Chương 11: Những Bác Sĩ Tình Nguyện Đến Việt Nam
UỘC HÀNH QUÂN ÁNH CẦU VỒNG"
Thời gian trôi đi. Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thảm kịch mà mình đã trông thấy, hoặc âu lo về những người mà mình sẽ chữa trị trong ngày. Mỗi sáng, tôi lại thả bộ đến bệnh viện.
Thỉnh thoảng, tôi đi bằng xe Jeep. Và thường là ngay khi đến bệnh viện, tôi đã bị ngập đầu vào công việc. Tôi nhớ lại hai ngày sau một cuộc ném bom rải thảm trong cuộc hành quân có mật danh là “Cuộc hành quân ánh cầu vồng”. Ở Quảng Trị, chúng tôi từng nghe có những quả bom nặng được máy bay ném bom B-52 thả xuống và nổ ở khoảng cách khá xa – chừng 16 km – làm rung chuyển mặt đất dưới chân chúng tôi. Căn cứ quân sự ở Khe Sanh bị tấn công ác liệt. Để trả đũa, những quả bom khổng lồ được thả xuống mỗi ngày. Âm thanh và sức mạnh của tiếng nổ làm rung chuyển cả núi đồi và thung lũng. Khi mặt đất rung chuyển, hầu như tôi nghe thấy trong đó tiếng kêu khóc của dân chúng vang vọng trên khắp các nẻo đường Quảng Trị. Chúng tôi thiếu người trợ giúp ở bệnh viện. Tất cả các bác sĩ quân y, các kỹ thuật viên vốn thường có thể giúp một tay chữa trị cho dân thường cùng hầu hết các y tá Hải quân đều nhận lệnh ra trận tiền chăm sóc cho thương binh.
Sau cuộc tấn công bất ngờ bằng bom, hàng đoàn thường dân, trong đó có rất nhiều trẻ em bị thương sắp lớp tại bệnh viện. Tôi là bác sĩ duy nhất lúc đó tại tỉnh Quảng Trị và những người bị thương không còn nơi nào khác để xin cứu chữa ngoài chỗ này.
Những trẻ em đến đây đa phần bị thương vì mảnh bom và nhiều em đã chết trên tay tôi. Những người bị thương nặng qua tay tôi được xử lý nhanh như hình ảnh trôi qua màn hình ra đa. Tôi phải làm việc thật nhanh và chỉ được một y tá Hải quân duy nhất trợ giúp. Ngay khi anh ta cưa chân các cháu bé và chăm sóc vết thương cho các cháu, thì tôi lao vào phẫu thuật hết ca này đến ca khác cho các bệnh nhân đang chờ tiếp theo.
Tôi còn nhớ có một phụ nữ lớn tuổi bị một mảnh bom đâm vào đầu. Mảnh bom đó không đâm trúng các mạch máu quan trọng trên đường hướng tới trung tâm não bộ. Cơn nhức đầu của bà có vẻ không đe dọa đến tính mạng nên tôi để mảnh bom ở nguyên vị trí, chỉ sử dụng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng.
Tôi nhớ đến việc tiến hành thủ thuật khoét nhân mắt của một em trai, lấy đi nhãn cầu của em nhưng chỉ trong vài giờ, vết thương đã bị nhiễm trùng nặng. Tôi không có dụng cụ thích hợp để lấy nhãn cầu. Tôi đã chích Xylocaine để gây tê vùng mắt. Tôi đã cứu được con mắt còn lại nhưng em phải chịu một vết sẹo lớn suốt đời. Cậu bé gan lì và dũng cảm này đã mỉm cười khi tôi cho thuốc chống nhiễm trùng. Cậu ta biết mình là một trong những người may mắn nhất sống sót.
Bệnh viện trở nên quá tải và chúng tôi phải dùng đến tất cả những cơ sở tạm thời. Đó là hai lều rạp lớn ngoài sân bệnh viện. Điều kiện vệ sinh vì thế càng tệ hại hơn vì những phòng bệnh tạm thời trong lều rạp gồm những chiếc giường sắp thành hàng trên nền đất bẩn. Bệnh nhân cũng như các thành viên trong gia đình họ và những người đến thăm viếng đã tiêu tiểu ngay phía cuối các dãy giường. Một số người đến sau đã đào rãnh cho chất thải chảy vào con suối dẫn ra sông, nhưng chẳng bao lâu thì các chất cặn bã lại tích dồn thành đống.
Tôi đã không có thời gian giải quyết nên tình trạng vệ sinh càng lúc càng tệ hại và là mối đe dọa hiển nhiên đối với sức khỏe cộng đồng. Hệ thống nước uống tại bệnh viện rất kém và không hợp vệ sinh. Nhiều chứng bệnh có thể đã được ngăn chặn nếu áp dụng tốt việc xử lý nước uống. Nhiều lần tôi đã cố giải thích với Nguyễn về ảnh hưởng của vi khuẩn đối với nước uống và sự quan trọng đến thế nào nếu như anh ta chỉ thị cho nhân viên tìm cách giữ cho hệ thống nước luôn sạch sẽ. Sự sạch sẽ là điều sống còn đối với một chuyên gia phẫu thuật nhưng chúng tôi không có bao tay cao su và tôi lại không thể rửa tay vì nước bị ô nhiễm. Tôi chỉ có thể chải nhẹ một lượng nhỏ chất khử trùng lên bàn tay từng lúc theo định kỳ – giữa thời gian mổ cho các bệnh nhân – để cố duy trì tình trạng vệ sinh.
Trong khi đó, số người bị thương lại tăng lên. Hai cô gái trẻ nhập viện vì vết thương ở vùng bụng. May mắn cho các cô là khi khám vết thương, tôi thấy các mảnh bom không làm đứt mạch máu lớn nào, mặc dù tôi sẽ phải cắt bỏ một phần ruột của họ. Với sự trợ giúp của một y tá Hải quân, tôi tiến hành mổ cả hai cô cùng lúc, mổ từ xương ức đến vành xương chậu. Tôi còn nhớ cái cảm giác về hơi ấm của ruột các cô trên những ngón tay mình khi tôi dò tìm xem có thêm các lỗ thủng nào không. Trong mỗi ca, tôi phát hiện là các mảnh bom đều cắm vào mô mềm và đã vá lỗ thủng thành công.
Nhưng sau mấy ngày làm việc cật lực, số bệnh nhân vẫn tràn ngập bệnh viện. Tôi nằm trên giường nhưng không thể ngủ được. Có quá nhiều thường dân vô tội bị thương. Người già, phụ nữ, trẻ em, những nạn nhân vô tội của các vụ ném bom ồ ạt, tàn nhẫn của Mỹ. Suy tưởng về tất cả những nạn nhân chết và bị thương làm cho tôi xúc động sâu sắc, âm thầm, lặng lẽ khóc một mình vào những giờ sáng sớm.
Có một ca mà tôi không thể nào quên được là trường hợp của một bé trai 8 tuổi tên Thắng. Em bị trúng mảnh bom ở bụng, vùng chậu, chân, tay và nhiều nơi khác trên thân thể. Thắng đã ẩn náu dưới một cái mương với những vết thương như thế trong hai ngày trước khi được quân đội Mỹ dùng trực thăng chở em đến bệnh viện chúng tôi. Mẹ Thắng cùng nhiều thân nhân khác cùng theo em đến bệnh viện.
Mẹ của Thắng ở lại với em cả ngày lẫn đêm. Sau này tôi mới biết là bà mẹ này đã mất ba đứa con khác gần Cam Lộ, một cứ điểm của Việt Cộng nằm cách Quảng Trị hơn 20 km. Thắng là đứa con duy nhất còn lại nên bà mẹ đau khổ này hết sức mong muốn cứu mạng đứa con của mình. Tôi có linh cảm là nếu như thằng bé chết thì bà mẹ cũng sẽ chết theo.
Khi nhập viện, Thắng đang bị sốt cao. Mặc dù bị nhiều thương tích như thế, em vẫn nở được nụ cười yếu ớt khi trông thấy tôi. Đôi mắt nâu của em ánh lên niềm hy vọng. Không một chút do dự, tôi tiến hành ngay thủ thuật cắt khí quản vì một trong những nguyên nhân gây đột tử thông thường nhất là do không thể thở được. Khi chúng tôi cởi quần áo và đặt em nằm trên bàn, dạ dày của em cứng như đá. Chúng tôi đặt ống mút dạ dày thông qua mũi và một ống dẫn nước tiểu vào bọng đái của em.
Việc đầu tiên phải thực hiện trong những tình huống như thế này là ngăn sốc và trị liệu nếu như nạn nhân còn bị sốc. Kế đến là phải cố ngăn chặn sự nhiễm trùng. Khi một người bị thương, người bác sĩ cần xem xét tỉ mỉ vết thương, tìm xem những cục máu nghẽn, các mảnh vỡ cũng như những vật lạ khác, rồi rửa vết thương trong khi vẫn cố bảo vệ các dây thần kinh và mạch máu chính không bị tổn hại. Việc quan trọng thứ ba là làm cho bệnh nhân an tâm và thứ tư là cố gắng chữa lành vết thương theo quy trình tự nhiên, cố gắng duy trì chức năng của cơ quan bị tổn thương.
Khi tôi mổ, bụng của em đầy mủ. Tôi dội rửa thông qua màng bụng, dùng mọi loại thuốc kháng sinh trong khi rửa các vết thương và những túi mủ. Những mảnh bom, mảnh thịt rơi vãi trong bụng, quanh động mạch chủ và găm vào gan. Tôi phải thật thận trọng khi gắp những thứ “rác rưởi” này. Thằng bé bị nhiễm trùng máu nhưng may mắn là những chỉ số của sự sống còn rất mạnh. Thân nhiệt ở mức 39,5 độ C là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ cơ thể của em vẫn đang đề kháng.
Để những mảnh bom vừa gắp ra vào một chỗ, tôi cắt bỏ một khúc ruột, lấy đi mô chết rồi đóng vết thương. Nhiều đoạn mô ruột quanh đường đi của mảnh bom đã chết và những mô chết này cần phải được cắt bỏ. Nếu không, chất thải trong ruột sẽ theo con đường của các mô chết để chảy ra ngoài ổ bụng, gây nên chứng viêm màng bụng. Điều này đã xảy ra với thằng bé và có lẽ đang giết chết cháu. Có thể tôi phải làm thêm thủ thuật mở thông ruột kết, nhưng tôi nghĩ, nếu mở thêm một vết thương khác thì nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng thêm trong khi tôi đang cố duy trì sự sống cho thằng bé.
Tuy thế, thằng bé vẫn còn bị xuất huyết nội nên 8 tiếng đồng hồ sau, tôi phải mổ lần thứ hai để tìm xem nơi nào xuất huyết. Tôi chẳng tìm thấy gì ngoại trừ một vài vết loét ở đường ruột và niêm mạc dạ dày. Chúng tôi đã dùng gần nửa lít máu của một bệnh nhân khác và tôi cũng cho bé trai này nửa lít máu O của mình.
Việc truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng nhất của việc chế ngự cơn sốc. Nếu huyết áp giảm xuống dưới mức 100 mm/Hg sau khi bị thương thì việc truyền máu cần tiến hành càng nhanh càng tốt. Nếu huyết áp dưới 80 mm/Hg thì không nên chần chừ gì nữa vì bệnh nhân sẽ không thể cử động cho đến khi được truyền máu hoặc dịch truyền. Sự phân phối dịch truyền tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị không phải luôn luôn được quyền lựa chọn, ngoại trừ với các ca mổ cấp cứu để cầm máu. Một phương cách đơn giản được sử dụng ở các quân y viện là nâng chiếc cáng lên hai tấc ở phía đầu trong khoảng 5 phút; nếu như huyết áp, mạch, sắc màu của da và môi vẫn không thay đổi, thì bệnh nhân có thể chịu đựng được sự gây mê và phẫu thuật với sự hỗ trợ bằng truyền máu hoặc dịch truyền.
Một lúc sau, Thắng trông có vẻ khá hơn. Tuy vậy, sự nhiễm trùng vẫn là mối đe dọa. Chúng tôi bàn việc sử dụng 30 triệu đơn vị penicillin mỗi 4 tiếng đồng hồ, tức dùng hết cấp khoản penicillin hằng ngày để cứu mạng thằng bé. Ở Mỹ, liều sử dụng 1,5 triệu đơn vị penicillin mỗi 4 tiếng đồng hồ đã là nhiều, nhưng ở Việt Nam, tôi từng được biết, ngay cả để ngăn chặn chứng viêm phổi, người ta đã dùng đến 60 triệu đơn vị penecillin mỗi ngày cho các cháu bé. Chúng tôi cẩn thận chỉ dẫn cho các y tá truyền dịch cho thằng bé và lưu ý lượng hồng huyết cầu chỉ 8 gm/100 ml, tức bằng một nửa so với mức bình thường, và dĩ nhiên là chúng tôi không còn nguồn máu nào nữa. Chúng tôi tiếp tục chăm sóc, ưu ái thằng bé với nhiều hy vọng.
Đến ngày thứ ba, tôi phẫu thuật lần nữa. Thắng vẫn còn bị xuất huyết mà tôi không tìm được nguyên nhân. Nụ cười của cậu bé yếu ớt hơn. Mẹ cậu trở nên mê sảng vì buồn đau và tức giận. Tôi biết là hy vọng sống sót của Thắng đang chầm chậm trôi qua. Đôi mắt của cậu bé mê dại đi. Đột nhiên, cậu bé thải ra nửa lít máu đặc sền sệt từ trực tràng. Rồi tia sáng hy vọng từ ánh mắt của cậu tắt hẳn. Cậu bé đã chết trên tay tôi sau tổng cộng 12 giờ phẫu thuật mệt lử.
- Người Mỹ đã giết chết con tôi! - Người mẹ hét lên, quỵ xuống khi tôi báo cho bà biết.
Bà ôm lấy chân tôi và khóc lóc thảm thiết: “Người Mỹ đã giết chết con tôi rồi!”.
Tôi chưa kịp chia buồn thì bà đã chạy toáng ra ngoài sân, khóc la, gào thét cả tiếng đồng hồ. Tiếng khóc than của bà nghe sao mà thảm thương đến thế. Sau này, người ta mới cho tôi biết biểu hiện như thế – được xem là “xì hơi” – là một hiện tượng thông thường ở Việt Nam vì không một sự chia buồn, an ủi nào có thể làm giảm nhẹ nỗi thống khổ, sự đau lòng xé ruột xé gan của bà mẹ mất con.
Nhưng cũng vào cuối ngày hôm đó, bà mẹ đã trở lại bệnh viện. Bà giúp chăm sóc những người sống sót, những người bị thương nằm trong bệnh viện. Đôi mắt bà trông xa vắng, vô hồn.
Đối với tôi, đêm hôm đó là một đêm đặc biệt. Tôi lên giường với trạng thái buồn bã và mệt lử. Tôi đã làm hết sức mình. Tôi không cho ai biết rằng tôi đã khóc như một đứa bé. Tôi là một bác sĩ giải phẫu và tôi không thể để những sự việc như thế tác động đến mình. Nhưng tôi đã không làm được. Đây không phải là lần đầu tiên ở Quảng Trị tôi khóc trong đớn đau và mệt mỏi khi lên giường ngủ.
Thảm kịch thương vong không ngừng của trẻ em đã tác động mạnh đến tôi, khiến tôi bị trầm cảm. Tôi ao ước có mối quan hệ gần gũi với một người nào đó. Tôi thèm được có trong vòng tay mình một người phụ nữ, được ôm ấp và hôn cô ấy, nhưng làm gì có được khoảnh khắc đó vì luôn luôn có nhiều người bệnh cần chữa trị cấp thiết. Tôi cũng biết là mình cần phải giữ một khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân, duy trì tính khách quan và cho phép mình tập trung mọi năng lực vào công việc của một bác sĩ y khoa.
Tuy thế, tôi vẫn không gột rửa được hình ảnh của đứa bé can đảm đó khỏi trí óc mình. Cái đêm cậu ta chết, tôi hình dung cảnh cậu bé nằm một mình dưới mương trong hai ngày đêm với những mảnh bom đạn trong bụng mình. Vậy mà cậu bé vẫn mỉm cười yếu ớt với tôi khi nhập viện. Tôi đã nhìn vào mắt cậu và cảm nhận vẻ thiết tha yêu cuộc sống trong con người cậu bé. Tôi đã làm mọi cách nhưng không thể cứu mạng cậu.
Nhớ đến cảnh cậu bé chết ngay trên tay mình, tôi thề sẽ cố gắng làm mọi cách cho thế giới này tốt hơn, làm mọi thứ để cổ xúy cho hòa bình, chống chiến tranh. Đêm đó trong hầm trú ẩn, tôi đã tự thề, một lời thề dành cho trẻ em trên toàn thế giới giống như Thắng. Lời thề đó là “Không bao giờ cho phép lặp lại điều này nữa!”. Trong nhiều năm sau này, khi hồi tưởng lại cái đêm hôm đó, tôi tự nguyện là dù phải sống bất kỳ cuộc sống như thế nào và ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng sẽ cố gắng tác động một cách có ý nghĩa lên mọi biến cố.
Không Thể Chuộc Lỗi Không Thể Chuộc Lỗi - Allen Hassan Không Thể Chuộc Lỗi