Chương 12 : Ngày 14 Tháng Tám- Lời Cuối Cùng
ại Đông Kinh, tình hình diễn tiến gấp rút trong buổi sáng ngày 14. Sau giấc ngủ ba tiếng đồng hồ, Tướng Anami dùng điểm tâm với Tướng Hata vừa từ Hiroshima tới, sau khi Bộ Tư lệnh của ông tại đây đã bị thiêu hủy. Ông về Đông Kinh để báo cáo lên chính phủ sức công phá ghê hồn của vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên Hata vẫn có được một an ủi là thứ vũ khí đó dường như vô hiệu đối với những đường hầm được bố trí kiên cố dưới mặt đất.
Tướng Anami liền chụp lấy nhận xét đó và căn dặn Hata: «Khi vào bệ kiến Hoàng thượng, ông cần phải nói điều đó cho ngài hay. Ông cần phải nhấn mạnh, bom nguyên tử không nguy hiểm như người ta tưởng». Anami bấu víu lấy mọi mảnh hy vọng mà ông gặp được.
Sau cuộc hội kiến với Hata, Tướng Anami tói văn phòng bộ Chiến tranh. Tại đây vào lúc 7 giờ sáng, nhóm nổi loạn đứng chung quanh ông.Vì 10 giờ sáng được quyết định là giờ khởi sự nên lúc này họ đòi hỏi Anami phải cam kết hợp lực với họ. Để sự việc được tiến hành mau lẹ họ đã tự ý mời Tướng Tanaka, tư lệnh Quân đoàn Miền Đông và Tướng Mori,tư lệnh Ngự lâm quân, sáng nay đến bộ Chiến tranh để tham dự một phiên họp đặc biệt. Họ đang hăng say trong bầu không khí hành động.
Và Tướng Anami cũng đã sẵn sàng đối phó. Được biết đến 1 giờ chiều có một phiên họp của Hội đồng Chỉ đạo Chiến tranh, Anami trù liệu: từ lúc này đến giờ đó ông phải giải quyết cho xong vụ sĩ quan nổi loạn. Lập tức ông thi hành một biện pháp được tính toán từ lâu.
Anami ra hiệu cho Đại tá Arao theo ông xuống văn phòng của Tướng Umezu, Tham mưu trưởng lục quân. Tới nơi Anami đột ngột hỏi Umezu: «Ông có ủng hộ cuộc đảo chính không? ».
Ngồi ở sau bàn, Tướng Umezu ngước mặt nhìn Anami rồi đưa mắt nhìn Arao và nói: «Tuyệt đối không! Không có một hy vọng gì thành công cả. Chỉ cần một lý do giản dị là dân chúng sẽ không có ai theo các anh». Giọng nói của Umezu trở nên mỉa mai: «Bốn mươi phần trăm công nhân nhà máy đã bỏ sở làm. Trong những điều kiện đó chúng ta không thể tiếp tục chiến tranh».
Anami nhìn Arao bị bàng hoàng trước sựphản đối quyết liệt của Umezu. Vào lúc Arao theo Anami cùng rời khỏi văn phòng tham mưu trưởng lục quân thì nhóm nổi loạn kể như đã bị thất bại. Anami biết từ trước chủ trương phản chiến của Umezu, nên ông đã nhờ Umezu nói lên những lời mà chính ông không bao giờ chịu nói. Arao gọi dây nói báo cho các đồng chí biết cái tin đen tối, và cũng kể từ phút giây đó anh hết là phát ngôn viên của nhóm nổi loạn.
Trong khi mưu đồ đảo chánh sụp đổ tại bộ Chiến tranh thì phe chủ hòa gồng minh hoạt động với hầu tước Kido đóng vai trò chủ động. Trong những ngày qua, ngoài bom đạn lực lượng B. 29 của Hoa Kỳ còn trút xuống đất Nhật hàng triệu truyền đơn khích động tinh thần phản chiến của dân Nhật.
Vào lúc 7 giờ sáng, một gia nhân đem vào trình một tờ truyền đơn rơi ở góc vườn. Kido suy tính ông phải hành động ngay trước khi phe quân nhân chủ chiến nổi dậy cướp chính quyền, ông gọi dây nói cho Hoàng cung và xin được yết kiến Nhật Hoàng. Vào lúc 8 giờ 30, ông tới nơi trình bầy mọi việc, và Hirohito cảm thấy thời gian gấp rút nên yêu cầu Kido: «Hãy làm mọi việc cần phải làm để sớm chấm dứt cuộc chiến». Kido xin được triệu tập một phiên họp cuối cùng để Nhật Bản chính thức chấp nhận đầu hàng trong nội ngày hôm nay.
Trong khi lui gót, Kido bất ngờ gặp Thủ tướng Suzuki đang muốn vào bệ kiến để xin nhà vua quyết định và khai thông thế bế tắc trong nội các. Kido hỏi Suzuki đã triệu tập phiên họp Hội đồng Chỉ đạo Chiến tranh chưa? Suzuki nhăn nhó trả lời: «Tôi đang gặp khó khăn. Lục quân đòi họp vào lúc 1 giờ chiều, còn Hải quân xin hoãn, và không nói họp vào lúc nào». Quả thực Suzuki chưa biết tính toán ra sao vào lúc này.
Rồi theo lời yêu cầu của Suzuki, cả hai người cùng vào yết kiến Nhật Hoàng vào lúc 10 giờ. Trong cuộc họp tay ba đó, một chiến thuật mới liên thành hình và được thi hành ngay.
Nhật Hoàng Hirohito quyết định mời toàn thể nội các nhóm họp với ông vào lúc 11 giờ. Như vậy tức là từ lúc nhận được lệnh ở dây nói, cho đến lúc họp nội các chỉ có nửa giờ để chuẩn bị lễ phục vào Hoàng cung.
Họ tụ tập tại Tư viện, rồi từ đó cùng đi về phía cầu thang dẫn họ tới phòng Hội đồng ở sâu dưới mặt đất.
Đi theo hàng một, những con người đang cầm nắm vận mạng quốc gia bước xuống những bậc thang có trải thảm giữa hai bên tường rỉ nước vì ẩm thấp. Tới chân cầu thang họ quay về phía bên phải và đi về phía cửa mở rộng. Bên kia cửa là phòng Hội đồng, căn phòng mà mười một người trong số bọn họ đã nhóm họp với nhà vua vào đêm 9 tháng Tám.
Họ ngồi vào hai hàng ghế quanh chiếc bàn nhỏ trên có trải một tấm khăn thêu kim tuyến. Ở đầu bàn đặt một lô ghế lưng tựa thẳng, hai bên có tay vịn. Sau lô ghế đó có một tấm bình phong sáu cánh thếp vàng. Ngoài món đồ trangtrí đó, căn phòng gần như trần trụi.
Hai mươi bốn con người ngồi chờ đợi nhà vua. Những chiếc ghế đầu dành cho sáu nhân vật thuộc Hội đồng Tối cao Chỉ đạo Chiến tranh; Yonai, Suzuki, Togo, Umezu, Toyoda và Anami. Nhân vật quan trọng trong cuộc họp đêm 9 tháng Tám là Bá tước Hiranuma cũng tới dự phiên họp. Ngoài ra còn có cả bí thư nội các là Sakomizu lúc này đang lo lắng cho Thủ tướng Suzuki, người nắm trách nhiệm lãnh đạo hội nghị và đè bẹp đối lập. Ông lo sợ vị Thủ tướng già không làm tròn trách nhiệm của mình.
Sự lo sợ của Sakomizu hiển nhiên có lý do. Trong mấy ngày qua Suzuki không đủ sức thi hành ý muốn đầu hàng của nhà vua. Hôm nay vào lúc 8 giờ ông tới gặp Suzuki để hỏi về bản tuyên cáo nhà vua sẽ đọc trong phiên họp. Suzuki trả lời ông không hề nghĩ đến việc soạn thảo một bản tuyên cáo như vậy, và ông cũng chưa soạn thảo bản tuyên bố của chính ông nữa.
Phòng họp yên lặng, thỉnh thoảng có tiếng ho khẽ. Anami mặc lễ phục hướng mặt nhìn về phía tấm bình phong. Vào lúc 10 giờ 55, tấm bình phong mở rộng, vua Hirohito bước vào phòng họp. Ông mặc quân phục, đeo găng trắng. Trong khi cử tọa đứng dậy kính cẩn cúi đầu, ông tới ngồi vào ghế ở đầu bàn. Suzuki là người được quyền lên tiếng đầu tiên.
Vị Thủ tướng già đứng dậy nhìn về phía Hirohito. Sau khi xin lỗi một lần nữa đã phải kêu gọi đến nhà vua để xin chỉ thị, Suzuki tường trình tất cả những khó khăn đã đưa nội các lâm vào tình trạng bế tắc. Ở chiếc ghế cuối cùng, bí thư Sakomizu lắng nghe Suzuki thi hành trách nhiệm, tay ông toát mồ hôi vì xúc động.
Suzuki hoàn toàn làm chủ được phòng họp. Không cần một chút giấy tờ gì, ông đã ứng khẩu trình bày vấn đề một cách rành rọt, mạch lạc bằng những lời lẽ hùng hồn. Sau đó ông quay về phía các Tướng lãnh, các Đô đốc và yêu cầu họ cho biết ý kiến một lần nữa. Vì quá xúc động nên Anami và Umezu không phát biểu được những ý kiến rõ ràng sáng sủa. Chỉ còn lại Toyoda, viên Đô đốc không có hạm đội, phải bênh vực lập trường chủ chiến. Và ông đã làm công việc này một cách hoàn hảo.
Đứng trước Nhật Hoàng và giới lãnh đạo, Toyoda lần cuối cùng được dịp lên tiếng bênh vực khối quân nhân Nhật. Ông nói: «Nhật Bản phải duy trì qui chế của Hoàng gia... Không một quốc gia nào được quyền chiếm đóng đất Nhật... Điều khoản nói về thể chế tương lai của Nhật là một điều tối nguy hiểm, và có thể phá hoại truyền thống dân tộc của chúng ta...». Phe chủ chiến rất mãn nguyện có được một phát ngôn viên như Toyoda. Hết lời ông ngồi xuống ghế.
Hai mươi bốn con người ngồi yên lặng chờ đợi diễn biến của cuộc họp. Suzuki yêu cầu Nhật Hoàng Hirohito tên tiếng.
Hirohito nhô người vè phía trước, rồi bắt đầu: «Nếu không còn vị nào muốn trình bày ý kiến thêm, trẫm xin trình bày ý kiến của mình. Trẫm muốn tất cả quí vị đây đồng ý với trẫm.Từ cuộc họp đêm mồng chín đến nay, trẫm vẫn không thay đổi ý kiến».
Vua Hirohito nói một cách khó khăn, thỉnh thoảng lại phải dừng lại để tìm lời thích đáng. Toàn thể phòng họp chăm chú và người ta nghe thấy vài tiếng nức nở. Hirohito nói tiếp:
«Trẫm đã nghiên cứu cẩn thận phúc điệp của Đồng minh và kết luận rằng: phúc điệp đó thừa nhận lập trường chúng ta đã đề ra với họ mấy ngày trước đây. Nói tóm lại là trẫm thấy Nhật Bản có thể chấp nhận phúc điệp đó được». Nói tới đó, Hirohito khựng hẳn lại. Ông đưa bàn tay đeo găng lên phía dưới mặt kính để gạt giọt nước mắt. Rồi ông nói tiếp:
«Trẫm rất cảm thông với nỗi đau đớn của các binh sĩ phải nộp võ khí cho địch, và phải thấy đất nước bị chiếm đóng. Trẫm cũng lấy làm đau đớn vô cùng khi phải ban hành lệnh này, và phải nộp biết bao nhiêu công thần của trẫm cho địch quân đem ra kết án. Mặc dầu đau đớn... nhưng trẫm không thể chịu đựng được ý nghĩ để cho thần dân phải chịu khổ sở chết chóc hơn nữa... ». Hirohito hầu như cạn lời, ông đưa ngực lên trong khi tìm lời kết luận. Trên mặt nhiều người, nước mắt lẫn với mồ hôi. Nhà vua nói thêm:«Trẫm mong muốn quí vị trong chính phủ thể theo lời yêu cầu của trẫm, hãy chấp thuận những điều kiện của Đồng minh, trẫm yêu cầu quí vị soạn thảo ngay một chiếu chỉ để trẫm, đọc trên đài phát thanh loan báo cho toàn thể thần dân được biết ý trẫm.
