người mình. Người ta có thể cả đời dõi theo một hình bóng, nhưng không thể cả ngày ngồi ngó bóng mình.
Anh hy vọng khi có Nữ ở bên, tình trạng đó sẽ chấm dứt. Anh không muốn nói Nữ là sợi cương quanh cổ anh, hay miếng da che nửa mắt anh, để không còn nhìn thấy gì ngoài hướng trước mặt, mà Nữ là cái đắp bù cho khoảng trống thiếu, khả dĩ cho anh thấy đời còn chút ý nghĩa.
Sự có mặt của tình yêu, trong đời sống con người không phải là để ràng buộc cầm giữ mà để nâng dắt nhau bước đi về một phía nào đó, phía mặt trời, phía hạnh phúc.
Tôi bảo đảo khi chạm chân xuống xi măng vì cái thai đột nhiên "máy" mạnh quá. Theo chân mọi người, ra phía cửa chính, đúng như tôi đã dự đoán chàng không có ở đó. Tôi hơi hoang mang, lo lắng, nhưng lại trấn tĩnh được mình; chắc chàng ở ngoài, coi xe. Rồi mình sẽ ngồi sau chiếc xe ọp ẹp đó, qua rất nhiều đường phố, cùng chàng. Tôi lấn mấy người đi trước, xăm xăm bước ra. Qua chỗ kiểm soát hành lý, qua chỗ bán vé, tới sân ngoài, vẫn không thấy chàng đâu. Tôi đặt va-li xuống đất, tựa lưng vào chiếc cột lớn cho đỡ mệt. Mắt tôi không ngừng theo dõi từng động tác của những người xuất hiện trong tầm mắt. Hay chàng ra trễ? Hay chàng không nhận được điện tín của tôi? Không lý thế! Điện tín gửi cho chàng tôi đánh trước đây cả tuần lễ. Hay chàng đi hành quân? Hay chàng đau... Hay... Hay... Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu giả thiết về những trường hợp bất ngờ nhất, lần lượt nẩy lên trong óc tôi. Chúng tuần tự vụt đến, như những phát tên ghim sâu vào tim làm tôi choáng váng. Tôi tự gia hạn cho mình thêm mười phút. Thêm năm phút. Thêm mười phút nữa. Biết đâu. Ừ, biết đâu.
Nắng nhạt dần. Chiếc xe ca đậu đã bắt đầu vắng trống.
Tôi giật mình khi nắng đã rút hết. Những cây sù sì sừng sững ngó tôi trân trối. Mấy cô bán vé và cả mấy người phu khuân vác cũng đã từ từ ra về. Họ qua mặt tôi, không ai quên ngó tôi bằng con mắt tọc mạch, ngột ngạt. Tôi cắn chặt môi, cố để đừng bật khóc. Cuối cùng, lúc không thể đừng được nữa, tôi đành cúi xuống, nhắc chiếc va-li lên, nước mắt bỗng ứa đầy hai khóe. Trong tôi như có cả một đời đau thương vừa sụp đổ. Những mạch ngầm thi nhau phụt tung vỡ thành nỗi tủi thân, nhọc nhằn, ê chề, ứ nghẹn cổ họng. Chiếc va-li nặng như chỉ chực tuột rơi khỏi bàn tay tôi run rẩy. Tôi không còn sức để giữ gìn nữa. Tôi đã tuyệt vọng. Hoàn toàn tuyệt vọng. Mặc cho trước mắt tiếp tục chảy, tôi lếch thếch lết từng bước chân chì nặng, lần ra con đường dẫn vào thành phố. Trí tưởng tôi chưa bao giờ mường tượng được nỗi khổ nhục đến thế này. Nếu có chuyến máy bay về Bình-định, chắc tôi sẽ leo lên, về ngay. Về ngay. Không luyến tiếc, không ân hận. Dẫu chưa rõ lý do chàng không tới đón, lòng tôi cũng đã ứ tràn hờn giận. Tôi định bụng, lát nữa, lúc gặp chàng rồi tôi sẽ chỉ khóc. Nhất định chỉ khóc thôi, không nói, không nói, một lời nào. Kệ chàng lạy van, khẩn khoản xin lỗi.
Khi ngang qua khu vườn hoa, nằm bên mé tay trái bỗng một chiếc du lịch xịch đậu ngang mặt tôi. Tôi liếc mắt nhìn. Lạ hoắc. Chưa kịp bước đi, chợt tôi nghe một giọng nói từ sau xe vẳng ra:
- Không có người đón sao mà về tội nghiệp vậy. Lên đây luôn đi em. Tui đưa về cho.
Lúc ấy, tôi mới nhận ra bà già đã quen khi ngồi chờ máy bay ở phi trường Bình-định. Nửa mừng nửa tủi, tôi nói lí nhí:
- Dạ, nhờ bác làm ơn cho cháu về đường... Không hiểu sao nhà cháu không ra đón.
- Ồ, chắc bận mần công chuyện chớ gì. Nhà binh thì công chuyện đâu có nhất định được. Thôi lên đây đi. May là tui cũng đợi một người ở Đà-lạt về nhưng không thấy, chớ không thì tui đâm về lâu rồi.
Miệng nói, tay bà ta đẩy cánh cửa sau, kéo tôi lên. Thái độ mau mắn, đon đả bà ta càng làm tôi tủi thân hơn.
Ngả người vào nệm xe, nước mắt tôi lại ứa ra. Sợ bà ta nhìn thấy, tôi vội quau mặt vào lề đường. Cảnh vật vùn vụt giăng hàng trong mắt tôi. Người tài xế quay ra sau, nói gì với bà bạn mới, tôi không nghe rõ, cũng không nhận ra một hình thù nào bên đường.
Tôi bỗng cảm thấy chóng mặt, muốn ói. Con ơi. Đừng hành hạ mẹ nữa. Cha con bỏ mặc mẹ như vầy chưa đủ sao mà con còn hành hạ mẹ thêm chi. Con ơi. Tôi đặt tay lên bụng, chỗ tôi gò u lên một cục. Tôi nói thầm với nó trong khi nước mắt vẫn chảy ướt cả ống tay áo.
Trời tối. Đèn đường đã bật sang. Ánh điện yếu và xanh lướt. Tôi mơ hồ thấy hồn mình bay lạc trên những ngọn cây đen sẫm. Gió lọt vào xe thoát ra tạo thành tiếng vu... vu... Trời lạnh, tôi muốn ớn da gà.
Không ai nói gì. Con đường vẫn mở dài trước mặt. Bóng tối. Ôi, bóng tối đó. Con thấy chăng? Hỡi con trong bụng mẹ.
Mắt Thù Mắt Thù - Du Tử Lê Mắt Thù