Chương 11 -
ươm báu trao vào tay tuấn kiệt
Đại thần tuyên thệ dụng nhân tài
Bọn Vương Quới, Thang Hoài, Trương Hiển nhìn Nhạc Phi như muốn nói: Xin Nhạc huynh đừng khiêm nhượng nữa, chúng tôi cũng đang nóng lòng muốn nghe đây!
Biết không thể từ chối được, Nhạc Phi nói:
- Khi trước tôi có nghe tiên sư dạy rằng “Phàm kiếm chi lợi giả, thuỷ đoạn giao long, bộ hoa tây tượng. Hữu long tuyền“ Thái A, Bạch Hồng, Tử Điển, Mạc Gia, Cang Tướng, Ngư Trường, Cự Khuyết mỗi cây gươm đều có một nguồn gốc tiểu sử riêng của nó. Riêng cây gươm này hễ rút ra khỏi vỏ thì toát ra một hơi lạnh thấu xương, ấy quả thật là gươm thời Xuân Thu.
Ngừng một lát chàng tiếp:
- Hồi ấy Sở vương muốn thâu tóm các nước chư hầu, lại nghe đến nước Hàn chỗ Thất Lý Sơn có tên thợ rèn Âu Dương chuyên môn đúc gươm, Sở Vương vội sai người đến đòi y về triều phán:
- Trẫm đòi ngươi đến đây để nhờ ngươi rèn cho trẫm một cây gươm.
Thợ rèn Âu Dương tâu:
- Chẳng hay Đại vương muốn thứ gươm gì?
Sở Vương đáp:
- Trẫm muốn một cây Thư, một cây Hùng thật tốt, và hai cây gươm ấy phải biết bay và tự bay đến giết địch thủ theo ý muốn của trẫm, chẳng biết ngươi có thể rèn được không?
Người thợ rèn nghĩ thầm:
- „Sở Vương này bạo ngược lắm, nếu không chịu thì bị giết ngay“.
Rồi vội quỳ tâu:
- Gươm ấy, kẻ tiện dân này có thể rèn được, nhưng phải tốn một thời gian lâu lắm e đại vương chờ không được, nghĩa là rèn gươm ấy phải tốn thời gian ba năm mới xong.
Sở Vương nói:
- Thời gian ba năm có lâu chi? Được rồi, ta hẹn cho ngươi ba năm phải làm xong cặp gươm báu này.
Nói rồi, vua truyền lấy gấm nhiễu cùng vàng bạc ban thưởng. Người thợ rèn tạ ơn ra về nói cho vợ hay và để tiền bạc lại cho vợ, lên núi đúc gươm. Sau ba năm hắn đúc được một cặp gươm Thư, Hùng nhưng lại rèn them một cây gươm tầm thường nữa đem về bảo vợ rằng:
- Nay ta đến Sở quốc dâng gươm, nhưng ta tiên đoán rằng Sở Vương được gươm này sẽ giết ta mất.
Vợ hỏi:
- Tại sao vậy?
- Chỉ vì Sở Vương muốn một mình có gươm báu ấy thôi để thâu tóm các nước chư hầu nên sợ ta truyền nghề cho kẻ khác nên phải giết ta. Vì thế ta rèn thêm một cây gươm giả này để thay thế vào cây Hùng gươm kia cho đủ cặp, còn cây Hùng gươm thật ta sẽ chôn giấu tại nhà.
- Để làm gì vậy?
- Vì vua Sở có một cây Thư thôi thiếu cây Hùng thì không thể bay được, vua Sở lại cho ta là dở nên giết ta. Mối thù ấy sau này con ta lớn lên sẽ dùng cây gươm này mà báo oán. Như hiền thê có hay được tin dữ thì đừng than khóc mà mang họa, đợi cho mãn kỳ thai nghén sinh con, nếu con gái thì thôi, bằng con trai thì ráng nuôi nó để nó báo thù cho ta.
Dặn rồi, từ biệt vợ đi qua nước Sở dâng gươm.
Sở Vương thấy tên thợ rèn đến mừng rỡ cho đòi các quan văn võ họp tại giáo trường để thử gươm. Nhưng gươm không bay được, vua bị mất công chờ đợi ngót ba năm, nguồn hy vọng nay biến thành mây khói nên nổi giận truyền quân giết chết tên thợ rèn ngay.
Vợ người thợ rèn nghe tin chồng bị Sở Vương giết cũng không dám khóc than. Thấm thoát đến tuần khai hoa nhuỵ sinh được một trai. Khi đứa nhỏ được bảy tuổi, mẹ nó cho vào trường học. Một hôm nó gây lộn với bạn học, mấy đứa kia mắng:
- Mi là đứa không cha.
Thằng bé tức mình khóc, trở về hỏi mẹ cho biết cha mình đâu? Mẹ bèn kể hết câu chuyện xưa cho con rõ. Đứa bé sục sôi máu hận xin lãnh cây gươm và một mình mang sang nước Sở để rửa hận.
Đi đến Thất Lý San đường sá hiểm trở, đứa bé không biết đường nào đi nữa, nó ngồi khóc mãi, ba ngày sau con mắt chảy máu ròng ròng.
Bỗng có một lão đạo sĩ đi qua thấy thế thương hại hỏi:
- Vì sao cháu khóc đến nỗi chảy máu mắt như vậy?
Nó liền thuật lại câu chuyện sang nước Sở báo thù cho cha mà đến đây không biết đường đi.
Lão đạo sĩ nói:
- Mi còn nhỏ, còn Sở vương thì binh hùng tướng mạnh yểm hộ trước sau, làm sao mi báo thù được? Nhưng ngươi đã có chí như vậy thì ta cũng xin tình nguyện đi báo thù cho ngươi, nhưng muốn đạt được ý nguyện, ta cần dùng một vật của ngươi chẳng biết ngươi có bằng lòng không?
Bằng giọng cương quyết, thằng bé nói:
- Ông có lòng tốt giúp tôi việc này thì dù ông muốn dùng cái đầu của tôi, tôi cũng xin dâng ngay lập tức.
- Đúng đấy, quả thiệt ta muốn dùng cái đầu của ngươi đấy, ngươi có bằng lòng không?
Thằng bé quỳ xuống ngửa cổ ra nói:
- Ông đã không ngại gian lao báo thù cho tôi thì cái đầu này đâu dám tiếc?
Ông đạo sĩ còn lưỡng lự thì thằng bé đã nhanh tay rút gươm tự vẫn. Ông đạo sĩ vội cắt thủ cấp nó và cầm cây Hùng kiếm đi thẳng qua nước Sở.
Đến được cung vua, lão đạo sĩ cười lên ba tiếng ra vẻ khinh mạn rồi khóc lên ba tiếng nghe thảm não. Quân sĩ thấy chuyện lạ kỳ như vậy vào báo vua Sở hay. Vua Sở sai quân ra hỏi, đạo nhân đáp:
- Ta cười là cười cho thế gian không ai biết quý trọng người tài. Chính ta đây là thầy cho thuốc trường sinh bất lão đây.
Quân sĩ vào tâu lại cho Sở Vương hay, Sở Vương cho mời vào, đạo nhân lấy cái đầu thằng nhỏ giơ ra trước mặt Sở vương.
Sở Vương ngạc nhiên hỏi:
- Ấy là cái đầu lâu, sao ngươi gọi là thuốc trường sinh?
Đạo nhân bảo:
- Đây chính là thuốc trường sinh đấy chứ. Xin bệ hạ sai lấy vạc dầu đem tôi nấu cho mà xem. Nấu độ một khắc thì môi nó đỏ, răng nó trắng, chừng hai khắc thì mắt nó đỏ, răng nó trắng, chừng ba khắc thì mắt nó nháy, bốn khắc thì nó kêu lên danh tính nội trào, năm khắc thì cây Diệp Hà trổ ra hoa, đến sáu khắc thì biến thành bụi sen, bảy khắc sen ấy có hột, ăn mỗi hột, sống được một trăm hai chục tuổi.
Sở Vương nửa tin nửa ngờ, sai đem vạc dầu ra, lão đạo nhân thực hiện thì quả nhiên đến bảy khắc có trổ hột sen, cả triều đình văn võ bá quan đều khen ngợi.
Đạo nhân chắp tay mời vua Sở xuống hái hột sen mà lấy thuốc trường sinh.
Sở Vương mừng quá bước xuống chẳng đề phòng, bị đạo nhân rút gươm ra chém một nhát đầu rơi vào vạc dầu. Các quan văn võ thấy vậy liền áp tới bắt tên hành thích, nhưng lão ta tự chặt đầu mình trước. Cái đầu lão ta cũng rớt chung vào vạc dầu ấy. Các quan vớt ra thì ba cái đầu ấy giống hệt như nhau không biết cái nào là của Sở Vương cho nên phải đem chôn hết cả ba cái đầu vào một chỗ. Bởi vậy lời xưa có nói “Sở hữu tam đầu mộ”, nghĩa là: Nước Sở có cái mả ba đầu. Còn cây gươm ấy để đến nay tên là Trảm Lư, qua triều Đường thì về tay Tiết Nhân Qúy, chẳng biết sao đến nay lại về tay ông.
Sự tích gươm này theo tôi được biết là như vậy, chẳng biết có đúng không?
Châu Tam Huý nghe qua mừng rỡ bảo:
- Quả thật tinh sinh là người thông kim, bác cổ, quảng văn.
Vừa nói, Tam Huý vừa cầm gươm đứng dậy dâng lên hai tay nói với Nhạc Phi:
- Cây gươm này thất lạc đã lâu đời, nay gặp được người biết, tất nhiên là chủ của nó, vậy xin tiên sinh hãy thâu nhận để ra công giúp nước, thì tôi mãn nguyện vì đã thực hiện lời dặn dò của ông tôi.
Nhạc Phi cũng đứng dậy khiêm nhường từ chối:
- Vật báu của người khác, tôi đâu dám lãnh?
Châu Tam Huý nói:
- Đây chỉ là tiền nhân tôi dạy bảo, tôi đâu dám trái lời.
Nhạc Phi từ chối năm bảy phen rồi mới chịu nhận gươm. Chàng bái tạ Châu Tam Huý rồi xin kiếu từ ra đi mua gươm cho các sư đệ mỗi người một cây.
Khi về đến quán trọ trời đã sẩm tối. Cơm nước xong, Nhạc Phi kêu chủ quán dặn:
- Việc thi cử của chúng tôi ba năm mới có một kỳ, vậy xin người hãy lo cơm nước cho sớm để sáng mai anh em tôi nhập trường cho kịp.
Chủ quán nói:
- Xin chư vị chớ bận tâm, việc ấy tôi hứa sẽ lo chu đáo.
Trống vừa điểm canh tư, chủ quán đã gọi anh em dậy dùng cơm, đoạn sửa soạn thương giáp chỉnh tề cùng nhau thẳng đến giáo trường.
Đến nơi đã thấy võ sinh từ các tỉnh về tề tựu đông đảo. Nhạc Phi nói nhỏ với chư huynh đệ:
Chỗ này đông đúc, ồn ào quá, chúng ta hãy tìm chỗ khác nghỉ, chờ gọi đến tên sẽ nhập trường.
Chợt thấy một người quảy gánh chạy vào gọi:
- Nhạc tướng công đâu?
Vương Quới ứng tiếp đáp:
- Có đây.
Tên quân để gánh xuống nói:
- Thức ăn trong gánh này của Tông Lưu Thú lão gia sai tôi đem đến cho các vị dùng đỡ đói.
Anh em Nhạc Phi đều bái tạ rồi cùng nhau ngồi lại ăn uống.
Trời vừa sáng, đã thấy ba quan chủ khảo: Trương Bang Xương, Vương Đạt và Trương Tuấn đến giáo trường trước, còn ông Tông Trạch chậm bước đến sau. Mấy ông mời nhau ngồi trà nước xong, Trương Bang Xương hỏi Tông Trạch:
- Tông đại nhân, người môn sinh của đại nhân ghi vào bảng rồi chứ?
Tông Trạch nói:
- Môn sinh của tôi là ai đâu?
Trương Bang Xương nói:
- Tên Nhạc Phi ở Thang Âm huyện không phải là môn sinh của đại nhân là gì?
Tông Lưu Thú nghe nói biến sắc mặt, đáp:
- Việc này là quốc gia chọn anh tài để ra gánh vác giang san chứ không phải chúng mình khảo thi riêng, vậy thì trước khi khảo hạch, chúng ta nên lập bàn tuyên thệ để chứng tỏ là công tâm, công đức.
Nói rồi vội sai quân sĩ lập bàn đốt nhanh đèn lên. Tông Lưu Thú quỳ lạy trời đất rồi cất tiếng thề:
- Tôi là Tông Trạch ở Tích Giang, Kim Huê phủ, Nghĩa Điền huyện, được Thiên Tử giao cho nhiệm vụ khảo hạch võ sinh chỉ lấy công tâm mà chọn hiền tài. Như tôi có lòng khi quân ngộ quốc, ăn hối lộ, thì cho tôi thác về nghiệp đao tiễn.
Tông Trạch thề rồi mời Bang Xương cùng thề với mình. Bang Xương nghĩ rằng:
- “Lão này sao lại bày ra chuyện thề nguyền làm chi, nếu mình không thề ắt lão ta nghi kỵ”.
Nghĩ đoạn, lão ta quỳ xuống lẩm bẩm:
- “Tôi là Trương Bang Xương ở Hồ Quảng, người Huỳnh Châu, nhờ thánh ân cho làm giám khảo võ sinh, nếu như tôi có khi quân ngộ pháp, ăn của hối lộ thì cho tôi đời này hoá thành con lợn của phiên bang, chiết vì đao kiếm”.
Bang Xương thề xong tự nghĩ:
- “Ta đường đường là một quan đại thần thế này thì đời nào có thể làm lợn Phiên bang sao?”
Nghĩ vậy nên lão lấy làm đắc kế cho lời thề của lão, còn Tông Lưu Thú thì cố bày ra việc thề nguyền như vậy để chứng tỏ lòng mình ngay thẳng mà thôi chứ không thèm để ý đến lời thề của Bang Xương lèo lá ra sao.
Khi Bang Xương thề xong, Vương Đạt cũng quỳ xuống nói:
- Tôi là Vương Đạt cùng ở một làng với Bang Xương, lòng tôi có khi quân thì cho tôi hoá ra làm dê mà cùng thác như vậy.
Trương Tuấn thì thề rằng:
- Tôi là Trương Tuấn ở Nam Trực Lệ, người Thuận Châu, nếu tôi có lòng khi quân thì tôi chịu chết nơi miệng muôn người.
Ba lời thề của ba người thật là kỳ quặc, chúng tưởng thề như vâỵ cho qua chuyện, ngờ đâu về sau lời thề ấy ứng nghiệm chẳng sai.
Khi bốn vị chủ khảo tuyên thệ xong liền lên ngồi chỗ cũ. Tông Lưu Thú nghĩ thầm:
- Thế nào bọn này cũng vị tình để cho Sài Vương giật giải Trạng võ chớ chẳng không, chi bằng ta đòi Sài Vương đến khảo hạch trước.
Nghĩ đoạn, sai kỳ bài quan ra đòi võ sinh tên Sài Quế ở Nam Ninh Châu đến ngay. Một lát sau Sài Quế bước vào xá Tông Lưu Thú rồi đứng lại một bên chờ lệnh.
Tông Lưu Thú hỏi:
- Có phải ngươi là Sài Quế không?
- Dạ phải.
- Ngươi đã đến đây chịu khảo thí sao chẳng quỳ? Nếu muốn cướp bảng đề danh thì phải làm theo nghi lễ, bằng cứ hợm mình là một vị Phan vương không chịu khảo hạch thì ta mời ngồi khỏi phải thi cử gì. Ta thiết tưởng người đã tới bực Vương hầu rồi lại nghe lời sàm nịnh tranh giành chức Võ Trạng làm gì? Có ai bỏ địa vị lớn theo đuổi chức vụ nhỏ nhen không? Hơn nữa chốn này là tứ phương anh hùng đủ mặt, chẳng lẽ không có kẻ cao cường, có đâu lại để chức Võ Trạng về tay người được? Chi bằng đừng màng chi việc ấy, danh vọng mình có mất đi đâu. Ngươi nghĩ kỹ xem lời ta nói có phải chăng?
Sài Quế đành ngậm miệng không biết nói gì hơn, vội quỳ xuống ngay.
Vì sao Sài Quế đang đường đường một vị Phan vương lại hạ mình tranh chức Võ Trạng và chịu nhục như vậy. Nguyên vì khi trước, Sài Vương đi về triều chầu Thiên tử, khi đi ngang qua núi Thái Hành có một tên cướp cầm Kim Bối Đao xưng là Kim Mao Đại Vương tên là Vương Thiện, sức địch muôn người, xung quanh hắn có bọn bộ hạ tâm phúc là Mã Bảo, Hà Lục, Hà Nhân, lại còn có tả hữu quân sư là Lưu Võ và Điền Ký.
Toàn là những bọn túc trí đa mưu tụ tập lâu la hơn ngàn vạn tên chiếm cứ núi Thái Hành, cướp phá nhiều nơi, nhưng quan binh không làm gì nổi.
Vương Thiện lại muốn cướp đoạt cả giang sơn của nhà Tống, ngặt vì không người nội ứng. Ngày kia Sài Vương nhập triều, Vương Thiện mời vào trà nước tử tế rồi Quân sư Điền Kỳ nói:
- Buổi Nam Đường suy thoái thì bị Triệu Khuông Dẫn lập mưu soán đoạt thâu tóm thiên hạ. Đến nay Đại Vương bất quá chỉ là một ông Phan Vương còn phải xưng thần quì bái. Nay tôi đây binh nhiều, lương đủ sao Đại vương không về triều thông mưu với kẻ gian thần đoạt cho được chức Võ Trạng nắm binh quyền trong tay làm nội ứng rồi gửi cho tôi một phong thư, tức tốc tôi đem binh giúp cho Đại vương dấy nghiệp. Kế ấy có phải là hay không?
Vương Thiện và quân sư hắn nói vậy là để lừa Sài Quế chớ lẽ nào khi nên việc rồi Vương Thiện lại để cho Sài Quế làm vua sao? Thế mà Sài Quế ngây thơ đem lòng mừng rỡ đáp:
- Lời của các khanh thật là chí lý, để cô gia về triều sẽ tính. Như thành công rồi thì cô gia với các khanh cùng hưởng.
Vương Thiện mừng rỡ bày tiệc thiết đãi rồi đưa Sài Quế xuống núi. Khi về đến kinh thành, Sài Quế bèn hối lộ với các vị chủ khảo. Mấy tên gian thần đều nhận của lót bằng lòng cho Sài Quế đoạt chức Võ Trạng, duy chỉ có một mình Tông Lưu Thú là lòng ngay, dạ thẳng quyết tâm chọn anh tài nên không chịu nhận, ông lại biết rõ mấy vị đại thần kia ăn hối lộ nên ông chỉ mặt Sài Quế nói mấy điều làm cho Sài Quế cứng họng quỳ gối làm thinh.
Trương Bang Xương thấy thế giận lắm, nghĩ thầm:
- “Lão ta chơi cú xỏ như vậy, để ta cũng đòi môn sinh của lão ra mắng cho bõ ghét”.
Bang Xương vội sai kỳ bài quan ra đòi Nhạc Phi ở Thang Âm huyện vào. Nhạc Phi bước vào thấy Sài Quế quì trước mặt Tông Lưu Thú, chàng cũng đến quì trước mặt Trương Bang Xương.
Bang Xương hỏi:
- Ngươi là Nhạc Phi phải không?
- Vâng, Nhạc Phi chính tên tôi.
Bang Xương nhìn chàng từ đầu đến chân rồi bĩu môi nói:
- Ta xem hình thù ngươi chẳng phải con nhà võ, mong gì đạt được chức Trạng võ?
Nhạc Phi đáp:
- Tiểu sinh đâu dám mong đoạt chức ấy, và chăng trong hội thi này hàng muôn ngàn cử tử đến đây chịu khảo hạch ai lại chẳng muốn đoạt chức Trạng võ, nhưng có phải ai đi thi cũng đoạt được sao? Vì thế đã là võ cử thì phải tuân theo luật lệ mà ứng thí, chứ tôi đâu dám vọng tưởng?
Trương Bang Xương tưởng kiếm chuyện mắng Nhạc Phi cho đã giận, ngờ đâu chàng trả lời trôi như nước chảy khiến lão ta lúng túng bèn nói:
- Vậy thì bây giờ khảo hạch hai người này trước rồi sau sẽ khảo hạch người kia.
Rồi Bang Xương quay lại hỏi Nhạc Phi:
- Ngươi dùng binh khí gì?
- Dạ tôi dùng cây thương.
- Còn Sài Quế, dùng món binh khí gì?
- Tôi thì dùng đao.
Bang Xương liền bảo Nhạc Phi làm bài thương luận còn Sài Quế thì làm bài đao luận.
Hai người vâng lệnh vội hạ bút ngay giữa giáo trường.
Tài văn học của Sài Quế cũng không phải dở lắm, xong vì bị Tông Trạch nhục mạ nên lửa giận bốc lên tối tăm cả mặt mày, tay chân run rẩy khiến chữ viết không minh bạch, chữ đao không ra chữ đao, chữ lực không ra chữ lực. Cho nên bài thương luận của Nhạc Phi được dâng lên trước còn bài đao luận của Sài Quế phải dâng sau.
Bang Xương xem bài của Sài Quế trước rồi đút vào tay áo mới xem bài của Nhạc Phi sau. Ông ta thấy bài của Nhạc Phi nghĩa lý cao siêu, chữ lại tốt nên nghĩ thầm:
- Người này văn học có kém chi ta, hèn chi lão Tông Trạch yêu chuộng cũng phải.
Tuy nghĩ vậy nhưng ông cũng vẫn nạt lớn:
- Chữ nghĩa của ngươi như vầy mà dám tranh chức Trạng võ?
Dứt lời lại quăng bài xuống đất truyền quân đuổi ra.
Quân sĩ vừa ra tay, Tông Trạch nạt lớn:
- Hãy khoan, còn phải đợi lệnh ta nữa mới được thi hành.
Quân sĩ thấy quan Tông Lưu Thú quát, vội dãn ra chẳng dám trái lệnh.
Rồi Tông Trạch bảo quân sĩ lấy bài của Nhạc Phi đem cho mình xem. Quân sĩ đứng nhìn nhau chẳng ai dám đi lấy vì sợ Trương Thái sư giận. Nhạc Phi thấy vậy vội lấy dâng lên.
Tông Trạch trải bài thi lên bàn xem thì thấy lời lẽ như vàng đá, chữ viết như hạt châu. Tông Trạch nghĩ thầm:
- Ai ngờ kẻ gian thần nó khinh tài mà trọng lợi như vậy!
Liền lấy bài Nhạc Phi cất rồi hỏi Nhạc Phi:
- Tài năng ngươi như vậy mà vọng cầu công danh sao? Vậy ngươi có biết Tô Tần dâng thư vạn chữ và Ôn Đình Huân làm bài Nam Huê phú không?
Sở dĩ Tông Trạch hỏi Nhạc Phi hai câu ấy là vì khi trước Tô Tần đến nước Tần, Thương Ưởng thấy người tài cao thì ghét, lại sợ Tô Tần tài giỏi chiếm đoạt quyền thế của mình nên không dùng Tô Tần mà chỉ dùng Trương Nghị thôi. Còn ông Ôn Đình Huân là người nước Tấn khi vua Tấn mời thừa tướng Hoàn Văn vào ngự chốn hoa viên để xem hoa Nam Huê và truyền làm bài phú cho ngài xem. Hoàn Văn xin đem về nhà làm và sáng hôm sau đem nạp, chỉ vì Hoàn Văn không làm được bài ấy nên đem về mượn người trong nhà là Ôn Đình Huân làm hộ. Khi Ôn Đình Huân làm xong, Hoàn Văn xem qua thất kinh nghĩ thầm:
- Trong đời này lại có người tài giỏi đến thế, nhất định người này trước sau gì cũng được trọng dụng và khi ấy sẽ đoạt mất quyền thế của mình. Vì vậy ông bỏ thuốc độc giết chết ông Huân ngay rồi mang bài phú dâng vua bảo là của mình làm, ấy là những chuyện ghen ghét kẻ hiền tài.
Khi Bang Xương nghe ông Tông Trạch hỏi Nhạc Phi hai câu ấy thì biết rằng Tông Lưu Thú đã mắng khéo mình trong lòng vừa hổ thẹn vừa giận dữ nên đã quyết kiếm chuyện làm khó dễ cho Nhạc Phi.
Nhạc Phi Diễn Nghĩa Nhạc Phi Diễn Nghĩa - Khuyết Danh Nhạc Phi Diễn Nghĩa