Chương 11 -
ầu vượt đèo Hải Vân thì trời bắt đầu sáng rõ. Ông mặt trời đã chiếu những tia nắng yếu ớt đầu tiên của buổi sớm mai xuyên qua ngọn núi xuống mấy thửa ruộng mạ non mơn mởn. Bên dưới là biển xanh đang vỗ sóng rì rào, xa xa mấy tảng mây trắng đang bay lững lờ che đỉnh núi. Một phong cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Tôi nhẩy xuống khỏi giường đưa máy ảnh chụp lia lịa. Thế nhưng khi về đến Sài Gòn, tôi lóng ngóng xóa sạch tất cả gì mình chụp được trong những ngày qua. Và cứ tiếc mãi vì sự ngu dốt của mình, bao nhiêu hình bạn bè cũ hội ngộ, mất sạch sành sanh.
Tụi tôi đến ga Đà Nẵng cũng đã xế trưa. Mướn taxi chở về nhà bà Dì nằm trên đường Trần Cao Vân, tụi tôi ở lại đó thăm gia đình Dì một đêm. Dì là em út của mẹ tôi làm nghề giáo viên, nay đã nghỉ hưu. Dì sinh được ba đứa con nay đều yên bề gia thất, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định. Tôi thấy Dì tôi là người hạnh phúc nhất.
Đây là lần đầu tiên ghé thăm Đà Nẵng nên tôi không biết nó thay đổi như thế nào. Buổi tối hôm ấy mấy đứa em con Dì rủ tụi tôi đi phố uống cà phê. Chúng nó chở chạy vòng vòng trên đường, tôi thì mù tịt chẳng biết gì mà nhận xét, chỉ thấy đường phố khá sạch sẽ và đẹp mắt. Phần thì mệt mỏi sau bao ngày dong duổi trên nhưng tuyến đường dài theo đất nước, phần thì chẳng có hứng thú gì để mà đi thăm phố phường. Tụi tôi đề nghị đi về nhà sớm.
Chiều hôm sau đúng 2 giờ cả ba chị em tôi lại có mặt ở sân ga Đà Nẵng để tiếp tục Nam tiến. Tại đây chúng tôi đã phải ngồi chờ tầu gần cả tiếng vì nghe thông báo tàu đang gặp tai nạn.
Phòng chờ đông nghẹt hành khách, khó khăn lắm tụi tôi mới tìm được ghế ngồi. Người đàn ông kế bên tôi chăm chú đọc báo, lâu lâu lại ngó đồng hồ coi giờ rồi nhíu mày ra điều đang sốt ruột. Vài cô gái còn trẻ ăn mặc mát mẻ đang tụm lại tán gẫu với nhau, lâu lâu lại rồ lên cười như một lũ điên. Mấy đứa con nít chạy lung tung nô đùa ầm ĩ. Phía đầu phòng đặt một cái tivi to tổ chảng đang mở cho hành khách xem giải trí trong lúc chờ đợi. Tôi nhìn ra ngoài cửa, nơi có mấy người nhân viên đường sắt đang thì thầm nói chuyện gì đó với nhau. Nhìn họ, tôi lại bật cười nhớ lại người đàn ông phu khuân vác hôm qua ở trong sân ga, chẳng vì lúc tàu dừng, tụi tôi chuyền hành lý xuống, đang chuẩn bị chia nhau xách ra ngoài kêu taxi thì một người đàn ông lùn tịt, nhỏ xíu nhào đến gần hỏi:
- Các chị có cần người mang giúp không?
Tôi ngước lên nhìn ông ta chưa kịp trả lời, thì ông ta nói tiếp:
- Để em mang hành lý ra ngoài hỉ? Các chị cho bao nhiêu thì cho.
Thấy ông ta nói vậy, tôi gật đầu đồng ý. Hình như chỉ chờ có nhiêu đó, ông liền đưa hai tay túm trọn đống hành lý của cả ba đứa chúng tôi, nhấc lên rồi bước đi thoăn thoắt, làm tụi tôi phải chạy vội theo sợ ông xách đi luôn. Từ trong ga ra bên ngoài phải đi qua một quãng đường khá dài, tội ông ta xách nặng, tôi lên tiếng:
- Chú ơi! Bỏ bớt xuống tụi cháu xách giùm cho, nặng chết!
Ông vừa đi vừa trả lời:
- Không sao đâu, ăn nhằm gì với tôi.
Ra tới bên ngoài, ông đặt hành lý xuống và ngoắc taxi lại cho bọn tôi. Sau khi chuyển hành lý lên xe, tôi móc bóp trả tiền cho ông. Ông vui vẻ chào từ biệt rồi lủi mất sau đám đông hành khách. Nhìn theo ông tôi bỗng thấy ân hận vì chưa chi đã nghĩ xấu cho người ta.
Ngồi mãi mà tàu vẫn chưa đến, tôi đâm ra bực bội lẩm bẩm: "Biết thế này ở nhà ngủ một giấc cho khoẻ, ra đây cứ phải chờ phải đợi.". Em gái tôi quay qua hỏi:
- Chị ăn chả bò không?
- Không. Chả bò Đà Nẵng vừa ngọt đường vừa mùi tỏi ăn ghê thấy bà.
- Sao em nghe Dì mình khen ngon lắm mà?
- Ngon hay không mày ăn thử đi thì biết. Hồi sáng Dì đi chợ mua về làm quà cho tụi mình, không lẽ lại từ chối, sợ Dì buồn.
Em tôi nghe thấy tôi nói vậy, nó cất cây chả bò đang cầm trên tay vào lại trong giỏ vẻ mặt tiu nghỉu. Nói đến quà tôi lại nhớ mấy năm trước Dì vào Sài Gòn thăm tụi tôi có mua hẳn một ký khô mực làm quà, Dì còn bảo khô mực này đích thân Dì mua của gia đình người hàng xóm có thuyền đi câu mực ngoài biển. Ngon lắm đó! Thế nhưng khi tụi tôi mang ra nướng để ăn thì mèn ơi nó cứng còn hơn đá.
Rồi thì tàu cũng đến, trễ đúng một tiếng đồng hồ. Mọi người nhốn nháo cả lên, chen đẩy nhau ra trước. Tụi tôi cũng nối đuôi xách hành lý kéo nhau ra ngoài để lên tàu.
Phòng của tụi tôi là phòng máy lạnh gồm có bốn giường được chồng lên nhau giống như loại giường tầng, chính giữa là lối đi và góc trong cùng gần cửa sổ có một cái bàn nhỏ dùng để ăn cơm. Bước vào trong phòng, một làn khí lạnh tỏa ra làm tôi thấy dễ chịu. Sắp xếp hành lý cho gọn gàng, tôi leo ngay lên giường nằm cho khoẻ, gác tay lên trán, tôi mỉm cười nhớ lại câu ca dao: "Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm". Ờ! Mình đâu có dài lưng mà sao khỏi cần ăn no cũng muốn nằm thế này. Có tiếng động mở cửa, tôi nhỏm dậy ngó ra, một người đàn ông trung niên ló mặt vào ngơ ngác nhìn tụi tôi hỏi:
- Phòng này toàn đàn bà không hả?
- Dạ, đàn bà không à anh ơi!
Ông ta bước hẳn vào bên trong, thảy chiếc samsonie màu nâu đậm lên cái giường tầng bên phía chị Hạ rồi cất tiếng:
- Thế là hôm nay được đồng hành cùng các người đẹp rồi.
Lúc này tôi đã ngồi dậy, em gái tôi đang gọt cam dưới cuối góc giường. chị Hạ lúi cúi lục tìm gì đó trong giỏ xách. Thấy ông ta cứ đứng giữa phòng, tôi lên tiếng mời:
- Anh ngồi xuống đi, đứng làm gì cho mỏi chân.
