Chương 10 - Tình Yêu
Ơi quả táo con
Lăn đi đâu đấy,
Rơi vào mồm ta,
Chớ có quay tròn.
1
Đó là một buổi sớm cuối thu lành lạnh. Những bông tuyết xốp quay tròn trên không và rơi xuống đầu để trần, vai và tay tôi. Tôi run lên vì lạnh và vì mừng rỡ. Tôi đã đọc đi đọc lại đến lần thứ năm bản thông cáo viết bằng mực đỏ trên mảnh giấy bọc hàng:
Các đồng chí thân mến!
Ngày mai, hồi 7 giờ tối tại rạp phim đèn chiếu cũ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập Chính quyền Xô-viết. Sẽ có nhạc (phong cầm), phim ảo đăng và khiêu vũ. Vào cửa không mất tiền và chỉ dành cho nhân dân lao động.
Ban phụ trách văn hóa giáo dục
Tôi cùng Vaska đã chờ đợi ngày lễ này biết bao nhiêu! Nghe nói lại sắp mở trường. Làm sao không vui được! Nhưng đồng thời tôi cũng lo nhỡ lại xảy ra điều gì đó chẳng lành, vì quanh thành phố bỗng xuất hiện bọn phỉ, và chúng khiến cho mọi người mất hết cả yên ổn. Một chuyện mới xảy ra cách đây hai ngày ở thành phố chúng tôi làm tôi đặc biệt kinh hãi.
Bác Mityai, giờ bác chỉ huy Hồng quân trong thành phố, lại nhà chúng tôi và cho biết là chính phủ tư sản ở Ukraina đã bị lật đổ. Thủ lĩnh Skoropadsky đã bỏ chạy với bọn Đức, thay vào đó là một tên cướp mới, Petlyura, ngoài ra còn có Makhno. Chúng đe dọa là sẽ tàn sát công nhân. Nhưng chúng tôi vẫn trêu ngươi bằng cách tổ chức lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Mười thành công.
Kỷ niệm năm đầu tiên… Một năm về trước cha tôi đã hy sinh, mẹ bị mất tích. Lẽ nào có thể quên được điều đó?
Hôm trước ngày lễ chú Anisim Ivanovich cho chúng tôi một mảnh vải đỏ và tôi lấy phấn viết lên đó chữ “Đây là trận chiến đấu quyết liệt và cuối cùng”. Góc trên tôi đính ngôi sao đỏ của Hồng quân mà bác Mityai cho tôi và cắm lá cờ trên nóc nhà.
Tất cả là tốt đẹp nhưng tôi chỉ sợ bị mất cắp ngôi sao. Ở phố chúng tôi ngôi sao là một vật quý nhất. Nếu như một chiếc mũ sắt có hình con đại bàng bằng đồng của Đức đổi được mười chiếc vỏ đạn, thì thậm chí cả một khoanh bánh mì cũng không thể đổi nổi lấy ngôi sao.
Tôi nằm trăn trở suốt đêm. Trong lúc mơ màng tôi có cảm giác như có ai đó đang đi lại trong sân, thậm chí còn kẹt cửa như muốn mở ra. Tôi xích lại gần Vaska hơn vừa sợ thiếp đi, vừa sợ thức dậy.
Tôi trăn trở cả đêm không phải vô cớ: buổi sáng chúng tôi không thấy cả lá cờ lẫn ngôi sao trên nóc nhà nữa. Tất cả cờ ở trên các nhà khác cũng chẳng còn. Có một kẻ nào đó đã giật cờ ở khắp thành phố xuống và hắn đã lấy phấn đánh dấu gạch chéo lên cổng những nhà treo cờ.
Những tin đồn đáng lo ngại lan truyền. Mẹ thằng Ilyukha quả quyết là lão phù thủy có phép biến thành con bê đã làm việc đó. Bà ta thề là lúc đêm đã thấy con bê đi qua các phố và lấy móng gạch hình chữ thập lên các cổng. (Người ta bịa đến thế là cùng, viết bằng móng! Làm sao có thể lấy móng cầm bút được cơ chứ?) Một số khác lại khẳng định rằng Nga hoàng Nikolai đang lang thang khắp nước Nga tìm kiếm mũ miện của mình.
Khó xác định được đâu là sự thật, đâu là chuyện bịa đặt. Chỉ có Vaska sau khi chạy đến gặp bác Mityai ở Xô-viết về mới giải thích cho tôi rõ tất cả. Thì ra ở vùng lân cận đã xuất hiện bọn phỉ theo Makhno do một tên mang bí danh “Quả táo” cầm đầu và chính hắn đã hạ cờ.
Người ta kể nhiều chuyện kỳ lạ về con người ấy. Hình như không ai có thể bắt được hắn, bởi vì hắn tấn công rất bất ngờ, và khi bọn cướp còn đang chơi khúc nhạc “Quả táo”, từ trên xe có đặt súng, hắn đã kêu lên: “Xin chào các công dân! Hãy đầu hàng đi không kháng cự!” Và trận cướp phá bắt đầu.
Người ta kể là vào một đêm nọ hắn đã bắt cóc cô Sonka Bàn tay vàng làm vợ. Sáng dậy bố cô Sonka đó thấy cửa vẫn cài then, hình như không có ai vào nhà cả mà con gái thì mất.
Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nói có thể bắt cóc đàn bà như bắt trộm chim hoặc lấy trộm đạn. Thoạt đầu tôi không tin, nhưng sau trong óc lại nảy ra một ý nghĩ tinh nghịch: tự mình đi bắt cóc một người nào đó. Bắt cóc Tonka em gái thằng Abdulka chẳng hạn.
Tất cả bắt đầu từ hôm Tonka mặc chiếc áo mới có hoa xanh đi ra phố. Tôi ngắm nhìn và không thể rời mắt khỏi cô ta. Cô ta đã quyến rũ được tôi bằng cái gì chính tôi cũng không hiểu nổi. Nhưng đối với tôi, cô ta là người đẹp nhất trên đời này.
Quả là bây giờ Tonka ít chơi với chúng tôi hơn. Cô nàng đã tết tóc rồi. Phải bắt cóc Tonka mới được, và không cần bắt ai thêm nữa! Tôi đã có lần thử nói chuyện với Tonka để cô ấy kết bạn với tôi, nhưng cô ta lại cười giễu tôi.
Tôi không biết phải làm gì. Có lần một số tạp chí “Điền địa” cũ đã lọt vào mắt tôi, trên bìa có đăng quảng cáo:
TẤT CẢ SẼ YÊU ANH!
Không thể có bất hạnh trong tình yêu nữa hay là cái chìa khóa đáng tin cậy nhất với trái tim phụ nữ.
Nghệ thuật ưa thích, đặt cơ sở trên việc nghiên cứu bản tính phụ nữ và áp dụng theo tinh thần của thế kỷ chúng ta.
Quyển sách mới của chúng tôi “Chiến tích trong tình yêu” dạy các bạn phải làm gì, để chiến thắng những trái tim bướng bỉnh. Người đàn ông cần phải làm thế nào để giành được trái tim những người đàn bà đẹp và giàu có.
Đồ giải khát trong tình yêu và cách chế tạo. Giá sách cộng với tiền cước chi cho gói kín, khách hàng phải trả là 1 rúp 75 cô-pếch. Moskva. Nhà hàng Fereyna.
Có thể quyển sách rất hay, nhưng số tiền 1 rúp 75 cô-pếch này, tôi không có.
Giá mà bắt cóc được Tonka và không trả tiền. Mình sẽ đem nàng ra cánh đồng cỏ trên bờ sông Kalmius và dựng một túp lều bằng cây cói. Sau đó mình và nàng sẽ đến cha Ioann làm lễ cưới và sẽ sống chung thủy bên nhau. Mình sẽ đi làm ở nhà máy, còn nàng ở nhà nấu ăn.
Tôi cứ nghĩ, nghĩ mãi, mà chẳng nghĩ ra điều gì cả…
2
Sáng ngày lễ tôi và Vaska tỉnh dậy sớm hơn bình thường. Đói cồn cào cả ruột gan, chân phủ chiếc áo vét thủng đã bị lạnh cóng như đóng băng. Tôi thấy chú Anisim Ivanovich đứng cạnh chiếc hòm. Một năm sống ở nhà Vaska tôi đã quen và dường như không còn thấy chú Anisim Ivanovich bị cụt chân nữa, nhưng giờ lại sửng sốt: cái hòm cao đến vai chú, trông như chú đứng dưới một cái hố đào trước hòm.
Chú Anisim Ivanovich lôi đống quần áo cũ ra, rũ đi rũ lại, rồi quăng sang một bên. Đây là tất cả những gì còn lại sau khi thím Matrena đã đi lang thang các làng đổi đồ đạc lấy lúa mì.
Sau đó chú liếc nhìn Vaska, khẽ gọi:
- Vaska, dậy đi con! Hôm nay chợ lại họp rồi. Con mang cái áo của mẹ đi, may ra người ta đổi cho hai phun-tơ khô dầu đấy.
Vaska sẽ sẽ ngồi dậy, hình như sợ làm tôi thức giấc và đi lại chỗ bố:
- Bố ơi, bố xếp cả cái áo của con vào nữa. Lenka ở với chúng ta đói đấy bố ạ. Cho ăn thêm một chút để cậu ta sống đỡ khổ.
- Đối với bố cả hai đều là con…
- Con có thể nhịn ăn lâu được bố ạ. Còn nó hãy còn nhỏ…
Vaska lại thương xót tôi. Tôi phải làm gì để cũng tỏ ra thương xót cậu nhỉ? Chúng tôi sẽ ra chợ đổi lấy khô dầu, rồi tôi đưa cả cho cậu. Một chiếc áo cũ thì được bao nhiêu?...
Đói không chịu được. Nạn đói thật sự bắt đầu từ khi bọn Đức chuyên chở lúa mì của ta về Đức. Trong thành phố người ta ăn thịt hết chim sẻ và quạ. Bắt chim bây giờ là một việc hấp dẫn. Chúng tôi đặt một cái hòm trong sân, dưới chống cái que. Từ que kéo ra một sợi dây nhỏ. Chúng tôi ngồi rình trong kho, hễ chim vừa bay xuống dưới hòm là chúng tôi giật phăng cái que, thế là hòm sập xuống chim. Chúng tôi chạy lại, luồn tay xuống dưới hòm dồn bắt các chú quạ, chúng đập cánh phành phạch, tuột khỏi tay và mổ đau. Cũng thương hại chúng, nhưng biết làm sao – nạn đói…
Tôi dậy và trong khi Vaska chuẩn bị đi chợ, tôi bước ra phố. Mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Bầu trời trong xanh êm ả trải khắp thành phố; những cây keo phủ đầy tuyết đứng ủ rũ. Cánh đồng cỏ trắng xóa và lạnh lẽo không còn hấp dẫn nữa, mà làm người ta khiếp sợ. Đường phố tưởng chừng như quanh co hơn. Những cơn gió cuốn tốc những chiếc lá héo khô và thổi bay chúng cùng những bông tuyết vào trong sân bỏ hoang của nhà ai đó.
Tôi thấy Tonka ở cạnh nhà Abdulka. Cô ta ngồi cắn hạt hướng dương trên chiếc ghế dài, rồi phun vỏ ra tận xa. Thằng Ilyukha tóc hung đang đi đi lại lại vẻ trang trọng trước mặt cô ta. Vẻ như muốn trêu ngươi tôi, gần đây nó thường hay lượn cạnh cô nàng, hàng ngày bắt đầu rửa ráy, thậm chí còn là cả cái quần vá và phình ra ở hai đầu gối.
Thằng Ilyukha diện đôi giày mới (tôi nghe thấy tiếng đi cót két). Tonka ngắm nhìn đôi giày và phá lên cười thú vị. Bây giờ tôi thấy như cô ta còn đẹp hơn trước. Đôi mắt đen lánh của cô ta ánh màu than đá. Không, tôi không chịu để mất Tonka cho thằng mặt đầy tàn nhang đâu! Sự bực tức do cơn đói gây ra càng tăng thêm lòng căm thù của tôi đối với thằng Ilyukha. Tôi hằm hằm xông thẳng tới nó. Đôi giày mới của nó té ra chỉ là một đôi đế cũ rách bôi dầu hắc ín.
Tôi thấy nhẹ cả người.
- Cậu có nghe nói gì về Đức Vua không? – thằng Ilyukha ngồi xuống cạnh Tonka và hỏi khi tôi tới gần.
- Không, không nghe thấy và không thèm nghe.
- Ê, cậu rõ thật. Đức Vua đã đến chỗ chúng ta đây mà cậu cóc biết. Hôm nay mình đã trông thấy Ngài. Ngài giả vờ làm một con chim sẻ. Ngài đậu trên cây, nhìn mình với cặp mắt người và nói: “Chiếp chiếp, ta là Đức Vua, chiếp chiếp”.
- Này cho mày một quả thụi, cho cả Đức Vua của mày, cả Hoàng hậu lẫn Hoàng tử nữa.
Tôi ngồi xuống cạnh Tonka. Cô ta ngồi dịch sang một bên. Thằng Ilyukha thở khò khè:
- Cô ta không phải là vợ chưa cưới của mày đâu.
- Mày dám nói của mày chắc?
- Của tao, cứ hỏi cô ta mà xem.
Cứ theo thái độ của Tonka nhìn thằng Ilyukha thì có thể cô ta sẽ khẳng định lời nó.
- Tonka không phải của mày, cũng chả phải của tao. Cô ta là vợ chưa cưới của Vaska, – tôi nói và hiểu rằng đánh trúng tim thằng Ilyukha.
Tonka đỏ mặt cười phá lên.
- Thế Vaska đâu? – cô ta hỏi.
- Ở nhà, đến bây giờ đấy.
Thằng Ilyukha không chịu thua. Nó đứng dậy, rồi cúi xuống trồng cây chuối, dạng chân, giơ lên trời. Mặt nó lún sâu một nửa trong tuyết, đỏ tía lên. Tonka nhìn nó vẻ thán phục. Tai nó tím tái đi nhưng nó vẫn đứng nguyên. Sau nó đổ kềnh ra, loạng choạng đứng dậy, làu bàu, giọng khàn khàn:
- Tớ còn có thể đứng lâu hơn nữa kia.
- Suốt cả ngày cơ à? – Tonka hỏi.
- Đúng thế, – thằng Ilyukha vừa khoe vừa lau nước mắt ứa ra.
- Thế có đứng được một trăm ngày không?
- Được chứ. Chỉ lúc nào ăn cơm tớ mới dừng lại.
Tonka với vẻ hoặc là thán phục hoặc là giễu cợt nhìn thằng Ilyukha. Không có thì giờ để phân tích, tôi nghĩ thầm: “Ta sẽ bắt cóc!”
- Mày không bằng được ngón tay út của Vaska đâu, – tôi bảo. – Vaska đã phải ngồi tù vì đấu tranh cho tự do, thế còn mày?
- Nhưng tớ lại biết ăn cắp cơ, – thằng Ilyukha tự tán dương.
Tôi bước lại gần nó:
- Này biết! Nào, thế mày ăn cắp một cái gì đó của tao xem nào. Đây thử ăn cắp cái vỏ đạn này xem.
- Tớ sẽ lấy được… Chỉ có một điều, cậu không được nhìn kia.
Chắp tay sau lưng, miệng huýt sáo vẻ dửng dưng làm như hoàn toàn không thèm chú ý gì đến tôi, thằng Ilyukha đi lướt qua chỗ tôi.
Tôi nắm chặt vỏ đạn trong túi. Nó lén đến phía sau, lỗ mãng thọc tay vào túi tôi. Tôi chộp lấy tay nó.
- Ồ, sao mày lại chộp tay tao? – nó phát khùng.
Tôi thấy đã đến lúc thanh toán và thộp luôn ngực thằng Ilyukha.
- Thế sao mày thọc tay vào túi tao?
- Ơ kìa, chúng mình đang chơi cơ mà, – thằng Ilyukha lùi lại. – Chả lẽ tao lại lấy thật của mày sao?
- Không, thế mày thọc tay vào túi tao làm gì? – tôi tấn công.
Thằng Abdulka ở trong sân chạy ra. Nó đứng xen vào giữa, can không cho chúng tôi đánh nhau. Trong lòng tôi thấy vui vui vì cũng thấy sờ sợ những móng tay dài ngoẵng cáu bẩn của thằng Ilyukha.
- Thôi được rồi, cứ đợi đấy, tao sẽ còn dần cho mày một trận, – tôi dọa.
Thằng Ilyukha ti tỉ khóc.
Vừa lúc đó Vaska vác bao tải đi tới. Cậu ta bỏ bao xuống, rồi ngồi lên ghế dài. Cả bọn ngồi im một lúc.
Thằng Ilyukha hít mũi thật mạnh lấy tay áo quệt, rồi đề nghị:
- Vaska, kể chuyện đi…
- Kể gì cho cậu nào?
- Chuyện gì cũng được.
Vaska ranh mãnh liếc nhìn thằng tóc hung như thể nghĩ xem nên châm chọc nó cái gì. Sau cậu bảo:
- Bánh kem ở thành phố Kazan có mắt, cậu có biết chuyện đó không?
- Ừ, hừ…
- Sao, cậu không tin à? Bánh để ăn, còn mắt thì nhìn mà.
- Hừ…
- Cậu kể xem đã ngồi tù ra sao đi, – Ucha vừa mới đến đề nghị.
Vaska nhổ toẹt qua kẽ răng:
- Có gì đâu. Đấy, ngồi như tớ đang ngồi bây giờ đây này.
- Láo toét, – thằng Ilyukha nói.
Tonka đứng ở cổng rào, thương xót nhìn Vaska. Rồi cô chạy vào trong nhà làm cái gì đó.
- Thế trong tù chúng có đánh cậu không? – Ilyukha hỏi.
- Có chứ, – Vaska đáp. – Chính để làm việc đó mà có nhà tù của bọn Đức, để tra tấn dày vò người ta mà.
- Đây xem này, xem chúng nó đánh thế này này, – tôi thấy tự hào về Vaska, bỏ mũ cậu ta ra. Bọn trẻ kính cẩn xoa xoa tay lên những vết sẹo trên đầu Vaska.
- Thế chúng đánh cậu vì tội gì? – Ilyukha hỏi.
- Biết nhiều, chóng già đấy! – Vaska cau có hất bao tải lên vai, đứng dậy. – Ta đi thôi, Lenka – kẻo chợ tan mất.
Đúng lúc đó Tonka ở trong nhà chạy ra. Cô giấu cái gì đó sau lưng và ranh mãnh nhìn bọn chúng tôi khắp lượt.
- Tặng cho ai bây giờ đây? – cô giơ củ khoai luộc lên đầu, hỏi.
- Cho tớ, – thằng Ilyukha vội xen vào.
- Tớ, tớ, – tôi và Ucha đồng thanh.
Vaska đứng im.
- Đưa tao, – Abdulka bảo.
- Anh ăn rồi, – Tonka nói, rồi bỗng bước lại chỗ Vaska: – Vaska, biếu anh này. Anh cầm lấy, nào, cầm đi, em hãy còn.
- Không, cô cứ ăn đi…
- Nào, thôi cầm lấy đi, anh chàng kỳ quặc, – cô giận dỗi nói và cố ấn củ khoai vào túi áo Vaska.
Chúng tôi cùng đi. Trên đường Vaska dừng lại hỏi:
- Cậu muốn ăn không?
Cậu lôi củ khoai đã nguội trong túi ra, đưa tôi.
- Thế còn cậu, Vaska?
- Tớ ăn rồi.
Ranh thật. Tôi bẻ đôi củ khoai ra.
- Cậu ăn đi, tớ mới ăn.
- Đừng vẽ chuyện, ăn đi. Tớ lớn hơn, tớ chịu được.
Nhưng tôi vẫn thắng lý và rồi chúng tôi chia đôi củ khoai.
3
Chợ họp ở quảng trường Sennaya là một chợ nhỏ ít người. Có một vài bà bán khô dầu và giò, một chiếc xe chở hoa hướng dương và một xe bò chất đầy rơm cao ngất. Có một xe chở ngô tới. Người ta chen lấn nhau chung quanh xe.
Một bà nông dân béo phệ ngồi tít trên cao, lấy thân mình che đống ngô vàng. Cạnh bà ta là một ông lão đội mũ lông cừu và mặc áo lông màu da cam. Ông ta hét lên:
- Các ông các bà, không vây quanh xe! Hết ngô rồi.
- Ê, – một người trong đám đông, giơ cao đôi ủng da mới lên đầu hỏi, – đôi ủng đổi được bao nhiêu?
Người nông dân khinh khỉnh liếc nhìn đôi ủng.
- Hai phun-tơ, – ông ta trả lời, rồi quay đi.
Đám đông xô vào. Nhưng bà béo phệ kêu lên xoe xóe:
- Các bà ơi, không có ngô đâu, đừng đứng đấy nữa, không có đâu.
Phía bên một mụ bán hàng khác rao lớn:
- Giò cừu giá rẻ đây! Mười vạn rúp một suất đây! Chỉ có mười vạn thôi!
- Giò của mụ đã tham gia vào kỵ binh chưa? – một tay thanh niên đi qua trêu chọc và bị mụ bán hàng chửi té tát.
- Tôm đây, tôm đây! – tôi bỗng nghe thấy một tiếng rao thô bỉ ở đằng sau.
Tôi quay lại và nhìn thấy một bà già. Bà ta đi ủng. Cái mũi to tướng, tua tủa lông đen sì, lù lù trên khuôn mặt bé quắt thụt sâu trong chiếc khăn trùm màu xám. Mắt bà ta tối sẫm như hai đồng năm xu bằng đồng đen.
Vaska lấy áo ra và bắt đầu mặc cả với một bà bán năm củ khoai tây, còn tôi lại gần bà già xem tôm.
- Cần gì chú bé? – bà ta hỏi. – Muốn mua tôm không?
- Giá bao nhiêu? – tôi hỏi, vẻ sành sỏi.
Bà già tò mò nhìn tôi và nói:
- Mày không mua được đâu, đắt đấy!
- Thế nếu như tôi có mười vạn, – tôi đáp.
Bà già mỉm cười, nhe hàm răng vàng khè ra, rồi lắc đầu vẻ thông cảm.
- Bà biết cháu nghèo, chú bé ạ. Vì thế bà cho cháu tôm đấy, không lấy cháu một xu.
Bà ta lấy một con tôm, chìa cho tôi. Tôi lùi lại.
- Cầm lấy, thằng ngốc, cầm lấy, bà sẽ cho thêm. Cháu là một chú bé nghèo khổ, bà biết chứ.
Như một cái máy, tôi giơ tay nhận hai con tôm, rồi liếc nhìn Vaska lúc này đã bán xong áo và đang mua khoai. Tôi định lại gần chỗ cậu, nhưng bà già đã kéo tay tôi lại.
- Lại gần đây chú bé, bố cháu có lẽ mất rồi phải không?
- Không còn nữa, – tôi cau có trả lời.
- Thế đấy! Bà cũng đã đoán ra. Cháu tên gì?
- Lenka.
- Ồ, cái tên hay quá, ngay cả bà cũng ghen tị. Lenka, hôm nay ở trong thành phố có cuộc họp gì đấy?
- Ngày hội của chính quyền chúng ta.
- À, à, ra thế! Có thể đến dự được không, hay chỉ dành cho Hồng quân thôi?
- Chỉ dành cho những người lao động thôi.
- Hay quá, – bà già thốt lên. – Thế nghĩa là bà cũng đi đến đó một chút cho vui tuổi già. Thế nhưng có thể là ông chỉ huy Hồng quân sẽ không cho bà vào nhỉ?
- Cháu không biết, – tôi đáp, – bà hỏi ông ta ấy.
Một lão để ria mép, cầm roi ngựa đi tới chỗ chúng tôi.
Lão ta quật mạnh roi vào chiếc ghế đẩu của bà già, vui vẻ hỏi:
- Bán không, bà già?
- Tôi đang bán, đang bán, – bà già đáp, không thèm nhìn người mới tới. – Đừng có quấy rầy, tôi đang bán hàng.
Lão ta bỏ đi, dạo quanh khắp chợ, đập đập roi vào ống giày ủng bằng da.
Bà già càng kéo tôi lại gần hơn, đôi tay to lớn xoa vuốt vai tôi.
- Lenka, cháu cầm thêm con tôm nữa này. Cầm lấy đi, đừng sợ. Rồi cháu nói đi, bà biết hỏi ai bây giờ… Ai là chỉ huy Hồng quân?
- Để làm gì? – tôi cảnh giác hỏi.
- À, – bà ta lãnh đạm trả lời, – bà muốn biết ai có thể là chỉ huy được nếu trong quân đội ở đây chỉ có hai người?
- Ờ mà không phải hai người đâu, – tôi phản đối.
- Thế thì bao nhiêu nào? – bà già âu yếm hỏi và kéo tôi vào lòng.
Tôi thấy khó chịu. Tôi vùng ra và kêu lên.
Vaska chạy tới.
- Cậu làm sao thế? – cậu hỏi và liếc nhìn bà già.
- Đấy, bà ta cứ ôm lấy mình. Bà ấy cần gặp bác Mityai.
Mụ già giận dữ, mắt long sòng sọc, rồi bỗng nắm chặt tay áo tôi.
- Sao mày ăn cắp tôm của tao, hả? Để làm gì, hả?
Rồi như từ dưới đất nhoi lên, quanh chúng tôi xuất hiện khá nhiều lão già khả nghi, trong đó có cả lão già cầm roi lúc trước.
Họ đưa mắt liếc nhìn mụ già như muốn hỏi phải làm gì với chúng tôi đây. Vòng vây đáng sợ càng khép chặt lại. Tôi rợn cả người, tôm rơi khỏi tay. Vaska đến sát mụ già:
- Buông ra!
Nhưng mụ ta không chịu thả tôi ra. Lông mày mụ cau lại, răng nhe ra.
- Buông nó ra! – Vaska lại hét lên, lôi phắt tôi ra khỏi tay mụ già, rồi chúng tôi bỏ chạy.
Một lão giơ chân ngáng Vaska làm cậu ngã xuống tuyết, một lão khác đánh vào cổ đến nỗi mãi sau này tôi vẫn không quay đầu lại được.
Vaska chui ra khỏi đống tuyết. Lão có ria mép, mặc quần màu xanh da trời, tóm lấy áo Vaska, nhưng cậu vùng sang bên.
- Chạy mau đến bác Mityai. Bọn cướp đấy.
Chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy đến nhà Xô-viết.
4
Bác Mityai không có ở đấy. Chú gác chỉ cho chúng tôi đến rạp chiếu phim.
Đến đó chúng tôi thấy bác đang đứng trên cái thang cao dựng vào tường. Bác vừa đóng đinh vào tấm bảng kẻ khẩu hiệu “Chính quyền Xô-viết muôn năm” màu đỏ, vừa nói chuyện với chị Nadya, tay cầm hộp đinh, đứng dưới chân thang.
Khi bác xuống chúng tôi nắm lấy tay bác, tranh nhau nói tíu tít.
Bác Mityai cười, xua xua tay.
- Nào, dừng lại đã nào, nói cho rõ ràng rành mạch. Nào, cháu nói đi. – Bác hất đầu về phía tôi.
Tôi nghĩ một chút, rồi kể cho bác tất cả những gì hai đứa đã trông thấy và nghe được ở ngoài chợ.
- Cháu kể hết rồi chứ? – bác mỉm cười hỏi.
- Hết ạ, – tôi trả lời, người mệt bã ra.
Bác thọc tay vào túi, rút ra cả một xếp phiếu màu vàng.
- Đây, – bác nói, – các cháu đến kho nhận bánh và ăn ở nhà ăn, còn về chuyện mụ già thì đừng sợ, mọi việc sẽ ổn thôi. Đi, đi, các cháu.
Bác Mityai phái một đội cận vệ đỏ ra chợ, nhưng không tìm thấy cả mụ già lẫn bọn người khả nghi đâu cả.
- Bọn chúng tẩu mất rồi, – Vaska nói thầm với tôi, – cần phải bảo vệ bác Mityai. Tớ sẽ thường xuyên đi theo sau bác ấy, còn cậu theo dõi phía sườn nhé.
Chúng tôi đến nhà ăn của đội cận vệ đỏ. Ở đó người ta phát cho mỗi đứa chúng tôi cả một xoong lúa mạch màu xanh và một miếng bánh ngô. Chưa bao giờ tôi lại ăn nhiều như vậy. Thậm chí tôi còn liếm cả xoong nữa. Giá được ăn thêm nữa nhỉ, nhưng như bố tôi vẫn thường nói, bụng đâu phải là cái túi, không nên ăn dự trữ. Thế là phải bỏ món xúp.
Xế chiều, còn lâu mới đến giờ khai mạc buổi lễ mà gần rạp chiếu phim đã tụ họp khá nhiều người. Đến tối một tốp chiến sĩ Hồng quân đeo súng sau lưng đi tới. Họ hát vang bài:
Bay đi, hãy bay đi
Hỡi con ngựa của ta
Chớ, chớ có vấp ngã
Rồi gần tới sân người yêu dấu
Hãy dừng chân, xin hãy dừng chân.
Khi họ bắt đầu cho lần lượt từng người vào một thì Vaska chạy tới, lôi tay tôi.
- Đi mau lên!
- Đi đâu cơ?
- Đi. Cậu sẽ lên phát biểu.
- Thế nào kia? – tôi hoảng hồn, hỏi lại.
- Rất dễ hiểu thôi. Có phải bố cậu đã bị bọn chúng giết không nào? Đúng thế. Đó chính vì thế mà bác Mityai muốn để cậu phát biểu…
Vaska kéo tôi đi qua phòng họp. Khắp nơi lấp loáng ánh đèn thợ mỏ và những mẩu nến dở. Ánh sáng thì ít ỏi và yếu ớt, mà trần nhà lại đen sì muội.
Trên sân khấu đặt cái bàn phủ vải đỏ, sau bàn để những lá cờ. Bác Mityai dẫn chúng tôi đến chỗ các lá cờ.
- Các cháu đứng đây nhé và hãy đứng không nhúc nhích.
Khắp nơi có những khẩu hiệu, còn trên sân khấu là chân dung Karl Marx – người thầy của tất cả công nhân và nông dân.
Công nhân và các chiến sĩ Hồng quân ngồi trong phòng, trên những chiếc ghế gỗ dài, những chiếc ghế mềm có tay vịn bọc nhung và chân mạ vàng của nhà Shatokhin. Người ta hút xì gà cuốn bằng tiền “kê-ren-ki”. Người ta nhảy múa giữa các hàng ghế. Gian phòng không đốt sưởi, mọi người đội cả mũ, trùm cả khăn. Chung quanh mù mịt khói thuốc lá cuốn.
Đàn phong cầm chơi dồn dập. Chị Nadya chống tay bên sườn nhảy múa. Chị mặc áo va-rơi bộ đội, đi ủng và đeo súng lục có dây đai vắt qua vai. Bím tóc dài của chị đã không còn nữa. Từ dưới cái mũ trùm xuống tận gáy ló ra những búp tóc quăn mềm. Mặt chị đỏ bừng, mắt sáng lên. Quanh chị Nadya tiếng kêu hét, tiếng cười nói ồn ào. Chú thợ mỏ Petya bắt đầu vào nhảy thi với chị. Chú tiến tới gần chị, giậm chân mời, rồi đi vòng tròn, bật tay tanh tách. Sau đó chú đập tay vào ống giày ủng, rồi ngồi thụp xuống múa, giơ chân cao hơn đầu.
- Này, đừng có thua đấy! – các chiến sĩ Hồng quân kêu lên cổ vũ.
Chị Nadya dừng lại, rồi cất tiếng hát:
Mẹ nghiêm khắc hỏi tôi:
“Sao không tin Chúa Trời?”
Tôi ngay thẳng trả lời:
“Bởi làm gì có Chúa”.
Lắc lắc những búp tóc quăn mềm, chị Nadya lao vào nhảy múa, đập gót giày nhộn nhịp.
Nhảy múa xong, mọi người tản về chỗ.
Bác Mityai gõ gõ bút chì vào cái bình và khi trong phòng đã im lặng, bác mới tì tay lên bàn, bắt đầu nói:
- Các đồng chí thân mến! Cho phép tôi được chúc mừng các đồng chí nhân ngày lễ kỷ niệm một năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười.
Tiếng vỗ tay ran lên trong phòng. Tiếng ồn ào vui mừng chuyển sang tiếng hát. Nhạc chơi một cách trang trọng và tất cả đứng dậy, bỏ mũ, để đầu trần, cất tiếng hát:
Cả Chúa, cả Nga hoàng, cả các hiệp sĩ
Không ai có thể giải thoát chúng ta.
Chúng ta tự giải phóng
Bằng chính đôi tay của mình.
Dứt tiếng hát, mọi người lại đội mũ, ngồi cả xuống. Bác Mityai nói tiếp:
- Thưa các đồng chí! Chúng ta kỷ niệm ngày lễ sáng tươi của chúng ta trong hoàn cảnh thật là khó khăn. Mới chỉ hai tuần trôi qua, kể từ khi chúng ta đánh đuổi được bọn Đức. Bây giờ bọn can thiệp nước ngoài lại đang thít chặt chúng ta vào vòng vây. Nhật Mỹ đã đổ quân lên vùng Viễn Đông. Ở Kavkaz bọn Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm Baku. Thành phố Batumi ở Hắc Hải đã bị bọn Anh xâm chiếm. Nhưng tên Churchill, bộ trưởng quốc phòng của Anh, tên đàn áp bóp nghẹt giai cấp công nhân, không chỉ dừng ở tội ác đó. Nó còn ra lệnh đổ quân xuống vùng Arkhangelsk. Ở đó lúc này dòng máu vô sản đang đổ. Ở phía Nam, quân Pháp chiếm đóng Odessa. Quân của tướng Kolchak từ Sibir xông sang. Ở Ukraina thì lại có bọn phỉ Petlyura và phỉ Makhno. Còn kẻ thù của nhân dân – bọn men-sê-vích và cách mạng xã hội đã bắn bị thương đồng chí Lenin, lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới. Chúng ta không có bánh mì, không có than, vũ khí lại ít, nhưng chúng ta không ngã lòng, chúng ta có hàng triệu người!...
Tôi liếc nhìn Vaska. Mặt cậu thật nghiêm nghị và lá cờ trên đầu Vaska vẫn còn sực mùi thuốc súng và còn hằn rõ những vết đạn lỗ chỗ.
- Trong đói rách và thiếu thốn chúng ta vẫn vui mừng kỷ niệm năm đầu tiên cuộc Cách mạng vĩ đại trước sự khiếp sợ của quân thù, – bác Mityai nói tiếp, – và chúng ta tin tưởng rằng chẳng bao lâu nữa với cánh tay hùng mạnh của mình chúng ta sẽ quét sạch tất cả mọi kẻ thù khỏi đất nước…
Có tiếng ầm ầm, la hét om sòm ở lối ra vào. Cửa bật tung ra, rồi có hai người chậm rãi bước vào phòng. Một người mặc chiếc áo choàng lông ngắn màu xanh rất đẹp có viền trắng. Bên sườn hắn ta có giắt một thanh gươm cong quét lê trên sàn, còn lủng lẳng sau thắt lưng rộng bản là hai khẩu súng lục và quả lựu đạn. Tôi liếc nhìn – và lạnh cả người. Qua cái mũi tim tím, tôi biết người đầu tiên là mụ già mà tôi đã nói chuyện ngoài chợ. Còn người thứ hai tôi nhận ra ngay cái lão già cầm roi quen thuộc.
Bọn chúng khệnh khạng từ từ đi lên phía trước.
Tên đi đầu chậm rãi quay lại tên mặc áo vàng đi theo sau, có ý hỏi thật to:
- Gritsko, chúng làm gì ở đây thế, bọn người này ấy?
Lão Gritsko đứng dậy, tay để lên đốc gươm, láo xược nhìn mọi người. Hắn ta trả lời, cũng cái giọng kéo dài và càn rỡ ấy:
- Thưa bố, có lẽ đây là đám cưới của chúng nó.
- Đám cưới à? – tên đi đầu nhắc lại cho cả phòng nghe thấy. – Thế bọn nhạc công đâu? Mà ta cũng chẳng nhìn thấy chú rể đâu cả. – Hắn nheo mắt, chỉ roi vào bác Mityai đang đứng trên sân khấu và hỏi: – Chú rể kia hả?
- Chắc hẳn là nó đấy, – tên cướp kia trả lời.
- Thế thì gọi nó lại đây vì ta xem không rõ mặt.
Bác Mityai đấm xuống bàn, quát:
- Đồng chí gác đâu? Ngoài ấy thế nào đấy? Cho bọn hề này vào đây làm gì thế?
- Ai? Tao á? – tên cướp hỏi lại. – Ái chà thằng này, đồ con nghẽo ghê tởm! Mày biết tao là ai không? Mày há không biết tao chính là cha “Quả táo” đây sao? Nào xuống đây! – bọn cướp chĩa ngay súng lục ra.
Mọi người bật dậy. Các chiến sĩ Hồng quân vớ lấy súng. Bác Mityai nhảy từ trên sân khấu xuống. Vaska nấp bên cửa, nhanh tay cài cái móc sắt vào.
- Đả đảo Chính quyền Xô-viết! Đả đảo công xã! – tên “Quả táo” hét lên và bắn vào bác Mityai. – Các cậu ơi, cái bọn sâu bọ bẩn thỉu này! – Lão “Quả táo” vừa hét vừa xả súng bắn bừa vào đám đông. – Hãy tước vũ khí, gọi bọn ta ngoài phố vào.
- Các đồng chí bình tĩnh! – bác Mityai hét to, lách người lên trước.
Bọn cướp đã bị áp đảo.
Tiếng súng vang lên ngoài phố. Kính cửa sổ vỡ kêu loảng xoảng, đạn bay rít lên khắp phòng. Bọn phỉ chửi rủa và lấy báng súng nện thật lực vào cửa chính và quát tháo:
- Này, bố ơi! Cái gì xảy ra ở đấy? Mở cửa ra.
Tôi nhớ tới lệnh của Vaska – phải giữ lấy cờ, tôi chộp luôn một lá cờ, giật lấy lá cờ thứ hai, rồi nhảy vào phòng nhắc vở.
Trong phòng người ta đánh nhau, đèn rơi từ trên tường xuống vỡ loảng xoảng, ghế gãy kêu răng rắc. Có tiếng ai đó hét lên: “Cháy! Cháy!” Tôi ngồi trong phòng nhắc vở ghì chặt vào ngực những lá cờ.
Tiếng súng xa dần. Trong phòng chỉ còn nghe thấy tiếng rên rỉ khe khẽ, tiếng bước chân và một vài giọng nói đơn độc.
Sau cùng những tiếng đó cũng im hẳn.
Tôi chui ra khỏi phòng nhắc vở. Xung quanh tối đen. Tôi sờ soạng vấp phải những ghế gãy, tìm thấy cửa và chạy ra ngoài phố. Bão tuyết đã lặng, xa xa đâu đó vẫn nghe thấy tiếng súng riêng lẻ.
Tôi vừa đi vừa suy nghĩ chuyện vừa xảy ra bất ngờ làm sao, như trong giấc mơ vậy. Và khi gặp một con chó to tướng, lông xù ở góc phố tôi đã dũng cảm tiến thẳng tới nó. Con chó không chịu được, đã phải rẽ sang một bên.
Về tới nhà không thấy ai, tôi đã cất cờ vào hòm và lại quyết định đi vào thành phố tìm Vaska.
Tôi vừa bước ra, bỗng chạm trán với một bóng đen bên cổng rào.
- Ai ở đây thế?
- Thế còn ai đây?
Tôi nhận ra tiếng Tonka.
- Cô đi đêm một mình làm gì thế? Trong thành phố đang có bọn cướp đấy.
- Tôi biết rồi.
- Đợi lúc chúng nó giết cô, bấy giờ sẽ biết.
- Chúng đã không giết anh đấy thôi.
- Đồ ngốc, tôi khác, cô khác.
- Thế Vaska đâu, Lenka? – Tonka hỏi.
- Vaska đang chiến đấu, đánh bọn cướp còn tôi hết đạn, và thế là tôi phải về nhà nạp đạn vào súng lục đấy…
“Nó sắp hỏi đến súng bây giờ đây và sẽ phải nói dối”.
- Thế anh có súng lục à? Đưa xem nào.
“Đấy, thằng Ilyukha biết nói dối, mình thật thèm…”
- Đưa cái khẩu súng ấy xem nào.
- Cho cô xem để cô không biết cầm, lại tự mình bắn vào mình ấy. Lúc đó tôi lại phải chịu trách nhiệm về cô.
Tonka im lặng. Tôi cũng không biết phải nói gì. Bỗng tôi nhớ là có lúc đã muốn bắt cóc Tonka.
- Tonka, Tonka này!
- Gì?
- Cô yêu ai?
- Mẹ và bố.
- Ai nữa?
- Anh Abdulka.
Tim tôi đập mạnh.
- Cô biết không?
- Sao cơ?
- Này… cô biết không… này tôi sẽ bắt cóc cô nhé.
- Thế nào kia? – Tonka hốt hoảng hỏi.
- Thế này nhé. Tôi sẽ mang cô đến cánh đồng cỏ trên bờ sông Kalmius. Tôi sẽ dựng nhà bằng cói. Chúng mình sẽ sống ở đấy. Sẽ tắm sông. Tôi sẽ đi làm ở nhà máy, còn cô ở nhà nấu ăn…
Thoạt đầu Tonka cười phá lên, sau cô ta ngẫm nghĩ.
- Thế còn bố mẹ? Bố mẹ sẽ đi tìm tôi.
- Để làm gì: bố mẹ cô càng thích hơn vì không phải nuôi cô nữa. Thế nào? Bắt cóc nhé?
Tonka do dự.
- Còn sợ gì nữa, cô bé ngốc nghếch? Cô biết không, chúng mình sẽ chung sống, ta sẽ làm lễ cưới. Thích lắm nhé. Thế nào? Bắt cóc chứ?
- Thế có mang Vaska đi theo không?
- Để làm gì?
- Thế, thôi…
- Nếu cô muốn, ta sẽ mang theo.
- Bắt cóc tôi đi.
Tôi không ngờ có sự đồng ý nhanh như vậy và trở nên bối rối. Tôi không biết bắt cóc cô như thế nào, mang cô ra sông bằng phương tiện gì. Tôi đã nói chuyện nhảm nhí và bây giờ cần phải gỡ ra cho thoát. Cô cũng hay đấy chứ, tôi chưa kịp nói, cô đã xui bắt cóc đi! Và Tonka đối với tôi trở nên hết đẹp ngay. Tôi nghĩ đến Vaska và chợt muốn đến chỗ cậu. Tôi tưởng tượng ra bây giờ cậu đang chiến đấu với bọn cướp ra sao, cậu đang tung hoành dọc ngang giữa bọn chúng thế nào. Tôi muốn đến bên cậu và lao vào quân thù.
Vaska, Vaska, người bạn trung thành của tôi! Tôi nhớ lại khuôn mặt cau có và đôi mắt xanh hiền dịu của cậu. Tôi nhớ lại sự thương yêu chăm sóc của cậu đối với tôi, tình bạn nồng thắm của cậu với tôi và tôi hiểu là người mình yêu hoàn toàn không phải là Tonka, mà là cậu – người đồng chí trung thành của tôi.
Tôi liếc nhìn Tonka. Cô nhìn tôi, đôi mắt đen lánh mở to, chờ đợi.
- Thế nào? – cô hỏi và nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi.
- Cái gì?
- Bắt cóc em đi, anh còn chờ gì nữa?
- Cô thật… – nói rồi tôi chạy biến vào thành phố.
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị