Chương 10 -
1 giờ. Tôi đứng vỉa hè Công Lý số chẵn nhìn sang nhà tôi. Đặng Xuân Côn đợi tôi trước cổng. Con đường Công Lý như con đường Hai Bà Trưng, như tất cả những con đường của Sài gòn, cuồn cuộn sóng người. Người người, lớp lớp. Phải nói lớp lớp người, lớp lớp cờ, lớp lớp khẩu hiệu. Không phải là sự sách động ngoạn mục của cộng sản đâu. Cũng không phải là sự tình nguyện hoan hô cách mạng vô sản đâu. Mà chỉ là lời hăm doạ biển máu của người Mỹ vất lại, trước khi họ cuốn cờ cút chạy. Người Mỹ thí quân dân ta khá nhiều. Người Mỹ bỏ ngỏ Mậu Thân cho cộng sản tiêu diệt quân dân ta, cho những nấm mồ chôn sống tập thể ở Huế. Người Mỹ đẩy quân ta sang Hạ Lào cho một chiến trường đợi sẵn của cộng sản để quân ta thảm bại. Người Mỹ oanh kích tự do như khai phóng tự do, dân chủ xuống những vùng nông thôn khó kiểm soát an ninh. Người Mỹ thả bom CBU thí nghiệm lương tâm dân tộc Mỹ và lương tâm nhân loại. Chẳng có phản ứng gì? Người Mỹ dọa biển máu, tặng cộng sản một cuộc tiếp rước linh đình của dân miền Nam. Và, một số người Việt Nam lý luận rằng, nhờ Mỹ dọa biển máu mà cộng sản không dám chơi biển máu. Người ta không chịu hiểu rằng thời đại của tàn sát đã cáo chung. Biển máu của Mỹ chỉ nhắm mục đích khiến chúng ta sợ hãi tìm lối thoát thân để quên hết chuyện kết đoàn chiến đấu ngăn chặn cộng sản. Và rồi, vì sợ hãi biển máu, dân Sài gòn cam đành ra đường phố hoan hô cộng sản. Chẳng còn nỗi đau đớn nào hơn nỗi đau đớn mỉm cười hoan hô cộng sản trong cảnh huống rụng rời sợ hãi. Con người có khôn lớn chút nào từ nỗi đau đớn này không nhỉ?
Tôi cố lách băng qua đường. Không còn chỗ cho xe đạp lưu thông nữa. Cũng không thấy bóng dáng bộ đội miền Bắc và giải phóng quân miền Nam trong người người, lớp lớp. Toàn là dân Sài gòn. Đủ mọi thành phần. Cỏ đuôi chó và bọn nằm vùng, tay đeo băng đỏ, điều khiển an ninh, trật tự. Tôi vất vả lắm mới len tới cổng nhà mình, hai chai rượu còn nguyên.
- Mày đi lâu thế? Côn hỏi.
- Gặp thằng Thế Phong, ăn tô mì, uống chai bia. Tôi đáp.
- Bình yên.
- Bình yên cái gì?
- Chưa có dấu hiệu hỏi thăm mày.
- Đêm nay sẽ có.
Tôi nhìn hai lá cờ giấy dán trên hai cánh cổng sắt, ngao ngán:
- Ai dán cờ?
Côn thở dài:
- Cu Tý và con Ki.
Côn nói:
- Thằng Bảo và thằng Thân đang núp ở trong nhà.
Bảo và Thân là hai đứa em kết nghĩa của tôi. Bảo, thiếu úy bộ binh. Thân, trung sĩ thủy quân lục chiến. Chúng tôi vào nhà. Thảm cảnh đầu tiên trong nhà tôi lúc 21 giờ 10 phút là vợ tôi cầm lá cờ quốc gia, lá cờ vàng ba sọc đỏ đứng khóc. Tay vợ tôi run rẩy. Nàng nức nở:
- Làm sao bố?.
- Cái gì?
- Cái cờ.
