Chương 9
úc sư cụ bị bắt, bị giải lên huyện, tôi chỉ biết khóc. Khóc cả ngày hôm ấy. Khi người bị trói rồi bị đẩy lên ô tô, thầy tôi còn cố ngoái lại dặn dò tôi:
- Con ở nhà, giữ lấy chùa. Nhớ đừng sao nhãng hương đăng.
Ngày hôm ấy, tôi quên cả ăn, ngồi ở chánh điện, nhìn lên tượng Phật, lẩm nhẩm cầu xin đức Thế Tôn phù hộ cho thầy tôi thoát vòng tù ngục, cầu nguyện mãi rồi lại khóc. Khóc cho đến cạn khô nước mắt, rồi mệt quá lăn ra đất ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh dậy, trời đã khuya. Tôi giật mình sửng sốt. Thế là mới chỉ ngày đầu, tôi đã quên cả đèn nhang, quên cả lời thầy dặn. Tôi vội vàng đốt mấy nén hương thơm, cắm lên bát nhang. Rồi thỉnh chuông, gõ mõ. Tôi nhớ tới đức Quán Thế Âm Bồ tát, vị Bồ tát nghìn mắt nghìn tay, người luôn nghe thấy tiếng kêu than khổ đau của cõi nhân gian, để mở lòng thương cứu giúp. Tôi niệm hồng danh của Người, vì thầy tôi nhiều lần dạy rằng: lúc nào ta đau khổ, thì chỉ cần nhắc đến tên Người là Người đã sẵn sàng có mặt ở bên ta, trong tâm hồn ta. Tôi đã niệm tên Người hàng trăm lần, hàng ngàn lần, niệm cho đến niệm lúc lạc vào giấc mơ.
Tôi sợ lắm. Đêm ấy tôi sợ lắm. Nỗi sợ hãi như thấm vào tận xương tủy. Mới chỉ đến giữa mùa thu, mà đêm ấy, sao tôi thấy lạnh thế. Con chó vàng đi đâu? Từ lúc thầy bị bắt nó cứ ra nằm ở tam quan để ngóng. Nó chờ thầy tôi. Vàng ơi! Mày hãy còn nằm ngoài gió lạnh hay sao? Tôi thèm nó đến ngồi bên cạnh tôi để sưởi ấm cho tôi, để tôi được ôm lấy nó, được lùa bàn tay vào lớp bông dày của nó, để được ngửi cái mùi gây gây, hôi hôi thân thuộc, để được con vật thè cái lưỡi ram ráp, nóng hổi liếm vào bàn tay, liếm cả vào mặt. Sự an ủi lúc này, dù là của một con vật, đối với tôi cũng vô cùng quý giá. Không hiểu sao, chính lúc ấy, tôi lại nhớ tới hình bóng của cha mẹ tôi. Nghĩ đến cái thê thảm rùng rợn của xác người nằm trên vũng máu, cái cổ họng bị cắt, mở ra toang hoác. Những hình ảnh ghê rợn ấy cũng là một lý do thúc đẩy chị em tôi rời bỏ làng quê ra đi, và không bao giờ muốn quay trở lại nữa.
Chị em tôi đã may mắn đến được chùa này, đã may mắn gặp được sư cụ từ bi cứu giúp. Chúng tôi đã may mắn tìm lại được mái ấm. Nào ngờ, nơi cửa Phật cũng không tránh khỏi được bão táp mưa sa. Thầy ơi! Bây giờ, trong chốn ngục tù, thầy ra sao? Chị ơi! Bây giờ chị ở đâu? Cả sư bác Khoan Độ nữa. Sư bác đã chặt đứt cả một ngón tay để thề nguyền suốt đời bảo vệ Phật pháp. Nhưng liệu sức người có chống đỡ nổi cơn bão táp phong ba này không? Tôi ngồi dựa lưng vào cây cột lim, suy nghĩ miên man và nghe những con chim đêm vừa bay qua chùa vừa kêu lên những tiếng não nùng thê thảm. Ồ! Sao đêm nay lắm chim lợn đến thế. Loài chim ma quỷ mang điềm gở, đêm nay tụ tập đến chùa làm gì nhỉ.
Tôi sợ lắm. Sợ đến buốt giá trong lòng. Không phải nỗi sợ cái lạnh từ ngoài thấm vào. Có lẽ nó từ trong xương tủy toát ra. Cũng có thể nó là sản phẩm của ngôi chùa thênh thang đột nhiên trở nên hoang lạnh, côi cút, cô đơn. Sư phụ của tôi tên là Vô Úy, nghĩa là không sợ. Sư cụ giảng cho tôi:
- Con ạ! Ngày xưa thiền sư Vạn Hạnh nói rằng: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy” (gặp cảnh đổi thay trên cõi đời, không sợ hãi). Thầy ta đã lấy chữ Vô Úy mà đặt pháp hiệu cho ta. Sống ở cõi nhân gian tức là sống giữa những đau khổ. Không sợ hãi, mới tìm được Niết Bàn. Niết Bàn chẳng ở đâu xa. Nó ở ngay cõi trần gian này.
Sư phụ ơi! Khó quá! Con chưa hiểu nổi. Con sợ hãi lắm. Mệt quá, tôi ngủ thiếp đi. Thầy tôi về với tôi trong giấc mộng. Người thầy đầy máu, mặt mũi tím bầm. Tôi nức nở ôm lấy thầy. Sư phụ hiền từ bảo:
- Nín đi! Con đừng sợ. Nghiệp đấy. Có nghiệp thì phải trả. Trả xong, thầy sẽ về với con.
Tôi níu áo. Thầy dứt áo quay đi. Bất thần một quái vật to lớn, miệng đỏ lòm há to. Thầy lặng lẽ đi về phía cái miệng há hốc. Tôi thét lên, tỉnh giấc. Cũng là lúc trời rạng sáng. Tôi xuống bếp nấu cơm. Tôi bưng bát cơm rưới tương, lùa vội vàng vào miệng, rồi lũn cũn theo đường cái quan lên huyện.
Trời còn mờ sương sớm. Đoàn lính từ bốt Sọ đi mở đường còn sớm hơn cả tôi. Sáng nào cũng vậy, lính vẫn phải dậy sớm đi mở đường. Tức là họ phải đi dò mìn trên đường suốt năm cây số từ đỉnh Sọ lên đầu huyện. Ban đêm, lính Tây, lính bảo hoàng phải cố thủ trong đồn. Đêm tối thuộc quyền kiểm soát của du kích. Họ chôn mìn trên đường. Quân Pháp cậy có ôtô, ban ngày, cho xe chạy trên đường, cơ động nhanh đến khống chế các làng xóm ở cách xa các bốt. Mìn là cách khống chế sự cơ động. Khoảng tám giờ sáng, cuộc mở đường mới chấm dứt, lúc đó các xe cơ giới mới chạy.
Tôi gặp toán lính mở đường ở khoảng ba kilômét cách bốt Sọ. Ở đây có những bụi sim mọc lúp xúp cách con đường một quãng chừng trăm mét. Bọn lính dùng súng tiểu liên bắn vào các bụi nghi ngờ. Tôi nghe người ta nói du kích đã thay đổi cách đánh mìn. Họ không chôn mìn tự động nữa, mà dùng loại mìn điện làm nổ tung một chiếc cam nhông đầy lính. Thấy tôi đi giữa đường, người lính cầm súng hỏi:
- Ê, nhóc con, đi đâu?
- Thưa ông, cháu lên huyện.
- Lên làm gì?
- Thưa ông, cháu đi thăm sư cụ.
- Sư cụ mày làm sao?
- Dạ, sư cụ cháu bị tù.
- Việt Minh hả. Sư mà cũng làm du kích hả?
- Dạ, không, sư cụ cháu chỉ đi tu thôi.
- Lại đây tao khám. Mày có phải là Việt Minh con không?
Người lính túm lấy tôi rồi nắm vào đũng quần. Hắn cười:
- Thằng này còn có dái, không phải chú tiểu. Việt Minh trá hình. Anh em ơi bắt nó lên đồn.
Tôi khóc thút thít. Một người lính hiền lành nói:
- Thôi! Đừng trêu chọc dọa nạt nó nữa. Ông sư chùa Sọ mới bị bắt. Thầy trò họ hiền lành lắm mà.
Người lính cầm súng lại hỏi:
- Mày mang theo cái đùm gì đây?
- Dạ, cơm nắm. Cháu nghe bảo ở trong tù không được ăn, nên cháu đem cơm cho thầy cháu.
Nghe cái giọng thật thà của tôi, trông thấy tôi rân rấn nước măt, hình như người lính cầm súng cũng động lòng Anh ta không dậm dọa tôi nữa, mà hỏi:
- Chúng tao chưa gỡ mìn quãng trước mặt đâu. Mày đi không sợ vấp phải mìn sao?
- Cháu là sư, du kích họ không nổ mìn đâu ạ.
Lại hỏi:
- Họ không dùng mìn đánh chết mày, thì họ đánh ai?
Tôi im lặng không trả lời. Bọn lính gật gù. Có tiếng nói:
- Chú tiểu láu cá lắm. Nó sợ bảo rằng du kích dùng mìn để đánh Tây, thì sẽ bị chúng ta ghép vào tội tuyên truyền Việt Minh.
Những người lính dãn ra nhường lối cho tôi đi. Anh lính cầm súng dậm dọa tôi lúc nãy còn dặn với theo:
- Mày nhớ đi vào chính giữa đường. Đừng đi bên lề. Việt Minh hay chôn mìn ở bên lề đường. Hôm nọ có con chó chạy ở vệ cỏ cũng bị mìn nổ tan xác...
Hóa ra người lính này chỉ dậm dọa cho oai. Thực ra, bụng dạ anh ta cũng không đến nỗi nào. Tôi theo lời anh cứ giữa đường mà đi. Con đường này chỉ là tỉnh lộ. Con đường trải đá dăm, lâu ngày không được sửa chữa. Hồi đầu kháng chiến, dân xã, theo lệnh trên, đào những hố to như những cái rá để ngăn không cho xe tăng của Tây đi. Sau này, người Pháp, khi chiếm đóng, có cho sửa chữa lại. Tuy nhiên, con đường vẫn lởm chởm, đầy ổ gà, và vì mặt đường không trải nhựa, nên con đường vẫn có nhiều chỗ đáng nghi ngờ; du kích vẫn có thể chôn mìn, và nếu ngụy trang khéo léo, khó ai có thể phát hiện, lối đi giữa đường, miệng lẩm nhẩm niệm hồng danh bồ tát Quán Thế Âm. Sự tụng niệm ấy, thật không ngờ, đã làm cho tôi,một chú bé mấy tiếng trước đây còn run rẩy vì sợ hãi, cô đơn,tuyệt vọng bỗng trở nên chững chạc, vững tin. Tôi quán tưởng tới Bồ tát từ bi nghìn mắt nghìn tay, thấy ánh hào quang dịu dàng của Người như đương tỏa sáng trong tâm trí tôi. Và tôi đã đến huyện hoàn toàn bình an vô sự.
Người phố huyện chỉ cho tôi đến trại giam. Trại giam phòng nhì là nhà một ông Hàn, có tường cao, có cổng gỗ lim. Người lính gác là anh da đen rạch mặt. Hắn ta thấy chú tiểu lại gần liền giơ súng có lưỡi lê đuổi quầy quậy:
- Ê, bé con. Đi không tao bắn.
Chú tiểu quỳ xuống, lạy người Tây đen:
- Xin ông dón tay làm phúc, cho phép tôi vào thăm thầy tôi.
Người da đen nghe không hiểu, liền lên đạn và quát tháo:
- Bé con. Lui ra. Tao bắn.
Quan hai phòng nhì Bernard đứng ở hiên nhà thấy cảnh ồn ào cổng vội chạy ra, theo sau là anh bồi mặc quần áo trắng. Bernard hỏi tôi bằng một tràng tiếng Tây xì xồ. Anh bồi áo trắng phiên dịch:
- Tây hỏi cháu đến đây có việc gì?
- Thưa, con đến thăm thầy con là ông sư bị tù sáng hôm qua.
Anh bồi dịch:
- Lui, bé con, vouloir, voir, le bonze, emprisonner matin hier [1].
Tây Bernard nhíu mày nghĩ ngợi. Tôi nói tiếp:
- Cháu mang cơm đến cho sư cụ.
Anh bồi lại dịch theo kiểu bồi:
- Lui, vouloir, envoyer, poignée de riz, au bonze [2].
