Truyện Hai Người epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 10
ối hôm ấy, ăn cơm xong, trong lúc các em chàng bật đèn lên để ra ngồi trông hàng. Hải rót một chén nước và đưa một cái tăm cho mẹ.
Đoạn, chàng chắp tay, lại gần mẹ, ngập ngừng nói một câu như thế này:
Thưa mẹ, con có một chuyện muốn thưa với mẹ.
Rồi quả quyết, can đảm, Hải không đợi mẹ hỏi, nói luôn về câu chuyện của chàng. Giọng chàng run lên, môi chàng mấp máy, tiếng nói của chàng nhỏ rồi sau to dần dần. Chàng có lúc tưởng rằng mẹ chàng sắp ngăn trở duyên chàng, chàng cần phải bênh vực hạnh phúc, chàng đã ba mươi mốt tuổi, chàng có quyền, chàng có tự do của chàng.
Bà cụ già nghe nói, im lặng. Mắt bà như ứa lệ, vì sung sướng cho con hay là lo sợ cho con gặp một người vợ không ra gì?
Thưa mẹ, con là con của mẹ, con không dại gì đâu mà mẹ sợ. Sở dĩ con chậm lấy vợ, đó chỉ tại vì con muốn kén chọn cho thực kỹ mà thôi. Đời bây giờ, con đã biết, phân biệt vàng thau khó lắm. Những người đáng làm dâu của mẹ thì ít có, chứ những đồ ăn hại thì nhiều. Bộ cánh tân thời thì chẳng còn ai bằng, nhưng đến công việc thường thức ở trong nhà như thổi nồi cơm cho chín, quét cái cửa nhà cho sạch thì thực cũng chẳng lấy gì làm nhiều cho lắm.Ấy, con ngần ngừ mãi về chỗ đó. Bây giờ, con mới dám nói với mẹ là bởi con đã xem xét nó kỹ lắm rồi, con không thể nhầm lẫn được…
Thế bố mẹ người ta làm gì, hở con?
Hải hơi ngần ngừ một lát:
Bố mẹ nó chết cả rồi, nó ở với dì ghẻ nó ở nhà quê. Bà dì ghẻ ấy ác nghiệt, nó không chịu được nên bỏ nhà ra tỉnh đã lâu nay rồi. Nó ở thuê một cái gác nhỏ và ngày ngày vẫn khâu áo trẻ con và ca vát để bán cho những hàng tạp hóa.
Hải lại nói dối mẹ. Chàng đành lòng về câu nói dối ấy lắm, nhưng mà người mẹ già kia, tuy thế, cũng thấy phân vân trong bụng.:
Mẹ sợ cho con lắm… Ngươi hay thì ít mà kẻ dở thì nhiều…
Hải tìm đủ lý lẻ để làm xiêu lòng mẹ. Chàng nói, cảm động và thiết tha đến nổi, chính bây giờ, chàng tưởng như Trâm ở bên cạnh, nghe những lời chàng nói và gật đầu khuyến khích. Đợi một chút nữa, Trâm ơi, mẹ trả lời một tiếng, chúng ta sẽ đường hoàng là một đôi vợ chồng. Trâm sẽ không phải chờ mong chồng ở căn gác hiu quạnh kia nữa, Trâm sẽ về cái nhà của chúng ta để ăn ở với nhau, và rồi Trâm sẽ là một người đàn bà được người ta kính nể như là mẹ bây giờ vậy.
Hải nói:
Thưa mẹ, vậy mẹ định đoạt cho con thế nào?
Những lời nói cảm động của đứa con mà bà cụ già sắp chết đó chắt chiu từ thuở bé không làm cho bà cụ dùng dằng được nữa. Bà cụ thương con và hy sinh suốt cả một đời rồi, bây giờ chẳng lẽ lại làm trở ngại một việc, mà lại là việc trăm năm của nó? Khó lắm, trời ạ!
Không để thư thả mà xem xét, ngộ nó lấy phải vợ dỡ thì khổ cả một đời nó, mà nếu mình kén chọn cho nó một đám theo ý mình thì đời bây giờ lại bảo là ép duyên.
Hải ơi, con nói thế thì mẹ biết thế. Mẹ nuôi con cho khôn lớn nên người, mẹ thương con như trời bể, con cũng nên để cho mẹ được ngậm cười nơi chín suối, không vì chuyện con mà nhắm mắt không yên. Vậy thì việc trăm năm của con, con nên nghĩ rất kỹ càng. Đời mẹ thì chẳng còn bao lâu nữa, nhưng mà đời con thì còn dài, còn hy vọng. Đã lâu, con ạ, mẹ đã thấy con đối với mẹ có nhiều khác xưa. Con bỏ cả cửa nhà, con đi đêm đi hôm, con chẳng hỏi gì đến các em con cả. Trong thâm tâm mẹ, mẹ cũng muốn cho con không phải sống lang chạ như thế mãi… nhưng… nhưng…
Thôi, cái việc vợ chồng cũng là việc trời cả. Cứ để xem sao đã. Chẳng biết vợ con ra thế nào? Tân thời hay cũ kỹ? Răng trắng hay răng đen? Nó rồi ra có làm cho sung sướng hay không, chẳng biết? Hôm nào con dắt nó về cho mẹ xem…
Hải thấy như được cởi mở tấm lòng, sau khi nghe những lời nói đắn đo và nhân đức của mẹ già. Sáng hôm sau, chàng đến sở, nhẹ nhàng như con sáo. Đi qua cái gác nhà Trâm ở, chàng thấy cửa sổ còn đóng nên chưa lên báo tin mừng. Chàng nghĩ: " Giờ đây, tất Trâm còn đương ngủ, mình chẳng nên làm phiền vội. Để đến trưa về, còn nhiều thì giờ, mình mới nói được hết cả đầu đuôi. Ba bốn giờ đồng hồ, mình hãm lại, đến lúc thuật lại thì lại càng thêm hứng thú”.
Cả buổi sáng hôm ấy, Hải ngồi không làm gì cả. Chỉ khi nào chủ đến, chàng mới giả cách cúi đầu tẩy, xóa, kẻ… còn thì chàng cứ ngồi thờ thẩn nhìn ra cửa sổ, và lần thứ nhất trong đời chàng, chàng thấy cái cửa sổ ấy bé quá mà không khí trong buồng giấy là thứ không khí nặng nề khó thở. Chàng chán cái sở chàng làm quá. Nhưng anh em nhìn lâu quá nhàm. Chàng chỉ có một bạn thân: Trâm. Chàng chỉ có một ý nghĩ: Hải ơi, chỉ dăm bữa nửa tháng, Trâm sẽ là vợ anh – một người vợ được tất cả mọi người công nhận, kể cả tào Đốc lý!
Chàng vừa nghĩ vừa đưa quản bút lên trên những trang giấy trắng. Chàng vẽ hình người đi lại, có hai chữ T.H. chằng vào nhau. Chàng ngoáy chữ ký cho đều để ngộ nay mai còn phải ký trên tờ giá thú. Chàng tính những người phải mời ăn và, không lấy gì làm nóng nảy quá, chàng đã tập thảo cái thiếp mời như sau này:
Thưa bác,
Thừa lệnh thân mẫu, định đến ngày… thì làm lễ thành hôn cho tôi với Mlle Phạm Thị Trâm, vậy đến ngày… xin mời bác lại tệ xá ở… xơi chén rượu nhạt mừng cho chúng tôi thì chúng tôi lấy làm cảm tạ vô cùng.
Nay kính
TRẦN VĂN HẢI
Chàng viết phác tấm thiếp và không quên chữ “xin miễn tái thính” như thường lệ.
Mười một giờ rưỡi tan sở, chàng gặp ai cũng cười và bắt tay. Chàng nói với một hai câu rồi nhảy xe đi thẳng về chỗ Trâm trọ, vừa đi vừa nghĩ:
“Phải biết. Cả bọn chúng nó rồi sẽ phải ngạc nhiên. Cho mà chế! Cho mà riễu! Rồi xem anh nào anh nấy có phải nhận cái nhân duyên Trâm – Hải là một việc rất tự nhiên không – và cho mà thèm rõ dãi, những quân đểu ạ!”
Đến nhà Trâm ở, kém mười lăm đầy mười hai giờ. Ông chủ nhà cũng vừa mới đi làm về. Hai vợ chồng người này sắp ngồi lên ăn cơm với cái lũ “trứng gà trứng vịt” thì Hải đẩy cửa vào, giơ cao mũ lên mà chào thật to:
Lạy ông bà ạ. Tôi có một tin nói để ông bà mừng cho: cụ tôi đã nhận lời cho nhà tôi được về hầu hạ! Tôi xin phép ông bà tôi lên gác.
Không đợi nghe những lời “mừng” của vợ chồng ông chủ nhà, Hải trèo ba bực thang một để lên gác. Chàng nôn nóng muốn gặp nàng biết bao! Chàng nóng muốn gặp nàng biết bao!
Năm phút… Bảy phút… Bỗng người ta nghe thấy đánh “sầm” một tiếng. Vợ chồng ông chủ ở dưới nhà đưa mắt nhìn nhau. Sau người vợ lên tiếng hỏi:
Ông Cả ơi! Ông đánh đổ tủ ở trên gác đấy à?
Không một tiếng thưa.
Ông chồng đoán già đoán hơn, hỏi tiếp theo:
Ông Cả ơi! Trần nhà sụt đấy à?
Vẫn không một tiếng thưa.
Ông Hải! Ông Hải!...
Thế là vợ chồng ông chủ bỏ cả cơm nước, chạy như bay lên gác.
Cái cảnh họ trông thấy dưới mắt là một cảnh bi hài kịch.
Hải, hãy còn nguyên cả mũ trên đầu, nằm thẳng cẳng như một cái xác chết trên sàn gác, cạnh giường của Trâm. Mắt chàng trợn lên như là để dọa nạt trời. Mồm chàng sùi bọt, tay chân thẳng dườn ra. Hải vừa bị ngã. Đầu chàng đập phải cái cạnh bàn, lọ hoa có những màu sắc đẹp hơn cả sơn ở chân tường đổ vỡ và bắn vung cả nước vào mũi và má Hải. Mấy cành hoa sen trắng cuối mùa tơi tả chung quanh đấy.
Nước đái quỷ! Gừng! Rượu! Nước giải! Cái khăn mặt bông rấp nước!
Mau lên, mau lên, không có thì khốn cả bây giờ.
Hai vợ chồng ông chủ tha hồ mà sợ…
Đến khi khênh được Hải lên giường, một mảnh giấy nhỏ rơi ra và người ta thấy “xoẳn củ tỏi” câu này:
Monseur Hải,
Tôi ở với anh chán bỏ mẹ ra rồi: tôi lấy quần áo của tôi, tôi đi Sè - goong với anh Phúc ở gác ngoài đây.
TRÂM
Truyện Hai Người Truyện Hai Người - Vũ Bằng Truyện Hai Người