Chương 11 -
hanh bồn chồn ngồi sát cửa kính xe, cô muốn tạo một khoảng cách với Việt dù khoảng cách ấy không dài hơn một sải tay và chẳng an toan tí nào.
Tới nhà, Khanh bước xuống với đôi chân mỏi mệt vì đôi giày cao, cô có cảm giác mình đi không vững trên khuôn viên trải đầy sỏi.
Thay vì vào thẳng trong phòng, Khanh lại ngồi xuống ghế đá cạnh dãy hành lang thân quen. Mùi hương của những loài hoa nở về đêm, thoảng trong sương mát rượi làm cô hết sức dễ chịu.
Khanh nũng nịu khi Việt ngồi xuống kế bên:
- Mỏi chân quá hà.
Anh mau mắn:
- Để anh xoa cho.
Lý trí cô phản đối, nhưng không hiểu sao miệng cô không thốt nên lời. Khanh im lặng để mặc Việt nâng chân mình lên tháo từng chiếc giày vứt chúng lên cỏ ướt sương và nhẹ nhè bóp từng ngón chân cô.
Cô nghe giọng Việt hì thầm:
- Đỡ mỏi chưa?
Và giọng mình thật lạ:
- Đỡ... rồi.
Việt cười:
- Đúng là nhất vợ nhì trời.
Khanh phụng phịu rụt chân lại. Cô còn chưa biết nói sao đã thấy mình lọt thỏm trong vòng tay Việt. Anh dịu dàng nâng cầm cô lên, mắt sáng rực nỗi ham muốn. Ánh mắt cháy bỏng của Việt khiến người Khanh mụ mẫm, cô ấp úng khi thấy anh cúi xuống:
- Đừng... mà.
So với buổi tôi tân hôn, tối nay phản ứng của Khanh quá yếu, yếu đến mức dường như Việt chẳng cảm nhận được điều đó. Anh chỉ thấy Khanh run rẩy trong tay mình, mắt bối rối nhìn anh rồi nhẹ nhàng hờ khép nửa trốn tránh, nửa đợi chờ, nửa khép nép, nửa gọi mời. Không dằn lòng được, Việt đặt môi mình lên môi cô và không... bị nhận sự chống cự nào. Khanh tự buông thả theo cảm giác. Đang lúc cô đắm đuối hôn trả anh thì Việt đẩy nhẹ cô ra.
Anh ngồi thẳng người lên, giọng khô khan:
- Xin lỗi. Anh có quá chén nên không làm chủ được mình. Đừng trách anh nhé.
Rồi bỏ mặc Khanh hụt hẩng ngồi trên ghế đá,Việt hấp tấp về phòng.
Khanh ngỡ ngàng nhìn theo. Hơi thở anh còn vương trên môi cô nồng nàn, da diết đến mức Khanh muốn được anh hôn nữa. Vậy mà Việt lại đổ lỗi cho rượu. Chắc cô cũng vì rượu mới dễ dãi thế này. Việt tự trách anh hay muốn ám chỉ Khanh đây?
Bỗng dưng Khanh giận mình ghê gớm. Rõ ràng cô không say, rõ ràng mới cách đây chừng một tiếng đồng hồ,cô còn đớn đau khi nghe nhắc đến Hiển, sao bây giờ cô lại..lại...
Ôi chào! Khanh ơi! Mày thật đáng trách, đáng làm trò cười cho một gã lõi đời như Việt. Rõ ràng anh ta nắm được.. một giây xao xuyến của mày, nên mới làm thế cho bõ ghét.
Người rũ xuống như cành hoa heó, Khanh muốn khóc, nhưng khóc không được. Cô loạng choạng bước những bước chân trần về phòng và ước gì mình say đến mức quên trời quên đất.
Vứt điếu thuốc hút dở dang xuống nước, Việt chống tay nhìn những đám lục bình bềnh bồng trên sông. Đã một tuần này, anh theo tàu trôi nổi khắp sông nước miền Tây, sống theo kiểu dân thương hồ rày đây mai đó, kiểu sông này, Việt đã từng sống, nhưng đã lâu rôi, ở cái thời khó khăn khi mẹ bỏ cha con anh đi với người đàn ông khác. Kể từ ngày đó anh xem như mẹ đã chết, ngay với Khanh, Việt cũng không muốn cho cô biết mẹ anh vẫn hiện diện trên đời. Chuyện của bà là vết nhơ không xoá được và Việt không muốn vết nhơ ấy loang rộng ra nữa.
Dạo này bà hay điện thoại về tìm Việt. Dứt khoát anh không nghe và yêu cầu cả dì Năm cũng thế. Việt hiểu anh độc đóan khi đưa yêu cầu đó với dì Năm. Dù sao, hai người cũng từng có mối quan hệ tốt đẹp trước kia, anh không nên vì oán mẹ mà lôi cả dì ấy vào cuộc. Dầu dì Năm giấu, anh vẫn biết bà và mẹ mình vẫn chuyện trò qua lại bằng điện thoại. Có chuyện nào của Việt mà mẹ không nắm đâu.
Bất giác Việt nhếch môi chua chát. Đức tính đáng ghét nhất của phụ nữ là không chung thủy. Mẹ anh đã đánh mất điểm này, bà không chịu đựng thương nhớ khi chồng sa cơ thất thế nên đành đoạn bỏ con lại đi theo người đàn ông giàu có hơn. Bà đã khiến Việt gục đầu trong mặc cảm suốt thời niên thiếu. Bây giờ bà điện thoại cho anh làm gì? Có phải càng về già, người ta càng ăn năn những tội lỗi đã phạm không? Mẹ anh đang hối hận đó sao? Tất cả đã muộn rồi và anh sẽ không tha thứ khi nhớ lại những nhọc nhằn đã trải qua...
Giọng người tài công lẫn tiếng gió:
- Vào trong lai rai vài ba xi cậu Việt ơi. Đứng ngoài đó chi cho nắng.
Việt ngần ngừ một chút rồi ngồi xuống chiếu trải dưới mui tàu. Nhìn cá, tôm bay ê hề cạnh can rượu trắng đầy nhóc nhách, Việt lắc đầu ngao ngán.
Từ buổi tối ấy đến nah, anh không đụng vào giọt rượu nào, dầu trên tàu vẫn thường có người... lai rai.
Bỗng dưng Việt nhớ Khanh cồn cào, giờ này cô đang làm gì? Đi chơi với bạn bè hay đang ôm vở ngồi ngoài hành lang?
Chỗ hành lang ấy, Việt đã mua thêm nhiều chậu hoa, nào là trầm bạch hương, thạch thảo, hoàng hậu... Anh muốn Khanh được ướp trong hương hoa. Anh muốn... Lòng Việt lại âm ỉ ghen tuông. Anh khổ sở khi nhắc tới hai tiếng “ thủy chung”.
Trước đây, Khanh dửng dưng, lạnh lùng với Việt vì cô chung thuỷ với Hiển. Lúc đó, anh luôn đau khổ, ganh tỵ với thằng nhóc mình chưa hề biết mặt. Trong thâm tâm, anh nghĩ đủ mọi cách để chinh phục Khanh, để cô quên mối tình đầu thơ mộng ấy đi. Dường như anh đã đạt mục đích rồi mà. Việt cầm ly rượu lên uống cạn. Hừ! Anh thật điên khi nghĩ như vậy.
Tối đó, nếu không vì rượu, dễ gì Khanh nằm trong tay anh. Nụ hôn của anh xuất phát từ tình yêu thật sự. Còn với Khanh thì sao? Có phải vì lửa gần rơm không? Đang hứng phấn bởi rượu, Khanh đã đáp ứng lại anh. Đó không phải là tình yêu mà chỉ là bản năng.
Chính vì thế, nên đang hạnh phúc, Việt bỗng choàng tỉnh và bỏ mặc Khanh ngồi lại một mình. Thái độ của anh hẳn đã xúc phạm tới Khanh rất nhiều. Anh có thể kiềm chế để tiếp tục hôn, thậm chí vuốt ve và tiến xa hơn nữa mà chắc Khanh sẽ đáp ứng, nhưng Việt đã dừng lại. Anh muốn có được cô một cách lãng mạn hơn, thi vi hơn kìa.
Rượu trong can cạn dần, đám thanh niên trên tàu hè nhau hát hò. Bài vọng cổ não nuột ngân nga nghe buồn đứt ruột. Việt buông ly ra đứng trước mũi tàu.
Chừng một tiếng nữa sẽ tới SG. Đây là lần đầu tiên Việt xa nhà sau khi đám cưới. Khanh dang thế nào nhỉ? Cô thấy được tự do thoải mái hay đang âm i nhớ anh?
Chắc cô chẳng thèm nhớ Việt đâu. Trái tim cô vẫn còn của Hiển, Khanh đã dành hết nỗi nhớ cho cậu ta rồi. Nhiều lúc Việt thắc mắc không hiểu hai người còn liên lạc với nhau không. Điện thoại sẵn ở nhà và cả khắp nơi, muốn gọi cho nhau lúc nào chả được. Chuyện riêng tư ấy Việt đâu thể kiểm soát nổi. Bởi vậy, đã chọn Khanh, anh đành ngầm bồ hòn làm ngọt.
Tàu cập bến, Việt quơ vội hành lý, dặn dò tài công đôi ba câu rồi gọi xe ôm về nhà.
Người mở cửa cho anh là dì Năm. Việt máy móc hỏi:
- Ở nhà vẫn bình thường chứ dì Năm?
- Vâng.
Việt ngập ngừng:
- Khanh thế nào?
Bà Năm nói một hơi:
- Ngày đi học, tối vào nhà thương cả tuần nay nên hơi ốm vì thiếu ngủ.
- Cô bé không đi chơi sao?
- Chắc là không. Đã vậy, lại trầm tư ít nói. Có lẽ Khanh nhớ cậu.
Việt bật cười:
- Hy vọng là thế. Để tôi sang bên ấy đón Khanh về.
Bà Năm bảo:
- Chiều nay, Khanh ở nhà đang học bài ngoài hiên ấy.
- Thế à?
Vừa nói, Việt vừa ba chân bốn cẳng bước ra ngoài. Anh nhớ cô quá và chẳng là sao dấu được lòng mình.
Nghe tiếng chân vội vã của Việt, Khanh ngẩng đầu lên nhìn. Cô đón nhận ánh mắt, nụ cười và cả anh bằng tất cả bối rối, hồi hộp mà không biết tại sao.
Giọng Việt xót xa:
- Em ốm thấy rõ. Sao lại thế? Từ giờ trở đi, anh sẽ vào bệnh viện thay cho em.
Khanh chớp mắt:
- Anh cũng ốm, không những ốm mà còn đen nữa.
- Ở ngoài sóng, gió đương nhiên phải đen và khét nắng rồi.
Việt buông mình xuống, anh tựa vào cột đá mài mát rượi và tha hồ ngắm Khanh:
- Mới xa nhà một tuần mà cứ tưởng như mấy tháng. Nhớ nhà ơi là nhớ.
Khanh khít mũi:
- Cái nhà mà có mắt chắc nó đang rơi lệ vì cảm động.
Việt tủm tỉm cười. Hai người bỗng im lặng. Sau buổi tối đó, giữa anh và Khanh đã có một khoảng trống, dầu không nói ra, nhưng ai cùng dè dặt đối với nhau. Một tuần xa cách đâu dễ xoá khoảng trống ấy, trái lại, Việt càng thấy khó mở lời hơn.
Người nối lại cậu chuyên là Khanh, cô lơ lửng:
- Đi xa những một tuần, không có gì để kể hết sao?
Việt nói:
- Anh đi vì công việc, gặp toàn cái bực bội, kể sợ em chán.
Khanh chu môi:
- Thì anh lưạ chuyện không chán ấy.
Việt vòi vĩnh:
- Anh đang khát khô cả cổ đây.
Liếc anh một cái, Khanh đứng dậy vào nhà bếp. Chưa biết cô sẽ cho mình uống gì, nhưng Việt đã mát ruột. Anh lim dim mắt chờ Khanh.
Cô trở ra với một ly cam vắt vàng óng và một cái khăn ướt trắng tinh. Không nói lời nào, Khanh đưa cho Việt.
Anh vùi mặt vào khăn mặt thơm mùi hương cỏ. Đây là lần đầu tiên Khanh chăm sóc Việt, bởi vậy anh cứ muốn kéo dài phút giây hạnh phúc này ra mãi. Uống một ngụm nước cam, Việt âu yếm nhìn Khanh, trong lúc cô vờ ngó lơ chỗ khác.
Việt nói:
- Kiểm tra phương tiện chuyện cho của công ty mình làm chứ là chuyện thường xuyên phải có, nhưng giám đốc không cần phải đích thân mà thường giao cho nhân viên coi.
Khanh gặn:
- Vậy sao anh lại đi?
Việt âm ự:
- Anh thấy thỉnh thoảng nên thay đổi môi trường. Hơn nữa, lênh đênh trên sông rạch là nỗi đam mê một thời của anh. Trước đây, anh vẫn thường đi vắng. Sau này, công việc nhiều quá, anh đành ở nhà.
Khanh ngập ngừng:
- Nghe dì Năm kể, hồi nhỏ anh cực lắm phải không?
Việt nhìn trời:
- Lúc làm ăn thất bại, anh và ba khốn khổ vô cùng. Rồi cũng phải cố gắng qua ngày, dần dần gầy dựng lại cơ ngơi và tồn tại tới bây giờ. Suốt đời, anh không thể nào quên khoảng đời gian nan, cực nhọc ấy.
Việt im lặng, một lát sau, anh nói tiếp:
- Chính những ngày tháng đó đã giúp anh nên người.
Khanh gật gù như bà cụ non:
- Người ta luôn trưởng thành trong gian khổ mà. Tình yêu cũng thế.
Việt tấm tắc:
- Xa em mới một tuần đã thấy khác. Có tiến bộ đấy.
Khanh lơ lửng:
- Về mặt nào cơ chứ?
- Ít ra cùng biết chăm sóc chồng.
Mặt Khanh thoáng đỏ:
- Hổng dám đâu.
- Sao lại không chớ? Người ta luôn thay đổi để tốt hơn, dễ yêu hơn. Lẽ nào em lại khác?
Khanh cắn môi. Suốt tuần này, đêm nào cô cũng trằn trọc nhớ Việt. Tối ở bệnh viện, Khanh càng thấm thiá những gì anh đã làm cho gia đình mình. Khanh xốn xang khi liên tưởng đến chuyện “ Lỡ quá chén” của hai người. Dầu cố chối bỏ, Khanh vẫn không thể dối lòng rằng cô ghét anh. Trái lại, thời gian gần đây, Việt chính là trung tâm điểm mọi chú ý của Khanh. Cô thắt thỏm lo âu, giận dỗi, buồn phiền khi Việt đi và không điện về. Nhất định cô sẽ không thèm hở môi, cô sẽ làm mặt.. ngầu cho anh biết thân. Thế nhưng vừa thây Việt, mọi toan tính của cô dường như tan biến. Cô như bị cuốn bởi ánh mắt nồng cháy, bởi nụ cười đa tình và bởi vẻ phong trần, sương gió anh mang từ xa về. Chỉ một tuần không gặp thôi mà Việt như khác hẳn. Gió nắng đã biến anh thành người lạ. Trong chiếc quần jean bạc phếch, cái áo sơmi phạch ngực, Việt trông.. hay hay và Khanh cứ thích thú khi thỉnh thoảng lại len lén nhìn vẻ bụi đời của anh.
Hiển vốn đẹp trai, vẻ đẹp hào hoa của Hiển lại không thể sánh với nét khoẻ mạnh từng trải của Việt. Gương mặt anh thiên về nội tâm nhiều hơn, bởi vậy càng gần Việt, Khanh càng thấy lòng mình chao đảo.
Nói thầm với bản thân thế thôi, chớ Việt còn lâu mới chinh phục được trái tim kiêu hãnh của Khanh.
Giọng bà Năm vang lên ngắt ngang suy nghĩ của cô:
- Có điện thoại gọi Khanh.
Cô đứng dậy:
- Ai vậy dì Năm?
- Dì không biết. Chắc là bạn cháu.
Khanh nhón chân trên nền gạch một cách yêu đời. Rõ ràng cô vui vì Việt đã về nhà. Nhưng đó là bí mật của Khanh, cô sẽ giấu kỹ bí mật này chớ không để lộ cho anh biết đâu.
Cầm ống nghe lên, Khanh líu lo thật vô tư:
- Khanh đây.
Đầu bên kia im lặng, mấy tích tắc sau cô mới nghe giọng quen thuộc vang lên:
- Em khoẻ không?
Tim cô như muốn thoát khỏi ngực. Nắm chặt ống nghe trong tay, Khanh nghẹn ngào:
- Anh phải không Hiển?
- Anh đây.
Hai người chợt rơi vào im lặng. Khanh nhìn vội về phía hàng lang. Cô tựa lưng vào tường, mũi cay xè, cổ khô khốc.
Khanh run giọng:
- Anh đang ở đâu đây?
- Ở nhà anh Hà. Anh vừa về tới SG. Năn nỉ mãi mới xin được số điện thoại ở nhà.. chồng em. Anh Hà bảo Việt đi vắng. Anh gọi chắc không làm khó em chứ?
- Kh... ông. Không sao.
Hiển có vẻ tha thiết:
- Lâu quá mới được nghe em nói.
- Em cũng vậy.
- Anh muốn gặp em, muốn nhìn em dù một thoáng thôi.
Khanh thảng thốt:
- Không được đâu.
- Tại sao?
- Em bận vào bệnh viện với ba. Dạo này ông yếu lắm rồi.
Hiển ngọt ngào:
- Em nhờ chị Yến. Chắc chị ấy không nỡ từ chối. Anh sẽ chờ em ở quán Bạch Đàn.
- Em không thể.
- Anh nhớ em quá. Nếu không gặp em, anh không thể về đâu. Thật đó.
Khanh nhắm mắt, bồi hồi vì tiếng Hiển hôn gió qua điện thoại.
Gác ống nghe, cô thơ thẩn trở về phòng người vật vờ vật vưởng như muốn ốm.
Thật không ngờ Hiển lại gọi cho Khanh vào lúc cô tưởng quên bẳng Hiển. Thế là những đốm lửa nhỏ vùi trong tan tro cứ tưởng đã tắt nay chợt bùng lên. Tình yêu của Khanh dành cho anh vẫn đầy các ngăn tim, Việt không đủ sức đánh bạt hình ảnh của Hiển dù cô bắt đầu nghĩ tới Việt khá nhiều những lúc gần đây. Lý trí và tình yêu cảm lại cấu xé nhau. Khanh khổ sở giấu mặt vò gối cho đến khi có ai đó lay mình.
- Em mệt à?
Khanh vẫn nằm yêm:
- Không. Tôi định ngủ một chút để tối còn vào bệnh viện.
Việt hăng hái:
- Anh sẽ lo cho ba thay em.
- Nhưng anh mới về, cần phải nghỉ ngơi cho lợi sức đã. Hơn nữa, tôi không an tâm nếu không ở cạnh ba những ngày này.
- Người cần nghỉ ngơi là em đấy. Anh có kinh nghiệm nuôi bệnh, chả chuyện gì em phải lo hết. Nếu thấy lo, em có thể vào bệnh viện ngủ, anh sẽ thức trực cho em. Như vậy cũng tốt vì em sẽ không bị mất sức.
Bỗng dưng Khanh nổi cáu.
- Anh không cần tử tế với tôi. Tất cả những gì anh đã lam chỉ khiến tôi khó chịu.
Việt từ tốn:
- Đừng tưởng anh đang vì em. Anh vào bệnh viện vì lòng yêu quý ba. Anh nói thật do đó em không nên dành với anh.
Dứt lời, anh bước ra ngoài. Khanh ôm chặt cái gối, cô bắt đầu tính toán xem tối nay phải làm sao. Nên gặp Hiển hay không? Đây quả là một câu hỏi thừa, vì chắc chắn cô sẽ đến chỗ hẹn. Cô còn mong gặp Hiển gấp mấy lần anh mong gặp cô nữa.
Thật ra, ba dạo này mệt bất thường, đêm trực nào cũng phải gọi bác sĩ ít nhất một lần. Tốt nhất, Khanh nên vào bệnh viện cùng với Việt thay vì vào quán với Hiển, nhỡ xảy ra tình huống xấu nhất, cô không phải ân hận vì mình đã vắng mặt. Nhưng tại sao lại tưởng tượng tới điều tệ hai ấy ngay lúc nay chứ? Đúng là suy nghĩ qúa nhiều rồi đâm ra quẩn.
Bà Năm mời ăn cơm. Khanh ngồi vào bàn ăn với vẻ lơ đễnh lạ lùng. Việt gấp cho cô miếng cánh gà.
- Đang nghĩ ngợi điều gì à? Ăn miếng cánh để suy nghĩ bay bổng, bé con.
Khanh gượng gạo cười. Cô cố tập trung nghe Việt kể chuyện chuyến đi về với bà Năm nhưng cô không ghi nhớ được gì. Tâm trí cô dồn hết về Hiển rồi.
Chợt Việt hỏi:
- Vào bệnh viện với anh không?
Khanh buột miệng:
- Không.
Việt nói:
- Vậy anh đi một mình.
- Ngay bây giờ à?
Việt nhìn đồng hồ:
- Cũng tối rồi còn gì.
Dứt lời, anh ra hành lang đốt thuốc. Khanh quanh quẩn trong nhà. Cô vừa muốn anh đi ngay, vừa muốn anh ở lại. Có anh ở nhà, chắc cô không đến chỗ hẹn. Anh như một chiếc neo buộc cô vào bến bờ bổn phận. Dầu sao Khanh cũng đã có chồng, Hiển có thể đánh giá được hạnh phúc của cô, dù còn yêu và tha thiết muôn gặp lại cô kia mà.
Khanh trở ra nên dè dặt từ bao giờ vậy? Thói quen thích gì làm nấy, cái đầu bốc đồng của cô đâu rồi?
Khanh bước ra hành lang nhìn Việt phả khói mịt mù.
Anh dò dẫm:
- Hình như em định nói với anh gì đó?
Khanh lắc đầu:
- Đâu có.
- Trông em lạ lắm. Xa xôi, bí hiểm làm sao ấy.
Khanh ngượng nghịu cười:
- Tất cả là do anh tượng tưởng.
Búng tàn thuốc vào góc sân, Việt vươn vai:
- Anh đi dây.
Khanh cắn môi:
- Để em lấy áo gió cho anh.
Việt mỉm cười:
- Anh không lạnh đâu.
Đến sát bên Khanh, anh cúi xuống, cô vội vàng quay lưng, dù tim rộn lên.
Giọng anh buồn và tha thiết:
- Ngủ ngon.
Khanh đi như chạy vào nhà. Cô bó gối ngồi một góc giường, nghe đồng hồ tích tắc từng giọt thời gian. Tốt nhất, cô nên vào bệnh viện để không bị lôi cuốn bởi khao khát gặp lại Hiển.
Mà tại sao Khanh phải trốn tránh anh khi bao lâu nay cô sống là để chờ tới phút giây này? Rõ ràng cách nghĩ của người ta mỗi lúc mỗi khác. Khanh đang tự đẩy mình vào ngõ hẹp, mà bước tới hay thụt lùi cô cũng làm tổn thương mình và người khác.
Tám giờ, cô thay quần áo và xuống bếp nói với bà Năm:
- Con vào bệnh viện.
Mắt bà Năm sáng lên:
- Ờ. Vào với Việt cho vui.
Vừa dắt xe ra tới cổng, chuông điện thoại đã reo vang. Cô bảo:
- Dì để con nghe.
Đầu dây bên kia, giọng Hiển ngập ngừng:
- Cho tôi gặp Khanh.
Cô cắn môi làm thinh, Hiển hỏi tới:
- Phải Khanh đấy không?
Không trả lời, cô gác máy rồi bước thẳng tới chỗ dựng xe.
Bà Năm dặn dò:
- Đi đường nhớ cẩn thận đấy.
Cô gật đầu như máy, điều khiển xe như người vô hồn. Thay vì thẳng đường tới bệnh viện, Khanh lại cho xe chạy vòng, tới quán Bạch Đàn cô dừng xe lại, nhưng không vô.
Một giây... hai giây.. một phút và dường như cả một thế kỷ vừa trôi qua. Khanh vừa rồ ga định phóng đi thì nghe giọng Hiển thảng thốt, mừng vui.
Anh giữ chặt tay cầm lái của cô, mắt nhìn như muốn thu hết hình ảnh Khanh vào tâm trí.
Giọng tha thiết, Hiển nài nỉ:
- Vào với anh đi Khanh.
Mắt rưng rưng, lý trí hoàn toàn bị khuất phục, Khanh riu ríu bước theo Hiển. Tay trong tay, mắt trong mắt, hai người đối diện nhau. Hiển áp đôi bàn tay Khanh vào mặt mình, giọng lạc đi vì xúc động:
- Anh nhớ em quá.
Thấy Khanh cắn môi làm thinh, Hiển thì thầm:
- Nói gì với anh đi Khanh.
Cô nghẹn ngào:
- Anh không giận em sao?
Hiển nồng nàn:
- Em là tình yêu cuả anh. Làm sao có thể giận tình yêu cơ chứ.
- Nhưng em đã phản bội..
Chồm qua bàn, Hiển đặt tay lên môi cô:
- Đừng nói thế. Anh biết tới bây giờ em vẫn chưa thuộc về hắn. Em vẫn là của anh mà.
Khanh khổ sở:
- Em không thể thủ thân như vậy hoài được. Một ngày nào đó em sẽ ngã gục vì mòn mỏi.
Hiển gật đầu thật nhanh:
- Anh hiểu. Chúng ta phải chờ.. ly dị là biện pháp duy nhất để mình được có nhau. Nhưng bây giờ hãy dẹp vấn đề ấy qua một bên. Anh muốn nghe em nói em đã nhớ, đã khổ, đã khóc vì anh như thế nào.
Khanh nhìn Hiển đăm đăm. Hai người xa nhau mới đó đã hơn năm tháng. Trông Hiển vẫn đẹp, vẫn tươi như ngày nào chớ không ốm o thất tình, râu tóc bù xu chết chìm trong rượu vì đau khổ như cô vẫn tưởng. Ở Hiển, có một điều gì đó rất lạ nó khiến cô bỗng dè dặt.
Khanh hỏi:
- Anh có hình dung từ ngày anh đi Hà Nội tới giờ, em đã sống như thế nào không?
Hiển hơi khựng lại, anh thở dài:
- Dĩ nhiên anh hình dung được. Vậy em có tưởng ra anh đã sống lây lất thế nào ở mùa Đông Hà Nội không?
Khanh chớp mắt vì vẻ mặt thống thiết của Hiển. Ước chi cô có thể ngả đầu vào ngực anh và khóc cho hả nhỉ? Dường như đọc được điều Khanh nghĩ, Hiển kéo ghế sát vào Khanh và dịu dàng vòng tay ôm cô. Khanh vùi mặt vào vai Hiển. Hai người kể cho nhau nghe thời gian đã qua của mình. Ai cũng buồn, khổ, nhớ nhung, nhưng ai buồn hơn ai, Khanh không biết được.
Quán mỗi lúc một vắng, những cặp tình nhân lần lượt đưa nhau đi. Cô nhìn đồng hồ và bảo:
- Em phải về.
Hiển tiếc nuối:
- Mai anh sẽ chờ em ở cổng trường.
Khanh lắc đầu:
- Không nên.Em không muốn bị bạn bè đánh giá.
Hiển hờn dỗi:
- Anh xin lỗi. Dầu sao em cũng là tổng giám đốc phu nhân mà.
Khanh héo hắt:
- Em đã cạn nước mắt vì danh phận ấy, vẫn chưa vừa lòng sao còn mỉa mai.
Hiểm mím môi:
- Tưởng tượng lúc nào hắn cũng ở cạnh em, anh không chịu nổi.
Khanh buồn bã:
- Tốt nhất là quên em, anh sẽ dễ chịu..
- Anh không thể.
- Vậy phải làm sao cho em vui sống chớ?
Hiển rên rỉ:
- Tại sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh này? Anh sẽ làm gì đây hở Khanh?
Khanh xót xa nhìn anh. Câu hỏi của anh cũng chính là câu hỏi của cô. Phải chăng câu hỏi này không có câu trả lời. Hai người bịn rịn chia tay. Hiển đưa Khanh về tới đầu đường gần nhà. Bấm chuông cô chờ bà Năm mở cửa với tâm trạng nặng nề, ray rứt. Gặp lại Hiển cho thoả nhớ nhưng lòng buồn càng buồn hơn.
Tầm hồn người ta sao phức tạp quá. Khanh biết dù chọn người đàn ông nào, cô cũng không hạnh phúc như những phụ nữ khác.
Mở cổng, bà Năm la lên giận dữ:
- Trời ơi! Con đi đâu vậy? Việt tìm con muốn chết mà không gặp.
Khanh khó chịu:
- Ảnh tìm con làm gì?
Dì Năm nghiêm mặt:
- Tình trạng ba con rất xấu, không biết giờ này ra sao rồi?
Khanh chợt rã rời, cô quay xe phóng một mạch trên phố vắng tanh. Nước mắt nhạt nhòa, cô cầu mong cho ba mình sẽ không sao... không sao.
Tình Trong Cuộc Sống Tình Trong Cuộc Sống - Trần Thị Bảo Châu