Chương 11 - Một Người Bạn
ặc dù rất hạnh phúc với thái độ của mọi người xung quanh dành cho cô và bận rộn với công việc hằng ngày để kiếm sống và làm cho những nỗ lực của mình ngọt ngào hơn, Jo vẫn dành thời giờ cho công việc viết lách. Nếu như mục đích cô tự đặt ra là rất tự nhiên đối với một cô gái nhà nghèo có nhiều tham vọng, thì những phương tiện cô dùng để đạt được mục đích đó chưa phải là hay nhất. Cô nhận thấy tiền bạc có thể mang lại quyền lực. Vì vậy cô quyết định phải có cả tiền bạc và quyền lực, không phải cho một mình cô, mà cho cả những người cô thương yêu hơn chính bản thân mình.
Điều Jo ấp ủ từ lâu là trang bị cho ngôi nhà mình đầy đủ tiện nghi, cho Beth tất cả những gì em thích, từ dâu tây vào mùa đông cho đến một cây đàn oóc đặt trong phòng em. Bản thân cô thì được đi ra nước ngoài, và luôn luôn có nhiều tiền, để cô có thể thực hiện công việc xa xỉ là làm từ thiện.
Kinh nghiệm với câu chuyện được giải thưởng có vẻ như mở ra cho cô một con đường có thể dẫn đến giấc mơ thi vị đó, sau cuộc viễn du dài và cả núi công việc. Nhưng thảm họa tiểu thuyết đã làm cô nhụt chí một thời gian, vì ý kiến công chúng là gã khổng lồ làm khiếp sợ ngay cả những anh chàng Jack dám trèo lên cây đậu[10] gan dạ hơn cô nhiều. Giống như vị anh hùng bất tử đó, cô nghỉ ngơi một thời gian sau lần thử sức đầu tiên, vốn chỉ làm rối beng mọi chuyện chứ chẳng đem lại kho báu của gã khổng lồ, nếu tôi nhớ không nhầm. Nhưng tinh thần “Đứng dậy và bắt đầu một cái mới” ở Jo mạnh không thua gì ở Jack. Nên cô gắng gượng tiến tới và giành được nhiều phần thưởng hơn, nhưng suýt nữa thì đánh mất một thứ còn quý giá hơn là tiền bạc.
Cô quyết định viết những câu chuyện giật gân vì trong thời kì rối ren này, ngay cả dân Mĩ tinh túy cũng đọc những chuyện tầm phào. Cô không nói với ai cả mà nghĩ ra “một câu chuyện gay cấn” và đích thân mang đến cho ông Dashwood, tổng biên tập tuần báo Weekly Volcano. Theo bản năng phụ nữ của cô, cô biết là trang phục có ảnh hưởng mạnh lên nhiều người hơn là giá trị của nhân cách, hoặc sức mê hoặc của phong thái. Vì vậy cô diện bộ váy áo đẹp nhất và cố gắng trấn tĩnh để không tỏ ra kích động hay nôn nóng, cô mạnh dạn leo lên hai tầng cầu thang tối om và bẩn thỉu, bước vào một căn phòng bừa bãi, đầy khói thuốc với sự hiện diện của ba người đàn ông ngồi trong tư thế đầu gối quá tai. Khi cô bước vào, không người nào ngả mũ chào cô cả. Vì sự tiếp đãi đó, Jo đứng do dự nơi ngưỡng cửa và nói khẽ, lúng túng:
– Xin lỗi, tôi tìm văn phòng Weekly Volcano. Tôi muốn gặp ông Dashwood.
Bỏ hai đầu gối cao nhất xuống đất, người đàn ông chìm nghỉm trong khói thuốc nhiều nhất đứng lên và cẩn thận kẹp điếu xì gà giữa hai ngón tay. Ông ta bước tới với một cái gật đầu và vẻ mặt ngái ngủ. Cảm thấy là cần phải thoát khỏi tình huống này, Jo đưa bản thảo của mình ra. Mặt càng lúc càng đỏ hơn, cô lúng túng tuôn ra vài đoạn của bài diễn văn đã soạn một cách kĩ lưỡng.
– Một người bạn của tôi nhờ tôi mang đến cho ông… một câu chuyện… để thử nghiệm… rất mong ý kiến của ông… và rất vui được viết tiếp những truyện khác, nếu như truyện này phù hợp.
Trong khi cô đỏ mặt và lúng búng thì ông Dashwood cầm lấy bản thảo, và dùng hai ngón tay cáu bẩn lật giở, đôi mắt phê bình lướt lên lướt xuống những trang bản thảo viết rất ngay ngắn.
– Đây không phải là thử nghiệm đầu tiên có đúng không? – Ông nói khi thấy rằng tất cả các trang đều được đánh số thứ tự, viết trên một mặt và không buộc lại với nhau bằng một sợi ruy băng, dấu hiệu chứng tỏ một người mới vào nghề.
– Không, thưa ông, cô ấy đã có chút ít kinh nghiệm và từng đạt được giải thưởng cho truyện ngắn in trên báo Blarney Stone Banner.
– Thật vậy sao? – Và ông Dashwood nhìn nhanh Jo, có vẻ để ý xem cô ăn mặc như thế nào, từ chiếc nơ trên mũ đến mấy cái cúc trên đôi ủng của cô. – Cô có thể để bản thảo lại đây, nếu cô muốn. Loại bản thảo này chúng tôi có sẵn đến mức không biết phải làm gì lúc này, nhưng tôi sẽ đọc và sẽ trả lời cô vào tuần sau.
Jo không muốn để lại tác phẩm của mình, vì cô không thích người đàn ông này chút nào. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cô không thể làm gì khác hơn là nghiêng mình chào và bước ra, trông thật kiêu hãnh và đầy phẩm cách như cô vẫn vậy mỗi khi xấu hổ hoặc nổi giận. Trong lúc này, cô cảm thấy cả hai tâm trạng đó, vì rõ ràng là, căn cứ vào những cái liếc mắt trao đổi giữa mấy quý ông vừa rồi, câu chuyện bịa đặt về “người bạn tôi” được xem như là một lời bông đùa. Và một tiếng cười, gây ra bởi một lời nhận xét thầm nào đó của vị tổng biên tập khi ông đóng cửa lại, đã khiến cô hoàn toàn bối rối. Gần như quyết định sẽ không bao giờ quay lại nữa, cô về nhà, và vượt qua tâm trạng khó chịu bằng cách khâu tạp dề. Một hai tiếng sau cô lại đủ bình tĩnh để cười nhạo cảnh tượng vừa qua và nôn nóng chờ đến tuần sau.
Khi cô trở lại, ông Dashwood đang ngồi một mình khiến cô rất mừng. Ông có vẻ tỉnh ngủ hơn lần trước, thật dễ chịu. Ông không say sưa với một điếu xì gà đến quên cả cách xử sự lịch thiệp của mình: cho nên cuộc phỏng vấn lần thứ hai này thoải mái hơn hẳn lần trước.
– Chúng tôi nhận bản thảo này – các biên tập viên không bao giờ nói “tôi” – nếu như cô đồng ý sửa đổi một chút. Câu chuyện dài quá, nhưng nếu bỏ đi những đoạn tôi đã đánh dấu thì độ dài sẽ vừa đủ. – Ông ấy nói bằng giọng của người đã quá thạo việc.
Jo gần như không nhận ra bản thảo của mình vì các đoạn văn đã được viết lại và các trang giấy bị nhàu nát. Nhưng với cảm giác giống như lúc một người mẹ thương con được đề nghị cưa bớt chân đứa con để cho nó nằm vừa cái nôi mới, cô nhìn các đoạn đánh dấu và ngạc nhiên nhận ra rằng tất cả những đoạn suy ngẫm về mặt đạo đức mà cô đã cẩn thận đưa vào làm phần đệm cho câu chuyện lãng mạn đều bị cắt bỏ.
– Nhưng thưa ông, tôi nghĩ là câu chuyện nào cũng phải chứa đựng một khía cạnh đạo đức nào đó, vì vậy mà tôi đã cẩn thận để cho một vài nhân vật tội lỗi của tôi biết tỏ ra hối hận.
Vẻ mặt nghiêm nghị của ông Dashwood giãn ra thành một nụ cười, vì Jo quên khuấy “người bạn” của mình và nói những điều chỉ có chính tác giả mới có thể nói được.
– Thiên hạ muốn giải trí chứ không phải muốn nghe giảng đạo đức, thưa cô. Thời buổi chúng ta, đạo đức không bán được. – Ông Dashwood nói. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng.
– Vậy thì ông thấy sẽ rất phù hợp nếu sửa đổi như thế này?
– Phải, đây là một câu chuyện mới lạ, bố cục rất hay và giọng văn tốt. – ông Dashwood nhã nhặn đáp.
– Ông định… nghĩa là, thù lao… – Jo nói, nhưng không biết chính xác nên diễn đạt như thế nào.
– À phải rồi, dĩ nhiên! Chúng tôi trả từ hai mươi lăm đến ba mươi đô-la cho loại truyện như thế này. Thanh toán khi truyện được in. – Ông Dashwood đáp, như thể đã quên điểm này. Các tổng biên tập thường không quan tâm đến những chi tiết vụn vặt.
– Được rồi, ông hãy nhận đi. – Jo nói và đưa lại bản thảo cho ông ta, vẻ thỏa mãn. Vì sau khi đã viết loại một đô-la mỗi cột bài thì hai mươi lăm đô-la dường như cũng đã là quá tốt.
– Tôi nói với bạn tôi rằng ông sẽ nhận truyện nữa nếu cô ấy có bản thảo hay hơn thế này nhé? – Jo hỏi, hoàn toàn quên béng sự lỡ lời lúc nãy và mạnh dạn hơn nhờ thành công của mình.
– Được rồi, chúng tôi sẽ xem. Nhưng không dám hứa sẽ nhận. Hãy bảo cô ấy viết ngắn và tục một chút, và đừng bao giờ chú ý đến đạo đức. Thế bạn cô muốn để tên là gì đây?
– Sẽ không để tên gì cả, được chứ? Cô ấy không muốn tên mình đăng lên và cũng không có bút danh. – Jo nói, mặt đỏ bừng mặc dù không muốn thế.
– Tùy cô ấy thôi, dĩ nhiên. Câu chuyện sẽ ra mắt tuần sau. Cô đến để nhận tiền hay tôi gửi đến cho cô? – Ông Dashwood hỏi và thấy rất muốn biết cộng tác viên mới của mình là ai.
– Tôi sẽ đến. Xin chào ông.
Khi cô đi rồi, ông Dashwood lại đặt chân lên bàn, với nhận xét nhã nhặn: “Nghèo và kiêu hãnh, như thường lệ, nhưng cô ấy sẽ làm được.”
Theo chỉ dẫn của ông Dashwood và lấy bà Northbury làm gương, Jo chìm đắm trong biển văn chương giật gân. Nhưng nhờ cái phao cứu sinh được một người bạn ném cho nên cô thoát ra được mà không phải chịu nhiều đau khổ bởi cú lặn xuống nước đục đó.
Như phần nhiều các tác giả trẻ, Jo tìm kiếm các nhân vật và khung cảnh ở nước ngoài. Những tay tướng cướp, bá tước, dân du mục, nữ tu và các nữ công tước xuất hiện rất sinh động trên sân khấu của cô. Độc giả không để tâm nhiều đến những tiểu tiết như ngữ pháp, dấu câu hoặc tính đáng tin cậy của câu chuyện. Ông Dashwood cho phép cô tham gia viết các chuyên mục báo của ông với giá rẻ nhất, và nghĩ rằng không cần phải nói cho cô biết nguồn gốc thật sự của thái độ hiếu khách của ông là sự ra đi của một cây viết cứng, người đã nhận được đề nghị hậu hĩnh hơn, khiến ông rơi vào thế bí.
Chẳng mấy lúc, cô trở nên quan tâm đến công việc của mình, vì chiếc ví xẹp lép của cô căng dần. Số tiền bé nhỏ mà cô tích cóp để đưa Beth đi nghỉ ở miền núi mùa hè tới cứ tăng lên sau mỗi tuần. Điều duy nhất làm cô phiền lòng là cô chưa dám nói gì với gia đình cả. Cô có cảm giác bố mẹ sẽ không tán thành, vì vậy cô muốn trước tiên làm theo ý mình rồi sẽ xin lỗi sau, khi mọi việc kết thúc. Thật dễ dàng giữ bí mật vì tên của cô không xuất hiện cùng các tác phẩm. Tuy nhiên ông Dashwood nhanh chóng phát hiện ra điều bí mật nhưng hứa sẽ im lặng. Và ông đã giữ lời.
Cô nghĩ sẽ không có gì hại cho cô, vì cô quyết định sẽ không viết điều gì có thể khiến cô xấu hổ, và dẹp bỏ mọi cắn rứt lương tâm khi nghĩ đến phút giây hạnh phúc lúc cô cho gia đình xem số tiền cô kiếm được và cười về bí mật được giữ kín của mình.
Nhưng ông Dashwood chỉ nhận những truyện giật gân. Và truyện giật gân sẽ chẳng bao giờ xuất hiện ngoại trừ bằng cách giày vò tinh thần độc giả, cho nên lịch sử và lãng mạn, biển và đất liền, khoa học và nghệ thuật, hồ sơ cảnh sát và các trại tâm thần đều được lục tung vì mục đích này. Jo nhanh chóng nhận ra rằng kinh nghiệm trong trắng của cô chỉ cho cô một vài hiểu biết sơ lược về cái thế giới bi kịch làm nền tảng cho xã hội. Khao khát tìm được chất liệu cho các câu chuyện của mình và nhất quyết đưa chúng vào phần nội dung, cô tìm đọc trong báo về các vụ tai nạn, biến cố và tội ác. Cô khiến cho những người thủ thư tỏ ra nghi ngại khi hỏi mượn những tác phẩm viết về chất độc. Cô nghiên cứu những gương mặt gặp ngoài phố và tính cách ở những người quanh cô. Cô đào sâu trong lớp bụi xa xưa để tìm những sự thật hoặc tưởng tượng những tình tiết mới mẻ, điên cuồng, tội lỗi và cùng khổ. Cô nghĩ mình đang trưởng thành, nhưng một cách vô thức, cô bắt đầu làm mất một vài nét nữ tính nhất trong tính cách người phụ nữ. Cô sống trong một xã hội xấu xa, mặc dù chỉ là tưởng tượng, nhưng điều này cũng ảnh hưởng đến cô. Cô nuôi dưỡng trái tim và trí tưởng tượng của mình bằng những thứ độc hại không có thật; đánh mất đi nét trong trắng thơ ngây trong bản tính của mình do làm quen quá sớm với khía cạnh đen tối của cuộc đời.
Cô bắt đầu cảm nhận được thay vì nhìn thấy điều này, vì việc miêu tả những đam mê và tình cảm của người khác quá nhiều đã khiến cô tìm hiểu và nghiên cứu chính mình – một cách tiêu khiển mà những tâm hồn trẻ trung lành mạnh ít theo đuổi. Làm sai luôn phải chịu phạt. Và khi Jo cần đến chúng nhất thì cô có được chúng ngay.
Tôi không biết là chính sự nghiền ngẫm Shakespeare đã giúp cô hiểu được tính tình, hay nhờ bản năng tự nhiên của người phụ nữ đối với những gì lương thiện, dũng cảm và mạnh mẽ. Nhưng trong khi cô gán cho các anh hùng tưởng tượng của mình tất cả sự hoàn hảo dưới ánh mặt trời này, thì Jo lại tìm thấy một anh hùng bằng xương bằng thịt, khiến cô quan tâm, mặc cho có nhiều thiếu sót rất con người. Trong một buổi nói chuyện giữa hai người, ông Bhaer khuyên cô nên nghiên cứu các nhân vật đơn giản, thật và đáng yêu, ở tất cả những nơi nào cô gặp, một bài tập tốt cho một tác giả. Jo nghe theo ông: cô xoay một trăm tám mươi độ và nghiên cứu chính ông, điều có thể làm ông ngạc nhiên nếu như ông hay biết, vì ông rất khiêm nhường trong ý kiến mà ông có về bản thân mình.
Trước tiên, Jo tự hỏi vì sao ai cũng đều mến ông cả. Ông không giàu có, không quyền thế, không còn trẻ, không đẹp trai. Ông cũng không quyến rũ, và cũng không oai nghiêm hoặc xuất sắc. Vậy mà ông hấp dẫn như là một ngọn lửa: thiên hạ bu quanh ông như ta xúm quanh lò sưởi vậy. Ông nghèo, tuy nhiên người ta thấy ông luôn cho đi một cái gì đó. Ông là người nước ngoài, nhưng ai cũng là bạn của ông. Không còn trẻ nữa, nhưng ông luôn thấy hạnh phúc như một cậu bé. Giản dị và lập dị, nhưng gương mặt ông được nhiều người cho là đẹp, và người ta sẵn sàng vì ông mà bỏ qua những cái kì quặc của ông.
Jo thường quan sát để cố tìm ra sức quyến rũ ở ông và cuối cùng cô nghĩ chính lòng tốt đã làm nên phép lạ này. Nếu như ông buồn phiền thì ông để cho sự buồn phiền ngủ yên và chỉ bộc lộ mặt sáng của thế gian. Có những nếp nhăn trên vầng trán của ông, nhưng có vẻ như thời gian đã ảnh hưởng đến ông một cách nhẹ nhàng, vì không quên là ông tử tế với người khác biết bao nhiêu. Đường cong dễ thương trên miệng ông là những ghi nhớ của rất nhiều lời nói thân thiện và tiếng cười vui vẻ, mắt ông không bao giờ lạnh lùng hay nghiêm khắc, bàn tay to lớn của ông thật ấm, với những cái siết thật chặt nói lên được nhiều điều.
Quần áo dường như cũng dự phần vào bản chất bặt thiệp của người mặc chúng. Trông chúng như thể rất hài hòa và làm cho ông cảm thấy thoải mái. Chiếc áo gi-lê to rộng gợi cho ta nghĩ đến một tấm lòng bao dung bên trong. Áo khoác đã sờn có một vẻ gì đó rất phong trần, và mấy túi áo rộng thùng thình chứng tỏ rằng những bàn tay nhỏ nhắn của trẻ luôn đút vào đó để lấy ra những món quà xinh xắn. Còn đôi giày ủng của ông thật rộng rãi, và cổ áo ông không bao giờ cứng đơ, gây cảm giác khó chịu như của những người khác.
“Đúng là cái đó rồi!” Jo tự nói với mình. Sau một thời gian dài cô đã phát hiện ra chính lòng tốt thật sự đối với đồng loại có thể làm đẹp và tôn người ta lên ngay cả đó là một vị giáo sư người Đức béo mập, ăn “như rồng cuốn”, tự mạng lấy tất của mình và có tên là Bhaer.
Jo đánh giá cao lòng tốt, nhưng cô cũng có một sự nể trọng rất phụ nữ đối với trí thông minh. Và một phát hiện nhỏ về giáo sư đã làm tăng thêm sự nể trọng của cô đối với ông. Ông không bao giờ nói về mình. Không ai biết được là tại thành phố nơi ông sinh ra, ông đã là một người được trọng vọng và kính mến về sức học và tính liêm khiết. Cho đến khi một người đồng hương đến thăm ông, và trong một cuộc nói chuyện với chị Norton, người ấy đã tiết lộ ra sự thật thú vị này. Qua chị Norton, Jo biết được chuyện này và càng thích thú hơn vì ông Bhaer không bao giờ kể về điều đó. Cô thật hãnh diện biết được rằng ở Berlin ông là một giáo sư rất ưu tú. Mặc dù hiện nay, ở Mĩ, ông chỉ là một thầy giáo dạy tư nghèo. Cuộc sống giản dị, cần mẫn của ông càng đẹp hơn nhờ màu sắc lãng mạn mà khám phá này mang đến.
Rất tình cờ, cô còn thấy một món quà khác đẹp đẽ hơn trí tuệ. Chị Norton đã được nhận vào hội văn chương, điều mà Jo không thấy có một cơ may nào dành cho cô cả. Người phụ nữ độc thân kia quan tâm đến cô gái nhiều tham vọng và thật tử tế dành nhiều ưu ái theo cách đó cho Jo và ông giáo sư. Một buổi tối, chị đưa cả hai đến một cuộc họp được tổ chức để tỏ lòng tôn kính đối với nhiều người có tiếng tăm.
Jo chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nghiêng mình và chiêm ngưỡng từ xa một nhân vật vĩ đại mà cô tôn sùng với tất cả nhiệt thành của tuổi trẻ. Nhưng buổi tối hôm đó, sự tôn kính của cô đối với nhân tài đã gặp một cú sốc mạnh. Và cô đã phải mất một thời gian dài mới lấy lại được thăng bằng do phát hiện ra rằng những người vĩ đại rốt cuộc cũng chỉ là đàn ông và đàn bà. Hãy thử tưởng tượng cô choáng váng thế nào khi rụt rè liếc nhìn đầy thán phục một nhà thơ mà mấy nếp nhăn gợi cho ta nghĩ đến một “con người siêu phàm sống bằng tinh thần, lửa và sương”. Hình ảnh ông ăn ngấu nghiến bữa tối đã làm tan biến vẻ đạo mạo của người trí thức. Ngoảnh mặt đi khỏi một thần tượng sụp đổ, cô phát hiện thêm nhiều điều xua tan rất nhanh các ảo tưởng lãng mạn của cô. Tiểu thuyết gia vĩ đại nhất qua lại giữa hai bình rượu liên tục và đều đặn như một quả lắc. Còn con người siêu phàm nổi tiếng thì công khai tán tỉnh một Madame de Staël[11] của thời đại. Bà này thì giận dữ nhìn một cô Corinne[12] khác, đang hòa nhã khiêu khích bà ta, sau khi tỏ ra giỏi hơn bà trong chiến thuật lôi cuốn vị triết gia uyên bác, người đang uống trà một cách thoải mái với dáng vẻ như đang ngủ gục. Các nhân vật nổi tiếng trong giới khoa học quên đi loài động vật mềm và thời kì sông băng để nói chuyện về nghệ thuật, trong khi bản thân họ tận lực tiêu thụ món hàu và kem. Chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, người đã khiến cho thành phố say mê như một Orpheus[13] thứ hai, nói về ngựa. Và nhân vật là mẫu người quý tộc Anh có mặt tại cuộc họp lại tỏ ra là người đàn ông tầm thường nhất của buổi lễ.
Buổi tối chưa tàn nhưng Jo đã cảm thấy hoàn toàn vỡ mộng, nên cô ngồi xuống một góc phòng để lấy lại bình tĩnh. Chẳng mấy chốc ông Bhaer đến bên cô với vẻ không thoải mái lắm, và ngay sau đó nhiều triết gia, mỗi người với sở thích riêng của mình, thong thả bước đến để đấu trí tuệ trong giờ giải lao. Cuộc nói chuyện cách xa sự hiểu biết của Jo hàng nghìn dặm, nhưng cô thấy thích thú, mặc dù Kant và Hegel là những vị thần mà cô không biết. Những từ khó hiểu như chủ quan và khách quan. Và điều duy nhất “nảy ra từ ý thức bên trong” của cô là một cơn đau đầu khủng khiếp sau khi cuộc chuyện trò kết thúc. Đối với cô, sự thật dần trở nên rõ ràng là thế giới đã bị tách ra từng mảnh, và được ráp trở lại, và theo lời những người tham gia chuyện trò, theo những nguyên tắc tốt hơn trước; rằng tôn giáo đang trên đà bị coi là một thứ vô giá trị và trí tuệ là vị chúa tể duy nhất. Jo không biết gì về triết học cũng như siêu hình học, nhưng một sự kích động do tò mò, nửa vui thích, nửa đau đớn, đã xâm chiếm lấy cô khi cô lắng nghe với một cảm giác như thể cô quay tròn lênh đênh trong thời gian và không gian, như một quả bóng nhỏ bay bổng trong ngày lễ hội.
Cô nhìn quanh để xem giáo sư thích thú đến mức nào, và trông thấy ông đang nhìn cô với một vẻ dữ tợn nhất mà cô chưa từng thấy ở ông. Ông lắc đầu, và vẫy tay ra hiệu cô đi chỗ khác. Nhưng ngay lúc đó, cô bị thu hút bởi sự tự do của triết lí suy đoán, và tiếp tục ngồi đó, cố gắng hiểu những gì những người đàn ông thông thái kia tin cậy sau khi đã tiêu diệt tất cả những đức tin xưa.
Ông Bhaer là một người đàn ông khác hẳn, ông không muốn đưa ra ý kiến của riêng ông, không phải vì chúng chưa dứt khoát, mà vì ông quá thành thật và nghiêm chỉnh nên không thể nói ra một cách hời hợt. Khi liếc nhìn Jo và mấy người trẻ tuổi kia đang bị lôi cuốn bởi vẻ rực rỡ của thuật làm pháo hoa thông thái, ông cau mày muốn lên tiếng, vì sợ rằng vài tâm hồn non trẻ dễ cháy sẽ biến thành tro bởi mấy quả pháo, để nhận ra rằng, khi cuộc trình diễn kết thúc, họ chỉ còn lại một cái que không hoặc một bàn tay cháy xém.
Ông cố chịu đựng. Nhưng khi ông được hỏi ý kiến thì ông nổ tung lên với một thái độ phẫn nộ thành thực, và bảo vệ tôn giáo với tất cả sự hùng hồn của chân lí – một sự hùng hồn làm cho thứ tiếng Anh ngắc ngứ của ông trở nên thật du dương, và khuôn mặt của ông đẹp ra. Ông đã chiến đấu rất vất vả, vì những người đàn ông thông thái tranh luận rất giỏi. Nhưng ông không biết mình bị đo ván khi nào, và kiên quyết giữ quan điểm của mình như một người đàn ông. Không hiểu sao, khi ông nói, thế giới lại trở nên bình thường với Jo. Những tín ngưỡng xưa, đã tồn tại từ lâu, có vẻ tốt hơn những tín ngưỡng mới. Chúa không phải là một sức mạnh mà ta không nhìn thấy, và sự bất tử không phải là một chuyện hoang đường đẹp đẽ mà là một sự kiện thiêng liêng. Cô có cảm tưởng như cô lại cảm thấy mặt đất vững vàng dưới chân cô. Và khi ông Bhaer dừng lại sau khi trình bày hết lí lẽ, nhưng không thuyết phục được một tí nào, thì Jo muốn vỗ tay và cảm ơn ông.
Tuy nhiên cô không làm thế. Nhưng cô nhớ lại cảnh tượng đó và rất kính trọng giáo sư bởi cô biết ông phải rất cố gắng mới nói ra quan điểm của mình, vì lương tâm ông không cho phép ông giữ im lặng. Cô bắt đầu nhận thấy tính cách như thế còn quý hơn là có thật nhiều tiền, địa vị, trí thông minh hoặc sắc đẹp. Và cảm thấy nếu như sự vĩ đại được định nghĩa là: “lẽ phải, sự nể trọng và thiện chí”, thì ông bạn Friedrich Bhaer của cô thật vĩ đại.
Lòng tin ấy ngày càng mạnh thêm. Cô đánh giá cao sự quý mến của ông. Cô thèm muốn sự tôn trọng của ông. Cô muốn xứng đáng với tình bạn của ông. Nhưng ngay lúc cô đang cần sự yêu mến đó nhất thì suýt nữa cô đã đánh mất nó và không bao giờ có lại được. Chuyện bắt đầu với một chiếc mũ hai mũi. Một buổi tối, ông giáo sư đến để dạy Jo học với một chiếc mũ bằng giấy đội trên đầu. Chính Tina đã đội chiếc mũ ấy lên đầu ông và ông quên không bỏ ra.
“Rõ ràng là ông ấy đã không nhìn mình trong gương trước khi đi xuống dưới nhà.” Jo nghĩ và mỉm cười, trong khi ông chào cô. Sau đó ông trịnh trọng ngồi xuống, không hề ý thức được sự tương phản giữa thứ ông đang đội trên đầu và đề tài buổi học hôm đó vì ông định đọc đoạn văn nói về cái chết của Wallenstein. Cô không nói gì cả, vì cô rất thích nghe ông phá lên cười to khi có cái gì đó vui nhộn. Cô muốn để cho ông tự phát hiện ra, nhưng ngay lúc đó cô quên hết mọi thứ. Vì nghe một người Đức đọc Schiller[14] là một việc làm thật lôi cuốn. Sau khi đọc xong là đến bài giảng thật sôi động: tối hôm đó lòng Jo thấy rất vui và chiếc mũ giấy khiến mắt cô sáng lên. Giáo sư không hiểu vì sao. Sau cùng ông dừng lại và nói vẻ ngạc nhiên, khiến ta không thể nín cười được:
– Cô March, tại sao cô lại cười trước mặt thầy giáo như thế? Cô không kính trọng tôi hay sao mà cô có thể hành xử như vậy?
– Làm sao tôi có thể nghiêm túc được, thưa ông, trong khi ông đã quên không bỏ mũ ra? – Jo nói.
Đưa tay lên đầu, ông giáo sư đãng trí bỏ chiếc mũ hai mũi ra, nhìn nó một lúc, nghiêng người ra phía sau và phá lên cười:
– Ồ, bây giờ thì tôi hiểu rồi! Chính cô bé Tina nghịch ngợm đã biến tôi thành lố bịch với chiếc mũ. Thôi, không sao, nhưng nếu như buổi học không diễn ra suôn sẻ thì chính cô phải đội nó đấy.
Nhưng buổi học không tiếp diễn trong vài phút vì ông Bhaer nhìn thấy một tranh vẽ trên chiếc mũ và, vừa giở chiếc mũ ra ông vừa nói vẻ ghê tởm:
– Tôi muốn là mấy tờ báo như thế này không vào trong ngôi nhà này, chúng không phải dành cho những cặp mắt trẻ con, và không đáng được giới thiệu cho độc giả trẻ. Tôi không thể bình tĩnh được với những người tạo ra sự tai hại này.
Jo nhìn nhanh tờ báo và trông thấy một minh họa vẽ một người điên, một xác chết, một tên lưu manh và một con rắn lục. Cô không thích chút nào và cô lật qua trang bên kia vì sợ hơn là bực mình, vì trong lúc đó cô có cảm tưởng đã nhận ra tờ Volcano. Sự hoảng sợ của cô dịu đi khi cô nhớ ra rằng thậm chí nếu truyện của cô đăng trên đó thì sẽ không có cái tên nào phản lại cô vì cô không kí tên. Nhưng chính cô đã tự phản lại mình với một cái nhìn và mặt bỗng đỏ lên. Mặc dù đãng trí, nhưng giáo sư đã nhìn thấy nhiều điều hơn là ta tưởng. Ông biết là Jo sáng tác, đã vài lần ông nhìn thấy cô tại tòa soạn của vài tờ báo khác nhau. Nhưng vì cô không kể nên ông không hỏi, mặc dù rất muốn đọc các tác phẩm của cô. Tuy nhiên ông nghĩ, hiện cô đang làm điều gì đó khiến cô xấu hổ, và ông tỏ ra bối rối. Ông không tự nói: “Chuyện không dính gì đến ta, ta không có quyền nói gì cả” như bao nhiêu người khác có thể làm. Ông chỉ nhớ, cô còn trẻ và nghèo, lại đang sống xa tình thương yêu của bà mẹ và sự che chở của người cha. Một sự thôi thúc mạnh và tự nhiên bảo ông nên giúp cô giống như sự thôi thúc bảo ông ngăn không để cho một đứa trẻ rơi xuống nước vậy.
Sau khi tờ báo được lật qua và Jo đã xâu kim xong, ông nói giọng thật tự nhiên nhưng nghiêm nghị:
– Cô lật qua như vậy là đúng. Tôi không thích khi nghĩ là những cô gái tốt có thể xem những thứ ấy. Có nhiều người thích chúng, nhưng tôi thích thấy mấy cậu con trai của tôi chơi với thuốc súng hơn là đọc thứ rác rưởi này…
– Tất cả mọi thứ có lẽ không phải xấu cả nhưng chỉ ngu ngốc thôi. Và nếu như người ta có nhu cầu đối với những câu chuyện như vậy thì tôi không thấy có gì sai trái cả. Nhiều người tử tế cũng kiếm sống bằng cách viết những truyện giật gân. – Jo nói, tay ghim mấy đường li mạnh đến nỗi khiến cho một hàng lỗ hình thành sau cây kim của cô.
– Lúc nào chẳng có nhu cầu đối với rượu whisky, nhưng tôi nghĩ là cả cô và tôi đều không muốn bán thứ rượu đó. Nếu những người “tử tế” như cô nói biết được điều tai hại mà họ gây ra, thì họ sẽ không nghĩ là họ đã kiếm sống một cách lương thiện. Họ không có quyền cho thuốc độc vào kẹo và để cho bọn trẻ ăn thứ kẹo đó. Không. Họ cần phải suy nghĩ một chút và đi quét đường còn hơn là làm công việc đó.
Ông Bhaer nói thật hăng. Ông đi đến gần lò sưởi và vò tờ báo lại trong tay. Jo chết cứng, như thể lửa táp lấy cô. Má cô nóng ran rất lâu sau khi chiếc mũ đã thành khói và biến mất trong lò sưởi.
– Tôi muốn cho tất cả những cái còn lại cùng biến đi với cái này. – Giáo sư làu bàu khi quay trở lại ngồi, vẻ nhẹ nhõm.
Jo nghĩ đến ngọn lửa mà chồng giấy cô còn để ở trên phòng sẽ biến thành và số tiền kiếm được thật vất vả đè nặng lương tâm cô từ giây phút ấy. Rồi cô tự nói để an ủi: “Truyện của mình không giống như thế, chúng chỉ ngu ngốc mà thôi, chúng không gây tác hại, vì vậy mình không nên lo lắng nhiều.” Cầm lấy quyển sách trở lại, cô hỏi, vẻ chăm chỉ:
– Chúng ta tiếp tục bài học chứ, thưa ông? Bây giờ tôi sẽ rất chăm chỉ!
– Tôi hi vọng là như vậy.
Đó là tất cả những gì ông nói, nhưng câu đó nói lên nhiều điều hơn là những gì cô có thể tưởng tượng.
Ngay khi trở lên phòng mình, cô lấy các tập bản thảo ra và đọc thật kĩ từng câu chuyện. Vì hơi cận thị, ông Bhaer đôi khi đeo kính. Một hôm Jo thử đeo vào và thấy vui khi phát hiện ra là kính phóng đại lên bao nhiêu nét chữ nhỏ trong sách của cô. Ngay lúc này, cô có cảm tưởng như cô cũng đã mượn cặp kính tinh thần và đạo đức của giáo sư. Vì những sai lầm của các câu chuyện này ám ảnh cô và khiến cô tuyệt vọng.
“Chúng là thứ rác rưởi, nếu như ta cứ tiếp tục thì chẳng bao lâu sẽ trở thành tệ hơn là rác rưởi. Vì truyện nào cũng giật gân hơn là truyện trước đó. Mình đã mù quáng lao vào công việc đó, tự làm tổn thương mình và người khác chỉ vì tiền. Giờ thì mình hiểu ra rồi. Mình không thể đọc những thứ này một cách đứng đắn mà không xấu hổ. Mình sẽ phải làm gì đây, nếu như mọi người ở nhà trông thấy chúng, hoặc nếu như ông Bhaer biết được?”
Cô thấy nóng ran khi nghĩ đến đó, và cho tất cả các tác phẩm của cô vào lò sưởi, suýt nữa đã gây ra hỏa hoạn.
“Phải, đấy là chỗ tốt nhất cho các thứ tầm phào này. Thà ta gây hỏa hoạn còn hơn là để cho thiên hạ tự hủy hoại họ với thuốc súng của ta.” Cô nghĩ trong khi nhìn mấy trang giấy biến thành tro.
Khi tất cả tác phẩm của cô trong ba tháng vừa qua đã bị hủy, Jo nhớ lại là cô còn vài đô-la. Cô lấy chúng ra và ngồi dưới sàn, tự hỏi không biết nên làm gì với chúng. “Mình nghĩ mình chưa gây ra nhiều tai họa lắm và mình có thể giữ mấy đồng này để bù lại thời gian mình đã bỏ ra.” Cô tự nhủ sau khi ngồi thừ ra rất lâu. “Mình ước sao mình không có lương tâm, thứ đó thật không tiện chút nào. Nếu như mình không quan tâm đến việc làm điều tốt, và nếu như mình không cảm thấy khó chịu khi mình hành động không đúng, thì mình có thể trở nên giàu có! Đôi khi, mình rất mong rằng bố mẹ không đặc biệt nhạy cảm với những chuyện như vậy.”
Ôi Jo, thay vì mong như vậy, hãy cảm ơn Chúa vì “bố mẹ là những người đặc biệt”, và hãy thật lòng thương hại cho những người không có được những người bảo vệ như thế để đặt quanh họ những hàng rào với những nguyên tắc có vẻ giống như bức tường nhà tù đối với tuổi trẻ nôn nóng, nhưng sẽ chính là những nền móng vững chắc để hình thành tính cách cho đến khi ta trưởng thành.
Jo không còn viết những câu chuyện giật gân nữa, vì nghĩ rằng tiền không bù lại được phần trách nhiệm của cô khi cô là người đã làm quần chúng náo động. Nhưng chuyển sang thái cực khác, vốn là cách mà những người kiên cường như cô thường hay làm, cô bắt chước bà Sherwood, cô Edgeworth và Hannah More[15]. Cô viết một câu chuyện giống như là một bài thuyết giáo thật sự vì cực kì đạo đức. Ngay từ đầu, cô cũng đã nghi ngờ về câu chuyện ấy. Vì những câu chuyện bịa đặt sinh động và rất nữ tính của cô dễ dàng trở thành thứ tồi tệ trong lối viết mới này như thể cô đã khoác cho nhân vật của mình thứ phục trang cứng đơ và vướng víu của thế kỉ trước. Rồi cô gửi viên ngọc mô phạm này đến vài thị trường khác nhau, nhưng không tìm được người mua. Và cô lại tán thành với ông Dashwood rằng đạo đức không bán chạy.
Rồi cô thử viết một truyện trẻ con, một câu chuyện cô có thể viết dễ dàng nếu như cô không quá hám lợi để đòi tiền cho nó. Người duy nhất đề nghị một số tiền đủ bỏ công viết lách trong khi thử loại văn chương dành cho tuổi trẻ là một người đáng kính, người đã tìm thấy sứ mệnh của mình trong việc biến đổi cả thế giới theo niềm tin riêng của mình. Mặc dù rất thích viết cho trẻ em nhưng Jo không thích mô tả tất cả các cậu bé nghịch ngợm của cô ăn như gấu hoặc ngã nhào như bò điên, vì chúng đâu có được học ở một trường Do Thái đặc biệt, giống như tất cả những đứa trẻ tốt, những đứa đi trên đường đời như thể nhận được tất cả mọi ơn phước, từ những chiếc bánh gừng mạ vàng cho đến sự bảo hộ của thiên thần, khi chúng rời xa cuộc đời này với các bài thánh ca hoặc bài giảng đạo thì thầm trên môi. Vậy là cô không thử thứ gì trong số đó; và Jo đóng lọ mực của cô lại rồi nói, hoàn toàn khiêm tốn:
“Mình không biết gì cả. Mình sẽ chờ đợi. Và trong lúc đó mình sẽ “đi quét đường”, nếu như mình không thể làm gì tốt hơn. Nghĩ cho cùng, như thế lương thiện hơn.” Quyết định này chứng tỏ cú ngã lần thứ hai này đã đem lại cho cô một điều gì đó tốt lành.
Trong khi những quyết tâm thầm kín đó diễn ra, cuộc sống bề ngoài của cô vẫn bận rộn và bình lặng như thường lệ. Nếu như đôi khi trông cô có vẻ nghiêm nghị hoặc hơi buồn một chút thì không ai để ý trừ giáo sư Bhaer. Ông lặng lẽ làm điều đó khiến Jo không bao giờ biết là ông theo dõi cô để xem cô có chấp nhận và tận dụng được lời phê bình của ông không. Nhưng cô đã vượt qua được thử thách, và ông rất hài lòng. Mặc dù hai người không trao đổi lời nào, nhưng ông biết là cô đã thôi không viết nữa. Ông đoán ra được điều đó không chỉ nhờ thấy ngón trỏ tay phải của cô không còn lấm mực, mà còn vì giờ đây buổi tối cô thường xuống dưới nhà. Ông không còn gặp cô ở các tòa soạn nữa. Cô nhẫn nại học hỏi, điều khiến ông tin chắc là cô đang nhất quyết làm bận trí cô với cái gì đó có ích, nếu như không thích thú.
Ông giúp cô theo nhiều cách, chứng tỏ ông là một người bạn thật sự. Jo rất hạnh phúc, vì trong khi để ngòi bút nằm đó, cô học rất nhiều thứ khác ngoài tiếng Đức, và đặt nền móng cho một quyển truyện làm náo động dư luận của đời cô.
Đó là một mùa đông dễ chịu và thật dài, vì chỉ đến tháng sáu Jo mới từ giã bà Kirke. Ai cũng có vẻ rất buồn khi giờ lên đường đến. Bọn trẻ đứng ngồi không yên. Tóc của ông Bhaer dựng đứng lên vì ông luôn vò nó.
– Cô về nhà à? Cô thật may mắn có được một tổ ấm để về. – Ông Bhaer nói khi cô báo tin cho ông. Ông ngồi yên trong góc không nói gì và nhổ mấy sợi râu, khi cô tổ chức bữa tiệc chia tay nhỏ trong buổi tối cuối cùng.
Vì hôm sau cô đi sớm nên cô từ giã mọi người luôn tối đó. Và khi đến lượt giáo sư, cô nói thật nhiệt tình:
– Ông đừng quên đến thăm chúng tôi nhé, nếu một ngày nào đó ông đến vùng của chúng tôi. Tôi muốn cả gia đình tôi làm quen với ông.
– Thật vậy à? Cô muốn tôi đến à? – Ông hỏi với vẻ tha thiết mà cô chưa từng thấy ở ông.
– Phải, ông hãy đến tháng sau đi, Laurie sẽ thi tốt nghiệp và ông có thể dự buổi lễ trao bằng.
– Đó là người bạn thân nhất mà cô đã kể phải không? – Ông nói, giọng lạc đi.
– Thưa vâng, bạn Teddy của tôi. Tôi rất hãnh diện về cậu ta và tôi thích được giới thiệu với ông.
Jo ngước mắt lên, hoàn toàn không ý thức về cái gì khác hơn là sự vui thích của cô với ý nghĩ sẽ giới thiệu hai người bạn của mình với nhau. Nhưng bỗng nét mặt của ông Bhaer nhắc cho cô nhớ ra là ở Laurie có thể cô tìm thấy một cái gì hơn cả một người bạn. Điều này khiến cô đỏ mặt. Cô càng cố gắng mặt cô càng đỏ thêm. Cô sẽ ra sao nếu như cô không đang bế Tina trên đùi? Rất may là cô bé đưa tay ôm cổ cô, và giúp Jo giấu mặt mình không cho giáo sư nhìn thấy. Nhưng ông đã nhìn thấy sự xao xuyến của cô.
Sự lo lắng nhất thời trong giọng nói của ông nhường chỗ cho giọng nói thường ngày:
– Tôi sợ không đến kịp thời. Nhưng tôi hi vọng là bạn cô sẽ đỗ và tất cả mọi người trong gia đình cô sẽ rất vui mừng. Cầu Chúa phù hộ cho cô!
Nói xong, ông siết tay Jo quyến luyến, đặt Tina lên vai và bước đi.
Nhưng khi đã cho hai cậu bé đi ngủ rồi, ông Bhaer đứng thật lâu trước lò sưởi, vẻ mặt mệt mỏi và nỗi nhớ nhà đè nặng lên tim ông. Ông nhớ lại hình ảnh Jo ngồi bế đứa trẻ trong lòng và nét dịu hiền mới lạ trên gương mặt cô, ông tựa đầu vào cánh tay một lúc rồi đi tới đi lui trong phòng như tìm kiếm cái gì đó mà không tìm thấy được.
“Không phải dành cho mình, bây giờ mình không thể hi vọng được nữa.” Ông tự nói với mình, kèm một tiếng thở dài giống như một tiếng rên rỉ. Rồi như tự trách mình ao ước điều mà ông không thể dẹp qua được, ông đi đến hôn hai mái đầu bù xù trên gối, lấy cái bọt biển mà ông ít khi dùng đến xuống và mở sách Plato ra.
Ông cố gắng hết mình và làm việc đó thật nghiêm túc. Nhưng tôi không nghĩ là ông cho rằng hai đứa trẻ tinh nghịch, cái tẩu thuốc, hoặc cả Plato thần thánh, có thể thay thế cho một người vợ, những đứa con và tổ ấm gia đình.
Ngày hôm sau, mặc dù còn sớm nhưng giáo sư đã ra nhà ga để tiễn Jo. Nhờ ông mà cô gái bắt đầu cuộc hành trình đơn độc của mình với kỉ niệm ngọt ngào về một gương mặt thân quen và tươi cười, một bó hoa tím và một ý nghĩ hạnh phúc:
“Mùa đông đã qua, mình không viết được sách cũng không làm giàu. Nhưng mình có một người bạn mà mình sẽ cố gắng giữ lấy suốt đời.”
Những Người Vợ Tốt Những Người Vợ Tốt - Louisa M. Alcott Những Người Vợ Tốt