Lửa Hòa Bình epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12 -
ũ Quang Thông đã gặp lại Nguyễn Thị Bích, người vợ mà anh yên trí là đã chết trên đường vượt biển đi tìm tự do và đã làm cho anh tưởng như không còn lẽ sống. Nhưng, nay sự đời đã đổi khác. Hình ảnh Thanh Nhàn không lúc nào rời khỏi tâm trí anh với những kỷ niệm còn nóng bỏng. Bích thì nay chỉ còn thấp thoáng cái bóng của ngày xưa. Người vợ một thời dấu yêu từ cõi chết trở về đã mang theo tấn thảm kịch mà Thông đang cố quên đi để sống.
Bích kể đi kể lại với Thông từng chi tiết những gì đã xảy ra trên đường vượt biển. Không ngày nào không kể và không rấm rức khóc khi nhắc đến hai đứa con đã bỏ thây trong lòng biển. Bích đã kể với Thông cả việc mình bị hải tặc hãm hiếp, điều mà trước đây anh không hay biết. Bích thường rên rỉ khi nằm bên cạnh chồng:
- Tại sao trời lại bắt em sống để làm gì? Sao không cho em được chết với hai con để khỏi phải sống lây lất với nỗi đau đớn không giây phút nào nguôi, khỏi làm khổ lây đến anh...
Hay:
- Sao trời không cho em chết và để hai con sống, chúng ngây thơ vô tội và cần được sống hơn em...
Thông cố an ủi vợ, cố giúp vợ hội nhập vào cuộc sống thực tại nhưng dường như chỉ làm cho vết thương của Bích lở lói thêm. Thấy những đứa trẻ cắp sách đến trường, khóc. Nhìn những người Việt Nam vui cười trên phố Bolsa, khóc. Nghe một khúc nhạc xưa, khóc. Được một người quen thăm viếng, khóc. Bích đã hoàn toàn trở thành một người đàn bà lãnh cảm, từ chối chuyện chăn gối với chồng và thường thức dậy giữa đêm khuya, đi quanh quẩn trong nhà hay ngồi ôm hình hai đứa con khóc thầm một mình. Thông bối rối, lo sợ vợ sẽ tự tử trong lúc ở nhà một mình. Một hôm anh gọi cho Nhàn:
- Em đừng bỏ anh trong lúc này. Anh cần em.
- Anh cần em nhưng em giúp gì được cho anh?
- Em không cần giúp gì cả. Chỉ đừng từ chối nói chuyện với anh, đừng tránh né gặp anh.
- Thông. Anh phải hiểu cho em.
Thông kể tình trạng của Bích và hỏi:
- Em nghĩ anh phải làm gì?
Nhàn thở dài:
- Em cũng không biết nữa.
Đã nửa năm trôi qua sau buổi chiều hấp tấp rời khỏi nhà Thông và đi Phi Luật Tân, Nhàn không gặp lại và cũng không trả lời điện thoại mỗi khi anh nhắn trong máy. Cô bối rối trước những điều vừa nghe về tình trạng của Bích.
- Anh cũng sắp khùng luôn rồi đây. - Thông nói.
- Anh có đưa chị ấy đi khám bác sĩ tâm thần không?
- Không.
- Tại sao vậy?
- Bà ấy nói "anh nghĩ là em điên à", và không chịu đi. - Thông ngập ngừng - Hay... em đóng vai bác sĩ tâm thần giúp anh khuyên giải Bích được không?
- Anh điên rồi à?
Nhàn ngạc nhiên nhận ra mình đã dứt tình Thông một cách nhẹ nhàng, như trả lại món đồ mà cô đã nhặt được cho chân chính sở hữu chủ. Sau cơn choáng váng lúc đầu, Nhàn nghĩ đến vợ Thông, đến nỗi đau khổ của người mẹ đã mất hai đứa con trên đường vượt biển. Cô hiểu sâu xa và kính trọng nỗi đau khổ ấy vì chính mình đã sống qua, nhưng Nhàn không ngờ tâm thần của Bích lại ở trong tình trạng bi đát như vậy. Từ ngày ở Phi-luật-tân về với thằng bé mồ côi, Nhàn cũng có nỗi vui riêng và những bận rộn mới nên không có thì giờ nghĩ nhiều đến Thông. Thằng bé nay đã lên tám, và được đặt tên là May, họ Nguyễn.
Khi tách nó ra khỏi cái xác chết của người mẹ trên con tàu trôi nổi giữa biển khơi, không ai nghĩ đến việc tìm xem có giấy tờ gì liên quan đến nó? Về sau, người ta mới nhận ra rằng một con người không thể không có một giấy tờ gì. Nhưng không ai biết gì về nó. Theo yêu cầu của Cao-uỷ Tị-nạn Liên Hiệp Quốc, một tòa án ở Mã-lai đã làm cho nó một tờ "thế vì khai sinh" với tên là May, họ Nguyễn, cha mẹ vô danh, trước khi được một nữ tu người Việt đem về Phi Luật Tân. Nguồn gốc của cái tên May là từ chữ "May" trong tiếng Anh, tháng 5, khi thằng bé được cứu sống và đem đến miền đất tự do. Còn Nguyễn là cái họ rất phổ biến của người Việt Nam - như Kim của Triều Tiên, Smith của người Mỹ.
Với ngôn ngữ Việt Nam, May cũng mang một ý nghĩa thích hợp với thằng bé mồ côi. Nó sống sót là một sự may mắn gần như nhiệm mầu, nhờ những giọt máu tươi từ ngón tay của người mẹ sắp chết khát. Khi ấy, nó còn quá nhỏ để hiểu được tầm thức to lớn của tấn thảm kịch, nhưng được nuôi dưỡng trong một viện mồ côi trên xứ người, tâm trí non nớt của nó không tránh khỏi những bóng đen.
May nói được một ít tiếng Việt, nhưng không có một ý niệm gì quê hương của nó. Nó như một con thú nhỏ và yếu luôn luôn cảnh giác trước những đe dọa chung quanh. Khi giao thằng bé cho Nhàn, người nữ tu đồng hương nói:
- Chúa đã cho thằng bé này may mắn thứ hai khi nó có một gia đình, mà lại một gia đình Việt Nam, những người từng chia sẻ với nhau những đau thương.
Sau khi đưa May về Mỹ, Nhàn không chỉ cho thằng bé một gia đình, cô còn cố gắng tạo dần cho nó một ý niệm về quê hương gốc gác của nó. Điều đó không phải dễ đối với những đứa trẻ không lớn lên tại Việt nam và không thấy có một ràng buộc nào với mảnh đất nhiễu nhương ở nửa bên kia quả địa cầu, nhưng Nhàn không thối chí. Cô dạy nó tiếng Việt và nói tiếng Việt với nó khi ở nhà, cho nó ăn đồ ăn Việt Nam, nghe nhạc Việt Nam, dạy nó lịch sử Việt Nam, đưa nó theo mỗi khi đi chợ ở khu Saigon Nhỏ Bolsa. Phượng và Tuấn cũng rất thích thú với sự có mặt của May trong nhà và thương yêu thằng bé như ruột thịt.
Bận rộn với thằng bé cũng là một cách giúp Nhàn để mối tình ngắn ngủi với Thông sau lưng, và tưởng anh đã tìm lại hạnh phúc với người vợ cũ. Ai ngờ... Tâm hồn Nhàn lại bị khuấy động sau khi nói chuyện với Thông. Cô có thể không gặp Thông, không nói chuyện với Thông, nhưng không thể quên hẳn Thông. Những kỷ niệm, những lời nói, những hơi thở, những phút ái ân, những cảm xúc... vẫn lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn để vào một lúc bất chợt hiện ra làm cô xao xuyến, dù phần lý trí có ngôn ngữ khác. Nhàn cũng không biết chắc mình sẽ phản ứng ra sao nếu rơi vào hoàn cảnh bất ngờ bị Thông cám dỗ trong một phút yếu lòng.
Một buổi sáng vào đầu tháng 11, hai đứa bé đã đi học, Phượng đã đi làm, Nhàn cũng đang sửa soạn rời nhà bỗng Thông xuất hiện ở cửa với một bó hoa hồng trên tay, miệng cười thật tươi, và đôi mắt long lanh những tia sáng mà chưa bao giờ Nhàn được thấy. Cô đứng sững nhìn Thông, miệng lắp bắp:
- Cái gì thế này? Anh lại điên rồi à?
Thông đưa bó hoa cho Nhàn rồi giơ cao hai cánh tay nói lớn:
- Điên rồi! Điên thật rồi! Sướng quá! Cộng sản sụp đổ hết rồi!
Bất ngờ, Thông ôm chặt lấy Nhàn và hôn lên môi cô. Nhàn không đáp lại mà cũng không phản đối. Cô bị tê cứng vì xúc động. Phải mất khoảng một phút cô mới mở miệng được.
- Anh nói cái gì vậy? Cộng sản nào sụp đổ?
- Thế em không coi ti-vi à? - Thông bước ra giữa phòng, chỉ tay vào chiếc máy truyền hình ở một góc - Mở ra đi, sẽ thấy... Ba-lan, Hungary, bây giờ tới Đông Đức. Người ta đang kéo nhau ra đập phá Bức Tường Bá-linh... Thật không khác nào trong một giấc mơ...
Nhàn mở máy truyền hình. Quả thật tất cả các đài đang trực tiếp tường trình cảnh đập phá "bức tường ô-nhục" ở Berlin với cả một rừng người đang cuồng nhiệt reo hò, phất cờ, ca hát, ôm nhau, hôn nhau...
Nhàn nhìn như bị thôi miên. Cô trông thấy những ánh mắt long lanh hạnh phúc, những giọt lệ trên má những người già, những nụ cười rạng rỡ trên môi những người trẻ... Sau hơn 40 năm bị đàn áp và nhục mạ, những con người can đảm ấy đã dành lại được tự do. Nhưng, dường như trong những tia nhìn, những giọt nước mắt của họ chứa đựng nhiều thứ khác hơn chỉ là tự do. Nó bộc lộ sự hồi sinh, niềm tự hào. Họ như muốn hét to lên rằng: "Chúng tôi không phải là loại người mà thế giới bên ngoài đã nhìn trước đây. Chúng tôi xứng đáng ngước cao mặt dưới ánh mặt trời này."
Nhàn ngồi yên chăm chú theo dõi những hình ảnh tuyệt vời mà cô chưa bao giờ được chứng kiến. Sự việc đang diễn ra ở một nơi cách xa mấy ngàn dặm với những con người ở trên một lục địa khác nhưng Nhàn xúc động như đang có mặt tại chỗ và muốn nắm chặt tay những con người này để chia sẻ niềm vui cũng như sự nguy hiểm. Đúng là nhân loại hồi sinh. Một nữa quả địa cầu đang đắm chìm trong đêm tối bỗng dưng chói lòa ánh sáng tự do.
- Thật là khó tin. - Nhàn lẩm bẩm.
Thông đứng dậy nói:
- Em có chai champagne nào không? Mình uống mừng tự do của những con người lại được làm người.
Nhàn mở tủ rượu lấy ra một chai champagne và hai cái ly. Thông cầm chai rượu mở nút. Một tiếng nổ "bốp" rất lớn, một ít bọt trắng xủi lên miệng chai. Anh rót rượu ra và đưa một ly cho Nhàn, trịnh trọng:
- Hãy uống mừng các dân tộc Đông Âu thoát ách cộng sản, và cầu mong cho Việt Nam một ngày không xa.
Họ cùng nâng ly và uống cạn. Khi Nhàn đặt chiếc ly xuống bàn, Thông nắm lấy tay cô và hai cặp mắt xao động gặp nhau. Giống như hai con thú quen hơi, họ nhìn nhau một cách nồng nàn. Nhưng đúng lúc ấy, Nhàn nghe một cảm giác lạnh ở bàn tay. Cô vừa chạm vào chiếc nhẫn cưới trên ngón tay Thông. Ngọn trào lòng vừa dâng lên vội lắng ngay xuống. Cô rút bàn tay lại, bước tới tắt máy truyền hình và nói:
- Trễ giờ đi làm của em rồi. À... vợ anh thế nào?
Thông cũng vừa chợt tỉnh, trả lời:
- Ờ, anh quên nói với em. Chiếc ti-vi đã chữa bệnh cho bà ấy...
-?
- Mấy hôm nay, bà ấy không rời chiếc ti-vi, cả đêm lẫn ngày, theo dõi từng biến chuyển ở Đông Âu. Tinh thần bà ấy như được đổi mới, không còn than khóc nữa. Bà ấy bảo sẽ sống để nhìn bọn Cộng sản Việt Nam đền tội...
Một luồng gió phấn chấn truyền nhanh qua cộng đồng người Việt tị nạn. Nhiều người gọi điện thoại cho Nhàn để bày tỏ sự vui mừng và bàn luận về tình hình Việt Nam. Cô cũng được ông anh và người em mời tới nhà dự tiệc mừng thắng lợi của tự do, cộng sản đã tới ngày tàn.
Nhưng không phải ai cũng vui mừng và nghĩ rằng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ theo bọn đàn anh sụp đổ nhanh chóng.
Một hôm, Nhàn gọi cho Xuân, người bạn cũ, để hỏi thăm và cũng để chia sẻ chuyện cộng sản sụp đổ tại Đông Âu. Xuân vồ lấy điện thoại như một ngư ông ngồi đã lâu không giựt được con cá nào:
- Cũng vì chuyện Đông Âu mà mình đang muốn... bỏ chồng đây. Nhàn là bạn thân từ ngày còn nhỏ mình không muốn giấu làm gì nhưng thật là xấu hổ. Nhìn thấy nước người ta rồi ngó lại nước của mình chỉ muốn khóc mà thôi. Ông chồng của mình Nhàn biết rồi đấy... Thời kỳ chiến tranh không đi lính một ngày. Du học về ăn trên ngồi trước. Cộng sản vào trốn ra ngoại quốc. Vậy mà bây giờ lại giở giọng hòa hợp hoà giải, theo bọn đón gió trở cờ... Ông ấy bảo Đông Âu khác, Việt Nam khác. Việt cộng sẽ chẳng bao giờ sụp đổ vì dân Việt Nam chậm tiếng, không có truyền thống dân chủ, không biết đòi tự do. Họ quen sống nô lệ rồi. Mà nếu có một số người đứng lên thì cũng sẽ bị dẹp tan như vụ Thiên-an Môn bên Tàu. Vợ chồng đã cãi nhau nhiều lần về việc đó, và bây giờ mình không còn sự kính trọng ông ấy. Khinh nữa là khác. Những tên khoa bảng làm mướn, giống như những con chó lúc nào cũng cần có một ông chủ để liếm chân. Hết Tây tới Mỹ, bây giờ tới mấy thằng Việt cộng... mà bọn này thì cũng chỉ là những con chó của Nga cộng, Tàu cộng... Sao nước mình nó thảm quá vậy hả?
Nhàn lặng người. Cô không ngờ gia đình bạn đi đến chỗ đổ vỡ nhanh chóng như vậy. Trước kia Nhàn vẫn nghĩ họ là những con người đứng ngoài mọi đau khổ của dân tộc Việt Nam. Nay, họ đã nhận được một phần của số phận chung, dù là cái phần ít cay đắng nhất. Nhàn cảm thấy thương Xuân và hơi hối hận trước đây có lúc đã ghen với cuộc đời bằng phẳng sung sướng của người bạn từ ngày còn đi học.
- Ông chồng của Xuân có định về Việt Nam làm gì không? - Nhàn hỏi.
- Muốn lắm đấy, nhưng trở cờ theo chúng mà chúng không thèm xài. Nhục không?
- Hình như mọi con đường của người Việt Nam đều bế tắc, cách này hay cách khác...
- Đúng vậy. Muốn khai thông thì phải làm như dân Đông Âu.
Nhiều người Việt ở hải ngoại hy vọng làn gió dân chủ ở Đông Âu sẽ thổi qua Việt Nam và họ say mê theo dõi những biến chuyển dồn dập xảy ra trên vùng đất ấy. Sau Ba-lan, Đông Đức đến Bun-ga-ri, Tiệp-khắc, và Romani. Trước kia, Nhàn rất ít xem ti-vi và đọc báo nhưng trong những ngày cuối năm 1989, không đêm nào cô không dán mắt vào chiếc máy truyền hình cho đến khuya, nhất là cuộc cách mạng hào hùng và đẫm máu ở Romani mà cuối cùng vợ chồng tên độc tài đỏ Ceausescu đã bị xử bắn trong ngày Lễ Giáng Sinh.
Sang năm 1990, toàn bộ các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã sụp đổ. Những ngày sôi động đã lắng xuống. Các dân tộc dành lại được tự do bận rộn xây dựng nền móng mới cho cho một xã hội dân chủ. Đó cũng là lúc người tị nạn Việt Nam bắt đầu cảm thấy buồn và thất vọng khi nhìn về đất nước của họ vẫn im lặng chìm trong bóng tối.
Nhàn trở lại công việc hàng ngày với một tâm hồn trống trải. Người tị nạn vẫn tiếp tục tới Mỹ. Những người ra đi muộn màng mà Nhàn gặp mỗi ngày ở Sở Xã-hội với những bộ quần áo tặng phẩm nhà thờ và những gương mặt chưa phai nắng gió nơi các trại tị nạn, những đôi mắt còn in dấu những cuộc vượt biển gian truân. Trong khi đó, những người ra đi trước lại trở về với tư cách Việt kiều ngày càng nhiều, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, xênh xang "áo gấm về làng". Đôi lúc Nhàn không tránh khỏi cảm giác hổ thẹn và không muốn người khác nhìn mình như một người Việt Nam.
Tết năm ấy không nhằm ngày nghỉ cuối tuần, Nhàn vẫn tới sở làm việc. Sáng mùng một Tết, cô ngồi ở văn phòng và cảm thấy thật cô đơn. Lisa từ Boston gọi điện thoại tới sở chúc Tết mẹ. Nhàn vừa nói chuyện với con vừa giấu những giọt nước mắt. Lại một cái Tết nhạt nhẽo nữa trôi qua trên xứ người.
Vài người tị nạn đang ngồi trong phòng đợi để chờ được phỏng vấn xin tiền trợ cấp. Nhàn xem hồ sơ và bước ra gọi tên một người. Nguyễn Văn Bình. Cái tên không có gì đặc biệt, và người thanh niên đẩy cửa bước vào cũng không có gì đặc biệt, cử chỉ dè dặt lễ độ. Nhàn chỉ chiếc ghế trước bàn giấy ra hiệu cho khách ngồi rồi lại cúi nhìn xuống xấp hồ sơ.
- Anh ở Thái-lan lâu dữ hả. - Nhàn nói trong lúc vẫn coi hồ sơ.
- Vâng, ba năm. - Bình trả lời.
- Anh đi đường bộ à?
- Dạ... vâng.
- Anh không có thân nhân nào ở Mỹ à?
- Dạ... không.
- Vậy ai nhận bảo trợ cho anh?
- Em được nhận vào diện "hốt rác".
- Anh nói tiếng Anh khá không?
- Dạ... tàm tạm thôi.
- Chính sách mới của tiểu bang đối với người tị nạn không dễ dãi như mấy năm trước nữa. Trong khi nhận trợ cấp, anh sẽ phải trình diện sở tìm việc. Người ta sẽ khảo sát tiếng Anh và giới thiệu việc làm cho anh. Nếu anh không nhận việc và không đi làm, tiền trợ cấp sẽ bị cúp.
- Vâng.
- Anh có gì cần hỏi không?
Bình ngập ngừng:
- Cô Nhàn, cô không nhận ra cháu à?
Nhàn giật mình ngạc nhiên, nhìn kỹ người thanh niên, cố bới trí nhớ xem Nguyễn Văn Bình là ai.
- Cháu là cháu chú Thái.
Nhàn đưa một bàn tay nén ngực, trố mắt nhìn Bình, miệng không thốt nên lời. Hình ảnh đứa cháu ở chung với Thái trong ngôi nhà ở đường Tú Xương hiện nhanh trong óc cô. Lúc ấy Bình mới mười lăm mười sáu tuổi, nay trên gương mặt người thanh niên tị nạn dạn dày không còn dấu vết gì của cậu bé năm xưa. Khi Thái tổ chức vượt biên có đem Bình theo, nhưng cuộc ra đi bị đổ bể, người bị bắn chết, kẻ bị bắt. Nhàn không còn gặp lại Bình. Trong lúc Nhàn vẫn còn ngồi im vì xúc động, Bình nói tiếp:
- Khi cuộc vượt biên thất bại, cháu bị tù một năm. Ra tù, cháu cố tìm cô nhưng không biết cô ở đâu.
- Chuyện dài dòng lắm. - Nhàn nói nhỏ và thở dài.
Cô nhớ tới Thái, tới những ngày chung sống với nhau, những hạnh phúc, những đau khổ. Gần mười năm qua, Nhàn vẫn bị ám ảnh về cuộc vượt biển thất bại và vẫn bị dằn dặt về cái chết của Thái mà cô có một phần trách nhiệm. Cô biết, tuy đã chán ghét cộng sản Thái cũng sẽ không vượt biên nếu không vì tình yêu với Nhàn và bị Nhàn đốc thúc ra đi. Giờ đây, với sự xuất hiện bất ngờ của Bình trươc mặt, vết thương cũ lại rỉ máu.
- Lúc nào cô sẽ kể cho cháu những gì xảy ra sau ngày ấy. - Nhàn nói tiếp - Cô không bao giờ quên được cái chết của chú Thái.
- Chú Thái không chết, cô ạ.
- Hả? - Nhàn há mồm.
- Ai cũng tưởng là chú Thái đã chết vì chú bị thương nặng và máu ra nhiều, mê man bất tỉnh... Nhưng chú không chết, sau đó bị bắt và bị xử bí mật 20 năm tù. Chú còn đang bị giam ở trại cải tạo ngoài Bắc.
Nhàn thấy hình ảnh Bình trước mặt như hiện ra một đám sương mù và những gì cô nghe về Thái có vẻ như ở trong một giấc mơ trên giường ngủ.
Sau giờ làm việc, Nhàn đưa Bình về nhà, giới thiệu với Phượng, Tuấn và bé May để ăn với nhau một cái Tết đoàn tụ không hẹn trước. Cô cũng gọi điện thoại báo tin cho Lisa. Lisa rú lên trong máy:
- Trời ơi! Phật ơi! Chuyện gì mà như là ở trong tiểu thuyết?
- Chuyện thật con ạ. Bình đang ở đây. Đó là món quà Tết quý nhất cho me.
- Mai con về ăn Tết với mọi người hai ngày rồi sẽ trở lại đây.
- Thôi, con ạ. Đi máy bay như vậy tốn tiền lắm và cũng mệt cho con.
- Con đi làm thêm ở đây, có tiền. Trong đời mẹ mấy khi có chuyện vui đâu. Con muốn cùng vui với mẹ lúc này.
Nhàn nghẹn lời, không nói gì thêm được nữa. Ngày hôm sau, Lisa về nhà. Không khí ngày Tết rộn lên trong tiếng cười, với bánh chưng, mứt, củ kiệu... như ở Việt Nam. Mấy ngày vui hiếm có với những con người quay cuồng như những chiếc lá trong cơn gió lốc. Thực ra, ngoài việc gặp lại Bình, những tin anh ta đem lại cũng không hẳn là vui. Thái không chết nhưng vẫn còn ở trong tù không biết bao giờ ra. Đời sống buồn thảm ở Việt Nam. Cuộc vượt biên đường bộ gian nan. Những năm cay đắng nhục nhã ở trại tị nạn Thái-lan... Nhưng mọi người vẫn muốn nghe. Nghe để thấy mình vẫn còn là những kẻ may mắn. Tối hôm ấy, khi mọi người đã đi ngủ Bình còn ngồi nói chuyện với Nhàn:
- Cuối cùng thì cháu cũng có vận may trong đời. Làm sao mà nghĩ được là sang đây sẽ gặp lại cô. Những năm nằm chờ tuyệt vọng ở trại tị nạn Thái-lan đã mấy lần cháu định tự tử hay trốn theo kháng chiến. Bây giờ cháu học thêm được bài học. Đừng bao giờ tuyệt vọng.
- Cháu nghĩ chú Thái có ngày được ra khỏi nhà tù không? - Nhàn hỏi.
- Tinh thần chú Thái rất vững. Ít ai can đảm bằng chú. Chú có mộng lớn lắm. Biết đâu một ngày kia chúng ta không trở về và gặp lại chú trong một đất nước tự do.
- Cháu nghĩ chuyện đó có thể xảy ra à?
- Có thể lắm, cô ạ. Trước đây nửa năm, ai nghĩ là nó sẽ xảy ra ở Đông Âu? Người ta cứ cúi đầu như con trâu cày và yên trí rằng cộng sản không bao giờ bị lay chuyển... Cộng sản Việt Nam bây giờ chỉ còn như cái cây đã thối rễ...
- Cháu có mơ mộng quá không?
- Cháu có ước mơ chứ không mơ mộng. Mình phải biết ước mơ, cô ạ. Ước mơ có ngày sẽ thành sự thật.
********
Đêm hôm ấy, Nhàn lên giường với niềm ước mơ có ngày trở về và gặp lại Thái. Có lẽ vì định mệnh, nhiều người đàn ông đã đi qua đời cô nhưng hình như Thái là người đã để lại trong lòng cô hình ảnh đậm nét nhất. Con người có đầu óc sắc bén, có trái tim nồng nàn, có tư tưởng và dám hành động. Những kỷ niệm sống với Thái trong những ngày tháng tuyệt vọng nhất vẫn còn làm cô xao xuyến mỗi khi nhớ lại. Nhàn nhận ra sau bao năm trôi nổi, mình vẫn còn yêu con người ấy. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay cô cảm nghe lòng ấm áp, như tìm thấy lại mảnh linh hồn đi lạc của chính mình.
Lửa Hòa Bình Lửa Hòa Bình - Nguyễn Minh Trân