Tố Tâm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Hai Cuốn Sách, Hai Thời Đại​
ọi người đều nhất trí rằng văn chương là biểu hiện của xã hội. Không có gì cần nhận định lại điều đó, nhất là khi vận dụng vào những cuốn sách như Tố Tâm của ông Hoàng Ngọc Phách và Nửa Chừng xuân của ông Khái Hưng.
Hiện nay, Tố Tâm đang chịu một sự giảm giá không đáng có. Ta hãy nhớ lại nó đã được hoan nghênh như thế nào và một thời gian dài nó đã dấy lên một trào lưu hâm mộ trong công chúng. Muốn hiểu được lòng say mê và trào lưu hâm mộ ấy, ta phải hình dung được hình ảnh của xã hội ta lúc đó, khi Tố Tâm xuất hiện lần đầu tiên. Một trong những điểm nổi bật của thời đại ấy, theo tôi hiểu, là lòng mến mộ tiểu thuyết vô bờ bến. Xưa kia, ông cha ta học tập rất nhiều, nhưng đọc truyện rất ít. Ngoài những cuốn sách kinh điển - những ông thầy nghiêm khắc hơn là những người bạn dễ thương - các cụ chỉ có một số truyện thơ hiếm hoi để tiêu khiển lúc tâm thần mệt mỏi. Những tiến bộ của ngành in, ngoài các hiệu quả khác, đã sản xuất ra vô vàn tiểu thuyết: tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết kiếm hiệp, nhất là tiểu thuyết tình, và tiểu thuyết bi tình. Đặc biệt những loại tiểu thuyết nói sau có khả năng làm cho người đọc thích thú; nó thu hút sự chú ý của mọi người và chiếm được sự tán thưởng rộng rãi. Người ta thích tiểu thuyết tình do phản ứng lại truyền thống cho tình yêu là một tội lỗi. Người ta thích tiểu thuyết bi tình với cái giọng u buồn của nó vì nó đáp ứng được nhu cầu của thời đại là đa sầu, đa cám. Sự xung đột tàn bạo giữa Đông và Tây đã có nhiều âm vang đau buồn trong trí óc và để lại một chuỗi sầu bi - một dư vị chua chát, một cảm giác vỡ mộng. Theo cái "mốt" thời bấy giờ thì thức thời nhất là thái độ yếm thế nghĩa là nhìn đời toàn đen tối và sụt sùi rơi lệ bất cứ lúc nào. Than ôi sự vật biến đổi! Than ôi con người là hư vô! Hoan hô tử thần, vị thiên thần giải thoát con người! Đó là giọng điệu quen thuộc của những "con nhà gia giáo". Có thế nói, nếu bạn muốn, đó là lãng mạn. Cái trạng thái tinh thần đó có khá nhiều tính chất đua đòi và chí là một hình thái tế nhị của sự lười biếng được nuôi dưỡng trong sự sung túc do nền kinh tế hưng thịnh của đất nước. Cuộc sống đúng là có bớt quay cuồng, bớt thúc bách, sự lo lắng cho tương lai bớt gay cấn và người ta còn có thì giờ để tự ru mình bằng những đau đớn trong ý nghĩ và những thổn thức trong giấc mơ.
Tố Tâm thể hiện và vuốt ve những khát vọng của thời đại. Nhân vật mang lại tên cho cuốn tiểu thuyết thì lãng mạn vô cùng. Nàng lãng mạn trước hết về hình thức với nước da xanh quý phái, vóc người mảnh dẻ, thanh tú, cặp mắt mơ màng lúc nào cũng như theo đuổi một giấc mộng thầm kín. Nàng còn lãng mạn do sự giáo dục và nếp suy nghĩ. Tuổi thơ, nàng sống trực tiếp với thiên nhiên; chạy chơi trong rừng và trên đồi, quên mình khi ngắm những cánh chim bay lượn trên không hay những đám mây bồng bềnh trên trời xanh, ôm ấp một sự ưu ái kỳ kạ đối với những thứ gì tan vỡ và tàn tạ, thưởng thức một cách thích thú những khoái cảm chua chát khi mặt trời lặn và khi màn đêm buông xuống.
Nàng say mê thơ ca, nhất là thơ ca sầu não. Chính nàng cũng là thi sĩ và làm những vần thơ đa sầu đa cám. Cái đó để làm gì? Một sự đa cảm quá mức; lúc nào cũng muốn cường điệu những cảm giác, những tình cảm nhỏ nhoi, một nhu cầu bức thiết vượt ra ngoài thực tế để đắm mình trong mơ mộng. Các cô thiếu nữ mơ mộng những gì? Chẳng cần phải là phù thủy mới đoán ra điều đó.
Sự tình cờ đã đặt trên đường đi của nhân vật một sinh viên Trường Cao đẳng Đông Dương - ôi nguy hiểm (sinh viên Trường Cao đẳng lúc ấy rất hợp "mốt" và đã làm cho tất cả các cô thiếu nữ con nhà gia giáo mơ ước); chàng đa tình, ôi nghiêm trọng; chàng là thi sĩ nữa, ôi tai họa! Họ yêu nhau. Ở đây cuốn tiểu thuyết tưởng chừng sẽ trở nên khô khan vô vị và sẽ kết thúc bằng một công thức nhạt nhẽo, chán ngấy đến tận cổ là "họ cưới nhau và có nhiều con cái". Không, họ không cưới nhau, chàng vì đã đính hôn với một người khác, nàng vì quá cao thượng để có thể hạ mình làm rối loạn hạnh phúc của một “người vô tội". Cuối cùng, bị mẹ thôi thúc, nàng lấy một người mà nàng không yêu. Nhưng không sao quên được mối tình đầu, nàng héo hon vì luyến tiếc và qua đời sau đó ít lâu. Chàng thất vọng, mãi sau mới có thể hàn gắn được trái tim tan nát.
Tố Tâm là câu chuyện muôn thuở của một người yêu chết vì tình yêu, một biến dạng nữa của chú đề Graziella [1], Văn Lan [2], Tuyết hồng lệ sử [3]. Cái độc đáo của ông Hoàng Ngọc Phách là quan niệm của ông về tình yêu và cách diễn tả tình yêu của ông.
Trước ông, tình yêu chỉ có thể có được do hôn nhân và trong hôn nhân. Tình yêu ngoài hôn nhân bị khiển trách nghiêm khắc và được coi như là mầm mống của sự hỗn loạn, một loại siêu vi khuẩn của sự tan rã. Do vậy các nhà văn thường giữ gìn không nói đến điều đó trong tác phấm của mình, hoặc nếu có tình cờ nói đến thì cũng rất dè dặt và luôn kết cấu hợp với đạo lý. Một người đàn bà có chồng mà yêu người khác thì chỉ có than thở và lại còn một cách rất kín đáo:
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
và chỉ dừng lại ở đó. Đi quá giới hạn là có tội. Hơn nữa, vượt lên tất cả, nếu cá nhân nàng có ý đồ phản kháng nàng vẫn cứ tiếp tục làm tròn nhiệm vụ người vợ, rồi cuối cùng nàng cũng đi đến bến bờ thanh thản của sự kiên nhẫn chịu đựng. Điều đó làm cho ta nghĩ đến Cresta của Aristote.
Ông Hoàng Ngọc Phách cắt đứt thẳng thừng với cổ truyền, chưa đưa chủ nghĩa duy tân đến mức nâng ái tình như một đức hạnh, đánh giá nó như một nghĩa vụ, coi nó là lương tri, đem nó thay thế cho đạo lý. Ông đã dám - một táo bạo phi thường thời bấy giờ - ông đã dám dành cho ái tình một sự tiếp nhận rộng rãi trong tác phẩm của ông. Ông đã rọi một luồng ánh sáng chói lọi lên thứ tình cảm đó mà bề ngoài tưởng như giản dị, nhưng đi sâu vào lại rất phức tạp. Ông đã theo dõi nó trong các giai đoạn, nghiên cứu nó trong từng chi tiết và phơi bày tất cả sự phát triển của nó, và để đáp lại tất cả những lý lẽ bài bác trực tiếp hoặc gián tiếp của các nhà luân lý học, ông cũng tự hóa trang thành nhà luân lý học bằng cách trong lời tựa, chứng minh rằng ông chỉ tả sự đam mê đó để ngăn chặn chúng ta đừng mắc phải. Trên thực tế, ông chỉ muốn viết một cuốn sách hấp dẫn, không có gì khác. Có thế gọi đó là một tội lỗi ư? Chắc là không. Đạo đức của một tác phẩm phụ thuộc vào người đọc: chả lẽ lại phải nhắc một sự thật quá bình thường đó ư?
Mặt khác Tố Tâm là một cuốn tiểu thuyết về tình cảm. Tác giả đa cảm trước hết chỉ muốn cho chúng ta rung động, xúc cảm. Một khi điều đó đã đạt được, chúng ta cũng chẳng còn đòi hỏi gì hơn nữa. Tố Tâm chắc chắn là một trong những cuốn sách làm cho chúng ta say mê và cảm động. Hãy đọc lại nó đi: sự chân thật và thơ mộng là điều được thể hiện trên tất cả các trang sách, các dòng chữ. Tất cả như xuất phát từ đáy lòng và tuôn ra tràn trề như sóng vỗ. Tác giả cho ta cảm giác như đã sống trong tiểu thuyết của mình do đó mà truyền cho chúng ta một cảm xúc mãnh liệt. Và nghệ thuật biết bao, điêu luyện biết bao khi ông tả các phong cảnh: cánh đồng dưới ánh trăng, bãi biển Đồ Sơn dưới hoàng hôn mùa hạ, cuộc dạo mát ban đêm của cặp tình nhân trên bãi biển giữa không gian vô tận của trời và của biển. Thử tưởng tượng xem có cái gì giản dị hơn đồng thời duyên dáng hơn? Thêm vào đó là những câu văn du dương, cách vuốt ve thanh khiết đối với những đôi tai gợi cảm những ước mơ vô tận, nó thánh thót trong chúng ta, lâu dài và thích thú, nó gieo rắc những âm vang dần dần mới tắt.
Loại văn chương đa cảm, mà tiêu biểu chói lọi là tiểu thuyết Tố Tâm, sau đó ít được ưa chuộng. Cũng như mọi trường phái văn chương khác, nó trở thành hình thức, thành khuôn sáo đối với những người bắt chước thiếu bản sắc, bất tài, không có giá trị gì. Công bằng mà nói, họ cũng hết sức cố gắng bắt chước cách làm của các bậc thầy: chỉ là uổng công vô ích trong lĩnh vực mà tài năng là tất cả, sự cần mẫn chẳng là gì hoặc có giá trị không đáng kể. Họ chỉ sản sinh ra được những cuốn sách nhạt nhẽo, trong đó những tỏ tình nồng nhiệt bay hơi thành lời nói, và trong đó nổi lên sự coi thường hoàn toàn thực tế. Loại sách này cuối cùng làm cho công chúng chán ngấy. Người ta chỉ tìm đến chúng một cách thận trọng, dè dặt. Sự nghi ngại và rẻ rúng ấy bao trùm lên chúng và lan sang cả những kiệt tác đã có sự không may thuộc cùng thể loại văn chương với chúng.
Vì vậy, sau đó Tố Tâm chỉ được đón nhận một cách vừa phải, không phải tại nó mà chính tại những tiểu thuyết viết rập khuôn theo kiểu của nó!
Cũng do tư tưởng của thế hệ mới ít thiên về tính đa sầu, đa cảm. Cuộc "đấu tranh để kiếm sống" càng ngày càng ác liệt kích thích trong chúng ta những tình cảm mạnh mẽ nó uốn tư tưởng chúng ta theo những lo toan thiết thực hơn.
... Nửa chừng xuân có lợi thế hơn Tố Tâm là sự quyến rũ tất thắng của cái mới. Điều đó không thể nói là nó hay hơn Tố Tâm. Sẽ liều lĩnh khi chúng ta khẳng định điều này trong lĩnh vực mà người ta không thể áp đặt thứ chân lý giáo điều, duy ý chí. Đơn giản là hai cuốn tiểu thuyết ấy khác nhau và mỗi cuốn có cái đẹp riêng của nó. Chỉ có một khoảng lùi về thời gian mới cho phép đánh giá đúng giá trị của chúng. Hậu thế, theo tôi nghĩ sẽ đặt hai cuốn sách ấy bên cạnh nhau và cả hai đều làm giàu thêm di sản văn chương, cái di sản quá nghèo nàn của đất nước An Nam này.
Báo An Nam mới (L’Annam nouveau)
tháng Hai 1935.
Hoàng Thị Thục dịch.
Hoàng Nguyên Cát,
Hoàng Đình Tuất hiệu đính.​
_____
[1] Graziella: Nhân vật nữ trong cuốn tiểu thuyết cùng tên (1852) của nhà thơ Pháp Lamartine.
[2] Văn Lan: chưa rõ.
[3] Tuyết hồng lệ sử: tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc Từ Trẩm Á, được M.K. dịch đãng trên Nam phong tạp chí trong 2 năm 1923 -1924.
Tố Tâm Tố Tâm - Song An Hoàng Ngọc Phách Tố Tâm