Hương Đầu Mùa
hưa bao giờ tôi tưởng tượng nổi trên bước đường học vấn của mình, tôi lại có thể có một người thầy chỉ lớn hơn mình bốn tuổi. Nhất là ở đại học, tôi luôn hình dung các giáo sư đứng lớp phải ở vào tuổi bốn mươi trở lên, trịnh trọng, nghiêm khắc và khó gần.
Lần đầu tiên khi thầy bước vô lớp, tôi ngây thơ hỏi nhỏ bạn:
- Ai vậy?
- Thầy chớ ai!
- Thiệt không? Sao trẻ quá vậy? Chắc không phải đâu, sinh viên năm cuối vô lớp mình đó.
Chắc vẻ mặt ngơ ngác và câu hỏi nghi ngờ của cô bé năm nhất ngồi đầu bàn ngộ nghĩnh quá nên thầy cười. Và để giải đáp thắc mắc, thầy xưng danh trước lớp. Quả thật thầy là sinh viên, nhưng không phải năm cuối mà là vừa tốt nghiệp. Thầy được khoa giữ lại để dạy cho chúng tôi. Dù gương mặt và phong cách của thầy rất khôi ngô tuấn tú nhưng tôi vẫn không có cảm tình. Ai lại cho một sinh viên mới ra trường đứng lớp dạy đại học? Muốn thành giáo sư ít nhất phải tốt nghiệp cao học. Đằng này như thầy với chúng tôi hóa ra chỉ là “cử nhân đào tạo cử nhân”. Đàn anh chỉ bảo lại đàn em. Tôi không chấp nhận một anh thầy như thế.
- Sao xìu vậy An? - Chi hỏi tôi - Bệnh hả?
- Ừ! Mệt quá hà! - Tôi thều thào - Nhưng không dám nghỉ học.
- Tội nghiệp không! - Quỳnh móc lò - Mày chê thầy mà, “trẻ quá làm gì có kinh nghiệm, làm gì đủ kiến thức mà dạy đại học chớ?”
Nhìn cái mỏ nó bắt chước giọng tôi thấy phát ghét, tôi cương lại:
- Chớ sao! Tao đến lớp không phải là để nghe đàn anh giảng bài. Sở dĩ tao không nghỉ học là vì tao... nhớ thầy.
Nói xong, tôi nhắm tịt mắt lại vì biết hậu quả của câu nói khó mà lường được.
- Scandale!
Lũ chúng nó la ó, hét lên như phát hiện ra châu thứ sáu của địa cầu. Từ nay thế là chúng sẽ có một đề tài để nhiều chuyện, để chọc ghẹo cho đỏ mặt tía tai nạn nhân mới hả. Tôi rành chuyện này lắm. Tôi là thủ phạm trong những trò như vậy. Và hôm nay... Tôi chợt thấy mình liều quá, nhưng lỡ rồi, tới luôn:
- Có gì đâu mà tụi bây ngạc nhiên dữ vậy? - Tôi vênh mặt thách thức - “Chuyện này” lâu rồi. Sẵn hôm nay tao công bố cho tụi bây biết luôn là tao với ổng...
- Thầy vô.
Mạnh đứa nào đứa nấy chạy về chỗ ngồi nhưng vẫn chưa thôi cười. Tôi không dám nhìn thầy nữa. May mà hồi nãy tôi nói “tao với ổng” chớ không phải “tao với thầy”...
- Mấy cô này hình như có chuyện gì thú vị lắm?
Lũ chúng nó nhịn không nổi, ré lên cười thêm một chặp nữa. Khỉ gió tụi nó, cứ ngó tôi mà cười làm tôi quê một cục. Thầy nhìn tôi:
- Sao? Tui đợi mấy bạn cười xong rồi vào bài. Có chuyện gì vui kể tui nghe được không?
Tụi nó lại cười:
- Nói thầy nghe đi kìa An! Thầy đề nghị đó!
Tôi quắc mắt ra hiệu rồi giả nai cười với thầy một cái cầu tài:
- Hì hì! Dạ đâu có gì thầy. Em kể chuyện tiếu lâm.
Nói xong, nhìn vẻ mặt thầy ngồ ngộ, lần này tôi lại không nhịn được cười vì nghĩ đến câu chuyện tiếu lâm của mình.
Sáng hôm sau, tôi uể oải vô lớp, than với tụi nó: “Buồn ngủ quá”.
- Sao vậy? Mất ngủ hả?
- Nhớ quá ngủ không được phải không
- Hay là tối qua đi chơi với người ta khuya quá nên sáng nay thức không nổi?
Tôi ngơ ngác:
- Tụi bây nói cái gì? Tao nhớ ai mất ngủ?
- Còn ai nữa - Tụi nó đồng thanh - Thầy chớ ai!
- Trời ơi! Cho em xin - Tôi hoảng hồn - Nhỏ nhỏ thôi, tai vách mạch rừng. Ổng mà nghe được ổng đì cho sói trán.
- Hổng dám đâu - Con Ly chun mũi - không những không bị đì sói trán mà thầy còn nâng đỡ mày lên sáng chói nữa.
- Ờ...ờ... - Lũ quỹ sứ tụi nó phụ họa theo, điếc con ráy.
Tôi bịt lỗ tai, cười. Tối qua sổ mũi ngủ không được chớ nào tôi có nhớ ai. Nhất là với ổng thì... hổng thèm. Nhưng không hiểu sao tôi lại khoái cái trò này:
- Nói nhỏ tụi bây nghe - Tôi nửa đùa nửa thật - đúng là tối qua tao mất ngủ. Nhớ quá!
- Được đó An - Phụng giở giọng bí thư chi đoàn ra - thầy trẻ trung, học giỏi, có công ăn việc làm, lại còn... đẹp trai nữa chứ.
- Thầy chỉ lớn hơn mày có bốn tuổi - Bản thầy bói xủ quẻ - mày tuổi Mẹo, ổng tuổi Hợi. Ông bà ta có câu: “Hợi, Mẹo, Mùi tam hạp”, tụi bây có một đứa con tuổi Mùi nữa là giàu “tới bến” luôn.
- Ê! Sao mày dám nói tao với thầy là “tụi bây”, mày hỗn quá nha - Tôi nhỏ giọng nói - mai mốt đám cưới, tụi bây nhớ kêu tao bằng cô nhe!
- Hổng chịu! - Ly phản đối.
- Mày phải nói “Chúc thầy cô trăm năm hạnh phúc”.
- Tao sẽ nói “Chúc thầy và An”. Còn lâu mới thèm kêu mày bằng cô.
- Trời ơi! Ghê quá! - Con Hoàng la lên làm mọi người giật mình - Chưa chi con An đã tính chuyện đám cưới.
- Ghê quá! Ghê quá! - Tụi nó lại hát chung điệp khúc, ồn ào không chịu nổi - Ghê quá! Ghê quá!
- Thôi đi mấy bà - Tôi chịu thua xua tay phân trần - Tao giỡn chút chơi cho vui thôi. Dù sao thì ổng cũng là thầy đó nhe.
- Thầy gì mà thầy - Nhỏ Hoàng dài giọng – “thầy nó ơi” thì có.
Mỗi lần xúm vô là cả bọn lại tiếp tục cái đề tài nóng bỏng đầy hoang đường này. Đúng là dân văn chương có khác. Tụi nó làm nhiều khi tui nhập vai hăng đến nỗi không còn nhận ra mình là ai nữa. Và cứ cái đà này, dù muốn hay không, đêm về những câu chuyện ban sáng vẫn cứ chui vào giấc mơ và dĩ nhiên danh từ thầy đã thật sự làm tôi... mất ngủ. Tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Tụi nó ghép đôi tôi với cái người mà tôi phải gọi bằng thầy. Chúng tôi cứ tưởng tượng, cứ đùa giỡn, cứ làm như chuyện tôi với thầy là sự thật trong khi thầy vẫn “ngây thơ vô... số tội” đứng trước lớp giảng bài, vẫn cười vô tư với lũ nữ sinh quậy ngầm. Không biết thầy có bồ chưa hả?
Cũng có nhiều lần chúng tôi hỏi nhau như vậy và lúc nào câu trả lời cũng cà rỡn theo kiểu: “Con An ngồi đây nè chớ đâu” hay: “Bồ thầy hả, tao biết nè, học năm thứ nhất cùng một khoa với ổng”.
Riêng tôi, tôi chắc là thầy đã có rồi.
Chưa bao giờ thầy làm găng như hôm nay. Mọi khi thầy hiền lắm mà. Chắc ổng vừa bị người yêu giận hờn nên trút bực dọc lên đầu chúng tôi.
- Tui đợi năm phút nữa mà mấy bạn không chịu nói là tui ngừng dạy liền - Thầy gay gắt - Tui đâu có cho cái gì vượt quá sức mấy bạn đâu?
Tôi vân dụng trí nhớ nhỏ bé của mình để làm hài lòng thầy nhưng vô hiệu.
- Đã mười phút rồi. Mấy bạn nhất định không phát biểu phải không? Tui rất tiếc. Chào mấy bạn.
- Dạ thưa thầy! - Tôi đứng lên - Không phải tụi em không chịu nói mà là vì tụi em không biết gì để mà nói.
- Làm sao mà không biết gì - Thầy làm mặt hình sự - Mấy bạn là sinh viên. Phải xông xáo cho ý kiến của mình, tui đâu có đòi hỏi gì mấy bạn phải nói đúng. Miễn phải nói giùm tui. Có nói tui mới biết sai hay đúng để còn sửa chứ.
- Dạ thưa thầy, chưa nói ra tụi em đã biết sai rồi, vậy còn nói cho thầy nghe để làm gì nữa?
Mọi lần nói chuyện với thầy, tôi cứ gọi “Thầy! Thầy!” giựt giọng, vậy mà thầy vẫn vui vẻ. Hôm nay thấy tình thế nguy kịch quá, tôi lễ phép: “Dạ thưa thầy”, mong thầy nguôi giận, nhưng hình như phản tác dụng:
- Nói sai cũng phải nói, có nói sai mới có đúng được. Biết nói sai cũng phải nói, nói cho tui nghe để tui sửa cho đúng. Chớ tui đứng lớp để làm gì?
Cả lớp im thin thít, cúi đầu chịu tội. Tôi tức lắm. Thật bất công. Đây là lần đầu tiên thầy nổi quạu. Nhưng đâu phải lỗi chúng tôi. Không lẽ biết sai mà còn nói. Thầy đã dặn: “Phải tự bảo vệ cho câu nói của mình, phải biết chắc những gì mình muốn nói”. Vậy mà hôm nay...
- Dạ thưa thầy! Tụi em định nói nhưng nói ra sợ thầy hỏi ngược lại, bắt giải thích mà tụi em không trả lời được, vì trước khi nói tụi em đã chắc mình sẽ nói sai.
- Tui cho phép nói sai.
- Dạ thưa thầy, tụi em sợ thầy bắt lỗi: “Sao biết sai mà còn nói làm gì. Nói ra mà không bảo vệ được câu nói của mình thì thà đừng nói”.
Thầy hơi khựng, nhưng ổng vốn là cử nhân văn chương mà.
- Cái này là ngụy biện, ngụy biện rõ ràng nhe! Tui cho phép nói, sai cũng phải nói.
- Dạ thưa thầy - Tôi nhỏ nhẹ nói chậm rãi từng lời một - Nếu vậy thì tụi em xin lỗi thầy vì hồi nào đến giờ tụi em không biết là thầy-cho-phép-được-quyền-nói-sai.
Cả lớp cười khúc khích, thầy cũng nhếch mép nhưng ổng cố gắng kìm lại:
- Cô này ngụy biện quá!
Thấy thầy có vẻ dịu xuống, lớp không còn e dè nữa, bật cười thoải mái. Tôi thì không. Đâm ghét ổng lạ.
Tôi không muốn tụi nó chọc tôi với thầy nữa. Thầy biết được thì sao. Hơn nữa, mỗi lần nhập vai giỡn với tụi nó, tôi hầu như không phân biệt được đâu là đùa, đâu là thật trong những lời nói của mình. Mà những chuyện linh tinh như vậy có bao giờ trở thành sự thật nghiêm túc đâu. Thế thì để tình cảm vẩn vơ làm gì, rủi nó phát triển thì có phải lỗ cho tôi không. Thầy đã tốt nghiệp, đã ra đời đi làm, tiếp xúc và giao thiệp rộng rãi với mọi người, còn tôi chỉ mới là sinh viên của năm đầu đại học. Tôi còn ngây thơ, vô tư lắm, chỉ được cái lanh chanh với bạn bè. Hồi đầu năm học, tôi phản đối thầy bao nhiêu, càng gần hết năm học, tôi càng phục thầy bấy nhiêu. Kiến thức thầy rộng quá, nhiều quá, tràn lan quá. Thầy là thần tượng về học tập của tôi. Thời sinh viên của thầy chắc là cũng vui như của chúng tôi. Nhưng để có được thành quả của ngày hôm nay hẳn thầy đã phải học tập rất miệt mài và không có thời gian để có bồ nữa. Tôi chắc như vậy.
Hôm nay là bữa cuối của thầy với lớp chúng tôi. Sang năm thầy sẽ không theo chúng tôi lên năm hai để dạy. Lớp bàn mua quà lưu niệm tặng thầy. Nhưng gần hết năm, tiền quỹ cạn kiệt, mua gì bây giờ. Nghĩ tới nghĩ lui, chúng tôi mua một bó hoa hồng.
Thầy ôm bó hoa rảo bước thật nhanh không nhìn lại. Tụi nó nói: “Thầy xúc động”. Tôi không thích cái lối biểu hiện tình cảm của thầy:
- Xúc động mà như vậy đó hả?
- Nè An - Tụi con trai khiêu khích - bữa nay An tặng hoa hồng cho thầy. Vậy chớ hoa hồng tượng trưng cho điều gì An biết không?
- Biết chớ - Tôi trả lời - cho tình yêu.
Tôi không phải xin lỗi thầy đâu, tôi biết, thầy cho phép... được-quyền-nói-sai.
Hai Người Đến Từ Phương Xa Hai Người Đến Từ Phương Xa - Dương Thụy