Chương 11 - Nghĩa Thục Bị Đóng Cửa
ách hoạt động người mình còn dại.
Sức cường quyền ép lại càng mau.
Toàn quyền Beau được hả dạ một chút sau cái vụ mở trường Đại học trong một tuần, nhưng vẫn căm gan vì bài Thiết tiền ca đã phá tan kế hoạch kinh tế của ông. Người Pháp biết chắc rằng tác giả bài đó là một người trong Nghĩa thục, song chưa nắm được bằng cớ rành rành, nên còn để ý dò la; tới khi thấy các nhà ái quốc của ta hoạt động mỗi ngày mỗi hăng, mà ảnh hưởng tới gần mỗi ngày mỗi lớn, họ thẳng tay đàn áp liền.
Đầu năm 1908 (tháng chạp năm Đinh Mùi), họ thu giấy phép của Nghĩa thục, lấy cớ rằng có thể làm cho lòng dân náo động. Tính ra trường hoạt động trước sau được khoảng một năm, những tháng đầu không có giấy phép, chín tháng sau có giấy phép.
Tin chưa ra, các cụ đã đoán được trước, thủ tiêu hết những giấy tờ quan trọng, nhất là bản in các bài ca ái quốc và những sách của cụ Sào Nam gởi về; còn một số sách học nào có thể làm lụy cho hội viên thì giấu kỹ, nên khi nhân viên sở Liêm phóng tới xét, không bắt được gì cả, và hội viên không ai bị giam cầm. Có lẽ hồi đó họ xét không kỹ như hồi sau này và cũng còn đương bủa lưới, đợi lúc bắt trọn một mẻ. Họ sai những tên trành rình hàng tháng ở chung quanh Nghĩa thục. Bọn này thay phiên nhau đứng ở máy nước đầu phổ hàng Bạc, ngó qua nhà cụ Lương, thấy ai khả nghi ra vào thì bắt đưa giấy thuế thân, ghi tên họ và địa chỉ liền. Họ còn khờ, làm công khai như vậy, nên các nhà cách mạng biết mà đề phòng, rốt cuộc không bắt được ai, họ chán và một tên trành phàn nàn với bạn đồng nghiệp: “Có thấy gì đâu, mà chúng nó cũng bắt chúng mình ngồi rình suốt ngày, tới nửa đêm như thế này. Mưa phùn lạnh buốt xương”.
Đợi lúc trường bớt bị dòm ngó, cụ Lương sai người chuyển lần những sách của thư viện trong trường qua nhà cụ Phương Sơn ở số 2 ngõ Phất Lộc. Ngày nào cụ Phương Sơn cũng nhận được những quả 1 sơn son do các u già đội lại, nói là của cụ Tú này, cụ Phán nọ cho đem bánh lại biếu, mở ra thì toàn là sách. Cụ Phương Sơn phải đốt trọn ba đêm mới hết. Một người bồi ở với tây, từ trên gác nhà bên cạnh, ngó xuống thấy ngọn lửa cháy suốt đêm, phải hỏi: “Nhà bên đó nấu bánh chưng hay làm gì vậy?”
°
Vậy công việc dạy học và diễn thuyết phải dẹp, còn công việc chấn hưng công nghệ vẫn tiến hành, nhưng ít lâu sau những hiệu buôn cũng lần lần phải đóng cửa vì nhiều cụ tạm lánh mặt, nên thiếu người quản lý. Như ở Hà Thành, hàng hóa ở các hiệu Đồng Lợi Tế, Tụy Phương...dồn cả về hiệu Hồng Tân Hưng ở hàng Bồ và giao cho cụ Võ Hoành trông nom. Hiệu này có sáng kiến đón học sinh trường bách nghệ để đúc các đồ đồng như bình bông, hoặc sơn những khay trà, làm cho nền tiểu công nghệ nước nhà tiến được một bước.
Muốn lung lạc các giáo sư trong Nghĩa Thục, viên Thống sứ ra nghị định bổ hai cụ Hoàng Tích Phụng 2 và Nguyễn Quyền trong ti Giáo huấn. Cụ Nguyễn trước làm huấn đạo, nay thăng Giáo thụ, nhưng không được ở Lạng Sơn nữa mà phải về một phủ nhỏ ở Phú Thọ.
Hai cụ Lương Trúc Đàm và Dương Bá Trạc vì đậu cử nhân, được bổ tri huyện, song cả hai đều từ chối.
°
Các nhà nho tưởng như vậy đã yên, không ngờ mấy tháng sau, ba biến cố quan trọng xảy ra trong nước làm cho các cụ bị lụy.
Trước hết là vụ kháng thuế ở Quảng Nam. Vụ này ảnh hưởng lớn quá, mở đầu cho những cuộc biểu tình vĩ đại về sau. Hàng vạn người, đều hớt tóc, kéo nhau lại vây tòa sứ Quảng Nam để xin giảm thuế. Viên Công sứ không chấp đơn, ra lệnh giải tán, vô hiệu, phải cho lính bắn vào đám biểu tình làm một số người chết. Phong trào từ Quảng Nam lan vào các tỉnh miền Nam Trung Việt.
Chính phủ Pháp đổ tội cho các cụ Sào Nam, Tây Hồ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã xúi dân nội loạn.
Cụ Sào Nam lúc đó ở Nhật, chúng không làm gì được, cụ Trần Quý Cáp mà các quan lại Việt ghét nhất vì tính khinh mạn của cụ, bị chém ở Nha Trang 3, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị bắt ở quê đem giam tại Hội An và cụ Tây Hồ đương ở Hà Nội, cũng bị còng tay giải về Huế 4.
Sau vụ xin sưu này, một nhà nho (khuyết danh) làm một bài văn tế ngày nay chỉ giữ được một phần trong đó tả cảnh khốn đốn của dân quê khi chạy sưu:
Sưu chưa kịp, phòng chánh đến, phòng phó đến mà phòng cai đến, buộc nhành thắt cổ, phút xui nên nọc nọc vồ vồ. Thuế chưa có ra, bán gà đi, bán lợn đi, lại bán bò đi, bán trốt lột xương, tay mới khỏi gông gông trói trói.
Cám cảnh nhẽ tiền không gạo hết, lấy gì nuôi con trẻ thơ ngây, Xót thay thịt sát xương mòn, lấy gì cấp mẹ cha yếu đuối?
Vụ thứ nhì là âm mưu bạo động của Đề Thám. Khi người Pháp cho Đề Thám lập ấp ở Nhã Nam, cả hai bên đều nghĩ đó chỉ là một giải pháp tạm bợ. Không lẽ nào trên lãnh thổ Việt Nam lại có một khu vực tự trị ở Yên Thế, có quân đội riêng, hành chánh riêng, tài chánh riêng được. Trước sau gì hai bên cũng phải một còn một mất.
Năm 1908, Pháp dò la, biết Đề Thám vẫn giao thiệp với Sào Nam, thu dụng thêm nghĩa binh ở miền Thanh Nghệ, lập thêm đồn, mua thêm khí giới, bèn ra tay trước; tháng sáu 1908, xử tử mười hai người hoạt động cho Đề Thám rồi đầu năm sau, tấn công nghĩa quân. 5
Vụ thứ ba là vụ đầu độc quan binh Pháp ở Hà nội cũng năm 1908, có lẽ do đảng viên của Đề Thám chủ mưu. Việc thất bại, Bếp Hiên và sáu người nữa trong cơ lính nhà bếp bị xử tử.
Bài thơ lục bát “Hà Thành đầu độc 1908” (khuyết danh) làm năm 1912 đã chép lại ừng chi tiết của vụ này; nhưng chỉ ghi bốn nhà liệt sĩ: Nguyễn Chí Bình, Nguyễn Cốc, Đặng Nhân, Nguyễn Đức A (tức cai Nga), đều ở trong đội lính khố đỏ, và bà hàng cơm, Nguyễn thị Ba bị giết lây:
Ôi thương thay! Ôi thương thay!
Kể sao cho xiết chết lây những người.
Văn mình thật đã lạ đời,
Đàn bà giết cả đến người hàng cơm.
Thôi thôi trâu béo cỏ rơm,
Trăm nghìn phó một mũi gươm là rồi.
Khen cho liệt sĩ bốn người,
Một lòng vì nước, muôn đời tiếng thơm.
Trong nước đã náo động và Pháp muốn trừ hậu họa, cho bắt hết thảy các nhà cách mạng Nghĩa thục.
°
Một nhân viên sở Liêm phóng tới mời cụ Lương vào trình Hoàng Trọng Phu ở Thái Hà ấp. Trong nhà, nhiều người lo cho cụ, cụ cười và nói: “Tôi đã bảy chục tuổi rồi, họ làm gì tôi?”. Thực ra, cụ lúc đó mới 54, 55 tuổi, nhưng râu tóc bạc phơ, người không biết đều tưởng cụ đã thất tuần. Có lẽ nhờ vậy mà Hoàng Trọng Phu đối với cụ nhã nhặn, bảo cụ khai mọi việc, cụ chỉ ôn tồn đáp:
- Chúng tôi mở Nghĩa thục để giúp chính phủ khai hóa dân trí, và chính phủ đã cho phép. Từ khi chính phủ rút phép, thì chúng tôi thôi, không hoạt động gì cả.
Hoàng Trọng Phu vỗ về cụ mấy câu rồi để cụ về, nhưng tới năm 1913, sau vụ ném tạc đạn ngày 23-4, người Pháp cho là do nhóm Nghĩa thục cầm đầu, bắt giam cụ ít lâu rồi đưa cụ đi an trí Nam Vang mười năm.
Cụ Võ Hoành vì quá khảng khái, bị Hoàng Trọng Phu sai lính căng nọc nhưng chỉ dọa chứ không đánh.
Cụ Dương Bá Trạc hay tin, trốn được, người Pháp sai bắt cụ Khóa là thân sinh của cụ để tra khảo. Cụ Khóa vẫn vui vẻ viết thư cho con, có câu: “Tổ quốc khả dĩ vô ngã, bất khả dĩ vô nhi” 6 có ý khuyên con đào tẩu; nhưng vì lòng hiếu, cụ Dương ra mặt để cha được thả.
Cụ Nguyễn Quyền lúc đó đương làm Giáo thụ ở Phù Ninh cũng bị bắt đưa về Hà Đông để lấy khẩu cung.
Cụ Lê Đại mà chính phủ rất ghét vì những bài ca của cụ bị buộc tội là đồ đảng của Đề Thám và dự cuộc âm mưu đầu độc ở Hà Thành.
Hai cụ Nguyễn văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn bị bắt sau mấy ngày, cũng bị dẫn vào Hà Đông, nhưng chỉ bị giam một ngày rồi được thả, có lẽ vì Hoàng Trọng Phu biết hai cụ không hề bạo động.
Cụ Hoàng Tăng Bí nhờ nhạc gia là cụ Cao Xuân Dục 7 đương làm Học bộ thượng thư bảo lãnh nên được thả và chỉ bị an trí ở Huế. Ở đó, nhân gặp một khoa thi Hội, cụ nộp quyển và đậu phó bảng.
Còn những cụ khác không bị để ý tới lắm, lén lút trốn được.
Những cụ bị bắt đều phải ra tòa Đề hình, và bị kêu án trảm giam hậu, 8 sau đổi làm chung thân khổ sai mà đày ra Côn Đảo (1909).
Tới Côn Lôn, các cụ gặp hai cụ Tây Hồ và Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Tây Hồ bị Nam triều thâm oán vì trong bức thư gởi lên Toàn quyền năm 1906, cụ mạt sát quan lại quá dữ, phải mang cái án trảm quyết. 9 Nhưng nhờ hồi ở Hà Nội, cụ chơi thân với Babut, chủ nhiệm tờ Đại Việt tân báo, và có chân trong hội Nhân quyền, nên được Babut tận tâm can thiệp, lên thẳng phủ Toàn quyền xin tái thẩm, phủ Toàn quyền ra lệnh cho Nam triều xử lại và Triều đình đổi án trảm quyết ra án trảm giam hậu; Babut lại can thiệp nữa, Triều đình lại bắt buộc phải đổi làm án “Côn Lôn ngộ xá bất nguyên”, nghĩa là bị đày Côn Đảo, dù gặp dịp ân xá cũng không được hưởng.
Khi bước chân ra khỏi cửa lao Phủ Thừa cụ ngâm bốn câu bất hủ:
Luy luy thiết tỏa xuất đô môn,
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân, dân tộc tụy,
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.
Mà Phan Khôi dịch ra như sau:
Mang xiềng nhẹ bước khỏi đô môn,
Hăng hái cười reo lưỡi vẫn còn.
Đất nước hãm chìm dân tộc héo,
Làm trai chi sá thứ Côn Lôn.
Từ khi cụ Võ Hoành bị đày, cụ Hoàng Tăng Bí bị an trí, hiệu Hồng Tân Hưng và Đông Thành Xương ở hàng Gai đóng cửa luôn. Rốt cuộc chỉ còn hiệu Cát Thành mà chủ nhân là một nhà buôn chỉ có thiện cảm với Nghĩa thục chứ không phải là hội viên, thì đứng vững hoài cho tới đầu thế chiến vừa rồi.
Những vụ bắt bớ đó làm những nhà chí sĩ có cảm tình với Nghĩa thục hoặc liên lạc với cụ Sào Nam cũng bị liên lụy. Trong số những nhà chí sĩ ấy, ta nên kể cụ Nguyễn Thượng Hiền và cụ Ngô Đức Kế.
Cụ Nguyễn hiệu là Mai Sơn, 10 Người bé nhỏ, trắng trẻo, thanh nhã như con gái, tính tình điềm đạm, đã thông minh lại ham học, ngay từ nhỏ đã khăn áo tề chỉnh như người lớn, 16 tuổi đậu cử nhân, năm sau thi Hội, đỗ Đình nguyên, nhưng chưa kịp truyền lô thì kinh thành thất thủ (1885), khoa đó xóa bỏ. Năm 1892 thi lại, đậu nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) còn Vũ Phạm Hàm đậu nhất giáp tiến sĩ, làm Toản tu ở Quốc sử quán.
Văn thơ cụ rất lưu loát, thanh dật, có giọng xuất trần, khác hẳn giọng tình tứ, bóng bảy của họ Vũ. Thi đậu ít lâu, cụ được bổ đốc học Ninh Bình, rồi đổi đốc học Nam Định, năm 1907 chính phủ Bảo hộ phế vua Thành Thái, cụ đến tận phủ Toàn quyền để kháng nghị, rồi bỏ quan về vườn. Pháp ghét cụ; nhưng vì lẽ này lẽ nọ chưa hạ thủ, thì ít tháng sau biết ở nữa sẽ không yên, cụ bí mật ra đi, không cho một ai hay, cả cụ bà cũng không biết. Cụ cải trang làm đàn bà, do đường Mông Cái qua Quảng Đông tìm cụ Tôn Thất Thuyết là nhạc gia của cụ. Sau cụ liên lạc với cụ Sào Nam, qua Nhật rồi lại về Trung quốc, cho tới khi chán ngán vì bọn “trành” mà đồng chí sa lưới gần hết, cụ đầu cửa Phật ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), rồi mất ở đó (1925).
Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây một bài thơ chữ Hán của cụ mà ít người biết:
LỮ NGÔ
Thặng thủy tàn sơn lạc nhật dao,
Quốc hồn diểu diểu cánh nan chiêu.
Sinh vi độc hạc qui hà ích?
Tử hóa ai quyên hận vị tiêu!
Hoàng hải nộ đào thu phủ kiếm.
Ngô môn hàn nguyệt dạ xuy tiêu.
Duy dư tráng trí hồn như tạc,
Vạn trượng hồng nghê quán tử tiêu.
Ở TRỌ ĐÁT NGÔ
Nước thẳm non xa, lặn đóng chiều,
Chơi vơi hồn nước biết nơi nào
Sống làm hạc lẻ về vô ích,
Thác hóa quyên sầu hận chửa tiêu!
Hoàng hải chống gươm, thu sóng réo,
Ngô môn thổi sáo 11 tối trăng treo.
Còn chăng, tráng chí nguyên như cũ?
Lên vút từng mây muôn trượng cao!
Đông Xuyên dịch
Giọng thơ của cụ vừa bi hùng, vừa phiêu diêu, nửa như tiếng hạc, nửa như tiếng quyên, nửa như tiếng sóng, nửa như ánh trăng, thật đúng với đời của cụ.
Còn cụ nghè Ngô Đức Kế (1878-1929) hiệu là Tập Xuyên bị đày Côn Đảo trên mười năm, 1921 mới được thả. Cụ quê ở làng Trảo Nha, Hà Tĩnh, con nhà thế gia ba đời đậu tiến sĩ. Khi được trả tự do, cụ ra Hà Nội làm chủ bút tờ Hữu Thanh, rất ghét văn thơ lãng mạn, cực lực bài xích Phạm Quỳnh trong việc hô hào kỷ niệm Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Thơ của cụ có giọng chua cay, như thơ cụ Huỳnh Thúc Kháng, khác hẳn giọng cụ Mai Sơn. Năm 1923, Khải Định làm lễ tứ tuần đại khánh, cụ làm bốn bài bát cú Đường luật mà tôi xin chép lại hai bài đầu:
HỎI GIA LONG
Ai về địa phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu ông?
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,
Trăm gia ba chục 12 khổ nhà nông.
Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến, 13
Năm ngoái qua Tây ỉa vãi vùng. 14
Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ
Vua thời còn đó, nước thời không.
Nước thời không có, có vua chi?
Có cũng như không chả ích gì!
Người vét đinh điền còn bạch địa 15
Ta khoe dụ chỉ tự đan trì. 16
Cấp tiền nguyệt bổng vinh nào có? 17
Ăn của quan trường tệ lắm ri!
Thọ lắm lại càng thêm nhục lắm.
Nhỏ cu li, lớn cũng cu li.
--------------------------------
1 Tức những hộp lớn bằng cái mâm, cao độ một gang, có nắp, làm bằng gỗ.
2 Cụ là thân sinh của Hoàng Tích Chu, một nhà báo nổi danh thời trước, đã có công dùng một lối văn gọn gàng, có khi gọn quá, để viết, tờ Đông Tây.
3 Cụ Trần Quý Cáp hô hào cho tân học, muốn qua Nhật, vì có mẹ già chưa đi được thì đã bị họa, nên cụ Huỳnh Thúc Kháng có điếu cụ một bài thơ chữ Hán rồi lại tự dịch ra. Bốn câu bài đó như sau:
Quyết đem học mới thay nô kiếp,
Ai biết quyền dân nẩy họa nguyên?
Bồng Đảo gió chưa đưa giấc mộng,
Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng.
(Bồng Đảo tức Nhựt Bản)
4 Cụ Tây Hồ không nhúng tay vào vụ này, vì cụ vẫn tuyên bố: “Không trông người ngoài, trông người ngoài thì ngu; không bạo động, bạo động thì chết; ai là kẻ đồng nhân đồng bào ta, ai là kẻ thật yêu tự do, ta chỉ có một vật rất quý để tặng: chi bằng học!”
5 Nghĩa quân tan rã và không bao lâu sau, (1913) Đề Thám bị phản và hạ sát trong khi ngủ.
6 Tổ quốc không có cha không sao, không có con thì không được.
7 Cụ Cao Xuân Dục cũng khảng khái, hồi làm Tuần phủ Sơn Tây, cự nhau với viên Công sứ về vấn đề thuế má, viên Công sứ giận, giơ ba toong lên, cụ cũng xách ngay ghế định phang lại. Viên Công sứ nén giận, tỏ vẻ hòa nhã, và xét lại vấn đề.
8 Nghĩa là bị tội chém, nhưng chưa chém ngay.
9 Nghĩa là chém ngay.
10 Sinh năm 1868 ở làng Liên Bạt (Hà Đông).
11 Ngũ Tử Tư đi trốn, đến Lăng Thủy, đói, vỗ bụng, thổi sáo, xin Ngô thị cho ăn.
12 Năm 1923, thực dân Pháp và triều đình Huế tăng thuế 30%.
13 Năm 1922-1923, Bắc Kỳ bị lụt.
14 Năm 1922, Khải Định đi dự đấu xảo ở Paris, làm nhiều việc nhục quốc thể, bị Phan Châu Trinh vạch tội bảy điều.
15 Người (tức Pháp) đánh thuế nặng quá, nông dân phải bỏ ruộng hoang.
16 Ta (tức Khải Định) ban chỉ dụ từ thềm son (chỗ vua ở).
17 Khải Định được Pháp cấp cho mỗi tháng một vạn đồng.
Đông Kinh Nghĩa Thục Đông Kinh Nghĩa Thục - Nguyễn Hiến Lê Đông Kinh Nghĩa Thục