Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Có Gì Là Lạ
ây giờ, nằm đây, trong cái bệnh viện tâm thần này, tôi thường tiếc cái năng lực ngày xưa khi tôi có thể phóng giọng mình qua đêm đông làm tan chảy băng giá kết thành hoa trên ô cửa sổ, khoét những lỗ trên tủ kính cửa hàng, vẽ đường cho kẻ cắp. Tôi sẽ khoái biết bao nếu có thể, chẳng hạn, giải tán mặt kính của cái lỗ nhòm ở cửa phòng tôi để Bruno người canh giữ tôi có thể quan sát tôi trực tiếp hơn.
Tôi đã đau khổ biết bao về việc bị mất đi năng lực ấy trong cái năm trước khi tôi phải nhập viện! Thi thoảng, tôi thử phóng một tiếng kêu vào khu ngoại ô Düssendorf khốn khổ, nơi tôi sống. Khi thấy chẳng ăn thua gì, bất chấp mọi cố gắng, tôi, kẻ xưa nay vốn ghê tởm bạo lực, những muốn nhặt một hòn đá mà ném vào cửa sổ một nhà bếp nào đó. Tôi rất thèm ra oai một cú, nhất là để cho Vittlar, chuyên gia bày tủ hàng, biết tay. Đã quá nửa đêm khi tôi trông thấy hắn đằng sau tủ kính của một cửa hàng thời trang đàn ông hoặc có lẽ một cửa hàng nước hoa. Mặc dầu rèm cửa che khuất từ thắt lưng trở lên, tôi vẫn nhận ra hắn ở như đôi tất xanh xanh đỏ đỏ. Và mặc dầu hắn là (hay có thể là) môn đồ của tôi, tôi vẫn hết lòng khao khát có dịp hát cho tan tành tủ hàng của hắn, bởi lẽ dạo ấy và cả đến bây giờ, tôi vẫn không biết nên gọi hắn là ông thánh Jean hay tên phản Chúa Judas.
Vittlar thuộc dòng quý tộc, tên cái hắn là Gottfried. Sau cú ra giọng thất bại nhục nhã, tôi khẽ gõ lên mặt kính vẫn nguyên vẹn để khiến hắn chú ý đến tôi và hắn bước ra phố mấy phút để chuyện gẫu với tôi, tự chê bai những ngón trang trí của mình, và lúc đó, tôi đành gọi hắn là Gottfried vì lẽ giọng tôi không thể thực hiện được cái phép màu khiến tôi có đủ tư cách để gọi hắn là Jean hay Judas.
Cái thành tích ở cửa hiệu kim hoàn đã biến Jan Bronski thành một tên trộm và mẹ tôi thành kẻ oa trữ một bộ dây chuyền hồng ngọc, đã tạm thời kết thúc đợt luyện giọng của tôi trước các tủ kính bày những hàng hấp dẫn. Mẹ tôi trở nên ngoan đạo. Tại sao? Hẳn là việc dan díu với Jan Bronski, bộ dây chuyền lấy trộm, nỗi đau khổ ngọt ngào của đời một người đàn bà ngoại tình đã khiến mẹ thèm khát các phép bi tích tôn giáo. Tội lỗi trở thành thông lệ mới dễ dàng làm sao! Ôi, những ngày thứ năm ấy: hẹn hò trên phố, gửi bé Oskar ở chỗ Markus, “tập luyện” hăng say một thôi đến thoả mãn ở phố Thợ mộc, môka và bánh ngọt ở tiệm cà-phê Weitzke, quay lại đón thằng bé cùng với dăm ba lời tán tụng của Markus kèm theo một gói chỉ tơ bán với giá gần như là cho không và lại lên chuyến xe điện số 5. Miệng tủm tỉm mà đầu óc nghĩ tận đâu đâu, mẹ tôi vui thích với quãng đường từ Cửa Oliva qua Đại lộ Hinderburg, hồ như không để ý thấy Đồng cỏ Tháng Năm nơi Matzerath diễn tập các buổi sáng chủ nhật. Mẹ thấy ghê cả răng khi đến đoạn đường vòng qua Cung Thể thao – sao mà cái toà nhà hộp này có thể xấu xí đến thế ngay sau khi người ta vừa trải qua những giây phút đẹp đẽ! – một khúc cua nữa rồi kìa, đằng sau hàng cây bụi bặm là trường Conradinum với những học sinh đội mũ đỏ - thật tuyệt vời nếu như bé Oskar khi mười hai tuổi rưỡI cũng đội một cái mũ đỏ với một chữ “C” vàng óng, vào năm thứ nhất trung học, bắt đầu nghiền tiếng La-tinh, ra dáng một học sinh chính quy của trường Conradinum, một học sinh chuyên cần tuy có lẽ hơi vênh váo một chút.
Qua cầu chui, khi xe điện tiếp tục tiến về phía Reichskolonie và trường Helene Lange, những suy nghĩ của Matzerath phu nhân về trường Conradinum và về những cơ hội vô vọng của Oskar con trai bè tiêu tan dần. Một vòng cua nữa về phía tay trái, qua Nhà thờ Christ với các gác chuông hình củ hàng, rồi đến Quảng trường Max-Halbe, chúng tôi xuống ngay trước cửa hiệu tạp hoá Kaiser. Sau khi liếc nhìn vào tủ kính của kẻ cạnh tranh, chúng tôi rẽ vào phố Labesweig, đoạn đường vác thánh giá của mẹ. Lòng ngổn ngang trăm mối: tâm trạng bực bội chớm nở, đứa con dị dạng, lương tâm cắn rứt, sự nôn nóng muốn bắt đầu làm lại tất cả, giằng xé giữa thòm thèm và chán ngấy, giữa ác cảm và quý mến hồn hậu đối với Matzerath – mẹ tôi mệt mỏi lê bước dọc con phố Labesweig cùng với tôi và cái trống của tôi và gói chỉ tơ rẻ đến mức như là quà tặng, đi về phía cửa hàng, về phía những bó lúa mạch, dầu hoả bên cạnh thùng cá trích, nho khô, nho tươi, hạnh đào và các loại gia vị, về phía những là bột bánh Bác sĩ Oetker, rau-mùi-tây-rửa-trắng, xúp Maggi và canh Knorr, dấm Kühne, cà-phê Haag, mứt ngũ quả, về phía hai dải giấy bẫy ruồi phết mật ong, kêu vo vo ở hai âm độ khác nhau, phất phơ trên quầy hàng và về mùa hè, cứ hai ngày phải thay một lần, trong khi mẹ tôi mang tâm hồn cũng phết mật ong suốt cả năm, hè cũng như đông, không ngừng cuốn hút hàng đàn tội lỗi vo ve ở các cung bậc cao, thấp, để rồi thứ bảy nào cũng đến Nhà thờ Thánh Tâm xưng tội với Đức cha Giám mục Wiehnke.
Cũng như các chiều thứ năm mẹ đem tôi lên phố tuồng như để chia sẻ gánh nặng tội lỗi với mình, các ngày thứ bảy mẹ dẫn tôi đi trên những phiến đá chính giáo qua cửa nhà thờ, sau khi đã nhét cái trống của tôi dưới cái ao chui đầu hoặc áo măng-tô; bởi vì nếu không để tôi mang trống theo thì đừng hòng bắt tôi làm gì: tôi sẽ không nhúc nhích, không chạm tay vào trán, ngực và hai vai để làm dấu thánh giá, tôi sẽ không uốn đầu gối như là để xỏ giày và sẽ không ngồi yên ngoan ngoãn trên cái ghế gỗ nhẵn bóng để cho mấy giọt nước phép khô dần trên sống mũi.
Tôi vẫn còn nhớ ngôi nhà thờ này từ buổi lễ rửa tội cho tôi: đã có tí tranh cãi về cái tên tục[1] người ta đặt cho tôi, nhưng cha mẹ tôi nhất quyết chọn Oskar và Jan, với tư cách là cha đỡ đầu, cũng tán đồng. Thế rồi Cha Wiehnke thổi vào mặt tôi ba lần – thấy bảo là để đuổi quỷ Xatăng ra khỏi tôi. Người ta làm dấu thánh giá, áp bàn tay, rắc muối và thực hiện nhiều biện pháp khác chống Xatăng. Đến miếu đường rửa tội, cả đoàn lại dừng. Tôi đứng yên trong khi người ta đọc kinh Credo và Cha chúng ta cho tôi. Sau đó, Cha Wiehnke thấy cần phải nói thêm một lần nữa: Vade retro Satanas (Cút đi, Xatăng) và chạm tay vào mũi, vào tai tôi, những tưởng làm như thế tức là khai mở các giác quan cho thằng bé Oskar, trong khi nó đã biết tỏng mọi sự ngay từ đầu. Rồi Cha muốn nghe tôi lớn tiếng trả lời một lần cuối và Cha hỏi: “Con có khước từ Xatăng không? Và mọi việc làm của nó? Và mọi vẻ lộng lẫy bề ngoài của nó?”.
Trước khi tôi kịp lắc đầu – bởi lẽ tôi không hề có ý định khước từ - bác Jan đã thay tôi nói ba lần: “Con xin khước từ”
Mặc dù tôi không nói gì để cắt đứt quan hệ với Xatăng, Cha Wiehnke vẫn xức dầu thánh lên ngực và giữa hai bả vai cho tôi. Bên bồn nước thánh, lại kinh Credo một lần nữa, rồi cuối cùng, người ta nhúng tôi vào nước ba lần, xức dầu thánh lên da đầu tôi, quấn tôi vào một chiếc áo dài trắng để lấy vết, ban cho bác Jan cây bạch lạp phòng những ngày tăm tối, Jan bế tôi ra bên ngoài nhà thờ nơi chiếc taxi đang đợi trong thời tiết từ quang đến có mây và tôi hỏi tên Xatăng trong tôi: “Mọi sự ổn cả chứ?”
Xatăng nhảy tâng tâng và thì thào: “Cậu thấy các cửa kính nhà thờ ấy chứ? toàn bằng thuỷ tinh hết, toàn thuỷ tinh!”
Nhà thờ Thánh Tâm được xây dựn vào những năm đầu của Đế chế Đức, do đó, về phong cách, có thể coi là Tân-Gôtích. Vì phần xây gạch nhanh chóng đen xỉn lại và lớp đồng bọc cái tháp nhọn trên nóc cũng mau chuyển sang màu gỉ đồng truyền thống, nên chỉ những con mắt sành sỏi mới nhận ra sự khác biệt giữa nhà thờ xây kiểu Gôtích trung cổ với nhà thờ kiểu Gôtích hiện đại. Xưng tội thì ở nhà thờ kiểu cổ hay kiểu mới đều theo cùng một cách. Cũng y như Đức Cha Giám mục Wiehnke, hàng trăm Đức Cha Giám mục khác sau giờ làm việc ngày thứ bảy, hàng trăm cha xứ khác ngồi vào phòng nghe xưng tội, áp một cái tai giáo chức đầy lông vào tấm lưới đen bóng để các tín đồ ra sức rót vào đó những chuỗi hạt-tội-lỗi sặc sỡ, lần lượt hết hạt này đến hạt khác.
Trong khi mẹ tôi, qua kênh nghe của Đức Cha Wielnke, thưa trình những gì mình đã làm và bỏ qua không làm, những tư tưởng, lời nói và hành động của mình lên cấp tối cao của Giáo hội là quyền lực duy nhất mang lại sự cứu rỗi, thì tôi, vốn chẳng có gì để xưng tội, tụt khỏi cái ghế gỗ quá nhẵn nhụi đối với sở thích của tôi và đứng chờ trên sàn đá lát.
Tôi phải thừa nhận rằng sàn đá của các nhà thờ Thiên chúa giáo, cái mùi của một nhà thờ Thiên chúa giáo, trên thực tế, tất cả những gì thuộc về đạo Thiên chúa cho đến nay, vẫn làm tôi mê đắm như cách các cô gái tóc đỏ làm tôi mê đắm tuy tôi vẫn muốn thay đổi màu tóc của họ; rằng Thiên Chúa giáo luôn luôn đem lại cho tôi nguồn hứng khởi muốn báng bổ, điều đó chứng tỏ hoàn toàn rằng tôi đã được rửa tội thành một tín đồ Thiên Chúa giáo, tuy phù phiếm, nhưng dứt khoát, không cách chỉ huy bỏ được. Nhiều khi, giữa lúc đang làm những việc hết sức thông tục, chẳng hạn như đánh răng hay thậm chí đang đi ngoài, tôi bỗng bắt chợt thấy mình lẩm bẩm luận về lễ Mi-xa đại loại như sau: Trong Thánh Lễ Mi-xa, việc Chúa Jêxu đổ máu được lặp lại, Người lại đổ máu để chuộc tội lỗi của chúng sinh. Chén máu của Chúa Jêxu, khi nào máu Chúa đổ, rượu vang liền thay đổi, trở thành máu Chúa đích thực, ngắm nhìn máu tối linh của Người, tâm hồn ta được rẩy máu của Jêxu, dòng máu quý, được gột rửa trong máu, máy chảy trong lễ ban thánh thể, nhục thể vấy máu; tiếng của máu Chúa Jêxu vang khắp các bầu trời, máu Chúa Jêxu toả một mùi thơm trước mặt Thượng Đế.
Quý vị phải công nhận rằng tôi vẫn giữ được một giọng tương đối thiên-chúa-giáo. Trước kia, tôi không bao giờ chờ tàu điện mà không đồng thời nghĩ đến Đức Mẹ Marie Đồng Trinh. Tôi gọi Người bằng rất nhiều tên đầy ơn phước, Trinh Nữ của các trinh nữ, Mẹ Nhân Từ Khoan Dung, Người đầy thiên ân trong các người nữ, Người xứng đáng với mọi sự kính yêu, Người đã mang thai Chúa, Mẹ dịu hiền, Mẹ Trinh bạch, Nữ Đồng Trinh quang vinh, hãy cho con tận hưởng sự ngọt ngào của cái tên Jêxu mà Người đã nâng niu trong dạ, bởi tên ấy là công bình và xứng đáng, chính trực và cứu rỗi, Nữ Hoàng của Thiên giới, nhiều lần ơn phước...
Đôi khi, nhất là vào những ngày thứ bảy khi mẹ đưa tôi đến Nhà thờ Thánh Tâm, cái từ “ơn phước” ấy như một liều thuốc độc ngọt ngào ngấm vào tim tôi đến nỗi tôi thầm cảm ơn Xatăng không những vẫn sống sót sau lễ rửa tội của tôi mà còn cho tôi phương thuốc giải độc khiến tôi có thể vừa đi trên nền đá lát của Nhà thờ Thánh Tâm vừa báng bổ như một tín đồ Thiên Chúa giáo mà vẫn đứng thẳng.
Jêxu, mà nhà thờ này lấy tim Người làm tên gọi, chỉ hiển hiện trong các phép bi tích và trên các tấm hình nhiều màu sắc về con đường vác thánh giá; ngoài ra còn có ba pho tượng màu thể hiện Người ở những tư thế khác nhau.
Một pho bằng thạch cao sơn. Người đứng trên một cái bệ vàng óng, tóc dài, vận một chiếc áo dài xanh, chân đi dép. Người phanh ngực áo và, bất chấp mọi quy luật tự nhiên, phô ra ở chính giữa ngực mình một trái tim màu đỏ cà chua với vòng hào quang bao quanh, cách điệu, ròng ròng máu, để nhà thờ có thể lấy tên của bộ phận này.
Lần đầu tiên xem xét vị Jêxu có trái tim cởi mở này, tôi không khỏi bối rối nhận thấy một sự giống nhau giữa Đấng Cứu Thế và người cha đỡ đầu, bác và có thể là cha đẻ của tôi, Jan Bronski. Cũng đôi mắt xanh mơ màng đầy vẻ tự tin hồn nhiên ấy. Cũng cái miệng-nụ-hồng-mới-nở chúm chím lúc nào cũng như muốn hôn ấy. Cái nỗi đau rất đàn ông làm hằn nét đôi mày! Đôi má đầy đặn đỏ hồng hồng đòi được trừng phạt! Cả hai đều có cái bộ mặt mà đàn ông chỉ muốn đấm vào mũi, nhưng nữ giới thì lại ao ước được mơn trớn vuốt ve. Và đây nữa, đôi bàn tay như tay đàn bà được chăm chút cẩn thận, mệt mỏi, dị ứng với lao động, phô những vết xây xát như những kiệt tác của một thợ kim hoàn cung đình. Cái đôi mắt Bronski được vẽ lên mặt chúa Jêxu, đôi mắt chứa chất sự ngộ nhận của kẻ làm cha, khiến tôi bối rối sâu sắc. Chẳng phải mắt tôi cũng có cái nhìn xanh biếc chỉ có thể gây phấn khích mà không có khả năng thuyết phục đó sao?
Oskar rời khỏi trái tim ứa máu để tiến vào gian giữa, lướt nhanh từ chặng đầu của con đường Thánh Giá khi Chúa Jêxu vác Thánh Giá lên vai, đến chặng bảy nơi Người gục ngã lần thứ hai rồi đi tiếp tới ban thờ chính nơi treo pho tượng Jêxu thứ hai. Chúa Jêxu này nhắm mắt – có lẽ vì mệt hoặc để tập trung tư tưởng hơn. Chà, những bắp thịt mới oách làm sao! ứng cử viên vô địch mười môn phối hợp này khiến tôi quên phắt Bronski-Thánh-Tâm. Mỗi lần mẹ xưng tội với Đức Cha Wiehnke là một lần tôi đứng thành kính ngắm vị lực sĩ trên ban thờ chính. Quý vị có thể tin rằng tôi đã cầu nguyện: Hỡi lực sĩ rất quý mến, tôi nói với chàng, lực sĩ của các lực sĩ, vô địch thế giới về môn treo trên Thánh Giá bằng đinh đúng quy chuẩn. Không một lần co giật hoặc rùng mình! Ngọn đèn thường trực còn rùng mình chứ chàng thì tuyệt đối nghiêm và đạt điểm tối đa có thể. Đồng hồ bấm giờ tích tắc tích tắc. Thời gian của chàng được tính bằng điện toán. Trong kho đồ thờ, những ngón tay không sạch sẽ lắm của ông bõ nhà thờ đang đánh bóng chiếc huy chương vàng. Nhưng Jêxu thì không phải để giật giải. Lòng sùng tín đến với tôi. Tôi quỳ xuống hết mình, làm dấu thánh giá trên cái trống của tôi và cố gắng liên kết những từ như “ơn phước” hay “bảy chăng khổ hình” với Jesse Owens[2] và Rudolf Harbig[3] và Thế Vận Hội Olympic năm ngoái ở Berlin; nhưng không phải bao giờ tôi cũng thành công vì tôi phải công nhận rằng Jêxu đã không chơi sòng phẳng fair play với hai tay kẻ trộm. Buộc phải loại chàng, tôi ngoảnh sang bên trái, lại nuôi những hy vọng mới: tôi trông thấy pho tượng thứ ba của chàng lực sĩ nhà trời ở phía trong của nhà thờ.
“Ta hãy nhìn kỹ ba lần rồi hãy cầu nguyện”, tôi lắp bắp. Đặt chân lên những phiến đá lát theo môtíp bàn cờ vua, tôi đi về phía ban thờ bên trái. Cứ mỗi bước, tôi lại tự bảo: Chúa đang nhìn theo mày đấy, các thánh đang nhìn theo mày, thánh Pierre bị đóng đinh trên thánh giá lộn đầu xuống, thanh André bị đóng đinh vào một cây thập tự nghiêng – do đó mà có thành ngữ “thập tự THánh André. Có thập tự Hy Lạp và thập tự La-tinh còn gọi là thập tự Khổ Hình. Người ta in hình những thập tự kép, thập tự chống, thập tự chia độ trên vải, bưu ảnh và trong sách. Tôi đã thấy những chữ thập chân to, chữ thập mỏ neo, chữ thập ba múi khắc thành hình nổi đan chéo nhau. Chữ thập Moline mỹ miều, chữ thập Malta lắm kẻ ao ước, chữ thập ngoặc bị cấm trong khi chữ thập de Gaulle, thập tự Lorraine, được gọi là thập tự Thánh Antoine trong những trận hải chiến. Cũng chữ thập Thánh Antoine ấy được đeo cùng với một sợi dây chuyền, chữ thập kẻ trộm xấu xí, thập tự Giáo hoàng ba tầng đường bệ, và thập tự Nga còn gọi là thập tự Lazare[link=file:///E:/All/C%C3%A1i%20tr%E1%BB%91ng%20thi%E1%BA%BFc.docx#_ftn4][4][/link]. Ngoài ra còn có Chữ Thập Đỏ và Chữ Thập Xanh chống nghiện rượu. Hoàng thập tự là thuốc độc, Thập tự chinh xương máu tơi bời, thập cẩm là tạp pí lù, thập thành đĩ thập thành... Và như thế, tôi trở lui, để Thánh giá lại phía sau, quay lưng lại với chàng lực sĩ bị đóng đinh câu rút và tiến đến chỗ Chúa Jêxu hài đồng đang ngả mình trên đùi trái của Đức Mẹ Marie Đồng Trinh.
Oskar đứng cạnh ban thờ bên trái ở lối đi bên trái gian giữa. Đức Mẹ Marie có cái sắc diện hẳn là giống hệt cái vẻ ỉu xìu của mẹ nó hồi còn là cô gái bán hàng mười bảy tuổi ở Troyl những khi không có tiền đi xem xi-nê đành ngắm gỡ những tấm áp-phích có hình Assta Nielsen mê mải như bị hút hồn.
Một số dạng thập lự. xem hình kèm theo:
1. Thập tự La-tinh hay Thánh Giá Khổ hình
2. Thập tự Hy Lạp
3. Thập tự Nga (còn gọi là Thập tự Lazare)
4. Thập tự Thánh Pierre
5. Thập tự Thánh André
6. Thập tự Lorraine hay Thập tự Thánh Antoine
7. Thập tự Ai Cập
8. Thập tự Giáo Hoàng
9. Thập tự mỏ neo
10. Thập tự cỏ ba lá
Người không để tâm đến Jêxu mà đang nhìn chú bé kia bên đầu gối phải của mình. Để tránh hiểu lầm, tôi xin gọi ngay là Jean-Baptiste. Cả hai đều vào cỡ tôi. Chính xác ra, Jêxu có lẽ cao hơn độ hai phân gì đó mặc dầu theo kinh sách thì Chúa hài đồng còn ít tháng hơn Jean-Baptiste. Nhà điêu khắc thích đùa đã thể hiện đấng Cứu Thế thành một đứa bé lên ba trần truồng hồng hào. Còn Jean – vì sau này phải ra sa mạc – thì mang một tấm da sống màu sô-cô-la lờm xờm phủ kín nửa ngực, bụng và cái vòi tưới nước.
Lẽ ra Oskar nên ở lại bên ban thờ chính hoặc quanh quẩn gần phòng xưng tội còn hơn là đánh đu với hai thằng bé có cái nhìn già trước tuổi giống nó một cách dễ sợ ấy. Dĩ nhiên, mắt chúng xanh lờ và tóc chúng màu hạt dẻ. Nếu ông thợ cắt tóc-điêu khắc gia húi cua cho hai thằng bé Oskar của ông và cắt béng những búp tóc loăn xoăn ngở ngẩn kia đi thì giống hoàn toàn không lệch một ly.
Tôi sẽ không dài dòng về chú bé Baptiste đang chĩa ngón trỏ của tay trái về phía Jêxu như thể đang đếm xem ai được chơi trước: “một, hai, ba, bốn...” Bỏ qua cái trò chơi trẻ con ấy, tôi nhìn kỹ Jêxu và nhận ra hình ảnh của chính mình. Đây có thể là anh em sinh đôi của tôi: kích thước bằng nhau, chim cũng hệt như nhau hồi ấy chỉ làm độc một chức năng vòi tưới. Chúa hài đồng nhìn thế giới bằng cặp mắt xanh cô-ban của tôi (cũng là của Bronski) và – đây là điều làm tôi cáu nhất – bắt chước đúng những cử chỉ của tôi.
Bản sao của tôi giơ cả hai cánh tay lên, hai bàn tay nắm lại theo cái cách gợi ý người ta nhét vào đó một cái gì, như cặp dùi trống của tôi chẳng hạn. Nếu nhà điêu khắc làm thế và thêm một cái trống thạch cao đỏ-trắng trên cặp đùi nhỏ hồng hồng kia, thì đích thị là bản thân Oskar ngồi trên đầu gối Đức Mẹ Đồng Trinh, đánh trống tập hợp giáo đoàn. Trên đời này có những cái – dù thiêng liêng đến đâu chăng nữa – cũng không nên để y nguyên như thật.
Ba bậc trải thảm dẫn đến Mẹ Đồng Trinh trong trang phục màu bạc và xanh lam, đến tấm da sống lờm xờm màu sô-cô-la của Jean-Baptiste, đến Chúa Jêxu hài đồng màu giăm-bông luộc. Phía trước là một ban thờ với những cây nến thiếu máu và những bó hoa đủ mọi giá. Cả ba – Mẹ Đồng Trinh màu xanh lam, Jean màu sô-cô-la và Jêxu màu hồng đều có vòng hào quang to bằng cái đĩa ăn gắn ở sau đầu – những cái đĩa đắt tiền dát vàng lá.
Nếu không có những bậc trước ban thờ, chắc chẳng bao giờ tôi trèo lên làm gì. Dạo ấy các bậc lên xuống, quả đấm cửa, mặt kính cửa hàng có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với Oskar và mặc dầu bây giờ nó không cần cái gì ngoài cái giường bệnh viện, nó vẫn chưa hẳn dửng dưng trước những thứ đó. Nó thả mình cho lực hấp dẫn ấy từ bậc này đến bậc khác, vẫn đứng trên tấm thảm ấy. Nó sáp lại đủ gần ba nhân vật để gõ gõ khớp ngón lên đó theo cách vừa sàm sỡ vừa kính trọng. Nó có thể lấy móng tay cạo cạo để lộ thạch cao dưới lớp sơn. Những nếp ở tấm áo choàng của Đức Mẹ Đồng Trinh kéo dài vòng vèo xuống tận những ngón chân đặt trên lớp mây. Khuôn ống chân lấp ló của Đức Mẹ cho thấy rằng nhà điêu khắc đã đắp da thịt trước rồi mới trùm xiêm y lên sau. Khi Oskar sờ cái vòi tưới (đán g lẽ đã phải cắt bao quy đầu song lại chưa) của Chúa hài đồng, vuốt ve nó và kín đáo ấn ấn như định vẩy, no bỗng thấy cợn lên một cảm giác mới lạ vừa khoái vừa bối rối nơi cái vòi tưới của chính nó; thế là nó để cho của quý của Jêxu được yên với hy vọng cũng được đáp lại như vậy.
Dù đã cắt bao quy đầu hay chưa, tôi cũng cứ để mọi sự nguyên như thế, lôi cái trống ra khỏi áo chui đầu, nhấc nó khỏi cổ mình và thận trọng quàng vào cổ Jêxu, không để chạm vào làm sứt mẻ vầng hào quang. Do tầm vóc thấp bé, muốn làm thế tôi cũng phải vất vả một chút. Tôi phải trèo lên pho tượng và đứng trên lớp mây thay cho đế tượng.
Chuyện này không xẩy ra vào tháng giêng năm 1936 trong lần đầu Oskar đến nhà thờ sau lễ rửa tội mà là vào Tuần lễ Thánh cùng năm. Suốt mùa đông, mẹ nó đã phải cật lực mới xưng hết tội dan díu với Jan Bronski. Do đó, Oskar có bao nhiêu ngày thứ bảy để nghĩ cho chín, duyệt lại kế hoạch, tước xén, điều chỉnh, xem xét từ mọi góc độ và cuối cùng, gạt bỏ tất cả những phương án trước để thực thi một phương án mới một cách trực tiếp và đơn giản nhất, với sự trợ giúp của những chặng đường vác Thánh Giá, vào ngày thứ hai của Tuần lễ Thánh.
Vì mẹ tôi cảm thấy cần phải xưng tội trước khi lễ Phục sinh đến thời điểm cao trào nhộn nhịp nhất, nên vào buổi chiều ngày Thứ hai Khổ Hình, mẹ dắt tôi đi dọc theo phố Labesweg đến Chợ Mới, Elsentrasse, xuôi phố Nữ thánh Marie qua cửa hàng thịt của Wohlgemuth, rẽ trái đến Công viên Kleinhammer, qua cái cầu chui lúc nào cũng rỉ ra nhỏ giọt một thứ nước vàng vàng gớm chết, vượt qua bờ dốc đường xe lửa tới Nhà thờ Thánh Tâm.
Chúng tôi đến muộn. Chỉ còn hai bà già và một thanh niên mặt mày nhớn nhác đợi bên ngoài phòng xưng tội. Trong khi mẹ tôi xem xét lại lương tâm – ngón tay cái thấm nước bọt lần giở lại cuốn sách kinh như thể đang soát sổ cái tìm những số liệu cần thiết cho tờ khai man thuế - tôi nhót khỏi chiếc ghế băng và cố tránh luồng mắt của Trái Tim Nhỏ Máu và Lực Sĩ trên Thánh Giá, tôi tiến về ban thờ bên trái.
Mặc dầu phải làm cấp tập, tôi vẫn không bỏ qua bài Nhập lễ. Ba bước: Introibo ad altare Dei [5]. Chúa mang niềm vui đến cho tuổi trẻ. Kéo dài câu Kyrie, tôi nhấc cái trống khỏi cổ và trèo lên bệ mây, không dây dưa với cái vòi tưới nữa, dứt khoát không. Ngay trước câu Gloria, tôi đã quàng cái trống lên vai Jêxu, thận trọng không làm hư hại vòng hào quang. Bước khỏi bệ mây – xá tội, khoan dung và tha thứ - nhưng trước hết phải ấn đôi dùi trống, và một, hai, ba bậc đi xuống, tôi ngước mắt nhìn lên trời, còn tí ti thảm nữa, rồi cuối cùng nền đá lát và một cái ghế cầu kinh cho Oskar và nó quỳ hai gối lên chiếc nệm nhỏ, hai bàn tay đánh trống chắp trước mặt – Gloria in Excelsis Deo – và hiếng mắt qua đôi bàn tay chắp lại theo dõi Chúa Jêxu cùng cái trống, chờ đợi phép lạ xảy ra: liệu Jêxu có đánh trống không hay là không biết đánh hay không được phép đánh? Nếu không đánh thì không phải là Jêxu đích thực, trong trường hợp đó, Oskar này mới là Jêxu thật.
Một khi đã muốn thấy phép lạ thì phải biết chờ đợi. Thì tôi đợi! Chí ít lúc đầu tôi cũng đã kiên nhẫn chờ đợi, mặc dầu mức độ kiên nhẫn có lẽ còn chưa đủ, bởi vì tôi càng nhắc đi nhắc lại câu nguyện “Lạy Chúa, mọi con mắt đang chờ Người” (thay “lỗ tai” bằng “con mắt”), thì càng thấy thất vọng trong khi quỳ trên chiếc ghế cầu kinh. Quả là Oskar đã tạo cho Chúa mọi cơ hội, nhắm mắt lại trên cơ sở giả định rằng Chúa hài đồng Jêxu, sợ những động tác đầu tiên của mình có thể vụng về, sẽ khởi động thoải mái hơn khi biết không có ai nhìn; nhưng rồi cuối cùng, sau Tín điều thứ ba, sau Đức Chúa Cha, Người Tác Tạo nên Trời và Đất và muôn vật hữu hình và vô hình, và Đức Chúa Con duy nhất được sinh ra, được Người sinh ra chứ không phải tạo ra, Con đích thực của Cha đích thực, cùng với Người là một, thông qua Người, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, đã xuống trần, mang lốt người trần, biến thành người trần, đã chịu đau đớn, bị chôn xuống đất, sống lại, lên trời, ngồi bên tay Đức Chúa Cha, cùng những người chết, bất tận, tôi tin ở, cùng với Đức Chúa Cha, nói bằng, tin ở Giáo hội duy nhất Thánh, Thiên Chúa giáo và...
Phải, đạo Thiên Chúa chỉ còn sót lại trong lỗ mũi tôi mà thôi. Lòng tin của tôi gần như bị gột rửa sạch rồi. Nhưng điều tôi quan tâm không phải là cái mùi. Tôi muốn một cái gì khác cơ. Tôi muốn nghe cái trống của tôi, tôi muốn Jêxu chơi một điệu trống nào đó cho tôi nghe, tôi muốn một phép lạ nho nhỏ, khiêm tốn thôi. Tôi đâu có đòi hỏi nổi sấm để khiến cha xứ Rasczeia phải hộc tốc chạy tới và Cha Wiehnke phải ì ạch lê khối mỡ của mình đến chứng kiến phép lạ; tôi đâu có yêu cầu một phép lạ lớn lao đến mức phải gưi biên bản đến Toà Giám mục ở Oliva, buộc Đức Giám mục phải trình tiếp lên Vatican. Không, tôi đâu có tham vọng lớn thế. Oskar đâu có muốn được phong thánh. Nó chỉ muốn một phép lạ nhỏ, riêng tư, một cái gì nó có thể nghe thấy và trông thấy, cốt vạch rõ một lần dứt khoát cho nó thấy là nên đánh trống để ủng hộ hay chống đối; nó chỉ muốn có một tín hiệu bảo cho nó biết trong cặp song sinh có đôi mắt xanh, giống nhau như tạc này, đứa nào, trong tương lai, đáng được gọi là Jêxu hơn.
Tôi ngồi và chờ đợi. Tôi cũng bắt đầu lo lắng. Mẹ chắc đang ở trong phòng xưng tội, bây giờ dễ thường đã qua điều răn thứ sáu rồi. Cái ông lão thường vẫn tập tễnh quanh các nhà thờ, lúc này đang tập tễnh qua ban thờ chính, rồi qua ban thờ bên trái, cúi chào Đức Mẹ Đồng Trinh và hai chú nhỏ. Có thể lão trông thấy cái trống nhưng không hiểu. Lão lẹp xẹp đi tiếp và tiếp tục già đi.
Thời gian qua đi và Jêxu vẫn không chịu đánh trống. Tôi nghe thấy những tiếng nói từ phía ban đồng ca. Mong rằng đừng ai chơi đại phong cầm bây giờ, tôi lo lắng nghĩ thầm. Nếu họ diễn tập chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, thì tiếng đại phong cầm sẽ át mất những tiếng trống ngập ngừng, yếu ớt đầu tiên.
Nhưng không ai đụng đến đại phong cầm. Mà Jêxu cũng chẳng đánh trống. Phép lạ không xảy ra. Tôi đứng dạy khỏi nệm quỳ, khớp gối kêu răng rắc. Chán ngán và buồn bực, tôi bước trên tấm thảm, kéo lết chân lên từng bậc một, bỏ qua mọi câu kinh đã thuộc, trèo lên đám mây thạch cao, xới lộn mấy bông hoa giá trung bình. Lúc này, tôi chỉ muốn lấy lại cái trống của mình từ thằng nhóc cởi truồng đần độn kia thôi.
Tôi xin nói thẳng và sẽ còn tiếp tục nhắc lại: thật là sai lầm khi cố công cố sức dạy nó điều gì. Không hiểu làm sao mà tôi lại nẩy ra cái ý ấy. Dù sao mặc lòng, tôi thu về đôi dùi, nhưng để lại cái trống. Thoạt đầu còn nhẹ nhàng, nhưng rồi cái nôn nóng của một ông thày nôn nóng, tôi bày cho chú bé Jêxu rởm thấy phải làm như thế nào. Cuối cùng, lại đặt dùi vào tay nó, tôi cho nó cơ hội phô bày những gì nó đã học được ở Oskar.
Trước khi tôi kịp giựt cả trống lẫn dùi khỏi tên ngoan cố nhất trong các thứ học trò bất chấp vòng hào quang của nó, thì Cha Wiehnke đã ở đằng sau tôi – tiếng trống của tôi đã vang khắp chiều dài chiều rộng của nhà thờ - cha xứ Rasczeia đã ở đằng sau tôi, mẹ đã ở đằng sau tôi, ông lão già đã ở đằng sau tôi. Cha xứ kéo tôi xuống, Cha Wiehnke bợp tai tôi, mẹ nhìn tôi mà khóc, Cha Wienke xì xầm mắng tôi, Cha xứ quỳ một gối rồi nhổm lên lấy cặp dùi khỏi tay Jêxu, lại quỳ một gối với cặp dùi rồi lại nhổm lên vươn tới cái trống, gỡ cái trống ra khỏi Chúa hài đồng Jêxu, làm nứt vòng hào quang, va phải cái vòi tưới bé xíu, làm bể một miếng mây, lật đật xuống các bậc và lại quỳ một gối một lần nữa. Cha không chịu trả lại trống cho tôi, điều đó làm tôi càng cáu hơn trước, buộc tôi phải đá Cha Wiehnke và làm mẹ tôi xấu hổ: tôi đấm đá, cắn xé, cào cấu cả Cha Wiehnke lẫn Cha xứ, cả ông già lẫn mẹ tôi và cuối cùng vùng ra khỏi tay họ. Thế là tôi chạy đến trước ban thờ hcisnh, cảm thấy Xatăng đang nhảy nhót trong tôi và thì thào hệt như hôm làm lễ rửa tội cho tôi: “Oskar, nhìn quanh mà xem. Cửa sổ khắp nơi. Toàn thuỷ tinh, toàn thuỷ tinh hết.”
Và vượt qua chỗ tay Lực sĩ trên Thánh Giá vẫn bình thản không co giật một thớ thịt nào, tôi cất tiếng hát hướng vào ba cửa sổ cao của phòng ngách hình vòng cung, có hình mười hai vị thánh tông đồ trên nền đỏ, vàng và xanh. Nhưng tôi không nhằm thánh Marc nay thánh Matthew, mà nhằm con chim bồ câu đứng lộn ngược bên trên họ, đang mừng lễ Hạ trần: tôi nhằm Đức Chúa Thánh Thần. Thanh đới của tôi rung lên, chất kim cương của giọng tôi tấn công con chim. Không ăn thua. Phải chăng lỗi tại tôi? Hay là do sự can thiệp của tay Lực sĩ không ai thắng nổi? Phải chăng đó là phép lạ chẳng ai hiểu nổi? Họ trông thấy tôi run lên và lặng lẽ phóng âm lực của mình về phía phòng ngách hình vòng cung và tất cả, trừ mẹ tôi, đều tưởng tôi đang cầu nguyện, trong khi tôi chỉ muốn đập vỡ cửa kính. Nhưng Oskar đã thất bại, thời vận của nó chưa đến. Tôi ngồi phịch xuống nền đá lát và khóc cay đắng vì Jêxu đã thất bại, Oskar đã thất bại, vì cả Wiehnke lẫn Rasczeia đều hiểu lầm tôi và đang tuôn ra những điều vớ vẩn về chuyện sám hối. Chỉ có mẹ là đủ thông minh để hiểu những giọt nước mắt của tôi, mặc dầu mẹ không khỏi mừng thầm vì đã không có ô kính nào bị vỡ.
Rồi mẹ bế tôi lên, nhận lại trống và dùi từ tay Cha xứ và hứa với Cha Wiehnke sẽ bồi thường thiệt hại, kế đó, được Cha làm dấu xá tội, muộn một chút, vì tôi đã làm ngắt quãng buổi xưng tội. Cả Oskar cũng được ban phước chút đỉnh mặc dầu tôi cũng chả thiết lắm.
Trong khi được mẹ bế ra khỏi Nhà thờ Thánh Tâm, tôi tính trên đầu ngón tay: hôm nay là thứ hai, mai thứ ba rồi đến thứ tư, thứ năm Thánh, thứ sáu Thánh, thôi bỏ: nhân vật này thậm chí không biết đánh trống, thậm chí không cho mình đập vỡ vài mảnh kính cho hả, hắn giống mình nhưng lại là rởm. Hắn sẽ đi xuống mồ trong khi mình vẫn tiếp tục đánh trống và đánh trống, nhưng sẽ không bao giờ ao ước được trải nghiệm một phép lạ nữa.
Chú thích:
[1]Khác với tên thánh.
[2] Lực sĩ Mỹ da đen huyền thoại của mọi thời đại. Tại Thế Vận Hội 1936 ở Berlin (Đức) mà một số người gọi là “Thế vận hội của Hitler”, Jesse Owens đã làm sụp đổ tham vọng của bọn Quốc xã Đức muốn chứng tỏ với thế giới sự “ưu việt” của nòi giống “Aryen”, khi ông một mình, trong một ngày, đoạt 4 huy chương vàng trong các môn chạy 100m, 200m, chạy tiếp sức 100m X 4 (trong đó ông là thành viên quyết định thắng lợi) và nhảy xa, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Olympic trước đó.
[3]Lực sĩ người Đức, quán quân thế giới về các môn chạy 400m, 800m và 1000m từ 1939 đến 1941. Riêng kỷ lục về môn chạy 800m của Rudolf Harbig tồn tại suốt 16 năm không bị phá.
[4] Một số dạng thập tự, xem hình kèm theo.
[5] Tiếng La-tinh: Bước vào trước ban thờ Chúa.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc