Chương 12
hảo Vy
Ba năm sau... với bao đổi thay theo nhịp sống.
Bây giờ Cát Phượng đã là hiệu trưởng một trường cấp hai nổi tiếng thành phố. Còn Vĩ Long đã là Tổng giám đốc công ty. Kha Minh đã tốt nghiệp bác sĩ ở Pháp.
Thảo Nguyên đã có đứa con gái ba tuổi, và nàng đã chuyển sang phục vụ bệnh viện Đa khoa Nguyễn Trãi.
Vĩ Long bảo tài xế dừng xe ở bên gốc cây ven đường. Chàng cầm gói quà bước xuống, dặn tài xế:
- Anh hãy đợi tôi ở đâu.
- Vâng, thưa tổng giám đốc.
Vĩ Long bước theo hành lang con đường, chàng dừng lại trước một trường mẫu giáo. Anh bảo vệ tiếp anh vào ngồi trên băng đá dưới gốc cây hoa sứ:
- Ô, ba Long! Ba Long của Vy đến.
Một bé gái dáng mảnh dẻ dễ thương trong bộ đầm màu cánh gián với chiếc áo trắng, hai bím tóc hai bên chạy ào đến, sà vào lòng Vĩ Long, theo sau là cô giáo của em:
- Chào ông.
- Chào cô.
- Hôm nay, ông lại mua quà cho bé Thảo Vy nữa à?
- Có gì đâu cô, chỉ là con búp bê thôi.
Nhìn Thảo Vy đang săm soi ngắm nghía con búp bê ra chiều thích thú lắm, vì đây là món quà đắt tiền, gần cả tháng lương của mẹ cô. Cô giáo buột miệng khen:
- Ông cho con búp bê đẹp quá.
Vĩ Long nói với cô giáo phụ trách:
- Tôi có thể xin phép đưa cháu nó đi chơi một lát, có được không?
Cô giáo vẻ ái ngại, nói:
- Xin lỗi ông, tôi rất áy náy là không thể chiều lòng ông được. Bởi theo lời ký gởi của mẹ cháu là chỉ có mẹ hoặc ngoại cháu mới nhận được mà thôi. Xin ông thông cảm.
- Ồ! Không sao. Vậy tôi xin phép cô được ngồi chơi với cháu vào phút được chứ?
- Cái đó tùy ông. Tôi xin phép.
Cô giáo quay lưng trở vô lớp. Vĩ Long ngồi nhìn nét vô tư trên gương mặt con, mà thấy niềm thương yêu dào dạt. Thảo Vy là sự kết hợp giữa chàng và Thảo Nguyên, nên cô bé rất đẹp. Đặc biệt là đôi mắt cô bé không giống cha mẹ mà lại giống Cát Phượng như khuôn. Rèm mi dài cong, đôi mắt to đen sâu thẳm, mang một nét buồn vời vợi. Không biết vì sao như vậy? Nếu để Cát Phượng dẫn bé đi thì mọi người sẽ không ngần ngại bảo là mẹ con.
Điều đó đã làm Cát Phượng càng quyết chí xin cho được Thảo Vy. Nhưng Thảo Nguyên đã khéo léo từ chối mà chỉ bằng lòng để cho nàng làm mẹ đỡ đầu mà thôi?
Chính vì lẽ đó mà Thảo Nguyên đã yêu cầu Vĩ Long đừng nên đến thăm con thường quá. Nàng muốn cuộc sống của mẹ con nàng bình lặng, nàng dành cuộc đời con lại cho con, chôn kín bao ước mơ của bản thân.
Vĩ Long thường đến trường thăm bé Thảo Vy hơn là đến nhà. Nơi đây chỉ có hai cha con chàng, chàng có thể biểu lộ tình cảm mình mà không cần gìn giữ. Lý do thứ hai là Thảo Nguyên thường tránh mặt khi Vĩ Long đến nhà.
- Sao em luôn tìm cách tránh mặt anh vậy?
- Gặp nhau làm gì, chỉ làm thêm đau đớn.
- Nhưng em cho anh thăm con anh chứ?
- Nó không là con anh. Nó là con em. Nhưng em không hẹp hòi với anh điều đó.
Nàng quả là người đàn bà có nhiều nghị lực. Nàng không thuộc loại "nương bóng tùng quân". Có lẽ cuộc sống nghèo khổ đã tạo cho nàng cái vỏ bọc ngoài như thế, chứ thật ra nàng cũng chỉ là người đàn bà mềm yếu.
- Em không muốn anh đến nhà là để em bình yên trong cuộc sống với con. Sự lui tới chăm sóc của anh, một ngày nào đó sẽ làm cho em ngã gục. Bởi trong đời em thiếu vắng và rất thèm khát điều đó, mong anh hiểu cho. Anh hãy giúp em. Em van anh, Long ạ!
Chính vì thế mà đã nhiều lần âm thầm đứng nhìn con vui đùa, bập bẹ tiếng ba ba mà lòng chàng đau như cắt.
Thỉnh thoảng, Cát Phượng cũng có đến thăm Thảo Vy, nhưng nàng thường đi một mình hơn. Cát Phượng luôn tìm cách giúp đỡ Thảo Nguyên một cách tế nhị, khéo léo.
- Nguyên cám ơn Phượng đã gởi gắm Nguyên với chị Liên vợ anh Hữu. Liên đã giúp Nguyên thật nhiều những ngày ở đất lạ.
- Chị đừng bận tâm tới việc đó. Ngày xưa chị giúp đỡ Phượng và anh Long thì sao? Phượng không quên những ngày ấy. Phượng chỉ mong chia sẻ bớt một phần nhỏ với chị, chính là để cho hai gia đình trở nên gần gũi, thân tình, chứ không phải Phượng muốn trả ơn chị đâu.
Chính chân tình đó mà Thảo Nguyên phải cố gắng bóp chết bao mơ ước trong đời, để cố giữ trọn tình với người bạn tốt. Nàng đã phạm tội một lần, thì cố gắng giữ cho vết chàm không vì những ước muốn của bản thân mà đưa nàng trở thành kẻ phạm tội lần nữa.
Đã có lần Phượng rất tình cờ hỏi Thảo Nguyên:
- Nguyên không giấu Phượng về cha của đứa bé chứ?
Thảo Nguyên đành nói dối, nàng cho rằng việc làm cúa mình có dụng ý tốt thôi:
- Phượng tha lỗi cho mình, Nguyên cũng đang cố quên người ấy. Xin Phượng đừng tìm hiểu làm gì.
- Phượng nghĩ đàn ông họ chạy theo cái gì? Không biết họ có ý thức được là họ đang bỏ cái hình để chạy theo cái bóng không?
Thảo Nguyên thấy nên biện hộ cho chàng:
- Ba của Thảo Vy vì hoàn cảnh, chứ không phải quyết lòng phụ bỏ mẹ con Nguyên đâu.
- Hoàn cảnh? một tấm bình phong để che đậy tội lỗi. Họ đeo mặt nạ khéo lắm, Nguyên à.
- Không. Nhất định là không phải vậy đâu.
- Vậy nếu bây giờ anh ấy thoát khỏi hoàn cảnh đến với chị và cháu, chị có bằng lòng không?
Thảo Nguyên không ngờ Cát Phượng lại hỏi mình câu này. Nàng tỏ ra suy nghĩ, cân phân. Thay vì trả lời, Nguyên hỏi ngược lại Phượng:
- Theo Phượng thì Nguyên nên xử sự sao?
- Phượng không ở hoàn cảnh của chị, không rõ hoàn cảnh của anh ấy, nên khó có lời khuyên chính xác.
- Nguyên sẽ không bao giờ chấp thuận, vì Nguyên biết chắc người ấy sẽ không thoát ra được hoàn cảnh của mình. Hay nói đúng hơn là Nguyên không đồng ý cho anh ấy thoát ra, mặc dù Nguyên rất yêu anh ấy.
- Nguyên cao cả quá! Phượng phục Nguyên vô cùng.
Phượng nhìn Thảo Vy đang chơi với cậu ngoài sân, nói:
- Con bé thật lạ, có nhiều nét giống anh Long.
Thảo Nguyên giật mình, cố đánh tan ý nghĩ của Phượng:
- Nó giống Phượng thì đúng hơn chứ.
- Vì sao vậy?
- Có lẽ lúc mang thai, Nguyên luôn nghĩ về Phương. Nguyên thèm khát cảnh hạnh phúc của Phượng và anh Long. Chính Nguyên cũng thích đôi mắt của Phượng, có lẽ vậy...
Gia đình của Thảo Nguyên từ ngày có thêm bé Thảo Vy, sự vui vẻ cũng tăng lên, lỷ lệ nghịch với kinh tế hằng ngày, bởi có bao nhiêu thứ cần thiết cho nó.
Mỗi lần đến thăm, Cát Phượng đều mua áo quần, quà cho bé, về phần đó coi như Nguyên khỏi phải lo.Còn Vĩ Long đã hết lời, thế mà nàng không chịu nhận sự giúp đỡ nào của anh cả, ngoại trừ những thứ mà anh sắm cho Thảo Vy, nàng không có lý do nào cấm cản. Nguyên đã chuyển chỗ làm để không muốn nghe sự đàm tiếu của mọi người về đứa con của nàng.
Suốt ba năm qua, Vĩ Long luôn tìm cách thuyết phục Thảo Nguyên hãy để cho anh có mối quan hệ với nàng như ngày trước, bởi giờ đây không chỉ Vĩ Long đến với nàng vì Thảo Vy mà còn có tình yêu của chàng nữa. Chính vì lẽ đó mà làm cho nàng lo sợ, luôn tìm cách tránh mặt chàng ở nhà.
Thảo Nguyên sợ sự lui tới của Vĩ Long - Một hình ảnh mà nàng cố quên - Sẽ làm sống lại mãnh liệt trong lòng nàng và nàng sẽ phạm tội với bạn lần nữa, mà lần này thì khó cứu vãn. Lương tâm nàng không cho phép nàng tiếp tục làm việc đó. Nàng đã phải tự đấu tranh với chính bản thân mình. Nhưng thử hỏi, đã được mấy người tự chiến thắng mình mà không được sự giúp đỡ của hoàn cảnh chứ? Thảo Vy nó đã được ba tuổi, cái tuổi bắt đầu của sự hiểu biết. Đã nhiều lần Thảo Vy hỏi mẹ:
- Mẹ! Ba... con sao lâu về vậy mẹ?
- Ba con đi làm xa, mai mốt ba về... với điều kiện là con phải ngoan ba mới thương đó.
- Con đã ngoan, mà sao ba không về vậy mẹ?
-...
- Vậy ba Long có phải là ba của con không mẹ?
Nguyên đành phải nói dối với con:
- Không... không phải đâu, ba Long chỉ là ba nuôi con.
- Ba nuôi là sao vậy mẹ? Vậy chứ ba con có thương con bằng ba Long của con không mẹ?
Thảo Nguyên đã nhiều lần đau đớn khi phải dối con trẻ. Nhưng không hiểu sao nàng không bảo rằng ba của bé đã chết, hoặc một lý do nào xa xôi, mà lại bảo là ba của bé đi làm xa mai mốt sẽ về. Có phải chăng trong tậy đáy lòng Thảo Nguyên vẫn mong mỏi còn có ngày sum họp với Long không. Vĩ Long cũng đã nhiều lần đau xót khi nghe bé Vy hỏi:
- Ba Long có biết ba của bé không?
-...
- Sao ba của bé lâu về vậy?
- Mẹ bảo với bé thế nào?
- Mẹ bảo ba của bé thương bé lắm, nhưng ba đi làm xa mai mốt ba mới về. Bé đã ngoan vậy mà ba bé không về để mua quà cho bé như ba Long.
- Thì bé có ba Long mua quà cho bé được rồi.
- Hổng chịu đâu. Bé muốn ba của bé kia.
- Chi vậy?
- Ba của bé sẽ dẫn bé đi chơi, để dỗ bé ngủ, để bé hát cho ba bé nghe nữa nè.
- Vậy bé hát cho ba Long nghe đi.
- Nhưng ba Long chỉ là ba nuôi chứ đâu phải ba của bé.
- Ai bảo với bé vậy?
- Mẹ Nguyên bảo đấy. Bà ngoại cũng nói vậy.
Vĩ Long lòng đau như cắt khi nghe lời ngây thơ của con. Hoàn cảnh gì ác độc mà chàng lại rơi vào như hôm nay.
- Nguyên ơi! Sao em ác độc đánh lừa luôn cả con trẻ?
- Chứ anh muốn là em nói thật cho nó biết sao?
- Nhưng... ít ra, em phải cho nó biết anh là cha nó.
- Để làm gì? Anh liệu có thỏa mãn được những yêu cầu của nó không?
- Anh sẽ làm tất cả cho con anh.
Thảo Nguyên điềm tĩnh, lạnh lùng:
- Đừng anh, đừng vội phá đổ tất cả những công trình mà tất cả chúng ta đã tốn bao công sức tạo nên.
Nguyên an ủi Long:
- Con trẻ nó hồn nhiên lắm, nó sẽ đòi anh đưa nó đi chơi, ngủ với nó, đưa nó đi học và rước nó đi xe như bao bạn bè của nó. Rồi anh có làm được không?
Vĩ Long nói không suy nghĩ hậu quả:
- Anh cố gắng làm tất cả cho nó, Nguyên à.
- Không đơn giản như anh nghĩ đâu. Nó còn đòi phải có mẹ đi theo.
Nguyên nói trong nghẹn ngào với hai dòng lệ:
- Đã bao lần em đưa nó đi chơi, nó đòi có ba đi theo mới chịu. Em phải nói dối là ba đi xa chưa về. Nó đòi... anh. Ba Long của nó đi với mẹ, để đi tàu bay, đi xe lửa... làm sao anh thực hiện được. Anh có biết là em đã khổ tâm đến ngần nào không?
Thảo Nguyên như trút được nỗi dằn vặt trong lòng bấy lâu nay, nên nàng khóc cho thỏa thích. Mỗi giọt lệ của nàng Vĩ Long nghe như có vị tê đắng trên đầu lưỡi. Rồi như có luồng sức mạnh tiềm tàng tận đáy lòng bùng dậy, Vĩ Long bất chấp tất cả. Chàng nắm tay Nguyên vuốt ve, an ủi nàng, nói:
- Em yên tâm. Từ hôm nay, anh sẽ sắp xếp để dành cho con anh tất cả những gì nó cần thiết.
-...
- Em hãy bảo thẳng anh là cha nó. Anh sẽ làm tròn trách nhiệm của một người cha, với bất cứ yêu cầu nào của con trẻ.
Kể từ hôm đó, Vĩ Long thay đổi nếp sống thường nhật mà lâu nay đã trở thành thói quen. Vĩ Long bàn với vợ:
- Phượng à! Anh muốn bàn với em một việc.
- Gì đó anh? - Giọng nàng như muốn ngủ.
- Anh muốn nhận làm thêm cố vấn cho một xí nghiệp vừa thành lập về kế hoạch phát triển và sản xuất.
- Em thấy cuộc sống của chúng ta đầy đủ rồi. Vả lại, có con cái gì đâu mà cần lo cho nó. Anh còn phải dưỡng sức, không nên làm nhiều như vậy.
Long có vẻ cương quyết:
- Sức khỏe anh không sao đâu, em yên tâm. Về thu nhập thì không quan trọng lắm, nhưng đây là xí nghiệp của người bạn thân chưa có người lãnh đạo về kế hoạch phát triển. Anh cũng chỉ giúp anh ấy một thời gian, sau đó ổn định thì mình nghỉ. Em nghĩ sao Phượng?
Cát Phượng có vẻ suy nghĩ. Lâu nay, thời gian vắng chồng như thế đủ để nàng thấy cô đơn rồi. Nay chồng phải làm thêm, tức là thêm thời gian chờ đợi. Nhưng Phượng nghì, có lẽ do anh ấy cũng buồn vì nhà quạnh quẽ có hai vợ chồng, nên anh ấy muốn làm việc thêm cho khuây lãng. Cát Phượng buồn bã trả lời chồng:
- Em chỉ lo sức khỏe của anh thôi, còn công việc thì tùy anh định liệu.
Nhìn vẻ không vui của vợ, Long cũng đón được nỗi lòng của Phượng. Chàng bước đến bên ôm vợ ngang vai, giọng ngọt ngào an ủi:
- Mỗi ngày chỉ thêm có mấy giờ nữa thôi, em cưng à. Mình vừa có thêm tiền, vừa giúp bạn, mà vừa tạo thêm uy tín trên thương trường nữa. Ngoài thì giờ đó ra còn lại anh dành tất cả cho em, Phượng à.
Cát Phượng dù không muốn, nhưng nhìn vẻ phấn khích của chồng, nàng không nỡ trái ý chồng. Nàng liên tưởng rồi đây nàng tiếp tục quạnh quẽ trong ngôi nhà này thêm nữa.
Vĩ Long đề nghị với vợ:
- Hay là mình về Cần Thơ rước mẹ lên ở chơi với em vài tháng nhé?
- Mẹ chỉ đi được nhiều lắm một tuần thôi. Còn ba, ai lo cho ông ấy?
Bên gia đình Long cũng vậy, cha mẹ lo buôn bán, các em ai cũng có việc của mình. Nhưng Cát Phượng muốn chồng yên tâm nên nói:
- Vậy để để em nhận dạy thêm giờ ban đêm cho trường.
Vĩ Long ái ngại:
- Nhưng còn sức khỏe của em?
- Không sao anh à, công việc nó làm cho mình vui hơn. Vả lại, khi nào thấy mệt, em sẽ nghỉ.
- Ừ, vậy cũng được. Nhưng em ăn uống làm sao?
- Chiều em sẽ về ăn cơm, rồi em trở lại trường cho đến tám giờ đêm vào lớp.
Long ái ngaivị phải để vợ ăn cơm một mình vào buổi chiều:
- Hay là để anh bảo chị bếp mang cơm đến trường cho em đỡ phải đi lại.
- Không cần đâu anh. Em cũng muốn về nhà một chút giờ đó để nghỉ ngơi, tắm rửa cho thoải mái một chút.
- Còn anh?
- Anh sẽ tự lo được. Anh là đàn ông, nơi nào mà ăn chẳng được.
- Anh còn gì nữa không? Em ngủ à...
- Không. Em ngủ đi. Chúc em ngủ ngon!
Vĩ Long hôn lên trán vợ, rồi quay sang ôm gối giả bộ ngủ, nhưng đầu óc mãi suy nghĩ những điều sắp tới. Còn Cát Phượng bảo là nàng ngủ, nhưng thật ra nàng đang nhắm mắt để gặm nhấm nỗi buồn, mà nàng hình dung mỗi ngày một thêm to lớn, đẩy nàng và chồng ngày một thêm xa.
Bờ Thương Thác Nhớ Bờ Thương Thác Nhớ - Thảo Nhi Bờ Thương Thác Nhớ