Chương 12
1.
Bouthemont, hôm đó, là người đầu tiên đến nhà bà Desforges dự tiệc trà vào lúc bốn giờ. Còn ngồi một mình trong phòng khách kiểu Louis XVI, với những đồ đồng và hàng giả gấm vui sáng, bà ta có vẻ sốt ruột vừa đứng lên vừa nói:
- Thế nào!
- Thì, - Chàng trai đáp, - khi tôi bảo ông ấy rằng chắc tôi sẽ đến chào bà, ông ấy đã hứa hẳn hoi với tôi là sẽ đến.
- Ông có cho ông ấy biết rằng tôi chờ nam tước hôm nay không?
- Tất nhiên... Hình như chính vì thế mà ông ấy quyết định tới.
Họ nói về Mouret. Năm ngoái, đột nhiên, anh có cảm tình với Bouthemont, đến mức cho anh này tham dự các cuộc vui của anh, thậm chí anh dẫn hắn đến nhà Henriette, mừng lòng vì có một tay tán tỉnh bền vững để làm vui đôi chút một cuộc dan díu mà anh đã ngán. Vì thế, viên gian hàng trưởng tơ lụa trở thành người tâm phúc của ông chủ và bà góa xinh đẹp: anh ta giúp họ những việc lặt vặt, nói chuyện về người này người kia, đôi khi dàn hòa hai người. Trong những cơn ghen, Henriette trở nên suồng sã khiến anh ta ngạc nhiên và bối rối, vì bà ta mất cả cái khôn ngoan của phụ nữ thượng lưu, vốn có nghệ thuật cứu vãn bề ngoài.
Bà ta hung hăng la lên:
- Phải gô ông ấy tới đây. Có thế tôi mới yên lòng.
- Chao! - Anh ta vừa nói vừa cười hềnh hệch - Nào phải lỗi tại tôi mà ông ấy cứ xổng, bây giờ... Ồ! Thế mà ông ấy vẫn ưa tôi lắm. Không có ông thì tôi đạ quỵ ở bên đó.
Quả thật, vị trí của anh ta ở hiệu Hạnh phúc các bà, bị đe dọa từ sau cuộc kiểm kê vừa rồi. Anh ta đổ tại mùa mưa cũng vô ích, người ta không dung tha chuyện dự trữ quá nhiều lụa tân kỳ; và vì Hutin lợi dụng chuyện đó, càng điên cuồng âm mưu xúc xiểm anh bên các thủ trưởng, anh ta cảm thấy rõ đất nứt dưới chân anh. Mouret kết tội anh ta, chắc hẳn vì bây giờ bị gã chứng nhân này làm phiền trong việc đoạn tuyệt, và cũng vì chán ngán cuộc làm thân chẳng đem lại lợi ích gì. Nhưng, theo sách lược quen dùng, anh đẩy cho Bourdoncle làm trước: Thế là trong mỗi kỳ họp Bourdoncle ưa những người hữu quan khác yêu cầu đuổi anh ta; còn anh thì chống lại, anh nói thế, anh cương quyết bảo vệ anh, dù phải chịu lắm rắc rối.
- Thôi, tôi đành đợi vậy - Bà Desforges lại nói - Ông biết rằng con bé ấy phải tới đây vào năm giờ. Tôi muốn cho họ đối diện nhau. Tôi biết rõ bí mật giữa họ.
Và bà ta kể lại kế hoạch bà đã nghiền ngẫm; Trong cơn sốt ruột, bà nhắc lại rằng bà đã yêu cầu bà Aurélie cho Denise tới nhà bà, để xem lại một chiếc măng-tô may hỏng. Khi bà giữ được cô gái trong phòng bà, bà sẽ tìm cách gọi Mouret đến; và bà sẽ hành động sau.
Bouthemont, ngồi trước mặt bà ta, nhìn bà bằng cặp đẹp cười cười, mà anh ta cố làm ra vẻ nghiêm nghị. Thằng cha vui tính râu đen sẫm ấy, tay chơi nhộn mặt hồng hào vì máu nóng dân Gascoghe [1] ấy, hắn nghĩ rằng phụ nữ thượng lưu chẳng tốt gì, và họ tuôn ra những cái hay ho khi họ dám thổ lộ can trường. Chắc chắn là những cô nhân tình của bạn bè hắn, mấy cô bán hàng, không bao giờ bộc lộ tâm sự trọn vẹn đến thế.
- Nào, - Cuối cùng anh ta liều nói - xem bà định làm gì, vì tôi cam đoan với bà rằng giữa họ tuyệt đối chẳng có chuyện gì cả!
- Chính thế đấy! - Bà ta la lên - Ông ấy yêu nó, cái con bé ấy... Tôi cóc cần những đứa khác, những cuộc gặp gỡ bình thường, những chuyện tình cờ chốc lát!
Bà ta khinh miệt nói tới Clara. Người ta đã kể rõ cho bà biết rằng, sau khi Denise từ chối, Mouret nhảy bổ trở lại với cô ả to lớn tóc đỏ hoe, đầu ngựa này, chắc có tính toán, là vì anh giữ cô ta ở lại gian hàng, để phô trương, bằng cách cho cô ta đủ mọi thứ quà cáp. Vả lại, gần ba tháng nay anh sống một cuộc sống hành lạc dữ dội, vung tiền phung phí đến người ta phải bàn tán: anh đã tậu một tòa nhà cho một gái điếm bí mật, anh bị hai ba ả khác cùng bòn rút, với những trò đắt tiền và ngu xuẩn.
- Đó là lỗi của cô ả này - Henriette nhắc lại - Tôi cảm thấy ông ấy tự hủy hoại với những ả khác, vì bị cô này cự tuyệt, vả chăng, tôi chẳng cần đến tiền bạc của ông ấy! Chẳng thà ông ấy nghèo để tôi thương còn hơn. Ông đã trở thành bạn của chúng tôi, ông biết tôi thương ông ấy đến thế nào.
Bà ta ngừng lời vì nghẹn ngào, gần phát khóc; và, với một cử động buông thả, bà chìa hai bàn tay ra cho anh ta. Đúng thế, bà thương yêu Mouret vì tuổi trẻ và những thành công của anh, chưa có người đàn ông nào đã chiếm được bà trọn vẹn như thế, với cả rung chuyển xác thịt và lòng kiêu hãnh, nhưng, nghĩ đến chuyện mất anh, bà còn nghe thấy tiếng chuông báo tử của tuổi bốn mươi, bà kinh hoàng tự hỏi lấy gì mà thay thế cho mối tình to lớn đó.
- Ô! Tôi sẽ trả thù - Bà lẩm bẩm - Tôi sẽ trả thù, nếu ông ấy ăn ở không ra gì.
Bouthemont vẫn nắm hai bàn tay bà. Bà vẫn còn đẹp. Nhưng đó chỉ là một nhân tình rầy rà, mà anh ta thì chẳng ưa loại đó. Tuy nhiên, cái điều vẫn đáng suy nghĩ, có lẽ cũng phải liều chịu phiền hà để được lợi gì chăng.
- Tại sao ông không mở cửa hiệu? - Đột nhiên bà ta vừa hỏi, vừa rút tay về.
Anh ta lấy làm lạ. Rồi anh ta đáp:
- Nhưng mà phải nhiều vốn lắm... Năm ngoái tôi cũng đã suy tính. Tôi tin rằng ở Paris này còn có thể có khách hàng cho một hai cửa hiệu lớn; nhưng vấn đề là phải chọn khu phố. Hiệu Bon Marché chiếm lĩnh tả ngạn, hiệu Louvre chiếm khu trung tâm; hiệu Hạnh phúc chúng tôi chiếm những khu giàu có phía tây. Còn phía bắc, có thể mở một điểm cạnh tranh ở quảng trường Clichy. Và tôi đã tìm ra một địa điểm tuyệt vời, gần Viện Ca kịch...
- Thế sao?
Anh ta phá ra cười ầm ĩ:
- Bà tưởng tượng xem, tôi đã ngu xuẩn nói chuyện đó với ông bố tôi... Thật đấy, tôi đã ngây thơ đến mức đề nghị ông cụ tìm cổ đông viên ở Toulouse.
Và ông ta vui vẻ kể chuyện ông lão tức giận từ trong cùng tận cái cửa hiệu nhỏ tỉnh lẻ của ông, ông cụ điên cuồng chống lại những cửa hàng bách hóa lớn ở Paris. Lão Bouthemont, ngốt người vì số lượng ba mươi nghìn của con trai, đã trả lời rằng chẳng thà ông đem tiền của ông và của bạn bè ông cúng vào hội từ thiện còn hơn bỏ ra một xăngtim để góp phần lập ra những cửa hiệu lớn đó, chúng là những nhà chứa thương nghiệp.
- Vả lại, - Chàng trai kết luận - phải có hàng triệu.
- Nếu kiếm được thì sao? - Bà Desforges hỏi một cách đơn giản.
Anh ta đột nhiên trở nên nghiêm trang, nhìn bà. Phải chăng đó chỉ là lời của một bà ghen? Nhưng bà ta không để anh kịp hỏi, nói thêm:
- Tựu trung, ông biết tôi quan tâm đến ông thế nào. Chúng ta sẽ nói chuyện sau...
Tiếng chuông tiền sảnh vang lên. Bà ta đứng dậy, và bản thân anh ta cũng bất giác đẩy lùi ghế lại, y như người ta đã bắt chợt họ ngồi với nhau. Im lặng trong phòng khách căng trướng vui tươi, bầy la liệt cây xanh tưởng như một khu rừng nhỏ giữa hai cửa sổ. Bà ta đứng chờ, tai hướng ra phía cửa.
- Ông ấy đấy. - Bà khẽ nói.
Người hầu báo:
- Ông Mouret, ông De Vallagnosc.
Bà ta không kìm được một cử chỉ giận dữ. Tại sao ông ấy không đến một mình? Chắc ông ấy đã đi kiếm bạn, vì sợ có thể hai người đối đầu với nhau. Rồi, bà ta mỉm cười, bà chìa hai tay đón hai người.
- Độ này hiếm gặp ông!... Tôi nói cả với ông nữa, ông De Vallagnosc ạ.
Bà ta thất vọng vì thấy mình béo ra, bà nịt người trong những bộ áo lụa đen để che giấu tình trạng mỗi ngày một phát phì. Tuy nhiên, cái đầu xinh, với làn tóc sẫm, vẫn giữ nét thanh tú đáng yêu. Và Mouret vẫn có thể nhìn bao trùm bà và chân thật nói:
- Chẳng cần phải hỏi tin bà... Bà vẫn tươi như hoa hồng.
- Ô! Tôi thì vẫn khỏe quá đi - Bà ta đáp - Mà dù tôi có thể chết được, ông cũng chẳng biết đấy vào đâu.
Bà ta cũng ngắm nhìn anh, thấy anh bực bội và mệt mỏi, mí mắt sệ xuống, nước da màu chì.
- Thôi, - Bà lại nói, cố làm ra giọng vui đùa - tôi chẳng đáp lại lời khen của ông, hôm nay trông ông không được tươi tỉnh.
- Làm việc mà! - Vallagnosc.
Mouret, cử chỉ mơ hồ, không đáp. Anh vừa trông thấy Bouthemont, anh làm hiệu đầu thân mật. Hồi mà hai người còn rất thân nhau, chính anh đến gian hàng lôi hắn tới nhà Henriette, giữa lúc bận rộn vào quá trưa. Nhưng thời thế đã thay đổi, anh nói nhỏ với hắn:
- Cậu chuồn sớm thật... Cậu biết không, họ biết cậu bỏ đi, và ở đằng ấy họ giận cậu lắm đấy.
Anh nói về Bourdoncle và những người hữu quan, cứ như anh không phải là ông chủ.
- Ớ! - Bouthemont khẽ thốt lên, lo lắng.
- Ừ! Mình cần nói chuyện với cậu... Cậu chờ mình, ta sẽ về cùng.
Khi đó, Henriette lại ngồi xuống, và, vừa nghe Vallagnosc báo tin bà De Boves chắc sẽ tới, bà ta không rời mắt Mouret. Anh này, nín lặng trở lại, nhìn đồ đạc, và hình như tìm cái gì trên trần. Rồi, vì bà ta vừa cười vừa phàn nàn chỉ còn các ông đến vào buổi tiệc trà bốn giờ, anh lơ đãng đến mức thốt ra:
- Tôi tưởng được gặp nam tước Hartmann.
Henriette tái mặt. Chắc chắn bà ta biết rằng anh tới đây cũng chỉ để gặp nam tước. Nhưng đáng lẽ anh không nên bày tỏ sự hững hờ của mình vào tận mặt bà. Vừa lúc đó, người hầu vào đứng phía sau bà, khi bà làm hiệu đầu để hỏi, thì hắn cúi xuống nói rất khẽ:
- Dạ, về chiếc măng-tô. Bà đã dặn tôi báo cho cô ấy... Cô ấy đã tới.
Thế là, bà ta nói rõ to, cho người ta nghe thấy. Bao nhiêu đau khổ của bà trút vào mấy tiếng cộc lốc khinh bỉ.
- Bảo cô ấy chờ đấy!
- Có cho cô ấy vào buồng bà không ạ?
- Không, không, cứ để ngồi ngoài tiền sảnh ấy.
Và, khi người hầu bỏ đi, bà ta lại thản nhiên tiếp tục nói chuyện với Vallagnosc. Mouret, lại đâm uể oải. Lắng nghe hờ hững mà không hiểu gì. Bouthemont, vì quan tâm đến việc đó, nên suy nghĩ. Nhưng gần ngay lúc đó, cửa lại mở, hai bà được dẫn vào.
- Bà chị xem, - Bà Marty nói - tôi vừa xuống xe thì gặp bà De Boves đi tới dưới cửa tò vò.
- Vâng, - Bà này giải thích - trời đẹp, mà bác sĩ của tôi yêu cầu tôi bao giờ cũng đi bộ...
Rồi, sau khi mọi người bắt tay nhau, bà Marty lại hỏi Henriette:
- Bà chị thay cô hầu buồng đấy à?
- Không - Bà này ngạc nhiên đáp - Thế sao?
- Là vì tôi vừa thấy ở tiền sảnh một cô gái...
Henriette ngắt lời:
- Có phải mấy cô gái cửa hiệu ấy đều giống kẻ hầu buồng không nhỉ?... Đúng, đó là một cô bán hàng đến để sửa áo măng-tô.
Mouret nhìn bà ta chằm chặp, có ý nghi ngờ. Và bà ta tiếp tục cười gượng gạo, kể rằng tuần trước bà có mua ở gian may sẵn hiệu Hạnh phúc các bà cái áo đó.
- Ủa! Thế không phải là nhà Sauveur may cho bà chị nữa à?
- Có chứ, bà chị, song tôi muốn thử một lần. Mà rồi, tôi cũng khá hài lòng vì lần mua đầu tiên, mua một chiếc măng-tô du lịch... Nhưng lần này, thì không ra sao cả. Dù ông nói thế nào, ở cửa hiệu ông, người ta may mặc cứ như bó củi. Ô! Tôi chẳng ngại gì tôi nói trước mặt ông Mouret... Chẳng bao giờ ông may được cho một phụ nữ ít nhiều sang trọng.
Mouret không bênh vực cửa hàng mình, mắt anh vẫn nhìn bà, yên tâm, nghĩ thầm chắc bà ta chẳng dám. Thế là Bouthemont phải biện hộ cho hiệu Hạnh phúc.
- Nếu tất cả dân phái đẹp đến may ở hiệu chúng tôi mà lấy làm tự hào, - Anh ta vui vẻ nói, - thì bà sẽ phải lấy làm lạ cho khách hàng của chúng tôi... Bà hãy đặt may đo quần áo ở hiệu chúng tôi đi, nó chẳng kém gì hiệu Sauveur, mà bà lại được trả rẻ hơn nửa tiền. Thế nhưng, chính vì có rẻ hơn, hóa ra nó kém hơn.
- Thế là cái áo may sẵn ấy hỏng, phải không? - Bà De Boves lại nói - Bây giờ tôi mới nhận ra cô gái ấy... Tiền sảnh của bà chị hơi tối.
- Ừ, - Bà Marty nói thêm - tôi cứ nghĩ mãi xem đã gặp cái ngữ ấy ở đâu... Thôi, bà chị cứ đi đi, để mặc chúng tôi.
Hầngriet làm điệu khinh khỉnh không quan tâm:
- Ồ! Để chốc nữa, chẳng đi đâu mà vội.
Các bà đó lại bàn cãi về quần áo của các hiệu lớn. Rồi, bà De Boves nói về chồng, bà báo ông ta vừa đi thanh tra, thăm trạm ngựa giống Saint Lô, thì, cũng đúng lúc, Henriette kể việc bà Guibal về Franche Comté hôm trước vì có bà cô ốm. Ngoài ra, bà cũng chắng mong gì bà Bourdelais tới hôm nay, vì cứ cuối tháng là bà ta lại ở nhà với một cô thợ, để duyệt lại tất cả quần áo của lũ nhóc. Nhưng, bà Marty hình như đang băn khoăn lo lắng. Địa vị của ông Marty ở trường trung học Bonaparte đang bị đe dọa, vì, tội nghiệp, ông ta đi dạy thêm ở những trường khả nghi, họ mua bán cả bằng tú tài, ông cứ phải nai lưng ra làm tiền cho nhiều, để bù vào những chi tiêu rồ dại phá phách gia đình; và bà ta thì, một tối thấy ông khóc lóc sợ bị đuổi, bà đã nảy ra ý nghĩ lợi dụng bà bạn Henriette để chạy chọt một ông giám đốc thuộc Bộ Học chính mà bà này quen biết. Cuối cùng Henriette yên ủi bà ta một lời. Vả lại, ông Marty cũng tự mình sắp đến để biết rõ số phận mình và cảm ơn.
- Ông có vẻ mệt, ông Mouret. - Bà De Boves có nhận xét.
- Làm việc mà! - Vallagnosc nhắc lại, với cái vẻ mỉa mai phớt lạnh.
Mouret vùng đứng dậy, ra vẻ bực mình vì đã lơ đãng như vậy. Anh ngồi vào chỗ thường lệ giữa các bà, anh lấy lại tất cả cái duyên dáng của anh. Anh quan tâm đến hàng tân phẩm mùa đông, anh nói đăng-ten về rất nhiều, vì bà De Boves hỏi anh giá đăng-ten dệt kim Alençon; có lẽ bà sẽ mua. Bây giờ, bà đi đến nước phải hà tiện ba mươi xu tiền xe, khi về bà phát ốm vì la cà trước những hàng bầy. Bà khoác một chiếc măng-tô cũ từ hai năm nay, bà mơ ước ngắm thử trên vai nữ hoàng của bà mọi thú vải đắt tiền mà bà trông thấy; rồi, bà như bị người ta lột mất, khi bà tỉnh ra với những chiếc áo sửa lại, không hy vọng thỏa mãn ước vọng bao giờ.
- Ông nam tước Hartmann. - Người ở báo tin.
Henriette để ý thấy Mouret hớn hở bắt tay đón tiếp người mới đến biết chừng nào. Ông này chào các bà, nhìn chàng trai với vẻ tinh nhanh đôi lúc làm rạng rỡ bộ mặt vạm vỡ dân xứ Alsace của ông ta.
- Lúc nào cũng ngập vào xống áo! - Ông ta mỉm cười khẽ nói.
Rồi, với tư cách người nhà thân mật, ông tự ý nói thêm:
- Ngoài tiền sảnh, có một cô gái tuyệt vời... Ai thế nhỉ?
- Ồ! Có ai đâu. - Bà Desforges giọng khó chịu đáp - Một cô bán hàng đợi đó.
Nhưng cửa vẫn hé mở, người ở bưng trà vào. Anh ta ra rồi lại vào, đặt trên chiếc bàn quay bộ ấm trà Trung Quốc, rồi những đĩa xanđuych và bánh ngọt. Trong phòng khách rộng, ánh sáng rực rỡ, dịu đi vì cây xanh, làm đồ đồng chói lên, đượm niềm vui thân mật lụa bọc đồ đạc; và, mỗi lần cửa mở ra người ta lại bắt gặp một góc tối của phòng tiền sảnh, chỉ chiếu sáng bằng những kính mờ. Ở đó, trong tối, có bóng người mờ mờ bất động và kiên nhẫn đang chờ. Denise đứng: tuy có một ghế nhỏ bọc da, cô vẫn kiêu hãnh không ngồi. Cô cảm thấy điều sỉ nhục. Đã nửa tiếng đồng hồ cô ở đó, không một cử chỉ, không một lời nói, bọn các bà kia và nam tước đi qua đã nhìn tận mặt cô; bây giờ, tiếng nói từ phòng khách vẳng ra nghe thấy từng đợt; cả cái sang trọng hòa nhã vô tình kia như vả cô; và cô vẫn không cựa quạy. Bỗng chốc, qua của hé cô nhận ra Mouret. Cuối cùng, anh đã đoán ra.
- Có phải một cô bán hàng của ông không? - Nam tước Hartmann hỏi.
Mouret cố che giấu được lòng hết sức bối rối. Anh chỉ run run nói và xúc động:
- Chắc thế, nhưng tôi không biết cô nào.
- Đó là cái cô bé nhỏ tóc hung ở gian hàng may sẵn ấy, - Bà Marty nhanh nhẳu trả lời - cái cô quầy phó, thì phải.
Đến lượt Henriette nhìn anh.
- À! - Anh chỉ nói thế.
Và anh cố kể chuyện hội hè đón tiếp vua nước Phổ ở Paris từ hôm trước. Nhưng nam tước tinh quái trở lại chuyện các cô bán hàng ở các hiệu lớn. Ông ta giả bộ muốn biết, và đặt câu hỏi: thường thường họ ở đâu tới? Có thật họ không đứng đắn như người ta nói không? Thế là cả một cuộc tranh luận.
- Có thật, - Ông ta lại nói - ông cho là họ ngoan không?
Mouret bênh vực đức hạnh của họ một cách nhiệt tình khiến Vallagnosc cười. Bấy giờ, Bouthemont xen vào để cứu vãn ông chủ. Trời ơi! Cái gì cũng có đôi chút trông các cô ấy, có những kẻ vô lại mà cũng có những cô gái nết na. Vả lại mức độ đạo đức của họ tăng. Xưa kia, chỉ có những kẻ lạc lõng vào thương nghiệp, những cô gái nghèo và lai lịch không rõ ràng rơi vào hàng tân phẩm, còn như bây giờ thì những gia đình phố Sèvres, chẳng hạn, giáo dục con gái hẳn hoi để đưa vào Bon Marché. Tựu trung, họ đứng đắn hay không là tự họ; vì họ không như các cô thợ trên đường phố Paris, phải tự lo nơi ăn chốn ở: họ có bàn ăn và giường nằm, cuộc sống của họ được bảo đảm, tất nhiên vẫn còn rất cực khổ. Điều dở là địa vị mập mờ của họ, không có gì phân định giữa cô bán hàng và bà trưởng giả. Bị ném vào cuộc sống sang trọng như thế, thường khi là không có giáo dục sơ đẳng, họ hợp thành một tầng lớp riêng. Vô danh. Khổ cực; và thói hư của họ là từ đó.
- Tôi thì, - Bà De Boves nói - tôi không biết có nhân vật nào xấu xa hơn... Nhiều khi, cứ là phải vả vào mặt họ.
Và các bà đã bộc lộ mối hằn thù của họ. Trước quầy hàng, người ta xâu xé nhau, phụ nữ xơi phụ nữ, với mối đua tranh gay gắt vì tiền tài và sắc đẹp. Đó là lòng ghen tuông chua chát của những cô bán hàng đối với các bà khách hàng ăn mặc sang trọng, các bà mà họ cố học đòi mọi cung cách, và lòng ghen tuông còn cay đắng hơn của những bà khách hàng ăn mặc xoàng xĩnh, của những bà tiểu tư sản đối với các cô bán hàng, các cô gái bận đồ lụa ấy, mà họ muốn hành hạ như một con ở khi họ mua mười xu hàng.
- Mặc xác họ! - Henriette kết luận - Cả lũ khốn kiếp đem mà bán đi, như hàng hóa của họ.
Mouret đủ sức để mỉm cười. Ông nam tước ngắm nhìn anh, cảm động vì cái cách anh tự kiểm chế một cách duyên dáng. Vì thế ông ta lái câu chuyện trở lại cuộc hội hè đón tiếp vua nước Phổ: thật là tuyệt, cả nền thương nghiệp Paris sẽ có lợi vào đó. Henriette im lặng, ra vẻ mơ màng, vừa muốn bỏ đi. Vì thế, cuối cùng bà ta phải rời ghế đi ra.
- Xin lỗi các vị.
- Sao vậy, bà chị! - Bà Marty nói - À, để tôi chủ trì thay bà chị.
Bà ta đứng lên, với ấm chè, rót đầy các chén. Henriette, quay về phía nam tước Hartmann.
- Ông còn ở đây lát nữa chứ?
- Vâng, tôi còn phải nói chuyện với ông Mouret. Chúng tôi sẽ chiếm phòng khách nhỏ của bà đấy.
Bây giờ bà ta đi ra, chiếc áo lụa đen của bà chạm vào cửa có tiếng sột soạt, như con rắn nước tuồn qua bụi rậm.
Lập tức, nam tước tìm cách dẫn Mouret đi, để cho Bouthemont và Vallagnosc ở lại với các bà. Họ sang phòng khách bên cạnh, ứng nói chuyện khế trước cửa sổ. Đây là cả một công việc mới. Đã từ lâu, Mouret ôm ấp ước mơ thực hiện ý đồ cũ của anh, hiệu Hạnh phúc các bà chiếm cứ toàn bộ hòn đảo, từ phố Monsigny tới phố De La Michodière, và từ phố Neuve Saint Augustin đến phố Mười tháng Chạp. Trong cái cụm nhà lớn đó, phía con đường cuối này, còn một vạt đất rộng ở rìa anh chưa chiếm được: và điều đó đủ làm cho sự đắc thắng của anh chưa trọn vẹn, anh bị day dứt vì nhu cầu hoàn tất cuộc chinh phục, dựng lên ở phía đó, như một vòng hào quang, một bề mặt đồ sộ. Chừng nào cửa chính vẫn còn ở phố Neuve Saint Augustin, một phố tối om của Paris cũ, thì sự nghiệp của anh vẫn còn khuyết tật, thiếu lôgích, anh muốn trưng nó lên trước Paris mới, trên một trong những đại lộ trẻ trung, ở đó qua lại dưới ánh nắng chói chang đám đông náo nhiệt của cuối thế kỷ; Anh nhìn thấy nó chế ngự, oai phong như tòa lâu đài khổng lồ của thương nghiệp, hắt bóng xuống thành phố còn hơn cả điện Louvre cổ xưa. Nhưng mãi tới lúc đó anh vấp phải sự ngoan cố của Ngân hàng bất động sản, họ vẫn khăng khăng giữ ý kiến ban đầu của họ là dựng lên, theo dọc vạt đất ở rìa đó, một công trình cạnh tranh với Khách sạn lớn. Kế hoạch thì đã chuẩn bị cả rồi, người ta chỉ còn chờ dọn quang phố Mười tháng Chạp để đào móng. Rốt cuộc, với cố găng cuối cùng, Mouret hầu như đã thuyết phục được nam tước Hartmann.
- Thế này, - Nam tước mở đầu - hôm qua chúng tôi đã họp hội đồng, và bây giờ tôi đến, chắc được gặp ông và muốn để ông biết tin... Họ vẫn cưỡng lại.
Chàng trai để buột ra cử chỉ nóng nảy:
- Thật chẳng biết điều... Họ bảo thế nào?
- Trời! Họ nói cái điều mà chính tôi đã từng nói với ông, mà bây giờ tôi cũng còn phải nghĩ ngợi... Cái bề mặt của ông chỉ là món trang hoàng, xây dựng mới chỉ làm rộng ra thêm một phần mười diện tích cửa hàng của ông; như thế là ném quá nhiều tiền vào một món quảng cáo đơn thuần.
Lập tức Mouret nổi giận:
- Món quảng cáo! Món quảng cáo! Dù sao nó cũng là bằng đá, và nó sẽ sống lâu hơn tất cả chúng ta. Ngài hãy hiểu cho rằng đó là làm tăng doanh nghiệp của chúng tôi lên gấp mười lần! Chỉ trong hai năm, chúng tôi sẽ hoàn lại vốn. Bất kể ngài gọi nó là mảnh đất mất toi hay thế nào, miễn là nó trả cho ngài món lãi kếch xù!... Ngài sẽ thấy đám đông, khi khách hàng của chúng tôi không còn phải chen nhau ở phố Neuve Saint Augustin nữa, và họ có thể dễ dàng ùa vào phía con đường rộng thênh thang, ở đó sáu hàng xe sẽ cùng chạy thoải mái.
- Cố nhiên - Nam tước vừa cười vừa nói - Nhưng ông thật là thi sĩ trong cái loại của ông, tôi nhắc với ông như vậy. Các vị kia cho rằng để ông mở rộng doanh nghiệp thì sẽ nguy hiểm. Họ muốn khôn ngoan là vì ông.
- Sao, khôn ngoan? Tôi không hiểu nữa... Thì những con số không có đó hay sao, chúng không chứng minh bước đi lên liên tục trong việc bán hàng của chúng tôi hay sao? Thoạt tiên, với số vốn năm trăm nghìn phrăng, chúng tôi thực hiện hai triệu doanh số. Số vốn đó vượt gấp bốn lần. Rồi, từ con số lên tới bốn triệu, nó vượt mười lần và đạt bốn mươi triệu doanh số. Cuối cùng, sau những lần tăng liên tiếp, trong cuộc kiểm kê vừa rồi, tôi vừa ghi nhận doanh số bây giờ đạt tổng số tám mươi triệu, thế là số vốn không tăng nữa, nó chỉ mới là sáu triệu, nhưng tính theo số hàng hóa trong các quầy của chúng tôi, nó lại vượt hơn mười hai lần.
Anh cất cao giọng, lấy những ngón tay phải đập vào lòng bàn tay trái, hạ từng triệu bạc như người ta bóp vỡ hạt dẻ. Nam tước ngắt lời anh.
- Tôi biết, tôi biết... Nhưng có lẽ ông không hy vọng cứ lên mãi như thế?
- Tại sao không? - Mouret ngây thơ nói - Không có lý do nào để nó ngừng lại. Số vốn có thể vượt gấp mười lăm lần, điều này tôi đã đoán trước từ lâu rồi. Thậm chí ở một số gian hàng, nó vượt hai nhăm ba mươi lần... Rồi sau, phải, rồi sau, chúng tôi sẽ tìm ra kế làm cho nó vượt hơn nữa.
- Thế là rốt cuộc ông sẽ nốc tiền của Paris, như người ta uống một cốc nước?
- Cố nhiên. Paris chẳng phải là của phụ nữ ư, mà phụ nữ thì chẳng là của chúng ta ư?
Nam tước đặt hai bàn tay lên vai anh, nhìn anh với vẻ thân tình:
- Này! Ông là một chàng trai dễ thương, tôi mến ông... Không ai cưỡng lại được ông. Chúng ta sẽ nghiền ngẫm vấn đề nghiêm túc, và tôi hy vọng sẽ thuyết phục được họ. Cho đến bây gia chúng tôi chỉ có khen ngợi ông. Số lời chia làm sở chúng khoán ngạc nhiên... Chắc rằng ông nắm được sự thật, cần đầu tư thêm vào cỗ máy của ông, còn hơn là liều lĩnh cạnh tranh với khách sạn lớn, thật là mạo hiểm.
Mouret nguôi lập tức, anh cảm ơn nam tước, mà không tỏ vẻ phấn chấn như mọi khi, và nam tước thấy anh quay mắt về phía của buồng bên cạnh, trở lại nỗi lo lắng âm thầm mà anh che giấu. Lúc đó Vallagnosc đến gần vì biết họ không bàn công việc nữa. Anh ta đứng cạnh họ, nghe nam tước khẽ nói với cái vẻ lịch sự của tay ăn chơi kỳ cựu.
- Này, tôi xem như họ trả thù phải không?
- Ai vậy? - Mouret bối rối hỏi.
- Thì cánh phụ nữ ấy mà... Họ thì ngán, muốn thuộc về ông, mà ông thì lại thuộc về họ, ông bạn ạ! Báo ứng đấy!
Ông ta bông đùa, ông biết rõ những chuyện yêu đương ầm ĩ của anh. Tòa nhà mua cho một gái điếm bí mật, những món tiền lớn bị bòn rút bởi mấy ả nhặt được ở những nơi ba vạ, những chuyện đó khiến ông vui, như một sự miễn thứ cho những trò ngông cuồng của bản thân ông xưa kia. Kinh nghiệm già đời làm ông thích thú.
- Thật tình, tôi không hiểu. - Murrê nhắc lại.
- Chà! Ông thì hiểu quá đi. Họ bao giờ cũng nói tiếng nói cuối cùng... Vì vậy tôi cứ nghĩ: không thể thế được, ông ấy khoe đấy thôi, ông ấy chẳng cứng đến thế. Và ông mắc rồi đấy! Ông hãy cứ bòn rút hết cả của phụ nữ, khai thác họ như một mỏ than, để rồi họ sẽ khai thác ông và bắt ông phải mửa trở lại! Ông coi chừng, họ sẽ rút của ông nhiều máu và tiền hơn là ông hút của họ.
Ông ta càng cười, và Vallagnosc, đứng bên ông, cười nhạo mà không nói một lời.
- Trời! Phải nếm cho đủ mùi - Cuối cùng Mouret tự thú, và làm bộ cũng vui cười - Tiền mà không tiêu thì là ngu xuẩn.
- Điều đó thì tôi tán thành ông - Nam tước lại nói - Vui chơi đi, ông bạn ạ. Không phải là tôi sẽ dạy đạo đức cho ông, tôi cũng không run sợ vì những món lợi to mà chúng tôi trao cho ông. Phải có lúc ngông cuồng rồi đầu óc con người ta mới tỉnh táo được... Mà rồi, phá sản chẳng có gì là đau đớn cả khi người ta là kẻ xây dụng lại được cơ đồ... Song, nếu tiền bạc không là gì cả, thì còn có đau khổ?...
Ông ta ngừng lại, nụ cười trở nên rầu rĩ, những chuyện đau thương cũ len vào cái hoài nghi chua chát của ông. Ông ta đã theo dõi cuộc đấu giữa Henriette và Mouret, như kẻ tò mò mà những vật lộn của trái tim ở kẻ khác còn lôi cuốn, và ông cảm thấy rõ cơn khủng hoảng đã tới nơi, ông dò đoán tấn bi kịch, vì ông biết rõ chuyện cái cô Denise ấy, mà ông đã nhìn thấy ở phòng tiền sảnh.
- Ồ! Còn cái chuyện đau khổ, đó chẳng phải là ngón chuyên môn của tôi - Mouret nói với giọng khoác lác... - Phải trả tiền thế là đã hậu hĩ lắm rồi.
Nam tước im lặng nhìn anh một chút. Rồi, không muốn ráo riết, ông thủng thẳng nói thêm:
- Ông chẳng nên làm ra vẻ tồi tệ hơn bản thân mình... Ông sẽ để lại ở đó cái gì khác hơn là tiền bạc của ông. Thật đấy, ông sẽ để lại ở đó máu thịt của mình, ông bạn ạ.
Ông ta ngừng lời để hỏi, bông đùa trở lại:
- Phải không, ông Vallagnosc? Điều đó sẽ tới?
- Người ta vẫn nói thế, ngài nam tước ạ. - Anh này tuyên bố gọn lỏn.
Va, đúng lúc đó, cửa buồng mở ra. Mouret đang định trả lời thì khẽ giật mình. Ba người quay lại. Đó là bà Desforges, vẻ rất vui, chỉ thò đầu vào gọi, với giọng hấp tấp:
- Ông Mouret! Ông Mouret!
Rồi, khi thấy cả ba người.
- Ồ! Thưa các vị, cho phép tôi nẫng ông Mouret một phút. Ít ra là thế, vì ông ấy đã bán cho tôi một chiếc măng-tô tồi tệ, ông ấy phải cho tôi biết ý kiến. Cái cô ả này ngu ngốc chẳng có ý kiến gì... Tôi đợi ông đấy.
Anh lưỡng lự, bị khiêu khích, anh định rút lui trước cảnh mà anh đã dự đoán. Nhưng anh phải tuân theo. Nam tước nói với anh, giọng vừa thân tình vừa nhạo:
- Đi, cứ đi, ông bạn. Bà ấy cần đến ông.
Thế là Mouret đi theo bà ta. Cửa đóng trả lại, và anh như nghe tiếng cười nhạo của Vallagnosc, tắt đi sau những bức trường, vả lại anh cũng đã mất hết nhuệ khí. Từ lúc Henriette rời phòng khách, và anh biết rằng Denise đang ở trong sâu căn nhà, giữa những bàn tay ghen tuông, anh cảm thấy mỗi lúc thêm lo ngại, nỗi bực dọc tinh thần khiến anh chú ý lắng nghe, như giật mình vì một tiếng khóc xa xa. Cái mụ này liệu có thể bầy trò gì để hành hạ nàng? Và tất cả tình thương của anh, mối tình mà đến bây giờ còn làm anh ngạc nhiên, đều ngả về phía cô gái, như một sự nâng đỡ và một niềm an ủi. Chưa bao giờ anh yêu như thế, với lòng say mãnh liệt trong đau khổ. Nhưng yêu đương của con người bận rộn như anh, ngay cả với Henriette, thanh lịch đến thế, yêu kiều đến thế, mà anh tự kiêu vì chiếm được, chỉ là chuyện tiêu khiển, đôi khi là một tính toán, ở đó anh chỉ tìm kiếm thú vui có lợi. Anh thản nhiên ra khỏi nhà tình nương, về ngủ, thích thú với cái tự do trai không vợ của mình, không chút nuối tiếc, không chút băn khoăn trong lòng. Thế mà, giờ đây, trái tìm anh đập vì lo lắng, cuộc đời của anh bị chiếm đoạt, anh không còn có thể ngủ để quên đi, trong chiếc giường thênh thang hiu quạnh của anh. Denise ám ảnh thường xuyên. Ngay giờ phút này, chỉ có nàng, và anh nghĩ anh ưng ở lại đây để che chở nàng, vừa là theo dõi mụ kia, sợ xảy ra chuyện gì không lành.
Thoạt tiên, họ qua buồng ngủ, im ắng và vắng không. Rồi, bà Desforges đẩy một cánh cửa, bước vào buồng làm việc. Mouret theo bà ta vào. Đó là một gian buồng khá rộng, căng lụa đỏ, kê một bàn trang điểm bằng đá hoa và một tủ áo ba thân, có gương rộng. Vì cửa sổ nhìn ra sân, trong buồng đã tối, có thắp hai ngọn đèn hơi cánh mạ kền chĩa ra hai bên phải bên trái chiếc tủ áo.
- Xem nào, - Henriette nói - bây giờ có lẽ xuôi hơn.
Khi vào, Mouret đã trông thấy Denise đứng thẳng người, giữa vùng ánh sáng rực rỡ. Trông mặt cô tái nhợt, giản dị bận một chiếc jaquette [2] bằng cachemire, đầu đội mũ đen và trên một cánh tay cô vắt chiếc áo măng-tô mua ở hiệu Hạnh phúc. Khi trông thấy chàng trai, bàn tay có hơi run.
- Tôi muốn nhờ ông nhận xét - Henriette lại nói - Nào, cô giúp tôi.
Và Denise bước lại gần, buộc phải khoác áo cho bà ta. Trong một cuộc thử đầu tiên, cô đã cài ghim trên vai áo không vừa. Henriette xoay người tự ngắm nghía trong gương tủ áo.
- Có thể thế này được không? Ông nói thật đi.
- Có vậy, thưa bà, áo không vừa - Mouret nói để cắt gọn - Giản dị thôi, cô sẽ đo cho bà, và chúng tôi sẽ may cho bà chiếc khác.
- Không, tôi ưng chiếc này, tôi cần đến ngay - Bà ta hăm hở trả lời - Nhưng, nó bó ngực, còn giữa hai vai này thì như cái túi.
Rồi, giọng khô khan:
- Cô mà cứ nhìn tôi thì không sửa được khuyết điểm... Cô tìm đi, xem ở chỗ nào. Đó là công việc của cô.
Denise, không nói năng gì cả, lại cài kim. Cứ thế rất lâu: phải cái từ vai này sang vai kia, thậm chí cô phải cúi xuống một lúc, gần như quỳ xuống, để kéo vạt áo phía trước. Phía trên cô, buông mình cho việc sửa chữa, bà Desforges có vẻ mặt đanh đá của một bà chủ khó tính. Hớn hở vì hạ được cô gái bằng công việc của một con ở, bà ta vừa ra lệnh cộc lốc, vừa dò xét trên mặt Mouret từng nét cau có.
- Cài ghim vào chỗ này. Ấy! Không, không phải ở đó, ở đây, gần tay áo. Thế cô không hiểu à?... Không phải thế, đây này, cái túi lại hiện ra... Mà cẩn thận đấy, cô lại đâm ghim vào tôi bây giờ.
Hai lần nữa, Mouret cố can thiệp để chấm dứt cảnh đó mà không được. Trái tim anh lồng lên vì tình yêu bị sỉ nhục; và anh càng yêu thương Denise hơn, thắm thiết mà cảm động, trước sự im lặng tuyệt vời của nàng. Nếu hai bàn tay cô gái còn hơi run, vì bị đối xử trước mặt anh như vậy, thì cô chấp nhận những yêu cầu của nghề nghiệp, với sự nhẫn nhục kiêu hãnh của cô gái dũng cảm. Khi bà Desforges hiểu rằng họ không để lộ ra tâm trạng của họ thì bà ta tìm cách khác, bà bầy trò mỉm cười với Mouret, trưng anh lên như một nhân tình của mình. Lúc đó, thiếu mất ghim:
- Kìa, ông bạn ơi, xem trong cái hộp ngà, trên bàn trang điểm ấy... Hết rồi, thật à!... Thế thì ông làm ơn xem trên lò sưởi trong buồng: ông biết đấy, ở góc tấm gương ấy.
Và bà ta coi anh như người trong nhà, chỉ dẫn anh như với một người đã từng ngủ ở đó, biết rõ chỗ để lược và bàn chải. Khi anh mang lại một nhúm ghim bà ta nhặt từng chiếc một, bắt anh đứng bên cạnh, vừa nhìn anh vừa khẽ nói:
- Hình như tôi không gù... Ông làm ơn đưa tay, nắn chỗ vai này. Người tôi có như thế này không?
Denise, thủng thẳng, ngước mắt lên, mặt càng tái thêm, và lại tiếp tục im lặng cài ghim. Mouret chỉ trông thấy làn tóc dầy màu hung của cô, uốn trên gáy thanh thanh; nhưng, thấy tóc bập bồng vì rợn mình, anh tưởng như trông thấy nỗi khó chịu và nhục nhã trên mặt cô. Bây giờ thì cô cự tuyệt anh, cô trả lại anh cho người đàn bà này, mụ thậm chí không che giấu chuyện tằng tịu của mụ trước người lạ. Và anh nóng tiết ngứa tay những muốn đập Henriette. Làm thế nào cho mụ im đi? Làm thế nào cho Denise biết anh thương yêu nàng, và giờ phút này đây chỉ duy có nàng, anh sẽ từ bỏ mọi chuyện yêu đương chốc lát cũ? Một cô gái không thể có những điệu suồng sã lập lờ của mụ tư sản này. Anh co tay lại, nhắc:
- Bà khăng khăng như vậy thật là lầm, vì chính tôi cũng thấy là chiếc áo này may hỏng.
Một ngọn đèn hơi rít lên, và trong không khí ngột ngạt nhớp nháp của gian buồng, chỉ còn nghe thấy làn hơi nóng đó. Những tấm gương mặt tủ phản chiếu từng vạt rộng ánh sáng rực rỡ lên những trướng lụa đỏ, trên đó nhấp nhô bóng hai người đàn bà. Một lọ mã tiền quên không nút lại để bốc ra một mùi nhàn nhạt của hoa tàn.
- Thưa bà, tôi chỉ làm được đến thế. - Cuối cùng Denise đứng lên nói.
Cô cảm thấy rã người. Hai lần cô đã đâm ghim vào tay, mắt hoa như mờ đi. Phải chăng anh cũng vào hùa với bà ta? Dẫn cô tới đây để trả thù vì cô đã từ chối bằng cách chỉ cho cô thấy có những người đàn bà khác yêu anh? Nghĩ thế, cô lạnh toát người, cô không còn nhớ có lần nào phải dũng cảm đến thế này, ngay cả vào những giờ phút ghê gớm của cuộc sống phải thiếu ăn. Cũng chưa nghĩa lý gì cái chuyện bị sỉ nhục như thế này, nhưng trông thấy anh hầu như trong tay một kẻ khác, cứ như không có mặt cô ở đây!
Henriette ngắm mình trong gương. Rồi bà ta lại văng ra những lời đanh đá:
- Thật là khôi hai, cô ơi. Bây giờ lại còn tệ hơn trước.... Cô xem nó bó ngực tôi thế này. Trông tôi như mụ vú em.
Bấy giờ, Denise bị dồn đến cùng, nói một lời bực tức:
- Bà - hơi đẫy... Thế mà chúng tôi chẳng làm thế nào cho bà bớt đẫy đi được.
- Đẫy! Đẫy, - Henriette lặp lại, mặt đến lượt cũng tái mét - Bấy giờ cô đâm ra hỗn xược, thưa cô... Nói thật, tôi khuyên cô đi mà phán xét người khác!
Cả hai người mặt đối mặt, run rẩy, ngắm nghía nhau. Bây giờ thì chẳng có bà lớn, cũng như cô bán hàng nữa. Họ chỉ là hai người đàn bà, ngang vai trong cuộc phân tranh. Một người giật lấy chiếc măng-tô quăng vào một chiếc ghế, con người kia ném bâng quơ lên bàn trang điểm mấy chiếc ghim còn ở trong tay.
- Tôi lấy làm lạ rằng, - Henriette nói - ông Mouret dung thứ một điều hỗn xược như vậy... Tôi cứ nghĩ rằng, thưa ông, ông nghiêm khắc với nhân viên của ông hơn thế.
Denise trở lại bình tĩnh dũng cảm. Cô dịu dàng đáp:
- Nếu ông Mouret giữ tôi lại, thì là vì ông chẳng có điều gì để khiển trách tôi... Tôi sẵn sàng xin lỗi bà, nếu ông yêu cầu.
Mouret lắng nghe, bàng hoàng vì cuộc cãi lộn, không tìm ra lời để chấm dứt. Anh khiếp sợ những chuyện đôi co giữa đàn bà, tâm hồn luôn luôn cần sự hòa nhã không chịu được sự chua chát. Henriette muốn giành giật được ở anh một lời quở mắng cô gái, thế mà, vì anh vẫn câm lặng, phân vân, nên bà ta quất cho anh một lời nhục mạ cuối cùng:
- Thôi được, thưa ông, nếu như tôi phải chịu ở tại nhà tôi những điều hỗn xược của nhân tình ông!... Một ả nhặt từ cống rãnh nào đó.
Hai giọt nước mắt lớn trào ra trên mắt Denise. Cô kìm giữ nó từ lâu; nhưng cả con người cô rụng rời trước lời phỉ báng. Khi anh thấy cô khóc như vậy, mà không đáp lại bằng một điều thô bạo, với lòng tự trọng thầm lặng và tuyệt vọng, Mouret không do dự nữa, trái tim anh ngả về phía nàng, với lòng trìu mến vô hạn. Anh nắm lấy bàn tay nàng, ấp úng:
- Thôi đi mau đi, em, hãy quên cái ngôi nhà này đi.
Henriette bàng hoàng, nghẹn ngào tức giận nhìn họ.
- Hãy khoan, - Anh vừa nói thêm vừa tự tay gập chiếc áo măng-tô lại - mang cái áo nay về. Bà đây sẽ mua chiếc khác ở nơi khác. Và nín đi, tôi xin. Em biết tôi quý trọng em đến thế nào.
Anh đưa nàng ra đến tận cửa, rồi anh đóng sập lại. Nàng không nói một lời; song, một ánh lửa hồng nhen lên làm ửng đôi má nàng, còn mắt nàng thì trào ra hàng lệ mới, êm ái tuyệt vời.
Henriette, ngột ngạt, rút mù soa ra thít chặt lấy môi. Thế là bài tính đã bị đảo ngược, bản thân bà ta mắc vào cái bẫy mà chính bà chăng ra. Bà ta tuyệt vọng vì đã đẩy sự việc đi quá xa, bởi lòng ghen day dứt. Bị bỏ rơi vì một con bé như vậy! Thấy mình bị khinh trước mặt nó! Bà đau khổ vì lòng tự kiêu nhiều hơn là vì tình yêu.
- Thế là ông yêu cô gái đó phải không? - Bà ta đau đớn nói, khi chỉ còn hai người với nhau.
Mouret không đáp lại ngay, anh bước từ cửa sổ lại cửa ra vào, tìm cách khắc phục niềm xúc động mạnh của anh. Cuối cùng anh dừng lại, và rất lịch sự, với giọng nói mà anh cố làm ra vẻ thản nhiên, anh nói một cách đơn giản:
- Vâng, thưa bà.
Ngọn đèn hơi vẫn rít lên, trong không khí ngột ngạt của gian buồng. Bây giờ những ánh gương không còn bị lấp bởi bóng người nhấp nhô, gian phòng như trần trụi, rơi vào cảnh rầu rĩ nặng nề. Và Henriette đột nhiên ngồi phệch xuống một chiếc ghế, ngón tay run run xoắn chặt lấy chiếc mù soa, lặp đi lặp lại giữa tiếng nức nở:
- Trời ơi! Sao tôi khổ đến thế này!
Anh đứng yên nhìn bà ta mấy giây. Rồi, thản nhiên, anh bỏ đi. Bà ta, còn một mình, lặng lẽ khóc, trước đám ghim vung vãi trên bàn trang điểm và sàn nhà.
Khi Mouret vào phòng khách nhỏ, anh chỉ thấy một mình Vallagnosc, nam tước đã trở lại các bà. Vì thấy mình còn bị xúc động, anh ngồi xuống chiếc trường kỷ ở cuối buồng; và bạn anh, thấy anh rã rời, thương tình đến đứng sững trước anh để tránh cho anh những con mắt tò mò. Thoạt tiên, họ nhìn nhau không nói năng gì. Rồi, Vallagnosc, hình như hứng lên trước cơn bối rối của Mouret, cuối cùng hỏi bằng giọng cọt nhạo:
- Cậu vui nhộn đấy ư?
Mouret có vẻ không hiểu ngay. Nhưng, đến khi nhớ lại cuộc chuyện trò cũ về cái ngu xuẩn trống rỗng và nỗi đau khố vô bổ của cuộc sống, anh liền đáp:
- Cố nhiên, chưa bao giờ mình sống nhiều như bây giờ... Chà! Anh bạn ơi, đừng có chế nhạo, những giờ phút người ta chết đi vì đau khổ là những giờ phút ngắn ngủi nhất!
Anh hạ giọng, vui vẻ tiếp tục nói, với những giọt nước mắt lau qua loa:
- Phải! Cậu biết chứ gì! Cả hai người, họ vừa làm nát lòng mình. Nhưng thế vẫn còn là tốt, những vết thương họ gây nên, cậu xem, nó cũng tốt như những vuốt ve âu yếm. Mình thật rã rời, không chịu được nữa; mặc dù thế, cậu không thể tưởng được mình yêu cuộc đời biết bao nhiêu!... Ồ! Cuối cùng rồi mình sẽ chiếm được nàng, cái cô em không chịu đó!
Vallagnosc nói gọn:
- Thế rồi sao?
- Rồi sao à?... Này! Mình chiếm được nàng! Thế chưa đủ hay sao?... Ví bằng cậu tự cho mình là cứng, vì cậu không muốn ngu xuẩn và đau khổ. Cậu chỉ là kẻ tự lừa mình, không hơn!... Thì hãy ước muốn một cô đi và cuối cùng chiếm được họ: cái đó trong một phút đền bù mọi đau thương.
Nhưng Vallagnosc phóng đại mối bi quan của anh ta. Mất công như thế để làm gì, khi mà tiền bạc không đem lại tất cả? Đáng lẽ anh phải đóng cửa hiệu lại, nằm dài ra đấy, không động đến tay chân nữa, cái ngày mà anh nhận ra rằng với bạc triệu cũng chẳng mua được người đàn bà mình ước muốn? Mouret, lắng nghe anh, trở nên trầm ngâm. Rồi, anh lại hăng hái nói, anh tin ở ý chí toàn năng của anh.
- Mình muốn cô ấy, cậu sẽ thấy mình chiếm được!... Và nếu cô ấy tuột khỏi tay mình, cậu sẽ thấy mình xây dụng bộ máy như thế nào để tự bình phục. Thì cũng sẽ là tuyệt vời... Cậu không hiểu được cách nói đó, anh bạn ạ: nếu không thì cậu sẽ biết rằng hành động mang trong nó sự đền bù của nó. Hành động sáng tạo, đấu tranh chống lại sự việc, khuất phục chúng hay là bị chúng khuất phục, tất cả niềm vui và tất cả sự khang kiện của con người là ở đó!
- Đó chỉ là cách tự lóa mình. - Anh kia lẩm bẩm.
- Thì thế đấy, mình ưng tự lóa mình... Chết để mà chết. Mình ưng chết vì đắm say hơn là chết vì chán chường!
Cả hai đều cười, điều đó làm họ nhớ lại những cuộc tranh luận xưa kia ở trường trung học. Vallagnosc, giọng uể oải, bấy giờ ưng phô bầy cái tầm thường của sự vật. Anh ta làm điệu phách lác nhấn mạnh tính bất động và hư không của cuộc sống của mình. Thật thế, anh ta chán ngán ngay hôm sau ngày vào bộ cũng như đã chán ngán ngày hôm trước; trong ba năm họ tăng lương cho anh sáu trăm phrăng, bây giờ anh lĩnh ba nghìn sáu, không đủ để hút xì gà nguyên chất; cuộc sống càng ngày càng phi lý, nếu người ta không tự tử, chẳng qua chỉ là vì lười nhác, tránh làm bận mình. Khi Mouret hỏi về cuộc hôn nhân của anh ta, cô De Boves, anh ta trả lời rằng, mặc dầu bà cô vẫn ương ngạnh chưa chết đi cho, công việc cũng sắp được giải quyết; ít ra là anh nghĩ thế, bố mẹ thì đồng ý rồi, riêng anh làm bộ không có ý muốn. Tại sao muốn, hay không muốn, khi mà chẳng bao giờ sự việc xoay theo ước muốn của người ta? Anh ta đưa ra làm ví dụ ông nhạc tương lai của anh, ông ta muốn tìm thấy ở bà Guibal một phụ nữ tóc hung vô tình, để tiêu khiển chốc lát, thế mà bà ta thì điều khiển ông bằng roi, y như đối với con ngựa già mà người ta lợi dụng hết sức tàn của nó. Khi người ta tưởng ông lo việc thanh tra ngựa giống ở Saint Lô, thì bà ta đang bòn cạn ông, trong một ngôi nhà nhỏ thuê ở Versailles.
- Ông ấy sung sướng hơn cậu đấy. - Mouret vừa nói vừa đứng lên.
- Chà! Ông ấy, hẳn rồi! - Vallagnosc tuyên bố.
- Có lẽ chỉ cái dở là hơi kỳ quặc.
Mouret đã trở lại bình tĩnh. Anh nghĩ chuyện bỏ đi, nhưng anh không muốn người ta tưởng anh chạy trốn.
Vì vậy, anh quyết định cùng bạn trở lại buồng khách lớn uống chén trà, hai người vẫn đùa bỡn với nhau. Nam tước Hartmann hỏi cuối cùng việc chiếc áo măng-tô có xuôi không; không bối rối, Mouret trả lời rằng anh đành chịu và nhận thiệt về mình. Mọi người reo lên. Trong khi bà Marty hấp tấp rót nước cho anh thì bà De Boves trách các cửa hiệu bao giờ cùng may áo chật quá. Cuối cùng, anh ngồi được xuống bên cạnh Bouthemont, anh này vẫn ngồi yên đó. Người ta quên họ đi, và, khi anh này lo lắng hỏi cho biết số phận của mình, thì anh không đợi ra đến ngoài phố mà cho anh ta biết ngay rằng các vị kia trong hội đồng đã quyết định thôi không nhờ anh ta giúp việc nữa. Giữa mỗi câu, anh uống một thìa cà-phê, vừa phàn nàn vì nói anh thất vọng. Ồ! Một cuộc cãi lộn mà anh còn chưa nguôi hẳn vì anh đã bực tức bỏ phòng họp đi. Nhưng, biết làm thế nào? Anh không thể đoạn tuyệt với các vị kia, chỉ vì một chuyện nhân viên. Bouthemont, mặt tái mét, vẫn phải cảm ơn anh.
- Chiếc măng-tô ghê gớm thật, - Bà Marty có nhận xét - Henriette không ra khỏi được.
Quả thật, sự vắng mặt kéo dài của chủ nhân bắt đầu làm cho khách lúng túng. Nhưng, vừa lúc đó, bà Desforges lại xuất hiện.
- Bà chị cũng đành chịu ư? - Bà De Boves vui vẻ reo lên.
- Thế nào kia?
- Thật mà, ông Mouret bảo bà chị không thoát ra được đấy.
Henriette tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên.
- Ông Mouret đùa đấy thôi. Chiếc áo măng-tô hoàn toàn vừa vặn...
Bà ta có vẻ rất bình tĩnh, tươi cười. Chắc hẳn bà đã lau mắt, vì mắt bà tươi, không chút đỏ. Khi mà cả thân người bà run rẩy và còn ứa máu, bà có đủ sức che giấu nỗi đau đớn, dưới cái mặt nạ duyên dáng của khách thượng lưu. Vẫn với nụ cười quen thuộc, bà ta đưa mời Vallagnosc ăn xanđuys. Duy có nam tước biết rõ bà, nhận thấy bà khẽ mím môi, và bà chưa dập tắt được ngọn lửa âm thầm trong đáy mắt bà, ông ta đoán được hết cảnh đã xảy ra.
- Trời! Mỗi người một thích - Bà De Boves vừa nói vừa nhận một miếng xanđuyx - Tôi biết có những phụ nữ chuyên mua, dù một dải băng, ở Louvre. Những người khác thì kết với Bon Marché... chắc hẳn đó là vấn đề thời tiết.
- Hiệu Bon Marché có vẻ quê mùa lắm, - Bà Marty nói khẽ - mà hiệu Louvre thì chen nhau chí chết!
Các bà đó lại nói về các cửa hàng lớn. Mouret buộc phải có ý kiến, anh trở lại giữa các bà, và làm ra vẻ công bằng. Một hiệu như Bon Marché là vững vàng đáng trọng; nhưng hiệu Louvre thì thật sự có khách hàng sang trọng hơn.
- Rốt cuộc, ông ưng Hạnh phúc các bà hơn. - Nam tước mỉm cười nói.
- Vâng - Mouret thản nhiên đáp - Chỗ chúng tôi yêu quý khách hàng.
Tất cả các bà có mặt đều đồng ý. Đúng thế, họ đến Hạnh phúc các bà như vào một nơi tao nhã, ở đó họ cảm thấy luôn luôn được vuốt ve chiều chuộng, một sự tôn trọng chan hòa níu lại những người tử tế nhất. Thành công lớn của hiệu đó là do sự quyến rũ lịch sự.
- Nhân tiện, - Henriette hỏi, để tỏ ra có đầu óc phóng khoáng - các cô mà tôi che chở đó, ông cho cô ta làm gì rồi, ông Mouret?... Ông biết đấy, cô De Fontenailles.
Và, quay lại phía bà Marty:
- Một bà hầu tước, bà chị ạ, một cô gái tội nghiệp rơi vào vòng túng thiếu.
- Nhưng mà, - Mouret nói - hiện nay cô ấy lĩnh ba phrăng mỗi ngày để đóng những vở mẫu hàng, và tôi có ý sắp cho cô ấy lấy một anh chàng phục vụ cửa hàng.
- Úi! Gớm chết! - Bà De Boves la lên.
Anh nhìn bà ta, và lại nói với giọng bình tĩnh:
- Thì sao, thưa bà? Để cho cô ấy lấy một chàng trai ngoan, chăm làm, chẳng hơn là để rủi bị một thằng cha vô nghệ ngoài bờ hè nó vớ hay sao?
Vallagnosc muốn xen vào để bông đùa.
- Xin bà đừng cự ông ấy. Ông ấy sẽ bảo rằng tất cả những danh gia cựu tộc nước Pháp phải đi mà bán chúc bâu.
- Nhưng mà, - Mouret tuyên bố - đối với nhiều nhà ấy ít ra đó là một kết thúc vẻ vang.
Họ rốt cuộc ngả ra cười, lời nghịch luận hình như hơi quá quắt. Anh thì vẫn ca tụng cái mà anh gọi là lao động quý tộc. Má bà De Boves hơi đỏ lên, bà điên cuồng vì túng thiếu mà đâm ra xoay sở: còn bà Marty thì, trái lại, tán thành, bà hối hận khi nghĩ đến ông chồng tội nghiệp. Đúng lúc đó, người ở dẫn giáo sư vào, ông đến kiếm bà. Trông ông càng khô khốc quắt héo vì lao động nặng nhọc, trong chiếc áo redingote mỏng bóng loáng. Sau khi ông cảm ơn bà Desforges đã nói hộ ông ở bộ, ông đưa mắt nhìn Mouret, sợ hãi như người gặp thần ác mà sẽ phải chết vì nó. Và ông bàng hoàng khi nghe anh nói với ông.
- Thưa ông, phải chăng là lao động dẫn đến hết thảy.
- Lao động và tiết kiệm - Ông ta đáp mà cả người ông khẽ run rẩy - Thưa ông, phải thêm vào tiết kiệm.
Trong khi đó, Bouthemont vẫn ngồi yên ở ghế. Những lời Mouret nói vẫn còn vang bên tai anh ta. Cuối cùng, anh ta đứng lên tới nói thầm với Henriette:
- Bà biết không, ông ấy vừa báo tin cho tôi nghỉ việc! Rất hòa nhã... Nhưng ông ta mà không hối hận thì thật quỷ quái! Tôi vừa nghĩ ra tên cửa hiệu của tôi: Hương bốn mùa, và tôi sẽ mở gần Viện Ca Kịch.
Bà ta nhìn anh, mặt tối xầm lại.
- Ông cứ tin ở tôi, tôi sẽ tham gia. Ông hãy đợi đấy.
Và bà ta kéo nam tước Hartmann ra khung một cửa sổ. Không chờ đợi, bà ta giới thiệu với nam tước Bouthemont như một tay cừ khôi đến lượt sẽ làm đảo lộn cả Paris, bằng cách thiết lập cửa hiệu của mình. Khi bà ta nói đến sự hợp vốn giúp người mới được bà che chở, thì nam tước, dù ông không la gì mọi sự, không tự kiềm chế được một cử chỉ bàng hoàng. Đó là chàng trai có thiên tài thứ tư mà bà ta gửi gắm ông, rốt cuộc làm ông tự cảm thấy mình nực cười. Nhưng ông ta không hẳn từ chối; cái ý muốn gây cho hiệu Hạnh phúc các bà một chỗ cạnh tranh cũng phần nào làm ông thích thú; là vì ông ta đã từng có sáng kiến, trong ngành ngân hàng, tạo nên cho mình những chỗ cạnh tranh như vậy để làm gờm những kẻ khác. Mà rồi ông thấy câu chuyện cũng hay hay. Ông hứa sẽ xem xét việc đó.
- Chúng ta phải nói chuyện tối nay - Henriette trở lại rỉ vào tai Bouthemont - Khoảng chín giờ, ông đừng vắng mặt... Nam tước giúp bọn ta.
Lúc đó, gian buồng rộng ồn ào tiếng nói. Mouret, vẫn đứng giữa các bà, thấy lại cái duyên dáng của anh: anh vui vẻ tự bào chữa không định làm các bà phá sản vì xống áo, anh cố chứng minh bằng những con số rằng anh tiết kiệm cho các bà ba mươi phần trăm trong việc mua sắm. Nam tước Hartmann nhìn anh, lại cảm thấy niềm khâm phục thân tình của con người trác táng xưa kia. Thôi! Thế là việc đấu chấm dứt, Henriette ngã rồi, bà ta thật sự chẳng phải là người đàn bà sẽ phải đến. Và ông ta tưởng như thấy lại bóng dáng thùy mị của cô gái mà ông đã nhìn thấy lúc qua tiền sảnh. Cô ta ở đó, kiên nhẫn, một mình, đáng gờm trong vẻ nhu mì của cô.
-----------------------------------
[1] Gascoghe: một vùng miền nam nước Pháp.
[2] Jaquette: áo nịt mặc ngoài của phụ nữ.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà