Gặp Lại epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12 -
Ở quầy đón tiếp, một nữ y tá trẻ đã thay thế Betty. Lauren xoá tên mình khỏi tấm bảng ghi tên các bác sĩ trực. Một bác sĩ chuyên khoa X-quang, người đã tiếp Lauren ở trung tâp chụp hình y khoa, cũng kết thúc phiên trực, ông ta ra gặp cô và hỏi thăm ca mổ đã tiến hành ra sao, bệnh nhân có qua khỏi an toàn không. Cùng đi với bác sĩ này ra cửa, Lauren thuật lại cho ông ta nghe những sự kiện của đêm vừa rồi, cô không nhắc đến đoạn mà cô đã phản đối Fernstein và nói thêm rằng giáo sư đã muốn để yên tại chỗ cái dị dạng mạch nhỏ ấy.
Bác sĩ X-quang nói rằng ông không thấy bất ngờ. Ông thấy chỗ bất thường ấy có vẻ nhỏ, không đáng để chịu những nguy hiểm của việc phẫu thuật. "Hơn nữa, người ta sống được rất tốt với những khiếm khuyết nhỏ loại này, cô là bằng chứng sinh động về chuyện đó", ông nói thêm. Nét mặt Lauren lộ vẻ ngạc nhiên, bác sĩ X-quang bèn cho cô biết rằng cô cũng có một chút đặc biệt nho nhỏ ở thuỳ đỉnh-chẩm. Fernstein đã không muốn đụng vào đó lúc ông mổ cho cô sau khi cô bị tai nạn. Bác sĩ X-quang nhớ rõ như chuyện mới xảy ra hôm qua. Chưa bao giờ ông phải làm đến từng ấy bản chụp bằng máy scanner và bằng IRM cho cùng một bệnh nhân; nhiều hơn hẳn mức cần thiết. Nhưng những xét nghiệm này do đích thân trưởng khoa thần kinh đòi hỏi và đối với một số yêu cầu người ta không bàn cãi.
- Tại sao ông ấy không bao giờ nói với tôi về điều đó nhỉ?
- Tôi chịu không biết được, nhưng tôi muốn cô đừng kể lại với ông ấy cuộc nói chuyện của chúng ta. Bí mật y tế đòi hỏi như vậy!
- Nhưng dù sao thì cũng thật quá đáng, tôi là bác sĩ cơ mà!
- Đối với tôi, lúc đó trước hết cô là bệnh nhân của Fernstein!
Giáo sư mở cửa sổ phòng làm việc. Ông nhìn thấy cô học trò của mình đang đi sang đường. Cô nhường đường cho một chiếc xe cấp cứu rồi bước vào quán ăn nhỏ đối diện bệnh viện. Một người đàn ông đang đợi cô ở chỗ mà Fernstein và cô thường hay ngồi ăn. Fernstein trở lại ngồi xuống ghế bành của mình, Norma vừa bước vào trao cho ông một hồ sơ. Ông lật bìa ra và tìm hiểu danh tính của bệnh nhân mà ông vừa mổ.
- Đó chính là anh chàng ấy phải không?
- Em sợ là đúng đấy - Norma trả lời, mặt không biểu hiện cảm xúc.
- Anh ta đang ở trong phòng hồi sức à?
Norma lấy lại hồ sơ từ tay giáo sư.
- Các chức năng của anh ta ổn định, kiểm tra tổng quát thần kinh rất tốt. Trưởng khoa hồi sức định đưa anh ta xuống lại chỗ các anh ngay tối nay, ông ấy cần giường ở khoa ông ấy mà - nữ y tá kết luận.
- Không được để Lauren chăm sóc anh ta; nếu không; rồi anh ta sẽ không giữ lời hứa nữa.
- Cho đến nay anh ta vẫn giữ lời hứa, tại sao bây giờ anh ta lại thôi?
- Vì trước đây anh ta không phải chạm trán cô ấy hàng ngày, nếu bây giờ cô ấy điều trị cho anh ta, sự thể sẽ không như vậy nữa.
- Anh định làm gì?
Fernstein quay ra cửa sổ, trầm ngâm.
Lauren rời quán cà phê, cô lên một chiếc Mercury Grand Marquis đậu trước cửa bệnh viện. Chỉ có cảnh sát mới dám đỗ xe dọc vỉa hè đối diện khoa cấp cứu này. Ông cũng phải lo giải quyết những sự cố đêm qua nữa đây. Norma kéo ông ra khỏi dòng suy nghĩ.
- Bắt cô ấy nghỉ phép!
- Em có bao giờ thuyết phục được một cái cây gập đôi thân nó lại để nhường chỗ cho chim bay qua không?
- Không, nhưng em đã từng chặt một cái cây làm vướng lối vào gara của em! - Norma vừa trả lời vừa tiến đến sát Fernstein.
Bà đặt cái bìa giấy kẹp hồ sơ lên bàn và ôm vị giáo sư già.
- Anh cứ lo lắng cho cô ấy mãi thôi, cô ấy có phải là con gái anh đâu! Rốt cuộc, có cái gì trầm trọng nếu cô ấy biết được sự thật nào? Vì mẹ cô ấy đã đồng ý thực hiện euthanasie đối với cô ấy à?
- Vì anh là bác sĩ thuyết phục bà ấy về chuyện đó! - giáo sư làu nhàu và đẩy Norma ra.
Nữ y tá lấy lại hồ sơ và đi ra khỏi phòng, không quay lại. Bà vừa khép cửa, Fernstein bèn nhấc nga máy điện thoại lên. Ông gọi tổng đài và yêu cầu nối máy cho ông nói chuyện với lãnh đạo bệnh viện Mission San Pedro.
Thanh tra Pilguez cho xe vào chỗ đỗ đã được dành cho ông trong nhiều năm.
- Cô nói với Nathalia là tôi đợi cô ấy ở đây nhé.
Lauren ra khỏi chiếc xe Mercury và biến vào bên trong đồn cảnh sát. Vài phút sau, trưởng ban điều phối trèo lên xe. Pilguez nổ máy và chiếc Grand Marquis đi lên phía bắc thành phố.
- Chỉ chậm vài phút nữa thôi là anh và cô ta đặt em vào một tình huống khó xử - Nathalia nói.
- Nhưng anh và cô ấy đã đến kịp mà!
- Anh có thể giải thích cho em chuyện gì đã xảy ra với cái cô này không? Anh cho cô ta ra khỏi phòng giam không hỏi ý kiến em và anh biến mất suốt nửa đêm với cô ta.
- Em ghen đấy à? - viên cảnh sát già vui sướng hỏi.
- Nếu có lúc em không ghen nữa thì anh sẽ cần phải lo nghĩ đấy.
- Em có nhớ vụ điều tra cuối cùng của anh không?
- Nhớ như chuyện mới xảy ra! - Nathalia thở dài.
Pilguez rẽ vào đường cao tốc Geary, nụ cười hiện lên trên khoé miệng ông không lọt khỏi mắt Nathalia.
- Chính là cái cô ấy đấy à?
- Đại khái là như vậy.
- Và cũng chính là cái anh chàng kia?
- Theo những điều anh đọc được trong báo cáo của cảnh sát thì đó chính là anh chàng ấy. Cái ít nhất mà chúng ta có thể nói, đó là hai kẻ thích đùa này có một tài năng nhất định trong việc vượt tường tẩu thoát.
Vẻ mặt tươi cười, Pilguez vuốt ve đùi người bạn tình của mình.
- Anh biết là em không thừa nhận những chi tiết nhỏ trong cuộc sống có một ý nghĩa gì đó, nhưng trong trường hợp này thì hội tụ dồn dập quá nhiều thứ. Mà cô ta lại chẳng hề liên hệ chuyện này với chuyện kia nữa chứ. Anh cứ ngây hết cả người ra. Có vẻ như chẳng có ai kể cho cô ta nghe về những gì mà anh chàng kia đã làm cho cô ta.
- Và cả về những gì mà anh đã làm nữa!
- Anh ấy à? Anh có làm gì đâu!
- Ngoài việc tìm thấy cô ta trong ngôi nhà ở Carmel ấy và đưa cô ta trở lại bệnh viện, mà không, anh nói đúng đấy, anh chẳng làm gì cả. Và em cũng sẽ không nói bóng nói gió gì về việc hồ sơ của cuộc điều tra này bị biến mất.
- Chuyện này thì anh tuyệt nhiên không có liên quan gì cả nhé.
- Chắc là vì vậy nên khi xếp dọn đồ đạc, em đã tìm thấy cái hồ sơ ấy ở đáy tủ quần áo.
Pilguez mở cửa sổ và quát một người đi bộ đang ra ngoài hành đinh.
- Thế còn anh, anh cũng không nói gì với cô bé ấy à?
- Anh thèm nói đến mức chỉ chực mở miệng.
- Và anh đã không làm thoả mãn cơn thèm?
- Bản năng của anh đã thúc đẩy anh ngậm miệng.
- Thỉnh thoảng anh cho em mượn cái bản năng của anh nhé!
- Để làm gì?
Chiếc xe Mercury đi vào gara của ngôi nhà mà viên thanh tra sống cùng người bạn đời của mình. Một mặt trời có màu hoa hướng dương đang lên cao trên vịnh San Francisco. Chẳng mấy chốc nữa, những tia nắng của nó sẽ xua đi lớp sương mù bao phủ cầu Golden Gate vào những giờ đầu tiên trong ngày.
Nằm trên cái giường nhỏ trong phòng giam của đồn cảnh sát, Lauren tự hỏi làm sao cô lại có thể, trong một đêm, làm sụp đổ những cơ hội đạt bằng tốt nghiệp chương trình bác sĩ nội trú chuyên khoa thần kinh của mình, và như vậy, phá hoại cả bảy năm miệt mài làm việc.
Kali rời khỏi tấm thảm len. Nó không được vào phòng ngủ của bà Kline, cửa sổ ra ban công thì lại hé mở, nó bèn lẻn ra ngoài và rúc mồm vào giữa những chấn song sắt ở ban công. Nó nhìn theo một con chim hải âu đang bay lượn sát trên những ngọn sóng, hít hà không khí trong lành của buổi ban mai rồi quay lại nằm trong phòng khách.
Fernstein đặt lại ống nghe xuống máy điện thoại. Cuộc trao đổi với những lãnh đạo bệnh viện San Pedro đã diễn ra đúng như ông dự kiến. Người đồng nghiệp của ông sẽ ra lệnh cho Brisson rút đơn kiện và sẽ lờ đi chuyện chiếc xe cấp cứu bị mượn tạm, còn về phần ông, ông sẽ không thực hiện lời đe doạ là tác động để có một uỷ ban đến thanh tra những hoạt động ở khoa cấp cứu của họ.
Paul đã kín đáo lấy lại được xe ôtô của mình ở bãi đậu xe của bệnh viện Mission San Pedro, sau khi tạt vào một cửa hàng bánh mì Pháp ở phố Sutter, và bây giờ anh lái xe đi về hướng Pacific Height.
Anh đỗ xe lại trước một toà nhà, nơi ở của một bà cụ vẫn còn giữ những nét nhan sắc xiêu lòng người. Tối qua, bà đã cứu sống người bạn thân nhất của anh. Bà Morrison đang dẫn Pablo đi dạo. Paul xuống xe và mời bà cùng chia sẻ những chiếc bánh sừng bò nóng và một vài tin tức đáng yên tâm của Arthur.
o O o
Một nữ y tá nhẹ nhàng bước vào phòng 102 của khoa hồi sức. Arthur đang ngủ. Cô thay cái bịch hứng chỗ máu cuối cùng chảy ra từ khối máu và kiểm tra các hằng số sống của người bệnh. Hài lòng, cô ghi lại những hằng số này vào một tờ giấy màu hồng và xếp nó vào hồ sơ của Arthur.
Norma gõ cửa phòng làm việc. Fernstein khoác tay nữ y tá lớn tuổi nhất ở bệnh viện này và đưa bà đi ra hành lang. Đây là lần đầu tiên ông cho phép mình có một cử chỉ thân mật như vậy trong bệnh viện.
- Anh có một ý thế này - ông nói - Ta sẽ ra ăn sang bên bờ biển, rồi sau đó thì nằm ngủ một chút trên bãi cát.
- Hôm nay anh không làm việc à?
- Anh đã làm xong phần mình đêm vừa rồi, ngày hôm nay anh nghỉ.
- Em phải báo cho bộ phận kế hoạch là em nghỉ hôm nay đã.
- Anh vừa mới báo thay em rồi.
Cửa thang máy mở ra trước mặt họ. Hai bác sĩ gây mê và một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đang trò chuyện dừng lại chào giáo sư. Trái với điều Norma nghĩ, giáo sư không bỏ tay bà ra khi bước vào thang máy.
Lúc mười giờ sáng, một sĩ quan cảnh sát bước vào phòng giam nơi Lauren đang nằm ngủ. Bác sĩ Brisson đã rút đơn kiện. Bệnh viện Mission San Pedro không muốn truy tố việc "mượn" một chiếc xe cấp cứu của họ. Một chiếc xe kéo của phòng giữ đồ thuộc đồn cảnh sát đã đến kéo chiếc Triumph của cô về bãi đậu xe của đồn. Lauren chỉ còn việc trả tiền cẩu xe rồi sẽ được tự do trở về nhà.
Trên vỉa hè trước đồn cảnh sát, mặt trời làm cô chói mắt. Xung quanh cô, thành phố đã nhộn nhịp trở lại, vậy mà Lauren lại cảm thấy cô độc lạ lùng. Cô lên chiếc xe Triumph của mình và đi lại con đường mà lúc nửa đêm cô đã rời bỏ để ngoặt sang hướng khác.
- Tôi có thể đến thăm cậu ấy được không? - Bà Morrison hỏi khi đi cùng Paul đến cuối hành lang.
- Cháu sẽ gọi điện cho bác ngay sau khi cháu gặp cậu ấy.
- Anh cứ ghé qua tôi thì hơn - bám vào cánh tay Paul, bà nói. - Tôi sẽ làm cho cậu ấy một gói bánh xốp, anh có thể mang đến cho cậu ấy ngày mai.
Bà Morrison trở về nhà, lấy chùm chìa khoá dự trữ của Arthur rồi đi tưới cây trong nhà anh. Bà cảm thấy rất nhớ người hàng xóm của mình. Trước sự ngạc nhiên hết sức của bà, Pablo đã quyết định đi theo bà chủ.
Norma và giáo sư Fernstein nằm trên bãi cát trắng ở Baker Beach. Ông cầm tay bà và nhìn một con hải âu bay lượn trên bầu trời. Con chim dang rộng đôi cánh để đùa nghịch với những luồng hơi nước bốc lên.
- Có điều gì làm anh lo lắng thế? - Norma hỏi.
- Có gì đâu - Fernstein trả lời.
- Anh sẽ làm vô khối việc khác khi anh thôi công việc ở bệnh viện, anh đi các nơi, anh giảng bài, và rồi anh chăm sóc mảnh vườn của anh nữa, đó là việc mà những người về hưu vẫn làm, đúng không nào?
- Em giễu anh đấy à?
Fernstein quay lại nhìn Norma chăm chú.
- Anh đếm các nếp nhăn của em à? - Bà hỏi.
- Em biết đấy, anh không làm phẫu thuật thần kinh bốn chục năm để kết thúc cuộc đời bằng việc cắt tỉa mấy cây hoa giấy và trắc bách diệp. Nhưng ý em về việc đi các nơi và giảng bài thì anh rất thích, với điều kiện là em đi cùng anh.
- Anh sợ về hưu đến thế hay sao mà lại có những lời mời như vậy đối với em?
- Không, chẳng sợ tí nào, chính anh đã xin về hưu sớm, anh muốn bù lại thời gian đã mất, anh muốn có một cái gì đó của chúng ta còn lại với em.
Norma ngồi thẳng dậy và âu yếm nhìn người đàn ông mà bà yêu.
- Wallace Fernstein, tại sao anh cứ khăng khăng không chịu điều trị? Tại sao ít nhất cũng không thử xem thế nào?
- Anh xin em, Norma, đừng nói lại chuyện đó nữa, chúng ta sẽ đi chơi xa và quên các bài giảng đi. Đến ngày mà bệnh ung thư thắng được anh, em sẽ chôn anh ở nơi mà anh đã yêu cầu em. Anh muốn được chết trong khi đi nghỉ, chứ không phải ở cái sân khấu mà anh đã làm phẫu thuật cả đời anh rồi, mà khán giả lại còn ít hơn nữa chứ.
Norma đặt lên môi vị giáo sư già một nụ hôn nồng nàn. Hai người nằm bên nhau trên bãi biểu này như một cặp tình nhân già đẹp đôi.
Lauren khép lại cánh cửa vào căn hộ của mình. Kali không ở nhà để chào mừng cô. Đèn tín hiệu ở máy trả lời tự động của điện thoại nhấp nháy, cô bật nút nghe nhưng không nghe hết tin nhắn mà mẹ cô để lại. Cô đi ra ngách phòng, phía trông ra vịnh, và cầm chiếc điện thoại di động của mình, tay lướt nhẹ trên bàn phím. Một con hải âu bay thẳng từ Baker Beach đến đậu trên cột điện trước cửa sổ của cô. Con chim nghiêng đầu như để nhìn cô rõ hơn, nó vỗ cánh rồi lại bay ra biển. Cô bấm số điện tôi hoại của Fernstein, nghe trả lời tự động ở máy của ông rồi dập máy. Cô gọi đến bệnh viện Memorial, xưng tên và xin được nói chuyện với bác sĩ nội trú đang trực. Cô muốn biết tin tức của một bệnh nhân mà cô đã mổ đêm vừa rồi. Bác sĩ trực chuyên khoa thần kinh đang đi thăm bệnh nhân, cô để lại số điện thoại của mình cho bác sĩ này gọi lại.
o O o
Paul đã đợi hơn một tiếng đồng hồ, anh ngồi trên chiếc ghế đặt dọc bức tường của phòng đợi. Từ một giờ chiều trở đi mới được phép vào thăm người nhà nằm viện.
Một phụ nữ đầu quấn băng, ôm chặt trong tay một cái túi đựng những tấm phim X-quang như ôm một báu vật.
Một đứa trẻ nghịch ngợm đang chơi trên tấm thảm, đẩy chiếc ôtô nhỏ lăn dọc theo những hoạ tiết hình chữ nhật màu da cam và màu tím.
Một ông già dáng điệu lịch thiệp, tay chắp sau lưng, chăm chú nhìn vài bản sao tranh màu nước treo trên tường. Nếu không có cái mùi rất đặc trưng bệnh viện thì có thể nghĩ là ông đang thăm một viện bảo tàng.
Trong hành lang, một phụ nữ trẻ trùm chăn ngủ trên một chiếc băng ca, bộ ống truyền, mắc vào chiếc cọc, truyền dịch vào ven ở cánh tay cô. Hai nhân viên chuyên chở bệnh nhân, mỗi người đứng một phía băng ca, lưng dựa vào tường, trông nom cô.
Đứa trẻ lấy một tờ báo và bắt đầu xé các trang giấy, gây ra âm thanh đều đều và khó chịu. Không hề để mắt đến con, mẹ đứa trẻ hẳn là đang tranh thủ tận dụng khoảnh khắc nghỉ ngơi quý giá này.
Paul nhìn đồng hồ treo tường phía trước mặt anh. Cuối cùng thì cũng có một nữ y tá đi về phía anh, nhưng rồi cô lại tiếp tục đi ra máy tự động bán đồ uống, chỉ nở một nụ cười xã giao. Nhìn thấy cô lục lọi túi áo blouse để tìm tiền lẻ, Paul bèn đứng dậy và đi về phía cô. Anh nhét đồng xu vào khe nhận tiền và nhìn nữ y tá với vẻ dò hỏi, ngón tay đặt lên bàn phím.
- Một hộp Red Bull! - cô gái ngạc nhiên nói.
- Cô mệt đến thế cơ à? - Paul hỏi và bấm mã số để cho hộp nước được đẩy ra khỏi cái ngăn chứa nó.
Một chiếc lò xo bắt đầu xoay, hộp nước dịch chuyển về phía tấm kính chắn rồi tụt xuống cái khoang hứng, Paul lấy hộp nước ra và đưa cho cô y tá.
- Thuốc tăng lực của cô đây.
- Tôi tên là Nancy! - cô gái nói và cảm ơn anh.
- Tôi nhìn thấy tên trên áo blouse của cô rồi - Paul trả lời, mặt khó đăm đăm.
- Có chuyện gì không ổn à?
- Tôi đang đợi!
- Đợi bác sĩ?
- Đợi giờ được phép vào thăm.
Nữ y tá nhìn đồng hồ đeo tay của mình.
- Anh vào thăm ai?
- Arthur...
Nhưng Paul chưa kịp nói xong tên của Arthur, Nancy ngắt lời anh và khoác tay kéo anh đi theo hành lang.
- Tôi biết anh nói về ai rồi, anh đi theo tôi! Tôi dẫn anh đi, nội quy chẳng có ý nghĩ gì nếu thỉnh thoảng không bị vi phạm.
Cô dẫn anh đến tận cửa phòng số 307.
- Đáng lẽ anh ấy phải được giữ lại ở khoa hồi sức đến tận tối nay, nhưng bác sĩ cho là tình trạng của anh ấy tốt, thế là anh ấy sang khoa chúng tôi. Chúng tôi đã rút thăm và tôi đã thắng.
Paul nhìn chòng chọc vào cô y tá, sửng sốt.
- Cô đã thắng cái gì?
- Tôi là người được chăm sóc anh ấy! - Cô vừa nói vừa nháy mắt với anh.
Một cái tủ, một cái ghế mây và một cái bàn có bánh xe là những đồ gỗ có trong căn phòng. Arthur đang ngủ, một ống dẫn ôxy nối vào lỗ mũi, một ống truyền dịch vào ven ở cánh tay. Đầu anh nghiêng về một phía, băng quấn quanh sọ. Paul chậm rãi bước lại gần, nén lại cảm xúc đang tràn ngập trong mình.
Anh kéo chiếc ghế lại gần giường. Nhìn Arthur nằm lặng thinh như vậy, hàng ngàn kỷ niệm và những khoảnh khắc chia sẻ cùng nhau lại trở về trong ký ức của Paul.
- Trông tớ thế nào? - Arthur thì thầm, mắt nhắm.
Paul húng hắng ho:
- Trông như một vương công Ấn Độ say rượu bét nhè.
- Tình hình cậu thế nào?
- Quan trọng gì chuyện đó, còn cậu thì sao?
- Hơi đau đầu, tớ cảm thấy rất mệt - Arthur trả lời bằng một giọng rời rạc - Tớ đã làm hỏng buổi tổi của cậu phải không?
- Có thể thấy như vậy dưới góc độ ấy, trước hết cậu đã làm cho tớ sợ một trận hết hồn.
- Đừng có làm vẻ mặt như vậy, Paul.
- Cậu nhắm mắt cơ mà!
- Tớ vẫn nhìn thấy cậu. Thôi đừng có lo lắng nữa, các bác sĩ nói rằng một khi khối máu đã tiêu rồi thì sẽ hồi phục rất nhanh. Bằng chứng đây!
Paul tiến về phía cửa sổ. Chỗ này nhìn xuống khu vườn của bệnh viện. Một cặp vợ chồng đang chậm rãi bước dọc theo con đường hai bên trồng đầy hoa. Người đàn ông khoác một cái áo dài mặc trong nhà, người vợ giúp chồng bước đi. Họ ngồi xuống chiếc ghế băng, dưới một cây đoạn màu bạc. Paul đứng nhìn chăm chú ra ngoài.
- Tớ hãy còn quá nhiều khuyết điểm để có thể gặp được người phụ nữ của đời mình, nhưng tớ muốn thay đổi cậu ạ.
- Cậu muốn thay đổi cái gì?
- Cái tính ích kỷ đã khiến tớ cứ nói với cậu về tớ, trong khi tớ đang ở bên giường bệnh của cậu, chẳng hạn. Tớ muốn được như cậu.
- Ý cậu nói là muốn có một cái khăn xếp trên đầu và một cơn nhức óc như búa bổ?
- Muốn có thể dấn thân mà không sợ hãi, muốn có thể nhìn nhận những khiếm khuyết của người khác như những điểm yếu có vẻ đẹp lạ thường.
- Cậu nói về tình yêu phải không?
- Ừ, đại loại là như vậy. Việc mà cậu đã làm được thật kỳ lạ.
- Việc để cho một chiếc môtô ba bánh đâm vào người ấy à?
- Việc tiếp tục yêu mà không mong được đáp lại. Việc biết tự nuôi dưỡng mình chỉ bằng tình cảm của mình dành cho người kia, biết tôn trọng tự do của cô ấy, biết bằng lòng với việc cô ấy chỉ tồn tại ở trên đời mà không tìm cách gặp lại, chỉ để bảo vệ cô ấy thôi.
- Đó không phải là để bảo vệ cô ấy, Paul ạ, đó là để cho cô ấy có thời gian tìm được chính mình. Nếu lúc ấy tớ nói cho cô ấy biết sự thật rằng chúng tớ đã trải nghiệm cuộc tình đó, tớ có thể làm cho cô ấy đi trệch hướng khỏi cuộc đời của cô ấy.
- Cậu sẽ đợi cô ấy trong suốt thời gian đó?
- Chừng nào mà tớ còn có thể đợi được.
Nữ y tá bước vào mà họ không nhận thấy, cô ra hiệu cho Paul là thời gian thăm bệnh nhân theo nội quy đã hết, Arthur cần phải nghỉ ngơi. Lần đầu tiên Paul không tìm cách cãi lại. Khi ra đến ngưỡng cửa, anh quay lại và nhìn Arthur:
- Đừng bao giờ chơi tớ một vố như vậy nữa nhé.
- Paul?
- Gì vậy?
- Cô ấy có mặt ở đó đêm hôm ấy, phải không?
- Nghỉ đi, chúng mình sẽ nói lại chuyện đó sau.
Paul bước đi trong hành lang, vai nặng trĩu. Nancy ra gặp anh trước cửa thang máy. Cô bước vào thang máy cùng với anh và ấn nút tầng hai. Đầu cúi xuống, Nancy dán mắt vào mũi giày của anh.
- Anh cũng hay ra trò đấy nhỉ.
- Đó là cô còn không nhìn thấy tôi trong trang phục của bác sĩ phẫu thuật đấy nhé!
- Không, nhưng mà tôi đã nghe cuộc nói chuyện của các anh.
Và Paul làm ra vẻ không hiểu điều cô muốn nói, cô bèn nhìn thẳng vào mắt anh và nói thêm rằng cô rất muốn có một người bạn như anh. Khi cánh cửa thang máy mở ra, cô kiễng chân đặt một nụ hôn lên má anh rồi biến mất.
Giáo sư Fernstein để lại một tin nhắn trên máy trả lời tự động của Lauren. Ông muốn gặp cô càng sớm càng tốt. Quãng chiều tối ông sẽ rẽ qua nhà cô. Không để lại thêm một lời giải thích nào, ông dập máy.
- Tôi không biết liệu chúng ta làm như vậy có đúng không - bà Kline nói.
Fernstein cất điện thoại di động của mình đi.
- Đã hơi muộn để thay đổi cách xử sự rồi, bà không thấy như vậy sao? Bà không thể mạo hiểm để biến mất cô ấy lần thứ hai, có phải đó là điều mà bà vẫn luôn nói với tôi không?
- Tôi không biết nữa, có lẽ cuối cùng cứ thú nhận sự thật với nó thì cả hai chúng ta lại được giải thoát khỏi một gánh nặng khủng khiếp.
- Thú nhận lỗi lầm của mình với người khác để xoa dịu lương tâm là một ý hay đấy, nhưng thực sự là ích kỷ. Bà là mẹ của cô ấy, bà có những lý do để lo sợ rằng cô ấy sẽ không tha thứ cho bà. Còn tôi, tôi không chịu được ý nghĩ rằng sẽ có ngày cô ấy biết được là tôi đã đầu hàng, là chính tôi đã muốn tháo máy ra khỏi thân thể cô ấy.
- Ông đã hành động theo niềm tin của mình, ông chẳng có điều gì để phải tự trách mình cả.
- Điều quan trọng không phải là cái sự thật ấy - giáo sư lại nói - Nếu tôi rơi vào hoàn cảnh của cô ấy, nếu số phận của tôi phụ thuộc vào quyết định y khoa của cô ấy, tôi biết là cô ấy sẽ không bao giờ đầu hàng.
Mẹ Lauren ngồi xuống một chiếc ghế băng. Fernstein ngồi xuống cạnh bà. Cái nhìn của vị giáo sư già thẫn thờ hướng về phía mặt nước tĩnh lặng của bến cảng du thuyền nhỏ.
- Tôi chỉ còn nhiều nhất là mười tám tháng nữa thôi! Sau khi tôi đi rồi, bà hãy xử sự như bà muốn!
- Tôi tưởng là ông sẽ nghỉ hưu cuối năm nay chứ?
- Tôi không nói về chuyện nghỉ hưu.
Bà Kline đặt tay mình lên tay vị giáo sư già. Những ngón tay run rẩy. Ông lấy một chiếc mùi soa trong túi áo ra và lau trán.
- Tôi đã cứu sống rất nhiều người trong đời tôi, nhưng tôi cho là tôi chưa bao giờ biết yêu họ, điều duy nhất mà tôi quan tâm là chữa bệnh cho họ. Tôi đã từng thắng cái chết và bệnh tật, tôi đã mạnh hơn những cái đó, tức là, cho đến lúc này thôi. Tôi lại chẳng còn buồn sinh một đứa con nữa chứ. Thật là một thất bại đối với một người tự nhận là vì sự sống!
- Tại sao ông lại đỡ đầu con gái tôi?
- Vì cô ấy là tất cả những gì mà tôi ao ước trở thành. Cô ấy dũng cảm ở chỗ mà tôi chỉ có sự ngang bướng, cô ấy sáng tạo ở chỗ tôi chỉ biết ứng dụng, cô ấy sống sót ở chỗ mà tôi sẽ chết, và tôi rất sợ. Ban đêm, tôi tỉnh dậy với nỗi sợ trong lòng. Tôi muốn lấy chân đạp vào những cái cây sẽ tiếp tục sống sau khi tôi chết kia; tôi đã quên không làm biết bao nhiêu việc.
Bà Kline nắm tay giáo sư và kéo ông bước đi.
- Chúng ta đi đâu vậy?
- Hãy đi theo tôi và đừng nói gì hết.
Họ đi dọc theo khu Marina. Trước mặt họ, bên cạnh đập chắn nước, có một công viên nhỏ đang đón một đám trẻ con đến chơi. Ba cái đu bay vun vút lên cao nhờ sự nỗ lực phi thường của những ông bố bà mẹ mệt lử, ra sức đẩy không ngơi; cái cầu trượt chen chúc trẻ con, bất chấp thiện chí của một người đàn ông đang cố điều khiển việc đi lên cho có trật tự; một công trình bằng gỗ và thừng chão phải hứng chịu những cuộc tấn công của các Robinson tương lai, một chú bé bị mắc kẹt ở cái ống màu đỏ, chú ta hoảng sợ hét ầm lên. Xa hơn chút nữa, một bà mẹ đang cố gắng thuyết phục đứa con kháu khỉnh của mình rời bỏ bồn cát để đi ăn lót dạ, nhưng chẳng có kết quả gì. Với những bài hát của dân da đỏ, một vòng tròn náo loạn quay cuồng không nương nhẹ xung quanh cô gái giúp việc trẻ tuổi trong lúc hai bé trai giành nhau một quả bóng. Bản hợp tấu của những tiếng khóc, tiếng gào và tiếng kêu thét chuyển thành một âm hưởng chối tai.
Chống khuỷu tay vào thanh chắn, bà Kline quan sát cái địa ngục thu nhỏ này; mặt sáng lên một nụ cười đồng cảm, bà nhìn giáo sư.
- Ông thấy đấy, ông có thất bại hoàn toàn đâu!
Một bé gái đang cưỡi con ngựa nhún ngẩng đầu lên. Bố của bé vừa đẩy cánh cửa nhỏ để vào sân chơi. Bé bỏ con ngựa của mình, vội vã chạy ra đón bố và nhảy vào hai cánh tay dang rộng của bố. Người cha nâng con lên cao ngang mình và bé nép người vào bố, rúc đầu vào chỗ lõm ở gáy bố với vẻ âu yếm vô bờ bến.
- Trông thích thật - giáo sư nói và cũng mỉm cười.
Ông nhìn đồng hồ đeo tay và xin lỗi, sắp đến giờ ông hẹn với Lauren. Quyết định của ông chắc sẽ làm cho cô tức điên lên được, dù rằng ông đã làm điều này vì lợi ích của cô. Bà Kline nhìn theo giáo sư bước xa dần, một mình trên lối đi; ông đi ngang qua bãi đậu xe và lên ôtô của mình.
o O o
Hàng cây trên các vỉa hè của phố Green trĩu xuống dưới sức nặng của các tán lá. Vào mùa này, đường phố rực rỡ sắc màu. Hoa mọc quanh vườn trong các ngôi nhà xây theo phong cách thời nữ hoàng Victoria. Giáo sư ấn nút interphone nối đến căn hộ của Lauren và trèo lên cầu thang. Ngồi trên đi văng ở phòng khách, ông lấy vẻ mặt gnhiêm nghị nhất để thông báo cho cô là cô phải tạm nghỉ việc; cô bị cấm không được đến gần bệnh viện Memorial trong vòng hai tuần. Lauren không chịu tin điều đó, một quyết định như vậy cần phải được thông qua bởi hội đồng kỷ luật và cô có thể được tự biện hộ cho mình trước hội đồng này. Fernstein yêu cầu cô hãy nghe những lý lẽ của ông. Ông đã đạt được không mấy khó khăn thoả thuận của lãnh đạo bệnh viện Mission San Pedro rằng họ sẽ không kiện tụng gì cả, nhưng để thuyết phục Brisson rút đơn kiện, cần phải có một cái gì đổi lại. Gã bác sĩ này đã đòi hỏi phải có một sự trừng phạt để làm gương. Hai tuần nghỉ việc không ăn lương là cái đỡ tệ nhất so với điều mà cô sẽ phải hứng chịu nếu ông không dập tắt được vụ này đi như vậy. Cho dù cô có nổi giận đi nữa khi nghĩ đến những đòi hỏi cay cú của Brisson. Lauren phẫn nộ trước sự bất công đã khiến gã đồng nghiệp đểu cáng của cô không hề bị trừng phạt gì về những hành động khinh suất mà gã đã không chịu thừa nhận, nhưng cô biết rằng giáo sư đã bảo vệ đường công danh của cô.
Cô nhẫn nhục chấp nhận bản án. Fernstein bắt phải thề sẽ tôn trọng thoả thuận này đến từng ly từng tý một: cô không được lảng vảng quanh bệnh viện trong bất cứ trường hợp nào, cũng không được liên lạc với các thành viên trong nhóm làm việc của cô. Thậm chí cô còn bị cấm không được đến cả quán Parisian Coffee nữa.
Khi Lauren hỏi giáo sư xem cô có quyền làm gì trong mười lăm ngày bị mất không ấy, Fernstein trả lời cô một cách mỉa mai: rốt cuộc cô sẽ có thể nghỉ ngơi. Lauren nhìn vị giáo sư của mình, biết ơn và giận dữ, cô đã được cứu thoát và phải chịu thua. Cuộc đàm luận không kéo dài hơn mười lăm phút. Fernstein khen căn hộ của Lauren, ông thấy nó có vẻ nữ tính hơn nhiều so với hình dung của ông, Lauren chỉ ngón tay với vẻ ra lệnh để mời ông ra cửa. Ra đến hành lang, Fernstein nói thêm rằng ông đã ra những chỉ thị cụ thể cho tổng đài để họ không nhận mọi cú điện thoại do cô gọi, trong thời gian bị phạt, cô bị cấm cả việc hành nghề y bằng điện thoại nữa. Bù lại, cô có thể lợi dụng thời gian này vào việc tra cứu những bài giảng cuối cùng của thời kỳ bác sĩ nội trú.
Trên đường về, Fernstein cảm thấy một cơn đau ghê gớm. "Con cua" (23) đang gặm nhấm người ông vừa mới "cắn". Ông lợi dụng một chỗ đèn đỏ để lau mồ hôi chảy nhỏ giọt trên trán. Phía sau ông, một người lái xe sốt ruột bấm còi xe để nhắc ông đi tiếp nhưng vô ích, ông không lấy được sức lực để nhấn vào chân ga. Ông bác sĩ già mở cửa kính ra và hít thở thật sâu, cố lấy lại chút sức lực còn thiếu. Cơn đau xâm chiếm dữ dội và mắt ông mờ đi. Trong một nỗ lực cuối cùng, ông tách ra khỏi luồng xe và đỗ được vào một bãi đậu xe dành cho khách hàng của một hiệu bán hoa.
Xe tắt máy, ông nới cravat ra, cởi những chiếc cúc ở cổ áo sơ mi và gục đầu lên tay lái. Mùa đông năm nay, ông muốn đưa Norma đi vùng núi Alpes và ngắm tuyết thêm một lần nữa, sau đó ông sẽ đưa bà đến tận Normandie. Chú ruột của ông, người đã để lại dấu ấn trong tuổi thơ của ông, yên nghỉ ở đó trong một nghĩa trang, giữa chín nghìn ngôi mộ khác. Cơn đau cuối cùng cũng dịu đi, ông khởi động lại máy rồi đi tiếp, cảm ơn trời là cơn đau này đã không xảy ra trong một ca mổ.
Một chiếc Audi màu xám lăn bánh về phía Marina, thời tiết thật dễ chịu vào lúc cuối ngày. Các cô gái xinh đẹp vào giờ này thường đến chạy ở những lối đi dọc theo bến cảng du thuyền nhỏ. Một phụ nữ trẻ dắt chó dạo chơi ở đó. Paul đỗ và khu vực đậu xe và đi bộ ra gặp cô.
Lauren đang chìm đắm trong những suy nghĩ của mình, cô giật nảy người khi anh đến gần và nói với cô:
- Xin lỗi cô, - anh nói - tôi không muốn làm cô sợ.
- Cảm ơn anh đã đến nhanh như vậy. Anh ấy thế nào rồi?
- Khá hơn rồi, cậu ấy đã rời khoa hồi sức, cậu ấy đã tỉnh dậy và có vẻ không đau.
- Anh đã nói chuyện với bác sĩ nội trú trực chưa?
Paul mới chỉ nói chuyện được với một y tá, cô ấy có vẻ tin tưởng. Arthur hồi phục rất tốt. Ngày mai, cô ấy sẽ tháo ống truyền và sẽ bắt đầu cho cậu ấy ăn trở lại.
- Đó là dấu hiệu tốt - Lauren nói và buông dây dắt con Kali ra.
Con chó chạy đi nhảy nhót theo sau mấy con chim hải âu đang bay là là trên thảm cỏ.
- Cô được nghỉ một hôm à?
Lauren giải thích cho Paul rằng vụ giải cứu đã khiến cô phải trả giá bằng hai tuần đình chỉ công việc. Paul không biết nói gì.
Họ đi vài bước bên nhau, cả hai cùng im lặng.
- Tôi đã cư xử như một thằng hèn - cuối cùng, Paul thú nhận - Thậm chí tôi còn không biết cảm ơn cô thế nào về những việc mà cô đã làm đêm hôm ấy. Tất cả là lỗi tại tôi. Ngày mai tôi sẽ ra đồn cảnh sát trình diện và nói với họ rằng cô không có lỗi gì cả.
- Anh đến muộn rồi, Brisson đã rút đơn kiện, cậu ta đòi đổi nó bằng một hình phạt. Cái bọn lăng xăng chuyện ngồi bàn đầu thời đi học ấy, đến khi thành người lớn rồi vẫn cứ tiếp tục hễ có dịp là bẩm báo.
- Tôi rất tiếc - Paul nói - Tôi còn có thể làm gì được không?
Lauren dừng lại nhìn Paul chăm chú.
- Tôi thì tôi không tiếc! Tôi nghĩ là chưa bao giờ tôi cảm thấy rõ rằng mình đang sống như trong những giờ vừa qua.
Cách họ vài mét có một quầy hàng bán kem và các đồ giải khát. Paul mua một cốc soda, Lauren muốn một chiếc em dâu ốc quế, và trong lúc Kali tìm cách quyến rũ một con sóc đang rập rình nhìn nó từ trên cành cây, hai người ngồi xuống bên một chiếc bàn gỗ.
- Hai anh gắn bó với nhau bằng một tình bạn đẹp thật đấy.
- Từ lúc bé đến giờ chúng tôi không hề xa nhau, chỉ trừ cái hồi Arthur sang sống ở Pháp thôi.
- Đó là một chuyến đi vì tình cảm hay vì công việc vậy?
- Đi vì công việc nói chung là lĩnh vực của tôi, còn cậu ta thì là đi để giải khuây.
- Anh ấy đi để trốn tránh một cái gì đó à?
Paul nhìn thẳng vào mắt cô.
- Cô!
- Tôi ấy à? - Lauren sửng sốt hỏi.
Paul uống một ngụm nước soda và lấy mu bàn tay quệt miệng.
- Phụ nữ! - Paul cau có nói tiếp.
- Tất cả phụ nữ à? - Lauren mỉm cười tiếp lời.
- Đặc biệt là một người.
- Một mối tình tan vỡ chăng?
- Cậu ấy kín đáo lắm, cậu ấy sẽ giết tôi nếu nghe thấy tôi nói chuyện này.
- Vậy ta nói sang chuyện khác đi.
- Thế còn cô - Paul hỏi - Cô có ai chưa?
- Anh không định tán tỉnh tôi đấy chứ? - Lauren vui vẻ hỏi.
- Chắc chắn là không rồi! Tôi bị dị ứng với lông chó.
- Tôi có một người; một mối quan hệ không chiếm nhiều vị trí trong đời tôi, - Lauren trả lời - nhưng tôi nghĩ là tôi tìm được một sự cân bằng nào đó trong cái tình huống khập khiễng này. Giờ giấc làm việc của tôi không dành nhiều chỗ cho một cuộc sống nào khác ngoài đời bác sĩ. Sống hai người đòi hỏi phải có nhiều thời gian.
- Này cô ạ, thời gian càng trôi qua nhiều thì tôi càng thấy rằng sự cô đơn, dù là đã được che đậy, làm ta mất đi nhiều thứ lắm! Sống vì nghề nghiệp của mình không nên trở thành một mục đích tự thân.
Lauren gọi con Kali đang đi hơi xa. Cô quay về phía Paul.
- Nếu liên hệ với cái đêm mà tôi vừa trải qua thì tôi không chắc là anh bạn của anh sẽ tán thành ý kiến ấy đâu. Hơn nữa, chúng ta không đủ thân thiết để tiếp tục câu chuyện này.
- Tôi rất tiếc, tôi không muốn giáo huấn gì đâu, chỉ có điều là...
- Là gì? - Lauren ngắt lời.
- Không có gì cả!
Lauren đứng dậy và cảm ơn Paul về chiếc kem mà anh đã mời cô.
- Tôi có thể nhờ anh một việc được không?
- Việc gì cũng được.
- Tôi biết là điều này có thể hơi sỗ sàng, nhưng không rõ tôi có thể thỉnh thoảng gọi điện cho anh để biết tình hình bệnh nhân của tôi được không, tôi không có quyền gọi điện thoại đến bệnh viện...
Gương mặt Paul sáng lên.
- Tại sao anh lại mỉm cười như vậy? - Lauren hỏi.
- Chẳng vì sao cả, tôi e rằng chúng ta chưa đủ thân để biến việc này thành đề tài nói chuyện của chúng ta được.
Một sự yên lặng ngự trị trong vài phút.
- Cứ gọi điện cho tôi khi nào cô muốn nhé... Cô có số máy của tôi mà!
- Tôi xin lỗi, tôi có số điện thoại này qua Betty, nó được ghi trên giấy nhập viện của bạn anh, mục "người cần liên lạc trong trường hợp khẩn cấp".
Paul viết nguệch ngoạc số điện thoại nhà mình vào phía sau một tờ biên lai rút tiền bằng thẻ tín dụng và đưa cho Lauren, cô có thể tìm gặp anh khi nào cô thấy cần. Cô nhét tờ giấy vào túi quần jean của mình, cảm ơn anh và rời bước.
- Bệnh nhận của cô tên là Arthur Ashby - Paul nói, vẻ hơi láu lỉnh.
Lauren gật đầu; cô vẫy chào anh bằng một cử chỉ thân thiện rồi đi tìm Kali. Khi cô đi được một đoạn khá xa rồi, Paul bèn gọi điện thoại đến bệnh viện Memorial. Anh đề nghị được nối máy đến phòng y tá khoa thần kinh. Anh có một tin rất quan trọng cần thông báo cho bệnh nhân ở phòn 307. Cần phải chuyển cho bệnh nhân đó tin này càng sớm càng tốt, thậm chí vào ban đêm cũng được nếu như anh ta thức dậy.
- Tin nhắn thế nào? - nữ y tá hỏi.
- Nói với cậu ấy là cậu ấy đã lọt vào mắt xanh rồi!
Và Paul tắt máy, sung sướng. Cách anh không xa, một phụ nữ đang nhìn anh, vẻ buồn bã và tức giận. Paul nhận ra cái dáng quen thuộc từ một chiếc ghế băng đứng dậy và đi ra phố. Đến cách anh vài mét, Onega gọi một chiếc taxi. Anh chạy về phía cô, nhưng không đến được chỗ cô trước khi cô chui vào taxi và xe lăn bánh đi xa.
- Chuối thật! - Anh nói khi còn lại một mình trên bãi đậu xe ở khu Marina.
Chú thích
23. Cách gọi theo nghĩa gốc của từ cancer (ung thư) (ND).
Gặp Lại Gặp Lại - Marc Levy Gặp Lại