- Em gấp lại, cất vào tủ quần áo.
- Nhỡ nó xét nhà?.
-Thế thì em xé đi, đốt đi, liệng ra đường.
- Không được.
- Vậy gấp lại, cất đi.
Giữa lúc đó, thiếu úy Bảo từ trong buồng bước ra, ôm chặt lấy tôi:
- Em lạy anh, anh cứu em, anh cứu em...
Tôi xoa lưng người em kết nghĩa:
- Anh không cứu nổi anh, cứu em sao được.
- Vậy em trốn đâu?
- Em cứ ở đây với anh rồi cùng chết với anh.
Tôi trấn an Bảo:
- Cả nước sắp chết. Anh em mình sống với ai. Có rượu đây, anh em mình ngồi uống chờ chết.
Trung sĩ Thân đã lò dò ra:
- Anh nói đúng.
Tôi lắc đầu:
- Anh sai lớn. Đáng lẽ các em phải bám sát bọn tướng lãnh đào ngũ mà chạy. Thì giờ này các em đang ở đảo Guam tội nghiệp anh. Nhưng các em đã can đảm chiến đấu đến phút chót, cũng nên can đảm đến phút chết. Ai mà không sợ chết, song nếu biết mình phải chết, hãy chọn thái độ chết. Đừng chết sảng.
Bảo hỏi:
- Anh nói mình thoát chết?
Tôi đáp:
- Anh nói mình chờ chết. Người khôn ngoan là người biết chờ đợi.
Vợ tôi đã gấp xong lá cờ. Tôi bảo nàng dọn cơm cho anh em tôi rồi đưa trẻ con vào hết trong phòng ngủ. Gia đình Đặng Xuân Côn ở lại với chúng tôi. ăn qua loa cho xong bữa, bốn chúng tôi rời bàn ăn tới xa-lông uống rượu, hút thuốc lá. Dù đã đóng chặt cửa, âm thanh hỗn loạn bên ngoài vẫn lọt vào. Chúng tôi uống Cognac không đá, không soda. Tôi đã tắt đèn để khỏi nhìn nhau. Đốm lửa đỏ đầu điếu thuốc, mỗi khi rít, chẳng đủ soi rõ khuôn mặt méo mó của từng người. Im lặng trong chúng tôi Tôi nghĩ đến Bảo. Nó không cha mẹ, không anh em như tôi. Nó tìm tôi bằng tiểu thuyết của tôi, yêu tôi như yêu nhân vật chú Nghị ở Con sáo của em tôi và ông Nghị thầy tuồng ở Mây mùa thu. Năm 1968, khi tôi viết về một ca khúc chống phản chiến Mỹ của một nhạc sĩ Mỹ, Bảo thích lắm. Bài hát thịnh hành ở Mỹ thời đó, có đoạn:
Bố yêu nước Mỹ như yêu con
Nếu con xé bỏ thẻ quân dịch
Con đã xé bỏ nước mỹ
và con đã xé bỏ tình yêu của bố cho con....
Năm 1971, vì không chấp nhận thái độ phản chiến trốn lính của bọn sinh viên thân cộng, cũng bầy trò đốt lệnh trưng binh, Bảo bỏ ngang đại học tình nguyện nhập ngũ. Nó thích làm lính chiến. Bao nhiêu tuổi trẻ miền Nam đã như Bảo và đã, hôm nay, vất bỏ quân trang, quân dụng, võ khí, chạy về nhà tìm chỗ nấp? Tôi nghĩ đến Thân. Nó kết nghĩa anh em với tôi vì mê nhân vật Trần Đại ở Điệu ru nước mắt. Thân đăng lính thủy quân lục chiến, chọn quốc gia làm lý tưởng. Nó yêu lý tưởng quốc gia đến nỗi xâm ở cánh tay mình hai chữ Sát cộng trên da thịt mình. Tôi nghĩ đến những người lính hiên ngang và chung thủy của quân lực Việt Nam cộng hòa, đã phẫn nộ buông súng, lột bỏ chiến bào chạy về nhà mình như những kẻ chiến bại thê thảm. Những con người không biết sợ chết ngoài sa trường ấy, giờ này, đang ngồi núp xó nhà, rên rỉ vết thương tươi rói. Và nước mắt của mẹ họ, của vợ họ, của con họ tưới xuống vết thương làm xót xa thêm. Người ta sẽ diễn tả thế nào về những tiếng khóc, tiếng rên rỉ trong bóng tối của kẻ thua trận và thân nhân họ? Ai đã được nghe những tiếng khóc và tiếng rên rỉ đó? Chưa đủ não lòng, tiếng loa bên ngoài còn vọng vào, réo gọi, răn đe. "Ngày mai, 1 tháng 5, mọi người, mọi nhà, bất kể ai, phải tập họp ở khu phố để đi mít-tinh chào mừng cách mạng thành công"! Này người may mắn di tản trước 30-4-1975, người suy nghĩ gì về tiếng khóc, tiếng rên rỉ, và tiếng loa réo gọi? Này, người tướng đào ngũ trước 30-4-1975, người suy nghĩ gì về tiếng khóc, tiếng rên rỉ và tiếng loa réo gọi? Này, người chính khách, người nghị sĩ, người dân biểu, người trí thức khoa bảng may mắn di tản trước 30-4-1975, người suy nghĩ gì về tiếng khóc, tiếng rên rỉ và tiếng loa réo gọi? Vết thương vẫn còn tươi rói. Xin hãy để chúng tôi ngồi liếm vết thương trong cô đơn. Xin đừng rắc muối, vắt chanh xuống vết thương của chúng tôi bằng những hô hoán vô tích sự. Người ta chỉ biết chiến đấu, chỉ dám chiến đấu với điều kiện tiên quyết:
Chửa khi nào quên táo bạo
Chửa khi nào quên hát, quên đau
Những kẻ đào ngũ, đào nhiệm, chạy trốn là những kẻ chưa một lần táo bạo để quên, chưa một lần hát, chưa một lần dám thử đau đớn. Thì chiến đấu của họ chỉ là chiến đấu giả. Tổ quốc và dân tộc Việt Nam triền miên bất hạnh đã chán chường những cuộc chiến đấu giả. Hãy chiến đấu thật? Bằng không dám thì nên im lặng. Để tiếng khóc, tiếng rên rỉ và tiếng loa réo gọi nguyên vẹn cảm xúc và phẫn nộ.
TƯỞNG TƯỢNG RA TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM XÂM TAY HAI CHỮ SÁT CỘNG
Anh ta ngồi trước bếp than. Con dao nung trong đó. Người lính Việt Nam đã lột bỏ chiến bào, quăng vũ khí, liệng quân trang xuống vỉa hè sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. Anh ta trở về nhà mình lúc hoàng hôn thoi thóp. Mẹ anh ta ôm anh ta khóc tức tưởi.
- Thua trận hả, con?
Người lính nghẹn ngào:
- Vâng, thua trận!.
- Rồi có sao không?
- Con chưa biết!
Người lính buồn bã, mệt mỏi. Anh ta không thể giải thích cho mẹ hiểu anh không hề thua trận, quân đội Việt Nam cộng hòa không hề thua trận. Mỹ thua trận giả vờ. Bọn tướng lãnh ngu dốt thua trận thật. Lũ thống trị tham nhũng thua trận thật. Chúng nó cút và đào ngũ, đào nhiệm cả rồi. Chỉ còn anh và chiến hữu anh chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Anh đầu hàng theo lệnh của Tổng tư lệnh quân lực Dương văn Minh. Vì anh là lính tôn trọng kỷ luật. Mẹ anh an ủi anh rồi để anh một mình ngồi góc phòng ve vuốt vết thương đời.
Người lính mân mê cánh tay mình. Anh ta quyết định xuống bếp nhóm than. Và nung con dao. ánh lửa soi rõ hai chữ Sát cộng trên da thịt anh. Nó nổi bật như chữ đắp. Anh nhìn hai chữ Sát cộng, ôn lại chuyện hai mươi năm...
o O o
Người Mỹ hiện diện ở Việt Nam với chiêu bài khai phóng tự đo, dân chủ cho một dân tộc kém mở mang. Đó là chiêu thức đầu tiên của ngụy quân tử Hoa-kỳ trong chính sách tân biên cương. Theo tiếng trống thúc dục của Kennedy, tuổi trẻ Việt Nam phấn khởi xây dựng đất nước mình. Muốn hưởng tự do, dân chủ phải bảo vệ tự do, dân chủ. Chống cộng sản được nâng lên hàng quốc sách. Lý tưởng quốc gia là chống cộng sản. Đơn giản lắm. Ngụy quân tử Hoa-kỳ tung ra các khẩu hiệu phó thác sự nghiệp chống cộng cho Nam Việt Nam. "Nam Việt Nam là thành trì bảo vệ tự do của Đông Nam Á." "Nam Việt Nam là tiền đồn bảo vệ thế giới tự do"... Nghe sướng tai. Chủ tịch Liên minh á Châu chống cộng là người Việt Nam. Dân Việt Nam nức lòng chống cộng cho Thái Lan, Mã Lai hòa bình và mở mang đất nước, phát triển kinh tế. Ngụy quân tử Hoa-kỳ sát hại anh em Ngô Đình Diệm để sự nghiệp chống cộng vẻ vang hơn. Quân Mỹ sang ầm ầm. Chiến tranh leo thang. Nông thôn mất gần hết. Bắc tiến xôm tụ. Bắc phạt inh ỏi. Người lính Việt Nam chỉ biết tổ quốc mình, dân tộc mình, không thèm hiểu âm mưu của ngụy quân tử Hoa-kỳ và đám tướng lãnh thống trị cầy cáo. Noi gương người xưa xâm lên tay hai chữ Sát thát, anh ta cũng xâm lên tay hai chữ Sát cộng, thề vì nước vì dân tiêu diệt cộng sản để bảo vệ tự do, dân chủ và hạnh phúc cho giống nòi. Trung thành với lý tưởng quốc gia, người lính đã xông pha vào chiến trận, coi cái chết tựa lông hồng.
o O o
Con dao đã đỏ. Người lính nhấc ra. Anh ta định đốt da thịt để tiêu hủy hai chữ Sát cộng. Nghĩ sao, anh ta lại đút con dao vào bếp. Anh ta tự hỏi: Có ông tổng thống Mỹ nào đã xâm tay hai chữ Sát cộng; có ông nghị sĩ, dân biểu diều hâu nào đã xâm tay hai chữ Sát cộng (Tôi có thể trả lời anh ta rằng không). Anh ta lại tự hỏi: Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Cao văn Viên, Đặng văn Quang, Trần Thiện Khiêm và các tướng lãnh có xâm tay hai chữ Sát cộng không nhỉ? (Tôi có thể trả lời anh ta rằng không). Người lính phân vân một lúc rồi lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp, mình chống cộng thật. Chúng nó chống cộng giả vờ!
Người lính Việt Nam cộng hòa anh dũng rút con dao đã nung đỏ ra. Anh ta nhúng con dao vào chậu nước. Tiếng xèo kéo dài. Nước sủi bọt. Anh ta đứng dậy, đứng thẳng. Anh ta mân mê hai chữ Sát cộng. Đôi mắt rực sáng, anh ta sảng khoái:
- Dẫu sao, mình vẫn chống cộng, mãi mãi chống cộng. Ta cần cho kẻ thù nhìn rõ Sát cộng trên tay ta.
Sàigòn Ngày Dài Nhất Sàigòn Ngày Dài Nhất - Duyên Anh Sàigòn Ngày Dài Nhất