IV - Cõi Tình Yêu
hiên thần" hạ cánh xuống sân bay Dallas. Người Texas vốn thích tất cả những cái rực rỡ, lớn lao, sang trọng, kiểu cách, đã gọi cái miếng đất không có gì đặc sắc ấy là Lover Field - Cõi tình yêu. Chúng tôi lăn bánh dọc đường lát bê tông và tiến lại nhà ga hành không màu xanh lá cây và đỏ, có dòng chữ khổng lồ ở mặt trước "Các tuyến bay quốc tế".
Trời xanh. Mặt trời chói chang. Trắng lóa mắt và bụi. Những bãi cỏ khô xém. Không gió. Oi bức. Dự đoán của cô Eveline hóa ra chính xác hơn của Lầu Năm góc.
Và nhạc nổi vang lừng - "Hoa hồng vàng Texas". Tôi phát buồn nôn vì nó.
Bên kia hàng rào ngăn có chữ đề "Không vượt qua" là đám đông yêu thái bình của những người ra đón. Thế mà chả nghĩ dân Dallas đáng sợ nữa đi! Phụ nữ cầm hoa. Đàn ông phun khói thuốc lá một cách yên ả, tò mò nhìn chiếc máy bay của tổng thống. Toán học sinh vẫy quốc kỳ Mỹ và giơ cao hết mức tấm biểu ngữ viết tay: "Chúng em yêu bà Jack". Một cậu bé răng trắng giương lên đầu tờ carton có dòng chữ viết ngoáy lằng nhằng: "Hoan hô G.P.K.".
Trong tiếng cười của dân chúng Dallas, JFK hiện ra ở ô cửa "Không lực-1". Mặt ông ta trắng như xoa phấn. Qhanh cặp mắt nheo mạnh là những vết nhăn. Ngón tay mân mê cúc áo comple.
Cho dù có can đảm như thế nào ở Washington, ông ta vẫn sợ Dallas và không giấu nỗi điều ấy.
Các cô bé áo váy trắng dâng tặng Jackeline một bó hoa hồng vàng to. Đám đông cất tiếng hò la. Sự hoan hỉ quả là ngắn và còn xa mới được bằng ở miền nam Texas. Người ta vẫy tay không được thân thiện, mắt dè chừng ai đó. Vẫy rồi bỏ xuống ngay, cứ như sợ bị lọt vào ống kính máy ảnh.
Ở phía dưới thang chiếc "Không lực-1" thò ra cái thân hình lêu đêu, chắc nịch của Lindon Johnson. Ông ta bay đến Dallas trước chúng tôi trên chiếc "Không lực 2"
- Hoan nghênh ngài tổng thống, - Lindon nói bằng giọng ba-ri-tôn năng nổ, và nụ cười lịch duyệt làm rạng khuôn mặt ông ta. - Hân hạnh kính mời ngày đến Dallas, Đại Dallas của chúng tôi.
Các thành viên của ban đón tiếp tổng thống vui sướng nhăn răng ra cười khi Lindon nói những lời sau cùng. Đại Dallas! Ăn nói đặc sắc lắm. Lời khen tuyệt nhất đối với thành phố nơi lưu truyền những tập quán và truyền thống của Texas.
Johnson đưa cánh tay dài của mình một cách khoáng đạt, trơn tru, đẹp mắt về phía một tá những nhân vật đánh kính của Dallas và báo cáo với tổng thống, họ là những ai và được đặt lên vai những sứ mệnh gì.
JFK chăm chỉ gật đầu, mỉm cười và chuẩn bị nghe lời chào mừng. Nhưng bọn họ không chào mừng ông ta trước tiên theo đúng lễ tân, mà lại chào mừng thống đốc Texas Connelly. Ông này thản nhiên nhận vinh dự ấy. Đồng thời ngạo nghễ nhìn đoàn phóng viên: thấy chưa, đấy, ở Texas người ta kính trọng và yêu mến tôi đến nhường nào.
JFK làm ra vẻ không có gì đặc biệt xảy ra. Texas điên rồ, những con người điên rồ kia sẽ không xúc phạm được, không hăm dọa được ông. Ông sẽ chỉ cho lũ cao bồi cuồng dại ấy biết rằng chính ông, Kennedy, chứ không phải Hatter, Hiu-dơ, Ghét-ti và đồng bọn, làm chủ tình thế. Ông ta không hề biểu lộ tình cảm và ý nghĩ của mình. Ông ta giấu chúng sau nụ cười lịch lãm.
Tôi chăm chú nhìn Lindon. Tôi muốn biết ông ta cảm thấy thế nào trong cái tình thế éo le ấy. Không hề chi, mọi sự đều tốt đẹp! Trên má vẫn bóng làn da nhẵn nhụi được xoa bóp cẩn thận. Trán vẫn rạng lên một cách bình thản. Cái nhìn trong sáng vô tư. Sự giản dị thần thánh cũng không thể thoải mái hơn Lindon Johnson.
JFK thở ra nặng nề và dẫn mình vào Dallas chết tiệt. Ông ta đi sát rào ngăn của cảnh sát, chứ không cách một đoạn như ở San Antonio và Houston. Bất cứ người nào, đứng phía bên kia rào ngăn có dòng chữ "không vượt qua" cũng có thể chạm tới người ông ta. JFK sẵn sàng bắt hàng nghìn cái tay. Dân chúng tò mò nhìn ông ta, nhộn nhạo cười nói, nhưng không chìa tay về phía bên này rào. JFK lại giảm khoảng cách giữa mình với đám đông hơn nữa. Ông ta đi sát sạt cạnh barier.
Ông ta đã mạo hiểm vô ích. Không một người Dallas nào muốn bắt tay ông ta cả.
Tổng thống đang tiếp xúc với nhân dân, còn phó tổng thống lúc ấy uể oải bước đến cái xe hơi thuê màu xám của mình. Công việc tượng trưng làm ông ta ớn đến chết đi được. Lindon chui vào xe và nhắm mắt lại. Muốn được ở trong yên lặng, trong bóng tối. Tiếng chào mừng tổng thống ồn ào như chọc tức ông ta. Lindon lệnh cho tài xế mở máy thu thanh hết cỡ.
Tôi đưa mắt nhìn sang tổng thống.
Ông ta đã đi qua đoạn có rào ngăn và tiến lại dãy xe hơi, bị ngăn cách khỏi đám đông bởi mắt xích kép, có chỗ còn mắt xích hàng ba của cảnh sát cơ giới ngồi trên môtô.
Đoàn xe của tổng thống lăn bánh trên phố xá Dallas tấp nập. Khách bộ hành thì nhiều, xe hơi thì ít, tuy rằng ở Dallas người ta đi xe nhiều hơn đi bộ. Cảnh sát chặn giao thông ở những nơi tổng thống cùng đoàn tùy tùng sẽ qua. Những chiếc Limousine màu đen có tháp đèn đỏ quay tít trên nắp, rú còi, phóng qua phóng lại kiểm soát những khu vực cấm. Nhưng khi ở đâu xuất hiện vị khách cao quí thì các xe jeep cảnh sát cũng đình lại. Đó là lệnh của giám đốc cảnh sát Dallas Giét Ca-ri.
Biết đâu, có lẽ quả thực cảnh sát Dallas am hiểu công việc mình làm.
Với tốc độ mười dặm một giờ, chúng tôi chầm chậm đi qua khu vực làm ăn của thành phố. Người đi đường im lặng, không cười và hình như chẳng tò mò gì hết, xem các ông chủ Washington. Họ đổ ra phố làm gì?
Một gã đội mũ màu kem vành quặt vào một cách linh lợi đang phân phát những tờ giấy vàng vàng. Hay thật, cái gì vậy? Chiếc ôtôbuýt của chúng tôi đi ngang qua gã cao bồi, và tôi kịp vươn tay ra cửa sổ tóm lấy một tờ truyền đơn. Trên tờ giấy thô có in hình hai tấm ảnh không lấy gì làm đẹp đẽ của tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy. Một chụp nghiêng và một thẳng mặt. Hệt như cảnh sát vẫn làm trong những trường hợp không ai còn lạ gì. Đoạn văn dưới hình JFK đặc giọng cảnh sát:
"Truy nã về tội phản quốc.
Tên này bị truy nã về tội hoạt động chống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
1. Hắn phản bội Hiến pháp (mà hắn đã tuyên thệ bảo vệ). Hắn phá hoại chủ quyền của Hoa Kỳ, nhằm đặt nó dưới sự kiểm soát của Liên hiệp quốc do cộng sản kiểm soát. Hắn phản bội các bạn bè của chúng ta (Cuba, Kantaga, Bồ đào nha) và giúp các kẻ thù của chúng ta (Nga Sô, Nam Tư, Ba Lan).
2. Hắn đã mắc sai lầm trong vô số trường hợp làm hại đến an ninh của Hoa Kỳ (Liên hiệp quốc, bức tường Berlin, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, vấn đề cung cấp lúa mì, Hiệp ước về cấm thử vũ khí hạt nhân và v.v…)
3. Hắn không đủ tích cực đưa vào hiệu lực các đạo luật về ghi tên bắt buộc tất cả bọn cộng sản.
4. Hắn đã ủng hộ và khuyến khích những cuộc nổi loạn chủng tộc do cộng sản gây ra.
5. Hắn đưa quân đội liên bang vào một bang độc lập một cách bất hợp pháp [16].
6. Hắn thường xuyên bổ nhiệm bọn vô thần vào tòa án liên bang. Hắn ủng hộ những hoạt động vô thần của tòa án tối cao. Các cơ quan chính phủ đầy rẫy người nước ngoài và cộng sản.
7. Hắn vài lần phát ngôn dối trá không tưởng tượng nổi cho nhân dân Mỹ nghe. Điều đó liên quan đến chính bản thân hắn, ví dụ như câu chuyện về đám cưới trước kia và về việc ly dị."
Truyền đơn được truyền tay nhau nhanh chóng. Các máy ảnh kêu tanh tách.
Phóng viên lắc đầu cười, người thì với vẻ lên án, người thì với vẻ tán đồng, có người chỉ đơn thuần nhe răng ra mà thôi.
Sếp và là người bảo trợ của tôi, Mác-kin-đắp, quyền bí thư báo chí Nhà Trắng, đang kiên nhẫn chịu đựng sự bất tiện trong xe buýt với chúng tôi, nhòm tờ truyền đơn như nhòm con rắn mào gầm.
- Thế này là thế nào? Trước mặt toàn dân!… Giữa thanh thiên bạch nhật!
Chúng tôi đã ra đến phố Emmer thẳng tắp hào nhoáng, trung tâm làm ăn của Dallas, vào chính chỗ dày đặc những ngân hàng, hội bảo hiểm, công sở của các hãng, các cửa hàng tổng hợp. Ở phía trước, vuông góc với đường hành trình của đoàn xe tổng thống, là phố Houston còn sang trọng hơn nữa và quảng trường Saint Plaz với những đài kỷ niệm và hàng cột trắng. Tới đó chúng tôi sẽ rẽ sang phải vào phố Houston và tiếp đó vào phố Emmer, đi dọc theo boulevar [17].
Đoàn xe chuyển động như rùa! Tôi lại nhớ đến lời Kennedy nói với Jackeline: "Xuất hiện trước công chúng là nguồn sức mạnh chính trị. Người ta phải được trông thấy em. Phải đi xuyên qua đám đông. Và đi thật chậm".
Bên trái trải dài quảng trường đầy nắng có đài kỷ niệm. Bên phải chúng tôi còn lại một nhà kho bảy tầng, bụi bặm, có tấm quảng cáo trên mái bêtông phẳng, có đồng hồ và hàn thử biểu khổng lồ ở mặt trước. Tôi sực nghĩ: "Làm sao mà cái nhà kỳ quái này lại nằm nguyên vẹn ở giữa trung tâm Dallas, giữa những dinh thự nguy nga, mô đéc được nhỉ?"
Phía trước, cuối dải bêtông, nổi đen một màu cái cầu cạn có ba khoang, xuyên dưới bề dày của con đường bêtông nhiều nhánh. Chỉ một phút nữa chúng tôi sẽ được nó che chở, sẽ ở trong râm mát. Vầng dương Dallas thiêu đốt mới ác làm sao! Chảo gang chứ không phải mặt trời nữa.
Tôi không rời mắt khỏi lỗ tối đường hầm. Ôi, khoan khoái làm sao được chui vào cái chỗ mát mẻ sinh khí kia! Sau cầu cạn, theo lịch trình đã vạch sẳn, chúng tôi sẽ tăng tốc độ. Còn bây giờ tạm thời phải bò đã. Nóng bức và ngột ngạt không chịu nổi.
Một cậu bé năm sáu tuổi, đơn độc đứng trên hè phố bỡ ngỡ giơ cánh tay trần đến vai lên vẫy chào tổng thống. Kennedy trông thấy cậu bé và ban cho cậu nụ cười vui vẻ, hiền hậu. Trong khi Kennedy còn đang mỉm cười với cậu bé thì một phát súng vang lên. Trên quảng trường im ắng là thế, thanh bình là thế, mà bỗng bùng lên tiếng súng. Nó như xoáy vào tai tôi đến váng óc.
Các nhân viên mật vụ Keleman, Lause, Grire, Ritdi và Hin sau này biện bạch rằng họ cứ ngỡ tiếng súng giết người ấy là tiếng pháo đùng vô hại. Tôi thật không hiểu các tay vệ sĩ! Phát súng từ khẩu súng trường cỡ lớn mà lại tưởng là tiếng pháo đì đẹt! Ngay đến các phóng viên không bị nhặm cũng hiểu ra, cũng cảm thấy có mùi thuốc súng và máu.
- Có súng bắn! - các ký giả kêu lên và nhoài người ra cửa sổ.
Chiếc xe buýt chở chúng tôi theo sau chiếc Lincoln trắng chừng ba mươi bộ, và chúng tôi trông thấy rất rõ mọi sự trong xe tổng thống, trên quảng trường và ở xung quanh. Mấy phát súng chỉ vừa mới vang lên thì những người đứng trên vỉa hè, như theo hiệu lệnh, đều ngoảnh đầu về phía sườn dốc xanh lá cây và cao hơn nữa, lên bức tường bêtông. Một vài người dân và tất cả cảnh sát chạy về phía đó.Còn tôi thì tin chắc rằng súng bắn từ ụ đắp. Tôi trông thấy ánh loé. Không phải ánh lửa, mà là ánh khói trắng tròn. Một đụn mây trắng nhỏ nổi rõ trên nền xanh của bãi cỏ thoai thoải và đám lá cây dày đặc.
Những người bảo vệ tổng thống, chậm chạp, chậm chạp một cách tai hại, quay các khớp bản lề đã cũ gỉ vì cuộc sống dài đăng đẳng của mình. Lái xe Greer từ từ quay lại, nhìn qua vai về phía sau và sửng sốt khi trông thấy khuôn mặt tái nhợt của Kennedy và cái đầu rũ xuống. Roy Keleman cũng từ từ nhìn sang tổng thống qua vai trái và nghe thấy giọng nói yếu ớt của ông ta: "Trời ơi, tôi bị thương rồi!…". Anh ta nghe thấy mà không phản ứng một cách thích đáng. Mãi khoảng 6 giây sau cái ý nghĩa khủng khiếp câu "Trời ơi, tôi bị thương rồi!…" mới vọng đến ý thức của anh ta.
Chiếc Lincoln trắng rẽ ngoằn ngoèo trên mặt đường bêtông phố Emmer. Đường chạy ấy chứng tỏ người lái đang khiếp đảm. Quả là như vậy, Greer đã hiểu có chuyện xảy ra, nhưng không vận hành hết tất cả năm trăm mã lực của động cơ, không rẽ ngoặt về một phía. Anh ta tiếp tục đi thẳng, biến chiếc xe và số người ngồi trên thành cái bia ngon xơi cho bọn bắn tỉa.
Thống đốc Connelly nhào lên trước tiên. Không phải mấy phát súng đã lôi cuốn sự chú ý của ông ta. Bất giác ném cái nhìn xuống đầu gối mình, ông ta thấy có máu trên đó và tuy chẳng đau đớn gì cả, ông ta đâm hoảng và kêu lên:
- Không, không, không, không! Bọn nó đang giết cả hai người chúng tôi.
Jackeline ngạc nhiên quay về phía viên thống đốc - ông ta nói cái gì vậy? Rồi lo lắng nhìn sang chồng. Người chồng không đáp lại bà ta, như mọi khi, bằng cái nhìn hay nụ cười nào cả. Khuôn mặt ông không hiểu sao trầm ngâm và trắng lạ lùng, dường như không phải dưới ánh mặt trời ban trưa, mà như dưới trăng, Jackeline thấy chồng ở trạng thái tập trung như vậy chỉ trong những cuộc họp báo gay go, vào những giây phút mà ông buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng lời nói của mình, trước khi trả lời câu hỏi. Ông đang suy ngẫm điều gì vậy? Bà muốn hỏi ông điều ấy. Nhưng không kịp. Ông từ từ giơ tay phải lên, có lẽ muốn sờ lên đầu. Nhưng được nửa đường tới đích thì cánh tay giật lên bần bật, nhũn ra, mất hết sức lực và rơi xuống.
Chỉ sau giây lát lớp vải trắng bọc trong chiếc Lincoln trở nên dinh dính sẫm màu. Bộ complet của Kennedy sình lên đỏ hồng. Áp lực của vòi máu mạnh đến nỗi bắn tới tận đám cảnh sát đi môtô.
Hoa hồng vàng, hoa hồng được ưa chuộng của Texas trở nên đỏ thắm, rồi đỏ sẫm và sau đó xám xịt lại. Jackeline vẫn còn nắm bó hoa ấy trong đôi tay tê dại.
Tất cả những gì tôi kể gói gọn trong sáu giây tai họa. Trong phạm vi thời gian ấy diễn ra song song những trường đoạn ở xe của phó tổng thống, ở chiếc xe jeep của những cận vệ của JFK và trong chiếc xe buýt phóng viên.
Thượng nghị sĩ Yarborough ngồi trong xe của Lindon Johnson, ngay sau những tiếng súng đã cảm thấy, như lời ông ta nói sau đó, mùi thuốc súng và kêu lên:
- Trời ơi, tổng thống bị giết rồi!
Nhân viên mật vụ Ru-phút Giăng-blát lập tức nhào từ chỗ ngồi phía trước sang ghế sau, chỗ ông chủ của mình và ra lệnh: "Nằm xuống!". Lindon ngoan ngoãn trườn ra sàn. Suốt chặng đường từ phố Emmer đến bệnh viện Pa-clen Lindon Johnson nằm không nhúc nhích dưới thân hình hộ pháp của Ruphút Giăng-blát.
o O o
Chiếc xe buýt giống hệt như con thuyền của Nô-ê trong trận đại hồng thủy [18] … Ông Merimơn Xmít, đại diện cho hãng "United Press Internationsal" [19]. Một ông khác, thứ bậc thấp hơn Smith, thay mặt cho "Associated Press"[19]. Tên ông ta là Jack Ben. Trong số chúng tôi đây có những con sư tử bạc đầu trong tranh đấu và những con sói già của "NewYork Times" (Thời báo New York) và "Chicago Tribune" (Diễn đàn Chicago), của tạp chí "Times" (Thời Đại), "Life" (Đời sống), "Look" (Nhìn). Có đại diện báo chí California, Boston, Philadelphia, New Orlean. Tóm lại, cả nước Mỹ thông qua các bậc thầy săn tin kịp thời và tài năng nhất, người ta vẫn hiểu thế, đang chen chúc, la hét, nhộn nhạo, phun khói trong xe buýt. Những phát súng trên phố Emmer đã kích động cái đám cuồng nhiệt ấy đến cực độ. Hơn bốn mươi phóng viên nhào ra cửa sổ, chỉ chực nhảy xuống khi xe vẫn đang chạy. Những bộ mặt đỏ tía, nhợt nhạt đẫm mồ hôi. Tóc tai bù xù. Những điếu thuốc lá bị lửa gặm. Những con mắt điên dại. Những nắm tay quyền anh được sử dụng không thương tiếc, ký giả nào cũng muốn được trông thấy nhiều hơn, rõ hơn.
Cả bí thư báo chí Mác-kin-đắp, cả viên cảnh sát, cả viên thám tử cũng không đủ sức dẹp cơn cuồng si đang hoành hành.
Chỉ một mình Merimen Smith biết bắt những giây phút náo loạn ấy phục vụ cho lợi ích của mình. Sáu giây tai họa đối với tổng thống đã làm Smith trở thành con người số một trong vương quốc các ký giả vô danh, đem lại vinh quang, danh tiếng, thăng chức, mở đường lên tầng lớp cao sang, ban cho cái quyền ngao du khắp thế gian nhờ vào chi tiêu của người khác và có mặt tại những hội nghị và đại hội quan trọng nhất. Tên tuổi anh ta sau sự kiện Dallas tỏa sáng trong số những ngôi sao bậc nhất.
Anh ta đã làm gì? Đã thực hiện hành động anh hùng nào?
Tổng thống Kennedy còn chưa tắt thở ngã xuống tay vợ, thống đốc Connelly còn đang rú lên, các cận vệ còn đang như trời trồng, đụn mây trắng còn sau bức tường bêtông trên đỉnh sườn dốc xanh, còn chưa rõ ai bị giết và ai bị thương thì Merimen Smith đã lên tới máy bộ đàm, nắm lấy ống điện đài và, sau khi chìa khuỷu tay phòng xa, rành rẽ, rõ ràng, từng lời một như thể chẳng có gì đặc biệt xảy ra, anh ta đọc chậm một câu trong khoảnh khắc đã bay khắp thế giới: "Ba phát súng bắn vào đoàn xe tổng thống ở khu doanh thương của Dallas". Sự điềm tĩnh và thạo việc của Smith đã làm bối rối các viên chức văn phòng UPI, và họ đã yêu cầu xác nhận lại bức điện choáng váng ấy. Smith chửi tục và đọc lại lần nữa. Để trả đũa anh ta bảo các viên chức đọc lại những gì họ đã chép.
- Ê, đại ca, đủ rồi, có lương tâm một tí. Rõ cả rồi. Đưa ống đây nào!
Tay đồng nghiệp Jack Ben của "Associated Press" vừa nói vừa lao bổ đến Smith. Smith hất ra và lại tiếp tục nói lau láu. Anh ta thừa biết việc mình làm. Mỗi một giây giữ ống điện đài sẽ đem lại lời lãi khổng lồ cho hãng anh ta và thua lỗ vô kể cho các địch thủ.
Jack Ben điên tiết vung nắm đấm ra. Anh ta nên, nhiếc mắng, đấm thùm thụp vào lưng, vào sườn, vào mặt, vào cổ, vào đầu kẻ chiếm đoạt và cố lách tới ống điện đài.
Smith giấu báu vật vào giữa háng.
- Xê ra, Jack! - anh ta la lên. - Xê ra! Cho tôi truyền nốt tin đã.
- Máy truyền hết rồi… Đưa đây, đồ cá sấu! Đưa đây, đồ chó!
- Tao không đưa. Tao đợi báo vụ nhắc lại bức điện đã.
- Nó nhắc rồi! Tao nghe thấy rồi. Smith, đưa ống đây, không tao vặn tay bây giờ.
- Tao không đưa! Truyền tin bị sai vì đường dây cao áp rồi.
- Đưa đây, không tao cho mày tuyệt con cái cả đời bây giờ.
Smith uốn người như con rắn, chìa phần mềm ra đỡ đòn, và trốn sau lưng Mác-kin-đắp. Jack Ben phát khùng và nện luôn cả bí thư báo chí Nhà Trắng.
Trong xe buýt không có tiếng súng, nhưng sặc mùi thuốc súng, máu và nước mắt tràn trề.
Cuộc ẩu đả kết thúc, khi "Cuộc buôn xác chết" đã qua đi. Merimen Smith bất thần thẳng người lại, cười hềnh hệch và hào hiệp chìa ống nói cho đồng nghiệp, con người bất hạnh nhất trần đời Jack Ben.
Trò chơi đã ngã ngũ! Không còn cược đặt nữa!
Ben không truyền được lời nào cho hãng của mình nữa. Liên lạc đã bị cắt đứt. Anh ta còn quất lên mặt kẻ địch thủ may mắn một lần nữa rồi bật khóc.
o O o
Đoàn xe tổng thống dừng bánh ở cổng chính bệnh viện Paclen. Chẳng có một mống áo choàng trắng nào ra đón Nhà Trắng du cư cả. Cảnh sát không báo trước cho các bác sĩ được, vì trạm vô tuyến của nhân viên điều độ bị hỏng. Keleman nhảy lên vỉa hè lớn tiếng ra lệnh:
- Mang hai cái cáng lại.
Các cô hộ lý hiện ra với những chiếc cáng có gắn bánh xe.
Các cận vệ đổ lại chiếc Lincoln trắng thấm máu và dừng lại phân vân. Khiêng ai trước đây - Tổng thống hay thống đốc? Connelly đang sụt sùi rên rỉ, còn tổng thống thì… chẳng thấy có dấu hiệu thở gì cả. Bóng tối của thế giới bên kia đã phủ lên mặt. Con ngươi trơ như thủy tinh.
Các hộ lý bằng chính sức mình, không nói không rằng, đã giải quyết vấn đề đau đầu ấy. Họ kéo thống đốc ra khỏi xe trước. Nói đúng hơn, ông tự kéo mình ra khỏi xe. Ngừng sụt sùi rên la, ông ta lấy lại sức và tự bò lên cáng.
Tổng thống được khiêng ra sau. Họ xếp đặt tàm tạm rồi chở đi. Cùng với họ, tôi cũng chui vào bệnh viện. Chỉ chậm một giây thì có mà ăn cám.
Lại một sự kỳ quái nữa!… Cả cơn bão tố nổi lên ở Dallas và bây giờ lan khắp hành tinh, cả sự nhộn nhạo trước cổng bệnh viện, cả việc Nhà Trắng di cư đến đây, vào bệnh viện Paclen này, cũng không bẩy được bọn quan liêu ra khỏi lối mòn của chúng. Lũ cạo giấy đâu vẫn hoàn đấy. Đây là cái tôi chép được trích từ cuốn sổ ghi xuất nhập viện:
"Kennedy John P. vào viện hồi 12.38, da trắng, nam giới, được xếp vào phòng "cấp cứu" số 24740. Căn bệnh chính - v/th đ. - (vết thương đạn)".
o O o
Thiếu tướng Ted Clifton, anh hùng hai cuộc chiến tranh, cựu chiến binh đầy huy chương và huân chương, phụ tá quân sự của tổng thống, bậc đàn anh trong số tất cả các quân nhân đi theo Kennedy, trong khi các bác sĩ đang gắng sức cứu tính mạng tổng thống, đã chạy khắp bệnh viện tìm điểm liên lạc. Không tìm thấy nó, ông ta ném lên bàn một đống giấy tờ in trên giấy mẫu của chính phủ, đòi liên lạc với Nhà Trắng. Cô tiểu thư mang tai nghe cao su màu đen lập tức cắt các hộ thuê bao điện thoại bình thường khỏi đường dây quá tải và dành quyền sử dụng nó cho nhân vật quan trọng này. Cô ta cho rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Clifton nói với tổng đài Nhà Trắng và yêu cầu người trực ban cơ động gọi điện về căn hộ Washington của ông ta và báo cho bà xã thân yêu nhất biết rằng ông ta còn nguyên vẹn, không sây sát, vẫn khoẻ và với bản thân ông ta cũng như với bạn ông O'Donnel mọi sự đều ôkê.
Sau đó tướng Clifton mới tìm Bromlie Smith, thư ký Hội đồng an ninh quốc gia và hỏi: liệu những phát súng ở Dallas có phải là một phần của âm mưu chống Mỹ của cộng sản không?
Nhiều thành viên của đoàn tùy tùng tổng thống sau này đã viết hồi ký, đã in những đoạn nhật ký, đã trả lời phỏng vấn. Tướng Clifton trưng mình ra ở vị trí tuyệt hảo. Tất cả những người thân cận của JFK đã quá cố cũng nhìn bản thân dưới ánh sáng đẹp đẽ nhất. Họ nói những điều mà những con người tài năng, khôn ngoan, chính trực, nhanh trí phải nói ra. Ở Dallas đã không có những hành động vô nghĩa, không có sự kinh hoàng, sai sót, kỳ cục và tính ích kỷ. Một dòng đời sống Mỹ thuần khiết nhất, không một chút vẩn gợn.
Chao ôi, nước Mỹ! Nước Mỹ ngu ngốc và thông minh. Nước Mỹ chọc trời và nước Mỹ ngập đến cổ trong bùn lầy trưởng giả. Nước Mỹ của những xa lộ bêtông tuyệt vời và của sự không có đường đi trong con người. Nước Mỹ của những con át tiền tệ lão luyện với những cánh tay vàng, của những Thợ giày, Trán to, những Harto, Goldwater có đầu óc.
Tôi thơ thẩn dọc hành lang heo hút, xả khói thuốc ra. Ở đây không được hút thuốc, nhưng chẳng có ai để mà chặn tôi lại. Tôi bước đi không biết đi đâu và làm gì. Đầu óc quay cuồng.
Các nhân viên mật vụ Ru-phút Giăng-blát, Emori Robert và Lem John tuyệt đối tin rằng sự ám hại JFK chỉ là một phần của âm mưu lớn của cộng sản chống Nhà Trắng. Bọn khủng bố, chắc chắn đã lọt vào bệnh viện và giờ đang săn tìm con người số hai của nước Mỹ, phó tổng thống, người mà theo hiến pháp trở thành người kế tục hợp pháp của người đã quá cố.
Một giờ sắp điểm. Ken O'Donnel bước vào buồng cách ly số 13. Trước kia mọi người, kể cả phó tổng thống đều đến gặp anh ta, giờ thì anh ta chạy đến gặp phó tổng thống.
- Sự việc tệ lắm, - bằng giọng run run và không nhìn ai, anh ta nói. - Tôi nghĩ là tổng thống đã từ trần.
Ru-phút Giăng-Blát xen vào chuyện:
- Chúng ta không biết tí gì về qui mô của âm mưu này. Phải đi khỏi đây thôi.
Lindon Johnson vẻ hy vọng nhìn Giăng-blát:
- Đi Co-xu-en được không?
- Co-xu-en bị loại ra, - Lem phản đối. - Vì nó xa quá, đi rất lâu.
- Chúng ta phải bay lên không trung, - Robert quyết định thay cho mọi người. - Phải bay thôi! Chỉ có bay thôi!
- Cũng có thể tổng thống Kennedy cần đến máy bay? - Johnson nói.
Ở sân bay Love Field của Dallas đã có sẵn sàng hai chiếc "Boeing 707" tương đương nhau - "Không lực-1" và "Không lực-2". Johnson có thể bay trên chiếc của mình, còn chiếc của tổng thống thì để yên ở đấy. Nhưng cách giải quyết đơn giản như thế của vấn đề quả là không vừa sức ông ta.
Các cận vệ của Johnson cũng bị lây cái sự bất lực và tính đãng trí của xếp họ, mọi người đều cho rằng ở "Cõi tình yêu" chỉ có "Thiên thần" mà một người, Kennedy đã chết hay Johnson còn sống, sẽ sử dụng.
- Chúng ta phải bay lên không trung! - Robert khăng khăng.
- Tôi sẽ không nhúc nhích khỏi chỗ nếu không có sự duyệt y của bộ tham mưu của Kennedy, - Johnson tuyên bố.
- Ôkê! - Robert thốt lên rồi phi ra khỏi phòng.
o O o
Ken O'Donnel đang ở bên cạnh cái thi hài phủ vải trắng bệnh viện. Viên mật vụ Robert báo cáo một cách kính cẩn và hết sức vắn tắt:
- Ông Johnson muốn đi. Ông ấy có thể sử dụng "Boeing" được không ạ.
Robert không nói rõ chiếc máy bay nào, mà Ken thì không cụ thể hóa nó ra. Viên tham mưu trưởng tin tưởng là đang nói chuyện về "Không lực-2". Và gật đầu.
o O o
Cái chết của tổng thống hiện giờ đang là bí mật quốc gia của nước Mỹ. Trước khi loan báo sự kiện này, phải nghiên cứu xem ai có lợi. Chính một nhân viên mật vụ đã bảo Mác-kin-đắp thế, khi anh chàng này hỏi, Mác-kin-đắp nổi dóa lên:
- Bí mật, bí mật gì! Cả bệnh viện đã biết cái chết của Kennedy. Mà cả ở phía dưới kia, trong đoàn phóng viên, người ta cũng đã nghe chuyện.
- Bí mật, thưa ngài, bí mật! Đó là chỉ thị của trên.
- Của trên à? Đấy lại là chuyện khác.
Mác-kin-đắp đi tìm Ken O'Donnel, vị cố vấn của JFK đau đớn chịu đựng tổn thất. Hai vai run lên bần bật. Khuôn mặt méo xệch đầm đìa nước mắt. Thế mà chỉ hai tiếng trước đây anh ta trông hùng dũng, điềm đạm, đẹp đẽ, can đảm làm sao!
- Tôi rất lấy làm tiếc, anh Ken ạ, là phải giao tiếp với anh vào lúc khó khăn này, nhưng mọi người phải được biết một cách chính thức là tổng thống Kennedy không còn nữa.
- Thế họ còn chưa biết sao? - Qua làn nước mắt O'Donnel nhìn ra phía những người đang tụ tập ở hành lang "cấp cứu", trước phòng phẫu thuật.
- Không, tôi chưa nói gì với họ cả. - Mác-kin-đắp muốn nói về các phóng viên, chứ không phải mọi người chung chung. Ông ta cho rằng nếu họ chưa biết tin tổng thống mất thì mọi người Mỹ cũng đều chưa biết điều này.
- Thế thì anh phải tuyên bố đi. - O'Donnel lau khuôn mặt ướt đầm, nghĩ một tí rồi nói thêm: - Nhưng trước tiên phải được Lindon Johnson đồng ý đã.
Tôi với Bobby Scott lúc này đã ranh ma khoác tay Mác-kin-đắp và đưa ông ta về nơi trú ẩn bí mật, phòng cách ly số 13. Không có chúng ta thì chắc ông ta đã lạc trong mê cung hành lang này.
Người kế thừa hợp hiến của JFK bị sát hại đứng quay lưng ra cửa, và ngẩng đầu lên uống cà phê. Gáy ông ta phồng tướng lên như gáy trâu.
Mác-kin-đắp dè dặt đằng hắng và nói to:
- Thưa ngài tổng thống.
Lindon Johnson quay ngoắt lại:
- Có chuyện gì vậy, anh Mac?
- Thưa ngài tổng thống, tôi xin ngài cho phép ra tuyên cáo về cái chết của Kenndy.
Lindon ưu tư sờ lên mái đầu cắt ngắn như thể kiểm tra xem nó có ở đấy không và lắc đầu quả quyết:
- Không, anh hãy gượm đã. Chúng ta không rõ đây có phải là âm mưu cộng sản không. Tốt hơn cả là tôi sẽ lên máy bay trước đã. Họ sẵn sàng chở tôi khỏi đây.
Câu cuối cùng hướng về các nhân viên mật vụ. Cả Giăng-blát, cả Robert, cả John đều xác nhận: Vâng, họ sẽ chở, mọi việc đã cắt đặt xong rồi. Có người hộ tống. Có xe hơi không mang dấu hiệu nhận dạng đặc biệt.
- Tôi muốn đi khỏi bệnh viện Pa-clen trước khi các phóng viên được báo tin Kennedy mất, - Lindon Johnson nói rõ thêm.
Những trò diễn ra vào buổi chiều ở Dallas đã được Henry Gondalet, hạ nghị sĩ, người đã tổ chức những buổi ra mắt xuất sắc của JFK ở một trong những thành phố của bang Texas nói rõ: "Thật là hết sức bất ngờ với chính mình, tôi đã chứng kiến trung tâm sức mạnh và hùng cường của Hoa Kỳ ở trong trạng thái luống cuống hoàn toàn".
Một lời nhận xét đúng, nhưng chưa đầy đủ. Nhà Trắng trên bánh xe không chỉ mất người chủ, mà còn bị một vết rạn lớn. Thế giới cung đình bị chia xẻ ra làm hai phe: phe mất quyền lực và phe đạt được nó. Một bên đau xót không muốn rời bỏ quyền lực, bên kia vươn tới nó một cách quyết liệt.
Người chủ thực sự của Nhà Trắng vào mọi thời vẫn là ông Bạc tỉ. Trong những năm trước đây, những kẻ tàng hình - Moorgan, Dupont, Rockefeller và đồng bọn đã chiếm đóng Nhà Trắng. Bây giờ Harold Hatter và đồng bọn cũng sẽ lọt vào đó.
Đấy, chỉ vì muốn kể lại việc bọn Hatter làm bá chủ ở Nhà Trắng, ở trong nước mà tôi đã tiến hành ghi chép, và tôi có thể phải đem đầu ra trả giá cho điều ấy nếu như bị phát hiện.
o O o
Ở Love Field, dưới cân thang chiếc “Không lực-1”, Giăng-blát nhảy ra khỏi xe hơi đầu tiên. Chúng tôi vội vã bước lên máy bay.
- Che hết các rèm ở cửa sổ máy bay lại!
Đây là quyết định độc lập đầu tiên của vị tổng thống mới.
Tất cả những người trên chiếc "Không lực-1" đổ xô lại phòng khách, tới bên máy truyền hình. Johnson cũng đi tới. Mọi người vội vã giãn ra trước ông ta.
Bình luận viên vô tuyến truyền hình Dallas loan báo cái tin mà những thành viên Nhà Trắng đã biết cả. Bọn tội phạm đã bắn vào JFK còn chưa bị bắt giữ. Đang tiến hành truy tìm ráo riết. Tổng thống đã từ trần.
Johnson rời khỏi máy truyền hình và nặng nề thả người xuống đi-văng. Các hạ nghị sĩ cũng nhập theo. Ton-bơ-ri im lặng, còn Thomas và Brook rất hồi hộp và tranh nhau nói:
- Lindon, ngài trở thành niềm hy vọng lớn lao của dân tộc…
- Cả nước Mỹ bây giờ đang hướng về ngài…
- Chúng tôi đã hội ý và đã quyết định…
- Đất nước không thể thiếu tổng thống. Xin ngài hãy tuyên thệ, ngài Lindon, và nhậm chức.
Johnson chăm chú nghe và không nói gì. Khuôn mặt đờ ra. Thậm chí qua con mắt, mọi bữa rất truyền cảm, cũng không thể hiểu ông ta có thái độ thế nào đối với những lời đề bạt của các hạ nghị sĩ.
- Ông nghĩ sao, ông Homer? - ông ta hỏi hạ nghị sĩ Ton-bơ-ri im lặng và đang nghiêm mặt lại.
- Tôi không thấy cần phải vội vã làm gì. Ta sẽ bay về Washington, khi ấy nghĩ chuyện tuyên thệ cũng được.
- Không nên trì hoãn! - Thomas kêu lên. - Đất nước phải có tổng tư lệnh tối cao trước khi mặt trời lặn.
Brook ủng hộ Thomas:
- Thật là khủng khiếp, nếu nước Mỹ đón đêm nay không có lãnh tụ.
Khuôn mặt hạ nghị sĩ Ton-bơ-ri giật giật như bị đau răng khủng khiếp.
- Các vị, việc gì phải dùng lời đao to búa lớn? Nói có trời, chẳng có gì xảy ra với đất nước cả nếu Johnson tuyên thệ không phải ở đây, mà ở Washington.
- Có khả năng một âm mưu quốc tế chống Hoa Kỳ.
- Với những ai sợ kẻ nào không rõ và sợ cái gì không rõ thì bao giờ cũng có chuyện xảy ra, - Ton-bơ-ri cười khẩy. - Các ông có nhớ ông cha ta một trăm năm trước đã hành động thế nào trong trường hợp tương tự không. Abraham Lincoln bị sát hại đã được cả dân tộc khóc lóc. Chỉ sau đó mới có lễ tuyên thệ của tổng…
Nghị sĩ Ton-bơ-ri nói hay và có lý. Đối phương buộc phải chăm chú nghe ông nói. Tuy nhiên, khi ông ta chỉ vừa dứt lời, các nghị sĩ Thomas và Brook lại lên tiếng giữ vững quan điểm của mình. Cuộc tranh cãi bùng lên với sức mạnh mới.
- Tôi đồng ý! Tôi sẽ tuyên thệ bây giờ, - Johnson nói dõng dạc, cứng rắn. Ông ta đứng dậy vươn vai. Mặt nhợt nhạt. Trên trán lấm tấm mồ hôi. Đôi môi mỏng của cái miệng nhỏ run lên. - Mà lấy bài tuyên thệ ở đâu nhỉ? - Sau khi im lặng giây lát, ông ta quay lại cười với Ton-bơ-ri và nói thêm: - Để tôi thay áo sơmi đã.
Đấy bạn xem các nhà lãnh đạo quốc gia! Đấy bạn xem ông chủ mới được đăng đàn của Nhà Trắng! Họ nói những diễn từ dao to búa lớn về pháp quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu chính phủ, mà lại không thuộc bốn dòng bài tuyên thệ. Tôi đã gạo thuộc lòng từ hồi còn học những lớp dưới của trường tiểu học. Tổng thống nhậm chức sẽ đặt tay trái lên Kinh thánh, giơ tay phải lên và nhắc lại lời chánh án: "Tôi long trọng tuyên thệ sẽ đảm nhiệm một cách trung thành chức trách tổng thống Hoa Kỳ và sẽ đem hết khả năng của mình để tuân thủ, duy trì và bảo vệ hiến pháp của Hoa Kỳ". Cả thảy chỉ có thế.
Tôi phải làm gì bây giờ? Chia sẻ những kiến thức phổ thông với các vị đáng tôn kính ấy hay là im lặng? Tôi mở cuốn sổ ghi chép ra, viết nhanh và cẩn thận trên tờ giấy trắng: "Tôi long trọng tuyên thệ…". Tôi xé trang giấy ra và đặt nó trước mặt LBG.
LBG bỗng hồ nghi những chữ tôi viết, và quyết định gọi điện về Washington xin bài tuyên thệ. Trên chiếc "Không lực-1", trong phòng điện đài có một thiết bị đặc biệt cho phép tiến hành đàm thoại với Nhà Trắng và với tất cả các cơ quan chính phủ ở thủ đô.
Ru-phút Giăng-blát dẫn LBG vào phòng ngủ của vị tổng thống đã quá cố. Máy điện thoại đặt trên cái bàn con, bên cạnh quyển Thánh kinh của JFK. Giăng-blát ngồi lên giường Jackeline, vớ lấy ống điện thoại, lấy khăn mùi xoa lau nó và kính cẩn trao cho LBG. Lindon nặng nề, đến nỗi các lò xo đệm kêu lên ken két, hạ mình xuống bên cạnh viên cận vệ và yêu cầu cô điện thoại viên Nhà Trắng cho nối với bộ trưởng tư pháp Robert Kennedy. LBG hoạt bát và hết sức vắn tắt bày tỏ lời chia buồn đến ông em của người quá cố và trình bày một cách rành mạch và rõ ràng quan điểm của mình về sự kiện Dallas. Tội ác này là do kẻ thù của nước Mỹ gây ra. Cái đó rõ như ban ngày. Không một người Mỹ chân chính nào lại giơ tay ra sát hại tổng thống. Tên khủng bố đánh thuê không chỉ bắn vào tổng thống Kennedy, hắn còn bắn vào chính trái tim nước Mỹ. Hoàn toàn có khả năng là sự việc này "có thể là một phần trong một âm mưu quốc tế".
Từ những lời chung, Lindon chuyển sang công việc thực tế.
- Nhiều người ở đây cho rằng, - ông ta vừa nói vừa liếc sang Giăng-blát, - tôi phải tuyên thệ và nhậm chức không chậm trễ. Ông có ý kiến gì phản đối không? - Không đợi câu trả lời, ông ta nói thêm đầy ý tứ: - Đấy là ý kiến của các hạ nghị sĩ Brook và Thomas. Còn ý kiến ông?
Ở đầu dây bên kia im lặng hoàn toàn.
- Những người khác cũng giữ ý kiến như vậy, - Lindon Johnson cao giọng: - Tôi phải tuyên thệ nhậm chức khi nào và ra sao?
Robert Kennedy lặng thinh.
Sau này, Robert Kennedy kể lại là ông ta bị choáng váng vì hồi chuông điện thoại của LBG.
Robert đang đứng trước bễ bơi, nhìn mặt nước xanh xanh, cắn môi và giận dữ dí ống nghe vào cái tai ù đặc. Khó khăn lắm ông ta mới thốt ra được:
- Tôi sẽ rất sung sướng làm rõ ràng và báo cho ông.
Lindon biết lách đến đích bất chấp mọi thứ và mọi người.
- Chúng tôi gặp khó khăn trong việc kiếm bài văn tuyên thệ nhậm chức chính xác. Ông có trong tay đó không?
- Ông sẽ nhận được nó. Cái đó không thành vấn đề. Người ta sẽ tìm cho ông.
- Tuyệt lắm.
LBG đặt máy xuống, mỉm cười và phóng ra khỏi phòng ngủ. Bổ vào phòng khách, ông ta làm cái việc cương quyết trong giờ phút trọng đại này là tuyên bố với các nghị sĩ:
- Tôi mới vừa nói chuyện với bộ trưởng tư pháp và ông ấy cho biết là tôi phải tiến hành tuyên thệ tại đây.
Không ai nghi hoặc gì lời nói của LBG. Tổng thống nằm ngoài sự nghi ngờ. Vào hồi hai giờ hai mươi phút giờ địa phương, tức ba giờ hai mươi phút giờ Washington. Nhà Trắng đã chép bản tuyên thệ nhậm chức, xin nói thêm là đồng nhất với bản của tôi. Ních Cát-xen-bách, thứ trưởng tư pháp đã đọc nó qua điện thoại.
Bây giờ có lẽ đã ổn, có thể tuyên thệ được rồi. Nhưng vào phút giây cuối cùng mới vỡ lẽ ra là không thể làm việc ấy mà không có chánh án. Mà không phải chánh án vớ vẩn đâu nhé, mà phải là chánh án liên bang, bà Xa-ra Hiu-dơ, người gắn với Lindon Johnson bằng tình bạn riêng. Lễ mong đợi kia phải hoãn lại không biết đến bao giờ.
Tôi tận dụng dịp này để phóng ngay về Dallas, vào bệnh viện Pa-clen, nơi có nửa thứ hai của Nhà Trắng. Tôi báo cáo ý định này với LBG. Và được sự chấp thuận ngay của cấp cao nhất.
- Cậu cứ đi đi. Quan trọng là phải biết xem ở đấy ra làm sao. Mà liệu đừng có về dự lễ trễ đấy nhé…
Các thám tử đến nơi viên cảnh sát Típ-pốt chết, đã nhanh chóng dò ra dấu vết hung thủ và bủa lưới truy nã. Ở một thành phố lớn đuổi theo một kẻ biết chạy và biết lẩn là một việc khó, nhưng cảnh sát Dallas đứng đầu là Giét Ca-ri đã chứng minh rằng đối với nó không có việc gì là không làm được. Cảnh sát đột nhập vào rạp hát, nơi tên tội phạm đã chui vào. Người ta ngừng buổi chiếu. Đèn bật lên. Khán giả được yêu cầu ngồi tại chỗ. Người ta đi từng hàng ghế và tóm đúng kẻ đang bị truy tìm. Kẻ bị bắt là Lee Harvey Oswald. Hàng trăm quan chức cảnh sát, nhân viên hình sự tiến hành điều tra ráo riết.
Những điều ấy tôi được biết ở bệnh viện Pa-clen qua các bình luận viên phát thanh và vô tuyến truyền hình Dalla, qua các nhân viên mật vụ.
Lee Harvey Oswald?! Lee Harvey Oswald?! Tôi không biết hắn ta. Thế còn Hatter? Lão cũng chẳng cần biết đến một cái đinh ốc cỏn con nào đó trong bộ máy quân tàng hình chạy suông sẻ. Lão có thể cũng không biết đến cả những kẻ chỉ huy trực tiếp Lee Harvey Oswald. Và cả những kẻ chỉ huy hắn ta. Chỉ có đâu đó trên tận đỉnh bậc thang âm mưu có một kẻ, cả thảy một kẻ liên lạc với Hatter. Có thể hắn là Mark Trán to hoặc là Thợ giày.
Số người bị giết ở Mỹ vào năm 1963 tăng thêm hai người. Còn ngày mai sẽ đem đến điều gì? Và ngày kia? Ai sẽ bị chết sau tổng thống và viên cảnh sát?
Và Lee Harvey Oswald có được toàn vẹn không? [20]
Những hung thủ chính trị ở nước ta, theo lệ thường không xuất đầu lộ diện mà vẫn chỉ là những bóng ma mà thôi.
Các chuyên gia đã tiến hành chi li việc thống kê buồn thảm những cái chết do bạo lực ở Mỹ. Trong nửa đầu của thế kỷ này bảy trăm năm mươi nghìn người đã bị giết. Con số vượt hơn hẳn số binh sĩ hy sinh trong tất cả các cuộc chiến tranh của chúng ta. Cứ ba phút rưỡi lại có một vụ cướp bóc. Cứ sau hai mươi mốt phút lại có một vụ hãm hiếp. Sau bốn mươi tám phút - một vụ giết người. Người ta chết chủ yếu vì đạn. Mỗi năm ở ta bán tự do hai triệu súng trường và súng ngắn bắn nhanh. Người Mỹ có, không kể các quân nhân, hai trăm triệu vũ khí nóng. Hai trăm triệu! Mỗi anh chàng một khẩu, kể cả trẻ em…Các nhà khoa học tỉ mẩn đã tính toán không tồi. Nhưng tiếc thay, họ lại không tính đến những sự kiện chủ yếu nhất. Trong các sách tra cứu thống kê của họ nói rất đúng rằng người Mỹ hàng năm giết mười bảy nghìn người Mỹ. Nhưng lờ đi việc biết bao nhiêu người không phải Mỹ chết vì bàn tay của người Mỹ - ở Triều Tiên, ở Philippine, ở Cộng hòa Dominique, ở cửa ngỏ Cuba, ở Lào và Việt Nam - và cái phần đóng góp riêng của ông Bạc tỉ vào cuộc sát sinh này. Tôi xin sửa cái khiếm khuyết của các nhà thống kê. Các nhà máy của Hatter sản xuất ra một phần ba số được gọi là vũ khí thông thường. Cứ ba người lính và không lính thì lão dúi vào tay một súng colt, tiểu liên, súng trường và lựu đạn. Ở các nhà máy của lão, hàng nghìn, hàng nghìn nô lệ làm thuê chết đi, bàn cùng và lại sinh ra. Vậy ông Bạc tỉ là kẻ giết người chủ yếu trên trái đất.
Các chư vị gốc Mỹ, gốc Anh, gốc Nhật, gốc Italia, gốc Đức và gốc Pháp không chỉ giết người bằng súng đạn. Điều ấy được nói lên sâu sắc trong một cuốn sách hay mà tôi mới khám phá cho mình mới đây:
"Nếu một người gây phương hại thể xác cho một người khác, mà sự phương hại ấy kéo theo cái chết của nạn nhân thì ta gọi đó là sự giết người. Nếu kẻ giết người biết trước rằng phương hại ấy gây chết người, thì ta gọi hành động đó là sự giết người có chủ ý. Nhưng nếu một xã hội đặt hàng trăm người vô sản vào một tình trạng mà họ không tránh khỏi nhận lấy một cái chết sớm, phi tự nhiên, một cái chết bất đắc kỳ tử, chẳng khác nào chết vì gươm, vì đạn; nếu một xã hội tước bỏ của hàng nghìn thành viên của mình những điều kiện để sống, đặt họ vào những tình cảnh mà họ không thể sống được, nếu nó giương cánh tay mạnh mẽ của phát luật kìm giữ họ trong những điều kiện như vậy cho tới khi cái chết đến như một hậu quả không tránh khỏi, nếu nó biết, biết rất rõ rằng hàng nghìn người là nạn nhân ngã xuống vì những điều kiện ấy, mà nó vẫn không loại bỏ những điều kiện ấy đi, thì đó cũng là sự giết người, không khác gì sự giết người do một cá nhân thực hiện, chỉ có điều đó là sự giết người kín đáo, nham hiểm, mà không ai có thể ngừa được, một sự giết người không giống như sự giết người bởi vì không ai nhìn thấy hung thủ, bởi vì hung thủ là mọi người và không là ai cả, bởi vì cái chết của nạn nhân mang tính chất của cái chết tự nhiên, bởi vì đấy là bao nhiêu tôi gây nên thì cũng là bấy nhiêu tội đồng lõa. Dẫu sao đi nữa đó vẫn là sự giết người…".
Có ai đó oai vệ đặt lên vai tôi bàn tay nóng. Tôi ngoảnh lại và thấy bộ mặt buồn nhễ nhại mồ hôi của Mark Trán to. Hắn ở đâu chui ra vậy? Mới một phút trước có thấy hắn quanh quất đây đâu?
Ngạc nhiên với những hành động của những kẻ như Mark thì thật là ngốc. Những kẻ tàng hình lọt vào mọi chỗ và thực hiện những cái không ai ngờ.
Tôi không có sức giả vờ nữa. Với sự khủng khiếp, ghê tởm, tôi nhìn viên chủ tịch công ty Hatter và chờ xem hắn nói gì.
Mark kéo tôi vào cuối hàng lang và vừa thở vào mặt tôi, vừa thì thào:
- Hoàn thành rồi! Chúng nó không giữ được! Cái thằng đáng nguyền rủa, cái đồ chết tiệt đã giết tổng thống Mỹ ấy! Tên nó Lee Harvey Oswald. Rủi là nó lại là một người Mỹ, nhưng may thay, nó thuộc bọn đỏ. Đã từng sống mấy năm ở nước Nga. Có vợ người Nga. Lại chơi bời với bọn Cuba râu dài. Đúng cái quân sát nhân mà ta đã có lần nói đến. Anh còn nhớ chứ?
Nói đến đây, hắn dúi vào tay tôi một tập dày cộm.
- Cái gì thế này?
- Tất cả những gì anh cần để viết bài báo "Chân dung kẻ sát nhân: tư liệu về đời Oswald, về vợ nó, mẹ, anh em nó, về những quan hệ chính trị của nó, v.v…
- Nhưng tôi không định viết về hắn ta.
- Anh phải viết, anh Serge ạ. Hàng nghìn tờ báo Mỹ sẽ đăng nó. Và anh sẽ được một món nhuận bút kếch xù. Nào, đồng ý rồi chứ? Đừng có bỏ lỡ dịp được vinh quang và làm giàu tức khắc. Thông minh lên chứ, Serge!
Hắn áp đặt ý mình và, đúng với một bóng ma, đã biến đi hướng nào chẳng rõ. Còn tôi đứng ở hành lang, dán lưng vào bức tường lạnh như đá, và nghĩ đến những điều Trán to đã nói với tôi. "Oswald. Tên đỏ. Đã sống mấy năm ở Nga. Có vợ người Nga". Từ đâu ra mà hắn biết chi tiết đến thế về Lee Harvey Oswald? Cả trên đài lẫn vô tuyến có nói gì về tiểu sử của kẻ bị nghi can tội giết người đâu. Vậy là, Trán to đã biết Oswald từ trước, trước ngày hôm nay, trước sự kiện giết Kennedy? Hắn đã quen biết ở đâu, vào lúc nào? Hắn lại cần gã kia để làm gì? Có gì chung giữa một ông chủ bự của nước Mỹ và một người Mỹ không tiền của? Và ai đã kết Mark Hutson và Lee Harvey Oswald lại? Có phải Thợ giày không? Nhưng nếu đúng như tôi phỏng đoán, nếu Oswald là người của Thợ giày, nếu gã đã bắn vào tổng thống thì tại sao Trán to không lo ngại việc tên sát nhân bị tóm? Ngược lại, lại còn phấn chấn nữa. Sao hắn lại sẵn lòng bắt lấy giả thuyết vội vã của cảnh sát làm vậy? Sao hắn lại đề nghị tôi viết bài báo về tên sát nhân?
Không ai trả lời cho vô vàn những "tại sao" của tôi. Chính tôi, bằng bàn tay mình, tích tiểu thành đại, sẽ dựng lên chân dung của những kẻ chịu trách nhiệm về việc sát hại Kennedy và cả hàng triệu những người khác.
Phải, Trán to ạ, phải, tao sẽ phải thông minh lên.
Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình - Alexsandr Avdeenko Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình