Thằng Côn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 11
ùa đông năm nay khởi đầu bằng trận mưa dầm. Mưa kéo dài liền mấy ngày. Trời thấp xuống và đất muốn ủng ra. Không khí ẩm mốc, khó chịu vô cùng. Cảnh tượng buồn thảm đến nỗi con chim cu gáy của thằng Côn ngại ngùng không thèm gáy nữa. Nó cũng rét. Nhưng nó không được mặc áo len như Côn. Mùa đông chẳng có gì thú cả ngoài cái thú lén thầy ăn lạc rang trong lớp đang giờ học. Côn đã nghỉ ở nhà từ hôm thầy Đàn bỏ đi. Thầy mới chưa về dạy mà lính Nhật lại theo thông ngôn vào trường bắt thêm hai thầy lớp ba và lớp tứ. Hết sen đầm Tây bắt thầy giáo tới lính Nhật bắt.
Lính Nhật còn bắt vài người trong thị xã. Bố thằng Côn lo lắng lắm. Luôn luôn, bố nó nhắc nhở nó đừng nói những tiếng độc lập, cách mạng. “Nhật và Tây ghét độc lập, cách mạng”. Bố nó bảo thế. Bố nó còn dọa “Nhật nó bắt người nó đổ nước xà phòng cho uống rồi nó giẫm lên bụng, nước xà phòng phọt ra mũi, tai để tra tấn”. Côn biết thêm hai tiếng tra tấn. Côn không dám ghét lính Nhật. Nó sợ rồi. Côn sợ cả những con ngựa cao lênh khênh của Nhật thả rông ngoài bãi tha ma ngã tư Vũ Tiên.
Côn nằm ỳ ở nhà nghe giá lạnh, buồn tẻ và trùm kín chăn tưởng tượng mình là hiệp sĩ Tầu vung gươm đánh gẫy tan kiếm Nhật. Côn không dám hỏi bố tuy nó thèm hỏi về lính Nhật. Một ngày tạnh ráo, Côn chợt nhớ Vọng. Nó rủ Luyến đến nhà Vọng chơi. Thằng Vọng biết nhiều chuyện. Chắc nó sẽ biết chuyện lính Nhật sang Thái Bình làm gì. Khu Kỳ Bá đã có mặt lính Nhật. Lính Nhật đống khắp thị xã, mỗi nơi chỉ có lác đác hai ba người. Lúc Côn và Luyến tới, Vọng đang đắp chiếu nằm co tròn trên ổ rơm. Đầu nó gối lên cuốn David Copperfield. Vọng đọc đến trang gặp nhiều chữ khó, nó tức quá, gấp sách, nhét dưới gáy. Cuộc đời gian truân của con nhà David làm Vọng ấm áp, quên giá rét mùa đông. Biết bạn tới, Vọng vẫn nằm yên. Nó khoe:
- Thầy Hoan cho tao cuốn truyện tiếng Tây, bắt tao cố gắng đọc. Tao đọc thấy hay quá. Thằng David Copperfield còn khổ hơn tao.
Côn hỏi:
- Nó có biết đá bóng không?
Vọng đáp:
- Không, nó mồ côi bố mẹ. Chả hiểu cuối cùng nó có sướng không.
Luyến quỳ gối cạnh ổ rơm, đưa tay lôi cuốn sách. Nó dở trang đầu, lẩm nhẩm đọc:
Ừ, đói khổ phải đâu là tội lỗi
Anh cứ nghĩ mà càng thêm hổ tủi
Cảnh cơ hàn khốn nạn của chúng ta
Nuôi đi em cho đến lớn đến già
Mầm hận ấy trong lóng xương ống máu
Để mai mốt thêm hăng hồn chiến đấu
Mà hôm nay em đã nhóm trong lòng
Dưới những hàng chữ này là một chữ ký ngoằn ngoèo. Luyến hất đầu:
- Ai ký đây hở, Vọng?
- Thầy Hoan đấy.
Luyến lập trang thứ hai. Nó đọc lớn cho cả Côn nghe: “Tặng Nguyễn Hữu Vọng, người học trò thầy thương nhất”.
Luyến chớp mắt:
- Thầy mày thương mày ghê nhỉ, Vọng nhỉ?
- Ừ.
- Mày có biết thầy mày bây giờ ở đâu không?
- Không. Trước ngày thầy tao đi, thầy tao cho hai chục và bảo thế nào cũng có ngày thầy tao nuôi tao ăn học thành tài.
Côn ngồi xuống cạnh Vọng:
- Này Vọng, tại sao lính Nhật bắt các thầy?
Vọng tung chiếu ngồi dậy, mắt lấm la lấm lét:
- Nhật nó ác lắm. Nó là phát xít!
Côn nuốt nước bọt ực một cái:
- Phát xít là gì?
- Là phe trục.
- Phe trục là gì?
Vọng không giải nghĩa phe trục mà nói nhỏ:
- Thầy tao bảo Tây là thực dân, Nhật là phát xít. Tây và Nhật là kẻ thù của ta. Ta phải đánh đuổi nó để nước ta độc lập.
Côn há hốc miệng một lát. Nó lại biết thêm những tiếng phát xít, thực dân, phe trục. Và nó hiểu thầy Đàn đi đánh đuổi Tây và Nhật chứ không phải trốn tránh Tây, Nhật. Luyến thì thắc mắc những dòng chữ thầy Hoan viết ở trang đầu cuốn David Copperfield. Nó hỏi:
- Mấy câu thầy mày viết nghĩa là gì?
- Nghĩa là thầy tao bảo đói khổ không có tội.
- Còn “mầm hận ấy là mầm hận nào?
- Chắc mầm hận bị đói khổ!
Luyến ném trả cuốn sách cho Vọng. Nó lắc đầu:
- Ông đếch hiểu gì cả.
Vọng nhìn Côn:
- Thầy mày đi có cho mày gì không?
Côn thò tay vào túi móc ra nắm lạc rang đưa Vọng:
- Thầy tao bảo “con hãy can đảm, con phải yêu nước”. Bố tao bảo thầy tao là nhà cách mạng. Mày biết cách mạng là gì không?
Vọng vê vê bỏ lạc rồi cho vào miệng nhai:
- Cách mạng là đánh Tây đánh Nhật và độc lập.
Côn dụi mắt:
- Thảo nào thầy tao bảo “nước ta sẽ độc lập”.
Nó nói tiếp:
- Nhưng bố tao cấm tao nói đến độc lập, cách mạng.
Vọng thò tay gãi lưng:
- Ừ, nói đến, Nhật nó tẩn sặc gạch. Thầy tao dặn anh em nói nhỏ với nhau thôi.
Côn thấy Vọng cởi trần. Những cái gai ốc nổi trên da thịt nó. Côn ái ngại:
- Mày đừng chê nhé, Vọng nhé!
Vọng cười:
- Chê gì?
- Chốc nữa tao mang cho mày cái áo pum ô vơ cổ lọ của anh tao năm ngoái, mày mặc sẽ vừa, mày đừng chê nhé!
Vọng mân mê cái mép chiếu:
- Rồi anh mày lấy áo đâu mà mặc?
Côn phát Vọng một cái thật đau điếng:
- Anh tao à? Anh tao có áo len mới. Anh tao lớn, mặc áo cũ chật ních.
Luyến nói:
- Còn tao, tao cho mày cái phu la.
Vọng nín thinh. Nó đã sướng hơn thằng David Copperfield thật. Vọng không còn cô đơn, Vọng đã hết ghẻ, Vọng chẳng biết mùa đông nữa. Cuộc đời hẩm hiu của nó đã được đắp ấm bằng những chiếc chăn hồn nhiên, tha thiết của Vũ, của Côn, của Luyến … Nếu Vũ, Côn, Luyến, Lộc, Long mãi mãi là hàng rào, là bóng râm, là cơn nắng của Vọng, nó sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng bị đói khổ là mầm hận. Và lớn hơn, Vọng sẽ thấy thầy Hoan đã viết tặng nó những câu thơ vô nghĩa.
Côn không muốn ngồi bên Vọng lâu, sợ Vọng đổi ý. Nó kéo Luyến về. Lát nữa đây, Luyến có thể lại xách súng cao su đi bắn những chiếc lá chưa chịu lìa cành hay nằm mơ mùa hạ chóng sang. Côn không giống Luyến. Nó bước xa, bỏ Luyến một quãng dài. Tâm hồn nó bị những danh từ độc lập, cách mạng, phát xít, thực dân ám ảnh. Chuyện đánh Tây, Nhật để nước ta độc lập mà Vọng kể khiến nó nhhớ thầy Đàn thật nhiều. Cơn gió nhẹ của mùa đông đã lùa vào mùa xuân hồn nhiên của thằng Côn. Mà nó không biết. Mà chẳng ai biết.
- Côn này, Tết mày có về quê không?
- Không.
- À con Thúy mới cãi nhau với con Ngọc.
- Kệ nó.
- Tối nay tới nhà tao ăn ngô rang trộn mật nhé?
- Bố tao không cho đi. Tao sợ lính Nhật.
Luyến cáu kỉnh:
- Kệ bu Nhật, mày cứ Nhật Nhật mãi. Nhật ăn thua gì tới mình. Ngày nào tao chả gặp Nhật, nó vẫn vẫy tay chào tao, ông đếch sợ Nhật.
Côn hích Luyến:
- Thôi, tao về đây.
Côn đá Luyến một cái rồi bỏ chạy. Vua súng cao su móc súng ra bắn. Nhưng nó không cố tình bắn trúng Côn. Viên đạn đất nung trúng cột đèn, vỡ tan. Côn quay lại, lè lưỡi chế Luyến rồi vù mất.
Thằng Côn Thằng Côn - Duyên Anh Thằng Côn