Cô Giáo Minh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12 - Nội Trợ
rời quang tạnh. Ánh nắng vàng dịu của một buổi sáng mùa xuân làm cho cảnh vật thêm hớn hở. Ở chợ về, dọc đường Minh thấy bọn học trò con gái cắp sách đi nhà trường, nét mặt vui tươi, nàng chạnh nhớ lại ngày nàng còn đi dạy học mà thở dài.
Từ ngày xin từ chức giáo học đến nay, nàng lại sầu khổ bội phần. Bà Tuần giao cho nàng việc bếp nước thay Oanh. Nàng phải vùi đầu vào công việc, để ý từng tí nước mắm, xem xét cả cái lọ mẻ. Nàng sinh ra đời, chịu khó luyện tập tâm trí từ tấm bé, để lúc lớn, làm việc ích cho xã hội chứ không phải chỉ để rúc vào bếp, nhìn bốn bức tường tối đen!
Oanh đi lấy chồng, Minh đỡ được một người thù địch. Nhưng cũng vì Oanh đi lấy chồng mà bà Tuần và nàng lại coi nhau như thù địch gấp hai. Mẹ chồng nàng thì luôn luôn uốn nắn nàng cho chóng vào khuôn phép, mà trái lại, vì muốn trêu ngươi bà, nàng càng tỏ ý bướng bỉnh, bất phục tòng. Bởi vậy, không ngày nào trong gia đình không xảy ra một tấn bi kịch cỏn con. Nhất là từ ngày vắng Oanh, bà thường than thở là nặng mình, và những khi Oanh về chơi nhà, chẳng biết mẹ con thì thào cùng nhau những gì, mà bà ngồi một mình, bà rất buồn bã và hay gắt. Lắm lúc nàng thấy đối với sự đay nghiến, giầy vò, nàng trơ, không cảm nữa. Thật là chán ngán.
Quả vậy, xử với con dâu, bà Tuần như không cần cả lẽ phải nữa. Dù phải hay trái, hễ Minh làm là bà bắt bẻ liền, đến nỗi một đôi khi, Sanh cũng nhận thấy mẹ khắc nghiệt quá, và phải can ngăn. Hình như bây giờ thấy con dâu hoàn toàn phải sống gửi thác nhờ ở trong tay bà, thì bà càng hành hạ bắt nạt hết sức. Không trận mắng nàng dâu nào là bà quên khòng kể đến món ngót ba trăm mà bà phải bỏ ra để đền tiền ăn học của Minh. Biết thóp rằng từ khi làm tới nay, tuy tháng có lương, nhưng Minh phải tiêu pha về việc nhà Minh, hoặc cưu mang cho họ hàng, nên hiện nay Minh chỉ còn hai bàn tay trắng, bà Tuần càng khinh bỉ và căm giận dữ.
Bởi vậy những lúc buồn rầu, nghĩ đến tấm thân ỷ lại, Minh lấy làm nhục nhã quá. Ngày mẹ chồng bắt nàng xin từ chức, nàng đã nhất định không nghe, mà đã có tư tưởng liều lĩnh, là quyết cứ đi làm rồi sau muốn ra sao thì ra, nàng sẽ đối phó đến kỳ cùng, dù có phải ra toà theo kiện ly dị nàng cũng vui lòng. Nhưng một mặt thím nàng, và cô nàng khuyên can, một mặt bà Tuần bảo Sanh làm giấy mạo ký tên nàng, rồi thân hành đi xin cho nàng được từ chức.
Còn cái tự do độc lập về kinh tế nàng lại mất nốt, nàng thấy đời nàng không gọi là sống được nữa. Nàng hoàn toàn là nô lệ cả về vật chất lẫn tinh thần cho những cái cổ hủ. Nàng lại lo cho em Lãng không biết lấy gì mà ăn học đến chốn đến nơi. Cho mãi đến khi thím nàng rủ được người thuê lại căn gác, nàng mới hơi yên tám một chút.
Thỉnh thoảng được những ngày đi chợ một mình, nàng mới dám tạt qua về thăm nhà, hay đến chơi với Xuân. Nhưng mà đó chỉ là những dịp nàng được tự do tuôn nước mắt trong cái hồ lệ bấy lâu phải đóng kín. Thấy nói Nhã hiện ở nhờ nhà một người bạn trên Tam Đảo. Phần nhiều buổi sáng khác, nàng đi chợ sớm với con Sen. Tuy bà Tuần nói cho sang trọng là để nó đi cắp rổ hầu, nhưng nàng thì hiểu rằng nó đi làm mật thám, để lúc về thì làm chứng cho bà Tuần tin là nàng không có la cà vào đâu, không chào hỏi ai ở giữa đường và mua từng ấy thứ, nàng đã tính tiền đúng.
Lan man nghĩ ngợi, Minh về đến nhà lúc nào không biết. Theo lệ thường, nàng đưa mẹ chồng trông qua loa những thức mới mua để nghe dăm ba câu chê đắt hoặc của không tốt, rồi nàng đi đong gạo, và làm đồ ăn. Nàng mới thật là đầu bếp ở nhà này, chứ những con Vú, con Sen, thằng Xe, chỉ là những tay sai rất đắc lực của Oanh, nhưng rất hờ hững của nàng. Nhiều bận, thấy chúng chạy vướng cẳng mà nàng bực mình, không khiến chúng nó giúp việc nữa.
Minh buộc vạt áo sau lên trùm đầu cho đỡ tro bụi, rồi nàng nhóm các bếp. Nàng chịu khói đã hơi quen, không như lần đầu, nàng ngửi thấy suốt ngày áo và tóc nàng như ướp mùi khói khét.
Đứng bên bếp lửa một lúc nàng thấy hai má nóng bừng bừng. Móc túi lấy chiếc gương tròn ra soi, nàng thờ dài, tủm tỉm:
"Hai má hồng này thật đã vô duyên".
Vô duyên! Động nghĩ đến hai tiếng ấy là Minh nhớ ngay đến hai tiếng ly dị, ly dị cái chế độ cổ của gia đình để sống cái đời rộng rãi tự do hơn. Nàng cho rằng những cuộc xung đột hàng ngày là cái mầm của một cuộc ly dị công nhiên chắc chắn sẽ xảy ra. Vì bà Tuần không chịu nổi được nàng, nàng không chịu nổi được bà Tuần, rồi sao cũng có một ngày người nọ phải ly dị người kia, chứ cái mới cái cũ không sao hợp tác được.
Bỗng bà Tuần thủng thẳng đi vào, hỏi:
- Hôm nay có những gì ăn thế hở mợ?
- Bẩm còn đĩa thịt đông hôm qua, hôm nay con chỉ nấu canh cần với bác thêm quả trứng thôi ạ.
- Thế khúc cá rim, mợ để đâu?
- Chúng nó ăn cả rồi.
Bà Tuần nhăn mặt:
- Mợ phí lắm, không biết tiếc của. Đầy tớ thì cứ dưa với nước mắm cũng có thể tải được hàng nồi cơm. Cho chúng nó đồ ăn thì thích khẩu, chúng nó ăn biết thế nào là chừng. Phải tằn tiện cho mẹ mới được.
Tự nhiên Minh đâm ra nghĩ mẹ chồng nói đay mình. Nàng lững lờ, ấn củi vào bếp, và liếc thấy bà mở tủ đồ ăn ra, rồi kiễng chân lên, dòm vào. Bà nghiêng cái bát con, hỏi:
- Bát gì từ bao giờ mà mợ không cho nó rửa đi thế?
Minh nhìn lại. Có lẽ nàng quên, không để ý đến. Bà Tuần lẳng lặng, cầm cái bát, đến gần chum, múc nước rửa lấy.
Minh hiểu cả cử chỉ ấy, nhưng vờ không nom thấy. Bà Tuần thấy con dâu không trông, thì càng dội mạnh, và xuýt xoa kêu rét rầm rĩ. Nhưng Minh vẫn không quay ra.
Bà Tuần mở từng cái nắp liễn ra để hỏi, ngó vào giỏ muối, giơ chai nước mắm ra chỗ sáng, rồi tính từng ngày. Minh cứ lạnh lùng làm việc mình, bà Tuần xem xét chán rồi lên nhà. Minh trông theo, căm tức, lắc đầu thở dài, nàng nhìn rổ rau cần xanh ngắt. Nàng tiếc công nàng, nhiều khi đã cố hết sức làm đồ ăn cho ngon lành, mà không được cùng ngồi ăn với những người thân hơn. Thành ra phí cả công đi.
Minh bắc cái sanh lên bếp để xào thịt bò. Mùi hành mỡ thơm tho làm cho nàng quên nỗi khó nhọc. Rồi nàng xúc thịt và múc nước đổ vào sanh để nấu canh. Bỗng nàng nghe thấy tiếng mẹ gọi.
Minh úp vung lên sanh, chất thêm củi vào bếp rồi chạy lên.
Nàng thấy mẹ đương nói chuyện với một bà khách. Đứng lại lắng tai nghe, nàng nhận ra tiếng bà Huyện, chị em họ với bà Ba.
Minh vào cúi chào bà Huyện. Bà Huyện khẽ gật đầu để trả lời. Bà Tuần hỏi:
- Mợ có rỗi không?
- Thưa con đang dở tay.
- Được, để mẹ bảo con Sen xuống bếp trông cho.
Bà Tuần hỏi bà Huyện:
- Thế bà xơi cơm ở đây với tôi thật nhé?
Đoạn đứng dậy, bà lại gần Minh, nói thầm:
- Con chạy lên gác, mở tráp tròn, mẹ có một hào gói trong một đạo bùa vàng vàng, con lấy rồi bảo vú em đi mua thêm thịt quay nhé.
Bà Huyện cười:
- Thôi, gớm, cụ đừng bày vẽ ra làm gì. Cơm của cô giáo làm, chắc rằng ngon lắm rồi còn gì! Từ thuở bé, tôi đã nếm cơm của các bà ấy làm thế nào đâu.
- Thưa bà, tôi mới học làm ăn, khéo đâu được bằng các tiểu thư của bà lớn.
Bà Tuần đưa mắt không bằng lòng, nhưng Minh lờ như không biết.
Nàng chạy lên gác, rất căm bà Huyện. Nàng đoán rằng rồi bữa cơm này, dù có rất ngon lành chăng nữa, sau bà Huyện cũng nói đến suốt đời. Bà sẽ lấy đó làm thí dụ để mạt sát bọn gái mới.
Lúc nàng xuống bếp, sanh canh đã sôi sùng sục. Nàng vội vàng thái và rửa rau cần, rồì trộn thịt và tra vào.
Con Sen ngả mâm bát, nàng dọn các thứ đồ ăn, thấy ngon lành, sạch sẽ, nàng mừng lắm. Nàng cho là sẽ được trả lời bà Huyện một cách sâu sắc.
Mâm cơm bưng lên, bà Tuần, bà Huyện, Sanh và Minh cùng ngồi ăn.
Bà Tuần cười với bà Huyện, nói đùa:
- Cháu nó mới tập làm ăn, có gì bà bỏ lỗi cho nhé.
Bà Huyện đáp:
- Cụ cứ dạy, các cô ấy có học, chắc làm ăn khéo lắm.
Minh tím mặt, không đáp, xới cơm cho mọi người.
Bỗng bà Tuần húp một thìa canh, rồi ngớ mắt lên, nhìn Minh. Nàng không hiểu chi cả. Bà Tuần nói:
- Chết chửa! Mợ Cả?
- Dạ.
- Mợ quen ăn thế này à?
Minh ngơ ngác nhìn bát canh, rau vừa tái còn xanh. Nàng hỏi:
- Bẩm mẹ, sao ạ?
- Mợ cãi à? Mợ nếm xem.
Minh cầm thìa, nếm một tí. Lạ quá. Vị mặn chát làm nàng giật nảy mình. Nàng cau đôi lông mày, nếm lượt nữa, rồi tái mặt lại. Bà Tuần nói:
- Cơm khách mà mợ làm ăn thế này à?
Noi đoạn, bà bỏ bát đũa, nhìn Minh, mắng:
- Mợ làm tôi sạm cả mặt với bà Huyện!
Bà Huyện và Sanh cùng mỗi người nếm một thìa. Bà Huyện bò ra cười, nói:
- Thôi được. Chả có lại chê mợ Cả không mặn mà!
Minh đứng phắt dậy, hầm hầm vào bếp. Nàng lấy làm lạ, sao chính tay nàng nấu món canh này, đã cho rất vừa mắm muối mà bây giờ nó mặn quá như thế. Tất là có người đã làm cho nó mặn thêm. Nàng tìm tòi, nghĩ ngợi và xem xét chai nước mắm, và giỏ muối. Nàng hiểu ngay. Nàng thấy muối vơi hẳn vừa một nắm. Thì nàng không thể chịu tai tiếng trước bộ mặt khả ố của bà Huyện, nàng quyết làm cho ra ngô ra khoai. Nàng đùng đùng gọi hết cả đầy tớ, và hỏi xem đứa nào đã tai ác phản nàng. Nhưng ban nãy, thằng Xe thì đi vắng, con Vú thì ở trên gác. Nàng có biết. Chỉ có một mình con Sen. Nàng sực nghĩ ra lúc nàng lên gác lấy tiền, thì bà Tuần sai con Sen trông bếp. Nàng không nghi ngờ gì nữa.
Ở nhà ngoài, bà Tuần đương làm rầm rĩ. Minh cáu tiết, lôi tay con Sen ra nói:
- Bẩm mẹ, con xin chịu lỗi hết. Nhưng con xin mẹ hãy xét lại. Chính con nấu nồi canh này thật. Song lúc con đang dở tay, mẹ bảo con lên gác lấy tiền thì con Sen trông bếp cho con. Bây giờ bỗng sanh canh mặn như đốt, mà muối thì rõ ràng mất hẳn một nắm. Thế thì không còn ngờ gì. Chính con hé này đã phản con, nó vốc muối vào canh, cho con phải mắng.
Con Sen sợ hãi, chối không.
Minh quắc mắt:
- Mày chối à? Mày tai ngược.
Rồi nói với mẹ:
- Bẩm mẹ, nay nó bỏ muối vào canh, mai kia nó bỏ thuốc độc vào đồ ăn cho cả nhà ăn phải. Con xin phép mẹ cho con đánh nó một trận.
Con Sen khóc lóc:
- Con lạy mợ, con có dám thế đâu.
Bà Tuần nhìn con Sen, trỏ tay quát:
- Con kia! Có thật mày hay không?
Bà Huyện nói:
- Thì cụ cứ để mợ ấy đổ tội cho con Sen cũng được chứ làm sao?
Minh giận đầy hơi, nàng chạy vào bếp tìm cái roi, rối đang lúc cáu, Minh vút lấy vút để.
Con Sen đau khóc lóc và một mực chối. Minh vừa đánh vừa nói:
- Cho mày chừa cái thói điêu toa. Cái thói phản chủ đi nhé.
Bà Tuần nhìn bà Huyện và Sanh rồi lắc đầu:
- Thật là gái đĩ già mồm!
Con Sen càng kêu gào:
- Lạy mợ, không phải con.
Minh xổ cả tóc, trỏ roi vào mặt nó:
- Không phải mày thì còn đứa nào? Con Vú ở trên gác, tao trông thấy, thằng Xe kéo cậu đi. Mày còn chối phải không?
Nói đoạn giơ roi toan đánh. Con Sen nằm co rúm người, giơ tay đỡ.
- Ối con lạy mợ, không phải con. Con nói ra thì con chết mất.
Minh ngạc nhiên, liền vụt luôn ba cái nữa. Con Sen kêu:
- Ối, con van mợ. Không phải con, mợ tha cho con.
- Thế thì ai?
Con Sen nức nở:
- Bẩm mợ, con trông thấy cụ đấy ạ.
Tức thì, bà Tuần nhảy chồm ra, vồ lấy Minh, giật lấy roi, vụt lấy vụt để vào mặt nàng:
- À, mợ hỗn, à mợ hỗn! Con này mất dạy thật! Mày đánh nó thế là mày đánh tao!
Minh giơ tay ra đỡ, nhưng những ngọn roi đau quắn làm nàng ê cả mình mẩy, tối cả mặt mũi.
Bà Huyện và Sanh chạy lại ôm bà Tuần, Minh kêu:
- Vô lý quá. Bà Huyện xem có phải không?
Bà Tuần nói:
- Tao không ngờ mày giở mặt, con kia nhé!
Nói đoạn, bà lại xông vào Minh, toan vụt nữa, rồi chửi ầm ĩ. Sanh giữ tay mẹ, nói:
- Con xin mẹ. Như thế thì mẹ quá lắm.
Bà Tuần càng giận, quát lớn:
- À, mày bênh vợ mày!
Nói đoạn, bà giẫy bà Huyện, túm lấy tóc Sanh, dằn xuống, và cứ lưng vụt mãi:
- Tao đẻ ra mày để mày báo hiếu tao thế à? Đồ mất dạy. Mày bênh vợ mày. Bà Huyện ơi, tôi nhục với bà. Ôi! ông Tuần ơi! Ông đi đâu ông bỏ tôi ngần ấy năm trời, tôi bơ vơ cực nhục một mình, ông ơi là ông ơi! Để con dâu ông nó đánh tôi, con trai ông nó bênh vợ nó mắng tôi.
Sanh và Minh cuống quýt, sợ xanh mặt. Bà Huyện khuyên giải mãi. Bà Tuần vắt nước mũi, rồi thở và nói:
- Đấy, bà xem, đã cực nhục chưa. Đẻ cho lắm vào, rồi chúng nó báo hiếu thế đấy.
Rồi bà dún người lên chồm chồm, quật hai tay xuống đất, để đánh nhịp với tiếng thét:
- Coi vợ hơn mẹ! Mẹ quá lắm! À, nó lại bảo thế à!
Rồi đùng đùng, bà đứng dậy, vấn lại đầu, vừa khóc vừa dỗi:
- Thôi, có điều gì không nên không phải, ông bà Cả tha lỗi cho tôi.
Bà Huyện nói:
- Chết sao cụ dạy lẫn thế.
- Không, tôi ở nhờ nhà cậu mợ ấy, bây giờ cậu mợ ấy khôn lớn rồi, tôi đi đằng nào thì tôi đi, cậu mợ ấy cần gì.
Sanh nhăn nhó thưa:
- Con lạy mẹ, con...
- Không, cậu có phải là con tôi đâu? Tôi là con Vú em của cậu? Cậu ở kẽ nẻ chui ra! Cậu là con nhà trời! Cậu là con cô giáo Miêng! Mày là con cô giáo Miêng! Con Miêng mới là mẹ mày!
Nói đoạn, bà hung hăng, cầm roi, vụt cả Sanh lẫn Minh túi bụi.
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh