Pinball Năm 1973 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 9
ẫn là một cái ngày như thế lặp đi lặp lại. Bạn phải có độ thính nhạy như một chú chó thì mới không nhầm được sang những ngày khác.
Cả ngày trời có mùi như mùa thu. Tôi làm xong việc vào tầm giờ như bình thường, nhưng khi về đến nhà thì không thấy tăm hơi cặp song sinh đâu. Tôi lăn lên giường trong lúc vẫn còn đeo tất, nằm đó hút một điếu thuốc. Tôi thử nghĩ đến mấy chuyện khác nhau, song không một thứ gì hiện lên trong đầu. Thở dài, tôi ngồi dậy nhìn chăm chú một lúc vào cái khoảng trắng trên bức tường đối diện. Tôi không có một ý tưởng nhỏ nhất phải làm gì – nhưng không thể cứ ngồi nhìn tường mãi được, tôi tự nhủ. Song ngay cả lời cảnh cáo ấy cũng vô ích. Một giảng viên hướng dẫn của khoa khi xem qua một bài tiểu luận tốt nghiệp sẽ có một nhận xét hoàn hảo: lời văn ổn, luận điểm rõ ràng, nhưng chẳng nói về cái gì cả.
Tóm tắt lại là như thế đấy. Dịp đầu tiên được ở một mình trong một thời gian dài, nhưng tôi lại chẳng biết phải làm gì với chính bản thân.
Thật kỳ lạ. Bao năm trời tôi đã sống một mình, và cũng vẫn sống ổn đấy thôi? Tại sao chúng lại không quay trở lại với tôi? Bạn không thể quên vèo hai mươi tư năm như vậy. Tôi cảm giác như mình đang trong quá trình tìm kiếm, nhưng đến giữa chừng thì quên mất mình đang phải tìm thứ gì.
Vừa mới đây thôi? Một cái mở nắp chai? Một lá thư cũ, hóa đơn, hay cái gì đó để lau tai?
Trước nguy cơ bị phân tán đầu óc tột độ, tôi vớ lấy cuốn sách của Kant bên giường, từ đó rơi ra một thứ gì như mẩu giấy. Nét bút của cặp song sinh ghi dòng chữ, “Bọn em ra sân gôn.” Đó là lúc tôi mới thực sự bắt đầu lo lắng. Không phải tôi đã dặn họ không bao giờ được ra ngoài đó mà không có tôi hay sao?
* * *
Sân gôn có thể là một nơi đầy hiểm họa vào lúc chập tối cho những người không đề phòng. Ai mà biết được khi nào thì một quả bóng gôn sẽ từ đâu bay tới?
Tôi xỏ giày tennis, khoác một cái áo mỏng quanh vai khi đi ra khỏi cửa, rồi trèo qua hàng rào mắt cáo vào bên trong. Qua một khoảng đồi thoải, đi quá lỗ thứ mười hai, quá nhà nghỉ chân, quá rặng cây, tôi cứ đi và đi. Nắng hoàng hôn đổ tràn lên bãi cỏ giữa những rặng cây dọc rìa phía tây. Trong một hố cát hình quả tạ tôi tìm thấy một hộp bánh quy kem cà phê, bỏ lại đấy bởi không ai khác ngoài cặp song sinh. Tôi vo nó lại nhét vào túi, tốn cả công để xóa đi ba cặp dấu chân của chúng tôi dù biết làm thế càng khiến tôi bị bỏ lại phía sau. Thế rồi tôi đi qua một cây cầu đi bộ nhỏ bằng gỗ bắc qua một dòng suối trước khi cuối cùng cũng bắt gặp cặp song sinh trên ngọn đồi gần đó. Họ đang ngồi cạnh nhau ở lưng chừng một cầu thang cuốn ngoài trời xây dọc theo sườn dốc ở phía đồi bên kia, hoàn toàn nhập tâm vào ván backgammon.
“Anh đã bảo hai em là đi đến đây một mình rất nguy hiểm rồi cơ mà?”
“Nhưng hoàng hôn đẹp quá,” một trong hai van nài.
Chúng tôi đi trở xuống, ngả người ra trên một gò đất mọc đầy cỏ susuki để ngắm hoàng hôn cho rõ. Khung cảnh đẹp tuyệt trần.
“Hai em không nên bỏ rác ở hố cát biết chưa,” tôi quở trách.
“Em xin lỗi,” hai người họ nói.
“Cách đây lâu rồi, từ hồi anh học tiểu học, anh đã bị thương ở trong một cái hộp cát.” Tôi cho họ xem đầu ngón trỏ tay trái nơi vẫn còn lờ mờ vết sẹo mảnh màu trắng dài gần một phân. “Có người đã chôn ở đó một cái lọ nước ngọt bị vỡ.”
Hai người họ gật đầu.
“Tất nhiên là cái vỏ hộp bánh quy không làm ai đứt tay được. Nhưng hai em vẫn không được để đồ đạc nằm lung tung trên cát. Những nơi có cát là những nơi linh thiêng và không được để ô uế.”
“Bọn em hiểu rồi,” một người nói.
“Bọn em sẽ chú ý hơn,” người còn lại bảo. “Anh còn sẹo ở đâu nữa không?”
“Ờ, nếu bọn em muốn biết…” và rồi tôi lần lượt cho họ xem đầy đủ mọi vết sẹo trên người tôi. Một ca-ta-lô các loại sẹo thông thường. Đầu tiên là ở mắt trái, nơi tôi bị một quả bóng đá đập vào. Đến nay trên võng mạc vẫn còn một vết sẹo nhỏ. Rồi đến mũi, cũng lại là vì bóng đá. Đang nhảy lên đánh đầu thì tôi va phải răng của một cầu thủ khác. Xong thì vành môi dưới của tôi có bảy mũi khâu. Một cú ngã xe đạp trong lúc bẻ lái để tránh xe tải. Và rồi còn cái răng mẻ nữa…
Chúng tôi, ba người nằm đó trên mặt cỏ lạnh, lắng nghe tiếng xì xào của những bông lau susuki trong gió.
Mặt trời đã khuất hẳn trước khi chúng tôi về lại căn hộ để ăn tối. Đến lúc tôi tắm rửa xong xuôi và có cho mình một chai bia, ba con cá hồi đã được nấu lên và đang đợi sẵn, cùng với một vài nhánh măng tây đóng hộp và mấy cọng cải xoong to đùng đặt bên cạnh cho có màu sắc. Vị cá hồi gợi lại nhiều kỷ niệm, như một lối đi lên núi trong những ngày hè. Chúng tôi từ tốn ăn hết đĩa cá. Thứ duy nhất còn lại nằm trên đĩa là bộ xương cá trắng và xơ cải to bằng cái bút chì. Cặp song sinh ngay lập tức đi rửa chén và pha cà phê.
“Có một thứ đang bắt đầu làm anh thấy thực sự thấy không yên,” tôi mở lời. “Về cái bảng chuyển mạch đó.”
Cả hai đều gật đầu.
“Sao hai em lại nghĩ nó sắp cạn kiệt rồi?”
“Anh có nghĩ nó đã vướng phải một thứ gì đó tồi tệ không?”
“Tắt ngúm rồi.”
Tôi cân nhắc một lúc, bên tay trái là cốc cà phê và bên tay phải là điếu thuốc lá.
“Vậy phải làm gì cho nó?”
Hai người họ nhìn nhau và lắc đầu. “Đã quá muộn để làm gì nhiều.”
“Quay về với đất thôi.”
“Anh đã thấy một con mèo bị nhiễm trùng máu bao giờ chưa?”
“Chưa,” tôi bảo.
“Nó sẽ bắt đầu cứng đơ như đá từ bên ngoài vào. Mất một thời gian rất lâu. Cái đi đời cuối cùng là quả tim. Cứ thế mà ngừng đập.”
Tôi thở dài. “Nhưng anh không muốn cái của anh vì anh mà chết.”
“Bọn em hiểu cảm giác của anh,” một người nói. “Nhưng chắc anh cũng biết, gánh nặng đối với anh là quá lớn.”
Nói thế là vẫn còn nhẹ nhàng. Thong thả như kiểu đang nói, đông này không đi trượt tuyết được bởi tuyết mỏng quá. Chí ít thì tôi vẫn có thể uống cà phê.
Pinball Năm 1973 Pinball Năm 1973 - Haruki Murakami Pinball Năm 1973