Chương 11: Mohandas Karamchand Gandhi (1869–1948)
hiều khuôn mặt đã phô diễn qua sân khấu hiện tại, đầy vẻ tự tin và tự phụ hơn Mahatma Gandhi, thật ra, rất ít người gây được ảnh hưởng quan trọng đối với lịch sử của thời đại chúng ta.
Với một thân hình mảnh dẻ yếu đuối, và với một ít truyền thống của vai trò lãnh đạo, nhưng được trời phú cho một cái nhìn sáng suốt cùng một đức tin bền bỉ, con người đặc biệt này đã đánh thức nơi những dân tộc bị áp bức một ý thức về nhân phẩm và một ý chí quyết tranh đấu cho độc lập. Cuộc tranh đấu trường kỳ của ông nhân danh dân tộc Ấn ở Nam Phi và sự xuất hiện của ông sau đó như một vị tiên tri trong trái tim của hàng triệu đồng bào.
Sự sáng suốt về chính trị và thông minh về pháp lý đã giúp ông biến đổi đức tin sang hành động hữu hiệu. Trên hết, ông được cả thế giới biết đến nhờ chủ nghĩa tranh đấu bất bạo động của ông. Bỏ tất cả của cải để suốt đời phụng sự cho dân tộc. Công nghiệp của ông, rất hiếm nếu không muốn nói là duy nhất; đã mang lại trong chính trị sức mạnh của đạo đức nơi một vị giáo chủ tôn giáo vĩ đại.
Gia đình Gandhi thuộc giai cấp phú hào đã mấy đời giữ những địa vị quan trọng trong chính trường ở xứ Kathiawar. Cha của Mahatma là Kaba Gandhi, tộc trưởng ở Rajkot và Vankana. Mohandas là con trai út của Kaba và người vợ thứ tư.
Gandhi lớn lên trong môi trường tín ngưỡng, mẹ ông rất nghiêm khắc với những hình thức và bổn phận tôn giáo. Bà cũng là một người đàn bà rất thông minh và sâu sắc. Cha ông tuy học ít, nhưng đã thu thập được nhiều kiến thức thực tiễn và sự thông thái trong đời sống.
Gandhi sinh ngày 02 tháng Chín năm 1860 tại Porbandar (tiểu bang Kathiawar). Ông sống ở đó cho đến năm lên bảy tuổi, cũng như theo học tại trường nơi đây, nhưng ông kể lại rằng “thật là cả một sự khó khăn mới thuộc nổi bản cửu chương”. Sau đó, gia đình ông rời Porbandar để đi Rajkot, tại đây Kaba Gandhi giữ một vài chức vụ ở triều đình.
Gandhi lập gia đình năm mười ba tuổi. Người anh kế và anh họ ông cùng cưới vợ cùng ngày với ông. Sau một năm trời bỏ dở, ông tiếp tục học trung học. Ông học một ít tiếng Sanskrit (cổ ngữ) với sự khó khăn, nhưng sau đó ông vẫn nỗ lực cố gắng và có thể đọc được vài quyển Thánh thư Ấn Độ. Ông nghĩ rằng tất cả trẻ con Ấn Độ phải được dạy tiếng Hindi, Sanskrit, Ba Tư, Ả Rập, và tiếng Anh.
Suốt thời kỳ cha ông bịnh và nằm liệt giường, chính Gandhi là người hầu hạ và chăm sóc chu đáo cho cha. Cái chết của cha là cơn lốc buồn thảm cho ông.
Gandhi đậu kỳ thi nhập học và theo học một niên khoá tại Đại Học Samaldas ở Bhavnagar. Nhưng ông không quen với đời sống ở đó và trở về nhà. Một bạn già người Bà La Môn của gia đình ông khuyên nên gởi Gandhi sang Anh Quốc học luật. Sau khi ngần ngại hết sức và tim như đốt cháy, ông quyết định đi. Sự kiện này là một trường hợp động trời trong giai cấp phú hào và vị tộc trưởng tuyên bố Gandhi đã bôi lọ danh dự của giai cấp mình. Ông lên tàu ở Bombay tháng Chín năm 1887, bỏ lại một đứa con trai vừa được mấy tháng.
Tại London, ông gặp các nhà lãnh tụ thông thần học gồm có bà Besant và bà Blavatsky. Qua những người này, ông đâm ra say mê văn chương huyền bí của Ấn Độ, mà từ trước tới nay bị ông thù ghét. Ông rất xúc động khi nghe một bài giảng đạo nhấn mạnh đến việc cảm hoá những người xấu về nẻo tốt, và ông so sánh những lời giảng đạo đó với những lời dạy tương tự như vậy trong Thánh Thư Ấn Độ.
Ông cùng với Narayan Hemchandra đến phỏng vấn Đức Hồng Y Manning và cả hai người Ấn này bày tỏ lòng kính phục, vì Đức Hồng Y đã bênh vực cho đám phu bến tàu trong cuộc đình công nổi tiếng năm 1889.
Sau gần bốn năm, ông mới học xong tại London và trở về Ấn. Ông hành nghề tại Rajkot, nhưng không gặt hái được nhiều thành công. Một hãng buôn có chi nhánh tại Nam Phi, mời ông sang đây để giúp việc kiện tụng về vụ hàng hoá của hãng.
Tháng Tư năm 1893, Gandhi sang Nam Phi được một năm. Ông ở đó hơn hai mươi năm. Ngay sau khi ông vừa đến Natal (Thủ đô Nam Phi), một loạt những xúc động như đánh thức ý thức chính trị nơi con người ông. Cho đến lúc này, ông chỉ mới gặp thành kiến về chủng tộc do sự tàn ác dã man của một nhân viên chính quyền ở Kathiawar. Tại Natal, hình như khắp nơi, trong các môi trường xã hội và chính trị, đều thi đua nhau chửi mắng túi bụi vào cá nhân cũng như toàn thể người Ấn Độ.
Một ngày sau khi ông đến, Gandhi dự khán một phiên toà của vị thẩm phán ở Durban. Vị thẩm phán trơ mắt nhìn ông giây lát, rồi ra lệnh cho ông tháo chiếc khăn bịt đầu ra. Thay vì làm như vậy, Gandhi lại bỏ ra khỏi toà án. Vài ngày sau, ông đáp xe lửa đi Pretoria. Cuộc hành trình tủi nhục và đầy nguy hiểm này cho ông thấy vai trò hạ tiện của đồng bào Ấn Độ tại Nam Phi. Mặc dù mua vé hạng nhất, ông lại bị tống cổ ra khỏi toa hạng nhất và trong suốt chuyến đi trên xe lửa đó, ông bị bắt buộc ngồi phía ngoài với tài xế; và sau đó, ông còn bị gã thâu tiền trên xe lửa đánh đập tơi bời. Ông bị những nhân viên xe lửa gọi bằng tên “Sammy”, một biệt hiệu mà người châu Âu đặt cho tất cả dân Ấn để biểu lộ sự khinh thị, cũng như họ muốn ám chỉ tất cả dân Ấn là “Coolies”. Do đó, Gandhi bị gọi là luật sư Coolies.
Công việc mà ông nhận làm trước kia lại kéo dài tại Pretoria hàng tháng. Những thân chủ của ông là người Hồi và lúc đó ông bắt đầu chú ý đến Hồi giáo, ông đọc lại bản dịch kinh điển Hồi giáo. Cùng lúc đó, những người theo Thiên Chúa giáo ở Pretoria, cố gắng thuyết phục ông theo đạo Thiên Chúa. Cuối cùng, bằng tất cả cố gắng của chính cá nhân Gandhi, vụ thưa kiện giữa người Hồi và Thiên Chúa cũng được trọng tài pháp đình giải quyết.
Gandhi trở lại Durban dự định lên tàu trở về nước. Trong lúc ở Pretoria, Gandhi đã quan sát được những khuyết điểm của cộng đồng Ấn tại Nam Phi và ông cũng có tổ chức một buổi nói chuyện về đề tài này. Tại bữa tiệc chia tay để tiễn ông tại Durban, một người nào đó đã dúi vào tay ông tờ báo ở Natal, và ông biết được nguồn tin chính quyền Natal rút lại quyền đầu phiếu của dân Ấn. Trước nhu cầu khẩn thiết của đồng bào, Gandhi đồng ý ở lại Nam Phi để tranh đấu sát cánh cùng đồng bào ông.
Đêm đó, ông thảo ra một bản kiến nghị để trình lên Quốc Hội lập pháp ở Natal. Đó là bản kiến nghị đệ trình lên quốc hội lần đầu tiên của người Ấn tại Nam Phi. Dân chúng Ấn nhiệt liệt ủng hộ bản kiến nghị đó. Một đơn tình nguyện gồm mười ngàn chữ ký được gởi đến cho Lord Ripon, viên tổng thư ký phủ toàn quyền coi về thuộc địa.
Bây giờ Gandhi lại muốn trở về quê hương, nhưng những người đồng hương yêu cầu ông ở lại để lãnh đạo họ. Ông bằng lòng, nhưng từ chối không nhận số lương mà họ đề nghị. Mọi việc cũng sắp xếp xong, ông được giao cho một công việc làm trong hãng buôn lớn của Ấn và như thế ông sẽ có thể tự mưu sinh được trong khi tiếp tục tranh đấu trong vai trò lãnh đạo tinh thần người Ấn tại Nam Phi.
Ông bắt đầu lo việc tổ chức. Tháng Năm năm 1894, ông thành lập quốc hội Ấn tại Natal. Ông cũng mở đầu một chiến dịch nâng cao trình độ dân Ấn trong các vấn đề sạch sẽ, cải thiện những điều kiện vệ sinh, nhà ở và giáo dục.
Năm 1896, Gandhi về Ấn Độ nghĩ hè trong sáu tháng. Tại quê nhà, ông diễn thuyết khắp nơi để nói về thực trạng của dân chúng Ấn tại Natal cũng như viết một quyển sách nhỏ được phổ biến rộng rãi.
