Trên Biển
hững chiếc khăn mùi xoa trắng vẫy vẫy, có lẽ của vài người vợ bị bỏ lại, tất bật với lũ con. Dàn nhạc kèn đồng và tốp ca tiễn biệt những nhà truyền giáo. Con tàu lớn với mạn tàu sặc sỡ từ đuôi tới mũi, rời khỏi bờ kè, quay mũi trong vũng tàu. Và lần đầu tiên, Yersin hiểu được hàm nghĩa hàng hải của hai động từ ấy (Ở đây, ý tác giả là: động từ “déborder” có nghĩa thường dùng là “tràn”, động từ “éviter” có nghĩa thường dùng là “tránh”, nhưng trong hàng hải, hai động từ này được dùng như tiếng lóng, “déborder” là rời khỏi bờ và “éviter” là quay mũi).
Đến cuối buổi chiều thì họ ra đến ngoài khơi. Notre-Dame-de-la-Garde đã nhỏ tí đằng sau vệt sóng. Ráng chiều làm hồng thân tàu và nhuộm vàng lông những con mòng biển bay theo. Gió mạnh lên, biển cuồn cuộn sóng. Hành khách vào ngồi ở các phòng khách. Mạt chược ở khoang hạng nhất và bài bơlốt khoang giữa tàu. Khi ấy từ Marseille sang Sài Gòn phải đi mất ba mươi ngày.
Điểm dừng đầu tiên là Messine, rồi tới đảo Crète. Cho đến lúc đó mới chỉ là đi thuyền men theo bờ, rồi rốt cuộc cùng bắt đầu cuộc hải hành về hẳn phía Nam Địa Trung Hải, về phía Alexandrie, nơi, bảy năm về trước, Thuillier, môn đệ trẻ tuổi của Pasteur, đã chết trong khi nghiên cứu dịch thổ tả. Yersin có trong cabin riêng tủ sách nhỏ với các ngăn bằng gỗ đánh vécni, các công trình y học và cuốn từ điển tiếng Anh, mở những quyển sổ của mình ra, viết thư cho Fanny. Một buổi sáng, từ đài chỉ huy, anh ngắm nhìn những bãi cát vàng và rặng cọ khẳng khiu dần sát lại, nhanh chóng nhìn ra cột tháp giáo đường đầu tiên và con lạc đà đầu tiên: giống hệt như Flaubert, từ Ai Cập trở đi anh đã “ních màu sắc đầy bụng như một con lừa ních lúa mạch” (Nguyên văn “une ventrée de couleurs comme un âne s’emplit d’avoine”, là một câu Flaubert viết gửi bạn trong chuyến du hành Ai Cập).
Tàu Oxus tiến vào hệ thống các cửa nước. Khi Yersin vào kênh đào Suez hồi mùa xuân năm 90 ấy, nhà thám hiểm Anh quốc Henry Stanley, người hùng của Hội nghị Berlin 5 năm về trước, kẻ đã tìm thấy Livingstone, từng đi qua cả châu Phi, đã nhốt mình vào một biệt thự ờ Cairo từ ba tháng nay. Ở đây ông viết lại chuyến đi của mình tới Équatoria để tìm Emin Pacha, chuyến trở về qua Zanzibar, đặt tên cho quyến sách là Trong bóng tối Phi châu.
Cách đó hàng nghìn cây số về phía Nam, Brazza và Conrad, mỗi người ở trên boong một con tàu hơi nước, đi ngược sông Congo. Và vị thuyền trưởng người Anh, từng là người Ba Lan trước khi thành người Marseille, sẽ cho bối cảnh Tâm bóng tối (Tên tác phẩm nổi tiếng nhất của Joseph Conrad) ở tận phía Bắc dòng sông, thác Stanley. Từ thành phố Cairo này, ba năm trước đó, Arthur Rimbaud, kẻ đào thoát khỏi nhóm Thi Sơn, nhốt mình cùng anh người hầu Djami Wadai trong một căn phòng khách sạn Châu Âu, nhưng viết thư cho chị gái nói rằng Ai Cập sẽ chỉ là một chặng dừng chân. “Có thể em sẽ đi Zanzibar, từ đó có thể làm những chuyến đi dài trong châu Phi, và có thể sang cả Trung Quốc, Nhật Bản, ai biết được?”
Thoát khỏi đôi bờ buồn tẻ của con kênh, tàu lao cái mũi phùng rộng của nó vào làn nước êm lặng và trong suốt của Biển Đỏ. Sau đó là cái nóng kinh người, kim loại bị mặt trời trắng lóa nung nấu, những dãy núi tím của Yemen và tối đến chỉ còn thấy vài cọc tiêu lúc sắp tới Aden. Đêm, người ta ra ngoài boong để tìm sự mát mẻ trong làn không khí bất động bên dưới những vì sao lấp láy hơn. Quyển sổ của Yersin đầy những câu như thể của Lowry (Malcolm Lowry (1909-1957), nhà văn người Anh rất nổi tiếng, Ultramarine là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, in năm 1933) trong Ultramarine: “Thấy tách khỏi bờ những cái bóng to lớn, được rọi sáng mơ hồ bằng rất nhiều ngọn đuốc có ánh lửa đỏ, và từ những mảng bè được một con thuyền hơi nước nhỏ kéo theo ấy vang lên tiếng hát đầy nhịp điệu, chỉ gốm vài nốt. Đó là những người thợ than đến để chất than lên khoang hầm của con tàu Oxus” Anh kết thúc bức thư gửi Fanny của mình: “Đã cảm thấy xa châu Âu lắm rồi!”
Đám lính thì mặc quần soóc kiểu thuộc địa và đội mũ vài rộng vành. Sáng sáng họ lên boong tập thể dục và tập nâng súng. Sau ba ngày là tới lúc khởi đầu chặng dài nhất. Neo được nhổ lên để tàu chầm chậm xuôi dòng Ấn Độ Dương, hướng về phía Đông Nam, Colombo. Các khoang hầm đầy nước uống và than, hầm chất đầy mọi thứ người ta còn chưa làm ra được ở Sài Gòn, máy móc dụng cụ, súng ống, váy dạ hội, hàng thùng rượu vang tồi, rượu pastis và máy làm nước đá. Trĩu nặng vì cái đám đó bên dưới làn khói đen cuồn cuộn, con tàu đồ sộ nặng ba nghìn tám trăm tấn đè xuống làn nước xanh lục và đôi khi mưa chớp nhoáng, rồi mặt trời lại làm vỏ tàu gỗ ướt sáng ánh lên.
Tàu đã đi qua đường chí tuyến và xa xa lại hiện ra một hòn đảo hoang nằm giữa chơ vơ cùng đám dừa, đó chính là Baudelaire của thời thơ alexandrin còn sáng lấp lánh. Một hòn đảo lười nhác nơi thiên nhiên dâng tặng những thứ cây độc đáo và những thứ quả ngon lành. Yersin ước đo kích thước và nội dung công việc cùa mình, tức là hàng trăm mét đi trên boong và tổng cộng một cây số các hành lang và cầu thang trên tàu, chuông đồng báo hiệu giờ khám bệnh vào đầu buổi chiều. Một Barnabooth (Barnabooth là một trong nhiều bút danh của nhà văn Pháp Valery Larbaud (1881-1957). Xuất thân trong một gia đình giàu có, Valery Larbaud đi du lịch khắp châu Âu trên những chuyến tàu sang trọng, làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch thuật và ghi chép lại hành trình trong nhật ký) thanh lịch trong đống phục trắng tham dự mỗi sáng vào báo cáo của các sĩ quan trực tại khoang riêng của thuyền trưởng.
Tối đến anh lại lao vào đọc tài liệu y khoa và học tiếng Anh. Vài người Anh mà anh gặp ở phòng khách khoang hạng nhất sẽ xuống tàu ở Ấn Độ hay Singapore để quay về đồn điền của mình ở Malaysia hoặc Xiêm La. Anh học được thói quen của người Anh dùng các chữ cái viết tắt ghép vào nhau để tạo ra những tính từ. Năm ấy, trên các tuyến đường biển, người ta sáng tạo ra từ “posh”, ít nhiều ngang nghĩa với “dandy” hay rất thời thượng, từ cụm “port out, starboard home”, “đi mạn trái, về mạn phải”, vì sẽ là rất oách nếu đặt chỗ theo kiểu đổi bên mạn tàu tùy thuộc vào hướng đi, như thế thì cả khi đi lẫn khi về, lúc nào từ cửa sổ tròn cabin của mình, cũng được ngắm nhìn cảnh tượng biến đổi không ngừng trên bờ, trong khi những người khác, những người không posh, cũng như đã không dự đoán trước, chỉ nhìn thấy mỗi nước là nước.
Trong khi anh đi đi về về giữa phòng khách và cabin của mình, tàu đã vào vùng biển phía Nam. Đã thấy rừng rậm Sri Lanka, mưa ấm rơi xuống những bản lá rộng màu xanh ngọc lục bảo. Trên đường tiến về Singapore, một buổi tối ở phòng khách, trước chai rượu ápxanh, mấy ông già sống lâu ở thuộc địa kể cho anh nghe câu chuyện về Mayrena tức vua Marie Đệ Nhất. Một cựu lính kỵ binh của quân viễn chinh sau trở thành dân phiêu lưu, ẩn trốn trong rừng, đã chiếm lấy một vương quốc ở đâu đó, hình như Trung Kỳ, rồi tự xưng là vua của người Xê Đăng trước khi bị người Pháp trục xuất. Người ta bảo nay ông ta đã rút về đây, sống trên đảo Tioman, giữa triều đình thất thế của ông gồm toàn những tay đâm thuê chém mướn được ông ta phong tước, quán rượu cabarê toàn vũ nữ tàn úa mặc đăngten hỏng từ Bruxelles sang đây từ lúc ông ta còn huy hoàng. Sau Singapore, tàu hướng về phía Đông Bắc, đi dọc theo Vinh Xiêm La phía bên ngoài Bangkok, vòng quanh vùng châu thổ sông Mê Kông để đi lên cao hơn về hướng bắc, đến Vũng Tàu.
Cái thành lừng lững của con tàu tiến vào sông Sài Gòn giữa lúc triều lên và đi ngược sông dưới bầu trời nặng nề sà xuống thấp, chừng hai hay ba hải lý, như nhịp đi bộ của con người, để không làm lật ghe hay xuồng tam bản cũng như không phá hỏng mấy chòi câu và vũng câu hai bên bờ giữa đám cây đước. Một thuyền nhỏ có trang bị súng đi trước dẫn đường. Những người nhập cư tò mò và lo lắng, dựa khuỷu tay lên lan can tàu trong những bộ quần áo nhàu nhĩ, nhìn lũ chim cốc lao xuống đám nước nâu sền sệt mọc đầy cây cói. Họ tự hỏi không biết ở nơi đây rốt cuộc mình có thể kiếm bộn tiền, hay sẽ để cho đời mình thối rữa dưới đáy ruộng sũng nước kia. Có lẽ một trong số họ, có chữ hơn và rành Voltaire, lên đường sang xứ thuộc địa như thể gia nhập đội quân lê dương, vì nỗi thất tình hoặc thi trượt thạc sĩ, tự hỏi tại sao lại Oxus, tại sao đặt cho con tàu tên của dòng sông bên mãi xứ Transoxiane từng bị Thành Cát Tư Hãn nhuộm đỏ máu và lấp đầy bằng đầu người Ba Tư.
“Dần dà bắt đầu nhìn thấy đám cọ lớn dần, rồi thấy rõ khoảnh rừng dừa nho nhỏ đầy khỉ. Cuối cùng cũng thấy vài đồng nội khá rộng, rời tàu đi tới trước những ngôi nhà kiểu Âu. Tàu Oxus bắn một phát đại bác và thả neo: đã đến nơi.” Xa xa, dãy nhà xưởng, kho lợp vải dầu chứa than và bông, những hàng thùng tônô. Bờ kè đông đặc đám xe kéo và xe thắng vào những con ngựa An Nam nhỏ bé. Đám lính tráng xếp thành các hàng đôi tiến về phía một doanh trại tạm thời trước khi đến được xứ Bắc Kỳ nằm mãi tận biên giới với Trung Quốc. Phía bên kia, những ông thầy tu và bà xơ đi trên đường Catinat dẫn thẳng từ Sông về khu Plateau (Chỉ vùng đất có địa hình cao hơn xung quanh ở khu vực từ phía sau nhà thờ Đức Bà đến dinh Thống Nhất hiện nay, ứng với trung tâm hành chính thời Pháp thuộc, nay ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và quảng trường Francis-Garnier (Công trường Lam Sơn hiện nay, trước cửa Nhà hát Thành Phố), nơi có hai tháp chuông mới của Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện mới do Gustave Eiffel thiết kế.
Xa xa, ngồi trên đống bao bố, trong túi toàn bộ bài và dao găm, tụi ma cô rình những ai dáng vẻ ngập ngừng, những kẻ không được ai đón tiếp, những bọn mới đến từ Marseille, như là rình lũ gà ngố để vặt lông trong các nhà thổ và tiệm thuốc phiện Chợ Lớn. Đi cùng các sĩ quan trên tàu, Yersin tới tham quan xưởng cơ khí Thủy quân (Nguyên văn: Arsenal, sau là xưởng đóng tàu Ba Son), ngồi ở hiên khách sạn Rex hay Majestic. Tối tối, các thương nhân vận comlê trắng nhấm nháp rượu vermouth và cassis. Thành phố Sài Gòn chưa đầy ba mươi tuổi. Nó có màu trắng và các tuyến phố đều rộng rãi, được bố trí theo lối Haussmann, tỏa bóng những hàng cây minh quyết. Tại trụ sở Hãng Đường biển, viên bác sĩ trẻ tuổi được cấp giấy tờ đóng đầy dấu nhà đoan hàng hải và cơ quan dịch tễ: bốn hôm nữa bác sĩ Yersin phải lên tàu Volga nhậm chức.
Anh được cắt cử vào tuyến Sài Gòn-Manila.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả