Mười
hói lửa vẫn bốc lên từ đống tro tàn.
CHAUCER
Tôi hẹn gặp Ronnie lúc bốn rưỡi chiều, khi phòng tranh đóng cửa và làn sóng rầm rộ đổ xô mua sắm của khách hàng đã được chặn an toàn bên ngoài, để rồi thêm một đêm nữa họ rỏ dãi chờ trên vỉa hè với những cái giường di động và tập séc mở sẵn.
Tôi không nhiệt thành tranh thủ sự giúp đỡ của Ronnie, nhưng cô là kiểu người trẻ tuổi ham vui, những người mà, vì lý do nào đó, cảm nhận được sự gắn bó giữa hành vi nghĩa hiệp với tính mạo hiểm cao và không thể cưỡng lại nó được. Tôi không cho cô biết rằng chuyện này cho tới giờ chỉ liên quan đến những lỗ đạn và những bìu dái bị bóp giập, bởi vì không thể bỏ qua khả năng có thể cô sẽ cực kỳ hữu ích. Bởi vì, thứ nhất, bây giờ tôi không có phương tiện đi lại, và thứ hai, tôi thường suy nghĩ tốt hơn khi có ai đó ở bên cạnh để nghĩ hộ.
Tôi nướng vài tiếng ở Thư viện Anh, cố gắng tìm cho ra mọi điều có thể tìm về Tập đoàn Mackie của Mỹ. Gần như toàn bộ thời gian tôi luẩn quẩn với những hộp tra mục lục, nhưng trong mười phút cuối cùng trước khi phải đi, tôi đã kịp kiếm được thông tin vô giá sau đây: Mackie là một kỹ sư người Scotland đã làm việc cùng Robert Adams để chế tạo một loại súng ngắn ổ quay thân liền đạn nhồi, kim hỏa-cò kết hợp, hai khẩu trong số đó đã được trưng bày tại Đại Triển lãm ở Luân Đôn vào năm 1851. Tôi cũng chẳng buồn ghi lại điều đó.
Khi chỉ còn một phút nữa thì phải đi, tôi bỗng bắt gặp một tập tài liệu xỉn màu có tên gọi Nanh cọp, được thiếu tá J.S. Hammond (đã nghỉ hưu) viết, nhờ đó tôi phát hiện ra rằng Mackie đã thành lập một công ty mà kể từ đó đến nay đã phát triển thành nhà cung cấp “trang thiết bị” lớn thứ năm cho Lầu Năm Góc. Trụ sở công ty hiện đặt tại Vensom, California, và lợi nhuận trước thuế hằng năm được công bố gần đây nhất có nhiều số không ở đằng sau đến nỗi tôi ghi lên mu bàn tay không xuể.
Trên đường trở về phố Cork, đang lạng lách giữa những người đi mua sắm buổi chiều thì tôi nghe tiếng rao báo, có thể đây là lần đầu tiên trong đời tôi thực sự hiểu người đó nói cái gì. Những khách qua đường khác chắc đã nghe thấy rao “Ba người hết tiền may mắn trúng xổ số”, nhưng chẳng cần liếc qua tờ quảng cáo tôi cũng biết điều anh ta rao thực ra là “Ba người chết trong một vụ nã súng trong thành phố.” Tôi mua một tờ vừa đi vừa đọc.
Cảnh sát đang tiến hành một “cuộc điều tra quy mô lớn” sau khi phát hiện ba xác chết đàn ông, tất cả đều do bị đạn bắn, tại một văn phòng vô chủ ngay giữa trung tâm khu tài chính Luân Đôn. Cả ba xác chết, chưa xác định tung tích, được phát hiện bởi nhân viên an ninh, ông Dennis Falkes, năm mốt tuổi, cha của ba người con, khi ông quay trở lại sở sau buổi hẹn khám răng với nha sĩ. Người phát ngôn của cảnh sát từ chối đưa ra ý kiến về động cơ đằng sau vụ giết hại, nhưng hiển nhiên không thể loại trừ nguyên nhân do ma túy. Không có bức ảnh nào. Chỉ có câu chuyện dây cà ra dây muống về sự gia tăng lượng người chết có liên quan tới ma túy ở thủ đô trong hai năm qua. Tôi lẳng tờ báo vào thùng rác và tiếp tục bước đi.
Dennis Falkes đã nhận tiền từ một kẻ nào đó, điều ấy rõ như ban ngày. Có khả năng là chính Chải Chuốt đã trả tiền cho ông ta, bởi thế khi Falkes quay lại và nhận ra nhà hảo tâm của mình đã bị bắn chết thì ông ta cũng chẳng còn động lực nào mà giấu giếm cảnh sát nữa. Tôi mong rằng câu chuyện về nha sĩ là có thật. Nếu không, cảnh sát sẽ làm cho cuộc đời của ông ta trở nên khốn khổ khốn nạn.
Ronnie đang đợi tôi trong xe của cô ở bên ngoài phòng tranh. Đó là một chiếc TVR Griffith màu đỏ tươi, động cơ V8 năm lít, tiếng nổ ống xả thì đang ở tận Bắc Kinh cũng nghe thấy. Về khía cạnh nào đó có vẻ nó không đạt chuẩn một chiếc xe hoàn hảo cho công việc theo dõi bí mật, nhưng (a), cái thế của tôi bây giờ thì không thể đòi hỏi gì hơn, và (b), có một niềm hứng thú khó cưỡng khi bước lên chiếc xe thể thao mui trần do một phụ nữ xinh đẹp cầm lái. Cứ như là một phép ẩn dụ vậy.
Ronnie đang cao hứng, điều đó không có nghĩa là cô chưa đọc câu chuyện về Woolf trên báo. Thậm chí dù cô đã đọc rồi, thậm chí dù cô biết rằng Woolf đã chết, tôi không chắc là điều đó sẽ tạo ra nhiều khác biệt ở cô. Ronnie có thứ mà người ta thường gọi là sự can trường. Hàng thế kỷ truyền giống, có lúc nhận thêm vào, có lúc bị mất đi, đã cho cô đôi gò má cao và sở thích phiêu lưu mạo hiểm. Tôi hình dung rằng, lúc mới lên năm, cô đã phóng qua hàng rào cao hai mét rưỡi trên lưng con ngựa lùn tên Winston, liều mạng sống bảy chục lần trước khi chịu vào ăn sáng.
Cô lắc đầu khi tôi hỏi cô đã tìm thấy gì trong ngăn kéo của Sarah ở phòng tranh, rồi cô lại quấy rầy tôi với bao nhiêu câu hỏi suốt đường đến Belgravia. Tôi chẳng nghe thấy một câu nào bởi tiếng gầm từ ống xả chiếc TVR, nhưng cứ gật và lắc mỗi khi thấy có vẻ thích hợp.
Khi chúng tôi tới phố Lyall, tôi gào lên rằng cô hãy chạy vượt qua ngôi nhà đó và đừng có nhìn gì khác ngoài con đường trước mặt. Tìm thấy một cuộn băng của AC/DC, tôi liền nhét vào trong cassette và vặn to lên hết cỡ. Tôi đang hoạt động trên nguyên tắc rằng ta càng ồn ào thì càng đỡ có vẻ khả nghi. Nếuđược lựa chọn, tôi sẽ nói rằng ta gây càng nhiều chú ý thì sẽ càng bị chú ý, nhưng lựa chọn là thứ mà tôi không dư dả vào lúc này. Nhu cầu là mẹ đẻ của cái “tự huyễn hoặc bản thân”.
Khi chúng tôi vượt qua nhà Woolf, tôi đưa tay lên mắt mà chọc ngoáy một tí, điều đó giúp tôi có thể ngó mặt tiền của ngôi nhà một cách kỹ lưỡng trong khi điều chỉnh kính áp tròng. Nó trông thật trống trải. Nhưng vẫn thế mà, tôi cũng chẳng mong sẽ thấy người ta đang ôm hộp đàn vĩ cầm đứng trước bậc tam cấp.
Chúng tôi đi vòng quanh dãy nhà và tôi ra hiệu cho Ronnie đỗ lại cách ngôi nhà chừng trăm mét. Cô tắt máy, và trong vài giây tai tôi bị inh lên bởi sự im lặng đột ngột. Rồi cô quay sang tôi, và tôi thấy những nốt đỏ đã trở lại trên hai má cô.
“Giờ sao, sếp?”
Cô thực sự bị hấp dẫn bởi vụ này.
“Tôi sẽ đi ngang qua xem có gì không.”
“Rồi. Còn tôi làm gì?”
“Nếu cô cứ ở nguyên đây thì tốt quá,” tôi nói. Mặt cô xị xuống. “Trong trường hợp tôi phải thoát ra thật nhanh.” Tôi thêm vào, và mặt cô liền đỡ xị hơn một chút. Cô thò tay vào trong túi xách, lấy ra một hộp thuốc lá nhỏ màu đồng thau, ấn vào tay tôi.
“Cái gì thế?” Tôi hỏi.
“Báo động chống cưỡng hiếp. Nhấn vào đỉnh ấy.”
“Ronnie...”
“Cầm đi. Nếu nghe thấy nó, tôi sẽ biết là anh cần đón.”
Khu phố nhìn vẫn bình thường, mỗi căn nhà có giá ít nhất hai triệu bảng. Chỉ nguyên giá trị của những chiếc xe hơi xếp hàng dọc hai bên con phố có lẽ cũng đã vượt quá tài sản của nhiều nước nhỏ. Hơn chục chiếc Mercedes, hơn chục chiếc Jaguar và Daimler, năm chiếc Bentley Saloon và một Bentley mui trần, ba Aston Martin, ba Ferrari, một Jensen, một Lamborghini.
Và một Ford nữa.
Màu xanh dương đậm, quay đầu ra phía kia, đối diện với căn nhà bên kia đường, vì thế tôi không nhận ra nó khi đi vòng qua lần đầu. Hai ăng ten. Hai gương chiếu hậu. Một vết lõm ở nửa chừng cửa trước. Kiểu vết lõm do va quệt vào sườn một chiếc xe máy cỡ lớn.
Một người đang ngồi ở hàng ghế sau.
Cảm giác đầu tiên của tôi là nhẹ cả người. Nếu như họ đang chốt người quanh khu nhà của Sarah thì nhiều khả năng là họ chưa bắt được cô, và ngôi nhà là nơi tốt nhất còn lại để họ tóm được cô. Nhưng mà cũng có thể họ đang giữ Sarah và chỉ cử ai đó quay lại để lấy bàn chải đánh răng cho cô. Ấy là nếu như cô còn cái răng nào.
Chẳng ích gì khi cứ lo lắng về điều đó. Tôi tiếp tục đi về phía chiếc Ford.
Nếu như từng được huấn luyện về lý thuyết quân sự, có thể anh đã ngồi nghe giảng về một thứ được gọi là vòng lặp Boyd. Boyd là một tay đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về chiến thuật không-đối-không trong chiến tranh Triều Tiên, phân tích những “chuỗi sự kiện” điển hình - hoặc theo ngôn ngữ của những người không chuyên thì là chuỗi các sự kiện - để thấy tại sao phi công A có thể bắn hạ phi công B, và phi công B cảm thấy như thế nào sau đó, và ai trong số họ ăn sáng với ketri. Lý thuyết của Boyd dựa trên những quan sát cực kỳ nghèo nàn rằng A làm điều gì đó, B phản ứng, A làm điều gì khác, B lại phản ứng, và cứ thế, tạo ra một vòng lặp gồm những hành động và những đáp trả. Vòng lặp Boyd. Nếu như hiểu được, có thể anh sẽ nghĩ đó là một công trình thú vị. Nhưng khoảnh khắc “Eureka” của Boyd, vốn làm cho tên tuổi ông ta được bàn tán trong các học viện quân sự trên khắp thế giới tới tận bây giờ, đã vụt đến khi ông ta nhận ra rằng, nếu B có thể làm hai việc trong khoảng thời gian mà thường anh ta chỉ dùng để làm một thứ, anh ta sẽ “nhảy vào trong vòng lặp”, và khả năng đúng sẽ tăng lên.
Lý thuyết của Lang, vốn đề cập tới vấn đề tương tự nhưng giá cả rẻ hơn nhiều, là hãy đấm vào mặt anh bạn kia trước khi anh ta có cơ hội thoát ra.
Tôi vòng ra đằng sau chiếc Ford từ phía tay trái, dừng lại ngang hàng với nó, nhìn lên ngôi nhà của Woolf. Người ngồi trong chiếc Ford không nhìn tôi, điều lẽ ra anh ta đã làm nếu là một thường dân, bởi vì người ta thường nhìn người khác khi chẳng có việc gì để làm. Tôi cúi xuống gõ vào cửa kính xe. Anh ta quay lại ngó tôi một lúc trước khi hạ cửa xuống, nhưng tôi có thể nói rằng anh ta đã không nhận ra tôi. Anh ta khoảng chừng bốn mươi và đang thưởng thức whisky.
“Anh là Roth à?” Tôi bắt đầu, bằng giọng Mỹ tốt nhất tôi có thể bắt chước - thế thực ra cũng là khá tốt rồi, tôi tự nhủ.
Anh ta lắc đầu.
“Roth tới đây chưa?” Tôi hỏi.
“Roth là thằng quỷ nào thế?” Tôi cứ nghĩ anh ta là người Mỹ, nhưng giọng anh ta lại đặc Luân Đôn.
“Chết tiệt,” tôi nói, thẳng người dậy và nhìn về hướng căn nhà.
“Ông là ai?”
“Dalloway,” tôi nói, nhăn trán. “Họ có nói với anh là tôi tới không?” Anh ta lại lắc đầu. “Anh đã ra khỏi xe phải không? Lỡ điện thoại rồi chứ gì?” Tôi ra vẻ đanh thép, nói nhanh và to, khiến anh ta bối rối. Nhưng không có vẻ nghi ngờ. “Nghe tin rồi chứ? Đã xem trên báo chưa, Chúa ơi! Ba người chết, và Lang không nằm trong số đó.” Anh ta chằm chằm nhìn tôi. “Chết tiệt,” tôi nói lại, phòng khi anh ta chưa nghe thấy lúc tôi nói lần đầu.
“Giờ thì sao?”
Xì gà cho ngài Lang. Tôi đã phỉnh được anh ta. Tôi cắn môi một lúc, rồi quyết định mạo hiểm.
“Anh ở đây một mình?”
Anh ta hất cằm về phía ngôi nhà.
“Micky đang ở trong đó.” Anh ta liếc đồng hồ đeo tay. “Mười phút nữa bọn tôi sẽ đổi ca.”
“Giờ đổi luôn đi. Tôi phải vào trong đó. Đã thấy ai đến đây chưa?”
“Chẳng có ai cả.”
“Điện thoại?”
“Có một lần. Giọng con gái, khoảng một giờ trước đây. Hỏi gặp Sarah.”
“Rồi. Đi nào.”
Tôi đã ở trong vòng lặp Boyd của anh ta, điều đó hiển nhiên. Thật lạ khi thấy ta có thể khiến người khác làm những việc gì một khi bước khởi đầu của ta chính xác. Anh ta trèo ra khỏi xe, như thể háo hức chứng tỏ mình có thể ra khỏi đó mau lẹ đến chừng nào, rồi sóng vai cùng tôi khi tôi sải bước về phía ngôi nhà. Tôi lấy chùm chìa khóa căn hộ của tôi trong túi và dừng lại.
“Các anh có quy ước gõ cửa không?” Tôi hỏi khi chúng tôi tới cửa trước.
“Xin lỗi?”
Tôi đảo mắt vẻ mất kiên nhẫn.
“Một kiểu gõ cửa. Ra hiệu. Tôi không muốn Micky cho tôi ăn một phát xuyên ngực khi tôi bước qua cái cửa chết tiệt này.”
“Không, chúng tôi chỉ... À, tôi chỉ gọi ‘Micky’.”
“Chà, ngắn gọn đấy nhỉ.” Tôi nói. “Ai nghĩ ra mà hay thế?” Tôi bày đặt một tí, cố khích bác để anh ta hết lòng thể hiện sự hữu dụng của mình. “Gọi đi.”
Anh ta ghé miệng vào hộp thư.
“Micky,” anh ta gọi, rồi ngước nhìn lên, vẻ hối lỗi. “Tôi đây.”
“Ồ, tôi biết rồi,” tôi nói. “Đó là cách để anh ta biết đó là anh. Tuyệt.” Lặng một lúc, rồi chốt cửa xoay và tôi đi thẳng vào trong nhà.
Tôi cố không nhìn Micky nhiều, bởi thế anh ta biết mình không phải tiêu điểm của vấn đề. Nhưng thoáng nhìn qua cũng thấy được anh ta khoảng hơn bốn mươi, gầy như que củi. Anh ta mang bao da ở hông và một khẩu ổ xoay, có lẽ mặc cả quần áo nữa, nhưng tôi không chú ý đến quần áo.
Khẩu súng lục ổ xoay được tráng một lớp niken của Smith& Wesson, nòng ngắn và kim hỏa liền, làm cho nó có khả năng bắn được từ trong túi quần. Có lẽ là một khẩu Bodyguard Airweight hay một loại tương tự. Một kiểu súng lén lút. Anh có thể hỏi tôi liệu có thể kể tên các loại súng trung thực, trang nhã, công bằng không, và tất nhiên tôi không thể kể. Tất cả các loại súng đều bắn đạn chì vào người ta nhằm gây hại, nhưng dù có vậy đi nữa thì mỗi một loại súng cũng có ít nhiều tính cách. Và một số loại thì lén lút hơn những loại khác.
“Anh là Micky?” Tôi hỏi và mải miết nhìn quanh căn phòng.
“Là tôi,” Micky là người Scotland, và đang nóng lòng theo dõi biểu hiện của anh chàng đi cùng để xem tôi là đứa quái nào. Micky sẽ là tay rắc rối đây.
“Dave Carter gửi lời trân trọng.” Tôi có một tay bạn học cũ tên Dave Carter.
“Ồ. Vâng,” anh ta nói. “Đúng thế.”
Tuyệt cú mèo. Hai vòng Boyd trong vòng năm phút. Trong cơn ngất ngây chiến thắng, tôi bước về phía bàn, nhấc điện thoại.
“Gwinevere,” tôi nói, vẻ bí ẩn. “Tôi ở trong rồi.”
Tôi để ống nghe lại giá và đi về phía cầu thang, tự rủa mình đã làm hơi quá. Có thể họ sẽ không dính chiêu đó. Nhưng khi tôi quay lại thì cả hai vẫn đứng đó, ngoan ngoãn như những chú cừu, với cái vẻ “ông là người chăn dắt” trên khuôn mặt.
“Phòng nào là phòng ngủ của cô con gái?” Tôi cáu kỉnh. Hai con cừu nhìn nhau vẻ bồn chồn. “Các anh đã kiểm tra các phòng rồi, phải không?” Họ gật đầu. “Thế đâu là phòng có gối thêu và poster của Stefan Edberg hả, lạy Chúa?”
“Phòng thứ hai bên tay trái,” Micky nói.
“Cảm ơn.”
“Nhưng...”
Tôi lại dừng. “Nhưng gì?”
“Không có poster...”
Tôi nhìn cả hai, cái nhìn vừa héo hắt, vừa như khinh miệt và bước tiếp lên cầu thang.
Micky nói đúng, không có poster nào của Stefan Edberg. Cũng không có nhiều gối thêu đến thế. Tám cái, có lẽ thế. Nhưng mùi Fleur de Fleurs thì vẫn thoảng trong không khí, khoảng một phần triệu, và tôi nghe một cảm giác đau đớn đột ngột vì lo lắng và mong ngóng. Lần đầu tiên tôi nhận ra mình muốn bảo vệ Sarah đến chừng nào, bảo vệ cô trước bất cứ thứ gì, trước bất cứ kẻ nào.
Có thể đó chỉ là nỗi đau khổ kiểu đàn bà của các thiếu nữ trong lúc khốn quẫn, biết đâu một ngày nào đó hoóc môn của tôi lại bận rộn với một đối tượng khác thì sao. Nhưng vào lúc đó, khi đứng giữa phòng ngủ của cô ấy, tôi muốn giải thoát cho Sarah. Chẳng phải chỉ bởi vì cô tốt còn những gã xấu xa thì không, mà còn bởi tôi thích cô. Tôi rất thích cô.
Chuyện đó nói vậy đủ rồi.
Tôi đến cái bàn cạnh giường, nhấc ống nghe, nhét đầu ống nói xuống dưới một cái gối. Nếu một trong hai con cừu bắt đầu lấy lại can đảm, hoặc chỉ là đâm tò mò mà muốn thử Gọi-Hỏi-Đáp, tôi sẽ nghe thấy. Nhưng cái gối sẽ không cho họ nghe thấy tôi.
Tôi kiểm tra tủ quần áo trước, cố đoán xem liệu một lượng kha khá quần áo của Sarah có bị lấy đi hay không. Có vài cái móc trống còn treo ở đó, nhưng chừng đó không đủ để nói lên rằng đã có một cuộc ra đi trật tự tới một nơi xa xôi.
Bàn trang điểm rải rác những lọ và chổi. Kem bôi mặt, kem bôi tay, kem mũi, kem mắt. Tôi băn khoăn trong một thoáng không rõ nếu ta trở về nhà khi say rượu và lỡ bôi kem tay lên mặt, quết kem bôi mặt lên tay thì có gì nghiêm trọng lắm không.
Ngăn kéo của bàn trang điểm cũng chứa những thứ như thế. Tất cả dụng cụ cùng những thứ bôi trơn cần thiết cho một phụ nữ hiện đại Công thức 1 sẵn sàng lên đường. Nhưng hoàn toàn không có kẹp hồ sơ nào.
Tôi đóng tất thảy những thứ ấy lại và đi tới phòng tắm kế bên. Bộ áo dài lụa Sarah đã mặc hôm đầu tiên tôi gặp cô vẫn treo phía sau cửa. Có một bàn chải đánh răng trên giá ở bồn rửa mặt.
Tôi quay trở lại phòng ngủ nhìn xung quanh, hy vọng có dấu hiệu gì đó. Ý tôi là, không phải những dấu hiệu thực sự - tôi không mong sẽ nhìn thấy một địa chỉ được viết bằng son môi ở trên gương - nhưng vẫn hy vọng có cái gì đó, có cái gì đáng lẽ phải ở đó mà lại không ở đó, hay cái gì đáng lẽ không ở đó nhưng lại ở đó. Chẳng có dấu hiệu nào, nhưng có cái gì đó không ổn. Tôi phải đứng ở giữa phòng lắng nghe một lúc, trước khi nhận ra đó là cái gì.
Tôi không thể nghe thấy hai con cừu nói chuyện. Thế là có vấn đề rồi. Đáng lẽ họ phải có bao nhiêu thứ để nói với nhau. Nói gì thì nói, tôi là Dalloway, và Dalloway là một thành tố mới trong cuộc sống của họ, đáng ra họ nên nói chuyện về tôi mới phải.
Tôi bước tới cửa sổ, nhìn xuống dưới đường. Cánh cửa của chiếc Ford đang mở, và có vẻ như cái chân lông lá của cừu đang thò ra khỏi đó. Anh ta đang nghe đài. Tôi lấy điện thoại ra khỏi giường, đặt nó trở lại giá đỡ, và trong khi làm vậy tôi tự động mở ngăn kéo của chiếc bàn cạnh giường. Đó là một ngăn kéo nhỏ, nhưng dường như lại chứa nhiều thứ hơn phần còn lại của gian phòng. Tôi lục lọi các tập khăn giấy, băng bông, khăn giấy, kéo cắt móng tay, một thanh sô cô la Suchard ăn dở, khăn giấy, vài cái bút, cái nhíp, khăn giấy, khăn giấy - phụ nữ họ ăn những thứ vớ vẩn này hay sao thế? - và đây, ở đáy ngăn kéo, núp dưới một xấp khăn giấy là một gói nặng bọc trong mảnh da dê. Khẩu Walther TPH nhỏ bé mê hoặc của Sarah. Tôi nhả băng đạn ra và kiểm tra tất cả các rãnh ở hông. Còn đầy.
Tôi thả khẩu súng vào trong túi, hít một hơi dài đầy mùi nước hoa Nina Ricci, rồi bước ra.
Mọi thứ đã thay đổi với bầy cừu kể từ lần cuối tôi nói chuyện với họ. Hiển nhiên là theo chiều hướng xấu. Cửa trước mở toang, Micky đang dựa người vào tường, tay phải đút túi quần, còn Whisky đang đứng trên bậc cầu thang bên ngoài, nhìn xuống dưới đường. Anh ta quay lại khi nghe thấy tiếng tôi từ cầu thang.
“Không có gì,” tôi nói, rồi chợt nhớ ra là tôi phải giữ vai một người Mỹ. “Chả có cái chết tiệt gì. Anh đóng cửa vào cái.”
“Hai câu hỏi,” Micky nói.
“Được!” Tôi nói. “Nhanh đấy nhé.”
“Dave Carter là thằng cha quái quỷ nào thế?”
Có vẻ không ích gì lắm khi nói với anh ta rằng Dave Carter đã năm lần vô địch hạng dưới mười sáu tuổi ở trường, và anh ta sẽ làm việc cho công ty kỹ thuật điện của bố mình ở Hove. Thế nên tôi nói, “Câu hỏi thứ hai là gì?”
Micky liếc nhìn Whisky, anh này tiến tới trước cửa và chắn ngay ở lối ra của tôi.
“Còn ông là thằng nào?”
“Dalloway,” tôi nói. “Có cần tôi viết ra cho các anh không? Có chuyện quái gì với các anh thế?” Tôi đút tay vào trong túi và nhìn thấy tay phải của Micky cũng di chuyển vào túi của anh ta. Nếu như anh ta định giết tôi, tôi biết sẽ không bao giờ nghe thấy tiếng nổ. Tôi vẫn cứ để tay trong túi bên phải. Khổ cái là khẩu Walther tôi đút ở bên trái. Tôi lại đưa tay ra, chầm chậm, tay nắm lại. Micky đang quan sát tôi như một con rắn.
“Goodwin nói chưa từng nghe về ông. Ông ta không cử ai tới đây cả. Cũng chưa hề nói với ai rằng chúng tôi đang ở đây.”
“Goodwin là thằng khốn nạn lười nhác, không hiểuchuyện gì cả,” tôi nói, vẻ cáu kỉnh. “Làm sao hắn có thể sửa được cái tính đó cơ chứ?”
“Chẳng làm sao cả,” Micky nói. “Muốn biết tại sao không?” Tôi gật đầu. “Có, tôi muốn biết.”
Micky cười. Anh ta có hàm răng phát sợ. “Bởi vì chưa từng có Goodwin nào cả,” anh ta nói. “Tôi bịa ra đấy.”
Chà, thế đó. Tôi đã bị lừa vào vòng lặp. Gậy ông đập lưng ông.
“Tôi hỏi lại ông một lần nữa,” anh ta nói, hướng về phía tôi. “Ông là ai?”
Tôi xuôi vai xuống. Trò chơi lên cao trào rồi. Tôi đưa cổ tay ra đằng trước kiểu như “còng tay tôi đi, cán bộ”.
“Anh muốn biết tên tôi?” Tôi hỏi lại.
“Đúng thế.”
Lý do họ không bao giờ nghe thấy tên của tôi là bởi vì chúng tôi bị ngắt quãng bởi một tiếng rú với âm độ cực mạnh tới thủng màng nhĩ. Âm thanh đó dội vào sàn và trần nhà phản xạ lại mạnh gấp đôi, làm lộn óc và khiến mắt mờ đi.
Micky nhăn nhó lùi lại dọc theo bức tường, còn Whisky bắt đầu đưa tay lên tai. Trong khoảng nửa giây họ dành cho tôi, tôi chạy ra cánh cửa mở và dùng vai phải húc vào ngực Whisky. Anh ta bật ngửa ra sau và ngã vào tay vịn cầu thang, trong khi tôi rẽ trái và chạy dọc phố với tốc độ tôi chưa từng chạy kể từ năm mười sáu tuổi tới giờ. Nếu có thể chạy xa gần hai mươi mét khỏi khẩu Airweight, tôi sẽ có cơ thoát thân.
Thực tình mà nói, tôi không biết họ có bắn theo không. Sau âm thanh không tưởng từ cái hộp đồng nhỏ của Ronnie, hai tai tôi không ở trong trạng thái tiếp nhận thông tin nữa.
Tất cả những gì tôi biết là họ đã không hiếp tôi.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm