Chương 10
số 62, Wilbraham Crescent, bà Ramsay đang tự động viên mình, “Bây giờ chỉ còn hai ngày. Chỉ hai ngày nữa thôi.”
Bà gạt mớ tóc ướt nhẹp ra khỏi trán mình. Một tiếng đổ vỡ loảng xoảng cực to từ nhà bếp vọng lên. Bà Ramsay cảm thấy chán chường, thậm chí chẳng muốn đi xem tiếng đổ vỡ ấy báo có chuyện xui xẻo gì. Giá bà có thể giả vờ như chẳng hề có đổ vỡ gì cả. Ôi chao — chỉ thêm hai ngày thôi. Bà băng qua sảnh, mở toang cửa nhà bếp ra rồi hỏi với giọng kém hung hăng rất nhiều so với ba tuần trước: “Này, hai đứa bay đã làm gì đó?”
“Xin lỗi mẹ,” thằng Bill con trai bà đáp. “Bọn con đang chơi bowling một chút bằng mấy cái lon này. Chả hiểu làm sao mà chúng lại lăn vào đáy tủ đựng đồ sứ.”
“Bọn con đâu có cố tình để chúng lăn vào đáy tủ đâu mẹ,” em trai Ted của nó tỏ ý tán thành.
“Thôi, nhặt mấy thứ ấy lên và cất lại vô tủ đi, còn những mảnh sứ vỡ kia thì quét rồi cho vào thùng rác!”
“Thôi mẹ ơi, không dọn bây giờ đâu. ”
“Dọn đi, ngay bây giờ!”
“Thằng Ted dọn được mà mẹ,” Bill nói.
“Ứ chịu,” thằng em phản đối, “việc gì cũng đổ cho em hết. Anh không dọn thì em cũng chả dọn đâu.”
“Mày phải dọn.”
“Em không dọn.”
“Thế tao sẽ dọn mày đây.”
“Ai da!”
Hai thằng nhỏ xáp lại đấu vật một trận ác liệt. Ted buộc phải lùi lại, xô vào cái bàn nhà bếp làm rung rinh một cái tô đựng mấy quả trứng một cách đáng ngại.
“Thôi, ra khỏi bếp ngay!” bà Ramsay kêu lên. Bà đẩy hai thằng nhỏ ra khỏi bếp, đóng cửa lại rồi bắt đầu bỏ mấy cái lon vào tủ và quét sạch những mảnh sứ.
‘Hai ngày nữa,’ bà nghĩ, ‘rồi chúng sẽ trở lại trường học.’ Một ý tưởng vui thích biết bao, tuyệt vời biết bao với một người mẹ!
Bà mơ hồ nhớ lại nhận xét độc địa nào đó của một người phụ trách cột báo chuyên đề phụ nữ. Chỉ có sáu ngày hạnh phúc trong năm đối với một người đàn bà. Những ngày đầu tiên và cuối cùng của kỳ nghỉ hè.
Đúng quá chừng, bà nghĩ trong lúc dọn dẹp sạch sẽ các phần ăn buổi tối mà bà đã phục vụ tận tình. Thật vui thích biết bao, thật sung sướng dường nào khi chào đón hai thằng con trở về nhà vừa đúng năm tuần trước! Còn bây giờ thì sao? “Ngày kia,” bà tự lặp lại với chính mình, “ngày kia Bill và Ted sẽ trở lại trường. Mình hầu như không tin nổi. Sốt ruột quá chừng!”
Thật tuyệt vời biết bao khi bà đón chúng ở nhà ga cách đây năm tuần. Buổi đón mừng thật trìu mến và huyên náo! Cái cách chúng vội vàng đi khắp nhà và vườn. Một cái bánh ngọt đặc biệt bà nướng để dùng bữa xế. Còn bây giờ — bà đang trông mong gì bây giờ đây? Một ngày hoàn toàn bình an. Không phải chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn, không phải dọn dẹp liền tay. Bà yêu mến hai thằng con trai — chúng là những thằng bé ngoan, không có gì phải nghi ngờ cả. Bà tự hào về chúng. Nhưng chúng cũng làm bà kiệt sức. Khẩu vị của chúng, sinh lực của chúng, tiếng ồn chúng gây ra.
Ngay lúc đó một tiếng kêu la khàn khàn vang lên. Bà hoảng hốt quay đầu lại. Không sao cả. Chúng ra ngoài vườn thôi. Vậy tốt hơn, có rất nhiều chỗ cho chúng chơi ngoài vườn. Có lẽ chúng sẽ quấy rầy các láng giềng. Bà cầu mong chúng sẽ để cho bầy mèo của bà Hemming được yên thân. Phải thú nhận rằng như thế không phải vì lũ mèo, mà bởi vì hàng rào kẽm gai vườn nhà bà Hemming có thể làm rách quần của chúng. Bà đưa mắt nhìn lướt qua hộp cứu thương để vừa tầm tay trên tủ chén. Chẳng phải bà làm ầm lên quá đáng về những tai nạn tự nhiên của thời niên thiếu tràn đầy năng lượng. Trên thực tế điều bà lưu ý không tránh khỏi trước tiên là: “Này, chẳng phải mẹ đã bảo các con cả trăm lần rồi, không được để chảy máu trong phòng khách! Cứ vào thẳng nhà bếp mà chảy máu, ở đó mẹ có thể lau chùi tấm lót sàn nhà.”
Một tiếng thét kinh hồn từ bên ngoài hình như bị đứt quãng giữa chừng, tiếp theo đó là một sự im lặng tưởng chừng vô tận khiến bà Ramsay cảm giác điều gì đó thực sự kinh hoảng giật nảy lên trong lồng ngực. Quả thật sự im lặng đó rất không tự nhiên. Bà đứng sững, tay vẫn cầm đồ hốt rác chứa những mảnh sứ. Cửa nhà bếp mở ra và Bill đứng đó. Vẻ háo hức bất thường hiện lên trên khuôn mặt thằng nhỏ mười một tuổi.
“Mẹ ơi, có một thanh tra cảnh sát đến đây, và một ông khác đi cùng ông ấy.”
Bà mẹ thở phào nhẹ nhõm. “Ôi, ông ấy muốn gì vậy hả con?”
“Ông ấy hỏi mẹ, nhưng con nghĩ chắc hẳn liên quan đến án mạng, vụ án bên nhà cô Pebmarsh hôm qua đó.”
“Mẹ chả hiểu vì sao ông ta lại đến và muốn gặp mẹ,” giọng bà Ramsay hơi bực tức.
Cuộc đời đúng là hết chuyện này lại đến chuyện khác, bà nghĩ. Làm sao đi lấy khoai tây để nấu món thịt hầm đây khi mà thanh tra lại đến vào giờ bất tiện này?
“Thôi được,” bà thở dài. “Tốt hơn hết là nên gặp.”
Bà trút hết những mảnh sứ vỡ vào thùng rác bên dưới bồn rửa chén, mở vòi nước rửa tay, vuốt tóc rồi chuẩn bị đi theo thằng con đang sốt ruột nói: “Nào, đi nào, mẹ!”
Bà Ramsay cùng với thằng Bill đang theo sát một bên đi vào phòng khách. Hai người đàn ông đang đứng đó. Ted, đứa con trai nhỏ tuổi hơn của bà đang đứng với họ, nhìn chằm chặp hai người bằng đôi mắt xoe tròn ngưỡng mộ.
“Bà Ramsay phải không ạ?”
“Xin chào.”
“Tôi hy vọng hai chàng trai trẻ này đã nói cho bà biết tôi là thanh tra Hardcastle rồi phải không ạ?”
“Rất bất tiện,” bà Ramsay nói. “Buổi sáng này rất bất tiện. Tôi đang rất bận. Có mất nhiều thời gian hay không?”
“Hầu như không mất thời gian,” thanh tra Hardcastle cam đoan. “Chúng tôi có thể ngồi không ạ?”
“À vâng, ngồi, ngồi đi!”
Chủ nhà ngồi thẳng lưng trên một cái ghế, nhìn họ lom lom với vẻ nóng lòng sốt ruột. Bà nghi ngờ cái chuyện hầu như chẳng mất thời gian này.
“Hai cháu không cần ở lại đâu,” Hardcastle vui vẻ nói với hai thằng nhỏ.
“Bọn cháu không đi đâu,” thằng anh nói.
“Bọn cháu không đi đâu,” thằng em lặp lại như một tiếng vang.
“Bọn cháu muốn nghe hết,” Bill lại nói.
“Đúng thế đấy,” Ted phụ họa.
“Có nhiều máu không, hở ông?” thằng anh hỏi.
“Có phải là một tên trộm đột nhập vào nhà không ạ?” thằng em hỏi tiếp.
Mẹ chúng bảo: “Im đi nào, hai thằng! Các con không nghe ông Hardcastle đây nói không muốn các con ở trong này sao?”
“Không chịu đâu. Bọn con muốn nghe,” Bill phản đối.
Hardcastle đi tới cửa và mở ra. Ông nhìn hai thằng nhỏ. “Ra,” ông bảo.
Chỉ một từ khẽ thốt ra thôi, nhưng đằng sau đó có một uy lực. Không còn làm ầm ĩ nữa, cả hai thằng nhỏ đứng lên, lê hai chân rời khỏi phòng.
‘Thật tuyệt,’ bà Ramsay thầm nghĩ, hết sức thán phục. ‘Sao mình lại không thể làm được như thế chứ?’
Nhưng mà, bà trầm ngâm suy nghĩ, bà là mẹ của hai thằng bé, và nghe người ta nói mới biết khi ra ngoài chúng cư xử một cách hoàn toàn khác hẳn lúc ở nhà. Các bà mẹ lúc nào cũng lãnh đủ những điều tồi tệ nhất. Nhưng có lẽ đành chịu vậy thôi, bà nghĩ thế. Có những đứa con ngoan ngoãn lễ phép luôn lẳng lặng lắng nghe lúc ở nhà, nhưng khi ra đường lại là những thằng ranh con du côn chuyên gây những điều tiếng không hay cho chính chúng nó. Thế thì lại còn tồi tệ hơn — đúng, còn tồi tệ hơn nữa. Bà nhớ lại điều mình đã được yêu cầu, lúc ông thanh tra quay trở lại và ngồi xuống.
“Nếu là chuyện đã xảy ra ở nhà số 19 hôm qua,” bà nói với vẻ căng thẳng, “thật tình tôi chẳng thấy bất cứ điều gì có thể nói cho ông biết, ông thanh tra à. Tôi chẳng biết gì về chuyện ấy đâu. Thậm chí tôi chẳng hề để ý đến những người đang sống trong đó.”
“Nhà ấy là nơi cô Pebmarsh sinh sống. Bà ấy bị mù và làm việc ở Viện Aaronberg.”
“À, tôi hiểu. Tôi e rằng mình hầu như chả biết bất cứ ai ở đoạn đường Crescent phía dưới.”
“Hôm qua, bà có ở nhà khoảng từ mười hai giờ rưỡi đến ba giờ không?”
“À có chứ. Tôi phải nấu ăn. Tuy nhiên tôi đã ra ngoài trước ba giờ. Tôi dẫn hai thằng bé đi xem phim.”
Thanh tra rút từ trong túi ra bức ảnh và trao cho bà. “Tôi muốn bà cho biết trước giờ có từng gặp người này hay chưa?”
Bà Ramsay nhìn tấm hình hơi hờ hững.
“Không, không, tôi không nghĩ thế. Tôi không chắc mình có nhớ ra đã từng gặp ông ta hay chưa.”
“Ông ta không có đến nhà này nhân dịp nào đấy — để gạ bán bảo hiểm cho bà hay bất cứ gì đại loại như thế chứ?”
Bà Ramsay lắc đầu quả quyết hơn.
“Không. Không, chắc chắn ông ta không có đến.”
“Chúng tôi có một số lý do để tin tên ông ấy là Curry. Ông R. Curry.”
Hardcastle nhìn bà có ý dò hỏi. Bà Ramsay lại lắc đầu. “Tôi e rằng mình thật sự không có thì giờ để nhìn thấy hoặc lưu ý đến bất cứ điều gì suốt kỳ nghỉ hè,” bà nói với vẻ xin lỗi.
“Một kỳ nghỉ bận rộn, phải không ạ?” thanh tra hỏi. “Bà có hai cậu con trai thật tuyệt. Đầy sức sống và khí thế. Nhưng đôi khi khí thế ấy hơi quá mức, đúng không?”
Bà Ramsay mỉm cười xác nhận.
“Vâng, làm tôi hơi mệt, nhưng chúng thật sự là hai thằng bé rất ngoan.”
“Chắc chắn rồi,” thanh tra nói. “Những anh chàng rất tuyệt, cả hai cậu. Có thể nói rất thông minh. Tôi sẽ nói đôi lời với các cậu trước khi đi, nếu bà không phiền. Đôi khi các cậu bé để ý những điều không có ai khác trong nhà để ý đến.”
“Thật tình tôi chẳng hiểu làm sao chúng có thể để ý đến điều gì chứ. Có phải chúng tôi ở kế bên nhau hay gì gì đó đâu.”
“Nhưng vườn hai nhà tựa lưng vào nhau cơ mà.”
“Đúng vậy,” bà Ramsay đồng ý. “Nhưng vẫn hoàn toàn cách biệt với nhau.”
“Bà có biết bà Hemming ở nhà số 20 không?”
“À, tôi có biết, vì mấy con mèo và chuyện này chuyện nọ nữa.”
“Bà thích mèo sao?”
“Ô không, không phải thế. Ý tôi muốn nói thường là những lời than phiền.”
“À, tôi hiểu. Than phiền, về chuyện gì thế?”
Bà Ramsay đỏ mặt.
“Vấn đề rắc rối là,” bà nói, “khi nuôi mèo cái kiểu đó — có đến mười bốn con — người ta trở nên tuyệt đối u mê vì chúng. Còn rất nhiều chuyện vớ vẩn nữa. Tôi thích mèo. Nhà chúng tôi trước đây cũng có nuôi một con mèo khoang. Bắt chuột cũng giỏi lắm. Nhưng toàn bộ chuyện ầm ĩ người đàn bà đó đã làm, nấu thức ăn đặc biệt — hầu như không bao giờ cho những con vật đáng thương ra ngoài để có cuộc sống của riêng mình. Dĩ nhiên chúng vẫn luôn tìm cách bỏ trốn. Tôi sẽ làm vậy nếu là một con trong bầy mèo ấy. Còn hai thằng bé của tôi thật sự rất ngoan, chẳng bao giờ hành hạ mèo nào bằng bất cứ cách nào. Điều tôi nói đây là loài mèo luôn luôn có thể tự chăm sóc rất tốt. Chúng là những con vật rất nhạy cảm, loài mèo ấy, khi chúng được đối xử một cách tinh tế.”
“Bà nói đúng hết,” thanh tra nói. “Chắc hẳn bà có một cuộc sống bận rộn, phải lo cho hai cậu con trai của bà được vui vẻ và no đủ suốt kỳ nghỉ hè. Bao giờ các cậu trở lại trường?”
“Ngày kia.”
“Hy vọng lúc ấy bà sẽ được nghỉ ngơi thoải mái.”
“Tôi định sẽ tự thưởng cho mình một thời gian thật sự nhàn nhã,” bà Ramsay nói.
Chàng thanh niên nãy giờ lẳng lặng ghi ghi chép chép, chợt cất tiếng khiến bà hơi giật mình.
“Bà phải thuê một trong số những cô gái ngoại quốc ấy. Au pair, chẳng phải họ gọi như thế sao, đến làm những việc lặt vặt ở đây để đổi lại việc học tiếng Anh.”
“Tôi cho rằng mình có thể làm vậy,” bà Ramsay nói, “mặc dù suy xét cho kỹ, tôi luôn cảm thấy thuê người nước ngoài có lẽ khó. Ông xã tôi thường cười nhạo tôi. Nhưng dĩ nhiên ông ấy biết nhiều hơn tôi. Tôi đi du lịch nước ngoài không nhiều bằng ông ấy.”
“Bây giờ ông ấy đã đi rồi, phải không ạ?” thanh tra hỏi.
“Vâng — ông ấy phải đi Thụy Điển đầu tháng 8. Ông ấy là kỹ sư xây dựng. Đáng tiếc là phải đi ngay lúc đó — cũng là đầu kỳ nghỉ hè. Ông ấy rất tốt với các con. Thật sự thích chơi tàu điện còn hơn cả hai thằng bé nữa. Đôi khi các tuyến đường, sân ga điều hành và mọi thứ đi thẳng qua sảnh rồi vào phòng khác. Thật khó tránh khỏi ngã nhào lên chúng.” Bà lắc đầu. “Đàn ông trẻ con thế đó,” bà nói một cách khoan dung.
“Bà nghĩ bao giờ ông ấy mới trở về, bà Ramsay?”
“Tôi chẳng bao giờ biết được.” Bà thở dài. “Việc đó thật khá — khó nói.” Có tiếng run run trong giọng nói của bà.
Colin nhìn bà soi mói.
“Chúng tôi không nên làm mất thì giờ của bà thêm nữa, bà Ramsay ạ.”
Thanh tra Hardcastle đứng dậy.
“Có lẽ các cậu bé của bà sẽ cho chúng tôi xem khu vườn?”
Bill và Ted đang đợi trong sảnh, nghe gợi ý liền nhào vào bên trong ngay lập tức.
“Tất nhiên rồi,” Bill có vẻ hối lỗi, “vườn này không rộng lắm đâu ạ.”
Hẳn đã có đôi chút cố gắng nho nhỏ để giữ cho vườn nhà số 62, Wilbraham Crescent được tương đối gọn gàng, trật tự. Một bên có hàng rào hoa thược dược và cúc Michaelmas làm ranh giới. Rồi tới một bãi cỏ nhỏ được cắt xén hơi lởm chởm. Các lối mòn rất cần được giẫy cỏ, các mô hình máy bay, súng vũ trụ và các vật tiêu biểu khác của khoa học hiện đại nằm rải rác khắp nơi, trông có vẻ hơi mòn cũ, nhếch nhác. Cuối vườn có một cây táo với những trái mọng đỏ trông thật thích mắt. Kế đó là một cây lê.
“Đó kìa,” Ted chỉ khoảng trống giữa cây táo và cây lê, qua đó phía sau nhà cô Pebmarsh lộ ra thật rõ ràng. “Đó là nhà số 19, nơi xảy ra án mạng.”
“Có thể nhìn thật rõ ngôi nhà ấy, phải không?” thanh tra hỏi. “Còn rõ ràng hơn nữa nếu nhìn từ cửa sổ trên lầu?”
“Đúng vậy,” thằng anh đáp. “Giá như hôm qua bọn cháu từ trên đó ngó ra, có lẽ đã nhìn thấy gì đó rồi. Nhưng mà không được.”
“Bọn cháu lúc ấy đang ở trong rạp chiếu phim,” thằng em nói rõ hơn.
“Có dấu vân tay không ạ?” Bill hỏi.
“Cũng có nhưng không hữu ích lắm. Hôm qua các cháu có ra vườn không?”
“Có chứ ạ, ra rồi lại vào,” thằng anh đáp. “Suốt cả buổi sáng, tuy vậy bọn cháu chẳng nghe thấy gì, cũng chẳng nhìn thấy gì cả.”
“Giá như bọn cháu ra vườn buổi chiều, có lẽ đã nghe tiếng la hét rồi,” thằng em có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. “Đã có những tiếng la hét ghê rợn.”
“Các cậu có biết, có gặp cô Pebmarsh, bà chủ ngôi nhà ấy lần nào không?”
Hai thằng nhỏ nhìn nhau rồi gật đầu.
“Bà ta bị mù,” Ted nói, “nhưng có thể đi quanh vườn mà chả sao cả. Không cần phải quơ gậy hay bất cứ thứ gì để bước đi. Có lần bà đã ném trả bọn cháu trái banh. Bà ấy thật tử tế khi làm vậy.”
“Hôm qua các cậu hoàn toàn không thấy bà ta sao?”
Hai thằng nhỏ lắc đầu.
“Bọn cháu thường không thấy bà ấy vào buổi sáng. Bà ta luôn ra ngoài,” Bill giải thích. “Bà thường ra vườn sau bữa xế.”
Colin khảo sát đường ống dẫn nước tưới nối với một vòi nước trong nhà. Nó chạy dọc theo lối mòn trong vườn rồi được đặt xuống ở góc vườn gần cây lê.
“Chưa từng thấy cây lê mà cũng cần tưới nước,” Colin nhận xét.
“À, việc này…” thằng anh có vẻ hơi bối rối.
“Mặt khác, nếu trèo lên cây ấy,” Colin nhìn cả hai thằng nhỏ, bất chợt cười nhăn nhở, “hai đứa có thể lấy được ít nước thật tuyệt trong ống để chơi đùa với một con mèo, phải không nào?”
Cả hai thằng nhỏ vừa bối rối lấy chân đá sỏi vừa nhìn về mọi hướng khác chứ không dám ngó Colin.
“Hai đứa đã làm vậy, phải không?” Colin hỏi.
“À, đâu có làm chúng đau đâu ạ. Đâu có phải,” Bill làm ra vẻ đạo đức, “như bắn ná dây thun đâu ạ.”
“Tôi cho rằng có lúc hai đứa vẫn quen dùng ná cao su.”
“Không hẳn thế,” Ted đáp lại. “Bọn cháu hầu như chẳng bắn trúng bất cứ cái gì.”
“À này, thỉnh thoảng hai đứa có vui chơi một chút với cái vòi nước ấy,” Colin nói, “rồi sau đó bà Hemming xuất hiện và than phiền không?”
“Bà ta lúc nào mà chẳng than phiền,” thằng anh đáp.
“Có bao giờ chui qua hàng rào nhà bà ấy hay không?”
“Không phải qua lưới kẽm gai ở đây đâu ạ,” thằng em đáp một cách hớ hênh.
“Nhưng có lúc hai đứa chui vào vườn nhà bà ta, đúng không? Làm cách nào hả?”
“Ông có thể chui qua hàng rào — vào trong vườn nhà cô Pebmarsh. Sau đó xuôi về bên phải một chút, ông có thể đẩy hàng rào cây chui vào vườn nhà bà Hemming. Ở đó, lưới kẽm gai có một lỗ hổng.”
“Mày không ngậm miệng lại được hả, đồ ngu?” thằng anh nạt thằng em.
“Chắc là các cậu đã có một cuộc đi săn manh mối nho nhỏ từ lúc xảy ra án mạng?” Hardcastle hỏi chúng.
Hai thằng nhỏ đưa mắt nhìn nhau.
“Khi các cậu đi xem phim về và nghe kể chuyện đã xảy ra, tôi dám cá các cậu đã chui qua hàng rào vào vườn nhà số 19 và đã vui sướng nhìn quanh nhìn quất.”
“À…” Bill im bặt có vẻ cảnh giác.
“Vẫn luôn có khả năng,” Hardcastle nói một cách nghiêm túc, “các cậu có thể tìm thấy cái gì đấy mà chúng tôi đã bỏ sót. Nếu các cậu có — ờ— một bộ sưu tập, tôi sẽ hết sức biết ơn nếu các cậu cho tôi xem.”
Thằng anh đi đến quyết định: “Đi lấy đi, Ted!”
Thằng em ngoan ngoãn chạy đi.
“E rằng bọn cháu chẳng tìm được cái gì thực sự có giá trị,” Bill thừa nhận. “Bọn cháu chỉ… chỉ là giả bộ mà thôi.” Nó lo lắng nhìn Hardcastle.
“Tôi hiểu mà,” ông thanh tra nói. “Hầu hết công việc của cảnh sát đều như thế. Thất vọng rất nhiều.”
Bill có vẻ yên tâm.
Ted đã chạy trở lại. Nó đưa ra một cái khăn tay dơ bẩn được buộc thắt nút lại, bên trong kêu lẻng xẻng. Hardcastle mở thắt nút, hai thằng nhỏ đứng ở hai bên, rồi ông trải ra những thứ bọc trong đó.
Có cái quai rời khỏi một chén tách, một mảnh sứ trang trí hình liễu rủ, một cái bay thợ nề bị gãy, một cái nĩa rỉ sét, một đồng tiền, một cái kẹp quần áo, một miếng thủy tinh nhỏ xíu óng ánh nhiều màu sắc và nửa cây kéo.
“Cả một lô một lốc toàn những món thú vị,” thanh tra nói thật trang nghiêm.
Ông nhìn vẻ nhiệt tình trên hai gương mặt trẻ thơ mà tội nghiệp, và ông nhặt mảnh thủy tinh lên.
“Tôi lấy cái này. Có thể nó có khả năng liên quan đến điều gì đấy.”
Colin đã cầm đồng tiền lên và đang xem xét.
“Không phải tiền Anh,” Ted nói.
“Đúng. Không phải tiền của nước Anh,” Colin nói.
Anh nhìn sang Hardcastle. “Chúng ta có thể lấy cả cái này,” anh gợi ý.
“Đừng nói một lời nào về chuyện này với bất kỳ ai nhé,” Hardcastle nói theo kiểu cách của những kẻ đồng mưu.
Hai thằng bé sung sướng hứa sẽ không nói gì.
Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ - Agatha Christie Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