«Trẫm lo ngại binh sĩ sẽ hoang mang vì quyết định này. Nếu các vị Bộ trưởng bộ Chiếntranh và bộ Hải quân xét thấy cần, trẫm sẽ sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu, để đích thân giải thích cho binh sĩ được rõ quyết định của trẫm.
«Những gì xẩy ra cho cá nhân trẫm không có gì quan hệ. Trẫm chỉ lo sợ không thể trả lời được trước anh linh của tiên nhân, nếu quốc gia bị tan nát thành tro bụi sau những hy sinh không bờ bến.
«Theo gương đức Minh Trị Thiên Hoàng đã có lần phải chịu đựng cái điều không thể chịu đựng được, thì bây giờ trẫm và quí vị cũng phải làm như vậy. Nếu có gì cần phải làm thêm nữa, trẫm sẽ làm. Nếu cần phải lên tiếng trước máy vi âm, trẫm cũng sẵn sàng.
«Cuối cùng, trẫm kêu gọi từng vị một và kêu gọi toàn thể quí vị hãy nỗ lực đến mức tối đa để chúng ta có thể đối phó với những ngày khó khăn sắp tới».
Nhà vua dừng lại, cố tìm lời, nhưng không còn biết nói gì thêm nữa. Trong sự im lặng tuyệt đối, mọi người đều hiểu rằng chiến tranh đã kết liễu. Thủ tướng Suzuki từ từ tiến về phía nhà vua, kính cẩn cúi gập người và ngỏ lời xin tha tội. Rồi Hirohito cũng từ từ đứng dậy rời phòng họp sau khi có mặt ở đây chưa đầy một giờ đồng hồ. Ông vừa mới nộp đất nước ông cho địch.
Nội các không có mấy người nhìn theo nhà vua. Lẽ ra phải đứng lên và cúi rạp người cho đến khi nhà vua đi khuất nhưng họ vẫn ngồi yên và lấy tay bịt miệng để lấp tiếng khóc nức nở. Có hai người rớt gục xuống chống tay quì gối trên nền căn hầm, khóc rống lên như mưa gió. Phòng hội nghị quánh đặc sầu hận: họ cùng nhau nức nở, cùng an ủi lẫn nhau. Đất nước của họ mất danh dự!.
Nội các Nhật theo hàng một đi lên cầu thang rồi bước chân ra ngoài ánh sáng chói lọi. Chỉ có họ là được biết sự thật thảm khốc, ngoài họ ra không còn ai được biết. Bây giờ đến nhiệm vụ khủng khiếp là làm thế nào để trao nước Nhật cho kẻ thù mà không gây sự chống đối điên cuồng của khối quân nhân được huấn luyện theo truyền thống Samourai.
Tướng Anami bị lương tâm cắn rứt, ông tự hỏi: ông có phục vụ Tổ quốc đúng mức không? Liệu ông có nên quyết định một trận đánh cuối cùng để biểu dương tiềm lực và khiến cho kẻ thù phải kính nể và xét lại những điều kiện?
Hội nghị bế mạc, ông hỏi viên bí thư của ông là Đại tá Hayashi bằng giọng đẫm nước mắt:«Tôi có điều này muốn anh cố vấn. Hoàng thượng đã quyết định vấn đề chiến hay hòa rồi. Nhưng tin tình báo cho biết có một lực lượng Hoa Kỳ ở ngoài khơi Đông Kinh, ý anh nghĩ sao nếu chúng ta đánh tan lực lượng đó, rồi sau sẽ nghị hòa?».
