C
ác đảng cộng sản đều coi phê bình và tự phê bình là cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ hữu hiệu nhất. Sự vật vận động sẽ sinh mâu thuẫn, giải quyết được mâu thuẫn sự vật mới có cơ hội phát triển, tiến lên. Phủ định và phủ định của phủ định, nghe vừa khoa học vừa huyền bí, như câu thần chú: “Vừng ơi, mở cửa ra!”, cứ đọc to lên là cánh cửa vào tương lai sẽ mở toang. Các nước xã hội chủ nghĩa vẫn đọc to câu thần chú ấy trong nửa thế kỷ mà cánh cửa vào tương lai vẫn đóng chặt. Mất thiêng rồi chăng? Quả là đã mất thiêng vì người hô không hề tin một chút nào vào cái khả năng kỳ diệu của nó. Nếu tin vào phê bình và tự phê bình thì Stalin đã không chế ra các vụ án chính trị man rợ để tiêu diệt các đối thủ vốn là tay trái tay phải của mình trong những năm đó. Nếu tin vào câu thần chú ấy thì Mao Trạch Đông đã không bày ra tấn tuồng “cách mạng văn hoá” để tiêu diệt mọi kẻ dám can ngăn những chủ trương đầy tính phiêu lưu của ông. Ấy là nói về những người nắm quyền lực cao nhất, còn những người nắm những cơ quan quyền lực thấp hơn cũng chả bao giờ họ tin vào cái phương pháp lãng mạn đó cả. Trong các cấp uỷ họ vẫn tự phê bình và phê bình nhau một cách sốt sắng giả dối. Và ai nấy đều tự bằng lòng hơn sau những lễ xưng tội giải tội hết sức vui vẻ này. Và mọi thói xấu, kể cả tội ác nữa, vẫn nghiễm nhiên tồn tại như trước đây, vẫn là những vùng cấm chỉ những kẻ quá chán đời mới dám đơn độc xông vào. Bởi vậy khi ông tổng bí thư của Đảng mới được bầu, trong cơn phấn khích đổi mới sinh hoạt đảng, đã phát động một phong trào tự phê bình và phê bình rộng khắp toàn đảng, các đảng bộ trong cả nước đều nhiệt liệt hưởng ứng, đều nhắc lại với lòng nhiệt thành hiếm có trong các bài diễn văn có đảng tính cao của họ. Đó là một màn diễn khổng lồ, rất tốn kém, chả đem lại bất cứ kết quả nào. Vì chỉ là diễn thôi, người cũ kẻ mới đều vào vai rất thành thạo. Rút cuộc kẻ có tội vẫn ngày càng hung hãn, càng tự tin, còn người tố tội càng lúc càng dè dặt, hãi sợ. Kỳ quái nhỉ?
Các tín đồ của học thuyết Mác đều rất tin môi trường xã hội và hoàn cảnh cá nhân có ý nghĩa quyết định tới sự hình thành tính cách con người. Một địa phương có nhiều phong trào cách mạng tích cực ắt phải sản sinh ra nhiều tập thể tốt, một tập thể tốt sẽ sinh ra nhiều cá nhân tốt. Con người là một thực thể vật chất nên không thể thoát ly những điều kiện vật chất đã cho phép nó tồn tại. Nhưng nó còn là một thực thể sinh học, một thực thể tinh thần, tâm linh, văn hoá bao gồm lịch sử cá nhân và dòng họ ở trong nó. Nó cũng không thể biết hết nó, không thể biết hết những phản ứng bất thần trong chính nó khi vấp phải những đối nghịch trong cuộc sống. Nên cái thế giới tinh thần, tâm lý của con người là rất đa dạng, phức tạp, có muôn vàn lối đi ngoắt ngoéo. Từ thời con người có ngôn ngữ để giao tiếp, có chữ viết để lưu lại, có văn chương để bày tỏ những bí mật của riêng rình, nó vẫn không ngớt than thở là chả biết được bao nhiêu về mình và đồng loại. Con người vẫn nguyên vẹn là một bí mật mênh mông, sâu thẳm như từ thủa nguyên sơ vậy. Người cộng sản phải kiêu ngạo lắm mới dám bày cái trò chỉnh huấn phê bình để lãnh đạo một cách chuẩn xác cái phần khó nắm bắt nhất trong con người. Vì nó biến hoá, nó phù du như mây như gió vậy.