Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 3 - Satana
hó lòng đoán được tuổi người lạ, chỉ có thể ước chừng khoảng từ ba mươi đến bốn mươi, vì mặc dù tướng mạo bề ngoài toát lên vẻ trẻ trung nhưng mai tóc hai bên thái dương ông ta đã điểm bạc và đỉnh đầu thì khá trống trải: hai cái vịnh sói sọi ăn sâu lên phía trên kẹp lấy đường ngôi hẹp kẻ thẳng giữa chòm tóc lơ thơ trên vầng trán rộng. Trang phục của ông ta, cái quần ống đứng màu vàng sáng kẻ carô và một chiếc áo khoác dài quá cỡ may bằng chất liệu lừ xừ theo kiểu hai hàng cúc với ve áo đặc biệt lớn, còn lâu mới có thể gọi là thanh lịch; ve áo rộng bẻ cao đã hơi sờn do giặt ủi nhiều lần, chiếc cravát đen đã cũ, và rõ ràng ông ta không đeo măng sét, Hans Castorp để ý thấy ống tay áo ông ta rộng thùng thình buông thõng quanh cườm tay. Mặc dù vậy chàng phải công nhận từ người ông ta tỏa ra một uy lực khiến người khác phải nể trọng; nét mặt thông minh của người lạ, tư thế ung dung, vẻ quý phái lịch lãm của ông ta không cho phép nghi ngờ điều đó. Tuy nhiên sự pha trộn giữa nghèo nàn và duyên dáng, cộng thêm đôi mắt đen lánh và hàng ria vuốt tỉa công phu khiến Hans Castorp nhớ ngay đến các nhạc công ngoại quốc hay chơi nhạc trong sân nhà vào dịp giáng sinh, họ vừa ngước cặp mắt nhung huyền nhìn lên vừa ngửa chiếc mũ nỉ chìa ra đợi những đồng mười xu tròn trĩnh của người xem trên cửa sổ ném xuống. ‘Ông già quay đàn thùng!’ bất giác chàng tự nhủ. Và không hề bị bất ngờ khi nghe cái tên Ý được Joachim giới thiệu bằng giọng thiếu tự nhiên trong lúc hấp tấp đứng dậy:
“Em họ tôi là Castorp, - ông Settembrini.”
Hans Castorp cũng đứng lên chào, gương mặt vẫn đọng dấu vết trận cười vừa qua. Người đàn ông Ý dùng những lời lẽ hết sức trau chuốt xin họ đừng vì ông ta mà để mất tiện nghi, và ép họ ngồi xuống ghế trong khi ông ta vẫn thư thái đứng trước mặt hai người. Ông ta hơi mỉm cười, mắt không rời hai anh em họ, đúng ra là không rời Hans Castorp, và nụ cười tinh tế, thoáng chút giễu cợt trong cái nhếch mép nhẹ nhàng, một nếp nhăn hơi sâu xuống và một khóe môi hơi cong lên dưới hàng ria rậm, đúng vào chỗ những cọng ria được vuốt thành cụm vểnh lên, có một tác động lạ lùng, biểu lộ một trí tuệ mẫn tiệp khiến chàng Hans Castorp bất giác trở nên ngượng ngùng lúng túng, vội đổi nét mặt tươi cười sang vẻ nghiêm trang. Settembrini lên tiếng:
“Các quý ông đang cười vui, cũng đúng thôi. Một buổi sáng tuyệt vời! Bầu trời xanh thẳm, vầng thái dương rạng rỡ”, và ông ta nhẹ nhàng khoát tay, vừa đưa một bàn tay nhỏ nhắn xanh xao hướng lên trời vừa ngước cặp mắt tinh nhanh liếc xéo lên đầy ngụ ý. “Quả thực người ta có thể quên mình đang ở chốn nào.”
Ông ta nói tiếng Đức rất sõi, chỉ mỗi cách phát âm quá rành rọt không bỏ sót chữ nào là tố cáo giọng một người ngoại quốc. Cặp môi ông ta uốn cong nhả ra từng nguyên âm tròn trĩnh đầy hứng thú. Nghe ông ta nói thật sướng tai.
“Quý ông không quản vất vả lên đây với chúng tôi đường xa có mệt nhọc lắm không?” Ông ta quay sang Hans Castorp. “Chẳng hay quý ông đã nắm trong tay bản án lưu đày của mình chưa? Ý tôi muốn hỏi: ông đã trải qua nghi lễ đen tối của lần kiểm tra sức khỏe đầu tiên chưa?” Tới đây đáng lẽ ông ta phải ngừng lại đợi câu trả lời cho câu hỏi vừa đặt ra, và Hans Castorp cũng đã dợm mở miệng đối đáp. Nhưng người lạ lại bồi ngay câu hỏi tiếp theo: “Chẳng hay kết quả khám có khả quan không? Bằng vào thái độ vui vẻ của quý ông”, và ông ta ngừng lời giây lát, nếp nhăn nơi khóe mép cong cong hằn sâu thêm chút nữa, “người ta có thể rút ra những kết luận trái ngược nhau. Minos và Rhadamanth[19] của chúng tôi bắt ông bóc lịch bao nhiêu tháng?” Chữ “bóc lịch” vang lên từ cửa miệng ông ta đặc biệt khôi hài. “Để tôi đoán thử nhé? Sáu tháng? Hay là hẳn chín tháng? Về khoản ấy người ta không hà tiện…”
Hans Castorp bật cười kinh ngạc, trong lúc moi óc cố nhớ xem Minos và Rhadamanth là những ai. Chàng trả lời:
“Nhưng mà, không, ông lầm rồi, ông Septem…”
“Settembrini”, ông người Ý sửa lại và vung tay cúi chào điệu bộ rất hài hước.
“Ôi, tôi xin lỗi, ông Settembrini. Dạ ông lầm rồi, tôi không đau ốm gì. Tôi chỉ lên đây thăm người anh họ Ziemßen của tôi và nhân thể nghỉ mát vài tuần thôi…”
“Trời đất, vậy ra ông không phải một kẻ đồng hội đồng thuyền với chúng tôi? Ông là người mạnh khỏe, ông chỉ ghé thăm nơi này, như Odysseus[20] xuống thăm âm phủ? Can đảm biết nhường nào, người dám dấn thân xuống chốn thẳm sâu, nơi các âm hồn vô nghĩa dật dờ phiêu bạt[21]…”
“Xuống chốn thẳm sâu, thưa ông Settembrini? Xin ông thứ lỗi, nhưng tôi phải leo cao gần năm ngàn foot mới lên được đến đây đấy ạ!”
“Đó là cảm giác của ông mà thôi! Ông cứ tin lời tôi, lên hay xuống chỉ là một sự đánh lừa cảm giác[22]”, ông người Ý nói với một động tác vung tay quả quyết. “Chúng tôi là những sinh linh sa ngã dưới vực sâu, đúng không, ông thiếu úy”, ông ta quay sang Joachim, anh chàng rõ ràng rất khoái chí với danh xưng này, nhưng cố tìm cách che giấu bộ mặt hí hửng của mình và lấy giọng chín chắn trả lời:
“Đúng là ở đây cuộc sống có phần buông thả. Nhưng người ta vẫn có thể giữ tư cách đàng hoàng.”
“Vâng, riêng ông thì tôi tin tưởng lắm; ông là bậc chính nhân quân tử”, Settembrini bảo. “Chà, chà, chà”, ông ta tróc lưỡi giòn tan và lại quay về phía Hans Castorp. “Để coi, để coi, để coi”, ông ta láy đi láy lại ba lần nữa, hướng cái nhìn chiếu tướng thẳng vào mặt người mới đến, ánh mắt bất động như gắn chặt vào một điểm, rồi tiếp tục nói trong lúc cặp mắt lại trở nên linh hoạt:
“Vậy là ông hoàn toàn tự nguyện đến với chúng tôi, những linh hồn sa đọa, và cho chúng tôi cái diễm phúc được bầu bạn với ông một thời gian. Thế thì hay lắm. Ông dự định lưu lại bao lâu? Tôi hỏi khí sỗ sàng. Nhưng tôi thật sự tò mò muốn biết thời hạn người ta tự đặt cho mình nếu được toàn quyền quyết định mà không lệ thuộc vào Rhadamanth!”
“Ba tuần”, Hans Castorp nói giọng hơi thoáng chút kiêu ngạo vì chàng thấy có người ghen tị với mình.
“O dio[23], ba tuần! Ông thiếu úy, ông có nghe thấy không? Thật là báng bổ khi điềm nhiên nói: Tôi đến đây ba tuần thôi! Chúng tôi không biết đến đơn vị tuần, thưa quý ông, cho phép tôi giảng giải để quý ông được rõ. Đơn vị đo thời gian nhỏ nhất ở đây là tháng. Chúng tôi tính đếm một cách hào phóng, đó là một đặc quyền của cõi âm. Chúng tôi còn nhiều đặc quyền đặc lợi khác nữa, đều có tầm cỡ tương tự. Xin được hỏi ở dưới kia ông làm nghề gì - hay đúng hơn là: ông dự định làm nghề gì? Ông thấy đấy, sự hiếu kỳ của chúng tôi quả thực vô hạn độ. Nhưng hiếu kỳ cũng được coi là một đặc quyền ở đây.”
“Xin ông cứ tự nhiên”, Hans Castorp đáp. Và chàng thỏa mãn tính hiếu kỳ của ông ta.
“Một chuyên gia đóng tàu! Tuyệt quá!” Settembrini reo lên. “Xin ông tin rằng tôi thực lòng rất khâm phục nghề nghiệp của ông, mặc dù năng lực của tôi nằm trong một lĩnh vực hoàn toàn khác.”
“Ông Settembrini là văn sĩ”, Joachim ngập ngừng giới thiệu. “Ông chính là người soạn gửi cho các báo tiếng Đức bài tưởng niệm sau khi Carducci[24] từ trần - chắc cậu biết Carducci chứ.” Và chàng càng lúng túng khi người em họ trố mắt lên kinh ngạc nhìn chàng như muốn bảo: Cậu mà lại hỏi tớ về Carducci? Hiểu biết của cậu về ông ấy chắc cũng nhiều như của tớ, nghĩa là một con số không tròn trĩnh.
“Đúng thế”, ông người Ý trang trọng gật đầu. Tôi có cái vinh dự được giới thiệu đến đồng bào của các vị cuộc đời nhà thơ, nhà tư tưởng vô thần vĩ đại này khi ông từ giã chúng ta. Tôi may mắn được quen biết ông cụ thuở sinh thời, và có thể mạo muội nhận mình là đệ tử của ông cụ. Ở Bologna tôi từng được ngồi dưới chân thầy tôi nghe giảng. Mọi tri thức và phẩm chất tôi có được ngày nay đều là nhờ công sức thầy tôi. Nhưng chúng ta đang nói chuyện về ông cơ mà, ông Castorp. Một chuyên gia đóng tàu! Ông có biết rằng hình ảnh ông lớn lên vùn vụt trong con mắt tôi? Hãy nhìn xem, người ngồi đó đại diện cho cả thế giới lao động và kỹ thuật tiên tiến!”
“Nhưng mà, ông Settembrini, thực ra tôi vẫn còn gần như là sinh viên và chỉ vừa mới bắt đầu sự nghiệp thôi.”
“Dĩ nhiên, và tôi cũng biết rằng vạn sự khởi đầu nan. Mà nói chung mọi lao động để xứng đáng mang danh lao động đều khó nhọc cả, phải không ông?”
“Vâng, có quỷ sứ chứng giám là ông nói đúng!” Hans Castorp bồng bột thốt lên tự đáy lòng.
Settembrini rướn nhanh cặp chân mày.
“Ông viện dẫn đến cả quỷ sứ”, ông ta bảo, “để nhấn mạnh điều này? Đích thân quỷ Satan? Ông có biết rằng người thầy cao cả của tôi từng sáng tác một bài thơ ca tụng y không?”
“Xin ông thứ lỗi”, Hans Castorp kinh ngạc, “ca tụng quỷ?”
“Chính là y. Ở quê hương tôi người ta còn phổ nhạc làm thành bài ca, cử hành vào những dịp lễ lạt trọng đại. O salute, o Satana, o ribellione, o forza vindice de la ragione[25]… Một bài ca tuyệt vời! Nhưng con quỷ này chắc không phải quỷ sứ mà ông vừa viện dẫn đâu, vì y rất mực ưa chuộng lao động. Con quỷ mà ông nghĩ đến khinh rẻ lao động, vì nó khiếp sợ lao động, có lẽ nó là con quỷ mà người ta thường nói không nên chìa cho nó dầu chỉ một ngón tay út…”
Tất cả những điều này gây một tác động lạ lùng lên chàng trẻ tuổi Hans Castorp. Chàng mù tịt tiếng Ý nên chẳng hiểu câu trích dẫn kia nói gì, nhưng phần còn lại cũng không khiến chàng khoái chí chút nào. Những điều ông người Ý nói sặc mùi giảng đạo ngày chủ nhật, mặc dù được nói ra bằng giọng bông lơn nhẹ nhàng. Chàng nhìn sang người anh họ, Joachim cụp mắt nhìn xuống đất, và chàng đành lên tiếng:
“Chà, ông Settembrini, ông ngẫm nghĩ sâu xa quá từng lời của tôi. Xin đảm bảo với ông đó chỉ là tôi quen miệng mà nói thế thôi!”
“Cũng phải có người biết suy nghĩ chứ”, Settembrini bảo và hướng cái nhìn lên trời điệu bộ thất vọng. Nhưng rồi ông ta nhanh chóng lấy lại vẻ hoạt bát và duyên dáng, vui vẻ nối tiếp câu chuyện:
“Dù sao chăng nữa tôi cũng rút ra được từ những lời nói của ông một điều là, ông đã chọn một nghề rất khó khăn vất vả nhưng cũng rất mực cao quý. Lạy Chúa, tôi là văn sĩ, một homo humanus[26], tôi chẳng hiểu gì về nghề kỹ sư, dù cho tôi có thành tâm trân trọng khoa học kỹ thuật đến đâu chăng nữa. Nhưng tôi có thể tưởng tượng được rằng trong nghề nghiệp của ông về lý thuyết cần có một cái đầu minh mẫn với tư duy rành mạch và về thực hành thì phải có một sức khỏe tốt - tôi nói có đúng không ông?”
“Đúng thế, thưa ông, về mặt ấy tôi có thể tán thành tuyệt đối ý ông”, Hans Castorp trả lời, bất giác cố gắng chải chuốt cho câu nói văn hoa bóng bẩy hơn. “Những yêu cầu của thời đại ngày nay thật phi thường, người ta không dám hình dung ra mức độ chính xác của công việc nếu không muốn mất can đảm ngay từ đầu. Không, nghề nghiệp của tôi chắc chắn không phải trò đùa. Và nếu như người ta thiếu một thể lực cần thiết… Tôi không phải bệnh nhân mà chỉ là khách ở đây, nhưng cũng chẳng có được sức khỏe như lực sĩ, và tôi sẽ mang tội dối trá nếu bảo rằng lao động rất hợp với mình. Đúng ra lao động làm tổn hại sức khỏe của tôi, phải thú thực là như vậy. Tôi chỉ cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh khi chẳng phải làm gì…”
“Ví dụ như lúc này?”
“Lúc này? Ôi, tôi mới vừa chân ướt chân ráo lên đến đây, lúc này tôi vẫn còn hơi rối trí, như ông cũng có thể hình dung ra được.”
“A ha, - rối trí.”
“Vâng, tôi ngủ cũng không được ngon giấc, và rồi bữa điểm tâm có phần quá thịnh soạn… Xưa nay tôi có thói quen ăn điểm tâm chắc dạ, nhưng bữa sáng ở đây quả thực quá chắc đối với tôi, too rich[27], như người Anh họ ưa nói. Tóm lại là tôi thấy hơi khó ở, và nhất là sáng nay tôi hút xì gà chẳng thấy ngon, ông thử tưởng tượng xem! Chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra với tôi, ngay cả khi ốm nặng cũng không đến nỗi thế, vậy mà hôm nay nó đắng nghét trong miệng tôi như da thuộc. Tôi phải vứt điếu xì gà đi, vì có cố hút cũng chẳng được gì. Cho phép tôi được hỏi, ông có hút thuốc không ạ? Không? Thế thì e rằng ông không thể hình dung nổi nỗi bực bội và thất vọng lớn đến mức nào đối với một người đã quen hút thuốc từ khi còn trẻ, như tôi…”
“Tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ấy”, Settembrini đáp, “và cũng không hối tiếc gì về thiếu sót này. Một loạt danh nhân cao quý và sáng suốt đã ghét cay ghét đắng tật hút thuốc. Cả Carducci cũng không ưa khói thuốc. Nhưng ở đây ông sẽ nhận được sự thông cảm từ phía Rhadamanth của chúng tôi. Ông ta là một tín đồ trung thành của tật xấu này.”
“Chà, tật xấu, ông Settembrini…”
“Không phải vậy sao? Phải gọi sự vật bằng đúng tên thật của nó chứ. Đấy là một cách củng cố và đề cao cuộc sống. Cả tôi cũng có thói hư tật xấu.”
“Thế ra ông cố vấn cung đình Behrens là một người sành xì gà? Ông ấy rất dễ mến.”
“Ông thấy thế? A, ông đã có dịp làm quen với ông ta rồi sao?”
“Vâng, mới vừa lúc nãy, khi chúng tôi lên đường đi dạo. Gọi là làm quen nhưng thật không khác gì khám bệnh, có điều hoàn toàn miễn phí, ông biết không. Vừa nhìn thoáng là ông ấy nhận ra ngay tôi bị thiếu máu. Và còn khuyên tôi nên theo nhịp điệu sinh hoạt của anh họ tôi, nằm ngoài ban công, và cả đo nhiệt độ nữa, ông ấy bảo thế.”
“Thật vậy sao?” Settembrini kêu lên… “Thú vị chưa!” ông ta ném lên không trung mấy lời này trong lúc ngửa cổ cười khầng khậc. “Bậc thầy âm nhạc của các vị nói thế nào trong vở opera của ông ấy nhỉ? ‘Người bẫy chim chính là ta, lúc nào cũng vui ca, hây sa, hốp sa sa![28]’ Tóm lại, thật nực cười. Ông định làm theo lời khuyên của ông ta? Không còn nghi ngờ gì nữa. Tại sao lại không chứ. Lão Rhadamanth này thật là một tay quỷ quyệt! Và đúng là lúc nào cũng ‘vui ca’, mặc dù đôi khi có phần gượng gạo. Lão mắc chứng trầm cảm. Tật xấu kia làm hại lão, nếu không nó đã chẳng phải là tật xấu, khói thuốc làm tâm trạng lão nặng nề u uất - thế cho nên bà y tá trưởng đáng kính của chúng tôi phải tịch thu kho dự trữ thuốc hút của lão và chỉ xì ra mỗi ngày một khẩu phần nho nhỏ thôi. Nghe nói có lần lão ta không cưỡng nổi sự cám dỗ, đã lấy trộm thuốc hút để rồi hoàn toàn chìm đắm trong ưu sầu. Nói tóm lại, đó là một linh hồn bấn loạn. Ông cũng đã được làm quen với bà y tá trưởng của chúng tôi rồi chứ? Chưa à? Nhưng thế thì thiếu sót quá! Ông sẽ phạm sai lầm nếu không tìm cách ra mắt bà ta. Một hậu duệ của dòng họ von Mylendonk, thưa quý ông! Bà ta chỉ khác thần Vệ nữ Medici ở một chỗ, đó là nơi thần Vệ nữ mọc lên đôi gò bồng đảo thì ở bà ta treo lủng lẳng cây thánh giá…”
“Ha ha, tuyệt quá!” Hans Castorp phá ra cười.
“Tên bà ta là Adriatica.”
“Lại còn thế nữa?” Hans Castorp kêu lên… “Thôi ông ơi, tôi đến chết cười mất! Họ von Mylendonk lại còn đặt tên là Adriatica. Lẽ ra bà ấy phải chết lâu rồi mới đúng. Thời nay mà còn có cái tên mang đậm dấu ấn thời trung cổ như vậy.”
“Quý ông thân mến”, Settembrini đáp lại, “ở đây đúng là có một chút ‘dấu ấn thời trung cổ’, như cách nói ưa thích của ông. Bản thân tôi tin rằng Rhadamanth của chúng ta vì lý do thẩm mỹ nghệ thuật, và duy nhất chỉ vì lý do này, mà dựng tiêu bản hóa thạch kia lên làm y tá trưởng trông coi địa ngục A tỳ của ông ta. Bởi vì ông ta có máu nghệ sĩ - ông không biết điều đó ư? Ông ta vẽ tranh sơn dầu. Ơ kìa, vẽ đâu phải là một cái tội, ai cũng có quyền tự do muốn vẽ gì thì vẽ chứ… Bà Adriatica sẵn lòng kể cho bất kỳ ai muốn nghe, và cả những người không muốn nghe, rằng giữa thế kỷ mười ba đã có một phụ nữ thuộc dòng họ Mylendonk làm tu viện trưởng một nhà thờ ở Bonn bên sông Rhine. Bản thân bà ta chắc cũng mở mắt chào đời sau đấy không bao lâu…”
“Ha ha ha! Ông tài châm biếm quá, ông Settembrini.”
“Châm biếm ư? Ý ông muốn nói: ác khẩu. Phải, tôi là người ác khẩu”, Settembrini đáp. “Nỗi thống khổ của tôi nằm ở chỗ, tôi bị kết án phải lãng phí nọc độc của mình cho những đối tượng thảm hại. Tôi hy vọng ông không ác cảm với miệng lưỡi mỉa mai chứ, ông kỹ sư? Trong con mắt tôi mai mỉa là vũ khí sắc bén nhất của trí tuệ chống lại các thế lực đen tối và xấu xa. Mỉa mai, thưa quý ông, là linh hồn của phê bình, và phê bình chính là khởi đầu cho tiến bộ và khai sáng.” Rồi ngay lập tức ông ta chuyển sang nói về Petrarca[29], người được ông ta gọi là “cha đẻ của thời đại mới”.
“Đã tới giờ về nằm nghỉ”, Joachim lên tiếng nhắc.
Ông văn sĩ khi nói luôn luôn kèm theo những cử chỉ hùng hồn. Giờ đây ông ta dứt mạch chuyện bằng một cái khoát tay hướng về phía Joachim, và bảo:
“Thiếu úy của chúng ta nóng lòng về làm nhiệm vụ. Vậy ta đi thôi. Tôi cũng đi cùng đường với các ông - ‘nào sang phải, tìm đến Diêm vương, nhắm hướng bức tường khổng lồ mà tiến’[30]. Ôi, Virgil, Virgil! Thưa quý vị, thi sĩ này cho tới nay vẫn giữ địa vị tột đỉnh trong nghệ thuật thơ ca. Tôi là người tin tưởng vào sự tiến bộ, lẽ dĩ nhiên. Nhưng Virgil có tài sử dụng tính từ mà không một nhà thơ hiện đại nào theo kịp…” Và ông ta bắt đầu tràng giang đại hải đọc thơ tiếng Latinh theo lối phát âm tiếng Ý, chỉ ngừng lời khi gặp trên đường một thiếu nữ đi ngược chiều với họ, một cô gái làng nhan sắc chẳng phải loại chim sa cá lặn gì, vậy mà ông người Ý nở một nụ cười rất trai lơ và ngay lập tức đổi sang giọng tán tỉnh. “Chậc, chậc, chậc”, ông ta tặc lưỡi. “Ây, ây, ây! Là lá la! Cô em bé nhỏ xinh tươi, bằng lòng về với ta không? Hãy xem, ‘trong ánh mắt em bừng tia ham muốn’”, ông ta trích dẫn - có trời mới biết từ đâu - và gửi theo tấm lưng thẹn thùng của cô bé một nụ hôn gió.
Thật là một gã ba láp, Hans Castorp thầm nghĩ, và nhận định ấy bám chắc lấy chàng, mặc dầu Settembrini sau cơn ga lăng bất tử đã trở lại dài giọng chê bai dè bỉu người khác. Chủ yếu ông ta chĩa mũi dùi vào ông cố vấn cung đình Behrens, châm chích từ kích thước quá khổ của hai bàn chân ông này cho đến cái danh hiệu ông ta kiếm được nhờ một vị hoàng tử mắc bệnh lao não. Hạnh kiểm đáng chê trách của vị hoàng tử này cho tới giờ vẫn còn là đề tài buôn chuyện khắp vùng, nhưng Rhadamanth nhắm tít cả hai mắt làm ngơ, thật xứng danh cố vấn cung đình. Thêm vào đấy các vị có biết chính ông ta là người phát minh ra kỳ nghỉ mùa hè không? Đúng thế, ông ta chứ không ai khác. Công lao này đáng được tặng thưởng huân chương. Trước kia mùa hè hiu hắt lắm, chỉ có những kẻ trung thành nhất trong số bệnh nhân cam chịu trụ lại ở thung lũng này thôi. Thế rồi “danh hài của chúng ta” với cái nhìn sắc sảo không để lọt điều gì khỏi đôi mắt ếch đi đến nhận định rằng tình trạng ế ẩm này là hậu quả của một thành kiến sai lầm không hơn không kém. Ông ta bèn dựng lên một học thuyết, theo đó khóa an dưỡng mùa hè, nhất là những hoạt động ở viện của ông ta, chẳng những không kém phần quan trọng, mà còn có hiệu quả chữa trị đặc biệt cao, thậm chí không thể bỏ qua được. Và ông ta rất biết cách nhồi cái thuyết này vào sọ mọi người, dưới hình thức những bài viết kêu như chuông được lăng xê lên mặt các báo. Vậy là từ đó cỗ máy kinh doanh ở đây mùa hè cũng chạy trơn tru như mùa đông. “Thiên tài!” Settembrini bình luận. “Trực giác kinh doanh vô cùng nhạy bén!” Ông ta bồi thêm. Và rồi ông ta nhảy cóc sang các an dưỡng đường khác trong vùng, dùng những lời lẽ cay độc nhất tán dương tài kinh doanh của các bác sĩ viện trưởng. Này là ông giáo sư Kafka… Năm nào cũng thế, cứ đến thời điểm gay cấn mùa tuyết tan, khi có nhiều bệnh nhân đòi ra viện, ông giáo sư lại tìm thấy lý do cấp bách để đi vắng tám ngày, và hứa lúc trở về sẽ cho xuất viện. Nhưng rồi ông ta đi biệt tới sáu tuần, và những bệnh nhân khốn khổ cứ dài cổ ra đợi, lẽ dĩ nhiên không cần phải nói là tấm hóa đơn viện phí cũng dài ra một cách tương ứng. Hoặc giả người ta muốn thỉnh Kafka đến Fiume[31], nhưng ông ta nhất định không chịu rời gót ngọc chừng nào người bệnh chưa chồng đủ năm ngàn franc Thụy Sĩ, thủ tục này làm mất đứt mười bốn ngày. Và một ngày sau khi vị đại danh y tới nơi thì bệnh nhân cũng trút hơi thở cuối cùng. Về phần bác sĩ Salzmann, ông ta tung tin sau lưng bác sĩ Kafka rằng ông này không đảm bảo vệ sinh kim tiêm và qua đó làm lây sang bệnh nhân khối bệnh truyền nhiễm. Kafka ngồi xe ngựa bánh cao su, Salzmann kể, để các âm hồn chết vì tay ông ta không nghe tiếng xe chạy mà bu đến; trong khi ngược lại Kafka khẳng định rằng, các bệnh nhân của Salzmann được tống cho một lượng lớn “quà tặng làm phấn chấn tinh thần, tinh túy của cây nho”, cũng không ngoài mục đích nâng cao hóa đơn viện phí, đến nỗi ở đấy người ta chết như ruồi, không phải vì lao phổi mà là vì xơ gan…
Câu chuyện đại loại cứ thế tiếp diễn, và Hans Castorp cười như nắc nẻ, thích thú lắng nghe dòng thác những lời chê bai dí dỏm. Miệng lưỡi ông người Ý có sức cuốn hút lạ lùng bởi lối diễn đạt phong phú sinh động và cách phát âm rành rọt chính xác. Đôi môi linh hoạt của ông ta nhào nặn ngôn từ khiến chúng trở nên mới mẻ và đầy sức sống, ông nhấm nháp tận hưởng từng câu tục ngữ châm ngôn được dùng nơi đắc địa, thậm chí ông áp dụng những quy tắc văn phạm khô khan cũng với một vẻ hứng thú say mê như thể muốn phơi bày, loan báo tâm trạng mãn nguyện của mình, và thừa sáng suốt cũng như nhanh trí để không một lần nào ngập ngừng vấp váp.
“Ông nói hay quá, ông Settembrini”, Hans Castorp bảo, “rất sinh động, tôi không biết phải tả bằng lời nào.”
“Giàu hình tượng, phải không?” Ông người Ý đáp và rút khăn tay ra phe phẩy quạt, mặc dù khí trời hơi lành lạnh. “Đó có thể là chữ ông tìm kiếm. Ông muốn nói rằng tôi có cách diễn đạt giàu hình tượng. Nhưng gượm đã!” Ông ta đột ngột kêu lên. “Nhìn xem ai thế kia! Các phán quan trông coi địa ngục của chúng ta đang tản bộ! Ngoạn mục chưa!”
Ba người đã đi hết khúc quanh của quãng đường về. Chẳng biết nhờ câu chuyện làm quà của Settembrini, nhờ xuống dốc hay thực ra họ chưa hề đi xa khỏi viện điều dưỡng như cảm tưởng của Hans Castorp, vì con đường ta đi lần đầu tiên thường có vẻ dài hơn vẫn con đường ấy nhưng đã quen chân: có một điều chắc chắn là đường về nhanh đến mức làm chàng kinh ngạc. Settembrini không lầm, đúng là hai ông bác sĩ đang đi dọc bãi đất trống đằng sau viện an dưỡng, ông cố vấn cung đình trong chiếc áo choàng trắng đi trước với cần cổ vươn dài và hai bàn tay bươn chải như mái chèo, bác sĩ Krokowski trang phục đen ngòm theo sát gót, láo liêng nhìn ngó xung quanh, tự tin hơn hẳn thái độ phục tùng miễn cưỡng lúc theo sếp đi thăm bệnh.
“A, Krokowski!” Settembrini reo lên. “Ông ta là một cái tủ biết đi trong chứa mọi bí mật của các quý bà. Xin hãy lưu ý đến ngụ ý kín đáo của trang phục ông ta mặc. Ông ta chọn màu đen để ám chỉ rằng lĩnh vực nghiên cứu của mình là đêm tối. Thằng cha này chỉ có trong đầu một ý nghĩ duy nhất, và đó là một ý nghĩ bẩn thỉu. Ông kỹ sư, tại sao từ nãy tới giờ chúng ta lại chưa nói một lời nào về nhân vật này thế nhỉ! Ông cũng đã làm quen với y rồi phải không?” Hans Castorp đáp phải.
“Ông thấy y thế nào? Tôi bắt đầu lo rằng ông cũng mến mộ y.”
“Thực tình tôi không biết, ông Settembrini. Tôi mới chỉ gặp ông ta thoáng qua một lát thôi. Vả lại tôi cũng không thuộc loại người vội vàng khi đánh giá. Tôi ưa bình tĩnh quan sát người ta và tự nhủ: à, ra là anh như vậy đó? Hẵng biết thế đã.”
“Như thế là ù lì!” Ông người Ý phản bác. “Ông hãy tự mình đánh giá sự vật! Thiên nhiên trang bị cho ta đôi mắt và trí khôn để làm gì. Ông cho rằng tôi là kẻ ác khẩu, nhưng tôi hành động như vậy không ngoài mục đích giáo dục. Những người theo chủ nghĩa nhân văn chúng tôi đều mang trong mình thiên hướng sư phạm… Thưa các vị, mối quan hệ lịch sử giữa nhân văn và sư phạm có một chiều sâu tâm lý. Không nên tước đi chức năng sư phạm của một văn nhân - không thể tách rời điều đó ra khỏi họ, vì chỉ có thông qua họ nhân phẩm và vẻ đẹp của con người mới được lưu truyền. Ở một thời điểm lịch sử họ đã tiếp thu nhiệm vụ giáo dục từ tay giới tăng lữ, là những kẻ kiêu căng tự giành lấy trách nhiệm dẫn dắt thế hệ trẻ trong thời kỳ đen tối thù địch nhất với nhân loại. Từ bấy đến nay, thưa các vị, chưa có một hình mẫu sư phạm mới nào khác ra đời để thay thế họ. Việc lập ra các trường trung học nhân văn[32] - ông cứ việc gọi tôi là phản động, ông kỹ sư, nhưng xin các ông hiểu đúng ý tôi, về căn bản, về mặt tinh thần tôi vẫn là một người ủng hộ trào lưu này…”
Vào đến thang máy ông ta vẫn còn thao thao bất tuyệt, và chỉ ngậm miệng khi hai anh em ra khỏi thang máy ở tầng ba. Bản thân ông ta đi tiếp lên tầng bốn, Joachim kể rằng trên ấy ông ta ở trong một phòng xép nhỏ trông ra phía sau.
“Chắc ông ta không có tiền?” Hans Castorp hỏi trong lúc lót tót đi theo Joachim về phòng. Phòng Joachim trông chẳng khác gì phòng chàng.
“Ừ”, Joachim trả lời, “có vẻ như ông ta không có tài sản gì. Hoặc là chỉ có vừa đủ để trang trải một cách tùng tiệm ở đây. Ông cụ thân sinh ra ông ta cũng là văn sĩ, cậu biết không, và hình như cả ông nội ông ta nữa.”
“Ra thế”, Hans Castorp bảo. “Bệnh ông ta có nặng lắm không?”
“Theo như tớ được biết thì không đến mức nguy hiểm, nhưng mà dai dẳng và cứ tái phát liên tục. Ông ấy ở đây nhiều năm rồi, đã có lúc được ra viện nhưng chẳng bao lâu sau lại phải quay trở lên.”
“Tội nghiệp quá nhỉ! Nhất là ông ta lại tỏ ra yêu lao động đến thế. Mà ông ta lắm lời đến phát khiếp, chuyện nọ xọ chuyện kia cứ dễ như không. Có điều với cô bé gặp ngoài đường ông ta chớt nhả quá, tớ vẫn còn hơi ngượng. Nhưng những điều ông ta phát biểu sau đó về nhân phẩm con người thì thật hùng hồn, không khác gì một bài diễn văn. Cậu có thân với ông ta không?”
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần