Chương 11: Lôi Đình
ắn đo mãi, không thể đừng được, ông Tham mới dám nói với ông Phủ. Ông kể rành mạch nguyên nhân bệnh của Nga, và cách chữa mà thầy thuốc dặn.
Trong khi ông Tham nói, ông Phủ ngồi nghiêm chỉnh để nghe, không hề đáp mà cũng không hề đổi sắc mặt, vì vậy ông Tham mới giảng hết các lẽ.
Bà Phủ ngồi cạnh, thương con sụt sịt khóc.
Rồi một phút im lặng. Mọi người chống tay nghĩ ngợi.
Bỗng ông Phủ quắc mắt đập bàn đánh thình, làm cả nhà giật mình, ông Tham xám xoẹt run lên. Ông Phủ gắt:
- A, ra chú quá nghe Đốc tờ nói láo. Chú có học, chú lại không biết rằng hạng nói dối thứ nhất là Đốc tờ, thứ nhì đến thầy kiện hay sao? Họ chỉ dọa người để lấy tiền mà chú cũng tin à?
Nghĩa là ông cố quên bặt một hạng người nữa, cũng nói dối như ranh và cũng dọa người để lấy tiền như quỷ, nên ông càng cáu:
- Giá họ quyền hành một chút nữa, giá họ làm quan thật, thì không biết họ làm hại người ta đến thế nào! Chú vẫn cho con Nga uống thuốc Tây đấy à?
Ông Tham run sợ, nói:
- Bẩm anh, nhưng cháu nhổ đi có uống đâu.
- Nhưng chú vẫn định bụng cho nó uống à?
Ông Tham sợ hãi khép nép đáp:
- Dạ.
- À, ra chú không nghe lời anh. Em đâu có em vô phúc thế! Mà anh xem chú ti toe được dăm ba chữ Tây, chú dám công nhiên bài bác cái thuần phong mỹ tục của các cụ. Bây giờ chú làm nên, được nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, là vì ai? Sao chú bạc bẽo thế? Người ta phải trọng nhất là luân lý. Nhất là những nhà nền nếp như nhà ta, càng phải trọng luân lý. Dù thấy luân lý nó bó buộc, cũng nên chịu nhắm mắt mà theo mới phải chứ! Chú nghe Đôc tờ bảo thằng ấy đến để chữa cho con Nga. A, chú muốn rước voi về giày mồ à?
Rồi tức giận lên đến cực điểm, ông Phủ trợn mắt trỏ vào mặt ông Tham quát:
- Đồ vô đạo!
- Bẩm anh...
- Im!
- Bẩm anh, xin anh xét cho. Nếu không thì cháu Nga chết oan.
Nói xong, ông Tham lấy khăn chùi đôi mắt đỏ hoe.
Ông Phủ cười lạt mỉa mai:
- Hừ!
- Em muốn bẩm anh rằng em nói có lý không?
- Anh hiểu rồi. Vẫn là có lý. Nhưng sao chú dám khuyên anh gọi thằng kia đến!
- Bẩm anh, nếu có lý thì nên theo không có thì cháu chết.
Ông Phủ lại quát:
- Chết thì thôi! Chú phải im.
Cả nhà đang run sợ, bỗng nghe thấy tiếng thút thít khóc: bà Phủ và bà Tham gục cả đầu xuống bàn. Thấy ông Phủ quả quyết quá, mà nghĩ đến Nga, ai chẳng động tâm.
- Bẩm anh, em tưởng nên theo lẽ phải.
- Luân lý mới là phải. Còn thì trái hết.
Ông Tham thở dài, nhìn anh bằng đôi mắt nằn nì.
Lúc ấy, tiếng Nga ở trong đưa ra, phá toang cuộc xung đột mới nhóm:
- Gớm! Làm gì mà cãi nhau như mổ bò thế. Nước sông Nhị Hà bây giờ trong quá, chúng bay ạ, chị ạ.
Nhưng không để ý đến Nga, ông Tham nói:
- Thằng Chi, em xét ra, là một đứa học trò ngoan ngoãn. Anh chẳng thấy chuyện xưa biết bao nhiêu nhà quan chỉ kén rể là học trò nghèo hay sao?
- À, ra chú vẫn tưởng chú phải.
Rồi ngừng một lúc nghĩ ngợi, ông nói:
- Được rồi, chú lên gác với anh.
Rồi ông Phủ hầm hầm đứng phắt dậy, gọi:
- Thím Tham! Bảo đứa nào mua bao nến thẻ hương. Bà Phủ! Bà đi têm trầu, và pha nước lễ.
Mọi người nhìn nhau ngạc nhiên.
Ông Phủ vớ cái khăn, rồi lên gác, ông Tham lững thững theo đi. Ông Phủ còn hăng tiết, vừa đi vừa quay lại nói:
- Anh không bảo được chú! Chú cậy khôn hơn cả các cụ!
Rồi ở trên gác, ông dọn dẹp các đồ đạc trang hoàng trên lò sưởi, lấy phất trần quét tước rất sạch sẽ. Ông Tham đứng im ở góc nhà, chắp tay chờ, nhìn. Nhưng thấy ông Phủ làm việc, chẳng lẽ ông cứ giương mắt mà xem, ông bèn chạy lại đỡ. Ông Phủ gắt:
- Chú không được phép nhúng tay vào những việc thành kính này!
Ông Tham ngơ ngác, lủi thủi về chỗ cũ.
Ông Phủ lấy cái khăn bàn phủ lên lò sưởi, và đặt hai cây nến đồng hai bên; rồi cung kính, ông bưng cái ảnh cụ cố, đặt ngay ngắn vào giữa.
Lúc ấy, bà Phủ và bà Tham ở dưới nhà đã rón rén đưa lễ vật lên, rồi đứng khép nép ở góc tường.
Tự tay ông Phủ cắm nến và thắp hương, đặt trầu và pha nước.
Rồi ông giải chiếc chiếu trước chỗ thờ ông đứng nghiêm trang, chắp tay, đoạn thụp xuống lễ bốn lễ, rồi quỳ, suỵt soạt khấn. Gian gác có vẻ tôn nghiêm một cách cảm động.
Cả nhà im lặng, ông Tham mặt cắt không được hột máu, rất lo sợ. Ông biết rằng vì anh quá khắc, nên mới sửa phạt ông bằng cách khấn các cụ về để trừng trị ông là đứa con vô phúc. Ông đang vơ vẩn nghĩ ngợi tủi thân, bỗng nghe thấy tiếng ông Phủ đang khấn thì nấc lên máy tiếng, rồi hồng hộc lên, phục xuống chiếu, ôm mặt khóc rưng rức.
Thế là cả nhà cùng sụt sịt, thảm thiết như mới có tang.
Một chốc, ông Phủ lấy tay áo quệt ngang mắt, rồi vừa thổn thức vừa lễ bốn lễ nữa.
Đoạn, ông nhăn nhó, chắp tay đi giật lùi ra chỗ để giày, rồi nhìn ông Tham bằng đôi mắt đỏ hoe. Ông gọi:
- Chú Tham!
Ông Tham mắt lấm lét, rón rén đến.
- Dạ!
Ông Phủ trừng mắt, hỏi:
- Thế chú còn đợi gì mà không đội khăn vào?
Bà Tham luống cuống kiễng chân chạy lấy khăn cho chồng. Ông Phủ đứng cạnh chỗ thờ, nghiêm chỉnh nói giọng dõng dạc như người quan tòa:
- Tội chú đáng đánh đòn. Nhưng anh nghĩ thương cho chú đã lớn, vả đã là ông nọ ông kia nên anh trình các cụ tha cho chú. Vậy chú vào lề tạ các cụ rồi nằm xuống đây.
Ông Tham rưng rưng nước mắt, vào lễ tạ bốn lễ. Hai ngọn lửa thẳng, tự nhiên nghiêm trang như đôi mắt uy nghi của vong hồn hiện về, chòng chọc nhìn người con bất hiếu. Nước nến chảy xuống như hai dòng lệ thảm. Mùi hương ngào ngạt làm chỗ thờ tự tăng vẻ thiêng liêng, mà cái ảnh treo trên, cũng như có hồn, đang phảng phất đâu đây để chứng kiến tấm lòng thành của ông Phủ. Bà Phủ và bà Tham cũng sửa lại vành khăn, ngồi thụp xuống chiếu lặng lẽ lễ, rồi yên lặng cung kính đứng chắp tay ở cạnh ảnh, như để hầu bố chồng lúc sinh thời.
Đoạn, ông Phủ nói:
- Bây giờ chú chịu tội đi.
Lập tức, ông Tham nằm sấp trên chiếu, duỗi thẳng cẳng, gục đầu xuống ván gác. Ông Phủ lấy chiếc ba toong, nâng hai tay, quay về phía thờ, vái dài một cái, rồi để ở ngang mông em. Rồi ông đứng cạnh bàn thờ, nhìn ông Tham mà diễn thuyết. Lúc ấy, đôi con mắt ông lờ đờ, chân thành, như được linh hồn cha mẹ ông bà nhập vào thân ông, như được văng vẳng thấy những lời nghiêm huấn sắt đá của người xưa, mà nhắc lại cho em nghe vậy:
- Em đã lầm lỗi, em nên biết hối. Anh em ta sở dĩ được hiển đạt như thế này, là nhờ phúc ấm của các cụ để lại. Vậy mà em đã dại dột, xui anh làm càn làm bậy, dám bài bác cả luân lý đời đời của tổ tiên. Anh là người đại lượng, đã trình xin tha thứ cho em lần đầu. Nhưng nếu lần sau, em còn dám ăn nói càn nữa, anh sẽ xin phép các cụ đánh đòn chứ không tha.
- Dạ.
Rồi ông quay nhìn bà Tham:
- Còn em nữa. Em phải can ngăn... thím phải can ngăn chú ấy, mỗi khi chú ấy phạm vào những tội vô đạo. Nghe chưa?
Bà Tham chắp tay, cúi đầu:
- Dạ.
Rồi quỳ bên cạnh em, ông suỵt soạt khấn khứa, đoạn đứng dậy:
- Thôi, tha cho chú.
Ông Tham, đau đớn như bị trận đòn, lóp ngóp dậy, rồi lễ tạ bốn lễ.
Ông Phủ bảo:
- Cho phép chú dọn dẹp đồ lễ.
Nói xong, ông hả cơn giận, thong thả xuống nhà dưới.
Bà Phủ nhìn theo chồng, rồi trông bà Tham và lè lưỡi, lắc đầu. Bà Tham cũng tủm tỉm cười. Bà Phủ nói khẽ với ông Tham:
- Chị toan bảo chú im. Tính anh khắc lắm, làm gì chú không biết.
Ông Tham buồn rầu, thất vọng, lắc đầu, nói:
- Đến hỏng mất!
Rồi ông thở dài, nằm soài trên giường, bắt tay lên trán.
Bà Phủ lại gần, dỗ dành:
- Mời chú xuống nhà chơi với anh. Chú giận anh chị đấy à?
- Bẩm chị không. Khốn nạn, em thương cháu mà em không có quyền làm cho cháu sống.
- Thì ai chả thương cháu, nhưng chú bẩm anh những câu cũng khó nghe lắm kia. Giấy rách còn phải giữ lấy lề nữa chứ...
Vừa lúc ấy, ông Phủ lại lên gác, hỏi:
- Cái gì?
Bà Phủ cười gượng cho câu chuyện đỡ quan trọng:
- Chú Tham buồn vì lo con Nga chết.
Ông Phủ trợn mắt, nói:
- Thì chú vẫn chưa nghe ra hay sao? Chú phải biết anh chị lại thèm gả con bậy bạ như thế hay sao? Cháu mắc vận hạn, nhưng khi gặp thầy gặp thuốc, tất nó khỏi. Có lẽ nào bệnh mà uống thuốc lại không khỏi bao giờ?
- Bẩm anh, nhưng mười bận cho thuốc, thì cả mười bận nó phun ra như thế cháu khỏi sao được. Hay là anh chị cứ bằng lòng cho em gọi thằng Chi vào dỗ dành cho cháu Nga uống thuốc thôi vậy.
Một tiếng đập bàn. Ông Phủ quắc mắt thét:
- Thế chú không biết nó là con con mẹ hàng xôi chè, làm đầy tớ nhà mình không đáng hay sao?
Vừa dứt lời, bỗng có tiếng chạy rầm rầm lên thang gác, mà dưới nhà, người kêu thất thanh:
- Ôi trời ôi! Cô Nga làm sao thế này!
Ông Phủ, bà Phủ, ông Tham, bà Tham, giật mình quay lại:
- Bẩm cô Nga làm sao ấy ạ.
Mọi người chạy ồ xuống, run lẩy bẩy. Bà Tham hét mở cửa.
Nga nằm bất tỉnh nhân sự, còng queo dưới đất, hai mắt trợn ngược lên, mà đầu thì có máu chảy ướt đẫm cả tóc, trông rất thảm thương.
Ông Phủ nói không ra tiếng:
- Chết thật! Con tôi điên đến nỗi đập đầu xuống gạch, trời ơi!
- Bẩm, dễ cô con ngất đi nên ngã.
Bà Phủ, bà Tham khóc sướt mướt.
Ông Phủ sai mọi người vực Nga lên phản, và lay gọi.
Nga vẫn thở phì phì, thỉnh thoảng nhăn mặt lại, và cố cựa.
Độ mười lăm phút huyên náo, Nga hơi tỉnh lại. Rồi một lát, giương mắt, Nga nhìn hết người này đến người nọ, rồi sờ lên đầu, cười khanh khách.
Thế là Nga ngồi nhổm dậy, lấy tay đẫm vào máu, và trát đầy lên mặt. Trông Nga đáng khiếp như một người bị thương. Bà Phủ kéo bà Tham đứng xa ra.
Nga bắt đầu nói lảm nhảm.
- Đâu? Anh Chi đâu? Chồng tôi đâu?
Rồi hai tay khoanh như để bế con, Nga dỗ dành:
- Nín đi, mợ đây mà. Chồng tôi bận học mãi không đến nhỉ. Ô hay! Ông Lê Lợi làm gì tôi thế này!
Nói đoạn vùng dậy, giơ quả đấm, hăng hái, trừng trừng nhìn ông Tham:
- Chị không tha nó ra cho tôi à?
Rồi ôm chặt lấy con vú, Nga kêu:
- Mẹ mìn, ối ông đội sếp ơi!
Mọi người sợ chạy tán loạn, ông Phủ gọi rầm rĩ:
- Khóa cửa lại.
Nga buông con vú ra, cười, và nhại:
- Khóa cửa lại! Gớm, làm như nhà pha của anh không bằng! Tôi nói đùa đấy mà. Thầy me ơi! Chú thím ơi! Nộp đơn cho con đi thi nhé!
Rồi Nga nhảy nhót, hát hổng, độ mười lăm phút thì lên phản nằm.
Bà Tham đứng ngoài khung cửa nhìn vào, thấy Nga yên lặng, mới đi ra buồng khách.
Ông Phủ thở dài. Ông Tham nói:
- Bẩm anh, em xin anh nghĩ kỹ lại. Cháu Nga đến lúc bệnh kịch liệt rồi. Nếu không nghe Đốc tờ thì hỏng mất.
- Gớm! Chú dai như đỉa đói. Lúc nào cũng Đốc tờ.
- Bẩm anh, thằng Chi cũng là người. Dù có gả cháu Nga cho nó, cũng không là cái nhục, vì nó tất có tương lai rực rỡ, không kém gì ai.
Ông Phủ trỏ vào mặt em:
- Chú bậy lắm. Ra anh không bảo được chú à?
Thế rồi ai nấy đoán sẽ có một cuộc trừng phạt ông Tham lần thứ hai, quan trọng bằng mười lần thứ nhất. Nhưng không, nói xong ông Phủ hầm hầm gọi:
- Tài xế đâu? Sắp xe tao về.
Rồi rất giận dữ, ông vùng vằng đi. Cả nhà sợ hãi. Bà Phủ và bà Tham nói sao, ông cũng không trở lại nữa. Ông bảo:
- Tôi không ngờ đâu có đứa bướng bỉnh dại dột thế! Tôi xấu hổ lắm. Không dạy được em, thì tôi về. Bà cũng liệu mà về, và cũng đem con Nga về. Tôi không có anh em với nó nữa.
Xe ông Phủ đi, ông Tham lắc đầu thở dài. Bà Phủ nhăn nhó, vừa lo lắng vừa buồn bã, lên gác nằm khóc.
Bà Tham trách chồng:
- Cậu làm anh giận, phiền quá!
Ông cương quyết đáp:
- Anh gàn lắm! Anh giết con Nga.
Rồi nghĩ ngợi một chút, ông rỉ tai bảo vợ:
- Cứ thế này mà để trông thấy nó chết, thật tôi không đành tâm. Tôi nhất định cứ theo ý tôi. Tôi sẽ gọi thằng Chi đến. Nếu đến thế mà con Nga không khỏi, hãy nên chịu phép trời.
Bà Tham lo sợ, đáp:
- Nhưng chị Phủ không nghe thì sao?
Ông Tham cắn môi nhìn xuống để nghĩ kế. Bỗng ông tươi tỉnh nói:
- Được, không khó gì. Tối hôm nay, mợ khuyên chị nên đi lễ. Mợ sẽ đi với chị lên Yên Bái, Sơn Tây, và Ninh Bình, Thanh Hóa, các nơi có các đền có tiếng là thiêng. Hãy cứ đi vắng dăm ba hôm một; tôi sẽ nhân lúc ấy gọi thằng Chi đến. Nếu có kết quả hay, mợ lại mời chị đi lễ một lần nữa. Cứ thế trong một tháng xem sao nào.
Bà Tham nghe hiểu, đắc chí, nói:
- Vậy cậu ở nhà, nên lo liệu. Nhưng phải dặn dò đầy tớ, cấm ngặt chúng nó không đứa nào được nói nửa lời.
Đoạn ông viết giấy về phủ, xin lỗi anh rằng mình quá dại dột, và cam đoan từ nay không nghe Đốc tờ. Ông xin phép cho bà Phủ cùng Nga ở lại Hà Nội để chữa bằng thuốc ta.
Lá Ngọc Cành Vàng Lá Ngọc Cành Vàng - Nguyễn Công Hoan