Tây Bernard bỗng trở nên tò mò. Hắn cầm nắm cơm từ tay tôi, bẻ đôi ra nhìn, rồi bỗng mỉm cười, gật gật, xoa đầu tôi và nói xì xồ.
Anh bồi có vẻ ngạc nhiên bảo tôi:
- Ông Tây bằng lòng cho chú vào thăm đấy. Nhớ bảo với ông sư rằng khai ra thì ông Tây cho sư cụ về với cháu.
Anh bồi ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy Tây Bernard dễ tính đến thế. Có thể, người sĩ quan phòng nhì này thấy tôi là một chú tiểu ngồ ngộ, cũng có thể lòng anh ta có chút cảm động nào chăng, khi thấy tôi tha thiết xót thương thầy tôi. Nó giống như tình cảm người con với người cha. Ở bên đạo, tại các nhà thờ, không có các chú tiểu đi tu giống như ở chùa. Có lẽ người Tây này thấy điều đó là hay hay, là lạ nên đã ban cho tôi cái đặc ân này chăng?
Nhà giam là năm cái casô, từa tựa như năm gian nhốt ngựa, nhưng kiên cố, có chấn song sắt. Thầy tôi, quần áo tả tơi, mặt thâm tím, nằm còng queo trên sàn ximăng. Tôi kêu thầy ơi rồi khóc hu hu. Thầy tôi run rẩy đứng lên, bám lấy chấn song sắt. Ông cụ thều thào “A di đà Phật”. Đôi mắt mờ của thầy nhìn chằm chằm vào tôi.
- Con đấy ư? A di đà Phật, cầu Phật phù hộ cho con.
Tôi nghẹn ngào đưa nắm cơm hẩm và gói muối vừng cho thầy.
- Thầy cố ăn cho khỏe.
- A di đà Phật.
- Ông Tây bảo thầy khai thì sẽ thả ra.
- A di đà Phật.
- Ngày mai con lại mang cơm cho Thầy...
- A di đà Phật.
Thầy tôi cứ niệm Phật mãi bằng một câu như vậy. Cho đến phút chót thầy mới nói được một câu khác, nhưng vẫn là câu hôm ra đi thầy đã dặn tôi:
- Con ở lại giữ lấy chùa. Đừng quên sớm tối đèn nhang. A di đà Phật.
Tiếng A di đà Phật cứ vẳng mãi trong tâm hồn tôi. Về sau, tôi mới biết, khi bị hỏi cung, bị tra tấn, thầy tôi vẫn chỉ một mực nói câu nói ấy. Nó như một câu thần chú, đem lại cho thầy tôi một sức mạnh kỳ diệu để chống lại sự đau đớn thể xác, để không làm trái với những niềm tin của cả đời mình. Thầy tôi là một nhà tu hành thuần thành. Một ông thầy chùa đích thực thì phải có lòng từ ái. Từ với tất cả chúng sinh, từ ái với cả những kẻ coi mình là thù nghịch. Không sân hận ngay với kẻ muốn làm ác với mình, muốn giết mình. Điều đó mới khó làm sao. A di đà Phật. Thầy chỉ còn biết niệm Phật để mong cho mình có sức mạnh mà chịu đựng. A di đà Phật. Đức Thế Tôn xưa rải tâm từ đến con voi điên muốn giết ngài và cuối cùng đã cảm hóa được nó. A di đà Phật. Nếu không có từ tâm ấy thì thầy tôi lấy đâu ra sức chịu đựng, chắc chắn thầy đã chết trong những cuộc tra tấn khủng khiếp ấy. Tâm từ, thầy tôi đã rải cho cả chính mình. Chính tâm từ đã cứu mạng sống cho bản thân thầy. Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao sư tổ ngày xưa lại đặt pháp hiệu cho thầy tôi là Vô Úy.
Tôi trở về chùa. Cứ nghĩ đến cảnh gặp thầy tôi ở xà lim phố huyện, tôi lại vô cùng lo lắng. Nhưng nghĩ tới người Tây dễ tính cho phép tôi vào thăm thầy, tôi lại có chút hy vọng. Còn nghĩ rằng sự đức độ của thầy, cái tâm từ bao la của thầy có lẽ đã cảm hóa được người Tây đó chút nào chăng. Người ta cho tôi vào thăm thầy, tức là người ta cho rằng tội thầy tôi cũng nhẹ. Có khi chỉ là sự nghi ngờ nào đó thôi. Việc thầy tôi được thả ra chắc chỉ là chuyện ngày một, ngày hai.
Các bà vãi đến giúp tôi trông nom chùa ngày nào cũng có mặt. Ruộng chùa sư bác Độ cho cấy rẽ hết. Chỉ có mấy sào lúa nếp hương đã hoe hoe vàng. Mấy ruộng nếp đóng oản quanh năm. Nếp này nếp cái vừa dẻo vừa thơm. Một bà vãi làng lấy chồng Nam Định, vẫn nhớ đến chùa làng, đem năm cần thóc giống tận quê chồng lên đây cúng chùa. Bác Độ chăm sóc thật khéo. Gần chục năm rồi mà giống vẫn không lai tạp. Gạo vẫn dẻo vẫn thơm.
Thầy tôi dặn dò lúc ra đi, rồi nhắc lại lời dặn khi tôi đến xà lim, điều ấy tôi đâu dám quên. Lời thì ngắn, nhưng ý thì nhiều. Trông nom nhà chùa, đèn nhang sớm tối còn gồm cả chuyện những mảnh lúa nếp này nữa. Có một mảnh đã chín. Các bà vãi và tôi phải mất hai ngày trời mới thu hoạch xong mảnh ruộng ấy.
Tôi theo thầy tôi thấm thoát đã gần ba năm. Thầy dạy dỗ tôi thật kỹ càng. Ngoài học tập kinh kệ, chữ nghĩa, tôi còn phải học làm việc đồng áng. Thầy bảo:
- Con người ở chùa phải tinh tấn học tập từng giây từng phút. Ăn là thiền, nói là thiền, nghĩ là thiền, đi đứng là thiền, làm việc đồng áng cũng là thiền. Bởi vì thiền là sự sống, hiểu sống. Ta bưng bát cơm ăn, ta cám ơn sự sống. Người làm ra hạt gạo tức làm ra sự sống. Do đó ta quý việc đổ mồ hôi trên luống cày.
Tôi mười ba tuổi, không cao lớn, nhưng gân thịt săn chắc. Làm việc dẻo dai. Đã gánh nổi ba chục cân lúa ở đồng về.
Gặt xong lúa, hôm sau tôi định lại lên phố huyện thăm thầy. Tôi dậy sớm nấu xôi gạo mới. Cơm sôi, mùi hương nếp từ bếp tỏa ra, bay vào gian chính điện. Cả ngôi chùa thơm nức hương nếp. Tôi quấn rơm trùm trên nồi cơm. Đợi cho rơm cháy hết, tôi ra sân chùa, đến cây mít hái lá. Tôi muốn đóng chục cái oản. Trước là dâng lên cúng Phật, sau là làm lộc cho các bà vãi đem về nhà, để các cháu nhỏ cũng được thụ lộc của trời đất. Hôm nay sẽ đóng oản nhiều hơn mọi ngày rằm mùng một. Tôi sẽ mang oản này lên nhà giam cho thầy. Tôi đứng dưới gốc mít, cứ nghĩ như vậy. Thích thật! Oản chưa đóng mà gốc mít đã thơm lừng mùi oản. Hóa ra hương nếp bay ra tận đây, đọng lại rên vòm lá xanh rờn. Hóa ra hương nếp lẫn vào sương mù buổi sớm như tấm áo choàng thơm tho ướp hương cho chùa.
Lần này, tôi đến phố huyện sau khi lính đồn Sọ đã mở đường, gỡ mìn xong. Khoảng hơn mười giờ sáng tôi đứng trước cửa trại giam P.C. Tôi đứng xa xa, chờ đến lúc ông Tây xuất hiện ở sân mới xách cái bị lò dò đến gần cửa. Lính Tây đen rạch mặt lại quát to:
- Ê, bé con, đi ra xa, mau lên.
Tôi lại khúm núm xin xỏ, mắt vẫn liếc vào sân, mong ông Tây mặt đỏ như mặt gà chọi chú ý. Lần này, ông Tây mặt đỏ ra mở cửa, nhưng không có ông bếp áo trắng đi theo. Tôi đứng trước mặt ông Tây, khấp khởi mừng thầm vì lại được gặp con người dễ tính nhân đức này.
- Con xin chào quan lớn.
- Mày muốn cái gì?
Hóa ra ông Tây cũng biết tiếng ta, tuy nói giọng lơ lớ.
- Con xin thăm tù. Thăm ông sư. - Tôi vừa trả lời, vừa làm hiệu xoa lên cái đầu trọc của tôi.
- Thăm sư ha. Thăm Việt Min ha.
- Thưa vâng.
- May la Viet Min be con ha.
- Không, tôi là sư.
- Cut đi! Me may! Cut đi!
Nói xong, người Tây giơ chân đi giầy săng đá đạp mạnh vào người tôi. Một cú đạp trời giáng, đạp hết sức làm tôi ngã vang ra xa.
- Me may. Viet Min, be con.
Nét mặt người Tây cau lại hung dữ, hoàn toàn khác người Tây mà tôi gặp lần trước. Tôi có lầm đâu. Vẫn người Tây cũ không sai. Một con người hiền lành dễ tính sao bỗng nhiên thành một hung thần làm ta khiếp đảm. Tôi chẳng hiểu nguyên nhân sự đổi thay ấy từ đâu. Ông ta nhổ nước bọt rồi quay đít đi vào trong khi mặt tôi tái xanh, chưng hửng. Người lính da đen cũng hùa theo. Anh ta lên đạn lách cách rồi giậm chân mạnh xuống đất kiểu như ta đuổi chó. Tôi vội lồm cồm nhỏm dậy và lủi thủi bước xa. Người lính da đen đóng cánh cổng lim lại. Tôi kêu lên trong lòng:
- Thầy ơi! Bây giờ thầy ra sao. Liệu con có gặp lại được thầy nữa không? Con không hiểu sao lại thế...
Người tu hành không được phép sân hận trước bất cứ một điều gì. Lòng từ bi của đạo Phật là vô biên. Tuy nhiên, thú thật lúc đó lòng hận thù trong tôi bỗng đột ngột dấy lên. Nó như những lớp sóng bạc đầu nối tiếp nhau xô vào đầu óc tôi dồn dập. Tôi khóc với đôi mắt đỏ ngầu, bàn tay nắm chặt. Tôi muốn hét thật to. Tôi ra khỏi phố một quãng, ngồi phệt xuống bờ ruộng. Người tôi như được tích tụ thuốc nổ, chỉ chực nổ tung. May mắn là tôi khóc được. Nước mắt đầm đìa khuôn mặt. Nước mắt ào ạt tràn ra, không tài nào cản được. Tôi khóc cho đến lúc không còn nước mắt. Hàng tiếng đồng hồ ngồi khóc, dần dần làm lòng tôi dịu lại. Tôi ra con mương gần đấy, vốc nước vả vào mặt. Nước mát làm tôi tỉnh táo lại. Tôi suy nghĩ trước sau, và chợt nghĩ ra anh Hải. Ừ, tại sao tôi không đến gặp anh Hải. Anh vừa là thầy giáo của tôi, vừa là anh rể tương lai của tôi.
Tôi đến P.C (đồn chỉ huy khu vực). Ở đây khác với trại giam. Lính đông đúc. Xe cộ tấp nập ra vào. Bao nhiêu là Tây trắng, Tây đen, bảo hoàng, lính dù, lính mũ đỏ. Lúc này tôi sợ sệt chứ không bạo dạn như đến trại giam. Tôi chỉ dám đứng ở rất xa chứ không dám lại gần. Mãi mới thấy một anh lính bảo hoàng từ trong đồn đi bộ ra phố. Tôi lại gần lễ phép hỏi:
- Thưa bác, tôi có người nhà làm thông ngôn. Nhờ bác làm ơn làm phúc nói cho làm cách nào gặp được ông ấy.
- Tên ông ta là gì?
- Dạ, Hải, ông đội Hải.
- Đúng. Có ông đội Hải thông ngôn. Nhưng mấy hôm nay ông về Hà Nội có việc.
Chú thích:
[1] Lui, bé con, vouloir, voir, le bonge, empuisonner, matin hier: Nó, bé con, muốn, thăm, ông sư giam sáng hôm qua.
[2] Nó, muốn, gửi, nắm cơm, cho ông sư.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa