Chương 8
uốt sáu tháng liền, ông Tài không nhận được đồng bạc nào trong món tiền lương hiệu trưởng hằng tháng hai ngàn. Ngôi trường trở nên yên tĩnh như một ngôi chùa cổ đại và các giáo sư, học sinh là những tăng ni khổ hạnh chân tu. Cuối niên khóa ấy, lớp học tàn đi lặng lẽ như lá mùa thu, không được chấm dứt ồn ào bằng những bún nem hay là thịt bò bảy món theo như thường lệ. Ông Tài bị dồn vào thế bức xúc chưa từng gặp gỡ trong cuộc đời mình, do đó ông đã tình một nước cờ gỡ bí hết sức đột ngột. Đầu niên khóa sau, tập họp một nhóm tàn quân bại trận là các giáo chức vẫn còn chung thủy với trường, ông tuyên bố bằng một giọng ngập ngừng, cảm động:
- Các bạn đồng nghiệp thân mến! Các bạn hãy nên giữ vững ngôi trường của mình! Chúng ta quyết liệt duy trì một cái cơ sở lý tưởng giữa cái xã hội quá đảo điên này. Chúng ta không cần ai biết, không cần ai hay, ta chỉ làm theo lương tâm, thiện chí của mình là đủ. Tôi sẽ vì trường, bỏ dạy...
- Bỏ dạy!
Ông Bảng kêu lên và chồm người tới như một quả bóng dội ngược. Ông Tài chậm rãi nói tiếp:
- Tôi phải bỏ dạy là để góp phần xây dựng nhà trường. Bởi vì hiện nay trường ta đang chịu thiếu hụt tài chánh, không đủ để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước và tiền chi phí văn phòng. Tôi nhận làm cho một hãng thuốc lớn. Với số tiền lương rộng rãi, tôi có thể trích bồi dưỡng hàng tháng cho trường.
Khi ông dứt lời, mọi người có cảm tưởng nghe những lời ai điếu của kẻ phúng viếng một đám tang ma. Số giờ của ông hiệu trưởng lại được phân phát cho các giáo sư hiện diện. Nếu có những sự ban phát không làm cho ai vui lòng, thì trường hợp này là một.
Từ đấy, ông hiệu trưởng chỉ đến trường vào mỗi buổi trưa để ký giấy tờ và mỗi buổi chiều, để hỏi han mọi công việc, vào mỗi chủ nhật để khuyến khích các đồng nghiệp thân mến quyết tâm sống chết với trường. Càng bị cuộc đời gạt ra khỏi cái cơ sở lý tưởng của mình, ông Tài lại càng cố bám vào nó. Tuy mỗi buổi sáng, đến văn phòng của hãng thuốc, ông tự nhủ mình đang gián tiếp làm công việc chấn hưng giáo dục - bởi vì đồng tiền ở đây sẽ đem nuôi dưỡng nơi kia - nhưng hình như có một nỗi nghẹn ngào xâm chiếm lấy ông. Ông đã tỏ ra bất lực hiển nhiên trước sự duy trì trường sở của mình, và người thuyền trưởng nhiệt thành đã phải rời bỏ con tàu vì những đợt sóng thực tế làm cho tròng trành nghiêng ngửa. Bởi vậy, từ ngoài đường lớn đi vào đường hẽm, ông Tài cúi gầm mặt xuống như người phạm tội và cái bắt tay của ông không còn nắm chặt lấy các đồng nghiệp như trước, tiếng cười của ông không còn giòn giã, tự tin, chữ ký của ông ở trên mặt giấy không còn hất chân chữ I đá hết về trước như ngọn độc cước tung hoành mà cong ngoặc lại như điếu thuốc lá gói tròn để sự đốt cháy cho dễ dàng hơn.
Mỗi ngày ông có cảm tưởng như lớp học trò xa lạ với mình, đồng nghiệp cũng có ý tình lạnh nhạt, nhân viên không còn trông đợi ở ông như trước. Hãng thuốc trở nên quen thuộc nhiều hơn, trong khi bàn ghế, tường vôi, bảng gỗ của trường Chấn Hưng khoác dần một vẻ hờ hững thật là quái đản. Những cảm giác này không phải ông Tài đều kịp nhận thấy diễn biến nơi mình mà chỉ thỉnh thoảng giữa lúc cười đùa tự nhiên với các nhân viên hãng thuốc ông mới bắt gặp, hoặc khi cúi xuống đóng sổ học bạ để ký vội vàng, ông ngẩng đầu lên và gặp vẻ mặt hốc hác của ông Trương Bảng nhìn ra ngoài đường. Ông Tài không muốn mình trở thành người phụ bạc, và ông hốt hoảng quay về với những ý nghĩ xây dựng trường sở, khích lệ giáo sư, đôn đốc học sinh, củng cố lề lối làm việc của một văn phòng ế ẩm. Nhiều bữa chiều về trong sự vắng vẻ của một ngôi trường tan chợ, ông Tài vẫn còn loay hoay trong đống giấy má giữa lúc hoàng hôn để tìm lại một không khí quen thuộc ngày nào. Nhưng càng tỏ ra sốt sắng, ông lại có dịp thấy mình xa lạ với trường hơn nữa, bởi vì cung cách xử sự của ông không còn phù hợp với cái nhịp điệu uể oải, rời rạc của trường càng lúc càng thêm nặng nề.
Trong khi đó, các ngôi trường lớn chung quanh không ngớt tấp nập kẻ ra người vào, xịt khói đen mù cả một quãng đường. Những lúc bãi học, con đường mắc kẹt suốt cả hàng giờ và các xe cộ qua lại dồn ứ thành một bến xe bất ngờ, di chuyển theo cái tốc độ rùa bò, giữa một không khí náo nhiệt, choáng váng đầu óc. Rồi tình hình thay đổi, người ta kéo đến thành phố càng đông, một số nhà cao cửa rộng được xây cất lên không phải để mở trường học mà để chứa chấp ngoại kiều, cùng với rất nhiều đàn bà ăn mặc nửa kín nửa hở ra vào sớm tối. Một số trường học dự định mở thêm đã thấy im lặng một cách sống sượng. Một số lớp học quảng cáo ồn ào, đến khi giáo sư đến dạy, đã được nhà trường “lấy làm ân hận” cho biết chủ nhà đã lấy lại rồi. Một trường sở lớn tự biến thành nhà cho thuê, bởi vì khách sạn lúc này có lợi hơn là trường học. Một đôi trường khác có những giằng co xảy ra, một bên là những người quyết tiếp tục dạy dỗ, một bên là những người quyết giải tán để mà kinh doanh lối khác. Những thiếu nữ mặc quần chật chội phô háng, phơi đùi càng lúc càng nhiều, những thanh niên tóc để bù xù, ống quần bó gậy, sơ mi lùng bùng càng lúc càng đông. Tiếng máy xe nổ rồ to hơn trước, bất chấp giấc ngủ của các phố phường, không kể đến sự nghỉ ngơi của người già cả, của kẻ ốm đau và của trẻ con. Từng bộ ba người, hai gái một trai, hai trai một gái, đèo nhau trên các chiếc xe gắn máy mở “bô” chát chúa, phóng khắp các ngả đường. Những tiệm giải khát chen chúc trai trẻ, trong vũng ánh sáng cố làm lù mù cho hợp với sự đen tối ở trong tâm hồn người mua, kẻ bán.
Ngôi Trường Đi Xuống Ngôi Trường Đi Xuống - Vũ Hạnh Ngôi Trường Đi Xuống