Ông ta ngồi xuống giường bên cạnh, em gái tôi đưa trái cam đã bổ làm tư mời ông, ông ta đưa tay đỡ lấy và miệng thì cảm ơn rối rít. Tôi với tay lấy bọc nem chua nhờ bà chị dâu mua ở Thanh Hóa ra ăn thử, tôi chọn xâu mà chị tôi dặn đã chín bóc một cái cho vào mồm nhai. Chẳng ra gì! Còn thua nem ở Hà Nội xa lắc xa lơ. Thế mà bà chị dâu cứ khen ngợi mãi "Nem Thanh Hóa nhà tau là ngon nhứt nước ". Vậy mà tôi lại nhờ chị mua giùm tới mấy trăm cái vào làm quà, cái thứ này mà đem biếu người ta có ngày bị ăn chửi.
Ông bạn đồng hành chỉ ngồi được một lúc là vội đứng lên:
- Xin lỗi các cô nhé, tôi đi ngủ trước đây.
Vừa dứt lời ông leo ngay lên giường của mình, kéo cái gối ngược lại, kê đầu ở hướng cửa ra vào và nằm xuống. Thấy vậy, tôi cũng nằm xuống theo, để mặc chị Hạ và em tôi ngồi ăn vặt và tán dóc kể chuyện tiếu lâm rồi cười rổm rả. Em gái tôi kể chuyện rất có duyên, chẳng biết nó sưu tầm ở đâu ra cả bồ chuyện tiếu. Con tàu vẫn lao đi vùn vụt, tiếng máy cứ xình xịch vang đều bên tai, tôi vẫn nằm cười rúc rích nghe em tôi và chị Hạ kể chuyện, mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Ông khách nọ hình như chưa ngủ được, cũng nhổm dậy xoay nghiêng người rồi góp chuyện với tụi tôi:
- Các cô đã nghe chuyện "số 8 nằm ngang" chưa?
Cả ba không ai bảo ai cùng đồng loạt kêu lên.
- Chưa!
- Thế thì tôi kể cho các cô nghe nhé.
Tụi tôi hướng về phía ông chờ đợi.
- Thời chiến tranh các bố đi bộ đội có học hành gì đâu, cứ bắn giỏi, đánh giỏi là được thăng cấp. Nhưng sau này thì khác, sĩ quan quân đội thì phải có học, ít nhất cũng tốt nghiệp phổ thông trung học cho đỡ quê với người ta. Học chính qui thì mấy bố không theo nổi, thôi thì mấy bố đi thi lấy bằng bổ túc văn hóa, bằng nào cũng được miễn có mảnh bằng là được rồi. Một hôm đến kỳ thi, thủ trưởng được tài xế đánh xe U-oát chở đến tận cổng trường, rồi đậu xe bên ngoài chờ thủ trưởng vào thi. Bước vào trong phòng, thủ trưởng móc ngay khẩu súng đeo bên hông đặt cái cộp lên mặt bàn làm các giám thị coi thi xanh xám cả mặt. Trong giờ thi, thủ trưởng mang hẳn tài liệu ra chép, không coi giám thị ra gì, và cũng chẳng ai dám lên tiếng nhắc nhở. Hết giờ, thủ trưởng dắt súng vào hông, khệnh khạng đi ra ngoài. Vừa thấy thủ trưởng ra, tên đàn em tài xế khúm núm chạy lại hỏi: "Thủ trưởng làm bài được không thủ trưởng?". Thủ trưởng cười với đàn em một cái thật tươi rồi nét mặt đanh lại: "Địt mẹ!mấy thằng ra đề thi dốt bỏ mẹ lên! Ăn học cho lắm vào, nay cải cách, mai cải cách, cái số 8 thì phải nằm dọc chứ, thế mà tụi nó cứ để số 8 nằm ngang. Tao…dựng nó lên hết! Còn nữa, chúng nó bắt tao phải chứng minh hai cái tam giác bằng nhau. Đến giặc Mỹ xâm lược kia kìa, tao còn đánh đuổi chúng cút khỏi đất nước, huống hồ gì hai cái tam giác". Đồng thời thủ trưởng đưa tay đánh mạnh vào không khí: "Tao bảo chúng nó bằng nhau là chúng nó phải bằng nhau!"
Nghe đến đây, cả đám tụi tôi phá lên cười, riêng tôi ôm bụng cười đến chẩy nước mắt. Nhìn nét mặt ông khách đồng hành, nghĩ đến số 8 nằm ngang là lại rũ ra cười… dám lắm chứ! Ký hiệu toán học "cực đại", thủ trưởng nhà ta tưởng số 8 nằm ngang… Rồi tôi đem chuyện xứ tôi ra kể "Chuyện bà mẹ Việt Nam anh hùng", chuyện "Cái cầu tiêu tự hoại"…Và cả một loạt chuyện vui buồn ở quê tôi. Đang rôm rả thì nhân viên đến gõ cửa phát cơm tối. Câu chuyện vui được ngưng lại, ông khách đồng hành nhẩy xuống để dùng bữa tối chung với tụi tôi.
Người nào cũng được phát một hộp cơm nóng hổi, một chai nước suối nhỏ và tất cả đã được tính trong vé, không phải trả tiền thêm. Tôi nhớ ngày xưa đi tàu không có dịch vụ này, đi từ Nam ra Bắc phải mất 3 ngày bốn đêm, chậm như rùa bò vì ga nào cũng dừng. Ăn uống hành khách phải tự túc. Mỗi khi tàu dừng lại, dân bán dạo ào lên, nhộn nhịp như một cái chợ. Hành khách ai nấy phải lo giữ lấy hành lý của mình không thôi hở ra là bị "chôm" liền. Tôi nhớ trong một chuyến đi, tôi để cái giỏ xách ngay trên ghế của mình, đứng với lấy vài thứ trên giá đựng hành lý chỉ chừng một phút, thế mà quay xuống đã mất tiêu, may trong giỏ chỉ đựng giấy tờ và ít mỹ phẩm, tiền bạc thì đã dấu kỹ ở trong túi quần và còn cẩn thận gài thêm kim tây cho chắc ăn. Em gái tôi cũng một lần mất trộm trên tàu. Lúc đó nó chừng 17 tuổi, dắt theo thằng Út 13 tuổi vào tận Sài Gòn thăm tôi, trên tàu nó bị ai đó rinh mất cái bị cói để dưới gầm ghế. Vào tới nơi, kể cho tôi nghe mà cứ tiếc hùi hụi vì mất quà của chị. Tôi hỏi bị mất những gì, nó bảo chỉ có cái "thớt" và một con "dao Mèo". Tôi nghe em mình kể khoái chí cười khanh khách, bộ nó tưởng trong Nam không có thớt với dao chắc? Thế mà nó phải tha tuốt tận xứ Mộc Châu vào cho tôi, lại còn bị mất cắp. Tôi bảo với nó: "Mấy thằng ăn trộm mà túm được tụi bây nó wánh cho thấy bà ".
Cơm nước xong xuôi, tụi tôi thay phiên nhau ra ngoài để rửa mặt đánh răng, chỗ rửa mặt rộng rãi và khá sạch sẽ so với thời trước, nước chảy mạnh, nằm xéo nó một chút là cái phòng vệ sinh. Hệ thống đường sắt Việt Nam vẫn sử dụng loại cầu tiêu thải thẳng xuống đường rày, đến khi tàu chạy qua thành phố thì nhân viên tàu sẽ khóa cửa phòng vệ sinh lại, lúc đó ai có lỡ đau bụng thì cũng ráng mà nhịn.
Làm vệ sinh cá nhân xong, tôi quay gót trở về phòng mình, trên đường tôi đụng mặt một ông người ngoại quốc đang đứng tựa lưng trước cửa phòng số 1 nhìn ra bên ngoài. Thấy tôi, ông nở nụ cười xã giao chào tôi "hello", tôi cũng vui vẻ đứng lại và gợi chuyện với ông. Qua lời ông kể tôi biết ông đến từ Gia Nã Đại, ông đi du lịch vài nước Châu Á, đã qua Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Trung Quốc, và kết thúc là Việt Nam, sau đó ông sẽ trở về Gia Nã Đại từ phi trường Tân Sơn Nhất. Ông ta vừa thăm viếng Hội An và có vẻ thích thú về phố cổ này. Tôi đứng nói chuyện với ông khá lâu làm mọi người trong phòng thắc mắc và chị Hạ bổ đi tìm. Ra khỏi cửa, chị nhìn thấy tôi vội quay ngoắt lại, nói chõ vào bên trong: "Cái Hân đây này! Nó đang tán tỉnh ông Tây ở phòng bên". Tôi nghe chị nói bỗng phì cười rồi chào tạm biệt ông Tây đi về phòng mình. Vừa bước vào trong phòng, chị Hạ chỉ ngay vào tôi nói:
- Hỏi nó đi xem có đúng nó vừa tán tỉnh ông Tây ở phòng bên không?
Tôi cười trả lời:
- Vừa vừa phải phải thôi nghe má! Tôi đứng có đến "rún" ổng thì tán tỉnh cái nỗi gì.
Ông khách đồng hành đã leo lên giường của mình nằm đọc tạp chí, nghe tụi tôi đối đáp qua lại ông cứ tủm tỉm cười. Lúc này trời đã tối hẳn, nhìn ra bên ngoài chỉ thấy một mầu đen thùi. Tôi cũng leo lên giường, kéo cái bóp lại gần mình và cố ru giấc ngủ.
Ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua khung cửa kiếng làm tôi chói mắt tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ đã gần 8 giờ sáng, tôi nhỏm dậy chăm chú nhìn ra ngoài để xác định coi tàu đang chạy tới đâu, chỉ thấy những hàng cao su thẳng tắp, cành lá xanh rờn. Tôi chẳng biết đây là địa phận tỉnh nào, nhưng nhìn rừng cao su bạt ngàn tôi lại nhớ ông hàng xóm nhà tôi thuộc dân "đại gia", bốn ông rủ nhau hùn tiền mua hẳn một vườn cây cao su rộng tới 50 mẫu để đầu tư làm ăn. Thế nhưng bỏ tiền tỉ vào đấy mướn công nhân chăm sóc, mướn bảo vệ này nọ mướn đủ thứ đủ trò mà ông nào cũng méo mặt vì thua lỗ. Không phải thua lỗ vì mủ cao su không có giá mà thua lỗ vì bị ăn cắp, ông kể có cả buôn làng người dân tộc kéo vào ăn cắp tập thể, bảo vệ nhiều khi cũng phải chạy có cờ vì bọn chúng hăm dọa đánh, làm mạnh tay quá thì sợ họ trả thù bằng cách thả thuốc sâu vào gốc cây cao su, coi như ăn mày cả lút. Ông ta than trời như bọng, làm không có lời mà muốn bán đi thì không ai mua.
Tôi ngồi hẳn dậy với tay mở giỏ lấy bàn chải đánh răng trét kem vào rồi xỏ dép kéo lê đi ra ngoài rửa mặt. Làn nước mát lạnh làm tôi tỉnh cả ngủ. Tàu vẫn chạy xình xịch…xình xịch, quay trở lại phòng, tôi lôi "đồ nghề" ra trang điểm lại gương mặt. Cả hai tuần lễ lê lết dọc theo đất nước, trông tôi bệ rạc chẳng khác gì một mụ già nhăn nheo, gì chứ về đến Sài Gòn phải chỉnh đốn lại sao cho coi được một chút. Lúc đi thì trông như bà Hoàng, lúc về không thể như kẻ bại trận.
Trang điểm xong, tôi thu dọn tất cả cho vào hộp đựng mỹ phẩm và bỏ trong giỏ hành lý, kéo phẹc mơ tuya lại. Tôi cũng lôi hết tất cả hành lý bỏ ra ngoài để chút nữa về đến ga chỉ việc xách ra. Theo đúng lịch trình, giờ này tàu đã nằm ở ga Sài Gòn rồi, nhưng vì hôm qua bị trễ mất đúng một tiếng đồng hồ nên tàu hôm nay về ga cũng trễ. Trong lúc chờ đợi tàu dừng bến, tôi nói lời chia tay với ông khách đồng hành vui tính trước kẻo đến giờ vội quá lại quên. Tàu đang chạy trong nội thành, bỏ lại hai bên đường những dãy nhà bê bối lụp xụp. Tôi ngồi đó mắt thẫn thờ nhìn ra ngoài cho đến khi tàu dừng lại hẳn.
Theo dòng khách hỗn độn, tụi tôi hối hả bước nhanh về phía cửa, xuống đến mặt đất, hơi nóng hừng hực phả vào mặt tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu và lòng bình yên khi về đến Sài Gòn. Tuy Sài Gòn không phải là nơi "chôn rau cắt rốn " của tôi, nhưng Sài Gòn với tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm, vui cũng có, buồn cũng có. Từ những ngày ngơ ngáo như con ngố rừng ra thành phố xa hoa mỹ lệ, cho đến quãng đời tụi cực làm mướn nuôi thân. Cuộc đời của tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, nhịn đói nhịn khát. Thế nhưng tôi chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận, vẫn cố ngoi lên dù có lúc tưởng rằng phải ngã gục. Và cũng chính nơi đây tôi đã gặp gỡ chồng tôi, người đã chắp cánh cho tôi bay xa với nhiều niềm mơ ước.
Ra khỏi cửa nhà ga, một đám người bu đến mời chào dồn dập: "Các cô về đâu, đi xe tôi đi, đi giùm đi mà, sáng giờ ế quá ". Họ là dân chạy xe honda ôm, là dân lái taxi, tranh dành khách hàng cãi nhau ỏm tỏi. Tôi kêu đại một chiếc taxi, anh tài xế chất hành lý vào cốp xe, tụi tôi mở cửa chui vào trong ngồi, xe chạy thẳng ra ngã Sáu, quẹo Lý Chính Thắng, rẽ Huỳnh Tịnh Của và dừng lại cuối đường Pasteur, thả em gái tôi về nhà nó. Sau đó tụi tôi mới chạy thẳng về nhà mình.
Ra mở cửa cho tôi là đứa em dâu Út. Cô nàng có thân hình vạm vỡ trong bộ đồ vải thung bông hoa sậm màu, lơ lửng nơi đầu gối. Em dâu tôi được chồng nó đặt chết tên "Hà Mã" vì thân hình quá khổ, mỗi bước đi của nó như muốn rung chuyển cả căn nhà, nói mãi cũng không thay đổi. Người ta bảo "xấu người được nết" thế nhưng với em dâu tôi, nó chẳng được điểm gì. Đàn bà con gái mà mặt mày lúc nào cũng nặng trịch như cái bánh bao chiều ế, mắt diều hâu, mũi tẹt, mặt gẫy, tóc lơ thơ cộng thêm tướng đi hai hàng và giọng nói eo éo. Trái ngược lại, em trai tôi mặt mày sáng sủa, khôi ngô tuấn tú. Ấy vậy mà lại chiều vợ chiều con ra phết. Má nhỏ tôi vẫn thường bảo: "Tụi bây coi vậy chớ hổng có phước như con Út đâu à nghen!". Chồng tôi cũng vẫn lấy chuyện vợ chồng thằng Út ra thắc mắc và rồi lại tự trả lời một mình: "Cả nhà em ai nhìn coi cũng xinh xắn nên thằng Út chán ngắm người đẹp, thằng Út kiếm vợ xấu cưới đó mà ". Những lúc chỉ có hai chị em ngồi tâm sự, tôi cũng mang chuyện này ra hỏi, Thằng Út tủm tỉm cười: "Em cũng không biết tại sao nữa?".
Chuyện vợ chồng thằng Út vẫn là đề tài cho cả nhà tôi đem ra bàn tán trong lúc trà dư tửu hậu. Mỗi lần tôi về là lại có biết bao nhiêu chuyện hài hước của vợ chồng Út: "Dì ơi! Mợ Út hỏi cháu "nguyên quán" thì ghi như thế nào?" "Dì à, khách hàng gọi đến kiếm anh Hùng Vĩ, vậy mà mợ Út trả lời Hùng Vĩ đi học rồi. Làm cậu Út về chửi mợ quá trời Con này sao mà ngu nhiều thế, sống với toàn người khôn vậy mà chẳng khôn ra được tí nào ". Chẳng vì thằng Út lấy tên con trai đặt làm tên của cửa tiệm. Khách hàng đâu có biết nên gọi điện kiếm anh Hùng Vĩ, chị vợ khờ khạo trả lời anh Hùng Vĩ đi học. Nghe các cháu kể tôi chỉ còn biết cười và lắc đầu tội nghiệp cho em mình.
Bước vào trong nhà, căn nhà vắng tanh, con trai tôi và mấy đứa cháu gái đã đi học, con thằng Út thì đi nhà trẻ, chỉ còn vợ nó lặt rau sau nhà bếp. Tôi quẳng hành lý vào một góc nhà, mở tủ lấy cái áo ngủ đi vào phòng tắm đóng cửa lại, tắm gội một cái cho khoẻ. Từ ngày Bắc du đến giờ tôi chưa được tắm gội một cách thoải mái như ở nhà mình. Làn nước ấm áp từ cái vòi hoa sen của máy nước nóng hiệu Nationnal làm tôi dễ chịu. Bước ra ngoài, tôi lấy khăn lông lau cho xe mái tóc rồi cắm máy sấy, lấy tay hất bung mái tóc lên cho mau khô.
Chị Hạ vẫn ngồi trên ghế gợi chuyện với em dâu tôi. Tôi nói với chị:
- Chị đi tắm đi rồi nghỉ cho khoẻ, em ngủ một giấc đây! Chiều em đưa chị qua nhà chị Tư chơi.
Tôi quay sang nói với đứa em dâu:
- Đừng đánh thức chị dậy nghen, có ai hỏi thì nói tao đi vắng rồi. Ngủ một giấc cho đã, mệt mỏi quá rồi!
Chẳng cần nghe ai trả lời, tôi chui tọt vào phòng mình đóng cửa lại, bật máy lạnh lên, thả mình xuống giường ngủ một giấc thẳng cẳng tới tận 3 giờ chiều mới thức giấc vì cái điện thoại của tôi reo um xùm mà tôi quên không tắt. Quờ quạng, mắt nhắm mắt mở, giọng còn ngái ngủ tôi lên tiếng:
- A lô!
- Hân hả? Tao đây! Hương đây!
Tôi định thần lắng nghe tiếng nói từ đầu dây bên kia để cố nhớ coi Hương nào (?) Phải mất đến mấy giây tôi mới nhận ra được Hương bạn học cũ của tôi đang ở Phan Thiết. Hương vừa sinh con nhỏ nên không có mặt tại buổi họp trường vừa rồi. Hôm còn ở Thanh Hóa, tôi thấy lưu lại trong máy mình mấy cuộc gọi nhỡ mang cái số lạ hoắc, tôi không biết là ai nên không gọi ngược lại. Thì ra đó là số của nhà Hương.
- Hân ơi! Mày ra đây chơi đi, nhà tao gần biển đẹp lắm, ra đây đổi gió.
Tôi ngần ngừ một lúc rồi mới trả lời:
- Hương à! Thôi để lần sau đi, tao sẽ mang con ra tắm biển luôn. Hiện giờ còn quá nhiều việc phải giải quyết trước khi trở về Nhật, tao đâu có thời gian để ra mày. Hay là mày ẵm con vào đây chơi, vào đây cho biết Sài Gòn với người ta.
Bên đầu giây kia im lặng một lát, rồi tiếng Hương Lại vang lên:
- Để tao tính toán lại hén. Có gì tao gọi điện lại cho mày nghe Hân hở…
- Ừ! Nếu vào thì mua vé xe lửa, đừng đi xe đò Hương nhé. Vào đây đi tao bao mẹ con mày hết, đừng ngại gì nghe mày.
Hương ngập ngừng rồi nói với tôi:
- Tao sẽ quyết định rồi trả lời mày sau. Chào mày nghe Hân.
Tắt điện thoại, tôi cứ nghĩ mãi về Hương, chẳng biết bây giờ nó thay đổi như thế nào, và tôi có còn nhận ra nó nữa không sau đúng 18 năm xa cách.
Tôi vươn vai đứng dậy, bước đến mở tủ kiếm bộ đồ mặc. Lúc này tôi mới cảm thấy đói đến cồn cào ruột gan, từ sáng đến giờ chưa được hạt cơm nào vào bụng. Mở cửa bước ra ngoài tôi đụng mặt em dâu, nó tươi cười bảo với tôi phần đồ ăn của tôi vẫn để trên bàn, muốn ăn thì nó hâm lại cho nóng. Tôi gật đầu và chui tọt vào phòng tắm rửa mặt.
Vì đói tôi ăn gì cũng thấy ngon. Lúc này tôi mới để ý đến chị Hạ, tôi ngạc nhiên khi thấy chị vẫn mặc bộ đồ cũ. Tôi hỏi sao chị không tắm chị ngập ngừng… thì ra đồ của chị dơ hết mà giặt chưa kịp khô, tôi thấy mình thật vô tâm liền đứng dậy vô phòng kiếm cho chị bộ đồ mới để chị thay đỡ.
Năm giờ thiếu, tôi sửa soạn thay đồ để đích thân đến tận trường học đón con trai mình, không có thông báo trước cho cu cậu ngạc nhiên chơi. Tôi mặc cái quần mầu trắng tinh mới mua chưa một lần diện, cái áo thung mầu hồng nhạt không tay, kẹp tóc cho gọn rồi luồn cái nón Nike, loại chỉ có lưỡi trai thò ra phía trước mặt che nắng, còn bên trên đầu để trống dưới lọn tóc cho chắc ăn. Ở Sài Gòn loại nón này ưa bị giựt, con trai tôi đi học cứ thò nón nào ra là y rằng lại bị giựt cái đấy, đeo mắt kiếng đen thùi giống mấy thầy mù coi bói, khoác thêm áo gió mỏng để che cái cổ có đeo sợi giây chuyền không thôi ra ngoài đường bị giựt thì uổng. Ngắm lại mình một lượt trước tấm gương treo trên tường đối diện với chỗ nấu ăn, bạn bè tôi đến nhà chơi chúng nó cứ thắc mắc: " Bộ nhà mày hết chỗ treo gương rồi hay sao lại đem treo ngay nhà bếp thế này?" Tôi cười cười trả lời: "Gương treo chỗ nào không được, với lại chỗ này có đinh máng sẵn rồi, mấy chỗ khác phải mượn máy khoan về khoan lỗ cực lắm".
Xuống dưới đường cháu gái tôi đang dựng xe chờ sẵn, thấy tôi nó rút chìa khóa đưa tận tay tôi rồi đi lên lầu. Tôi mở khóa nhấn nút khởi động tiếng máy xe nổ rè rè, tôi rồ ga cho xe lao vút đi quẹo trái rồi lại quẹo phải chạy thẳng con đường Pasteur rợp bóng cây mát rượi, đến ngã tư nguyễn Đình chiểu tôi rẽ lên phía trên một đoạn rồi lại quẹo thêm một lần nữa mới dừng lại trước cổng trường. Lúc này đã có khá nhiều người dựng xe gắn máy đứng nhấp nhổm ngóng về phía cổng trường, tôi cũng nhập hội để chờ con mình tan học. Đây là ngôi trường tư mang tên Huỳnh Thúc Kháng, vì con tôi thi không đủ điểm vào trường công Minh Đức nên bị gạt xuống trường bán công Đồng Khởi, trường này "tiếng tăm lừng lẫy" nên tôi sợ không dám cho cháu học, đành gửi con mình vào trường tư cho chắc ăn. Trường cứ đúng tám giờ là khóa cửa kín mít chẳng có học sinh nào bén mảng ra ngoài được cho đến tận giờ tan trường. Trường trước kia mang tên "Trường đào tạo học sinh giỏi " nhưng sau khi hai ông cổ đông gây gổ chia tay nhau thì trường được đổi tên "Huỳnh Thúc Kháng".
Đúng năm giờ cổng mở, từng đoàn học sinh túa ra như chim vỡ tổ. Tôi cố nghển cổ ngó xem trong đám ấy có con mình không, chờ mãi mà chẳng thấy cu cậu đâu cả, học sinh phần lớn đã được đón về, chỉ còn lại mình tôi đứng chơ vơ bên hè đường trong lòng bực bội. Tôi lẩm bẩm cái thằng nhãi ranh này làm gì trong đấy mà lâu thế? Chắc lại bị phạt nữa rồi! Hồi trước cu cậu chuyên bị phạt ở lại lớp chép bài vì cái tội viết chậm, chữ viết cứ như chữ Miên lại còn cầm bút chổng ngược lên nhìn ngứa cả mắt, tôi đã khỏ vào tay nó biết bao nhiêu lần vẫn không thay đổi được.
Cuối cùng rồi cũng thấy nó, thân nhỏ xíu, lưng thì lòng khòng đeo cái cặp sách muốn to hơn cả người, thất thểu lê bước ra phía cổng. Từ bên này ngó sang con tôi trông thật tội nghiệp. Ra đến ngoài, nó ngơ ngác nhìn xung quanh không nhận ra mẹ vì mẹ nó vẫn còn mang khẩu trang, đeo mắt kiếng che kín cả mặt. Tôi gỡ khẩu trang xuống và la lớn:
- Con ơi, mẹ ở đây mà!
Thấy tôi mắt nó sáng lên:
- A! Mẹ. Mẹ về hồi nào vậy mẹ?
- Hồi sáng. Con bị phạt hay sao mà lâu thế?
- Đâu có, con bị đau bụng.
Rồi nó lại ôm bụng nhăn nhó. Tôi hối con lên xe và chở thẳng nó tới bác sĩ. Ngồi chờ tới lượt ở cửa phòng mạch tôi hỏi con:
- Con đau lâu chưa? Có ăn cái gì bậy bạ không?
- Con đau từ buổi trưa lận, thì con chỉ ăn cơm trong trường thôi mà.
- Sao con không báo cô giáo biết, hoặc gọi điện thoại về nhà.
- Con sợ… mà điện thoại thì con không có tiền.
Tôi nhìn cu cậu nghi ngờ:
- Sao lại không có tiền? Đưa cặp đây kiểm tra coi?
Theo phản ứng tự nhiên, cu cậu ôm chặt cái cặp sách vào lòng mình không cho tôi rờ tới. Tôi biết nó dấu tiền trong đó nhưng kẹo không dám bỏ 2000 đồng gọi điện thoại. Mẹ con tôi đang giằng nhau thì y tá gọi tới tên, tôi đứng lên dắt tay con đi vào trong phòng. Sau một hồi hỏi han, rờ rờ, nắn nắn, ông bác sĩ đưa cái ống khám vào bụng nó, và viết gì đó trong cuốn sổ khám bệnh, ông đọc tên thuốc cho cô y tá lấy ra bỏ trong bịch nylon màu trắng, ông viết thêm miếng giấy ghi hướng dẫn cách sử dụng ngày uống mấy lần, mỗi lần mấy viên xanh trắng, đỏ đen, trắng, xanh…tùm lum mà tôi không biết tên thuốc là gì. Bác sĩ ở Việt Nam là vậy đó vừa khám bệnh vừa bán thuốc luôn, bệnh nhân chẳng biết bị bệnh gì.
o O o
Về đến nhà cũng gần sáu giờ chiều. Mọi người đang đợi cơm, chị Tư tôi dắt thằng nhỏ sang từ lúc nào đang ngồi nói chuyện với chị Hạ. Chị Tư và thằng nhỏ không ghé Thanh Hóa thăm chị Năm mà bay thẳng vào Sài Gòn trước tụi tôi mấy ngày. Thằng Út thì mắc trông coi nhà hàng nên không có mặt, tôi hối mọi người dùng cơm trước kẻo đói bụng, tôi mới ăn lúc ba giờ chiều nên bụng còn ngang. Con trai tôi than mệt không chịu ăn uống gì chui vào phòng nằm nghỉ, tôi rót nước mang thuốc vào tận nơi bắt uống, rồi bảo:
- Nếu không hết đau bụng thì phải nói cho mẹ biết để mẹ mang vô bệnh viện nghen.
Nó "dạ" một tiếng thật ngoan và kéo mền lên ngang bụng, quay mặt vào trong nhắm mắt ngủ. Tôi tắt đèn, kéo cửa rồi đi ra ngoài.
Sau bữa cơm chiều, chị Tư kéo chị Hạ tối nay qua nhà chị ngủ, cháu gái tôi đi học thêm Anh ngữ ở trường, vợ thằng Út lên nhà hàng phụ với chồng, con trai tôi thì nằm ngủ trong phòng. Chỉ còn lại mình tôi với cu Tin, con trai thằng Út vừa đúng tròn hai tuổi một tháng, giống mẹ như lột, từ gương mặt đến cả tướng đi hai hàng mà mỗi lần ngó thấy mặt nó là tôi lại bật cười, cu cậu mới chỉ bập bẹ biết nói nhưng lại thích nghe nhạc và đặc biệt chỉ thích nghe mỗi Ưng Hoàng Phúc hát bản "Thà Như Thế". Ở nhà tôi có dĩa DVD copy đủ mặt các cac sĩ hát trong đó thế nhưng cứ nghe xong "Thà Như Thế" là cu cậu đòi tua lại mãi, tuy chưa nói được nhiều nhưng đứng coi cũng biết nhún nhẩy theo điệu nhạc và miệng thì lẩm nhẩm hát theo. Nhìn thật tức cười.
Vì muốn yên tĩnh cho con trai ngủ, tôi không bật nhạc nên cu Tin lôi mấy món đồ ra chơi, vài con robot, mấy chiếc xe cảnh sát, tàu hỏa, xe tăng và cả những khẩu súng đen ngòm, nó tự chơi một mình miệng lẩm nhẩm những câu tôi không hiểu. Đến chín giờ tối thấy người mệt mỏi, tôi rủ nó vào phòng thủ thỉ kể chuyện cổ tích để dụ nó ngủ. Và rồi tôi ngủ lúc nào không hay, chẳng biết nó ngủ trước hay là tôi ngủ trước, nhưng lúc tỉnh dậy thì chỉ có một mình trong phòng. Con tôi lẫn cu Tin đều đi học.
Lúc này đã hơn tám giờ sáng, tôi sửa soạn đi ra quán cà phê "chạy" để tán gẫu mà tụi tôi vẫn gọi đùa là đi "họp tổ dân phố ". Đó là cái quán cóc ở vỉa hè nằm đối diện căn nhà cũ của tôi khi xưa. Nó được mang tên "chạy" là vì do công an đuổi quá nên từ chủ quán cho lẫn khách hàng cứ mỗi lần nghe nói "có công an" thì đồng loạt đứng lên tay cầm ghế, tay cầm ly, mạnh ai nấy chạy, công an đi rồi thì lại đâu vào đấy, người uống cứ uống, người bán cứ bán, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Quán này chỉ họp mặt có vài tiếng buổi sáng đến khoảng mười một giờ trưa là tan hàng vì chị chủ quán còn bận nhiều việc khác. Nơi đây là tổng hợp những tin tức sốt dẻo nhất do thông tấn xã vỉa hè đưa ra, từ tin quốc tế đến tin quốc nội, từ tin heo đang bệnh lở mồm long móng đến rau muống bị ngộ độc, rồi ở đâu có ông thầy bói coi hay đến tin tai nạn xe cộ…hằm bà lằng cái gì cũng được lôi ra bàn loạn mổ xẻ, vui ơi là vui!
Lần nào về nước, rảnh rang là tôi lại mò ra đây tán chuyện, có những lúc quán vắng khách, tôi ngồi tựa lưng vào bờ tường nhìn sang căn nhà cũ tiếc hùi hụi vì bán bị hớ mất mấy chục cây vàng, cũng chỗ này đây tôi đã chứng kiến bao lần bọn cướp giựt đồ chạy lạng lách trên đường phố y như cảnh trong phim ảnh, và cả những người đến tìm mua lậu hóa đơn thuế giá trị gia tăng bị bọn côn đồ bóp chẹt như thế nào. Khúc đường này luôn rợp bóng mát nhờ những tàn cây cổ thụ xoè ra che bớt cái nắng cháy da cháy thịt ở Sài Gòn. Tôi không biết quán cà phê này mọc ở đây từ bao giờ, chỉ biết khi tôi dọn nhà về đây đã có nó. Cạnh lối rẽ vào sở giao thông công chánh cũ là nơi tập chung của cánh xe ôm. Nhiều khi nhà có chuyện gấp tôi hay chạy sang bên đó kêu đại một cái chở đi công chuyện, có khi chỉ là đi chợ mua đồ ăn, và ai chở cũng được. Có một lần tôi vừa bước xuống xe, chị chủ quán ngoắc lia ngoắc lịa tôi sang rồi thì thầm vào tai tôi:
- Mày gan quá há Hân? Mày dám đi xe của ông Tư, có ngày chết oan đó con.
Tôi ngơ ngác không hiểu ý chị muốn nói gì liền hỏi ngược lại:
- Ủa…sao vây…? ông Tư… làm sao hả chị?
- Trời..! Bộ mày không nhìn thấy hai cái đít chai ông mang dầy cộp đó sao
Tôi phá lên cười, thì ra ông Tư bị cận thị đeo cặp mắt kiếng dầy cộp, chị sợ tôi đi xe ông hoài có ngày gặp tai nạn, nên mới cảnh cáo tôi. Nghe chị nói tôi cũng "nhột" sau này ít dám đi xe của ông. Nói đến xe ôm tôi lại nhớ đến chú ngọng ở phía bên khu nhà tôi đang cư ngụ, chú cũng là dân xe ôm bị ngọng và cụt mất vài ngón tay. Hồi mới dọn về nhà mới, tôi cũng hay kêu xe của chú. Sau một thời gian phát hiện chú bị bệnh giật kinh phong, tôi sợ quá không dám kêu chú nữa mặc dù nhìn thấy tội nghiệp. Tôi nghe mấy người hàng xóm kể lại rằng đang chở khách trên đường bỗng nhiên chú ngã lăn quay sùi bọp mép, giật đùng đùng. Bạn bè chú ở hải ngoại vẫn thường xuyên gởi tiền về trợ cấp, khuyên chú ở nhà tịnh dưỡng nhưng chỉ được một thời gian là chú lại mò ra đầu đường vì nhớ nghề chịu không nổi.
Tôi bước xuống đường ngó quanh quẩn tìm xe ôm nhưng chẳng còn ai ngoại trừ chú ngọng. Thấy tôi chú mừng rỡ đưa bàn tay cụt vài ngón ra hiệu hỏi tôi có đi đâu không. Tôi chần chờ giây lát rồi quyết định đi đại vì từ nhà tôi ra chỗ quán cà phê "chạy" chỉ có mấy phút đồng hồ. Đợi tôi yên vị đằng sau chiếc Honda Deam "dỏm" của Trung Quốc, chú nổ máy, rồ ga cho xe chạy chầm chậm.
Xe đỗ xịch trước mặt chị chủ quán, tôi bước xuống móc tiền trong túi quần ra trả tiền cho chú ngọng. Chị chủ quán nhìn tôi lăm lăm và khi nhận ra tôi thì la lên:
- A…! Việt Kiều, về hồi nào vậy mày?
- Hôm qua.
- Ra Bắc có vui không?
- Đang "méo mỏ" đây, vui cái gì má!
- Ủa…mà mày có đi thăm chị Năm mày không? Nó có khoẻ không? Ừa… nó có khóc không mày, nó có la toáng lên "Ối em ơi sao em già thế!" không mày?
- Không. Lần này không có khóc, mà nói cho đúng ra bả mệt quá không khóc được. Từ từ… Bà làm cái gì mà hỏi dồn dập vậy sao tôi trả lời kịp. Bà đúng là nhiều chuyện thật đó!
Chín đen (tên chị chủ quán) nhe răng cười rồi đứng lên kéo cái ghế màu đỏ ra đưa cho tôi ngồi xuống. Vì là quán cà phê "chạy" nên chỉ lèo tèo có một cái rổ hình vuông đựng vài chục cái ly, hồi xưa là một cái kệ nhỏ nhưng vì bị công an dí quá nay chuyển sang xài bằng rổ cho gọn, thêm hũ đường cát, vài chai nước ngọt tượng chưng, hộp sữa, chai cà phê pha sẵn đen thùi lùi bỏ trong thùng nước đá, và thêm hơn chục cái ghế đẩu bằng mủ lẫn lộn mầu xanh, đỏ, vàng, nâu. Đó là kết quả còn lại của những lần giằng co với công an đi thu gom mọi thứ vứt lên "xe cây" ( loại xe chuyên đi bắt mấy người buôn bán chiếm lòng lề đường ). Thứ gì có giá trị đều đem gởi trong nhà người quen, khi cần mới lấy ra. Rút kinh nghiệm những lần bị tịch thu trắng tay, mỗi khi khách đứng dậy chị lại xếp ghế chồng lên nhau cho gọn và ngồi lên trên, phòng khi công an tới chạy cho kịp.
- Chị cho em ly trà đá đi, sáng giờ khát nước quá.
- Ăn cái gì chưa? Chị kêu luôn?
- Em chưa ăn sáng nhưng mà không ăn đâu, cho uống nước trước đi đã.
Vừa lúc đấy điện thoại trong túi quần tôi rung mạnh, móc ra tôi bấm nút nghe, giọng em gái tôi lên tiếng hỏi dồn dập:
- Chị đang ở đâu đấy? Ra họp tổ dân phố nhá, tí em chạy thẳng lên đó. Trời…hôm qua về ngủ một giấc đã thật!.
- Thì tao đang ngồi ngoài chị Chín Đen chứ đâu, ra lẹ lẹ đi.
- Vậy hả? Vậy thì em đi liền.
Đút cái điện thoại vào trong túi quần, tôi đưa tay đỡ ly trà đá từ tay chị Chín, uống một hơi rồi đặt xuống ghế trước mặt hỏi:
- Chị lấy nước ở đâu làm trà đá cho tôi uống đó? Đừng có nói lấy nước trong toilet ra làm nghe bà.
- Mày nói quá đáng! Tao vừa lấy nước suối bên con Út kìa.
- Tôi nghe mấy người ở đây đồn như vậy đó, có thì khai thiệt đi?
- Bậy à. Không có đâu, chị bán ở đây mười mấy năm rồi, ai mà không biết.
- Tôm cua của chị ra sao rồi?
- Tính cuối tháng này xả nước mấy đìa bắt tôm lên bán nè. Để chị thu gôm tiền trả bớt lại cho em chứ nợ lâu quá rồi, ngại lắm.
- Em chỉ hỏi thăm vậy thôi, kẹt thì cứ để đó làm vốn, ai đòi đâu mà chưa chi đã dãy nảy lên như đỉa phải vôi.
Chị Chín im lặng không nói gì, càng ngày nước da chị càng đen sậm lại như cái tên của chị "Chín Đen". Sáng sớm chở con đến trường đi học, chị chạy thẳng ra đây bán cà phê kiếm tí tiền chợ. Hồi xưa không bị công an ruồng bố thì việc buôn bán cũng khá, từ khi ra luật dẹp vỉa hè, kiếm được đồng tiền ngày càng khó khăn hơn. Có bữa chạy không kịp bị tịch thu hết coi như đứt vốn, lại phải chạy đầu này vá chỗ nọ mượn nóng thêm mớ tiền mua ly, mua ghế đặng mai còn có cái buôn bán. Tôi vẫn cứ bảo với chị kiếm việc khác làm ăn đi coi bộ buôn bán thế này sao chị đủ sống. Nhưng chị lại than thở kiếm việc gì bây giờ? Cỡ tuổi như chị xin việc ai nhận, vả lại không có chuyên môn thì xin ở đâu đây. Nếu có cách làm ra tiền ai ra ngoài hè buôn bán chi cho cực. Vậy rồi có lần chị nói với tôi chị muốn nuôi tôm: "Thấy người ta nuôi tôm có lời ham lắm mày ơi!".
Tôi khuyến khích thêm: "Thế thì chị nuôi đi, cần vốn em cho mượn một mớ ", " Ừa hén Hân, chị có thiếu hụt em cho chị mượn với nghen?"
- Nuôi tôm vất vả quá Hân ơi!
Giọng chị tiếp tục cất lên nghe sao thảm não:
- Anh mày bây giờ ôm nhom, đen thùi lùi vì phải thức khuya dậy sớm lo cho đìa tôm, và còn sợ bị câu trộm nữa.
- Vậy hả, sao kỳ trước nghe chị nói ngon lành lắm mà?
- Đứng ngoài ngó tưởng ngon ăn nhưng khi vào cuộc rồi mới biết. Sinh ra đủ thứ chuyện em ơi! Lỗ sặc máu!
Tôi chưa bao giờ nuôi tôm nhưng Bố tôi cũng có nuôi vài đìa dưới quê. Lúc bắt đầu nuôi ông cũng mạnh miệng nói này nọ lắm. Kêu tôi hùn tiền nuôi chung, ông bảo "tôm ngon ăn lắm con à!". Tôi thì không ham lắm vụ này nên tìm cách từ chối thẳng, tôi bảo với ông: "Bố thích nuôi thì bố cứ nuôi, con có ở đây đâu mà tôm với chẳng cá.". Thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại về hỏi thăm mấy đìa tôm của ông ra sao, ông cười nói rổn rảng: "Ứ ừ..! Tôm nay lớn lắm rồi, mai mốt bay về bố bắt tôm gửi lên Sài Gòn cho bay nướng ăn". Thế nhưng khi tôi về thăm nhà, bố tôi im re không còn lên tiếng gì về vụ tôm nữa cả. Hỏi thăm mấy đứa em thèo lẻo: "Tháng trước bố thuê người tát nước bắt tôm, hình như chỉ được có mấy ký lô nên ông nản vụ tôm rồi.".
Bố tôi rất mê làm kinh tế, lần nào về quê thăm bố là ông lại ngồi tỉ tê cả vài giờ đồng hồ về những kế hoạch sắp tới trong tương lai, về nông trại ông xây dựng để chăn nuôi gà đẻ trứng, về mấy mẫu cam trồng đang đến mùa thu hoạch…và còn nhiều dự định nữa ông sẽ thực hiện. Rồi ông đưa tôi qua thăm căn nhà mới xây cho vợ chồng thằng Út, thăm vườn cam cằn cỗi quả chỉ bằng nắm tay, nghe đâu bán được vài trăm đồng một ký… Tôi nhìn bố tôi mà thấy tội nghiệp, thân ốm ròm, đen thủi, mái tóc nhuộm đen nhưng dưới chân tóc lộ ra một mầu trắng bạc, tôi lắc đầu ngao ngán: "Bố! Hơn bảy chục tuổi rồi, sao bố không nghỉ đi cho khoẻ. Nhà mình có thiếu thốn gì đâu mà bố cứ phải lao tâm lao lực. Các em đã có gia đình hết, mà tụi nó có chịu dời thành phố về quê ở đâu, bố lại cho xây cái nhà bự chảng thế này? Rồi ai ở? Hai ông bà lương hưu cũng đủ chi dùng trong nhà rồi, thiếu nhiêu con bù. Đừng có làm kinh tế nữa bố à".
Nghe tôi nói vậy ông nổi xung thiên lên: "Tao không làm kinh tế, chúng mày về đây lấy cứt mà ăn à". " Bố nói đấy nhá, mai mốt con cháu không về nữa. Buồn đừng có than!" Ông lại cười giả lả.
- Cô Hân mới về hả.
Tôi giật bắn mình cắt đứt dòng suy nghĩ ngước mặt lên nhìn xem ai mới hỏi thăm mình. Thì ra anh bỏ báo cho tôi khi trước. Tôi tươi cười trả lời:
- Dạ, tôi mới về.
- Trời! Có cô về tôi mừng quá. Cô có tiếp tục lấy báo nữa không để sáng tôi mang qua.
- Dạ. Thì anh cứ mang qua đi, còn không anh để ở đây tôi ra đọc cũng được.
Vừa nói tôi vừa đưa tay với lấy hai tờ Công An và Tuổi Trẻ, cuộn lại bỏ trong góc rổ chứa ly của chị Chín.
- Anh có khoẻ không? Làm ăn buôn bán ra sao?
- Cám ơn cô tôi vẫn khoẻ. Thì tôi vẫn lai rai bỏ báo kiếm sống. Má tôi mất rồi cô Hân ơi!
- Chia buồn với anh nghen.
- Cảm ơn cô. Vậy là sáng mai tôi mang báo qua nhà hén.
Tôi gật đầu, anh ta ôm chồng báo đi lặc lè ra chiếc xe đạp cà tàng, dắt xuống đường đạp về hướng Hàm Nghi.
- Ổng thấy mày về, ông mừng thấy mồ luôn đó Hân.
Ở Sài Gòn này có biết bao gia đình giầu nứt đố đổ vách nhưng cũng có biết bao người nghèo mạt hạng chạy cơm từng bữa. Xã hội nào cũng vậy thôi, nhưng xã hội thiên đường Chủ Nghĩa Cộng Sản Việt Nam thì sự cách biệt rộng lớn hơn nhiều. Có bữa tôi ngồi ở nơi đây chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng đếm được khoảng vài chục người ăn mày đến xin tiền, chủ yếu là mấy bà già khọm nghe tiếng tôi nhận được chính là đồng hương Thanh Hóa nhà mình. Sau này tôi còn được biết có hẳn một dịch vụ đưa người già từ Thanh Hóa vô đây đi ăn mày. Nhưng hôm nay thì không có ai cả, sắp đến Sea Game nên công an đã hốt hết hàng loạt người vô gia cư, xì ke ma túy, ăn xin ăn mày gì cũng gom vào trong trại sạch sẽ, lấy điểm với khách ngoại quốc là Việt Nam tiến bộ văn minh lắm, đâu còn ăn mày nghèo khó nữa!
Một tốp khách kéo đến, chị Chín đứng lên đon đả kéo ghế mời chào. Tôi xịch lại sát lại bờ tường, dựa lưng vào đó và lôi tờ báo Tuổi Trẻ ra đọc, tôi lật trang gần cuối chăm chú tìm mục tỉ giá ngoại tệ, đó chính là thói quen mỗi ngày của tôi. Tôi nhớ hồi mới qua Nhật, nhà chưa có internet, tiếng Nhật lại không rành, sợ tôi buồn chồng tôi thuê chương trình Sky Perfect cho tôi giải trí. Anh rất ngạc nhiên khi thấy tôi lúc nào cũng chăm chú theo dõi tỉ giá ngoại tệ, anh cười chọc quê và bảo tôi rằng: "Em cứ làm như em là Thống Đốc ngân hàng không bằng, tiền có được bao nhiêu mà thấy ngồi theo dõi hoài vậy?". Tìm được mục mình cần, tôi lật qua trang khác xem tin tức, chẳng có gì đáng chú ý tôi cuốn tờ báo ném vào chỗ cũ. Báo Tuổi Trẻ lúc trước mỗi tuần chỉ ra hai số nay thì ra hàng ngày tin tức cũng chỉ bấy nhiêu giống hệt các tờ báo khác, cứ nhai đi nhai lại hoài, chán chẳng muốn đọc.
Nhìn chị Chín tay thoăn thoắt pha chế cà phê, tôi bỗng phì cười khi nhớ lại chuyện cũ, bà này ngày xưa ghen chồng một cây, ghen đến nỗi thành nói nhảm, tôi sợ chị ghen quá hoá khùng thì tội nghiệp nên cứ theo an ủi hoài. Xong công việc, chị lại ngồi kế bên tôi, tay ngó đồng hồ rồi lẩm bẩm:
- Nhỏ em mày làm gì mà lâu ra dữ hén?
- Ôi kệ nó. Không ra thì thôi. À… mà chồng chị dạo này còn bồ bịch nữa không?
- Ai mà biết. Thôi kệ thây ổng, ghen riết mệt quá!
- Thiệt không đó?
Chị cười cười:
- Mày có tưởng tượng không Hân? Ổng cặp với con nhỏ đáng tuổi cháu ổng, nó tới nhà nó gọi tao bằng cô, thế mà nó lấy chú nó hồi nào tao không hay đó mày.
Tôi phá ra cười một cách sảng khoái, và cứ khúch khích cười mãi.
- Bộ mày vui lắm hay sao mà cười hoài vậy mày?
- Bà làm tôi mắc cười quá, nín sao được. Pha cho tôi ly cà phê sữa đá đi.
- Bộ mày muốn về rồi hả?
- Tôi biểu bà pha cà phê chớ tôi nói muốn về hồi nào. Bà bị lãng tai hả?
- Không, tao nghe rõ mày rồi, nhưng mày uống cà phê không sợ "chạy" nữa hay sao?
- Ôi… tôi hết bị dị ứng cà phê rồi, đừng có lo.
- Ủa thiệt hả? Mày uống thuốc gì hay vậy?
- Tùm lum hết bà ơi, tôi lên mạng đọc bài nào thấy có bệnh giống mình là "chôm"về mua thuốc y chang uống thử, uống riết khỏi mà không biết uống nhằm thuốc gì nữa.
Chẳng là ngày xưa tôi bị dị ứng với cà phê, hễ uống vào là y rằng mười phút sau phải cong đuôi chạy đi kiếm toilet liền, nên khi nghe tôi gọi cà phê chị tưởng tôi muốn về sớm. Chị nhanh tay múc sữa vào ly, đổ cà phê lên và dùng muổng quậy đều. Tuy đây chỉ là quán cà phê cóc nhưng chưa có ai pha cà phê sữa đá ngon như chị kể cả nhà bà Dì tôi ngày xưa cũng là một quán nổi tiếng ở ngay Sài Gòn này, ly cà phê thơm nức đậm đà tôi nhớ mãi không quên.
Cầm ly cà phê trên tay, tôi sóc sóc cho đá mau tan, hút một hơi nuốt xuống cổ họng, cái vị đăng đắng, ngọt ngậy, thơm thơm ngấm vào trong vị giác làm tôi gật gù:
- Cà phê chị pha ngon thật!
Tôi đặt ly cà phê uống dở xuống dưới cái ghế trước mặt rồi ngước lên nhìn chị chín hỏi:
- Anh Phước coi bói còn đi ngang qua đây nữa không chị?
- Thì ngày nào nó chẳng đi ngang qua đây, chừng mười giờ sáng, ngồi đây chờ một lát.
- Ủa còn cha Tiến xe ôm nay đi đâu rồi?
- Nó dạt xuống dưới kia làm ăn rồi mày ơi.
Chị ghé sát tai tôi nói nhỏ như sợ người khác nghe thấy:
- Thằng coi vậy mà có vợ nhỏ bữa hổm vợ lớn ra đánh ghen quá trời quá đất.
- Thiệt hả? Chả thấy gớm mà cũng có vợ nhỏ nữa sao? Hèn chi chồng bà léng téng hoài…
Tôi và chị Chín cùng nhìn nhau cười típ cả mắt. Lúc mở mắt ra thì đã thấy "xe cây" đỗ xịch ngay trước mặt, vài tên công an xộc tới. Theo phản ứng tự nhiên cả hai chị em tôi vội đứng dậy, chị Chín chụp lấy cái rổ đựng ly, còn tôi tay cầm ly cà phê, tay chụp cái ghế chạy. Một tên công an lao vào giằng lấy rổ ly của chị Chín, tên khác thì chận tôi lại lên tiếng hách dịch:
- Còn chạy đi đâu nữa.
Hắn giật cái ghế làm ly cà phê trên tay tôi rơi xuống vỡ tanh bành, cà phê sữa bắn tung toé. Tất cả đều bị tịch thu thảy hết lên xe cây, một tên quay lại chỉ mặt chị Chín nói:
- Bà là lì mặt nhất ở khu này đó nghen!
Chị Chín cứ đứng nghệt mặt, không trả lời câu nào. Thấy vậy tôi bực mình nói với theo:
- Còn mấy mụ đàn bà ở đây nữa nè. Thôi mang lên phường nuôi đẻ luôn đi.
Hắn liếc tôi một cái rồi quay đi leo lên xe. Tôi nhìn sang quán bên cạnh, con nhỏ Út vẫn đứng nguyên một chỗ, tay đặt lên ngực, miệng há hốc, mắt thì trợn ngược cứ như bị tụi công an bắt mất hồn. Tôi lên tiếng gọi:
- Út! Út, mày sao vậy Út?
Út giật mình quay lại nhìn tôi:
- Hú hồn!
- Hú cái gì mà hú, canh công an giỏi quá hén, nó đến trước mặt mà không biết.
- Trời ơi..! Em thấy mà…mà..mà em líu lưỡi la không được.
Tất cả bị tịch thu sạch, chỉ còn lại cái xô nhựa đỏ bể một góc nằm lăn lóc nơi gốc cây mà tên công an hồi nãy tính thu đi luôn nhưng nghĩ sao vứt trở lại. Chị Chín mặt thất thần:
- Hôm nay coi như đứt vốn nữa rồi. Sắp đến Sea Game tụi nó làm dữ lắm.
Vừa lúc ấy em gái tôi chạy xe tới, thấy mọi người còn túm tụm nó hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Mới bị công an hốt hết chứ gì nữa.
- Mất hết rồi hả Chín.
- Nhìn đây thì thấy rồi hỏi chi nữa mày.
Tôi đội nón, mặc áo khoác, thọc tay vào túi móc ra ít tiền dúi vào tay chị:
- Em trả tiền cà phê nè.
- Sao đưa chi nhiều vậy?
- Thì cầm lấy đi rồi chiều mua thêm ly với ghế đặng mai mới có chỗ ra "họp" nữa chớ, không thôi ngày mai ra đây đứng ngó hả?
Vừa nói tôi vừa cười và bảo em tôi:
- Mình qua bên chị Tư một lát, đứng đây một hồi "xe cây" đến hốt xe mày luôn bây giờ.
Quê Hương Ngày Trở Lại Quê Hương Ngày Trở Lại - Lê Mỹ Hân Quê Hương Ngày Trở Lại