Những hoạt động này gây giận dữ cho người phương Tây ở Natal. Sự giận dữ lên đến cực điểm nên những người da trắng ở Durban quyết định cấm gia đình Gandhi và tám trăm hành khách Ấn trên chiếc tàu chở Gandhi và những chiếc tàu khác không được đặt chân lên đến Natal. Chính quyền bắt các chiếc tàu phải đậu ngoài khơi trong hai mươi ba ngày và tất cả mọi áp lực đó dùng để khuyến khích hãng tàu Ấn phải đưa tàu trở về Ấn Độ.
Cuối cùng, hành khách được phép lên bờ. Tuy nhiên, Gandhi bị bao vây đánh đập, và có thể bị ám sát nếu không nhờ sự can thiệp của vợ một viên cảnh sát giám thị. Cũng trong ngày hôm đó, đám đông bao vây làm ầm ĩ căn nhà nơi Gandhi ở, nhưng ông lại được cứu thoát nhờ mưu mẹo của cảnh sát.
Biến cố quan trọng kế tiếp trong cuộc đời Mahatma là chiến tranh Boer. Nhiều dân Ấn tại Natal rất thù ghét người Anh nên không muốn trợ lực nhưng Gandhi đã thuyết phục họ bằng cách cho rằng, vì họ chưa bao giờ không muốn xem họ là công dân nước Anh, nên bổn phận của họ là phải giúp Anh Quốc trong cuộc chiến này. Chính lúc này, Gandhi cũng vẫn còn giữ lòng trung thành với Đế Quốc. Nên ông tích cực tổ chức đoàn cứu thương làm công tác hết sức anh dũng tại mặt trận và nhiều lần dưới làn tên mũi đạn, Gandhi vẫn xông xáo đi đầu.
Sau chiến tranh, Gandhi rời Nam Phi và hành nghề luật sư tại Bombay. Nhưng chỉ hành nghề được trong vòng vài tháng. Dân Ấn tại Nam Phi yêu cầu ông trở lại để lãnh đạo cuộc tranh đấu của họ thêm một lần nữa?
Dưới sự cai trị của Anh tại Transvaal, địa vị người Ấn tại đây sau khi nhóm Boer đầu hàng, lại càng trở nên tệ bạc. Những điều lệ tu chính về dân da màu bị siết chặc lại; sự di trú bị kiểm soát gắt gao, tất cả người Ấn đều phải ghi tên vào sổ và phải xin phép khi di chuyển. Gandhi bắt đầu cho ra một tờ báo tại Natal để lên tiếng kêu gọi sự phẫn nộ của dân Ấn, đó là tờ Ấn Độ Diễn Đàn (Indian Opinion). Tờ báo được phát hành ở một vùng định cư cộng đồng, mà Gandhi rất hứng khởi khi đọc bài Unto this Last của Ruskin, khu định cư dân Ấn được thiết lập tại Phoenix, gần Durban. Chính Gandhi cũng đến sống tại Johannesburg, trung tâm của dân Ấn ở Transvaal.
Khi cuộc nổi loạn của dân Zulu bùng nổ tại Natal, ông đưa gia đình đến Phoenix và chính ông cầm đầu đoàn cứu thương cho quân đội Anh. Công của ông là săn sóc đám tù binh Zulu bị thương, một công việc mà không người nào khác có thể gánh vác. Sau một tháng hoạt động, đoàn cứu thương được giải tán với lời tán thưởng nồng nhiệt. Cùng lúc đó, chính quyền Transvaal đề nghị ban hành một đạo luật kiểm soát nghiêm ngặt những hoạt động của dân Ấn tại Transvaal. Đạo luật còn đưa ra sự cưỡng bách phải in dấu tay của mỗi người Ấn thành niên.
Tháng Chín năm 1906, một số đông kiều bào Ấn họp mít tinh tại Johannesburg. Ba ngàn người Ấn hiện diện tuyên thệ chống lại “đạo luật đối với người da đen” (Black Act) cho đến đạo luật được thâu hồi, với phương pháp bất bạo động. Do đó, lợi khi kháng chiến bất bạo động của dân Ấn được đem ra tập luyện.
Gandhi chưa đặt tên cho phong trào này, và ra giải thưởng trên tờ báo “Diễn đàn Ấn Độ” (Indian Opinion) cho ai tìm được một cái tên với đầy đủ ý nghĩa của nó. Maganlal chiếm giải với chữ Sadragraha và Gandhi sửa lại là Satyagraha (nghĩa là tranh đấu bất bạo động những luật lệ nào xét ra bất công và người bất tuân sẵn sàng chịu đựng tất cả mọi sự đàn áp cũng như hình phạt). Một phong trào vĩ đại với phương pháp tranh đấu bất bạo động ra đời.
Cuộc tranh đấu chống lại “đạo luật da đen vẫn tiếp diễn” Gandhi cầm đầu một phái đoàn đại biểu sang Anh để phỏng vấn các vị Tổng Trưởng coi về thuộc địa. Trên đường về, đoàn đại biểu nhận được bức điện tín tại Madena báo tin “đạo luật da đen” đã bị bãi bỏ. Nhưng khi đặt chân đến tỉnh Cape, họ nhận thấy chính quyền ở Transvaal được giao cho toàn quyền thi hành các biện pháp.
Đạo luật được ban hành. Nhưng rất ít người đến làm thủ tục để ghi danh. Một số người bị bắt, trong đó có cả Gandhi. Cuối cùng, Gandhi đi đến một thoả hiệp với chính quyền là nếu đa số người Ấn tự ý đi ghi tên vào sổ thì đạo luật được xem là hợp pháp. Ký kết này đã làm thất vọng nhiều người theo Gandhi. Họ cảm thấy ông đã phản bội họ, và một nhóm người quá tức giận đến cực độ nên tấn công mạnh bạo Gandhi ngoài đường phố.
Đại Tướng Smuts không thi hành đúng như lời cam kết. Cuộc tranh đấu lại tiếp tục trở lại. Một đạo luật mới ra đời, cấm chỉ người châu Á không được vào Transvaal, và cùng lúc đó một biến động ê chề khác lại dồn dập đến cho kiều bào Ấn. Tối cao Pháp viện Nam Phi ra lịnh là chỉ có những hôn lễ theo Thiên Chúa giáo mới được viên chức hộ lại ghi vào sổ và chính thức hợp pháp ở Nam Phi. Làn sóng phẫn nộ dâng tràn mạnh mẽ trong lòng Ấn Kiều. Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, những người Ấn ở Transvaal cố ý làm cho vào tù để biểu lộ ý chí chống đối.
Tiếp theo, những người thợ có giao kèo với các mỏ than ở Natal đình công để phản đối ba đồng bảng Anh tiền thuế mà họ bị cưỡng ép phải đóng lúc cuối giao kèo. Gandhi đến Natal yểm trợ tinh thần họ. Ông cầm đầu một đám đông khổng lồ gồm hàng ngàn người đình công thất học, nghèo khổ làm một cuộc diễu hành đến Transvaal. Gandhi và những người theo giúp ông đều bị bắt, ông bị giam riêng tại Bloemfontein, nơi đây không có người Ấn nào ngoài một vài tên bồi ở khách sạn.
Những người thợ đình công bị bắt cả bọn (dưới ảnh hưởng của Gandhi họ sẵn sàng chấp nhận sự bắt bớ một cách thản nhiên). Tất cả bị lùa trở lại Natal, họ bị dùng võ lực như đánh đập, bắn bỏ và bắt buộc phải trở lại làm việc trong các hầm mỏ. Sự đối xử tàn tệ làm người Ấn Độ phẫn nộ điên cuồng và phó vương Lord Hardinge phải đọc một bài diễn văn vạch trần tội ác và buộc tội hành động dã man của chính quyền Nam Phi.
Đại Tướng Smuts bị hạ bệ. Một uỷ ban được chỉ định để giải quyết vấn đề và Gandhi cùng những lãnh tụ khác được thả ra vô điều kiện. Cuối cùng, bản ký kết giữa Gandhi và Smuts được mang ra thảo luận, và hợp thức hoá một đạo luật bảo vệ Ấn kiều, huỷ bỏ những bất công. Đây là điểm vinh quang cao nhất của giai đoạn đầu trong cuộc đời tranh đấu của Gandhi, ông đã tỏ cho thế giới biết hiệu quả vĩ đại của một thứ võ khí mới của kẻ bị áp bức, đó là Satyagraha.
Gandhi lên tàu đi Anh Quốc. Cuộc đại chiến thế giới bùng nổ giữa Đồng Minh và phe Trục, khi ông còn đang lênh đênh ngoài biển cả. Sau khi đến nơi, ông tức tốc xin phép chiêu mộ những người Ấn tại Anh thành lập đoàn cứu thương lưu động. Nhưng bất ngờ chứng sưng màng phổi bộc phát bắt buộc ông phải bỏ dở công việc và theo lời khuyên của Bác Sĩ. Gandhi phải trở về Ấn Độ.
Tại đây, trong năm 1916–1917, ông cầm đầu cuộc nổi dậy yêu cầu huỷ bỏ việc bắt buộc người Ấn làm trong các hầm mỏ đã ký giao kèo phải đi đến các nơi khác của Đế Quốc để làm việc. Chính quyền đồng ý trên nguyên tắc nhưng không thi hành đúng đắn. Gandhi hô hào cả nước Ấn nổi loạn. Ông bắt đầu bị cảnh sát lưu ý theo dõi. Cuộc nổi dậy thành công, quy chế giao kèo được bãi bỏ.
Sau đó, Gandhi đi đến Champaran để giúp những người dân quê bị áp bức dưới quy chế trồng cây. Ông phải đương đầu với sự thù ghét thậm tệ của các địa chủ và chính quyền; nhưng ông vẫn lãnh đạo cuộc tranh đấu đến thành công bằng phương pháp ôn hoà. Đó là cuộc vùng lên Satyagraha. Ông nói rằng “chính nhờ vậy mà cuộc hà khắc kéo dài bao lâu nay được kết thúc trong một vài tháng”.
Cuộc tranh đấu khiến ông phải đương đầu với một vấn đề trọng đại của nước Ấn, đó là sự nghèo nàn, thoái hoá của các làng mạc; và từ đây trở đi, tâm trí ông lúc nào cũng lo nghĩ đến việc hồi sinh đám dân quê.
Từ Champaran, ông đi đến Khara để giúp những người dân quê ở đây. Chống lại việc chính quyền đòi họ phải bồi thường sau một vụ thất mùa. Cuộc tranh đấu kết thúc bằng một bản hợp đồng chưa được thoả mãn. Nhưng bây giờ Gandhi đã có hậu thuẫn mạnh ở Ấn Độ. Vị phó vương mời ông tham dự một hội nghị chiến tranh tại Delhi để nhờ ông hỗ trợ cho việc chiêu mộ những người Ấn tình nguyện đi phục vụ ở nước ngoài. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Gandhi bằng lòng giúp đỡ và tự ông phụ trách việc chiêu mộ lính tại Khairan. Ông không gặt hái được thành công và bị lâm trọng bịnh với chứng kiết lỵ.
Trong khi ở Nam Phi, Gandhi phát nguyện không uống sữa, vì vắt sữa là một hành động tàn nhẫn đối với bò cái. Suốt thời gian ông bị bịnh, vợ ông và bác sĩ khuyên ông nên uống sữa dê, và ông tiếp tục uống sau khi phục sức. Tuy nhiên, ông vẫn xem việc uống sữa dê vẫn là điều có vẻ ác độc.
Sau đó cuộc bạo động bất phục tùng chống lại đạo luật Rowlatt. Cuộc bất phục tùng bắt đầu với ngày lễ Quốc Táng trên toàn lãnh thổ Ấn Độ để tưởng niệm những thành công vĩ đại. Cơn giận dữ của dân chúng đã lên đến độ nguy hiểm và mâu thuẫn với những nguyên tắc bất bạo động Satyagraha, cuộc bạo động bùng nổ dữ dội. Nhưng tại Punjab, chính quyền trả thù mạnh mẽ lại cuộc nổi dậy bạo động của dân chúng. Thiết quân luật được ban hành. Cuộc thảm sát Amritsar xảy ra. Gandhi bị từ chối không được vào Punjab. Trước sự thất vọng nhiều người theo ông, Gandhi kêu gọi chấm dứt cuộc bạo động.
Cuộc thảm sát Amritsar chứng tỏ một sự chuyển hướng trong thái độ của Gandhi đối với Đế Quốc và nước Anh. Đến nay lòng trung thành của ông đối với Anh Quốc càng ngày càng suy giảm, vì ông cảm thấy nước Anh đã làm cho Ấn Độ trở nên dốt nát, điêu tàn; cho nên Ấn Độ phải tiến bộ trong và ngoài nước.
Cùng lúc đó, ông nhận thấy rằng Ấn Độ không thể nào đạt tới mục tiêu nếu cứ bị xâu xé giữa Ấn và Hồi. ông dấn thân vào việc hoà giải sự tranh chấp giữa hai tôn giáo này. Ông ủng hộ người Hồi trong trận Khilafat và đốc thúc xin trả tự do cho anh em Ali. Có lẽ cũng vào lúc đó, phong trào Khadi đã được khai mạc và lan tràn.
Đầu tiên, Gandhi hỗ trợ những cuộc cải cách Montagu, Chelmsford trong Quốc Hội; tháng Tư năm 1920, ông hô hào tẩy chay hàng ngoại quốc. Việc tẩy chay hàng ngoại quốc là một điều quan trọng và đã đưa đến nhiều cuộc đụng độ kinh khủng với cảnh sát. Việc đốt cháy hàng ngoại quốc được Gandhi tổ chức trong cuộc biểu tình khi Hoàng Tử xứ Wales đến Bombay, cơ hội hiếm có cho một cuộc bạo động. Sau cuộc hỗn loạn ở Bombay là những cuộc ám sát và đốt nhà tại Chauri Chaura.
Việc bạo động phản lại tinh thần Satyagraha như một cơn gió hành hạ Gandhi. Ông cảm thấy có lỗi vì đã tin cậy vào lợi khí bất bạo động nơi dân chúng trước khi huấn luyện họ, cho nên ông kêu gọi chấm dứt phong trào bạo động. Ông rút lui vào chùa nhỏ ở Sabarmati để ăn năn sám hối bằng cách tuyệt thực. Tại đây, lần đầu tiên ở Ấn Độ ông bị bắt.
Trước phiên toà xử ông ở Ahmedabad, ông đọc một bài diễn văn biện hộ cho phong trào Satyagraha và những phương pháp tranh đấu của ông. Quan toà ý thức được những động lực của ông có tính cách trong sạch, nhưng vì luật pháp phải kết án ông sáu năm tù ở. Ông bị nhốt tại nhà tù Yeravda ở Poona cho đến tháng Giêng năm 1924, ông lâm bịnh nặng, ông được chở đến bịnh viện Poona và giải phẫu ruột dư.
Ông luôn luôn tỏ lòng nhớ ơn xâu xa đối với sự săn sóc chu đáo ở bịnh viện. Sau khi bình phục, ông lại tuyệt thực tại Delhi để phản đối sự tranh chấp đổ máu giữa hai đoàn thể Ấn giáo và Hồi giáo.
Năm 1927, uỷ ban Simon được chỉ định cuộc tẩy chay lan tràn khắp nước Ấn. Dựa theo bản phúc trình của uỷ ban, chính phủ Anh nhất định họp hội nghị Bàn Tròn. Gandhi, lãnh tụ Quốc Hội, lưu ý chính quyền là Quốc Hội sẽ không can thiệp vào hội nghị, và đe doạ một cuộc nổi loạn dân sự bất phục tùng nếu những đòi hỏi của Ấn không được chấp thuận.
Một trận chiến mới bắt đầu mở rộng vào tháng Ba năm 1930. Trước đó, Gandhi viết thơ cho phó vương để báo tin là ông sẽ cầm đầu một phong trào sẵn sàng thách đố với đạo luật Muối bằng phương pháp bất bạo động. Ngày 12 tháng Ba, ông hướng dẫn một đoàn người từ am của ông ở Sabarmati diễu hành qua khắp làng mạc, đi đến đâu Gandhi cũng sách động quần chúng tham gia vào cuộc tranh đấu này. Đặc biệt ông khuyến dụ những đại diện của chính quyền rời bỏ nhiệm sở để hưởng ứng cuộc biểu tình của dân chúng.
Cuộc diễu hành đông đảo không những chỉ gây chú ý ở Ấn Độ mà còn khắp châu Âu và châu Mỹ. Phải đi một tháng trời, đoàn Satyagrahas mới đến bờ biển tại Dandi. Tại đây, ngày 06 tháng Tư, Gandhi theo nghi lễ, nhặt một nắm muối trên bãi biển và bằng một biểu tượng cho sự phạm luật do chính quyền đặt ra, ông khai mạc cho phong trào vận động dân sự bất phục tùng.
Cuối tháng, ông tuyên bố sẽ cầm đầu một cuộc cướp phá bất bạo động vào kho muối của chính quyền tại Dharasana. Nhưng cuộc cướp phá không bao giờ thực hiện được vì ngày 05 tháng Năm, Gandhi bị bắt giam vào nhà tù ở Bombay; nơi đây ông có thể bị tống giam vô hạn định mà không được xét xử.
Sau khi Gandhi bị bắt, khắp các tỉnh lớn ở Ấn đều làm lễ Quốc táng. Cuối cùng, cuộc hưu chiến được đưa ra thảo luận với bản ký kết giữa Irwin và Gandhi. Gandhi chấp nhận việc quốc hội phải đình chỉ hành động trực tiếp, đồng thời vị phó vương cũng hứa rút lại những biện pháp đàn áp.
Sáu tháng sau, Gandhi tham dự hội nghị bàn tròn lần thứ hai, với tư cách đại diện quốc hội. Ông chỉ hoàn tất được một ít vấn đề, và trong lúc đó, cuộc tranh đấu lại bùng nổ ở Ấn Độ. Cuộc hưu chiến của Gandhi bị tan vỡ. Khi trở về Bombay, Gandhi tiếp xúc với phó vương, bây giờ là Lord Willington. Mục đích của ông là tìm cách hoà giải vấn đề. Một số điện tín được trao đổi giữa Gandhi và viên thư ký riêng của phó vương. Vị phó vương có vẻ ngoan cố. Và chỉ ngày hôm sau, khi bức điện tín cuối cùng được gởi đi, Gandhi bị bắt vào lúc rạng đông. Dân chúng ở Bombay đồn rằng lịnh bắt ông được ban hành trong lúc đang trao đổi những bức điện tín với nhau.
Gandhi lại bị tống giam vào ngục Yeravda và không được xét xử. Việc Gandhi bị bắt đã gây ra những cuộc biến động lan tràn mạnh mẽ, Gandhi trong tù vẫn là một sức mạnh đáng ngại cũng như lúc Gandhi được tự do. Sau đó, cũng trong cùng một năm, Gandhi đã tỏ một thái độ hết sức can đảm nhất trong đời ông nhân danh những kẻ cùn đinh khố rách. Đây là một cuộc tuyệt thực cho đến chết để chống lại ông Ramsay Mac Donald. Cuộc tuyệt thực thành công. Vì tất cả giai cấp ở Ấn tích cực hoạt động để đi đến một thoả hiệp bảo vệ mạng sống cho Mahatma và hiệp ước Poona ra đời.
Gandhi được trả tự do, rồi lại bị bắt mà vẫn không được mang ra xét xử. Ông lại tuyệt thực để chống đối sự đàn áp của nhà tù, cũng như đòi quyền sống cho những giai cấp bị áp bức mà ông gọi những người đó là Harijan (con của thượng đế), ông được trả tự do, và sau đó tham dự hội nghị Poona; và hội nghị đi đến quyết định thái độ dân sự bất phục tùng của đại đa số quần chúng phải chấm dứt, riêng cá nhân Gandhi thì được tự do bày tỏ thái độ Satyagraha.
Ông lại bị bắt và được tha sau một cuộc tuyệt thực để chống lại “không ai có đặc quyền ngoài lý lẽ của sự thật” vào tháng Tám năm 1933. Năm 1934, ông khuyên lơn các lãnh tụ ở quốc hội ủng hộ quan điểm của ông. Vài tháng sau, ông cảm thấy sự liên lạc với quốc hội gây sự phiền toái cho những người không thể lãnh hội được lý tưởng đạo đức trong những hoạt động chính trị của ông, và ông từ chức hội viên trong quốc hội. Tuy nhiên, ông vẫn còn là một bậc thầy khả kính của các nghị sĩ và những quan niệm của ông về các vấn đề như sự cấm bán rượu mạnh, nâng cao đời sống trong các làng mạc và cải thiện mức sống dân nghèo đều được các bộ khắp nơi thi hành.
Năm 1938, vào một buổi chiều trong phiên họp Quốc Hội, ông kêu gọi các nhân vật trong chính phủ từ chức tập thể để phản đối chánh sách ân xá tù nhân của phó vương. Lời kêu gọi của Gandhi đến tai vị phó vương và ông này đã chỉ thị cho các bộ trưởng xem xét từng trường hợp của các tù nhân chính trị để được ân xá.
Sự dị biệt giữa Ấn và Hồi càng gia tăng và Gandhi cố gắng bắt nhịp cầu thông cảm bằng đường lối hoà giải với Jinnah, lãnh tụ liên minh Hồi giáo. Nhưng những cuộc tranh luận kéo dài để rồi không đi đến đâu.
Gandhi lại trở thành tiêu điểm trên sân khấu chính trường Ấn Độ vào năm 1939, và trước phiên nhóm Tripuri của quốc hội, ông tuyệt thực tại Rajkot để phản đối việc vi phạm hiệp ước giữa chính quyền và các lãnh tụ phong trào. Tình trạng Gandhi trở nên nguy kịch, và sau cuộc tranh luận của phó vương với Sir Maurice Gwyer, chánh án toà án liên bang Ấn, ông được khuyên nên chấm dứt tuyệt thực.
Gandhi kêu gọi tất cả người Anh hãy chấp nhận phương pháp bất bạo động, ông cũng yêu cầu cho các nhân viên quốc hội được tự do đi tuyên truyền, giảng đạo chống lại những sự giúp đỡ dưới bất cứ hình thức nào cho cuộc thế chiến thứ hai mà người Anh đang lâm vào vòng chiến một cách tích cực. Theo sau đó là một phong trào dân sự bất phục tùng, bắt đầu lẻ tẻ từng cá nhân, và càng ngày càng trở nên một lực lượng khổng lồ. Tới hai mươi lăm ngàn nhân viên quốc hội vào ngồi trong tù trong suốt năm mà phong trào vẫn không bị dập tắt.
Ngày 09 tháng Tám năm 1942, Gandhi và một số nhân vật bị bắt tại Bombay sau khi tung ra quyết định “Hãy rời khỏi Ấn Độ”. Ông bị giữ tại dinh Aga Khan ở Poona trong khi những nhân viên Quốc Hội bị giam vào nhà tù ở Ahmednagar Fort.
Gandhi bắt đầu một cuộc tuyệt thực “tuỳ thuộc vào khả năng” vào ngày 10 tháng Giêng năm 1943 khi đưa ra vấn đề đạo đức của Satyagraha là “hành xác”. Tình trạng sức khoẻ của ông trở nên cực kỳ trầm trọng trong tuần lễ thứ hai. Trước cuộc khủng hoảng này, ba nhân vật của hội đồng phó vương từ chức. Cuộc tuyệt thực chấm dứt ngày 03 tháng Ba. Gandhi mất vợ khi còn ở trong tù ngày 22 tháng Hai năm 1944.
Một cuộc biến động vĩ đại chống lại chính quyền sau khi Gandhi bị bắt làm kinh động cả nước Ấn, kéo dài trong vài tháng và làm kiệt quệ tiềm năng chiến tranh của Anh Quốc đang cần để đối phó với những cuộc tiến quân ào ạt của Hitler trên khắp các chiến trường. Sự thiệt hại về nhân mạng trầm trọng và cả ngàn người bị bỏ tù. Từ trong nhà tù, Gandhi liên lạc với phó vương, phản đối chánh sách đàn áp dã man của chính quyền không thể nào dung thứ cho những sự bất tuân luật pháp.
Gandhi được thả ra sau khi bị một chứng sốt rét rừng nguy kịch hành hạ. Ông lại đến gặp Jinnah, lãnh tụ liên minh Hồi giáo để cố gắng dàn xếp sự đòi hỏi của Hồi giáo muốn tách rời ra khỏi Ấn Độ. Một lần nữa cuộc hoà đàm lại đổ vỡ.
Sau đó, phó vương mới nhậm chức là Lord Wavel triệu tập hội nghị Simla, các đại diện của liên minh Hồi giáo, quốc hội và một số nhân vật khác đều được mời tham dự. Hội nghị lại thất bại khi biểu quyết về vấn đề tỉ lệ, Gandhi từ chối không tham dự trực tiếp, và chỉ giữ vai trò cố vấn cho tất cả các đảng phái cũng như phó vương.
Trong lúc đó, chính quyền Anh thay đổi và đảng Lao Động lên nắm quyền. Vị tân thủ tướng, Attlee long trọng tuyên bố tại Quốc Hội Anh, sự độc lập của Ấn Độ không còn là vấn đề tranh luận nữa và Anh Quốc sẽ sẵn sàng giúp Ấn soạn thảo bản hiến pháp. Ba đại sứ của nội các Anh đến Ấn và triệu tập một hội nghị hoà giải những dị đồng của các phe phái. Gandhi hoan nghênh sự cố gắng nỗ lực của phái đoàn Anh Quốc đã có thái độ thành thật muốn giúp đỡ Ấn Độ.
Liên Minh Hồi giáo chấp nhận kế hoạch của phái đoàn Anh đầu tiên. Quốc Hội Ấn chấp nhận kế hoạch dài hạn, nhưng bác bỏ kế hoạch tạm thời đặt tiêu chuẩn trên những đề nghị của phó vương. Liên minh Hồi giáo sau đó lại bác bỏ cả hai đề nghị dài hạn và ngắn hạn, rồi nhất định dấn thân vào một hành động tranh đấu trực tiếp.
Trong lúc đó, phó vương mời Pandit Jawaharlal Nehru, lãnh tụ đảng đa số đứng ra thành lập chính phủ. Ngày ra mắt của tân nội các lại là dấu hiệu cho những cuộc phiến loạn lan tràn khắp nước. Các đại diện Liên Minh Hồi giáo được mời vào nội các, nhưng các cuộc nổi loạn vẫn tiếp diễn.
Ngày 20 tháng Hai năm 1947, chính quyền Anh tuyên bố quyết định rút lui khỏi Ấn Độ, trao trả quyền hành lại cho các người địa phương và lực lượng đảng phái. Sau đó là việc Hồi giáo đòi trao trả lại quyền hành bị tước đoạt trong những miền mà người Hồi giáo chiếm đa số và Liên Minh Hồi giáo phải được trông coi về việc hành chánh.
Một cuộc bạo động đổ máu không tiền khoáng hậu bùng nổ ở Tây Bengal, sau đó là cuộc trả thù tại Bihar, kế tiếp Punjab và biên giới ở phía Tây Bắc.
Gandhi, lúc đó đang ở Delhi để giúp ý kiến cho phe quốc hội trong chính quyền, phải đi miền Tây Bengal. Tại đây, ông làm một cuộc kinh lý qua từng làng mạc đem lại niềm tin cho đám dân chúng kinh hoàng vì những cuộc đổ máu giữa Ấn và Hồi gây nên, và ông ghi khắc vào tim họ sự tin cậy lẫn nhau cũng như những ý tưởng tốt lành. Sau đó, ông đi Bihar cũng với sứ mạng đó.
Trong suốt thời kỳ chuyển giao quyền hành và tình hình chính trị tạm ổn định giữa hai quốc gia tự trị riêng biệt Ấn và Hồi, Gandhi tiếp tục dùng tất cả sức lực còn lại của mình hy sinh cho đồng loại, đi chu du khắp các miền nổi loạn để tuyên truyền cho nhu cầu hoà bình và thiện mỹ cho dân tộc cũng như tổ quốc Ấn Độ.
Ông sống để nhìn thấy hoài bảo vĩ đại của mình được thực hiện. Đó là một nước Ấn Độ tự do, nhưng cuộc tranh chấp giữa Ấn và Hồi lại gia tăng để đi đến cuộc phân chia lãnh thổ năm 1947.
Đầu năm 1948, Gandhi giờ là một ông già ốm yếu bảy mươi tám tuổi, vẫn cố gắng mang lại hoà bình cho đất nước bằng một cuộc tuyệt thực. Hành động này đã khuyến khích những đề nghị quan trọng cho nước Hồi và thiểu số dân Hồi, và năm ngày sau Gandhi chấm dứt tuyệt thực. Cả Ấn Độ vui mừng.
Tất cả mọi cố gắng của ông là khuyên bảo những tín đồ Ấn giáo cuồng tín không còn nhìn người Hồi như những kẻ phản bội. Tại buổi lễ cầu nguyện, Gandhi đã hai lần suýt bị thiệt mạng. Lần thứ nhất là một quả bom không làm thiệt hại ai và Gandhi mong muốn kẻ ném bom sẽ không bị thiệt mạng. Vài ngày sau đó, 30 tháng Giêng năm 1948, Mahatma bị bắn chết tại một đồn điền vắng.
Sự vui mừng của Ấn Độ lại trở nên đau đớn. Cả Ấn cũng như Hồi đều chịu tang và để tỏ lòng tôn kính trong buổi tang lễ, dân chúng đi đưa ông dài hàng mấy cây số đến vùng hoả táng gần con sông Jumna linh thiêng, nơi đây tro cốt của ông trôi lả tả theo dòng nước.
Gandhi, một con người suốt cuộc đời chỉ biết tranh đấu cho đại nghĩa đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng sự hiện hữu của ông đối với dân tộc Ấn Độ vẫn sống mãi và tuyệt đối với thời gian. Những lời giảng dạy của Gandhi vẫn còn hiệu lực và sự quan trọng to lớn của chủ thuyết bất bạo động trong một thế giới bị xâu xé nhau vì bạo động, một ngày nào đó có thể được hoàn tất.
Hết
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới - Đỗ Châu Huyền-Hoàng Trí Đức Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới