Hai Tờ Di Chúc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12 - Mạo Hiểm
i Lan quyết định sẽ mò vào khu biệt thự Phạm văn Phàm ngày hôm sau, nhưng khốn nỗi, Diễm Anh và các bạn, vì yêu mến em, cứ bám lấy nhằng nhằng không dễ gì mà lẻn đi riêng cho được.
Buổi sáng, vừa mở mắt ra, bên mũi mới thoang thoảng mùi thơm của thông rừng và hoa mộc lan đủ loại, em đã bị cả bầy Tuổi Hoa vây chặt, lôi cuốn vào một cơn gió lốc đầy màu sắc và âm thanh của trẻ thơ vô tư lự. Sau bữa cơm trưa đầy rau trái, trứng chiên, trứng bác, thịt bò hầm, đủ thứ, rồi lại bánh bông lan thơm ngọt, là những trận đấu bóng chuyền mà bao giờ Ái Lan cũng được mọi người, ngay cả bà Trưởng trại, hoan hô hết mình và bầu em là cầu thủ số một. Chiều gần tắt nắng là lại một phen tắm bơi tại vũng suối Prenn. Sau bữa cơm tối thật ngon mà em nào em nấy ăn không biết thế nào là no, trong khi các bạn tản mác lên đồi thông kiếm cành khô về đốt lửa trại thì Ái Lan díp cả hai mắt, đôi mi cứ sụp xuống, buồn ngủ không thể nào gượng nổi.
Sáng hôm sau, khi thức giấc, Ái Lan nhất quyết đem ý định ra thi hành. Khi ăn lót dạ xong, Diễm Anh tuyên bố chương trình trong ngày: vào rừng chơi, đào măng, khi mệt đói sẽ ngả cơm nắm và thức ăn đem theo ăn ngay trong rừng. Rồi em bảo Ái Lan:
- Ái Lan sửa đoạn làm hướng đạo đó nghe!
Ái Lan nói như la lên:
- Diễm Anh muốn mình chết luôn hay sao? Hai cẳng chân người ta mỏi rời ra đây này! Thôi lần này miễn cho mình được ở nhà thủ trại nghe!
Diễm Anh sịu mặt:
- Ừ thì thôi! Mình cũng ở lại với Ái Lan vậy!
Ái Lan la lớn:
- Ấy! Ấy! Cái đó là không được nghe! Nhất định mình không thể để Diễm Anh lỡ dịp vào rừng kiếm măng với các bạn đâu! Đi đi mà Diễm Anh! Mình mỏi chân ghê lắm! Ở nhà coi trại và "ngốn" hết mấy cuốn Tuổi Hoa kia đi, không có sốt ruột quá rồi. Mấy hôm mắc việc lung tung chưa đọc được chữ nào cả!
- Để Ái Lan ở nhà một mình, Diễm Anh áy náy ghê lắm! Nhưng nếu Ái Lan thiệt tình muốn nghỉ ngơi, thì đành chiều ý vậy!
- Vậy thì tốt! Diễm Anh cứ yên trí đi đi! Mình phải nằm nghỉ một phen cho đã. Hết mệt, có lẽ mình mò ra hồ La Ngà thuê xuồng máy đi quanh một vòng. Chà! Phong cảnh tuyệt đẹp bữa kia đâu đã được xem ngắm thích mắt.
Diễm Anh sốt sắng:
- Ừ, dạo quanh hồ một vòng thì tuyệt lắm! À, này, mình cần cho Ái Lan biết trước để phòng bị chút nghe! Bác Cai Sĩ cho thuê xuồng máy đó, là một người tử tế lắm, nhưng cái xuồng của bác bị bộ máy hơi tồi đấy. Cẩn thận kẻo bị liệt máy giữa hồ là hết đường vào bờ được đó nghe!
Ái Lan hứa với bạn:
- Yên trí đi Diễm Anh! Mình sẽ cẩn thận đề phòng! Không sao đâu!
Mặt trời lên cao đã tới hai con sào rồi. Ái Lan nôn nóng lên đường thám hiểm. Khổ một nỗi, Diễm Anh và các bạn còn cứ tíu tít sửa soạn hành trang mãi chẳng xong khiến em tưởng chừng như họ sẽ không bao giờ rời khỏi trại cả.
Sau hết, may sao khi quay nhìn lại, Ái Lan đã thấy mọi người đeo ba lô gọn ghẽ trên lưng, hướng về cánh rừng nứa đặt bước. Diễm Anh còn ngoái cổ nhìn bạn, giơ tay:
- Ái Lan! không đi cùng tụi này, đừng có tiếc rẻ nghe!
Chờ cho mọi người đi khuất sau đám lá xanh, Ái Lan nhắm hướng hồ La Ngà bước mau. Mấy phút sau, em trông thấy bác Cai Sĩ đang té nước cọ rửa chiếc xuồng máy. Ái Lan có ý định đi thám hiểm khu biệt thự một mình, không muốn để ai biết, liền bảo bác Cai:
- Bác cho tôi thuê xuồng một tiếng đồng hồ đi bác!
Bác Cai Sĩ vui vẻ:
- Cô lái lấy một mình hả? Mà cô biết lái không chứ?
- Chưa! Bác chỉ giùm tôi một chút là tôi điều khiển lái được à!
Nửa giờ sau, Ái Lan đã vui mừng thở một hơi dài khoan khoái. Khói máy nổ êm, rung chuyển nhè nhẹ và đưa chiếc xuồng xa dần bờ, mũi quay ra phía giữa hồ. Ái Lan cho xuồng từ từ chạy dọc theo bờ. Mặt nước phẳng lặng như chiếc gương soi. Mũi xuồng rẽ sóng phát ra tiếng kêu như xé lụa. Ái Lan nhẹ tay cầm vững tay lái trực chỉ phía bờ còn hơi xa, ngay trước mắt: nơi tọa lạc biệt thự của ông Phạm Văn Phàm. Miệng em lẩm bẩm:
- Chỉ cần anh gác dan Y-Ba cho phép mình vào thăm thú một chút là được.
Nhưng đột nhiên giàn máy đang nổ êm dòn bỗng phát ra những tiếng "pực, pực", mới đầu còn cách quãng, chỉ phút sau đã nổ liên tiếp như một tiếng rên dài rồi tắt hẳn luôn cả tiếng máy. Ái Lan thảng thốt:
- Ủa! Sao kỳ vậy? Chắc hết xăng rồi, nguy quá!
Em cúi xuống mở nắp bình xăng: đầy ắp. Ghé sát coi giàn máy, Ái Lan đưa tay soát lại mấy sợi dây điện. Thường ngày em ít khi để ý đến vấn đề máy móc, nhưng nhờ bản tính thông minh, nhận xét và ghi nhớ rất nhanh, nên về động cơ các loại xe hai bánh và xuồng máy, em biết được nhiều điều hơn các bạn.
Lời báo trước của Diễm Anh lại văng vẳng bên tai. Đồng thời ngước mắt nhìn lên, Ái Lan đã thấy thấp thoáng tòa biệt thự của ông Phàm ở đằng xa phía cuối hồ, lấp ló qua mấy lùm cây lớn rậm.
Xắn hai ống tay áo, Ái Lan cúi xuống giàn máy. Sau hơn một tiếng đồng hồ hì hục tháo ráp lung tung, kết quả: vẫn im lìm, máy không chịu nổ. Em lắc đầu chán nản:
- Hừ! Mình bị giam hãm trên mặt hồ suốt ngày hôm nay rồi. Và như vậy cũng có nghĩa là không thể mò tới thám thính tại biệt thự nhà ông Phàm được nữa.
Ái Lan uất ức tưởng có thể phát điên lên, vì đích đã hiện ra trước mắt mà lại không thể đi tới được. Có lúc em định bỏ đại xuồng, nhảy xuống nước, bơi lại, nhưng gạt bỏ tức khắc dự tính đó. Lý do: Cho rằng có thể tới nơi, leo lên bờ rồi đột nhập biệt thự của ông Phàm được, nhưng làm cách nào quay trở về địa điểm trại hè ở Prenn? Sau cùng, Ái Lan đành phải buông xuôi tay, ngồi xuống đợi chờ, may ra có một chiếc xuồng của khách nhàn du nào bất chợt đi ngang không.
Từng phút, từng giờ lúc này tưởng chừng như dài vô tận. Theo sóng nước dập dềnh, chiếc xuồng lững lờ trôi dần mãi ra giữa hồ. Đối với Ái Lan, thời gian như ngưng lại. Em bực mình tự nhủ:
- Phen này mà mình thoát thân lên bờ được, thì lần sau, các thêm tiền cũng không thèm đặt chân lên cái xuồng mắc dịch này nữa.
Xui xẻo hơn nữa là bữa đó sao lại tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một chiếc xuồng nào khác, ngay đến cả một chiếc thuyền đánh cá cũng không nữa. Ái Lan băn khoăn tự hỏi: Không biết làm cách nào cho ra khỏi cái cảnh khó khăn này. Chưa hết! Mặt trời chói chang nóng bỏng. Trên nắng xuống, mặt nước lại phản chiếu hắt lên, khiến Ái Lan cảm thấy như bị thiêu đốt, nóng không thể nào chịu được nổi. Thêm nữa, cái bao tử rỗng tuếch của em bắt đầu làm khổ em không ít. Ái Lan hậm hực:
- Thế là lỡ mất dịp may đi thám thính tòa biệt thự của ông Phàm. Diễm Anh đối với mình tốt hết sức, nhưng vô tình làm sao biết được ý định của mình và rồi sẽ không rời mình ra nửa bước. Làm sao mà lẻn đi một mình được đây? Chỉ còn một cách báo cho Diễm Anh biết là mình có việc cần phải về Đà Lạt gấp. A, nhưng trước hết, cần làm cách nào để vào bờ được đã chứ? Một khi đặt chân lên bờ được, thay vì về thẳng Đà Lạt, mình sẽ tìm đường mon men tới khu biệt thự đó. Mình ra về, Diễm Anh và các bạn chắc sẽ buồn lắm, nhưng xét ra chỉ còn mỗi cách đó là có thể tìm ra cái đồng hồ của cụ Tú Doanh được mà thôi.
Rồi loay hoay tìm cách giết thì giờ, Ái Lan quay ra lấy nùi giẻ, tháo chút xăng, đoạn lúi húi lau chùi giàn máy. Ngoảnh lại, mặt trời đã gác núi, sau gần hai tiếng đồng hồ mà Ái Lan tưởng chừng như có hai phút, bộ động cơ xuồng đã nhẵn bóng như gương. Em ngắm nhìn bộ máy sạch sẽ, thích thú:
- Rồi đó! Mình đã làm hết sức rồi đó! Thử một lần nữa coi! Phen này mà không nổ được là thôi ạ, mình cũng xin hàng luôn! Cả cái xuồng này đem mà bán lạc soong cho rồi!
Vừa ấn ngón tay vào nút nổ máy, một tràng tiếng phình phịch đã nổi lên đều đều, y như là bộ máy chưa hề bị liệt bao giờ.
- Ha! Ha! Kỳ không!
Bao nhiêu mệt nhọc tiêu hết trong nháy mắt, Ái Lan ngước nhìn lên bờ, hy vọng. Bóng tối đã từng quãng một, đè trùm xuống các lùm cây; đêm sập xuống. Ái Lan tự nhủ, miệng chép chép tiếc rẻ:
- Trễ rồi! Không thể đi thám thính ngôi biệt thự ngay hôm nay được! Chỉ còn đủ thì giờ lái xuồng vào bờ, nếu không bộ máy lại giở chứng "ho" lên và ì ra thì nguy lắm.
Ba phút sau, mũi xuồng đã đụng bờ đất. Neo xuồng chắc chắn và trao chìa khóa cho bác Cai Sĩ xong, mới đi được một quãng ngắn hướng về trại hè, đã nghe tiếng Diễm Anh cùng các bạn gọi tên em rối rít.
Vừa giáp mặt nhau, Diễm Anh đã láu táu:
- Trời ơi! Mệt ơi là mệt! Ái Lan vậy mà khôn ghê! Ở lì trại lại hóa hay đó! Chẳng được cái măng nào mà lại bị gai cứa quá trời đi!...
Đang liến láu, nhỏ Anh đột nhiên ngưng bặt, giương mắt ngó em không chớp:
- Úi cha! Đi đâu về mà mặt mũi đỏ tía và tèm lem đầy nhọ khói đen thui vậy?
Ái Lan bật cười vui:
- Mình vừa mới đi tắm nắng một chầu về đó. Gớm! Cái xuồng máy của bác Cai Sĩ tốt thật! Nhưng tụi các bồ có thể yên trí được rồi. Ái Lan phải loay hoay với nó suốt tám tiếng đồng hồ để chữa bệnh đó!
Diễm Anh đớ người:
- Sao? Ái Lan loay hoay với cái xuồng liệt máy suốt tám tiếng đồng hồ trên mặt hồ La Ngà?
- Đúng thế! Thôi cho mình đáng kiếp! Ai bảo không đi đào măng cùng tụi Diễm Anh?
Ái Lan ngoài mặt cố gắng coi thường chuyện không may vừa xảy ra vì cái xuồng máy, nhưng ngấm ngầm, em vô cùng tiếc rẽ cả một ngày trời uổng phí vô ích. Liệu có hy vọng gì mò tới để thám thính tòa biệt thự của ông Phàm được chăng? Giây phút hiện tại thì mọi sự đều có vẻ trở ngại cho việc làm của em hết cả...
Vừa bước vào cửa lều vải, Diễm Anh đã la lên:
- Ủa, làm cái gì vậy, Ái Lan? Định bỏ về Đà Lạt hay sao vậy?
Rồi em giương mắt nhìn bạn đang thu dọn, gấp mấy cái áo quần vào chiếc sắc vải! Ái Lan giọng nói buồn buồn:
- Tiếc lắm, Diễm Anh! Nhưng bắt buộc mình phải về ngay chiều nay!
- Cái gì? Ái Lan mới ở với tụi mình được có ba ngày à! Hay có cái gì làm Ái Lan không bằng lòng?
Ái Lan vội vã tiếp lời bạn:
- Đừng nói vậy, Diễm Anh! Ở trại mình thích lắm muốn ở tới ngày cuối cùng. Như hiện còn bận làm việc này quan trọng lắm và có một điểm rất gấp cần phải thực hiện ngay. Mong Diễm Anh và các bạn hiểu cho mình, nghe!
Diễm Anh:
- Chậm vài ngày không được sao?
- Đâu được! Bữa nay mà mình còn trễ rồi đó!
- Vậy thì cố nán lại cho hết ngày mai vậy, Ái Lan! Ngày mai, đội nữ cầu thủ bóng chuyền ở trại Bồng Lai lên đấu với tụi mình. Ái Lan không dự thì thua đứt đuôi rồi còn gì!
- Biết rồi, tiếc ghê lắm! Nhưng cũng đành vậy chứ biết làm sao! Mình cũng buồn quá đi, Diễm Anh à!
Cô bạn vẫn nhì nhằng:
- Kỳ ghê! Hôm qua đây mình có thấy Ái Lan đả động gì đến chuyện hôm nay về Đà Lạt đâu? Hay là cái việc xuồng liệt máy để Ái Lan bị kẹt giữa hồ suốt ngày trời làm Ái Lan tức mình?
Em cười phá lên và vội vã nói đùa để Diễm Anh khỏi hiểu lầm nhưng nhất định không để lộ một chút gì lý do thầm kín của việc ra đi vội vã. Và em thấy rõ là cứ mải vui nấn ná ở đây với các bạn thì khó lòng mà lẻn đến khu biệt thự nhà ông Phàm được. Để lộ ra, các bạn xúm lại hỏi, sẽ phải giải thích lôi thôi, công việc ắt sẽ bể vỡ tùm lum ra. Mà ý Ái Lan, em cương quyết giữ chúc thư của cụ Doanh hoàn toàn bí mật.
Diễm Anh dỗ ngọt không được quay ra trêu chọc Ái Lan, nào là sợ chơi bóng chuyền thua đội Bồng Lai, sợ bơi thi "vác đèn đỏ" v.v... Ái Lan vẫn trơ như đá vững như đồng.
Sau bữa cơm trưa, Ái Lan tới lều bà Trưởng trại xin phép, đoạn quay về lều, khoát túi vải lên vai, giơ tay từ giã Diễm Anh cùng các bạn. Ai nấy mặt buồn hiu giơ tay ngoắc và đưa tia mắt nhìn theo bước chân Ái Lan đang thoăn thoắt bước ra phía cổng trại chỗ để xe vespa.
Em thầm thì tự nhủ:
- Rồi! Bây giờ mình chỉ việc tìm đường mò tới biệt thự ông Phàm.
Nhớ lại lúc ăn cơm tối hôm qua, Ái Lan đã có ý hỏi thăm Diễm Anh về con đường dẫn tới biệt thự, nhưng bạn em cũng chỉ biết lơ mơ không có gì rõ rệt đích xác cả. Ái Lan chỉ còn cách là trông nhờ vào chính mình. Chiếc vespa bóng loáng nhẹ bon trên con đường nhựa dẫn xuống Liên Khương. Ba phút sau, Ái Lan đã rẽ vào một con lộ đất đỏ ở phía tay trái hy vọng đúng là con đường chạy vòng quanh bờ La Ngà. Xe mới tiến sâu vào chừng một trăm thước, Ái Lan vui mừng hết sức vì tin rằng đã đi đúng đường. Diễm Anh đã chẳng cho biết con lộ dẫn vào khu nhiều biệt thự đó xe hơi có thể chạy được đó sao. Và đường rất xấu! Quả có thế! Mặt đường lồi lõm, sỏi đá lổn ngổn, ổ gà rải rác khắp cùng.
Ái Lan cho xe chạy chầm chậm, trong lòng lo ngay ngáy chỉ ngại gặp một chiếc xe hơi nào chạy ngược chiều, vì mặt lộ rộng không đầy bốn thước. Việc lái xe lại còn khó khăn hơn nữa: hai lỗ trũng to tướng cách nhau không đầy một thước. Bùn đất còn ướt nhẹp, khiến Ái Lan có thể đoán là một chiếc xe vận tải nặng mới chạy qua đây. Và em ngạc nhiên tự hỏi:
- Quái! Loại xe hạng nặng này chạy vào đây làm gì vậy không biết? Và chạy đi đâu chứ? Bùn đất còn mới tinh à!
Chưa kịp trả lời, trước mắt Ái Lan đã hiện ra mấy tòa biệt thự thấp thoáng sau những lùm cây xanh cao rậm lá. Tất cả đều đóng cửa im ỉm. Chiếc vespa vẫn êm êm lăn bánh đưa em tới một cánh rừng thưa, lau sậy non nớt xen lẫn cỏ voi chỉ cao tới quá đầu gối mọc lan mãi ra tận mép hồ. Phía cuối khoảnh rừng thưa này là ngôi biệt thự của ông Phàm, cao sừng sững đằng sau một vòng rào dâm bụt hoa đỏ chót.
Ái Lan lẩm bẩm.
- Lạy trời cho anh gác có ở đây! Mò được tới nơi rồi mà không vô được để thăm thú, "đi câu xách giỏ về không" là một điều tai hại lắm đây.
Ái Lan đậu vespa bên lề đường và sững sốt ngạc nhiên khi nhận ra là vết bánh xe vận tải chỉ đến quãng này là hết. Có vẻ như chiếc cam nhông nào đó đã băng qua khu bãi rừng cỏ thấp, đi vào biệt thự của ông Phàm. Ái Lan bỏ xe, rảo bước theo vết xe hơi in rõ trên mặt đất, đi tới một cây cột sơn trắng chắn ngang cửa vườn. Ngôi biệt thự đồ sộ của nhà ông Phàm sửng sững ngay trước mắt. Bỗng Ái Lan suýt kêu lên một tiếng to. Quang cảnh hiện ra như trong một cơn ác mộng. Một quang cảnh vô cùng hỗn độn, cửa cái, cửa sổ chạy suốt dọc hàng ba mở toang hoác. Giữa thảm cỏ, một cái ghế bành nệm da nằm chổng bốn vó lên trời, rải rác chung quanh đủ thứ đồ lặt vặt: hộc bàn, ghế đẩu, bàn đêm, chăn dạ, chăn len, gối nệm nằm la liệt. Cỏ xanh bị dẫm nát, mang đầy những vết cầy xới kéo dài, lộn tung đất ẩm.
Vừa nhẹ bước tiến vào, Ái Lan vừa lẩm bẩm:
- Quái thật! Sao lại lạ thế này?
Cúi sát xuống nhìn kỹ mặt đất, Ái Lan nhận ra ngay những vết giầy. Và những vết cầy xới kéo dài trên mặt cỏ đúng là do những đồ đạc bằng gỗ bị kéo lết để lại.
- Vậy đúng rồi! Đúng là cái xe vận tải hạng nặng đã vào đây để dọn đồ rồi! Vết tích trên mặt đất hãy còn mới lắm, cách đây mới chừng non một tiếng đồng hồ à!
Ái Lan nhẹ bước tiến lại gần tòa biệt thự. Vắng hoe không một bóng người. Cả gác dan người Thượng tên là Y-Ba cũng không thấy mặt. Em đánh bạo lên mấy bậc thềm, đưa tay ấn nút chuông điện. Không một tiếng trả lời. Sẵn cửa mở, Ái Lan bước vào đi qua gian tiền sảnh. Gặp một cánh cửa khép hờ, em đưa tay đẩy ra. Cánh cửa bật mở. Chân mới đặt trên ngưỡng cửa Ái Lan ngây người sửng sốt:
- Kỳ quái thật! Sao lại thế này?
Gian phòng khách rộng mênh mông trống rỗng. Bàn ghế, sa lông, bình phong, đôn sứ, màn gió... Ngay cả tấm trải sàn nhà cũng biệt tăm. Lượn hết phòng khách, Ái Lan quay ra đi một vòng trong ngôi biệt thự rộng lớn. em nhận thấy rõ rệt phòng nào phòng nấy trống trơn trừ một gian phòng, đồ đạc vẫn y nguyên, nhưng tấm thảm cũng đã bị cuộn tròn lại, buộc dây chặt chẽ, sẵn sàng để khiêng đi.
Ái Lan bâng khuâng tự hỏi: "Sao có vẻ như một vụ dọn đồ lén lút quá?". Hay nói cho đúng hơn: "Một vụ cướp táo bạo mà các nhật báo ít lâu nay vẫn thường đăng tải, luôn luôn xảy ra tại những biệt thự nghỉ lẻ ở những nơi hẻo lánh gần đồi núi hay bãi biển".
- Thế anh gác dan Y-Ba đâu mới được chứ?
Và em liên tưởng ngay đến số đồ trần thiết rực rỡ đắt tiền ở biệt thự này chắc cũng phải gần như là ở dinh cơ của chủ nhân đường Phan Đình Phùng Đà Lạt. Và tụi cướp quả đã vớ được một món bở.
Đột nhiên Ái Lan cảm thấy tim em nhói mạnh một cái:
- Nguy tai! Nếu vậy thì chắc bọn bất lương này cũng đã nẫng luôn cái đồng hồ của cụ Doanh rồi! Hừ! Thế là hết! Bao công lao vất vả của mình biến thành nước lã đổ ra sông hết!
Một lần nữa, Ái Lan lại thấy tuyệt vọng đúng giây phút đinh ninh là đã đi tới đích. Nhưng chỉ một thoáng sau, tuổi trẻ hăng hái lại khiến em hy vọng:
- Ừ biết đâu! Bọn gian phi bị lóa mắt vì những món đồ quý giá lồ lộ trước mắt mà để bỏ xót lại chiếc đồng hồ cũ kỹ không đáng gì, đem đi chỉ tổ mất công?
Dứt ý nghĩ, Ái Lan hăm hở chạy đi lục soát mọi xó xỉnh góc kẹt, mở mấy chiếc tủ còn sót lại, gầm cầu thang... Vô ích, chiếc đồng hồ vẫn biệt tăm.
Sau rốt em tiến vào căn phòng mà tụi cướp chưa động đến.
- Kỳ thật! Sao tụi này lại chưa đụng tới món gì trong cái phòng này? Đồ đạc trong này đâu có phải kém giá trị? Ờ, mà sao tấm thảm này tụi chúng còn cột để đây làm gì mà chưa đem đi chứ! Hay là tụi họ khiêng đồ, nghe tiếng bước chân mình đi tới, vội bỏ đi ẩn nấp? Một điều lạ nữa là sao không thấy bóng dáng chiếc xe vận tải của chúng đâu hết kìa?
Ái Lan lo lắng đưa mắt nhìn quanh, sực nhớ ngay là hiện tại em đang ở giữa một nơi vắng vẻ, rừng bãi quạnh hiu, khu nhà có người ở gần nhất cũng cách xa tới non mười cây số. Vậy mà, bất chợt tụi cướp xuất hiện thì thật là nguy khốn. Em thầm nghĩ:
- Trời! Tụi cướp bây giờ ở đâu nhảy xổ ra thì mình nguy mất!
Em lắng tai nghe động tĩnh. Sự im lặng tràn ngập trong căn nhà rộng mênh mông có vẻ gì đáng lo ngại. Bất giác em run rẩy cả toàn thân và có cảm tưởng nhột nhạt là mọi cử chỉ của mình hình như đang bị những con mắt vô hình theo dõi.
Hai Tờ Di Chúc Hai Tờ Di Chúc - Nam Quân Hai Tờ Di Chúc