Đất Vỡ Hoang epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 11
ônđrát nện thuổng choang choang hồi lâu xuống mặt đất đóng băng, đào hố chôn cột. Liubiskin cũng hùng hục làm bên anh. Từ dưới hai cái tai mũ đen thõng xuống như đám mây dông, mồ hôi Paven rỏ xuống tong tong, và mặt anh đỏ gay. Mồm há hốc, anh bổ những nhát thuổng cật lực, như điên như dại, Những tảng, những cục đất đóng băng bắn tung toé, va chan chát vào tường. Chẳng mấy chốc họ đã dựng xong cái chuồng bò, lùa vào đó hai mươi tám đôi bò đực đã được hội đồng định giá. Nagunốp mặc độc chiếc áo sơmi kaki dính bết vào hai bả vai đẫm mồ hôi, bước vào chuồng bò.
- Mới có múa rìu có một tí mà áo đã vắt ra nước thế kia à? Lao động thế thì xoàng quá, anh Maka ạ! - Liubiskin lắc đầu. - Trông tôi đây này! Choang! Choang!... Thuổng của thằng Titốc tốt thật… Choang!... Nhưng ông anh mặc ngay áo varơi vào cho em nhờ kẻo cảm lạnh thì khốn nạn đấy.
Nagunốp khoác áo varơi lông cừu vào. Cái rám đỏ máu như màu gạch nung trên má anh bay dần đi.
- Do hơi ngạt ngày trước đấy. Bây giờ cứ động làm một tí, hoặc leo núi là lập tức thở dốc, tim đập thình thình… Gian chuồng bò cuối cùng đấy à? Hay lắm! Trông kìa, cơ nghiệp chúng ta nom hay không! - Nagunốp đưa đôi mắt bốc long lanh đảo nhìn một lượt cái dẫy dài những con bò đực đứng thành hàng dọc bên những máng ăn còn thơm mùi gỗ mới.
Trong khi người ta đang đưa bò vào dẫy chuồng lộ thiên thì Radơmiốtnốp cùng Đemka Usakốp bước tới. Radơmiốtnốp gọi Nagunốp ra một chỗ, nắm lấy tay anh:
- Này, Maka, cậu đừng giận mình chuyện hôm qua… Nghe trẻ con la khiếp quá, mình nhớ đến thằng bé nhà mình, và thế là bụng cứ rối tinh lên…
- Phải vò cho anh một trận, tiên sư anh, đồ thương vay khóc mướn!
- Thì cũng đồng ý thôi! Nhưng nhìn vào mắt cậu, mình biết cậu đã nguôi giận mình rồi.
- Thôi đi ông, ba hoa chích choè! Nhưng cậu đi đâu đấy? Phải cho chở cỏ khô về đây. Đavưđốp đâu?
- Cậu ấy đang ở trụ sở Xôviết cùng với Mênốc xét các đơn xin gia nhập nông trang. Còn mình thì đi… Mình còn nguyên một hộ kulắc phải thanh toán, nhà Xêmiôn Lápsinốp…
- Ông đến đấy, rồi ông lại tái diễn chứ gì? - Nagunốp cười tủm.
- Bỏ cái lối ấy đi! Lấy ai đi với mình được nhỉ? Lắm việc quá, rối tinh xoè, cứ như tác chiến vậy! Người dắt bò, người dắt ngựa, người chở cỏ khô. Lại có người chở thóc giống đến rồi đấy. Mình đã tống họ về. Hạt giống thì sau hãy hay. Lấy ai đi giúp mình bây giờ nhỉ?
- Kônđrát Maiđanhikốp đấy. Kônđrát ơi! Lại đây tí đã. Cậu đi giúp ông chủ tịch một tay, tịch thu nhà Lápsinốp. Không run chứ? Vì có những người ngại đấy, có những vị lương tâm không đành, kiểu như Chimôphây Bôrsép… Liếm gót giày thì hắn không biết nhục đâu, còn đi lấy lại của cướp bóc thì lương tâm lại cắn rứt…
- Sợ gì mà không đi? Tôi đi đây. Có ngay.
Đemka Usakốp bước tới. Cả ba người bước ra đường. Radơmiốtnốp đưa mắt nhìn Kônđrát, hỏi:
- Sao nom cậu tiu nghỉu thế? Phải vui lên chứ, trông mà xem làng xóm ta nhộn nhịp lên như thế nào, hệt như cái tổ kiến.
Kônđrát đáp ráo hoảnh:
- Đã có gì mà vội lạc quan! Còn gay.
- Gay cái gì?
- Gay cái gieo hạt, gay cái chăm lo bò ngựa chứ cái gì. Anh thấy đấy không: ba người làm thì mười người lỉnh ra rúc dưới hàng rào ngồi cuốn thuốc lá…
- Rồi thì ai ai cũng sẽ làm việc cả! Bước đầu nó thế. Đến khi ăn chẳng có thì chắc chắn người ta sẽ bớt hút đi.
Ở quãng đường ngoặt hiện ra một xe trượt tuyết nằm đổ nghiêng. Bên cạnh đó là đống cỏ khô tung toé, và hai cái chân chống gãy nằm chỏng trơ. Hai con bò đã tháo ách đang nhai mớ cỏ mao màu xanh tươi nổi lên trên nền tuyết trắng. Một thằng bé, thằng con của nông trang viên mới Xêmiôn Kugienkốp, đang uể oải cầm chàng nạng khều khều đống cỏ khô lại.
- Mày làm gì mà như thằng chết rồi thế hả? Ở cái tuổi mày tao đã quần quật như trâu bò rồi. Ai lại làm ăn thế kia bao giờ! Đưa chàng nạng đây tao! - Đemka Usakốp giật lấy cái chàng nạng ở tay thằng bé đang đứng tủm tỉm và, đằng hắng một tiếng, xốc cả bó tướng cỏ khô lên.
Kônđrát xem xét cái xe, hỏi:
- Mày làm ăn thế nào mà lật xe xuống thế?
- Xuống dốc, chứ sao nữa?
- Chạy đi mượn cái rìu, mau lên, đến nhà Đônhétxkốp ấy.
Họ dựng cái xe lên, vót chân chống và lắp vào. Đemka thoăn thoắt chất lại đống cỏ lên xe, lấy cào chải cho gọn.
- Chà, cái đồ Kugienkốp nhà mày! Mày thì đáng lấy roi gân bò quất cho một trận. Mà cấm kêu! Nom kìa, mày để bò xéo nát bao nhiêu là cỏ! Sao không ôm lấy một ôm, bê tận hàng rào cho chúng nó ăn? Ai lại thả bò chén tự do thế kia bao giờ!
Thằng nhãi cười xoà, xua bò đi:
- Bây giờ có phải cỏ nhà tôi nữa đâu? Cỏ nông trang.
Đemka mắc lác xệch hai bên, nhìn Kônđrát và Radơmiốtnốp, văng ra một câu chửi tục:
- Thấy chưa, quân chó đẻ!
Họ đang làm kiểm kê ở nhà Lápsinốp thì có chừng ba chục bà con kéo đến ngoài sân. Đa số là các bà mẹ quanh đấy, đàn ông chỉ có vài người. Khi Lápsinốp, một lão già cao lớn tóc hoa râm và râu dê, bị yêu cầu rời khỏi nhà thì trong đám túm năm tụm ba ấy có tiếng xì xào nhỏ to.
- Sướng chưa! Ky cóp cho cọp nó xơi.
- Chán ốm…
- Chắc lão ấy tiếc lắm đấy! Nhỉ?
- Thân làm thân chịu.
- Chắc là lão ấy không khoái trò này lắm, nhưng hồi chế độ cũ, khi lão ấy tịch thu gia sản nhà Tơriphônốp để trừ nợ, sao lão ấy chẳng nghĩ trước đến nông nỗi này?
- Ác giả ác báo…
- Cái con quỷ, con dê già ấy thế cũng đáng đời! Người ta đốt lửa cho vào đít!
- Các bà ơi, cười người trong lúc hoạn nạn là có tội đấy. Cười người hôm trước hôm sau người cười.
- Sợ quái gì! Mình thì còn có gì nữa? Độc sỏi đá. Sống cũng còn chẳng nổi.
- Dạo hè, tôi mượn của lão ấy cái liềm phát cỏ hai ngày, thế mà lão ấy bóp tôi đúng mười rúp. Ấy là chỗ thân tình đấy. Lương tâm lão để đâu không biết?
Từ lâu rồi Lápsinốp đã có tiếng lắm tiền lắm của. Người ta biết lão đã khá giả ngay từ hồi chưa chiến tranh, vì cho vay cắt cổ và lén lút mua đồ trộm cắp lão đều chẳng chê. Một dạo đã đồn ầm lên là chuồng ngựa nhà lão chứa ngựa ăn trộm. Bọn lái ngựa Digan thỉnh thoảng vẫn ghé qua nhà lão, thường là về ban đêm. Hình như ngựa ăn trộm đã qua bàn tay gân guốc của Lápsinốp mà được đưa lên đường đi Txarítxưn, Taganrốc và Uriupinxkaia. Cả làng ai cũng biết đích xác là thời xưa, mỗi năm ba lần Lápsinốp mang tiền giấy trăm lên tỉnh đổi lấy tiền vàng mười rúp. Năm 1912, bọn cướp đường đã định "nẫng hầu bao" lão, nhưng Lápsinốp là một lão già vừa lõi vừa khoẻ. Với độc một cái ngạc xe, lão đã tháo thân được, phi ngựa chạy thoát. Người ta bắt được quả tang lão ăn trộm thóc đánh đống ngoài thảo nguyên, - đó là hồi lão còn trẻ. Và về già thì lão lại càng tự nhiên hơn: mọi cái gì để hớ hênh là lão vớ tất. Lão keo kiệt đến nỗi nhiều lần đến nhà thờ lão đặt ngọn nến một côpếch trước tượng thánh Nhicôla Mirlikixki, ngọn nến vừa mới cháy một tí lão đã bước tới, thổi tắt phụt, làm dấu rồi đút ngọn nến vào túi. Thành thử một cây nến lão dùng được suốt một năm, và ai chê lão bủn xỉn quá quắt và lòng không thành với Chúa thì lão đáp: "Đồ ngu, các anh thông minh làm sao được bằng Chúa! Chúa không cần cây nến, mà cần danh dự. Chúa chẳng dạy tôi lãng phí. Chúa lại còn đánh đuổi bọn buôn bán trong nhà thờ!".
Lápsinốp nghe tin sẽ bị tịch thu tài sản kulắc mà vẫn bình chân như vại. Lão chẳng việc gì mà sợ. Mọi cái quý giá lão đã cất giấu và gửi chỗ chắc chắn từ trước rồi. Lão lại còn tự tay giúp cán bộ làm kiểm kê tài sản, giẫm lạch bạch quát vợ không được kêu khóc. Và một phút sau lại ôn tồn nói:
- Mẹ nó đừng gào lên nữa, Chúa thấu hiểu những nỗi thống khổ của đàn con chiên. Chúa lòng lành chẳng cùng, Chúa thông biết mọi sự…
Đemka bắt chước giọng nghiêm trang của lão, hỏi:
- Thế Chúa có rõ lão giấu cái áo lông cừu mới tinh ở đâu không?
- Áo lông cừu nào?
- Cái áo chủ nhật trước lão mặc đi nhà thờ ấy.
- Tôi chẳng có áo lông cừu mới nào cả.
- Mới đây thôi mà đã tẩu đi đâu rồi!
- Chúa sẽ trừng phạt lão đấy!
- Có Chúa chứng giám, anh chớ đổ oan cho tôi…
- Anh nói thế nào chứ tôi thề trước Chúa là không có! - Lápsinốp làm dấu phép.
- Lão mang thêm tội cho linh hồn lão đấy! - Đemka nháy mắt một cái với đám đông, làm các bà các ông phải mỉm cười.
- Tôi chẳng có tội gì trước Chúa cả, thật tình như thế!
- Tội chôn cái áo lông cừu đấy! Lão sẽ phải ra trước Chúa phán xét!
Lápsinốp không chịu được nữa, rít lên:
- Áo của mình mà cũng phải chịu tội à?
- Tội chôn giấu chứ sao!
- Chúa nào mà vớ vẩn như anh, chỉ nói xằng! Chúa đâu nhúng tay vào những việc ấy!... Chẳng có cái áo lông cừu nào cả! Châm chọc một người già cả như thế thì thật là đáng hổ thẹn. Hổ thẹn trước Chúa và bà con làng nước!
Kônđrát hỏi:
- Tôi vay của lão hai thùng kê, đến mùa phải trả thành ba thì lão có hổ thẹn không?
Giọng anh nói nhỏ và khàn khàn, giữa lúc ồn ào này hầu như chẳng ai nghe rõ, thế mà Lápsinốp quay ngoắt lại phía anh, nhanh nhẹn như thanh niên.
- Anh Kônđrát! Ông cụ anh là người phúc hậu, thế mà anh.. Thiết tưởng anh nên nghĩ đến vong linh cụ mà không làm nên tội mới phải! Thánh dạy: "Kẻ đang ngã chớ đá cho ngã thêm", thế mà anh lại ăn ở như vậy ư? Anh vay hai tôi lấy ba bao giờ? Anh không sợ Chúa à? Chúa thấy hết đấy!
Mụ Lápsinốp tru chéo méo hộc lên:
- Quân khố rách ấy, dễ thường nó muốn người ta cho không nó chắc?
- Mẹ nó, làm gì mà ầm lên thế! Chúa đã chịu đựng và khóc ra máu…- Lápsinốp đưa tay áo lên quệt một giọt nước mắt.
Các bà đang lao xao, ắng đi, thở dài. Radơmiốtnốp viết đã xong, nghiêm nghị nói:
- Thế nào, Lápsinốp, mời lão cuốn gói đi thôi. Nước mắt lão chẳng làm chúng tôi mủi lòng được đâu. Lão đã làm khổ người ta nhiều rồi, và bây giờ chúng tôi tự tay thanh toán với lão, chẳng cần nhờ đến Chúa. Đi ra!
Lápsinốp nắm lấy tay thằng con ngớ ngẩn ngọng líu ngọng lìu, chụp lên đầu nó cái mũ thỏ, bước ra khỏi nhà. Đám đông đổ xô theo. Tới chuồng bò, lão quỳ xuống sau khi đã cẩn thận lấy vạt áo lông cừu lót xuống tuyết. Lão làm dấu lên cái trán đen xạm và gục đầu xuống đất vái đủ bốn phương trời.
Radơmiốtnốp hạ lệnh:
- Đi! Đi thôi!
Nhưng đám đông lao xao, và có tiếng thốt lên:
- Thì cũng phải để người ta từ biệt nhà cửa người ta tí chứ!
- Đừng ác thế, anh Anđrây! Người ta đã một chân dưới lỗ rồi, thế mà anh…
Kônđrát quát lên:
- Đời lão ấy thế thì phải tống cả hai chân xuống đất mới đáng!
Lão thày già Glađilin ngắt lời anh:
- Mày xun xoe trước chính quyền hả? Những đứa như mày đáng nện cho một trận.
- Cái lão óc lợn kia, ông thì cho một trận đến quên cả đường về nhà bây giờ!
Lápsinốp chào, làm dấu, rồi nói to lên cho mọi người nghe thấy, cố làm động lòng trắc ẩn các bà:
- Xin vĩnh biệt bà con giáo hữu! Vĩnh biệt các cô bác, anh chị em! Cầu Chúa phù hộ cho bà con… Của xương máu của tôi đấy, bà con cứ sử dụng. Tôi đã sống và làm ăn lương thiện…
- Tôi đã mua của ăn cắp! - Đemka đứng bên thềm, nhắc.
- … đã đổ mồ hôi lần hồi kiếm ăn…
- Mày đã làm người ta khuynh gia bại sản, mày cho vay cắt cổ, chính tay mày ăn cắp! Ông thì tóm cổ đập đầu mày xuống đất bây giờ, đồ mèo mả chó hoang!
- … lần hồi kiếm ăn, và bây giờ tuổi già sức yếu…
Các bà sụt sịt kéo góc khăn vuông lên thấm mắt. Radơmiốtnốp quát: "Câm ngay cái giọng tuyên truyền kích động ấy đi, không thì…" và anh định lôi cổ Lápsinốp dậy, tống ra ngoài đường thì bỗng thấy ầm ĩ nhốn nháo lên ở hiên, chỗ Đemka đang đứng tựa lan can…
Mụ Lápsinốpvừa mới ở trong bếp nhảy bổ ra, một tay ôm giỏ trứng ngỗng đang ấp, một tay xách con ngỗng bị chói nắng, chói tuyết cứ im thin thít. Đemka đã tước lại giỏ trứng ngỗng một cách dễ dàng, còn con ngỗng thì mụ Lápsinốp cứ bám chặt lấy cả hai tay:
- Đừng sờ vào, đồ khốn nạn! Đừng sờ vào cuả tao!
Đemka tóm lấy cổ con ngỗng đang vươn ra, quát:
- Ngỗng này bây giờ là của nông trang!...
Mụ Lápsinốp cầm hai cẳng con ngỗng. Hai người mỗi người lôi một đằng, giằng co nhau quyết liệt trên thềm.
- Trả tao, thằng mắt lác!
- Này, trả này!
- Buông ra, tao đã bảo mà!
- Ngỗng của nông trang!... Đemka thở hổn hển, hét lên: - Sang xuân nó sẽ đẻ.. một lứa!.. Cuốn xéo đi, con mụ già, không ông đạp cho bây giờ… nó sẽ đẻ… một lứa!... Chúng mày ăn đủ phần chúng mày rồi…
Mụ Lápsinốp đầu tóc rũ rượi, đạp chân vào ngưỡng cửa mà lôi sùi bọt mép. Con ngỗng thoạt tiên còn quàng quạc được mấy tiếng, đã im bặt, - xem chừng Đemka đã bóp nó tắc thở rồi, - nhưng đôi cánh nó vẫn vỗ loạn. Lông cánh lông măng bay phơi phới trên thềm như những bông hoa tuyết trắng. Có vẻ như chỉ một tí nữa thôi là Đemka sẽ thắng, sẽ giằng được con ngỗng sống dở chết dở khỏi bàn tay xương xẩu của mụ Lápsinốp thì bỗng đánh rắc một cái, cổ con ngỗng đứt đôi. Mụ Lápsinốp lăn chiêng từ trên thềm xuống, váy tốc lên tận đầu. Còn Đemka thì bị hẫng, ối lên một tiếng, ngã bổ ngửa đè tan giỏ trứng sau lưng, tay cầm độc cái đầu ngỗng. Một trận cười như sấm làm băng trên mái rơi xuống lả tả. Lápsinốp đang quỳ dưới đất đứng phắt dậy, kéo mũ sụp xuống, hầm hầm lôi tay thằng con rớt rãi lòng thòng và bàng quan trước mọi sự, kéo nó bỏ đi ra, gần như chạy. Mụ Lápsinốp lóp ngóp đứng dậy, tím mặt lại vì giận dữ và vì đau. Mụ vừa rũ váy vừa định xông vào chụp lấy con ngỗng cụt đầu đang giãy giụa trên thềm, thì con chó săn lông vàng đang lảng vảng quanh đó, trông thấy máu ở cổ con ngỗng ộc ra, liền nhảy xổ tới, lông dựng đứng lên, vồ lấy con ngỗng ngay trước mũi mụ Lápsinốp, lôi đi xềnh xệch qua sân trong tiếng huýt và hò reo của bọn trẻ con.
Đemka cầm cái đầu ngỗng vẫn còn giương đôi mắt vàng khè kinh ngạc nhìn đời, ném theo mụ Lápsinốp, rồi quay gót vào nhà. Và trong sân, ngoài đường còn vang lên hồi lâu những đợt cười giòn tan, đủ các giọng, làm cho bọn chim sẻ trên các cành cây khô ngơ ngác sợ hãi.
Đất Vỡ Hoang Đất Vỡ Hoang - Mikhail Sholokhov Đất Vỡ Hoang