Chương 11: Ghi
ầu như không còn một dấu vết nào về giọng nói của cha tôi. Tình cờ tôi tìm lại được vài cát-xét loại super-8 mà tôi số hóa để có thể xem được. Hình ảnh run rẩy, âm thanh đôi lúc không nghe được. Những mảnh vụn của quá khứ được đào lên từ lãng quên tạo nên một sự kỳ lạ đau điếng: Như thể những giây phút ấy không phải là của chúng tôi, như thể những người đang trên màn ảnh là các diễn viên của một bộ phim cũ.
Tôi xem đi xem lại hết giờ này sang giờ khác những buổi lễ bế giảng, sinh nhật, vũ kịch, bơi ở biển, và tôi rình xem có cha tôi. Nhưng tôi không nhìn thấy, cũng không nghe thấy. Cha vắng mặt trong các album của gia đình vì chính cha là người chụp ảnh cho chúng tôi, giấu mình sau ống kính. Cha cũng quay phim cho chúng tôi, không bao giờ ra lệnh bắt chúng tôi phải tạo dáng, hài lòng nhận lấy công việc ghi chúng tôi lại, và bao giờ cũng lui về phía sau. Tôi tìm được vài đoạn phim muộn màng do chính tay tôi cầm camera. Tôi đã quay hàng giờ liền hai em gái tôi, Bùi 4 và Bùi 5, chơi nhảy dây, đu quay, hay trò Ngựa Con, nhưng tôi không quay gì về cha tôi. Trừ 35 giây trong buổi sinh nhật 16 tuổi của Bùi 2: Người ta nhìn thấy ông đang mở sâm banh, cười ha ha, tay tôi động đậy và cắt mất phần đầu ông, đẩy ông khỏi ống kính.
Có thể trong các thùng các-tông dán nhãn “Phòng thí nghiệm” vẫn còn một số bản báo cáo bệnh lý giải phẫu học. Những băng cát-xét mà tôi đã nghe trước đây khi còn nhỏ, cuốn hút bởi âm thanh kỳ lạ của những từ y học.
“Ung thư biểu mô loại biểu bì… Biểu ác xuất phát từ tuyến kiểu mucine…. Ung thư biểu mô loại hình thoi…. Biểu ác xuất phát từ tuyến kiểu chất thải…. Thứ bậc tiên lượng mô: Rất phân biệt…”
Công việc của cha tôi rất cô đơn và bí hiểm. Ông là bác sĩ nhưng không bao giờ gặp các bệnh nhân của mình. Ông cũng không chữa bệnh cho họ. Ông mổ xẻ các khối u được chiết ra từ cơ thể họ và ông đưa ra bản án. Ông đối thoại với cái chết. Ung thư là một loại bệnh mà người ta chỉ phát âm bằng một giọng rất nhỏ. Một hộp sọ người nằm lăn lóc trong nhà, vết tích thời sinh viên y khoa của ông. Sự gần gũi mà cha xây dựng cùng hư vô khiến tôi sợ hãi. Ngày bé, tôi tin rằng Thần Chết tóm lấy các nạn nhân của mình bằng cách kéo chân họ, nên tôi cuộn tròn trong chăn, không bao giờ để thò một ngón chân nào ra ngoài, và tôi ngủ dậy luôn luôn mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Ngày trước, tôi hay nhắc đi nhắc lại rằng cha tôi là “BLGPH”, mà không biết ý nghĩa của từ này cho lắm. Tôi ghi nó vào bản khai lý lịch ở trường: Bác sĩ BLGPH. Chỉ khi đã lớn tôi mới hiểu rằng BLGPH là viết tắt của “bệnh lý giải phẫu học” – như ghi rõ trên tấm biển gắn ở “labo” nơi cha làm việc: “Phòng thí nghiệm bệnh lý giải phẫu học, tế bào học”.
Ngôn từ gắn với cha tôi thường nặng kỷ niệm, chúng tạo nên những âm thanh đẹp nhưng bao giờ cũng gây đôi chút lo âu, lạ lẫm, mang chúng tôi tới cõi hư ảo của ngôn ngữ. Chúng không có mục đích khiến người khác hiểu. Buổi sáng, cha không đến “văn phòng”. Cha tới “extanpo”. Tôi hỏi: “Extanpo có nghĩa là gì?” Người lớn trả lời tôi: “Nghĩa là khi cha làm ở bệnh viện.” Buổi chiều của cha là dành cho “labo”.
Extanpo. Ex: ngoài, tanpo: thời gian? Như kẻ tha hương được đưa về Tổ quốc, từ một nước khác, bên ngoài quê hương của mình? Cũng sau đó tôi biết ý nghĩa của từ “extanpo” này. Khi rơi phải một bản báo cáo y khoa và thuật ngữ “examen extemprané” – “khám nghiệm tức thì”.
Khám nghiệm tức thì
Khám nghiệm ở kính hiển vi một bệnh phẩm trong lúc phẫu thuật đang được tiến hành. Những kết quả của khám nghiệm này có ngay lập tức, cho phép bác sĩ giải phẫu áp dụng thể loại phẫu thuật phù hợp nhất có thể.
Lúc đấy tôi mới hiểu công việc mà cha tôi làm. Trong lúc bác sĩ giải phẫu ra tay, cắt, tách, thì cha tôi ngồi đằng sau kính hiển vi, trực tiếp đưa ý kiến của mình. Phải lấy khối u ra. Cắt bỏ một bên vú, một phần thận, phổi, cái gì nữa tôi không biết. Một hôm cha dẫn tôi đến thăm phòng thí nghiệm của cha. Những ống nghiệm xếp thành hàng như những người lính ngoài mặt trận. Và những bản kính, hàng nghìn bản kính, với những vệt máu trông giống như những con sứa lộ ra trong nước: “Mỗi bản kính là một người”, cha giải thích. Tôi hoảng sợ. Bao nhiêu là người, bao nhiêu thứ bệnh đang ở trong phòng thí nghiệm của cha. Tất cả rồi sẽ chết, những cái chết được kể lại trong những vết máu bày trên những bản kính.
Trong văn phòng của cha, bộ kính hiển vi chễm chệ trên bàn. Cha tôi tháo kính để dán mắt vào đó. Những người cận có khả năng nhìn rất gần. Và cha tôi, khi không đeo kính không phân biệt được mặt mũi đồng nghiệp, nhưng trái lại phải tháo kính thì mới bắt đầu cuộc hội thoại với các vết máu của những người đã chết.
Tôi tự nhủ: Cận thị cho phép ta nhìn thấy những thứ người thường không thể. Ðôi mắt cận của cha tôi trong kính hiển vi đọc được những thứ siêu nhỏ, và báo trước được tương lai. Cha có thể giải mã những hình khối kia, một vũ trụ mong manh, tuyệt đẹp nhưng cũng đáng sợ. Cha nhìn thấu bã cà phê, vết mực, gan ngỗng. Ðó là một sức mạnh khủng khiếp, một sức mạnh mà thực ra không phải ai cũng muốn có. Báo trước tương lai: đó là nghề của cha, một người không quá khứ.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng