Chương 11
hiêm, từ cửa guichet, rẽ đám đông tiến ra với một bộ mặt đỏ gay, láng bóng và đầy vẻ tự đắc:
- Mày phải biết: những hôm như hôm nay mà lấy được vé, thực không phải chuyện dễ. Đấy, mày trông, họ lấy vé có khác chi họ cướp cháo? Nhưng, dù sao mặc! Tao đã nhất định lấy là tao lấy. Nhiều khi, tao còn bỏ tiền ra mua độ mươi lăm tấm vé rồi bán lại bằng cái giá gấp đôi cho những thằng không chen được để lấy lãi là khác nữa.
Và Khiêm kết luận, như dạy tôi:
- Ở đời phải khôn thế chứ!...
Tôi thoáng có một ghê tởm. Tôi quay nhìn chỗ khác. Trai thanh gái lịch sao mà đông thế! Họ xô nhau vào cửa, y như một dòng nước lũ dồn vào miệng vực. Các ghế trong rạp dần dần kín hết. Nhìn đâu cũng chỉ lố nhố những đầu người. Sự đông đảo tạo nên cho ai nấy một náo nức không duyên cớ nhưng không thể thiếu được, một khi nó đã thành thói quen. Ấy chắc hẳn là cái nguyên nhân nó cho ta có thể hiểu tại sao trong các rạp ciné, các rạp hát vẫn thường sẵn một bọn khách hàng không chịu bỏ sót một phim hay một tích mới bao giờ. Họ dắt díu nhau, họ chưng diện rất sang, họ hả hê vui sướng, làm như tất cả khoái lạc nhân sinh chờ họ ở các nơi huyên náo này.
Khiêm, chừng đã hưởng hết cái đắc ý về sự tranh nổi vé, bắt đầu nói chuyện với tôi:
- Xem cái phim hôm nay, mày sẽ càng thấy lời tao đã giảng cho mày nghe là đúng. Cốt truyện phim, lấy ở một cuốn tiểu thuyết Mỹ, tả một người đàn bà vì yêu mà hy sinh cho người tình, nhưng cái thằng cha Do Thái mà người đàn bà ấy yêu chỉ là một thằng maboul! Hay lắm. Cảm động lắm. Thực là lột hết được nhân tình thế sự. Tao đã đọc bản dịch Pháp văn cuốn tiểu thuyết ấy. Và tao cho rằng cần phải đưa mày đi xem để mày mở mắt ra. Chính tao đây lăn lóc với đời từ khi còn bé, không thiếu một món gì để chơi với thiên hạ, mà lắm lúc tao còn tự thấy tao như một tên lính tay không phải vào trận. Huống hồ là một thằng vớ vẩn như mày... Ông cho cứ gọi là chết đầu nước sớm, con ạ!
Lòng hiếu thắng dại dột của tôi chồm dậy. Tôi nóng ran cả thân thể. Tôi muốn gào ngay vào giữa mặt Khiêm rằng nó hãy chờ đấy rồi nó sẽ xem tôi. Nhưng, âm nhạc đã bắt đầu nổi. Khiêm đã quên tôi, hắn gõ nhịp chân và khe khẽ hát theo bài hát của máy truyền thanh...
Tôi không nghĩ ngợi gì nữa, hay nói đúng hơn, tôi chỉ có độc một ý tưởng: sẽ làm cho Khiêm biết tay tôi! Máu trong người tôi sôi nổi. Tôi mơ màng một cơ hội phi thường xảy ra ngay tức khắc để tôi làm một việc kinh thiên động địa, đến nỗi chính Khiêm phải cúi rạp trước mặt tôi, không dám giở giọng đàn anh nữa. Sự mơ ước của tôi rất mơ hồ, và tôi, tôi thực chưa rõ, nếu cơ hội thình lình xảy đến, tôi sẽ làm nổi được trò trống gì khiến bạn tôi phải thán phục.
... Giờ entr'acte, đèn vừa bật sáng và tôi đương hoa cả mắt, Khiêm đã quay lại:
- Tuyệt quá, mày nhỉ?
Tôi đáp bứa:
- Tuyệt thực!
Câu đáp của tôi tựa hồ chưa đủ cho sự náo nức của Khiêm, nó trông ngang trông ngửa khắp trong rạp có lẽ để tìm một mối đồng cảm nào khác. Bỗng nó véo mạnh đùi tôi và nói qua hơi thở:
- Regarde!
Tôi ngoảnh lại: một cái đầu thiếu nữ đẹp như tôi chưa từng thấy. Nàng có vẻ xúc động mơ màng, ánh điện ngay trên chỗ nàng ngồi dội lênh láng xuống tóc, xuống mặt, xuống vai nàng, làm cho một nửa người thiếu nữ như hiện giữa một đám hào quang huyền ảo. Gương mặt thiếu nữ càng nom càng yêu kiều, thanh quý. Vầng trán và hai thái dương nàng trắng mịn như màu hoa đại. Cặp mày của nàng cong mà không phải là vẽ. Sự trinh bạch hiện ra trên đôi gò má phớt hồng, và trên những nét lọc lõi của dung nhan nàng. Quần áo nàng mặc giản dị và sạch sẽ, không tỏ ra sự giàu có hay sự nghèo túng. Tôi bất giác cho nàng là một vị Ngọc nữ, bị đày xuống giữa loài người, đương tưởng nhớ quê tiên. Một cảm giác chưa từng biết, một mối tình trong suốt mà tràn ngập sôi nổi tràn ngập vào lòng tôi, làm dịu cả mọi vết thương còn rớm máu.
Tôi chưa yêu. Giáp mặt các cô thiếu nữ, tôi chưa hề thấy cảm động gì hết. Nếu họ đẹp và tôi đã khen ngợi sắc đẹp của họ, lời khen ấy chẳng qua chỉ là một lời khen thường, như khi tôi đứng trước một bông hoa, một bức họa. Vậy mà, không hiểu sao lúc này, tôi bỗng thấy lòng tôi sôi nổi dữ quá! Có lẽ nó đương cần rung động cho một cái gì khác, sau khi người ta đã làm chết sự tin tưởng, và dội nước lên sự bồng bột của nó đối với hướng đạo?
Tôi rỉ tai Khiêm:
- Sao có người đẹp thế!
- Ồ, Dung Hàng Điếu thì còn phải ngôn gì nữa!... Nhưng này, anh đừng có mà cảm nặng thì chỉ khổ thân vô ích, nghe không?
- Tại sao?
- Tại bà mẫu cô ả khó chơi lắm: chỉ kén rể đốc tờ hay ít ra là sinh viên trường thuốc thôi. Cái ngữ trường tư chúng mình thì đừng có mà cóc vái trời!...
Tôi kiêu ngạo:
- Hãy để xem!
- Thôi, van ông... Đã đành ông có một bộ mặt khơ khớ đấy, nhưng chẳng nước mẹ gì đâu!
- Mày không tin ở tao, đấy là quyền mày. Tao chỉ cầu mày có một điều là cho tao biết số nhà Dung.
- Số nhà 29.
- Cảm ơn.
Tôi nói cảm ơn với cái giọng của một người đã bỏ vào túi cái vật mình mong ước.
Khiêm mỉm cười:
- Bao nhiêu thằng, lúc thoạt thấy Dung, cũng đã hăm hở tự tin như mày, vậy mà rồi sau đều bị gãy tuốt...
- Chúng nó khác, tao khác!...
- Cứng đấy! Tao vui lòng chờ sự thành công của mày... Riêng phần tao thì tao đành là chịu thua rồi, nhất là bây giờ ông via nhà tao lại bắt tao phải vào học làm một anh khán hộ khổ... Phụ truyền tử kế mà lại!...
- Mày sắp trở nên élève-infirmier thật à?
- Thật. Tao vừa thôi học sáng ngày, chúng mày chắc không đứa nào đoán tại sao...
- Tao không để ý nên không biết rằng sáng nay mày vắng mặt ở lớp...
Tiếng máy quay phim lại bắt đầu lên tiếng. Ánh điện tắt. Ai nấy chăm chú nhìn lên écran. Tôi không xem. Tất cả tinh thần của tôi đã bị thu hút về phía sau. Đời tôi, trong lúc này, chỉ có độc một mục đích, một hạnh phúc: trở thành người yêu của Dung:
- Thằng Khiêm chỉ được cái nghề trộ hão, toan làm nhụt nhuệ khí của ta. Nó quên rằng, ngoài bà cụ mẹ Dung, còn có Dung nữa chứ. Hễ Dung yêu là được!
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân