Gái công xưởng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12
hương 12: Thương xá Hoa Nam
Bản đồ Đông Quản của Xuân Minh ghi dấu những người mà cô từng gặp. Trong mười ba năm qua, cô đã sống ở bảy thành thị trấn của Đông Quản và thay đổi chỗ ở, theo ước lượng của cô, tới mười bảy lần. Ở Thanh Khê hẻo lánh từ một thư ký nhà máy cô đã vươn lên vị trí trưởng bộ phận và được tăng lương năm trăm nhân dân tệ. Ở Trung Sơn cô tham gia vào cơn sốt bán hàng trực tiếp. Ở Quảng Châu cô là nhà báo với biệt tài biến báo. Cô chuyển đến sống tại khu thương mại của thành phố cùng với bạn trai và mở công ty cùng anh ta - một sự đặt cược đúp ở Đông Quản - nhưng rồi công việc kinh doanh này đổ bể, hai người chia tay, cô buộc phải bắt đầu lại từ đầu.
Kể từ cuối những năm 1990, cô bán vật liệu xây dựng. Hầu như cả ngày cô làm việc tại các công trường xây dựng và bên trong các khu cửa hàng bán sơn, ống nước, vữa, keo dán. Đó là thế giới của đàn ông nhưng cô thích công việc đó, cô thích làm việc ngoài trời và không bị chôn chân nơi văn phòng. Nghề xây dựng đối với tôi có vẻ là xa vời nhất trong số các ngành nghề công nghiệp, nhưng đối với Xuân Minh nó lại có nghĩa là tự do.
Cô đã sống ở một vài nơi không chỉ một lần, nhưng chỉ có nơi gần đây nhất cô đã từng sống còn lưu lại trong ký ức của cô, tựa như một văn bản máy tính tự ghi đè lên các phiên bản cũ hơn. Vào một đêm mùa xuân, cô và tôi thuê một chiếc xe máy đi qua một quận tên là Hổ Môn. Chúng tôi đi ngang qua một khách sạn sang trọng có tám trăm phòng. Từ trên nóc nhà, ánh đèn màu đỏ, xanh da trời và xanh lá cây quét những vòng cung rộng trên bầu trời. "Em đã thấy tòa khách sạn này từ từ mọc lên," Xuân Minh nói. "Em đã bán ống nước cho tòa nhà này." Đó là bảy năm về trước, khi cô bắt đầu công việc kinh doanh vật liệu xây dựng. Hổ Môn cũng là nơi cô đã lang thang không nhà không cửa sau khi trốn thoát khỏi tiệm làm tóc. Và đó cũng là nơi cô đã làm việc khi cô lần đầu thoát ly khỏi làng quê.
Sau khi đã sống ở Đông Quản vài năm, cô coi thành phố này như là nhà mình. Quá khứ của cô được khắc ghi trên những tòa nhà của thành phố, trong những đường ống dẫn nước cho một trong những khách sạn lớn nhất của thành phố, lịch sử của cá nhân cô được viết trên thạch cao, thép và đá.
o O o
Một buổi chiều tôi đi cùng Xuân Minh đến một quận xa trung tâm thành phố, gần bến xe buýt. Ở một công trường xây dựng lớn, khu thương xá lớn nhất thế giới đang được xây dựng. "Chỉ có năm trăm nhãn hiệu lớn nhất thế giới mới được có mặt ở đây," Xuân Minh nói với tôi, "ví dụ như KFC và McDonald's." Nhưng Thương xá Hoa Nam đang khiến cô phải đau đầu. Một nhà thầu phàn nàn rằng sơn do công ty cô cung cấp xuất hiện các vết nứt, ông ta muốn được tu sửa lại. Cho đến lúc này, ông ta vẫn đang giữ lại khoản tiền 140.000 nhân dân tệ, tương đương với hơn 17.000 đô la Mỹ.
Các thương xá (shopping mall) - tiếng Trung Quốc gọi là mo (ma), giống như trong từ modeng (ma đăng - modern), hiện đại - là những thứ đầy mới mẻ đối với hoạt động bán lẻ của Trung Quốc. Các chủ đầu tư xây dựng công trình mong muốn công trình có được vẻ hoành tráng và nét đặc sắc kiểu phương Tây, nhưng trước đó họ hết sức lúng túng, họ không có khái niệm gì về việc ngành công nghiệp bán lẻ sẽ hoạt động như thế nào trong một khu thương xá. Khi bắt tay vào việc thiết kế, điều quan trọng là xây dựng chúng càng lớn càng tốt. Thương xá Hoa Nam tọa lạc trên mảnh đất rộng 6,5 triệu mét vuông, có một con sông nhân tạo dài 2,1 km được trang bị các con thuyền gondola(31). Một tập sách quảng cáo nhắc đến thương xá này như là "Công viên giải trí năng động theo chủ đề" và đặc biệt đề cập đến tàu lượn giải trí siêu tốc (roller coaster), rạp chiếu phim IMAX (khổ lớn) với màn hình rộng bằng sân bóng rổ, và một thứ gọi là Trung tâm giải trí giáo dục Teletubbies(32)).
Xuân Minh và tôi chờ đại diện nhà thầu đến. Nhiều tòa nhà của khu thương xá đã được dựng lên, mặt liền của chúng theo các phong cách kiến trúc khác nhau. Có các mái vòm, tháp, cột, một tòa nhà được trang trí với những chữ thập theo môtíp Cơ Đốc giáo rõ rệt. Một dãy biển quảng cáo cho khu thương xá dọc theo vỉa hè, trên mỗi biển quảng cáo là một từ tiếng Anh, giống như trò chơi đố chữ không lời giải đáp.
SPIRIT (Tinh thần)
STINK (Khó ngửi)
ILLUSIVE (Ảo tưởng)
NATURE (Tự nhiên)
SPORT FUL (Đầy chất thể thao)
POPPLE (Cuồn cuộn)
GLORIOUS (Huy hoàng)
"Cô có chắc là họ sẽ không phản đối việc tôi có mặt ở đây chứ?" Tôi hỏi Xuân Minh.
"Chị đừng lo lắng về điều đó," cô nói to. "Những người này cũng làng nhàng thôi."
Ngay lúc đó, một chàng trai trẻ gầy gò đi xe đạp địa hình đến và phanh kít lại, bùn bắn tung tóe lên giày chúng tôi.
"Anh là Mộc đúng không?" Xuân Minh nói, có vẻ hơi bối rối một chút.
"Phải. Tôi là quản trị dự án."
"Thế ai là ông Vương? Người đi lại có phần khó khăn ấy, anh có biết không?" Cô tế nhị hỏi.
"Ông ấy là chủ tịch."
"À, ra là ông chủ tịch. Có phải ông Hoàng là giám đốc điều hành không?"
"Không có ai tên là Hoàng cả. Chỉ có ông Vương thôi."
Một đại diện của công ty Xuân Minh đến và đưa chúng tôi đi xem xung quanh một vòng. Công trường xây dựng giống như một cái hồ đầy bùn, những vũng bùn lớn nhất được bắc tấm ván gỗ ngang qua. Đi qua một tòa nhà là đến một tòa nhà khác có các vết nứt trên bề mặt, một vài vết nứt chạy dọc cả bề mặt tòa nhà. Đồng nghiệp của Xuân Minh phàn nàn về chất lượng thi công. Các bề mặt khác được sơn bằng sản phẩm của một công ty đối thủ cũng cần phải tu sửa lại. Xuân Minh gật đầu: "Họ chỉ đang cố gắng tránh phải trả tiền," cô nhanh chóng kết luận.
Đồng nghiệp của cô dẫn chúng tôi đến góc tòa nhà. "Nhìn này," anh ta nói, chỉ vào một vết nứt khá lớn ở chân tường. Xuân Minh quỳ xuống và thọc mấy ngón tay vào chỗ đó. Một mảnh cỡ bằng nắm tay của thương xá lớn nhất thế giới bong ra rơi xuống tay cô.
Cô nghi ngờ là có sự tham nhũng ở đây. Giá vật liệu thô đang tăng, nhiều công ty xây dựng chọn cách lược bớt quy trình và đang nợ dây dưa. Trong thế giới thương mại nơi việc dám mạo hiểm được tưởng thưởng, mọi người đều căng thẳng. Chúng tôi đi lại một vòng quanh khu liên hợp. Xuân Minh ngước nhìn tòa tháp bằng thép đang vươn lên trời cao; trong tương lai gần, một trò chơi trong công viên giải trí sẽ ném các hành khách xuống từ độ cao sáu chục mét. "Tôi hy vọng rằng việc xây dựng tòa tháp này sẽ có chất lượng tốt hơn," cô nói. Anh chàng đại diện nhà thầu lại xuất hiện trên chiếc xe đạp. "Tôi nghĩ vấn đề là do việc xây dựng tòa nhà này, không phải do sơn," Xuân Minh nói với anh ta. Cô liến thoắng lặp lại những điều mà đồng nghiệp của cô đã nói về lưới thép, bê tông cốt sắt và bong bóng khí.
Anh chàng nhà thầu không giấu nổi vẻ thất vọng. Ngày khánh thành giai đoạn đầu tiên của khu thương xá, anh ta nói, chỉ còn hai tuần nữa. Điều này có vẻ cực kỳ không khả thi với tình trạng hiện tại của khu thương xá nhưng lại hoàn toàn có thể nếu xem xét đến mọi việc xung quanh đang vận hành. "Tôi không quan tâm đó là vấn đề của nhà máy hay vấn đề của ai," anh ta nói. "Nếu chúng ta không hoàn thành, chúng ta sẽ không nhận được tiền. Và chúng ta đang nói tới vài triệu nhân dân tệ, chứ không phải vài nghìn."
Lâm vào tình trạng bế tắc, họ bấm số di động gọi điện cho các vị lãnh đạo của mình. Giọng của Xuân Minh là to nhất. "Tôi đã nói chuyện với anh què!" Có lúc cô hét lên. Cả ba người đều trẻ trung và nói tiếng phổ thông với giọng thôn quê rất nặng; có thể chẳng ai trong số họ từng được hướng dẫn về kinh doanh, xây dựng, hay thầu khoán trong đời. Xuân Minh quay sang anh nhà thầu và bình tĩnh nói: "Tôi tin rằng vấn đề không phải là do sơn. Nhưng nếu anh muốn thử kiểm tra, tôi sẽ cử cán bộ kỹ thuật của chúng tôi đến." Cuối cùng công ty của cô đồng ý làm một vài việc tu sửa, còn nhà thầu đồng ý trả số tiền còn nợ, thế là thương xá đã khánh thành vào hai tuần sau, đúng theo kế hoạch.
HAI NĂM SAU TÔI GHÉ QUA THƯƠNG XÁ HOA NAM vào một chiều cuối tuần. Quầy McDonald's và Pizza làm ăn rất phát đạt, nhưng những chỗ còn lại thì đều không sinh lời. Chỉ có một vài cửa hàng, nhưng hoặc bị bỏ hoang phế hoặc đã đóng cửa. Hầu hết khu thương xá là những phòng trống, với những cánh cửa kính được xích lại và những bức tường vữa trần trụi, tựa như việc thi công vẫn đang tiếp tục. Hai khu vực mở cửa ở sảnh chính để đầy nhà phao hình lâu đài, các ông bố bà mẹ trả vài nhân dân tệ cho trẻ em vào chơi nhảy lên nhảy xuống. Đó có vẻ như là một phát kiến trong chừng mực nào đó - việc sử dụng không gian bên trong thương xá theo cách kém hiệu quả nhất trong toàn bộ nền công nghiệp bán lẻ.
Thương xá Hoa Nam đối với tôi giống như là một bảo tàng lịch sử khác của Đông Quản. Dựng lên một tòa nhà là việc đơn giản, việc khó khăn, là tính toán được trong tòa nhà đó sẽ có những gì. Cuối cùng, sơn hóa ra lại là vấn đề nhỏ nhặt nhất đối với khu thương xá, trong ánh chiều tà mặt tiền của các tòa nhà trông rực rỡ và mới tinh. Có nhiều hơn một cách dẫn đến thất bại của một khu thương xá.
o O o
Nạn tham nhũng thấm vào trong cuộc sống ở Đông Quản. Những người lái xe mô tô mời mọc khách bộ hành mặc áo khoác có chữ DÂN PHÒNG TÌNH NGUYỆN, một danh hiệu rõ ràng là thiếu trung thực được sử dụng để lách luật cấm các hoạt động mang lại lợi nhuận liên quan đến xe mô tô. Một quy định giới hạn các bữa tiệc của chính quyền chỉ có "bốn đĩa, một bát canh", nhưng các quan chức đối phó lại bằng cách gọi những món khai vị nấu từ hải sản quý hiếm giá hàng nghìn nhân dân tệ. Bằng lái xe là một thủ đoạn làm tiền khác. Các lái xe khao khát lấy được bằng lái phải tham dự năm mươi giờ học ở các lớp học thuộc trường của nhà nước, nhưng trong ngày kiểm tra họ vẫn phải hối lộ những người chấm thi. "Trong mỗi xe có bốn người tham dự thi kiểm tra," một quản lý nhà máy giải thích cho tôi, "nếu một người không chịu đưa tiền, cả bốn người có thể bị đánh trượt."
Mọi việc dễ dàng hơn nhiều khi mua một bằng lái giả, giống như Xuân Minh đã làm cách đây một năm. Vào lúc đó cô đã theo học một vài lớp - "Tôi biết làm thế nào để lái về phía trước" - và cô phát hiện ra rằng cho đến một ngày cô sẽ học được tất cả những gì cần biết. "Lái xe không khó," cô bảo tôi. "Vấn đề mấu chốt là không được giận dữ với những người khác."
Tiền lại là một vấn đề phổ biến trong ngành của cô. Để có thể bán được hàng, cô thường phải chi bôi trơn khoảng 10% là tiền lót tay cho bên mua, điều đó có nghĩa là những người đi mua một sản phẩm còn kiếm được nhiều tiền từ hợp đồng hơn cả nhà máy bán sản phẩm. Một vài khách hàng tiềm năng sẽ hỏi thẳng Xuân Minh: Cô sẽ đưa tôi bao nhiêu? Những người khác thì dè dặt hơn. Nhưng cứ nhìn các căn hộ và xe hơi đẹp của họ thì biết, cô nói, rốt cuộc ai cũng nhận tiền lại quả. Tham nhũng đã thâm nhập vào ngôn ngữ. Từ "tiền hoa hồng," yongjin (dung kim), nghĩa là một khoản phần trăm hợp pháp mà người bán được hưởng, nhưng nó cũng có nghĩa là tiền lại quả bất hợp pháp cho người mua. về mặt ngôn ngữ, bạn không thể phân biệt giữa giao dịch hợp pháp và không hợp pháp, dù cho bạn muốn làm điều đó chăng nữa. Vào dịp Tết âm lịch, khách hàng được tặng các hồng bao - phong bao màu đỏ đựng tiền - và những hộp quà hoành tráng đựng trà, rượu và thuốc lá, gọi là li (lộc), nghĩa là quà. Tôi chưa bao giờ nghe thấy người ta sử dụng từ "hối lộ".
"Điều này thật xấu xa," Xuân Minh nói. "Nhưng thậm chí dù bản thân chị không làm như vậy, cũng chẳng thể thay đổi được gì." Cô có quy tắc đạo đức cá nhân của riêng mình. Cô từ chối bán các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng có thể gây hại cho người khác. Nếu cô ở phía người mua trong một cuộc giao dịch, cô nói: "Em sẽ không hỏi, nhưng nếu người ta đưa tiền lại quả cho em thì em cũng không từ chối."
Một buổi chiều, cô nói đến chuyện anh trai cô đã chuyển tới sống ở Thâm Quyến. "Anh ấy làm gì ở đó?" Tôi hỏi.
"Công việc của anh ấy không được đúng đắn cho lắm," cô nói. "Anh ấy làm việc với những người khác..." Cô do dự, rồi tiếp tục nói. "Về cơ bản thì những gì anh ấy làm là bất hợp pháp." Anh trai cô bán lại điện thoại di động cũ. Thường những chiếc điện thoại này là đồ án cắp, sẽ được thay lớp vỏ bảo vệ bàn phím để trông có vẻ mới. Xuân Minh không chê trách gì anh trai, cô nói với tôi rằng anh ấy cố gắng làm ăn ở nhà nhưng không thành công.
"Liệu ở Đông Quản có nhiều tham nhũng hơn ở quê cô không?" Tôi hỏi.
Xuân Minh lắc đầu. "Cũng từa tựa nhau thôi. Chỉ có điều ở đây có nhiều cơ hội hơn."
Một hôm khác cô kể với tôi anh trai của một người bạn đã thi được điểm cao trong kỳ thi tuyển công chức của thành phố. Tôi hỏi cô kiểu người nào mong muốn được trở thành công chức. "Các ông chủ lớn cần sự giúp đỡ của công chức với các mối quan hệ phù hợp," cô giải thích. "Và các công chức làm việc với công ty. Đó là một hình thức hợp tác. Vì vậy quyết định trở thành công chức nhà nước chỉ là một cách khác để kinh doanh." Cô không đề cập đến sự ổn định trong công việc, hay uy tín, hay mong muốn được phục vụ đất nước. Trở thành công chức nhà nước chỉ là một con đường khác để thâm nhập vào nền kinh tế thị trường. Đó là lời giải thích hay nhất mà tôi từng được nghe về lý do tại sao ở Trung Quốc người ta lại muốn vào làm trong nhà nước.
o O o
Ông chủ của Xuân Minh đỗ chiếc xe đa dụng thể thao Toyota màu xanh lá cây rồi đi về phía cô và tôi đang đợi. Ông ta trạc tuổi tứ tuần, gương mặt vuông nhại nhẽo đeo kính, ông ta có vẻ ngoài phổ biến của các doanh nhân, với cái áo sơ mi màu nâu và bộ com lê màu xám. Ông ta cất tiếng chào Xuân Minh và tảng lờ tôi.
"Chủ tịch Trần, xin giới thiệu đây là bạn tôi," Xuân Minh nhắc. Chủ tịch Trần quay đầu một góc mười lăm độ cho tới khi tôi lọt vào tầm nhìn của ông ta. Ông ta mỉm cười bắt tay tôi, tựa như lúc đó tôi mới trở nên hữu hình. Họ đã tới Thâm Quyến để đàm phán hợp đồng với các đại lý bán hàng. Điểm dừng đầu tiên là một văn phòng ở vị trí mặt tiền, nơi họ ngồi đợi giữa các thùng dán nhãn VỮA GẠCH MEN và HỒ CHỒNG THẤM NƯỚC. Và chờ đợi. Lúc đó là mười giờ sáng, ông chủ Tạ đến muộn.
Có một vài quy tắc khi làm kinh doanh ở Trung Quốc: Không bao giờ lên kế hoạch trước. Không bao giờ tắt điện thoại di động. Không bao giờ đến đúng giờ.
Xuân Minh giết thời gian bằng cách moi tin tức từ một cô gái trẻ làm việc trong văn phòng. "Tôi vừa thấy nhiều hàng đặt theo đơn cho sản phẩm của Davco chở ra khi chúng tôi đến," cô nói, điểm tên một nhãn hàng của công ty đối thủ.
"Phải."
"Chở tới đâu vậy? Đến công trường xây dựng à?"
"Phải." Cô gái kể tên một dự án.
"Hàng đó bán rất chạy phải không?"
"Phải.
"Cô mới vào đây làm việc phải không?" Xuân Minh hỏi.
"Tháng trước."
Chủ tịch Trần hạ thấp tờ báo ông đang đọc xuống. "Doanh số bán hằng tháng dạo này thế nào?"
"Vẫn tốt," cô gái đáp.
"Nhưng nếu cô mới chỉ vào đây làm có một tháng," ông ta nói, "làm sao cô biễt được là doanh số bán hàng vẫn tốt hay không?" Cô gái đỏ mặt không nói gì nữa.
Chủ tịch Trần hỏi Xuân Minh rằng, cô đã tìm được địa điểm cho cửa hàng mới ở Đông Quản chưa? Cô mô tả một vài vị trí có khả năng trong khi ông ta tiếp tục đọc báo, thỉnh thoảng lại nhếch mép hỏi vài câu mà không nhìn Xuân Minh.
Khi cô vẫn tiếp tục nói, ông ta lấy điện thoại di động ra và bắt đầu bấm số. Điều đó có nghĩa là báo hiệu cho Xuân Minh biết cuộc trò chuyện của họ đã kết thúc.
ÔNG CHỦ TẠ ĐẾN MUỘN MỘT TIẾNG ĐỒNG HỒ. Ông ta mặc chiếc áo vest màu nâu và chiếc quần đen của hai bộ com lê khác nhau. Ông khoe khoang rằng có một khách hàng nợ ông ta chín trăm nghìn nhân dân tệ. Ông ta nói với Xuân Minh và chủ tịch Trần là ông ta muốn rút ra khỏi lĩnh vực bán lẻ. Xuân Minh nói trước tiên ông ta phải chuyển giao lại danh sách đầy đủ các khách hàng. Để đáp lại, ông chủ Tạ bắt đầu chĩa mũi dùi vào các sản phẩm do công ty của Xuân Minh sản xuất. Nhặt một viên gạch lát nền, ông ta dùng một hòn đá nhỏ rạch một đường lên bề mặt miếng gạch. "Xem này? Chất lượng không tốt." Vụ trình diễn này có vẻ như đã được luyện tập trước, viên gạch lát nền đã lỗ chỗ những vết rạch cũ.
Xuân Minh vội vã phản bác. "Đó chỉ là viên gạch mẫu."
"Đó là một viên gạch thật."
Chủ tịch Trần ngồi ngả người ra sau ghế, hút Marlboro một cách đầy khoa trương mà không thèm mời ai. Khi ông ta cất lời, thường là để chỉnh lại những điều mà Xuân Minh đã nói.
"Chúng tôi sẽ thảo một hợp đồng..."
"Hợp đồng không quan trọng. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần lập danh sách khách hàng."
Tôi tưởng tượng ra Xuân Minh sẽ nói gì nếu cô được sắp xếp gặp chủ tịch Trần trong một cuộc hẹn hò mà hai bên chưa hề biết mặt nhau.
Anh ta không hề nhìn vào mắt tôi trong suốt thời gian chúng tôi nói chuyện!
Anh ta mặc áo sơ mi màu nâu với quần màu xám!
Anh ta thật là hạ cấp!
Nhưng vì ông ta là ông chủ, nên cô không phản ứng gì.
CUỐI NGÀY HÔM ĐÓ, Xuân Minh và ông chủ của cô đến gặp một đại lý bán hàng khác. Họ đã sắp xếp cuộc gặp với ông chủ Lạc tại cửa hàng của ông ta nằm trong một khu buôn bán vật liệu xây dựng, nhưng họ gặp khó khăn khi tìm ông ta. Họ tìm kiếm các cửa hàng bán sơn, trong khi đó hóa ra cửa hàng của ông ta lại bán vòi nước và tay nắm cửa. Đây là một quy tắc kinh doanh khác: Đa dạng hóa một cách điên cuồng.
Xuân Minh thông báo rằng họ muốn dành cho ông ta đặc quyền với hoạt động bán lẻ của công ty tại Thâm Quyến. Ông chủ Lạc tỏ vẻ quan tâm.
"Tất cả dữ liệu bán hàng của ông có được nhập vào máy tính không?" Xuân Minh hỏi.
"Không," ông chủ Lạc đáp. "Các nhân viên bán hàng của chúng tôi hoạt động trực tiếp ngoài thị trường. Một khi họ tới đó, họ sẽ biết được ngay mọi việc đang diễn ra."
"Không cần thiết," Xuân Minh nói. "Nếu ông có những con số chính xác, ông sẽ biết được hoạt động bán hàng của ông đang diễn ra thế nào."
Ông chủ Lạc không nói gì. Không để lại dấu vết gì về mặt giấy tờ. Chủ tịch Trần lên tiếng. "Ông thấy thế nào về việc bỏ những vòi nước này đi? Chúng thể hiện hình ảnh thương hiệu không phù hợp."
"Tôi không thể làm như vậy được," ông chủ Lạc nói, trông có vẻ phiền lòng. "Vòi nước là một mặt hàng mang lại doanh thu lớn cho chúng tôi."
Xuân Minh hỏi ông chủ Lạc về các mục tiêu bán hàng của ông ta, nhưng một lần nữa ông chủ của cô lại ngắt lời. "Cô có thể tìm hiểu sau." Chủ tịch Trần dường như thể hiện quá nhiều dấu hiệu của một nhà lãnh đạo không chuyên. Nhưng khi tôi đọc cuốn sách Vuông và Tròn, tôi thấy rằng các quy tắc để thành công trong cuốn sách mô tả chính xác hành vi của ông ta.
Khi ngồi đàm phán mặt đối mặt, ai thay đổi tầm nhìn trước sẽ giành được lợi thế.
Để duy trì vầng hào quang của mình và gia tăng tầm quan trọng, bạn phải xuất hiện càng ít càng tốt. Hãy để một cấp dưới thạo việc xuất hiện ở vị trí của anh. Chỉ khi mọi việc đã được giải quyết anh mới xuất hiện để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngày hôm đó kết thúc tại một công trường xây dựng khác, nơi Xuân Minh có cuộc gặp với hai đồng nghiệp. Nhiều sự cố hơn: một khách hàng phàn nàn rằng sản phẩm sơn lót của công ty họ - là loại sơn sẽ được sơn lên bề mặt của tòa nhà trước khi sơn thật sự - quá bột. Phải chờ đợi: người phụ trách dự án đang họp. Một ngày nào đó, Xuân Minh nói với tôi, hàng loạt căn hộ cao cấp sẽ mọc lên ở nơi này. Khi bóng họ đổ dài lên khu đất dưới ánh tà dương, cô và các đồng sự nói về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở nông thôn.
Ở quê có một nghĩa địa đằng sau nhà tôi. Tôi không sợ những người đã chết từ lâu. Nhưng những người vừa mới được chôn thì...
Ở làng tôi, cũng có một nghĩa địa đằng sau nhà tôi. Tôi đã tận mắt chứng kiến ngọn lửa xanh nhảy từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác. Họ nói rằng đó là linh hồn của những người đã khuất.
Bao lâu thì anh về nhà một lần?
Đã tám năm rồi tôi chưa về thăm nhà.
Cuối cùng đốc công cũng đến. Mọi người tập hợp lại quanh một mảng tường đã được sơn lót. Nó nhẵn và khô, như yêu cầu đối với sản phẩm. Xuân Minh chịu trách nhiệm. "Thỉnh thoảng có đôi chút khác biệt giữa các lô hàng khác nhau. Điều này có thể gây ra một chút khác biệt về mặt chất lượng."
"Nếu có vấn đề về chất lượng, thì điều này đối với tôi là rất quan trọng," người đốc công nói, anh ta không sẵn sàng nhượng bộ.
"Và nếu có vấn đề về chất lượng, đối với chúng tôi nó còn quan trọng hơn," Xuân Minh nhẹ nhàng nói. "Các ông cũng rất quan trọng đối với chúng tôi."
"Nhưng ngày ghi trên bao bì sản phẩm của tất cả lô hàng này đều ghi rằng chúng được sản xuất vào cùng một ngày. Làm sao lại có sự khác biệt về mặt chất lượng đuợc?"
Lai Công, đồng nghiệp của Xuân Minh làm ở phòng kỹ thuật, giải thích rằng một nhà máy sản xuất nhiều lô hàng trong cùng một ngày.
"Công nhân của ông phải đảm bảo việc sơn lót đúng quy cách," Xuân Minh nói. "Ông không thể để quá lâu giữa lớp sơn lót và lớp sơn chính, bởi vì lớp sơn lót sẽ bị quá khô. Hiện giờ ở Thâm Quyến trời rất khô. Ngay cả con người cũng cảm thấy điều đó." Nhân tính hóa bề mặt sơn rất xuất sắc.
Người đốc công bắt đầu xin lỗi mọi người. Đó là dấu hiệu thông thường rằng một cuộc họp bàn về công việc của người Trung Quốc đã kết thúc. "Thật ngại khi các anh chị đã phải đi đến tận nơi để xem xét!" "Không sao," Xuân Minh nói. "Nếu còn vấn đề gì nữa, hãy gọi trực tiếp Lai Công. Lai Công, anh đưa cho ông đây danh thiếp của anh đi" - chàng trai trẻ dò dẫm tìm trong túi đựng máy tính - "anh ta sẽ hỗ trợ ông." Xuân Minh và tôi đi ra đường quốc lộ để bắt taxi đến gặp các bạn cô trong bữa ăn tối. Hai chàng trai trẻ, những người có lẽ đang hy vọng về một lời mời ăn tối, thì đi dọc con đường theo một hướng khác, trông họ có vẻ thất vọng và đói.
XUÂN MINH VÀ TÔI NGỒI CHUNG XE TAXI quay về Đông Quản vào buổi tối hôm đó. "Đôi khi em thấy mình cần phải nạp lại năng lượng, như thể em không có đủ năng lượng," cô nói. "Em thiếu nhiều thứ. Em không biết tiếng Anh, em không biết sử dụng máy tính. Khi em gia nhập công ty này, em bảo ông chủ rằng em sẽ học tiếng Anh trong vòng hai năm. Giờ đây em đã làm được gần ba năm mà vẫn không biết tiếng Anh." Cô đang suy nghĩ về việc quay lại trường học tiếng Anh kiểu dây chuyền lắp ráp, nơi cô đã học một vài buổi và rồi bỏ ngang. Cô cũng nghĩ về việc bỏ công ty sơn nơi cô đang làm.
"Thế cô định làm gì?" Tôi hỏi.
"Các bạn em, nnững người đều đã là chủ của các công ty tư nhân do họ tự sáng lập nên, đang cố gắng thuyết phục em bắt đầu gây dựng công ty riêng của mình. Họ kiếm được hai mươi đến ba mươi ngàn nhân dân tệ một tháng. Nhưng nếu em làm như vậy, cuộc đời em chỉ còn có mỗi việc kiếm tiền. Em muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Em muốn tìm kiếm những loại hạnh phúc khác."
Dường như mọi thứ ở Đông Quản đều có thể quy về các con số: doanh số bán hàng, tiền lại quả, khả năng ngôn ngữ. Chiều cao của một anh bạn trai triển vọng. Bạn bắt đầu với các con số - Năm mấy thế? Kiếm được bao nhiêu tiền một tháng? Tăng ca thì được bao nhiêu tiền? - Các con số khác vẽ lại đồ thị phát triển của bạn: lương, số mét vuông của một căn hộ, giá của một chiếc xe hơi mới. Nhưng Xuân Minh đang tìm kiếm những thứ không thể đo đếm được. Khi chúng tôi đi nhanh trên đường cao tốc tối đen, các nhà máy của Trường An lướt qua vèo vèo ở hai bên đường. "Nếu vẫn còn ánh đèn sáng, có nghĩa là mọi người đang tăng ca," Xuân Minh nói. "Có nhiều người làm việc hàng năm trời trong cùng một nhà máy." Lúc đó là mười một giờ, nhưng nhiều nhà máy vẫn sáng đèn, mỗi nhà máy tỏa ra một quầng sáng xanh lạnh trong đêm tựa như một ngôi sao đang hấp hối.
o O o
Có hai điều quan trọng xảy ra ngay sau đó. Ông chủ của Xuân Minh cắt giảm tiền hoa hồng trên doanh số bán hàng của cô mà không một lời giải thích nào, và một người bạn tốt có tên là Lưu Hoa Xuân mua một chiếc Buick. Cô ta hai mươi sáu tuổi. "Cô ấy từng là thư ký trong một nhà máy giày," Xuân Minh kể với tôi. "Rồi cô bắt dầu tạo dựng nhà máy riêng của mình với tiền đầu tư của anh trai, học mọi thứ từ đầu đến cuối, trong vòng một năm cô ấy có đủ tiền mua xe hơi."
Những sự kiện đó khuyến khích Xuân Minh hành động. Mùa xuân năm 2005, cô hợp tác với một người bạn để buôn bán phụ tùng khuôn - các bộ phận bên trong của máy ép nhựa làm ra mọi thứ từ pít tông nước đến mắc áo. Họ đầu tư một trăm nghìn nhân dân tệ, tức là khoảng 12.500 đô la Mỹ, bao gồm tiền tiết kiệm và tiền đi vay của bạn bè. Đối tác làm ăn mới của Xuân Minh đã làm sáu tháng trong bộ phận tài chính của một nhà máy sản xuất phần cứng. Mối liên hệ duy nhất của Xuân Minh đối với khuôn đúc là từng làm việc trên dây chuyền lắp ráp từ một thập kỷ trước, khi cô làm xe ô tô và tàu hỏa đồ chơi bằng nhựa, nhưng cô không hề tỏ vẻ lo sợ. "Làm bất cứ việc gì tức là biết được cách cư xử như một con người," cô bảo tôi. "Nếu bạn có thể cư xử tốt, bạn sẽ làm tốt."
Cô không hề nói với ông chủ là mình bỏ việc, thực tế là cô cũng không bỏ việc. Vì dù sao cô cũng hiếm khi đến văn phòng, chủ tịch Trần không có cách nào biết được một trong những ngôi sao của đội bán hàng đã bỏ đi để bắt đầu gây dựng sự nghiệp riêng trong khi vẫn ăn lương của ông ta. Cô vẫn tiếp tục duy trì việc liên lạc với các khách hàng của mình và nhận lương hằng tháng. Đó là cách cư xử cổ điển kiểu Trung Quốc về mọi mặt: ông ta không nói với cô tại sao lại cắt giảm tiền hoa hồng. Cô không nói với ông ta cô đã bỏ công ty.