Đại tá Hayashi ngạc nhiên vì câu hỏi đó của cấp trên, anh trả lời ngay: «Ý kiến của Đại tướng hoàn toàn sai lầm. Trước hết vì Hoàng Thượng đã ban hành quyết định kết liễu chiến tranh. Sau nữa lực lượng địch ngoài khơi Đông Kinh mới chỉ là tin đồn, chưa được phi cơthám sát xác nhận... ».
Anami không phản đối khẳng định của Hayashi mà ông phải cần đến để tự thấy đã làm hết sức mình cho Tổ quốc, và bây giờ ông không còn gì để làm nữa. Hayashi đã đem lại cho ông một viên thuốc an thần.
Anami và toàn thể nhân viên nội các nhóm một phiên họp cuối cùng để cùng nhau chính thức ghi nhận quyết định của nhà vua. Không còn ai lên tiếng phản đối điều gì. Anami và Đại tướng tham mưu trưởng Lục quân Umezu và Đô đốc tham mưu trưởng Hải quân Toyoda cảm thấy nhẹ cả người.
Sau cuộc tiếp xúc thất bại với tưóng Umezu vào lúc sáng, đại tá Arao báo cho các đồng chí biết mưu đồ của họ hầu như tuyệt vọng. Arao đi khỏi, hai sĩ quan khác lại đóng vai thuyết khách kéo đến văn phòng Umezu.
Không muốn từ chối tiếp họ, tướng Umezu tìm cách vạch rõ những sơ hở thực tế trong dự mưu của họ: «Tôi không tuyệt đổi phản đối chủ trương đảo chánh. Tuy nhiên các anh phải nhận thấy rằng - đảo chánh lúc này không có một chút hy vọng gì thành công».
Vậy mà câu nói đó đã khiến cho hai sĩ quan nghĩ rằng: Umezu sẽ ủng hộ họ nếu họ khởi sự.
Cái tin đó tung ra tại Bộ Chiến tranh đã khiến cho nhóm khởi loạn lấy lại lạc quan và đem kế hoạch hành động ra bàn lại lần cuối cùng. Vào lúc gần trưa nhận được tin một hội nghị đang diễn ra tại Hoàng cung, Đại táTakeshi-ta liền vượt ngang thành phố Đông Kinh tới dinh Thủ tướng.
Takeshi-ta gặp được viên Bộ trưởng Bộ Chiến tranh có mặt ở phòng ngoài sau khi dự phiên họp nội các cuối cùng. Takeshi-ta hỏi Anami: «Chúng tôi sẵn sàng tuân lệnh Đại tướng. Bây giờ Umezu đã bằng lòng ủng hộ chúng tôi, liệu Đại tướng có thay đồi ý định hay không».
Anami lắc đầu: «Không, tòi không, thay đổi ý định. Lúc này đã quá chậm! Mọi việc đều đã được nội các quyết định xong xuôi rồi»
Takeshi-ta liền nắm lấy tin này: «Nếu Đại tướng từ chức Bộ trưởng Bộ Chiến tranh thì quyết định của Hoàng thượng, quyết định của nội các liền trở thành vô giá trị». Quả vậy, theo thủ tục chính trị ở Nhật, nếu toàn thể nội các không đồng ý thì chiếu chỉ của nhà vua trở nên vô giá trị. Nếu tướng Anami từ chức, điều đó có nghĩa: nội các bị quân đội lật đổ.
Tướng Anami trầm ngâm một lát rồi nói: «Đúng như lời anh nói, đó có thể là một giải pháp. Nhưng đã muộn rồi... chúng ta đi vì Bộ...».
Bộ Chiến tranh đang nổi sóng khi tướng Anami về tới nơi. Tin sắp đầu hàng đã tới tai nhiều sĩ quan chiến đấu hiện có mặt ở đây. Họ giậm chân, vỗ bàn, la hét. Họ ngồi lặng người trừng trừng nhìn mảnh tường trước bàn giấy. Một số người xông ra ngoài hành lang hô hào tiếp tục cuộc chiến.
Trong văn phòng, Đại tướng tham mưu phó lục quân là Kawabé suy tính một nước cờ táo bạo. Là một quân nhân thuần túy, cho đến vừa rồi Kawabé vẫn tin quân lực Nhật phải đánh một trận sống chết tại những đầu cầu đổ bộ của địch. Nhưng lúc này ông nhận thức mọi chống đối đều vô ích và vô nghĩa. Ông liền quyết định đem hết sức mình góp phần vào công cuộc thực thi lệnh đầu hàng. Ông biết rằng những nhà lãnh đạo quân sự ở cấp cao nhất, hiện đang có mặt trong tòa nhà nay. Ông muốn họ long trọng cam kết cùng tuân hành quyết định chấm dứt chiến tranh của nhà vua. Nhằm mục đích đó ông soạn thảo một tuyên ngôn, và tuyên ngôn đó chỉ gồm có một câu như sau: «Quân đội triệt để hành động phù hợp với quyết định của Hoàng thượng». Ông rời văn phòng cùng với viên Thứ trưởng Bộ Chiến tranh Wakamatsu, là người ủng hộ hành động của ông.
Tại phòng hội nghị của Bộ Chiến tranh, ngồi quanh bàn họp có tướng Umezu lầm lì, tướng Doihara, viên quân phiệt Nhật đầu tiên làm Thị trưởng Phụng Thiên thủ đô của Mãn Châu, tướng Hata mà Bộ tư lệnh ở Hiroshima đã bị thiêu hủy vì bom nguyên tử, và tướng Sugiyama Tư lệnh hành quân.
Hai tướng Kavvabé và Wakamutsu bước vào văn phòng đệ trình tuyên ngôn của họ và giải thích lý do tại sao phải cần có tuyên ngôn này. Umezu hạ bút ký ngay, rồi lần lượt tất cả đều cùng ký. Khi tướng Anami bước chân vào phòng, đọc xong câu tuyên ngôn ông cũng ký và không bình luận thêm một lời nào.Vào lúc hai giờ trưa, một số đồng sĩ quan tiến vào phòng hội nghị số 1. Tướng Anami ngồi sau chiếc bàn yêu cầu họ yên lặng rồi nói: «Một hội nghị vừa được triệu tập tại Hoàng cung và Hoàng thượng đã quyết định chấm dứt chiến cuộc. Quân lực Hoàng gia phải tuyệt đối tuân hành quyết định đó. Trong những ngày sắp tới Nhật Bản phải đối phó với rất nhiều khó khăn. Cho dù có phải ngủ đất và ăn đá chăng nữa, tôi và tất cả các anh phải gắng hết sức mình để bảo tồn quốc thể...».
Hatanaka bật tiếng khóc. Nhìn Anami một cách trách móc, Ida hỏi:« Phải chăng Đại tướng đã mất hết tinh thằn chiến đấu».
Anami nhắm mắt lại. Rồi ông trả lời: «Tôi không thể trái lời Hoàng thượng, nhất là khi Hoàng thượng yêu cầu trong nước mắt. Hoàng thượng bảo chúng ta phải nhẫn nhục. Tôi chỉ còn biết tuân hành». Anami mở mắt nhìn các sĩ quan với ý muốn kêu gọi họ thông cảm cho ông.
Rời phòng hội nghị, một số sĩ quan nổi giận tự nguyện sẽ chứng tỏ tướng Anami đã lầm lẫn, và lúc này vẫn chưa phải là quá muộn. Hatanaka, sĩ quan cưng của Anami, quyết định sẽ khởi sự bất chấp sự ủng hộ hay không của Anami. Anh lên xe tiến về phía Bộ chỉ huy Quân đoàn Miền Đông đóng vai trò then chốt trong dự mưu của anh.
Vào lúc đó, toàn thể thế giới được tin bế tắc trong nội các Nhật đã được khai thông. Thông tấn xã Domei của chính phủ Nhật lúc 14 giờ 49 phút loan báo trong chương trình phátthanh sinh ngữ:
«Đông Kinh. Mười bốn. Tháng Tám. Cótin cho hay Nhật Hoàng sắp công bố thông điệp chấp nhận tuyên ngôn Postdam ».
Thông điệp đó không xảy ra trong ngày 14 nhưng Hoa Kỳ biết rằng chiến tranh đang kết liễu và hạ những chỉ thị thích ứng, cho toàn thể các đơn vị ở mặt trận Thái Bình Dương.
Tại căn cứ không quân Oppamu phía Nam Đông Kinh, toàn thể các phi công chiến đấu Nhật tập hợp theo lệnh của cấp chỉ huy. Đứng tì tay vào bàn, viên sĩ quan có vẻ như đang lâm bệnh nặng đó, nói những lời không một ai có thể ngờ tới:
«Lệnh đầu hàng có thể được công bố bất kỳ lúc nào... Trật tự cần phải được duy trì tại căn cứ này... Có thể có vài anh sẽ phản đối lệnh đầu hàng... Các anh không được phép quên rằng, lệnh của Hoàng thượng là tối thượng...».
Các phi công như bị sét đánh ngang tai. Họ biết chiến tranh tàn phá đất nước, nhưng họ không thể ngờ chiến tranh lại có thể kết liễu theo đường lối đó, và kết liễu vào ngày hôm nay. Khi giải tán, sự thật tàn nhẫn đó, họ vẫn chưa thể tin nổi.
Tại đảo Tinian, lực lượng B.29 của Hoa Kỳ chuẩn bị đầy bom, để sẵn sàng cất cánh trong trường hợp Nhật thay đổi ý định đầu hàng. Hai thành phố được đánh dấu trong danh sách mục tiêu, dành cho đêm 14 tháng Tám. Hoa Kỳ không muốn Nhật Bản kéo dài cuộc chiến.
Lực lượng chiến xa của Hồng quân Nga vượt qua những cánh đồng bằng Mãn Châu truy kích ráo riết, quân đội Nhật Bản mất hết cả thế công lẫn thế thủ. Nga Sô cần tranh thủ đất kiểm soát, để đòi hỏi quyền lợi trong những cuộc mặc cả sau hậu chiến.
Ở Đông Kinh, Đại tá Hatanaka bước vào văn phòng Tướng Tanaka tư lệnh Quân đoàn miền Đông, yêu cầu Tanaka ủng hộ mưu đồ đảo chính: « Chính phủ và các nhà lãnh đạo quân sự đã quyết định kết liễu chiến tranh. Trong hiện tình tôi không thể chấp thuận quyết định đó được. Chủ ý của tôi là chúng ta phải chiếm lãnh Hoàng cung, phù trợ Hoàng thượng chỉnh đốn lại tình thế. Tôi đã tiếp xúc với sư đoàn Ngự lâm quân. Tôi yêu cầu Đại tướng ủng hộ kế hoạch này...».
Tanaka trợn mắt kinh ngạc, rồi ông gầm lên:« Hãy về trại ngay và bỏ các trò lố bịch đó đi. Cấp trên bảo sao thì nghe vậy. Chiến tranh đã hết rồi».
Hatanaka vùng vằng bỏ đi, và đến 4 giờ chiều anh tới gặp Đại tá Ida là người bạn thân của anh. Trái với sự chờ đợi của anh, Ida đã thay đổi thái độ và nói thẳng: «Trò chơi đó bây giờ đã quá muộn».Hatanaka điềm tĩnh trả lời: «Thôi được! Tôi sẽ làm hết sức mình. Thành bại nhờ trời».
Rồi họ thân mật chia tay nhau.
Truyện nổi loạn không còn là mối đe dọa đáng kể, cơ quan mật vụ Kempeitai lỏng lẻo hệ thống kiểm soát. Thấy Takeshi-ta, Ida và nhiều sĩ quan khác đã thay đổi ý nghĩ, Đại tá mật vụ Tsukamots và các cấp trên của anh không mấy chúýđến Đại tá Hatanaka đang đi tìm kiếm đồng chí một cách tuyệt vọng.
Đế Quốc Nhật Giãy Chết Đế Quốc Nhật Giãy Chết - William Craig Đế Quốc Nhật Giãy Chết