Lòng Mẹ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 11
ột ngày, hai ngày qua, rồi một tuần, người ta sống phập phồng lo sợ. Trường học đóng cửa, công việc đồng áng thưa thớt người làm. Ai nấy suốt ngày chụm năm, chụm bảy, bàn tán chuyện đánh nhau. Mười ngày qua, tiếng súng vẫn vang lên liên hồi và gần hơn. Một khẩn lệnh từ thượng cấp đưa về:
- Phải tản cư tại vùng Quảng Trị ngay, quân Pháp sắp tấn công tới nơi!
Các cán bộ đi từng nhà hối thúc mọi người. Trên đường quốc lộ, đã thấy nhiều người gồng gánh bồng bế nhau đi. Làng An Hòa nhộn nhịp chồng gọi vợ, cha mẹ gọi con ơi ới. Kẻ cương quyết ở lại, người gói gắm ra đi, náo động cả làng. Đời sống yên vui, bỗng đất bằng dậy sóng: Bây giờ phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi đến một phương trời vô định, không biết lúc nào trở về, nhiều người đàn bà vừa thu dọn đồ đạc, vừa khóc sụt sùi. Trời về chiều, kẻ trước người sau lên đường. Họ đi về đêm, khỏi sợ máy bay bắn. Không ai còn muốn trò chuyện với ai, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng thở dài và tiếng khóc nấc lên. Tiếng gồng gánh kẽo cà kẽo kẹt lẫn tiếng bước chân dồn dập vang lên đều đều trên con đường nhựa. Gia đình anh Lâm cũng ra đi từ lúc chiều. Anh gánh một gánh nặng, đựng gạo và các thứ cần dùng. Chị Lâm bồng con Mai, mang thêm một gói quần áo. Thằng Hùng mang gói áo quần của nó và của em nó. Con Huệ bước đi lững thững, tay nắm chặt lấy áo mẹ. Nó không hiểu sao cha mẹ nó lại bỏ nhà mà đi đâu, nên khóc thút thít. Thằng Hùng hiểu biết hơn, đứng lạ nắm tay em:
- Em đừng khóc mà người ta bắn chết. Khi nào em mệt, anh sẽ cõng em!
Anh Lâm thỉnh thoảng dừng lại hỏi thăm vợ:
- Mình đã mệt chưa, còn gắng đi được quãng nữa không? Con Mai ngủ rồi à?
Chị Lâm mới sinh dậy, yếu ớt, nhưng gắng gượng trả lời:
- Không can gì mình ạ! Chúng ta cố đi thêm quãng nữa, kẻo ban ngày đi nguy hiểm.
Họ đi mải miết đến gần nửa đêm, sương bắt đầu rơi nặng hạt, mới nghỉ chân. Nhiều người khỏe mạnh, trải chăn chiếu ngủ ngay bên vệ đường, một ít người khác xin trú tạm trong những nhà gần đó. Anh Lâm dẫn vợ con vào trong xóm, tình cờ gặp một điếm canh không người, anh liều lĩnh dọn cho vợ con tạm nghỉ. Trời gần sáng, tiếng chân người lại dồn dập bước đi. Anh Lâm nhè nhẹ lay vợ con dậy lên đường. Con Huệ đang ngủ ngon, bị thức dậy, nó khóc om sòm. Thằng Hùng phải bồng con Mai, để mẹ nó bồng con Huệ. Mọi người lại gồng gánh ra đi. Người mạnh khỏe họ đến Quảng Trị vào lúc chiều. Gia đình anh Lâm vì vợ yếu, con dại, đi một quãng, anh lại phải nghỉ cho vợ con lấy lại sức, nên mãi tới trưa hôm sau mới đến gần tỉnh. Đến chỗ hai ngả, phải chọn một: Kẻ đi thẳng vào tỉnh, người lên vùng La-vang, Phước môn. Anh Lâm thấy ra tỉnh không biết làm nghề gì sinh sống, nên bàn với vợ lên La-vang, ở tạm nhà anh Phan, người bà con, để làm củi bán. Đến nơi, trời đã gần tối, gia đình anh Lâm được vợ chồng Phan tiếp đón niềm nở và để cho gia đình anh ở tạm trong căn nhà ngang, kế bên nhà lớn vợ chồng anh đang ở. Anh Phan lo xếp đồ đạc giúp anh Lâm, còn chị Phan lo cơm nước. Lòng tốt của người bà con, đã làm cho vợ chồng anh Lâm đỡ bớt phần nào đau khổ, lo lắng. Thằng Hùng, con Huệ ăn cơm xong, nằm lăn ra ngủ mê mệt. Vợ chồng anh Lâm, sau hai ngày vất vả, mệt đuối sức, nhưng suốt đêm ấy, vẫn không yên giấc: phần vì lạnh, phần vì lo lắng ngày mai, không biết hoàn cảnh sẽ xảy ra thế nào.
Nhờ có vợ chồng Phan an ủi giúp đỡ, dần dần vợ chồng anh Lâm cũng khuây khỏa. Nghỉ chân được ba hôm, anh Lâm theo anh Phan vào rừng làm củi bán. Chị Lâm ở nhà trông coi các con, thỉnh thoảng giao con Mai cho thằng Hùng để về chợ mua gạo và thức ăn. Thằng Hùng đã hiểu biết, nên hễ mẹ nó ở nhà thì nó lại rủ con Huệ, hoặc đi một mình lên đồi gần đó, kiếm củi về cho mẹ nó thổi. Anh Lâm sáng ngày, vác rìu, đem theo gạo và thức ăn vợ dọn sẵn, đi vào rừng. Đến quá trưa, cơm nước xong, anh gánh về một gánh củi đem ngay xuống chợ bán. Gặp lúc, củi bán cũng dễ dàng. Bán xong anh cầm tiền đi thẳng về nhà. Ban ngày vợ chồng xa nhau, tối đến được quây quần với nhau, ai nấy cũng còn cảm thấy vài phần an ủi. Vợ chồng Lâm cũng tưởng thế là tạm yên sinh sống, chờ một ngày trở về làng cũ. Ai ngờ, một buổi tối, anh vừa dọn dẹp cho con cái ngủ xong, mới đặt lưng xuống giường, bỗng nghe tiếng gọi ngoài cổng. Anh choàng dậy chạy ra, thì ở nhà trên, anh Phan cũng ra mở cổng. Hai người cán bộ bước vào, súng lục mang bên hông, dõng dạc:
- Hai đồng chí phải đem cuốc, xẻng đi phá đường dưới tỉnh để ngăn địch tiến. Vào lấy đồ rồi ra đi với chúng tôi, mau lên!
Tiếng người cán bộ nói oang oang, vang lên trong đêm tịch mịch, nghe ghê rợn. Tuy mệt mỏi hết sức, hai người đành phải vâng lời. Anh Lâm chạy vội vào nhà lấy cuốc. Chị Lâm đã ngồi lên hỏi nhỏ chồng:
- Gì thế mình?
Anh Lâm cúi xuống, ghé sát vào tai vợ, thì thầm:
- Cán bộ đến bắt anh và chú Phan đi phá đường. Mình ở nhà yên tâm, sáng mai anh trở về.
Chị Lâm ứa nước mắt, nhìn bóng chồng bước ra khỏi cửa. Từ hôm ấy, không mấy đêm mà anh và Phan không phải đi phá hoại. Ban ngày vất vả cho gia đình khỏi đói, tối lại mất ngủ, anh Lâm sút hẳn đi. Thấy chồng cực khổ, chị Lâm giao con cho thằng Hùng, theo chồng vào rừng, mặc dầu anh Lâm không chịu. Chị bảo chồng:
- Anh để em đi làm giúp anh một tay. Độ này trông anh tiều tụy quá. Nếu anh có thế nào thì mẹ con em biết trông cậy vào đâu?
Chị nói rồi gục đầu vào chồng, òa lên khóc. Anh Lâm ứa nước mắt, khẽ vuốt tóc vợ, an ủi:
- Em đừng lo, anh hơi mệt một chút nhưng không sao đâu!
Từ hôm ấy, sáng sáng, chị lo cơm nước để dành bữa trưa cho các con xong, hai vợ chồng đi vào rừng. Nhưng sức đàn bà có hạn: được gần một tháng, một buổi chiều đi làm về, chị Lâm cảm thấy mình đuối sức. Trong người ê ẩm như bị đánh. Mỗi cử động là mỗi lần làm chị đau đứt ruột. Linh cảm thấy đời mình gần tàn, thấy chồng sẽ khổ sở và con cái nhỏ dại không ai trông nom, chị khóc rưng rức. Trong đêm trường lạnh lẽo, chị sợ hãi quờ quạng gọi chồng:
- Mình ơi! Mình!
Anh Lâm ngủ mê mệt, tiếng ngáy vẫn đều đều. Thấy chồng đang ngon giấc, chị lại thôi không gọi nữa. Đêm càng về khuya, càng lạnh, anh Lâm trở mình dậy, với tay lấy chiếc chăn ở phía chân lên đắp, bỗng nghe tiếng ai khóc sụt sùi, anh lắng tai nghe biết là tiếng vợ, vội hỏi:
- Sao mình khóc? Mình đau à?
Chị Lâm nhìn chồng nước mắt chan hòa, nghẹn ngào không trả lời. Anh Lâm ngồi xuống bên vợ, chị Lâm nức nở hồi lâu, mới nói:
- Anh ạ, em thấy trong người mệt lắm, không còn chút sức lực nào nữa! Trời ơi! Em chết thì ai sẽ lo cho anh, cho các con?
Nói xong chị lại khóc. Anh Lâm an ủi vợ:
- Em đừng nói nhảm thế! Em chết sao được! Ngày mai anh sẽ đi mời thầy thuốc tới thăm mạch và cắt thuốc cho em. Em yếu lắm, anh đã bảo em đừng đi làm, mà em không nghe. Thôi em ráng ngủ đi một chút, quá nửa đêm rồi, mà em vẫn chưa ngủ, trách sao không mệt!
Chị Lâm nắm tay chồng, nói nhỏ:
- Em không ngủ được anh ạ! Nếu anh không ngủ nữa, thì thức với em cho đỡ buồn.
Ngoài trời sương rơi lác đác, tiếng côn trùng kêu rỉ rả, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa xa xa, rồi núi đồi vọng lại. Dưới ánh đèn leo lét, anh Lâm thấy nét mặt vợ bơ phờ nhợt nhạt, mắt nhắm lại, hơi thở không đều, anh cảm thương vợ vô hạn.
- Anh ạ, nếu em mất đi, anh nên liệu đem các con về lại làng cũ làm ăn. Ở đây khổ lắm làm ăn không ra gì, mà đêm nào cũng phải đi phá hoại. Em nghe người ta nói vùng quốc gia bây giờ làm ăn dễ dàng hơn.
Anh Lâm tỏ vẻ không bằng lòng:
- Sao em cứ nghĩ đến chuyện ấy mãi? Vợ chồng vui sướng có nhau, khổ sở có nhau, em ráng sống với anh, với con. Chuyến này em khá lại, chúng ta sẽ trở về quê, em ạ.
Chị Lâm nhìn chồng, làm thinh. Sáng hôm sau, vợ chồng Phan vội vàng đi tìm thầy thuốc. Một cụ già có tiếng hay thuốc trong vùng, đến thăm mạch cho chị Lâm, ông bảo:
- Chị vì quá lo lắng, không ngủ được, nên người liệt đi!
Bệnh nói có phần đúng, nhưng hồi ấy làm gì có thuốc! Cuối cùng, cụ già ấy chỉ bày cho anh Lâm đi tìm một vài thứ lá và rễ cây đem về sắc cho chị uống thử. Một ngày, hai ngày qua, bệnh chị Lâm tăng thêm lên chứ không giảm. Chị không ăn uống gì được cả. Anh Lâm chạy ngược chạy xuôi, ai cho thứ gì hay bày thứ thuốc ngoại khoa nào, anh cũng cố tìm về cho vợ mình uống, nhưng vẫn vô hiệu. Chị Phan bồng con Mai lên nhà trên, nấu cháo cho nó ăn, thỉnh thoảng lại bồng sang cho nó bớt nhớ. Hùng thay mẹ nó, nấu cơm, lo lắng quét dọn trong nhà. Cả hai đứa suốt ngày không rời mẹ nó. Năm ngày qua, chị Lâm mỗi ngày một yếu dần. Anh Lâm bơ phờ như người mất hồn, đành khoanh tay chờ thần chết sắp cướp mất người vợ yêu quí. Một buổi tối, cơm nước xong, anh đang dọn giường chiếu cho các con ngủ, thì hai người cán bộ lại vào:
- Đồng chí phải đi giúp bộ đội vận tải súng đạn xuống Cửa Tùng để ngăn địch đổ bộ. Phải đi ngay bây giờ cho kịp!
Anh Lâm ngẩn người, hồi lâu mới nói được:
- Các đồng chí xem: vợ tôi ốm nặng sắp chết, mà các đồng chí còn bắt tôi đi làm sao?
Chị Lâm đưa mắt lờ đờ trắng nhợt nhìn người cán bộ, nhưng anh ta quay mặt đi:
- Phải đi mới được! Ai cũng kêu con đau vợ ốm cả, thì ai sẽ đi? Thôi đồng chí đi đêm nay thôi, ngày mai cho trở về sớm.
Anh Lâm mắt đỏ kè, cơn giận anh sôi lên, anh nắm chặt tay toan gây sự với tên cán bộ. Chị Lâm yếu ớt nắm lấy tay chồng, nói nhỏ:
- Thôi cứ đi anh ạ! Mai anh về sớm, em không sao đâu!
Vợ chồng anh Phan cũng chạy sang, anh Phan cầm tay anh Lâm an ủi:
- Thôi anh, chúng ta cùng đi. Đã có nhà tôi giúp đỡ chị hộ anh.
Sáng hôm sau, chị Lâm có vẻ tỉnh táo hơn mọi ngày. Chị đòi ngồi dậy, nhưng chị Phan không cho, bảo cứ nằm yên cho khỏe. Thấy chị Lâm đòi ăn, chị Phan vội vàng lên nhà trên nấu cháo. Chị Lâm sẽ gọi Hùng:
- Hùng ơi, con ra ngoài đường xem ba về chưa!
Thằng Hùng chạy đi một lát rồi trở lại:
- Chưa thấy má ạ!
Chị Lâm thở dài gục đầu xuống gối. Chị Phan nấu cháo bưng qua, thấy chị Lâm nằm yên, tưởng ngủ, nhưng lại sờ tay thấy lạnh, sờ lên ngực còn thở thoi thóp, chị Phan hốt hoảng gọi Hùng:
- Hùng ơi, má con ngất đi đấy, con chạy mau ra vườn lấy lá cau khô đem vào đây cho thím!
Thằng Hùng nghe nói thế, vừa khóc vừa chạy ra đàng sau kiếm lá ôm vào. Chị Phan đốt lửa xông dưới gầm giường, khói lên nghi ngút. Đang lúc xôn xao thì may quá, anh Lâm về. Anh tưởng vợ đã chết, òa lên khóc. Chị Phan vội vàng giơ tay ngăn anh:
- Chị ấy chỉ ngất thôi, không can gì đâu anh à!
Anh Lâm chạy lại cạnh giường vợ, cúi xuống bên tai, gọi thất thanh:
- Em, em, anh đã về đây! Em tỉnh lại đi!
Gọi một lúc, chị Lâm mở mắt ra. Thấy chồng đã về, chị quờ quạng nắm lấy tay chồng, nụ cười yếu ớt nở trên môi khô héo. Anh Lâm dịu dàng:
- Em làm sao thế? Trong người em thế nào?
Chị Lâm thều thào:
- Em mệt lắm, anh cho em gặp các con một chút!
Anh Lâm nước mắt vòng quanh, dẫn thằng Hùng, con Huệ và bồng con Mai lại cho vợ. Chị Tâm giơ tay vuốt ve con Mai mà khóc. Anh Lâm thấy thảm quá, cầm mình không được, vội bồng con Mai ra ngoài. Chị Lâm nhìn thằng Hùng và con Huệ, nói qua hơi thở mệt mỏi, đứt từng quãng:
- Má không thể sống được nữa! Má xin … hai con ăn ở … cho tử tế … cho ba con … khỏi buồn. Nhất là Hùng … con lớn … con hãy thay … thay … má lo cho … các em … con!
Thằng Hùng khóc to lên:
- Má đừng chết má! Má ở với các con, má ơi!
Con Huệ cũng khóc theo. Anh Lâm nhờ chị Phan bồng con Mai, trở vào ngồi cạnh vợ. Anh bảo hai con:
- Thôi các con ra ngoài chơi, để má nghỉ một chút!
Chị Lâm để bàn tay khô khẳng vào tay chồng. Vợ chồng nhìn nhau, nghẹn ngào không nói nên lời. 14 năm vợ chồng chung sống, cay đắng ngọt bùi chia sẻ với nhau, nay kẻ ở người đi, đau đớn biết chừng nào! Một lúc lâu, chị Lâm nói với chồng:
- Anh ạ, em tự biết mình không thể sống được nữa. Sau khi em mất, anh liệu đem các con về làng làm ăn. Chừng nào yên ổn, anh ra đem xác em về!
Anh Lâm nghe vợ nói thê thảm quá, cầm lòng không được, òa lên khóc.
Chiều hôm ấy, chị Lâm mất, để lại cho chồng ba đứa con thơ, đứa sau hết mới được 13 tháng. Anh Lâm phục xuống bên xác vợ khóc như mưa như gió! Vợ chồng anh Phan và các người lân cận tới thăm, khuyên giải mãi, anh vẫn không nguôi.
Lòng Mẹ Lòng Mẹ - Nhật Lệ Giang Lòng Mẹ