Cô cũng bắt đầu đi khám răng. Hai răng cửa của cô hơi bị chìa ra và cô đang cân nhắc việc "làm răng thẩm mỹ", nghĩa là bắt buộc phải nhổ các răng xấu và thay thế với răng giả bằng sứ. Sau đó bạn sẽ không thể cắn thứ gì cứng, ví dụ như gặm xương chẳng hạn. Xuân Minh cũng đang cân nhắc việc nẹp răng, nhưng việc này sẽ mất ít nhất một năm - làm răng thẩm mỹ thì có kết quả ngay lập tức. Một người bạn của bạn cô đã trải qua quá trình này. "Điều đó làm thay đổi vẻ bề ngoài của cô ta," Xuân Minh kể, "và hoàn toàn thay đổi cuộc đời cô ấy." Trong lần tới Đông Quản tiếp theo của tôi, Xuân Minh đã cung cấp cho tôi thông tin về những sự phát triển này, nhưng cô đề cập về những cái răng trước. Khuôn đúc là sự thay đổi về sự nghiệp, răng là sự thay đổi về thẩm mỹ, nhưng đối với Xuân Minh chứng đều là một phần của cùng một dự án. Cô lại đang trở thành một người khác.
CÔNG VIỆC KINH DOANH MỚI KHỞI ĐẦU bằng một sự dối trá: các đối tác in danh thiếp bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh viết rằng CÔNG TY PHẦN CỨNG VÀ CÁC BỘ PHẬN KHUÔN ĐÚC NGỌC HƯNG ĐÔNG QUẢN. Thực tế là không có công ty nào như vậy tồn tại, vào lúc đó, tất cả những gì có trên đời chỉ là một cửa hàng. "Công ty nghe có vẻ quy mô hơn," Xuân Minh giải thích.
Cô và đối tác làm ăn là Phú Quý, đang trên đường đến Thâm Quyến. Đó là ngày đầu tiên của Triển lãm quốc tế Trung Quốc lần thứ sáu về ngành công nghiệp máy móc và khuôn đúc. Trong xe taxi, Xuân Minh tiếp tục trả lời các cuộc gọi từ công việc cũ của cô. "Nếu nó ghi là chất phụ gia cho vữa không trộn cát trên bao bì, thì có nghĩa là ông có thể dùng nó," cô hét vào điện thoại. "Tôi có thể cho ông xem bảng giá, nhưng ông không được cho ai xem đấy nhé." Vào giữa các cuộc gọi, cô gọi cho anh trai để thông báo tin xấu về gia đình. "Chú bị ung thư dạ dày," cô nói bằng một giọng khẽ khàng hơn. "Em và anh phải gửi tiền về nhà ngay." Hội chợ được tổ chức tại Trung lâm Hội nghị và Triển lãm Thâm Quyến. Trung tâm này vẫn đang xây dựng và chưa được khánh thành chính thức, nhưng trên sàn nhà rộng lớn của khu trung tâm chật kín người, Xuân Minh và Phú Quý nhập hội với đám đông, giống như những chú cá tuế nhập vào dòng nước mạnh mẽ.
"Một vài máy này đáng giá cả triệu đồng!" Xuân Minh nói, mắt cô mở to vì phấn khích. Cô đi tới chỗ một cái máy sản xuất mắc áo bằng nhựa, "Ồ! Chúng tôi đã có những cái máy này khi tôi còn làm việc ở nhà máy." Một người đàn ông tự hào đưa cho cô một chiếc mắc áo màu xanh nước biển vẫn còn ấm, tựa như chiếc bánh mì mới ra lò vậy. Xuân Minh và Phú Quý ghé vào các gian hàng triển lãm, đưa danh thiếp và lấy các cuốn catalog hàng hóa. Mục đích của họ là gặp các nhà sản xuất phụ tùng hoặc các nhà phân phối chính, những người mua trực tiếp từ nhà máy và chào mức giá thấp nhất. Mọi người đều khẳng định mình là nhà cung cấp chính thức, nhưng khi họ chào giá, bạn biết là họ đang nói dối.
"Cô đang làm gì?" Một người đàn ông ở một gian hàng triển lãm hỏi Xuân Minh. Cô đề cập đến một loại lưỡi cưa, do dự một chút, và nói: "Chúng tôi làm nhiều thứ lắm. Hãy xem danh thiếp của tôi." Đôi lúc cô mặc cả. "Bao nhiêu?" Nhặt lên một mũi khoan và cầm trong tay ước lượng xem nó nặng bao nhiêu, tựa như cô đang mua hành ở chợ. Rồi: "Đắt thế? Khi chúng tôi tới, ông phải đưa ra một giá mềm hơn đấy."
Tôi ngơ ngác và thấy lúng túng trong hội chợ khuôn đúc này. Một gian hàng đang trưng bày thứ gì đó giống như một cục pin vàng cỡ lớn, một gian khác bán một ống hình trụ bằng kim loại có các lỗ sắp thành hàng, giống như một chiếc lô quấn tóc kiểu cổ. Tôi thấy một mớ các tua nhựa nhiều màu sặc sỡ giống như các sinh vật Tinkertoy. Quảng cáo xung quanh các gian hàng triển lãm không có tác dụng nhiều lắm. Các bảng quảng cáo mô tả những phụ tùng kim loại trên nền trời xanh hoặc đường chân trời thành phố, hoặc thỉnh thoảng là một nhóm bánh răng gộp lại thành hình tròn, tựa như đang di chuyển trong một quỹ đạo. Một vài bảng hiệu bằng tiếng Anh, nhưng chỉ là một thứ ngôn ngữ gồm hầu hết các danh từ bị nhồi nhét lại với nhau, giống như là một chiếc xe tải Mack Truck lèn đầy hàng. Nào là traction drive speed accelerator (máy gia tốc truyền động kéo). Nào là Turret punch press (máy dập-đột tháp xoay). Còn có electrical discharge machines (máy phóng điện) và centerless grinding (mài không tâm) và alloy quenching furnaces (lò tôi hợp kim).
Ngành công nghiệp này hầu như gồm toàn những người đàn ông vai u thịt bắp trông giống các vệ sĩ, mặc dù thỉnh thoảng cũng có một phụ nữ từ phòng tiếp thị của nhà máy bị buộc phải đến làm việc tại triển lãm. Quầy hàng hấp dẫn nhất trong triển lãm thuộc về Công ty khuôn công nghiệp chính xác Eva. Ba cô gái trẻ mặc áo sơ mi bó sát phân phát các tờ rơi trong khi một video về các bánh răng phụ tùng với nền nhạc disco rộn rã trình chiếu ở màn hình đằng sau họ.
Đến giữa buổi sáng, Xuân Minh và Phú Quý đã xách nặng trĩu tay các túi đựng catalog, giống như những khách hàng đi càn quét khu mua sắm mùa Giáng sinh. Họ xếp gọn ghẽ các chiến lợi phẩm này và tiếp tục đi tham quan khu triển lãm. Vào buổi trưa, Xuân Minh gọi cho một người bạn cũng muốn bắt đầu kinh doanh khuôn đúc và đề nghị Xuân Minh hợp tác cùng cô ta. Người bạn đó thậm chí còn chưa rời khỏi nhà. Đó là lúc mà Xuân Minh biết rằng liên minh với Phú Quý, cô đã chọn đúng đối tác kinh doanh.
CỬA HÀNG MỚI của họ nằm ở Trung tâm Máy móc và Phần cứng Quốc tế Trường Vinh, khu thương xá gồm các cửa hàng bán phụ tùng máy móc nằm gần nhà máy điện tử Bộ Bộ Cao. Nó nằm giữa một hàng dài các cửa hàng giống hệt nhau. Tầng dưới có một khu vực hội họp và các kệ trưng bày sản phẩm mẫu, trong khi tầng hai là nơi ở của họ. Trên sàn chỉ có một tấm đệm đơn nơi Phú Quý nằm ngủ. Trong tháng tiếp theo, Xuân Minh chuyển đến sống cùng. Cô và Phú Quý sơn lại các bức tường thành màu trắng tinh, chất đồ đạc vào cái bếp nhỏ gồm bộ nồi và bát đĩa cùng nồi cơm điện của Xuân Minh. Họ mang chiếc giường đôi của cô lên gác và tạo ra một phòng khách ấm cúng với các kệ để đồ, một cái ti vi, một chiếc tràng kỷ. "Nếu nơi tôi sống không sạch sẽ và thoải mái, tôi không thể làm việc được," Xuân Minh nói. Nhưng dù có trang trí cho căn phòng, giờ đây cô đang sống trong một khu thương xá bán phụ tùng máy móc. Nếu còn nhiều điều đáng để sống hơn là việc kiếm tiền, bạn không thể nhìn thấy những điều ấy ở đây.
o O o
Xuân Minh phàn nàn một điều về nơi ở mới của cô - "Em không thể mang nguời tình về nhà được nữa" - nhưng chuyện hẹn hò của cô xem ra chẳng bị ảnh hưởng chút nào. Cô ở cả một ngày tại khu nghỉ dưỡng ven biển với một anh chàng làm trong ngành tài chính. Trong khi đang kể cho tôi nghe chuyện đó, tình trạng hôn nhân của anh ta chuyển từ "anh ta đã lập gia đình" sang "anh ta lập gia đình". Cô đã gặp một anh chàng đẹp trai ở nhà hàng và bắt đầu quan hệ với anh ta mặc dầu anh ta đã có bạn gái. Cô cắt đứt mối quan hệ này khi anh ta bắt đầu sửa sang căn hộ của mình, một tín hiệu đối với Xuân Minh rằng anh ta sắp lấy vợ. Cô cũng đang chơi trò tán tỉnh với một anh chàng cô gặp trên mạng.
"Anh ta là bác sĩ phẫu thuật," cô kể với tôi. "Anh ta rất béo, nhưng là người tốt bụng. Anh ta chắc hẳn đã lập gia đình."
"Anh ta chắc hẳn đã có vợ à?" Tôi hỏi.
"Em không biết. Anh ta sẽ không nói với em đâu."
"Cô đã hỏi anh ta chưa?"
Cô đã từng hỏi. "Anh có gia đình rồi phải không?" Cô hỏi.
"Nếu cô nghĩ là tôi đã lập gia đình," anh ta đáp, "thì tôi đã lập gia đình."
Những người đàn ông đã có gia đình nhưng lại giả vờ chưa có là mối nguy hiểm số một đối với chuyện hẹn hò ở Đông Quản. Phú Quý, bạn kinh doanh của Xuân Minh, đã dính líu với một người đàn ông như vậy; Lưu Hoa Xuân, cô bạn gần đây đã mua chiếc Buick, từng bị lừa hai lần. Ở một nơi mà người ta sẵn sàng nói dối theo phản xạ vì công việc, thì sự dối trá ngấm một cách tự nhiên vào các mối quan hệ cá nhân. Nói dối thường là một lựa chọn thực dụng bởi vì nó sẽ giúp bạn đạt được điều mình muốn. Rốt cuộc là những lời nói dối sẽ cũng đến lúc bị lộ, nhưng có vài người nghĩ rằng chuyện đó còn lâu mới xảy đến.
Xuân Minh có quy tắc riêng của mình cho các mối quan hệ này. Không ai nên bị làm tổn thương, và cũng không bên nào nên quá đòi hỏi. "Dĩ nhiên, em muốn tìm được người đàn ông đích thực của đời mình và lập gia đình," cô nói với tôi. "Nhưng vì em chưa tìm được, nên cặp kè với một người mình không yêu thì cũng không sao. Bạn vẫn có thể tận hưởng thời gian sống bên nhau. Bạn vẫn có thể ngả đầu lên vai anh ta khi bạn mệt mỏi và có được cảm giác an toàn."
Một lần tôi hỏi Xuân Minh liệu cô có bao giờ gặp được một người đàn ông lớn tuổi hơn cô mà vẫn còn độc thân không. Lúc tôi hỏi cô tôi nghĩ đó thật là một câu hỏi ngốc nghếch - tất nhiên là cô đã gặp rồi - cho tới khi cô trả lời.
"Ít, ít lắm," cô nói. Cô nghĩ một lúc. "Ông chủ cũ của em." Rồi cô làm mặt xấu. "Những người đàn ông chưa lập gia đình đều không tốt." Tất nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là những người đàn ông đã lập gia đình thì tốt.
TRONG THỜI GIAN SỐNG Ở KHU THƯƠNG XÁ BÁN PHỤ TÙNG MÁY MÓC, Xuân Minh và Phú Quý nghĩ ra một cách bẫy đàn ông. Họ gửi thông tin cá nhân của một người phụ nữ hai mươi tư tuổi tưởng tượng lên một trang web, bên cạnh là bức ảnh của một cô gái đẹp mà họ đã tải về từ Internet. "Cô ấy cao 1 mét 65, nói được tiếng Anh và Pháp, làm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thích nhạc jazz," Xuân Minh kể với tôi. Cô ngừng lại. "Em thậm chí còn không biết nhạc jazz là gì." Những người đàn ông bị quyến rũ và chat với cô. Xuân Minh biết nhiều người trong số họ, và một trong số đó là một người tình thời vụ đã từng nói với cô rằng anh ta không bao giờ gặp phụ nữ trên mạng. Cô cắt đứt quan hệ với anh ta sau khi bắt quả tang anh ta đang tán tỉnh một cô nàng fan nhạc jazz tưởng tượng. Anh chàng làm công tác quy hoạch thành phố mà cô từng có quan hệ - Anh ta rất xấu trai - cũng gọi đến. Nhưng Xuân Minh đã trở nên thù địch với anh ta, cô phát hiện ra rằng anh ta rêu rao khắp nơi về việc đã ngủ với cô. "Chúng em dụ cho đàn ông nói chuyện với mình rồi tấn công lại họ," Xuân Minh giải thích. "Nhưng họ chai mặt lắm, bởi vì họ vẫn hy vọng rằng bạn sẽ cho họ một cơ hội."
Cô cho tôi xem một đoạn trao đổi giữa người phụ nữ ảo và anh chàng làm công tác quy hoạch thành phố.
Tôi nghĩ có lẽ anh trông giống một con lợn, cô viết. Một con lợn béo.
Thực ra, tôi trông giống con chuột hơn.
Một con chuột à? Như thế chẳng ỉẽ không kinh tởm hơn sao?
Cô gọi anh ta là đồ lợn béo vài lần nữa, trong khi anh ta liều lĩnh cố gắng giữ cho cuộc trò chuyện tiếp diễn. Rồi tôi thấy Xuân Minh đăng nhập vào hai tài khoản cùng lúc, tài khoản của cô và của người phụ nữ trẻ kia. Người phụ nữ trẻ kia ngay lập tức bị tấn công dồn dập bằng các lời nhắn.
Cô có phải là người Hồ Nam không?
Cô đang làm gì thế?
Trong bức ảnh, trông cô trẻ hơn tuổi hai tư!
Xuân Minh lờ chúng đi. Cô đang dùng nick của mình chat với một người có thể hẹn hò, mặc dầu anh ta còn xa mới được vào hạng để xét duyệt: bốn mươi hai tuổi, ly dị vợ, có một con trai.
Ngày mai anh có rỗi không?
Có, còn em thì sao? Mai chúng ta gặp nhau được không?
Em có hẹn với bạn ngày mai rồi.
Thế ngày kia đi ăn tối nhé?
Cô đồng ý. Nếu chúng ta gặp nhau mà cảm thấy không hợp, cô viết, thì đừng tiếp tục đi ăn cùng nhau nữa.
Xuân Minh còn có một số biện pháp đề phòng khác. Cô không bao giờ cho một người đàn ông lạ số điện thoại di động, để anh ta không thể tìm thấy cô nếu mọi việc không tốt đẹp. Cô thậm chí còn không cho anh ta biết tên, thay vào đó cô dùng tên giả - Linh. Sau khi Xuân Minh giải thích các quy tắc này và nêu ra chi tiết các kế hoạch của cô, cô nói: "Bây giờ em muốn gặp với một người đàn ông chưa bao giờ lên mạng."
"Có ai mà lại chưa bao giờ lên mạng chứ?" Phú Quý nói.
"Từ khi có Internet," Xuân Minh than thở, "quan hệ giữa người với người trở nên giả dối."
"Từ khi có điện thoại di động, quan hệ giữa người với người trở nên giả dối," Phú Quý nói. "Chị luôn luôn có thể nói dối và nói là chị đang ở một nơi nào đó mà thực tế không phải vậy."
LẦN TIẾP THEO GẶP XUÂN MINH, tôi hỏi cô cuộc hẹn hò với người đàn ông bốn mươi hai tuổi đã diễn ra thế nào.
Cô nhăn mặt. "Không ổn."
"Anh ta có vấn đề gì à?"
Cô trỏ lên đỉnh đầu. "Trên đỉnh đầu của anh ta có một vệt..."
"Gì cơ? Một vệt hói à?"
"Một vệt nơi tóc rất thưa," cô nói. "Em không thích những người đàn ông tóc thưa. Không thể thấy chỗ đó trong bức ảnh anh ta đã gửi cho em.'' Người đàn ông này còn có một cô con gái mười bảy tuổi mà anh ta đã không đề cập đến trong những lần chat trên mạng. Hói đầu và một cô con gái đã lớn - cả hai đều là những điểm không thể chấp nhận được đối với Xuân Minh. Bạn phải tự đặt nghi vấn đối với một người đàn ông nghĩ rằng mình có thể giấu được hai điều này trong một thời gian dài.
o O o
Không có gì đáng ngạc nhiên khi quan hệ của Xuân Minh với ông chủ của cô tiếp tục xấu đi sau khi cô chấm dứt không làm việc gì cho công ty sơn nữa. Tháng Tư năm 2005 - vào khoảng thời gian mà cô chuyển vào sống tại khu thương xá bán phụ tùng máy móc - chủ tịch Trần giảm lương của cô 500 nhân dân tệ và cấm cô không được đăng ký thêm khách hàng mới ở Thâm Quyến nữa. Vào tháng Năm cô chính thức bị sa thải. Vào tháng Sáu cô biết được rằng công ty sẽ không trả cho cô số tiền hoa hồng cô kiếm được vào đầu năm đó. Cộng thêm cả tiền kết thúc hợp đồng lao động, công ty nợ cô mười một nghìn nhân dân tệ, tương đương với hơn 1.300 đô la Mỹ. Xuân Minh cố gắng liên lạc với chủ tịch Trần, nhưng chiến thuật quản lý của ông ta trong trường hợp cụ thể này là không trả lời điện thoại. Để duy trì vầng hào quang của mình và gia tăng tầm quan trọng, bạn phải xuất hiện càng ít càng tốt. Trong bữa trưa với tôi và một người bạn nữa, cô ngẫm nghĩ về các phương án có thể thực hiện. "Bây giờ em chỉ cần xem ông ta định đưa cho em bao nhiêu tiền," cô nói. "Nếu không đủ, em sẽ kiện ông ta."
"Kiện tụng thì rắc rối lắm," người bạn của Xuân Minh nói. "Có những cách khác để cô lấy được tiền về." Anh ta có gương mặt mỏng, làn da căng dính sát vào gò má và tóc rất ngắn khiến anh ta luôn có vẻ mặt đầy hoảng hốt. Anh ta làm trong lĩnh vực giao hàng.
"Những cách khác là những cách nào?" Tôi hỏi.
Anh ta nói rằng một người anh em họ của anh ta bị khách hàng nợ tiền. "Một ngày nọ tôi đứng ở chỗ đỗ xe của công ty của vị khách hàng này. Tôi nhìn thấy một chiếc Benz đậu ở đó. "Đây là xe của chủ tịch công ty à?" Tôi hỏi mọi người. "Đúng là như vậy." Bạn của Xuân Minh điều tra thêm một chút và gọi cho chủ tịch công ty đó. "Tôi nói với ông ta tôi biết địa chỉ nhà ông ta. Tôi nói với ông ta tuổi của các con ông. Công ty đó lập tức trả chín mươi phần trăm số tiền nợ."
Một vài tuần sau, Xuân Minh quyết định đệ đơn kiện lên Sở Lao động ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh. "Một đơn kiện như vậy sẽ có tác động lớn đến nội bộ công ty," cô nói với tôi. "Một khi Sở Lao động bắt đầu điều tra, tất cả nhân viên sẽ bắt đầu suy nghĩ: "Thế còn số tiền công ty nợ mình thì sao?" Công ty sẽ phải đối xử với họ tốt hơn." Cô phấn khích, cả tôi cũng vậy. Cuộc sống có nhiều điều bất công, Xuân Minh biết điều đó cũng như mọi người khác. Tuy nhiên cô tin rằng sự bất công mà cô phải chịu có tính chất quan trọng và cô sẵn sàng đi tới tòa án để đòi công lý. Đó là điều cuối cùng mà tôi có thể mong đợi.
BUỔI SÁNG NGÀY THỨ HAI KẾ TIẾP, chúng tôi đi xe buýt tới Quảng Châu. Xuân Minh vẫn ăn vận hợp thời trang như mọi khi, áo len ôm màu đen, quần kaki, và đi giày cao gót. Chúng tôi đi tàu điện ngầm tới Sở Lao động của tỉnh và ngay lập tức bị đẩy sang Phòng Lao động của quận.
Văn phòng có một dãy quầy giao dịch dài, với ghế dành cho khách một bên và ghế dành cho viên chức nhà nước ở một bên. Việc sắp xếp này nhằm để giao tiếp với chính quyền được dễ dàng hơn, nhưng không bao giờ có cảnh mỗi người dân làm việc với một viên chức, ít nhất có khoảng nửa tá người túm tụm lại quanh mỗi chiếc ghế, để tranh thủ vào ngồi ngay khi ghế trống. Trong lúc chờ đợi, họ lắng nghe các vụ kiện của người khác và thường xuyên góp ý. Một người đàn ông trung niên đang ngồi trên ghế khi chúng tôi tới, giải thích rất dài dòng về việc ông chủ của ông ta đã biến mất như thế nào mà chưa trả tiền cho ông ta. Xuân Minh chen lên hàng đầu và cúi mình thấp xuống bên cạnh ông ta, tựa như cậu bé nhặt bóng ở trận đấu tennis đang chuẩn bị nhảy lên. Khi người đàn ông ngừng lại để thở, cô cướp lời luôn. "Xin lỗi, tôi chỉ có một câu hỏi ngắn gọn thôi."
Vị công chức xem qua tài liệu của cô: hợp đồng lao động, thư sa thải, một bản sao giấy đăng ký kinh doanh của công ty. Các giấy tờ này cho thấy tại sao công nhân bình thường hầu như không thể đâm đơn kiện. Họ hiếm khi ký hợp đồng lao động và họ không được phép tiếp cận với giấy đăng ký kinh doanh của công ty, mà Xuân Minh có được vì các khách hàng của cô đôi khi muốn nhìn thấy các giấy tờ này. Vị công chức này nói với cô cần phải lấy bản sao của giấy chứng nhận cho chi nhánh của công ty ở Quảng Châu.
Nhưng lúc này đã gần trưa, các cơ quan của chính quyền ở thành phố đang đóng cửa. Trong thế giới nơi hầu hết mọi người làm việc không ngừng nghỉ, các viên chức nhà nước Trung Quốc tận hưởng hai tiếng nghỉ ăn trưa và một giấc ngủ thật dẫy. Khi Xuân Minh ghé vào một cơ quan để hỏi mấy câu ngắn gọn, người gác cổng có vẻ khó chịu. "Họ vẫn còn đang ngủ."
TRONG LÚC ĂN CƠM ở một quán ăn trưa tự phục vụ, Xuân Minh nghĩ ra kế hoạch B. Cô mở hộp danh thiếp và lấy ra một chiếc. GORAN WIDSTROM, CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN. Ông ta là người đứng đầu công ty mẹ của công ty cũ của cô, có trụ sở tại Thụy Điển. Ông ta đã đến thăm văn phòng ở Đông Quản nhiều năm trước và để lại ấn tượng cho Xuân Minh là một người tốt bụng.
"Chủ tịch Trần không biết là em có danh thiếp của ngài Wei-si-te-ling," cô sử dụng tên phiên âm cho cái tên tiếng Thụy Điển kia. Tay cô vuốt ve mép của tấm danh thiếp Một khi Wei-si-te-ling biết được chuyện gì đang xảy ra, ông ta sẽ giúp cô lấy lại tiền. Xuân Minh hỏi tôi liệu tôi có thể gọi cho ông ta được không. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Người Thụy Điển giờ này vẫn đang ngủ, giống như các công chức Trung Quốc vậy. Chúng tôi nán lại chờ và uống rất nhiều cốc trà đặc.
"Đôi khi em tự hỏi em vất vả như vậy là vì cái gì," Xuân Minh nói. "Em đọc trong một cuốn sách rằng thành công là nói những gì bạn muốn nói và làm những gì bạn muốn làm. Giờ đây em không cảm thấy điều đó."
"Cô muốn làm gì?" Tôi hỏi.
"Em muốn đi học. Em thực sự muốn học tiếng Anh." Đột nhiên nước mắt cô dâng trào. Cô lau mắt bằng khăn giấy một cách mạnh tay.
Như bình thường, tôi không mong đợi điều này xảy ra. "Cô đã làm được rất nhiều việc," tôi nói. "Chỉ cần đọc lại nhật ký và cô có thể thấy là cô đã tiến xa như thế nào."
"Không phải bận tâm về em đâu," cô nói. "Em dễ khóc lắm. Mọi người nghĩ rằng em thật kỳ lạ." Cô thấm nước mắt lần cuối, mỉm cười với tôi, rồi đứng dậy thực hiện cuộc chiến với nạn quan liêu.
XUÂN MINH GHÉ VÀO ba cơ quan thương nghiệp trong buổi chiều hôm đó để tìm giấy phép của văn phòng chi nhánh công ty cũ của cô. Sở Thương nghiệp thành phố bảo cô phải lên Sở Thương nghiệp tỉnh, Sở Thương nghiệp tỉnh lại bảo cô phải xuống Phòng Thương nghiệp quận. Mỗi công chức lại nói một kiểu khác nhau. Cuối cùng một người phụ nữ ở Phòng Thương nghiệp quận nói ràng cô có thể in giấy phép này với giá sáu mươi nhân dân tệ. Một khi tiền xen vào câu chuyện, hy vọng đã le lói. Đã 4 giờ 10 phút khi Xuân Minh với giấy phép trong tay chạy vào Sở Lao động thành phố để nộp đơn khiếu nại, băng qua các biển chỉ dẫn nói rằng xin đừng làm ồn, hút thuốc, hoặc khạc nhổ. Nhưng cô lại đến nhầm chỗ. Quận, chứ không phải thành phố, là nơi phụ trách văn phòng đại diện là chi nhánh của các doanh nghiệp nước ngoài, một công chức nói với cô. Anh ta đưa cho cô quyển hướng dẫn giải thích điều này.
Ngay trước lúc năm giờ, Xuân Minh quay lại Phòng Lao động quận - lần thứ ba trong ngày cô đến đây. Và cũng lần thứ ba, cùng một vị công chức ở sau quầy giao dịch thấp tè đó từ chối cô. "Cô phải đến Sở Lao động thành phố. Họ phụ trách các doanh nghiệp nước ngoài."
"Họ không phụ trách văn phòng đại diện là chi nhánh của các doanh nghiệp nước ngoài," Xuân Minh vừa đáp trả, vừa quăng quyển tài liệu xuống bàn. Tay công chức cầm quyển tài liệu lên, các tài liệu giấy luôn gây ấn tượng với mọi người ở Trung Quốc. Tay công chức đọc quyển tài liệu rồi đặt xuống. Một cách chậm rãi, ý nghĩ lóe lên đối với anh ta là anh ta thực sự phải làm một chút việc hôm nay. Anh ta chỉ cho cô đến cuối quầy giao dịch để lấy mẫu đơn kiện.
Khi Xuân Minh điền vào mẫu đơn, cô nhận ra việc kiện tụng có vẻ phức tạp hơn cô tưởng. Cô sẽ phải gặp ông chủ cũ để đàm phán về việc hòa giải, đấy là điều mà cô không mong muốn nhất. Cô sẽ phải quay trở lại Quảng Châu để đàm phán và trả chi phí dù cho cô có lấy được tiền hay không. Nhưng không có thời gian để nghĩ kỹ về việc này, bởi vì cô đang hối hả điền vào các mẫu biểu, dài những bốn trang và phải điền hai bản. Các viên chức nhà nước đang đứng dậy đi về, các phụ nữ kéo khóa túi xách lại với vẻ dứt khoát.
"Chờ đã, tôi cần đệ đơn kiện này vào hôm nay," Xuân Minh nói to.
Người phụ nữ cuối cùng trong văn phòng đứng dậy và tắt máy tính.
"Đã 5 giờ 28 phút rồi. Cô có thể hoàn tất giấy tờ trong vòng hai phút được không?" Cô ta nói đầy vẻ bực bội.
"Cô có thể giúp đỡ chúng tôi không? ' Tôi hỏi. "Sáng nay chúng tôi đã phải đi từ Đông Quản đến đây."
"Tôi cũng ở xa lắm," người phụ nữ đáp.
Cuối cùng Xuân Minh bỏ cuộc, cô sẽ phải quay lại vào một ngày khác. "Họ hoàn toàn không có tí trách nhiệm nào trong công việc," cô nói với tôi khi cánh cửa sắt của Phòng Lao động đóng sầm lại sau lưng chúng tôi.
KHI ĐÃ RA NGOÀI VỈA HÈ, Xuân Minh bắt đầu nghi hoặc. Kiện tụng thật quá phức tạp. Một vụ tố tụng có thể đem lại rắc rối cho Wei-si-te-ling, các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc luôn luôn dễ bị tổn thương. Cô có niềm tin vào sự can thiệp mang tính cá nhân hơn, thậm chí là từ một người sống cách cô bảy múi giờ và cô hầu như không quen biết gì ông ta.
"Một khi đã nói chuyện được với ông ấy qua điện thoại, em chắc chắn ông ấy sẽ nhận ra em," Xuân Minh nói. "Và rồi chúng em có thể nói về điều đó."
Tôi bảo cô rằng hầu như chắc chắn là một thư ký sẽ trả lời cuộc gọi. Wei-si-te-ling chắc hẳn là rất bận rộn, tôi nói, cô không nên nuôi hy vọng.
"Khi em gặp ông ấy ở Trung Quốc, ông ấy không cư xử như một người quan trọng và bận rộn. Em cảm thấy ông ấy là một người thực sự hiểu được thế nào là sống." Có có niềm tin đó ở bản thân mình và sự quan trọng của chính cô. Khi cô gặp được Wei-si-te-ling, vị chủ tịch toàn cầu của một công ty sơn Thụy Điển, cô chắc chắn rằng hai người bọn họ có thể nói chuyện như bạn bè, như những người bình đẳng. Nhưng tất nhiên đó là một sự tự tin mù quáng đã khiến Xuân Minh trở thành một con người như ngày hôm nay.
Tôi bấm số điện thoại trên danh thiếp. Hệ thống trả lời tự động đáp lại với giọng của một thư ký, đúng như những gì tôi nghĩ. Tôi đã nói những gì Xuân Minh nhờ tôi nói.
Tôi đại diện cho cô Ngô ở phòng bán hàng ở Đông Quản. Cô ấy đã gặp ông trong một buổi họp nhóm ở Đông Quản vào cuối năm 2003. Cô ấy đã rời công ty nhưng luôn luôn hết sức ngưỡng mộ ông.
Giờ đây cô ấy bị sa thải mà không có lý do, công ty đã không trả số tiền hoa hồng còn nợ cô ấy. Cô ấy muốn đâm đơn kiện đến Phòng Lao động, nhưng cô ấy không biết điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ông và công ty của ông. Cô ấy tự hỏi liệu ông có thể giúp cô ấy được không.
Wei-si-te-ling không bao giờ gọi lại.
Xuân Minh không bao giờ quay lại Quảng Châu để đâm đơn kiện nữa. Ông chủ cũ của cô đề nghị trả một phần trong số tiền ông ta nợ cô, như vậy với cô là đủ. Quá nhiều điều trong cuộc sống của cô đang thay đổi. Cô quyết định rời công ty khuôn, cô sẽ bán lại cổ phần của mình cho Phú Quý, người sẽ trả khoản tiền đầu tư cho cô sau. Công ty có hai khách hàng thường xuyên và bắt đầu hòa vốn. "Chúng em chưa kiếm được nhiều tiền," Xuân Minh nói. "Nhưng thậm chí nếu em kiếm được nhiều tiền, em cũng không thấy thỏa mãn. Chỉ kiếm tiền không thôi là chưa đủ ý nghĩa của cuộc sống."
Cô dự định về nhà vào dịp Tết Trung thu, ngày Tết âm lịch kỷ niệm vụ mùa. Sau rất nhiều năm ở thành phố, Xuân Minh vẫn tính thời gian bằng các ngày lễ tết cổ truyền. Cô xem chúng như là những kỳ nghỉ tự nhiên giữa các giai đoạn trong cuộc sống của cô. Khi cô quay trở lại Đông Quản, cô sẽ dành hai năm để học tiếng Anh. Cô đã quyết định rồi, cô nói với tôi như vậy. "Em muốn học tiếng Anh để có cuộc sống hạnh phúc hơn."
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng