Kiếp Sau epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 10
eter hoàn toàn bị chinh phục bởi kỹ thuật của Radskin. Tia sáng phản chiếu trên nhánh chính của cây dương trước khi xuyên qua khung cửa sổ nhỏ nằm bên phải khung hình đã đạt được hiệu quả đáng kinh ngạc. Màu sáng bạc phủ trên sàn nhà dưới chân thiếu nữ áo đỏ trông giống hệt như màu ánh trăng tối hôm đó chiếu vào căn phòng làm việc nhỏ. Rất nhiều lần, Peter thích thú tắt đèn đi để có thể chiêm ngưỡng sự lột tả chân thật tới mức làm rung động lòng người. Anh tới sát cửa sổ, nhìn cây cổ thụ, rồi lại ngắm bức tranh.
- Căn phòng của Vladimir nằm ở đâu? Anh hỏi Clara.
- Ngay bên dưới, anh đã để hành lý ở đó, tối nay anh sẽ ngủ trong giường của ông ấy.
Đêm đã khuya, Clara chào tạm biệt vị khách. Peter muốn nán lại đôi chút bên bức tranh. Cô hỏi anh có cần thêm gì không và anh trấn an cô,anh đã có phép chống lại múi giờ chênh lệch, đó là những viên thuốc nhỏ giúp thần kinh thý giãn.
- Cám ơn anh, Peter! Clara nói khi ra tới ngưỡng cửa phòng sách.
- Cám ơn vì chuyện gì?
- Vì đã đến đây.
Khi Peter quay lại thì Clara đã biến mất.
° ° °
Nằm dài trên giường, Peter không nén nổi bực tức với Jenkins. Cái đồ ngốc ấy đã nhầm kháng sinh với thuốc ngủ. chẳng còn dám tin vào ai được nữa! nếu như lúc này đã là 11 giờ đêm ở Anh, thì ở Boston mặt trời vẫn chưa lặn. Không thể dỗ mình vào giấc ngủ, Peter đành ngồi dậy, lấy tập hồ sơ trong va li và mang lên giường. cảm thấy trong phòng quá nóng, anh đứng ngay dậy, ra mở cửa sổ. Anh hít một hơi bầu không khí mát rượi và say sưa nhìn tấm áo bạc mà vầng trăng sắp tròn phủ lên cây dương. Chợt cảm thấy đôi chút ngờ vực, anh khoác áo choàng và quay lại phòng làm việc. Quan sát kỹ bức tranh, đoạn anh quay trở về bên cửa sổ trong phòng ngủ. Nhánh chính của cây dương bắc ngang trên đầu anh, cùng tầm với mái nhà. Vì cây cối bao giờ cũng mọc vươn ngọn lên trời, Peter cho rằng Vladimir đã phải vẽ bức tranh của ông từ một căn phòng nằm trên tầng xép. Anh tự nhủ phải nói điều này với Clara ngay sáng hôm sau. Sự nóng lòng càng làm cơn khó ngủ kéo dài, vì thế ngay khi vừa nghe tiếng bước chân cô chủ nhà vang lên ngoài cầu thang, anh vội hé cửa gọi cô
- Tôi đi lấy nước, anh có muốn uống không? Clara từ cầu thang hỏi vọng lên.
- Tôi chẳng bao giờ uống nước cả. Nó làm tôi bị gỉ sét! Peter vừa trả lời vừa bước ra hành lang.
Anh đi theo Clara và mời cô cùng vào phòng làm việc.
- Tôi đã thuộc lòng bức tranh đó rồi. Cô nói.
- Tôi không hề nghi ngờ điều đó, nhưng cô cứ theo tôi. Peter nhấn mạnh
Sau khi đi nhanh qua gian bếp, Peter dẫn Clara đến tận bên cửa sổ phòng anh.
- Đây này, cô hãy tự mình nhìn đi! Tôi cam đoan với cô là Vladimir đã vẽ từ tầng trên.
- Không thể nào, đến gần cuối đời, Vladimir đã rất yếu, và ông phải thu hết sức lực mới có thể đứng trước giá vẽ. Leo thang gác để lên được tận tầng trên là một việc khá mạo hiểm ngay cả đối với người dũng cảm. Không một người nào trong tình trạng sức khỏe như ông ấy lại tìm cách lên đó làm gì. - Có mạo hiểm hay không chưa kể, nhưng tôi dám chắc với cô, đây không phải là cửa sổ tôi thấy trong bức tranh, trông ở đây nó to hơn rất nhiều, khung cảnh trông cũng không giống và nhánh chính của cây nằm ngang tầm với mái nhà chứ không phải ngang với cửa sổ phòng tôi!
Clara nhắc Peter rằng sau một thế kỷ rưỡi, cây dương đã mọc cao lên nhiều và trí tưởng tượng cũng là một trong những biệt tài của nhà danh họa. nói xong những lời này, cô đi về phía phòng mình.
Peter quay vào giường trong cảm giác bực bội. Đến nửa đêm, anh lại bật đèn lên, rồi ra cửa sổ. Nếu Vladimir đã có thể tái hiện một cách tuyệt vời như vậy hiệu ứng của ánh sáng đêm trăng lên cành cây như anh nhìn thấy từ cửa sổ phòng mình, thì vì lý do gì ông ta lại phải di chuyển vị trí thân cây?
Anh để dành cả đêm dài mất ngủ để tìm câu trả lời. Đến tận khi trời sáng, Peter vẫn còn ngồi trên giường đọc lại tập hồ sơ của buổi đấu giá danh tiếng mà anh vẫn chưa mất hết hy vọng được điều hành sau hai tuần nữa. Dorothy đến lúc 6h30Ỗ sáng và Peter chuồn ngay xuống bếp dùng một tách cà phê.
Ở đây lạnh như cắt thịt. Peter vừa nói vừa xoa hai tay vào nhau cạnh lò sưởi bếp.
- Tòa nhà này cổ lắm rồi. Dorothy trả lời và đưa cho anh bộ đồ ăn để dọn bữa sáng bày trên chiếc bàn gỗ lớn.
- Bà làm việc ở đây đã lâu chưa, Dorothy?
- Khi tôi bắt đầu phục vụ bà chủ, tôi mới 16 tuổi.
- Bà chủ nào? Peter vừa nói vừa đổ đầy sữa vào bát.
- Bà ngoại của cô chủ.
- Bà ngoại của cô ấy đã từng sống ở đây ư?
- Không, bà chủ không bao giờ đến đây. Tôi ở nơi này một mình.
- Thế bà không sợ các bóng ma sao? Peter trêu bà.
- Cũng giống như con người, thưa ông, họ cũng có thể là bạn đồng hành tốt hoặc xấu theo cách của họ.
Peter vừa lắc đầu vừa phết bơ lên bánh mì.
- Tòa nhà có thay đổi nhiều so với hồi đó không?
- Hồi ấy chúng tôi chưa có điện thoại, và đó gần như là thay đổi duy nhất. Cô chủ cũng đã trang trí lại một vài căn phòng.
Dorothy xin lỗi anh. Bà còn bận nhiều việc và để Peter ở lại ăn nốt bữa sáng. Anh lật nhanh một tờ báo, để bát cũ vào bồn rửa, và quyết định đi lên phòng mình lấy tập hồ sơ. Không khí bên ngoài hứa hẹn một ngày đẹp trời, anh sẽ làm việc ngoài trời trong lúc chờ Clara xuống. Trên đường đi lên phòng, Peter dừng lại giữa cầu thang trước một bức vẽ được đóng khung mô tả trang viên. Bức tranh được vẽ năm 1879. Anh cúi ngườixem thật kỹ bức họa. Băn khăn, anh xuống thang, ra ngoài và băng qua sân. Anh dừng lại dưới gốc cây dương, đoạn chăm chú nhìn lên phía mái nhà. Rồi Peter quay vào trong, lên cầu thang, tháo bức tranh ra, ôm dưới cánh tay và đi xuống dưới.
- Clara, Clara, cô xuống đây mà xem.
Peter đứng từ giữa sân hét toáng lên. Dorothy tức giận bước trong bếp ra.
- Cô chủ đang nghỉ ngơi, thưa ông, đừng làm như vậy, tôi xin ông!
- Đi đánh thức cô ấy dậy ngay! Nói với cô ấy là có việc rất quan trọng!
- Tôi có thể biết ông đã tìm thấy điều gì quan trọng ở giữa sân đến nỗi ông muốn tôi phải đánh thức cô chủ dậy, trong khi cô ấy đang rất cần sự nghỉ ngơi sau nhiều đêm khủng khiếp mà cô ấy đã phải trải qua vì lỗi của người bạn ông.
- Bà có thể nói một mạch tất cả những điều vừa rồi mà không cần lấy hơi sao, Dorothy? Bà khiến tôi phải ngưỡng mộ đấy. Thôi, bà đi nhanh đi, không thì chính tôi sẽ vào phòng đánh thức cô ấy dậy đấy.
Dorothy vừa bỏ đi vừa giơ hai tay lên trời, miệng lẩm bẩm rằng những người Mỹ quả chẳng có chút phong thái nào! Clara khoác trên mình một chiếc áo choàng đi ra chỗ Peter, lúc này đang sốt ruột đi đi lại lại quanh gốc cây. Cô đưa mắt nhìn bức tranh đã được Peter dựng bên gốc cây.
- Nếu tôi nhớ không nhầm thì hôm qua bức tranh này không được treo ở đây, đúng không? Cô vừa chào Peter vừa nói.
Peter ngồi xuống và chuyển bức tranh cho Clara
- Cô nhìn xem!
- Đây là tòa dinh thự mà, Peter!
- Cô đếm được bao nhiêu cửa sổ con trên mái? Anh nôn nóng hỏi.
- Sáu, Clara trả lời.
Anh nắm lấy vai cô và xoay ngừời cô nửa vòng.
- Còn bây giờ cô đếm thử xem có bao nhiêu?
Năm, Clara thì thầm.
Peter tóm lấy cánh tay cô và kéo cô trở vào nhà. Họ leo bốn bước một lên cầu thang và Dorothy, rất không hài lòng về cách trang phục của cô chủ trước mặt Peter, ra khỏi bếp rồi đi theo họ lên tận tầng xép.
° ° °
Jonathan viết vội vài dòng. Anh báo với Anna mình sẽ ở cả ngày trong viện bảo tàng và sẽ ăn tối với ông quản đốc ở đó, sẽ trở về nhà vào khoảng 10 giờ tối. Jonathan rất ghét phải thông báo thời gian biểu của mình. Anh xé tờ giấy ra khỏi cuốn sổ và gắn lên cửa tủ lạnh bằng viên nam châm hình con cánh cam. Rồi anh bước ra đường, đi dọc vỉa hè bên phải. Anh ngồi vào sau tay lái chiếc xe của mình và kiên nhẫn chờ đợi.
Một giờ sau, Anna đi xe khỏi nhà, cô rẽ về phía bên trái. Khởi động xe, cô đi về hướng Bắc, qua cầu Harvard, tiếp tục lái thẳng tới Cambridge. Jonathan đậu xe ở lối rẽ vào phố Garden và dõi theo cô cho tới khi Anna bước lên ba bậc thềm của một tòa nhà sang trọng. Ngay sau khi cô biến vào trong tòa nhà, anh ra khỏi xe và đi bộ tới tận cửa kính ra vào. Trong sảnh, tấm bảng điện tử phía rên cửa thang máy cho thấy thang đã dừng lại ở tầng thứ 13. Anh quay trở lại trong xe. Hai giờ đồng hồ sau Anna lại xuất hiện. Jonathan nằm nép mình xuống ghế khi chiếc Saab chạy ngang qua chỗ anh về phía đầu phố. Ngay khi Anna vừa qua khỏi ngã tư, Jonathan ra khỏi xe và bước cả quyết về phía căn nhà số 27 phố Garden, dừng lại lưỡng lự trước nút chuông căn hộ 13A và 13B rồi quyết định nhấn cả hai. Tiếng chuông mở cửa vang lên ngay lập tức.
Cánh cửa cuối hành lang vẫn còn hé mở. Jonathan đẩy nhẹ cửa, và một giọng nói mà anh nhận ra ngay tức khắc vang lên:
- Con quên thứ gì phải không, con gái yêu?
Khi nhìn thấy anh đứng ở cửa, người đàn bà có mái tóc bạch kim khẽ giật mình song lập tức trấn tĩnh.
- Bà Walton phải không? Jonathan lạnh lùng hỏi.
° ° °
Hai tay chống lên hông, Dorothy đứng thẳng đơ người như cái cây mọc chính giữa gian phòng lớn trên gác xép, sẵn sàng đối mặt với Clara.
- Dorothy hãy thề danh dự rằng bà tôi chưa bao giờ cho thay đổi bất cứ thứ gì trên mái của tòa nhà này!
Peter chăm chú nhìn bà. Giơ cao chiếc búa tạ mang từ dưới nhà kho lên, anh nện thật mạnh vào bức tường cuối phòng. Cả căn phòng rung lên.
- Tôi sẽ không thề. Bà giận dữ trả lời.
- Thế tại sao không bao giờ bà nói với tôi về chuyện này? Clara hỏi.
Peter nện thêm cú nữa và trên vách tường xuất hiện vết nứt đầu tiên.
- Chúng ta chưa bao giờ có dịp bàn tới chủ đề này!
- Thôi đi nào, Dorothy! Kiến trúc sư của gia đình ta, ông Goesfield, đã tỏ ra ngạc nhiên khi tòa thị chính từ chối đơn xin cải tạo tầng xép, và còn nhắc đi nhắ lại rằng ông ấy tin chắc căn phòng này đã từng bị sửa chữa.
Dorothy giật nảy người khi Peter giáng thêm một cú nữa lên tường.
- Bà đã cam đoan trước mặt tôi rằng tòa lâu đài vẫn hoàn toàn nguyên vẹn như trước kia! Tôi vẫn còn nhớ như in. Hơn nữa, bà lại tỏ ra rất khó chịu với ông Goesfield.
Căn phòng lại rung lên lần nữa, một làn bụi mù mịt rõi từ trên mái xuống. Clara ngước đầu lên rồi kéo Dorothy lại gần cửa sổ.
- Bà chủ bắt tôi phải hứa! Chính bà chủ đã cho người sửa lại trang viên.
- Vì sao? Peter hỏi vọng từ cuối phòng.
Anh lấy chân đẩy những mảnh tường vỡ trên sàn. Hai vai anh đau nhừ. Anh hít một hơi và tiếp tục đập.
- Tôi không biết, Dorothy làu bàu với Clara, bà của cô là ngừời đã quyết định mọi việc nhưng bà là một người đúng đắn. Bà chủ nói cô sẽ trở thành một nhà sinh học tài năng nhưng cô chỉ làm theo ý mình.
- Bà tôi muốn tôi trở thành nhà hóa học! Và bà cũng muốn tôi phải bán trang viên này đi, Dorothy có nhớ không? Clara cắt ngang.
- Phải, Dorothy lúng túng, quả là bà đã rất gắn bó với nơi này.
Các lớp gạch bắt đầu long ra. Peter dùng lưởi búa cạy các khe vữa. Bức tường bắt đầu cong xuống sau cú đập tiếp theo.
- Tại sao bà lại muốn làm cho cái cửa sổ này biến khỏi tầng xép, Dorothy?
Dorothy nhìn chằm chằm Clara, lưỡng lự không muốn trả lời. Trứớc ánh mắt khẩn nài của cô, bà đành nhượng bộ.
- Vì điều bất hạnh đã đến với con gái bà chủ khi cô ấy muốn đục bức tường này ra. Hãy bảo ông ấy dừng tay, tôi xin cô!
- Bà biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ tôi ý? Clara run rẩy hỏi.
Peter đã gỡ ra viên gạch đầu tiên, anh thò tay qua lỗ hổng và khua cánh tay. Khoảng trống phía sau bức từờng có vẻ khá sâu. Anh lại cầm búa lên và dồn sức gấp đôi.
- Bà của cô đã tìm được tôi trong làng khi bà mới mua lại tòa nhà. Những cơn ác mộng của con gái bà chủ bắt đầu ngay từ kỳ nghỉ đầu tiên khi hai mẹ con bà tới đây.
Peter lại làm bung một lớp gạch nữa, khoảng trống bây giờ đã đủ lớn để anh có thể ngó vào trong. Phía bên kia bức tường tất cả tối như đêm đen.
- Những cơn ác mộng kiểu gì? Clara hỏi.
- Cô thường hét lên những điều khủng khiếp trong giấc ngủ.
- Bà còn nhớ mẹ tôi thường nói gì không?
- Tôi vẫn mong sao có thể quên đi được! thật không thể hiểu nổi, cô ấy vẫn thường nhắc đi nhắc lại: Ộ Anh ấy sẽ đếnỢ. các loại thuốc do bác sĩ kê hoàn toàn không có tác dụng gì khiến cô giảm cơn và bà chủ hoàn toàn tuyệt vọng khi thấy con gái mình trong tình trạng như vậy. Những khi cô ấy cả ngày không lục lọi từng ngóc ngách trong tòa lâu đài, thì lại ngồi dưới bóng cây dương. Tôi thường ôm cô ấy trong vòng tay, vỗ về và cô tâm sự với tôi rằng trong giấc mơ cô vẫn thường nói chuyện với một chàng trai mà cô đã biết từ rất lâu. Tôi chẳng hiểu gì cả, cô ấy nói tên chàng trai là Jonas, rằng họ đã yêu nhau từ trước đó. Rồi anh ta sẽ nhanh chóng tới tìm cô, anh ấy đã biết làm thế nào để tìm được cô. Rồi đến một tuần khủng khiếp khi nỗi buồn cướp mất cô.
- Nỗi buồn nào?
- Cô chủ không nghe thấy anh ta nữa, cô nói anh ta đã chết, người ta đã giết anh ấy. Cô không muốn ăn uống nữa, sức lực nhanh chóng rời bỏ cô ấy. Chúng tôi rắc tro của cô quanh gốc cây cổ thụ. Bà chủ đã cho người xây tường bịt lại và lấp kín cửa sổ trên mái. Tôi xin cô, hãy bảo ông Gwel dừng lại trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Peter đã nện đến nhát thứ 20, và hai cánh tay anh đau nhức nhối. Cuối cùng thì anh cũng chui người lọt qua lỗ hổng và sang được phía bên kia tường.
- Có phải ông ấy là bố tôi không? Cái người tên Jonas ấy.
- Ồ không! Thưa cô chủ. Cầu Chúa ban phước lành cho cô. Bà của cô đã nhận nuôi cô sau đó một thời gian dài.
Clara tựa lưng vào khung cửa sổ.
Cô nhìn xuống dưới sân và nín thở. Nỗi buồn dâng lên ngập mắt không cho phép cô quay lại đối diện với Dorothy.
- Bà nói dối! tôi không phải là con nuôi. Clara vừa nói vừa cố kìm tiếng khóc.
- Bà cô là người rất tốt! bà đã đi thăm nhiều trại trẻ mồ côi trong vùng. Bà yêu quý cô ngay từ khi nhìn thấy cô lần đầu tiên, bà nói bà như nhìn thấy con gái mình trong đôi mắt của cô, rằng con gái bà đã tái sinh thành cô. Đó chỉ là những câu chuyện do bà chủ nghĩ ra để tự xoa dịu nỗi đau của mình, bà chủ đã hoàn toàn thay đổi kể từ sau cái chết của con gái. Bà cấm cô không được đến gần trang viên. Chính bà cũng không bao giờ quay lại đây nữa. Mỗi khi bà chủ từ London tới đây để trả tiền lương cho tôi cũng như đưa các khoản chi dùng cho việc chăm sóc nơi này, tôi thường phải chờ bà phía sau cánh cổng sắt. Mỗi lần gặp bà tôi đều khóc.
Peter ho sặc sụa vì bụi. Anh đứng im cho đôi mắt quen dần với bóng tối.
- Thế con gái của bà tôi tên là gì?
Đôi mắt của Dorothy Blaxton bắt đầu đẫm nước. Bà ôm cô gái trẻ vô cùng yêu quý trong vòng tay và nói thầm vào tai cô bằng giọng run rẩy:
- Giống như cô, thưa cô chủ, cô ấy tên là Clara.
- Cô phải vào đây để xem tôi tìm thấy điều gì! Peter hét lên từ phía bên kia bức tường.
° ° °
Jonathan bước vào phòng khách của căn hộ quý tộc.
Anh làm gì ở đây? Bà Walton lạnh lùng hỏi.
- Tôi vừa từ Yale về và hôm nay tôi sẽ là người đặt câu hỏi, Jonathan trả lời khô khốc. Anna làm gì ở nhà bà vậy, bà Walton?
Người đàn bà có mái tóc trắng chăm chú nhìn anh. Anh cảm thấy có chút gì thương hại trong mắt bà ta.
- Anh đã bỏ sót quá nhiều thứ, Jonathan tội nghiệp ạ.
- Bà tự cho mình là ai kia chứ, Jonathan nổi nóng.
- Là mẹ vợ của anh! Điều sẽ trở thành hiện thực trong vài ngày nữa.
Jonathan nhìn bà ta hồi lâu, cố tìm xem có bao nhiêu phần sự thật trong câu nói ấy.
- Bố mẹ của Anna đều đã qua đời!
- Điều này nằm trong kế hoạch mà chúng tôi muốn anh phải tin.
- Kế hoạch nào?
- Bố trí cho anh gặp con gái tôi, kể từ buổi triển lãm đầu tiên của nó, mà tôi đã phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức, cho đến đám cưới của anh với nó. Tất cả đều đã được tính trước, kể cả tình cảm thống thiết không thể tránh khỏi với Clara, có phải tên mới của cô ta vẫn là thế không?
- Chính bà là người đã theo dõi chúng tôi ở Châu Âu?
- Tôi và một vài người bạn. Nhưng điều đó thì có quan trọng gì khi kết cục vẫn là như thế? Các mối quan hệ của tôi cúng đã giúp ích cho anh nhiều khi ở Louvre, đúng không?
- Nhưng thật ra bà muốn gì? Jonathan hét to.
- Trả thù, trả lại công bằng cho con gái tôi! Alice Walton gào lên.
Bà châm một điếu thuốc. Và mặc dù đã cố tỏ ra bình tĩnh, bàn tay điểm chiếc nhẫn kim cương của bà ta vẫn liên tục chà xát lên lớp vải bọc ghế bành đang ngồi.
- Giờ thì các viên xúc xắc đã được tung ra và số phận các người đã được định đoạt, hãy để tôi kể nốt cho anh nghe câu chuyện buồn về ngài Edward Langton, người đã từng là chồng của tôi.
- Chồng của bà ư? Nhưng Langton đã qua đời từ cách đây hơn một thế kỷ rồi.
- Những cơn ác mộng không thể kể cho anh nghe hết mọi chuyện. Ngài Edward có hai cô con gái. Ông ấy là một người hào phóng, quá hào phóng. Ngoài việc dốc hết tài năng và gia tài của một nhà buôn tranh cho lão họa sĩ Radskin, ông ấy còn có một tình yêu vô bờ bến đối với đứa con gái lớn. Ông ấy không tiếc bất cứ thứ gì cho nó, và anh không thể tưởng tượng nổi đứa thứ hai đã phải khổ sở như thế nào khi không có được tình cảm của người cha! Song đàn ông bao giờ cũng chỉ hành động theo ý muốn của mình, chẳng bao giờ suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra. Vì sao các người lại có thể đối xử như vậy với chúng tôi?
- Đối xử với bà như thế nào? Tôi chẳng hiểu bà đang nói gì.
- Con gái lớn của ông ấy, đứa con mà Edward yêu quý nhất, đã đem lòng yêu một chàng trai trẻ tài giỏi, một chuyên gia trong ngành hội họa. Họ không thể rời nhau, tình yêu là tất cả đối với họ. Edward đã không thể chịu đựng được khi thấy con gái xa rời ông ấy, ông ấy đã ghen tị, như tất cả các ông bố đều có lúc như vậy, mỗi khi con cái bắt đầu muốn bay bằng đôi cánh của mình. Còn tôi thì chỉ mơ đến ngày hai đứa chúng nó ra đi. Tôi đã hy vọng cuối cùng thì Edward cũng sẽ dành nhiều quan tâm hồn cho Anna. Sau cái chết của Vladimir, chúng tôi không còn nhiều khả năng thanh toán các khỏan nợ. Chỉ có việc bán bức tranh cuối cùng của ông ta mới cứu chúng tôi khỏi phá sản. Chúng tôi trông đợi một số tiền khá lớn và mong tất cả những bức tranh chưa bán được mà chồng tôi đã chất trong nhà, sau nhiều năm cũng sẽ trở nên giá trị. Như thế mới công bằng, Edward đã chứa chấp và cung phụng Vladimir một cách vô lý trong quá nhiều năm và điều đó đã làm tiêu tan cả sản nghiệp của chúng tôi!
° ° °
Đến lượt Clara chui qua lỗ hổng mà Peter đã khoét rộng. đằng sau bức tường tất cả đều toát lên vẻ bần hàn. Đồ đạc tuềnh toàng bao gồm một chiếc bàn gỗ nhỏ, chiếc ghế mộc, một cái giường nhỏ trông như chiếc chõng tồi tàn thời chiến tranh. Chiếc bình gốm cũ đặt trên một trong ba cái giá. Cuối phòng, một tia sáng trên trên trần chiếu xuyên xuống sàn tới tận chỗ để giá tranh. Peter xông vào góc tối. Anh ngẩng lên và phát hiện những mảnh ván được đóng sát trần nhà. anh kiễng chân kéo từng mảnh một ra. Một luồng xám nhạt bốc lan ra chỗ giá tranh. Peter đẩy tấm cửa vừa lộ ra rồi dùng hết sức của đôi tay để kéo nó lên.
Mái tóc phủ trắng bụi của anh nhô ra khỏi mái nhà nghiêng nghiêng. Anh nhìn khu vườn trải rộng xung quanh và khi nhìn thấy nhánh chính của cây dương đang đung đưa nhè nhẹ trên máng nứớc phía dưới, anh mỉm cười, quay vào trong.
- Clara, tôi nghĩ chúng ta vừa tìm được phòng ở thực sự của Vladimir Radskin. Chính tại nơi này ông ấy đã vẽ bức tranh Thiếu nữ áo đỏ.
° ° °
Alice Walton xoay xoay chiếc nhẫn quanh ngón tay. Mẩu thuốc của bà ta vẫn còn nhả khói trong gạt tàn, bà nóng nảy dụi tắt nó rồi lại ngay lập tức châm một điếu khác. Ngọn lửa từ que diêm buồn bã rọi lên khuôn mặt bà ta. Sự đau khổ và giận dữ hằn sâu trên từng nếp nhăn trên mặt bà.
- Thật không may, vào đúng ngày tổ chức buổi đấu giá, tên chuyên gia xấu bụng đã gởi một bức thư tới cho người điều hành đấu giá, hắn ta cho rằng bức tranh là giả! Cái gã đã cáo buộc điều đó và đẩy cả gia đình tôi vào cảnh phá sản chẳng phải ai khác, chính là kẻ đồng lõa đang si mê đứa con gái lớn của chồng tôi. Đó là sự trả thù đối với chồng tôi vì đã ngăn cản đám cưới của chúng. Sau đó thì anh biết rồi, chúng tôi đã sang Mỹ. Chồng tôi qua đời chỉ vài tháng sau khi chúng tôi tới đây. Ông ấy chết vì bị mất hết danh dự.
Jonathan đứng lên và bước lại gần ô cửa kính. Chẳng có điều gì đáng là sự thật trong câu chuyện trên. Song ký ức về cơn ác mộng gần đây nhất mà cả anh và Clara cùng gặp phải vẫn còn ám ảnh anh. Quay lưng về phía Alice, anh lắc lắc đầu tỏ vẻ không tin.
- Đừng làm ra vẻ không biết gì, Jonathan! Chính anh cũng từng gặp phải những giấc mộng. Tôi chưa bao giờ rời bỏ hai người. Nỗi căm hận là một cảm xúc khiến cho linh hồn có được sức sống mãnh liệt. Tôi đã không ngừng nuôi dưỡng nó để có thể sống lại. Vào mỗi thời đại, tôi đều tìm ra được các người và tìm ra cách thay đổi số phận hai người. Tôi thật sung sướng làm sao khi anh là một trong những sinh viên của tôi tại Yale. Các ngýời đã tiến thật gần tới đích. Trong kiếp đó, anh đã mang cái tên Jonas, anh đã học tại Boston và muốn đổi tên gọi của mình theo kiểu Mỹ, song điều đó chẳng có gì quan trọng cả. Suýt nữa thì anh tìm thấy Clara, trong các giấc mơ anh thấy được nó đang ở London, song tôi đã vừa kịp chia rẽ các người.
- Bà thật điên rồ!
Jonathan bỗng thấy vò xé bởi ước muốn rời khỏi cái nơi đang khiến anh ngạt thở này. Anh tiến ra cửa. Người đàn bà tóc trắng thô bạo kéo tay anh lại.
- Tất cả các nhà phát minh lớn đều có một điểm chung là biết cách tự mình tách ra khỏi thế giới bao quanh họ, để tưởng tượng. Tôi đã thành công trong việc khiến cho Coralie OỖMally phát điên, và tôi đã gần như làm được điều đó với Clara cái ngày mà tôi đầu độc chết Jonas. Tôi đã nói với anh ngay lần đầu tiên gặp nhau tại Miami. Yêu và hận chính là cách sáng tạo ra cuộc sống, thay và chiêm ngưỡng nó. Tình cảm không phải lúc nào cũng lụi tàn, Jonathan ạ. Và tình cảm luôn khiến cho các người phải tái hợp.
Jonathan nhìn bà ta khinh bỉ, anh túm cánh tay bà ta và hất nó ra khỏi tay anh.
- Bà đang tìm cách làm gì, bà Walton?
- Vắt kiệt linh hồn anh và buộc anh vĩnh viễn phải rời xa Clara. Chính vì thế mà trước hết tôi phải khiến cho các người tìm thấy nhau. Tôi đã chạm tới đích. Nếu như lần này các người không thể hưởng tình yêu bên nhau, thì đây sẽ là lần cuối cùng các người được sống. Linh hồn của các người đã gần hết năng lượng, chúng sẽ không thể vượt qua nổi một lần chia tay nữa.
- Đó chính là mục đích của bà ý? Jonathan vừa nói vừa đứng dậy. Bà muốn trả thù vì một điều đã xảy ra cách đây hơn một thế kỷ phải không? Cứ cho là mọi chuyện sẽ tuân theo suy luận của bà, bà sẵn sàng hy sinh một trong hai cô con gái của mình vì ước muốn điên rồ ư? Vậy mà bà vẫn cho rằng mình không điên sao?
Jonathan bước thẳng ra khỏi căn hộ mà không hề ngoái lại. Khi anh bước qua ngưỡng cửa, Alice Walton gào lên sau lưng anh.
- Clara không phải con gái ta, chỉ có Anna thôi! Và cho dù anh có muốn hay không thì anh cũng sẽ phải cưới con gái ta trong một vài ngày nữa.
° ° °
- Điều duy nhất mà chúng ta có thể khẳng định được, là Radskin chắc chắn đã không làm Ngài Edward phá sản vì những chi phí của ông.
Peter ho nhẹ. Không khí trong phòng hơi hăng hắc, phảng phất mùi tỏi.
- Ông ấy sống trong căn phòng này ư? Clara ngơ ngác hỏi.
- Ít nhất thì tôi cũng thấy, khó mà phủ nhận được điều đó! Peter vừa trả lời vừa thả một viên gạch mới được dỡ ra xuống sàn.
Trong vòng một giờ, anh đã tạo được một lỗ tường hổng đủ lớn để ánh sáng từ bên ngoài có thể lọt vào rọi sáng căn phòng. Peter giơ tay chỉ lên mái lâu đài.
- Giang sơn khép kín của Vladimir trông có vẻ giống một xà lim hơn là một phòng dành cho khách.
Peter tò mò nhìn xuống sàn nhà, màu gỗ ở đây trông rất khác so với phần còn lại của gác xép.
- Đúng là sàn chỗ này chưa từng được làm lại!
- Tất nhiên rồi! Clara tiếp lời.
Peter tiếp tục xem xét căn phòng. Anh cúi người nhìn xuống gầm giường.
- Anh tìm gì vậy? Clara hỏi.
- Bảng màu, bút vẽ và những tuýp màu của ông ấy. Một dấu vết nào đó.
- Tôi chẳng thấy gì trong căn phòng này cả, cứ như ai đó đã muốn xóa bỏ hết mọi dấu vết về cuộc sống của Radskin ở đây.
Anh trèo lên giường và đưa tay quơ lên các tầng giá treo.
- Tôi tìm thấy cái gì đó!
Anh nhảy cẫng lên và chìa cho Clara xem một cuốn sổ màu đen. Cô thổi nhẹ lên bìa sổ, một lớp bụi dày bay tung. Peter nôn nóng lấy cuốn sổ khỏi tay cô.
- Tôi sẽ mở nó ra xem!
- Từ từ thôi! Clara ngăn anh lại.
- Tôi là chuyên gia đấu giá. Và chắc cô sẽ ngạc nhiên về điều này, song tôi đã khá quen với việc phải nương tay khi đụng đến những di vật cổ xưa.
Clara lấy lại cuốn sổ trong tay anh và thận trọng mở trang đầu tiên.
- Trong đó có gì thế? Peter năn nỉ.
- Tôi không biết, trông nó giống như một cuốn nhật ký. Nhưng hình như được viết bằng ngôn ngữ Kirin
- Tiếng Nga ư?
- Thì cũng thế cả thôi!
- Tôi cũng thừa biết là thế rồi. Peter làu bàu.
- Khoan đã, còn có cả một loạt ký hiệu hóa học nữa.
- Cô có chắc không? Peter hỏi bằng một giọng lộ rõ vẻ phấn khích.
- Tất nhiên! Clara hơi tự ái.
° ° °
Ngồi sau bàn giấy, Franẫois Hebrard kết thúc ngày làm việc bằng cách đọc lại bản báo cáo mà Sylvie Leroy vừa mang tới. Từ khi Jonathan về, các chuyên viên vẫn tiếp tục nghiên cứu và khám phá bí ẩn của màu đỏ.
- Cô đã liên lạc được với Gardner chưa? Ông giám đốc phòng thí nghiệm hỏi.
- Vẫn chưa, bộ nhớ điện thoại của anh ta đã hết chỗ, chẳng có cách nào để nhắn thêm vào đó được nữa, mà anh ta cũng chẳng trả lời email.
- Bao giờ thì buổi đấu giá bắt đầu? ông Hebrard hỏi.
- Ngày 21, tức là bốn hôm nữa.
- Sau tất cả những nỗ lực chúng ta đã bỏ ra, nhất định phải báo bằng được tin này cho anh ta biết. Cô muốn làm gì cũng được, miễn là tìm cho ra anh ấy cho tôi.
Sylvie Leroy bước ra khỏi phòng và đi về phía xưởng vẽ của cô. Cô biết một người có thể tìm được Jonathan Gardner, nhưng cô không hề muốn gọi cho người ấy chút nào. Cô vớ lấy túi và tắt đèn trên bàn làm việc. Trong hành lang, Sylvie gặp vài đồng nghiệp song cô bực mình tới mức chẳng buồn nghe tiếng họ chào. Cô bước qua cổng kiểm soát và tra thẻ của mình vào máy đọc. Cánh cửa lớn mở ra tức khắc. Sylvie Leroy bước lên cầu thang dẫn ra phía ngoài. Bầu trời rực rỡ, không khí bắt đầu có hương vị mùa hè. Cô băng qua sân bảo tàng, ngồi xuống một băng ghế và tận hưởng vẻ đẹp của khung cảnh xung quanh. Kim tự tháp Pei phản chiếu những tia nắng chiều đỏ rực tới tận mái vòm của phòng trưng bày Richelieu. Cô nhìn hàng người dài dằng dặc đang chờ tới lượt tham quan, trông như một dải ruy băng kéo dài trước sân bảo tàng. Làm việc trong một không khí mang đậm nét cổ tích như ở đây quả là giấc mơ mà cô không bao giờ muốn tỉnh dậy. Cô nhún vai thở dài và bấm số di động.
° ° °
Dorothy đã trải khăn lên chiếc bàn nhỏ ngoài sân. Họ ăn tối sớm để sáng mai đi London. Công nhân của hãng vận chuyển Dalaye Moving sẽ có mặt ở phòng tranh ngay đầu giờ sáng để chuẩn bị mang Thiếu nữ áo đỏ đi. Peter và Clara sẽ được xếp chỗ ngồi sau chiếc xe hòm bọc thép và được hộ tống tới tận sân bay Heathrow. Năm bức tranh của Vladimir sẽ được mang đi trong tầng hầm của chiếc Boeing 747 của hang British Airways tới tận Boston. Một chiếc xe bọc thép khác chờ sẵn tại sân bay Logan. Ngày mai khi ra đến London, Peter sẽ chụp các trang viết tay trong cuốn sổ của Vladimir và gửi qua thư điện tử tới một đồng nghiệp người Nga nhờ anh ta dịch giúp ngay lập tức. Anh rót thêm một tách cà phê cho Clara, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng và họ hầu như chuyện trò rất ít kể từ đầu bữa ăn.
- Hôm nay anh nói chuyện với anh ấy chưa? Clara hỏi, phá vỡ bầu không khí yên lặng.
- Lúc này là 7 giờ sáng ở Boston, có lẽ Jonathan vừa mới dậy thôi. Lát nữa tôi sẽ gọi điện cho cậu ấy. Tôi hứa với cô.
Điện thoại Peter rung bần bật trên bàn.
- Cô có tin vào thần giao cách cảm không? Tôi tin chắc là cậu ta gọi đấy. Peter vui vẻ nói.
- Peter, Sylvie Leroy đây. Tôi có thể nói chuyện với anh được không?
Peter xin lỗi Clara và đi ra chỗ khác. Nữ chuyên viên của C2RF bắt đầu ngay một bản báo cáo chi tiết với anh.
- Chúng tôi đã phân tích thành công một số chất cấu tạo nên các hạt màu. Thành phần chính làm từ xác rệp thường được tìm thấy trên cây lê. Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ tới điều này, vì thông thường đây là một loại màu nhuộm rất đẹp- Chúng tôi đã phân tích thành công một số chất cấu tạo nên các hạt màu. Thành phần chính làm từ xác rệp thường được tìm thấy trên cây lê. Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ tới điều này, vì thông thường đây là một loại màu nhuộm rất đẹp nhưng không bền, và chúng tôi vẫn chưa thể hiểu nổi nhà danh họa của anh đã làm thế nào để nó không hề phai sau nhiều năm tháng như vậy. song dù sao thì những kết quả phân tích cũng vẫn khẳng định chắc chắn điều đó. Chúng tôi cho rằng bí ẩn của bức tranh nằm ở lớp sơn phủ mà Radskin đã sử dụng. Chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra đó là chất gì, song những tính chất của nó thì có vẻ rất đáng chú ý. Nếu anh muốn biết, theo ý kiến cá nhân của tôi thì có vẻ như nó đóng vai trò màng lọc, giống như một lớp phim trong suốt có tác dụng che chắn cho những lớp màu bên dưới. Chúng tôi đã phát hiện ra những mảng tối rất mờ trên tấm phim chụp bức tranh, mặc dù không phải tất cả những người trong phòng thí nghiệm đều đồng tình với nhau về điểm này. Bây giờ thì anh nghe kỹ đây, chúng tôi đã có những phát hiện rất quan trọng. Radskin cũng đã sử dụng màu đỏ Adrinople, tôi sẽ không trình bày chi tiết với anh công thức của nó, anh chỉ cần biết màu đó được pha chế từ thời Trung cổ. Để có được màu đỏ tươi và bền người ta trộn màu với mỡ, nước tiểu và máu súc vật.
- Cô nghĩ rằng ông ta đã cắt cổ một con chó ư? Peter ngắt lời. Nếu cô không phản đối, tôi sẽ tránh nói về chi tiết này trong buổi đấu giá.
- Anh nhầm rồi, Vladimir đã không làm hại tới một con ruồi. Tôi nghĩ Radskin đã pha chế màu đỏ của mình bằng những thứ mà ông ta có sẵn, và các kết quả ADN khẳng định điều đó, chúng tôi đã tìm thấy máu người trong các hạt màu.
Mặc dù rất choáng váng, song trong giây lát Peter tưởng rằng cuối cùng thì anh cũng đã tìm được cách để xác thực bức tranh. Nếu như nhà danh họa đã dùng chính máu mình, thì chỉ cần so sánh các xét nghiệm ADN, song sự phấn khích vừa thoáng xuất hiện đã vội tan như bong bóng, thân thể của Vladimir giờ đã trở thành cát bụi, chằng còn bất cứ mẫu nào khả dĩ cho phép tiến hành so sánh ADN.
- Thế còn phát hiện quan trọng tiếp theo là gì? Peter lo lắng hỏi.
- Một điều rất lạ lùng, đó là sự xuất hiện của Réalga, một màu hoàn toàn không cần thiết và lẽ ra Vladimir chẳng bao giờ cần dùng tới nó.
- Vì sao? Peter ngạc nhiên hỏi.
- Vì màu đỏ đó hoàn toàn bị lu mờ bởi các sắc đỏ khác và cũng vì nó chứa rất nhiều độc tố từ sunfuric thạch tín.
Peter nghĩ tới mùi tỏi mà anh đã ngửi thấy khi thò đầu qua lỗ hổng trong tường. Đó quả là mùi đặc trưng của loại chất độc này.
- Chất Réalga thuộc nhóm độc dược dùng để sản xuất thuốc diệt chuột, và nếu như hít phải nó thì chẳng khác nào cố tình tự vẫn.
- Cô có thể gửi cho tôi bản cáo này tới văn phòng của tôi ở Boston được không?
- Tôi hứa với anh sẽ gửi ngay, với một điều kiện.
- Cô muốn gì cũng được!
- Anh đừng bao giờ gọi điện cho tôi nữa.
Rồi Sylvie Leroy đột ngột ngắt máy.
° ° °
Mặt trăng bắt đầu ló lên trên đỉnh những ngọn đồi.
- Đêm nay trăng sẽ tròn. Peter vừa nói vừa ngẩng lên nhìn trời.
Nhìn thấy vẻ mặt buồn rười rượi của Clara, anh đặt tay lên vai cô.
- Chúng ta sẽ tìm ra giải pháp, Clara ạ!
- Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên dừng lại,cô mơ màng nói. Tôi sẽ ngồi tù bao lâu cũng được, nhưng sau đó tôi sẽ đi tìm anh ấy.
- Cô yêu cậu ấy đến thế ư?
- Tôi e là còn hơn thế nhiều. Cô nói thêm và đứng dậy.
Clara cáo lỗi vì cảm thấy quá mệt mỏi. Anh tiễn cô ra tận cửa bếp rồi quay trở lại bàn để tận hưởng bầu không khí êm dịu của buổi tối.
Đã gần nửa đêm, ánh đèn trong phòng Clara đã tắt và Peter trở lại phòng mình để chuẩn bị đồ đạc. Đến lưng chừng cầu thang anh quay lại và đi về phòng làm việc. Một vài giây sau, anh đi lên tầng xép, ngồi vào chiếc ghế cũ và nhẹ nhàng đặt Thiếu nữ áo đỏ lên giá vẽ của Vladimir Radskin.
- Thế là nàng đã trở về đúng chỗ của mình. Anh thì thầm với bức tranh trong bóng đêm hiu quạnh.
- Đây quả là một món quà tuyệt đẹp đối với Vladimir. Hôm nay đúng là ngày mất của ông ấy. Tiếng Clara thì thào sau lưng anh.
- Tôi không nghe thấy tiếng chân cô. Peter nói mà không quay lại.
- Tôi biết anh sẽ lên đây.
Mặt trăng vẫn lên cao dần trên bầu trời và ánh trăng bắt đầu rọi vào phòng qua ô cửa sổ trên mái. Bỗng nhiên tất cả mọi vật được bao phủ bởi một lớp sáng màu xanh ánh bạc.
Ánh trăng chiếu thẳng vào bức tranh và thấm dần vào lớp sơn phủ trên bề mặt.
Chầm chậm, dưới ánh nhìn sửng sốt của Peter và Clara, một khuôn mặt từ từ hiện lên dưới mái tóc dài của Thiếu nữ áo đỏ. Mặt trăng tròn vẫn tiếp tục lên dần trên bầu trời,trăng càng lên cao bao nhiêu, ánh trăng càng soi tỏ bấy nhiêu hình ảnh trong tranh. Đến nửa đêm, khi mặt trăng đã lên tới đỉnh, chữ ký của Vladimir dần dần hiện ra ở góc tranh. Peter nhảy ra khỏi ghế ngồi và siết chặt Clara trong vòng tay.
- Nhìn kìa! Clara nói và trỏ tay về phía bức tranh.
Khuôn mặt hiện ra rõ nét dần, thoạt tiên là đôi mắt, rồi sống mũi, má và cuối cùng là đôi môi nhỏ xinh. Peter nín thở, anh hết nhìn Clara rồi lại nhìn Thiếu nữ áo đỏ: các nét của họ giống nhau như đúc. 150 năm về trước, Vladimir Radskin đã hoàn thành tác phẩm đẹp nhất cuộc đời ông, rồi lịm dần đi trên chiếc ghế này khi đêm trở sáng. Mặt trăng bắt đầu xuống dần và khi ánh trăng bắt đầu biến mất trên lớp sơn phủ, khuôn mặt cũng như chữ ký của nhà danh họa cũng ngay lập tức biến mất như bị xóa đi khỏi bức tranh. Peter và Clara chia tay nhau sau khi đã ở gần hết một đêm dài đối diện với bức tranh trong căn phòng của nhà danh họa. Trời vừa sáng họ đã gặp nhau. Sau khi chất hết hành lý lên xe và đặt bức tranh vào trong cốp xe, Peter gọi điện cho Jonathan nhưng không được.
- Chịu thôi! Cậu ấy vẫn còn ngủ.
- Đến London chúng ta sẽ thử lại. Nếu vẫn không được thì ra đến sân bay sẽ gọi tiếp.
- Nếu cần thì tôi sẽ chui vào tận buồng lái máy bay để gọi, Peter nói thêm.
° ° °
Họ đến phòng tranh lúc 9 giờ sáng. Trước khi mở lớp cửa sắt, Clara đưa mắt liếc nhanh qua lớp kính lấp lánh ánh mặt trời của quán cà phê. một lát sau, các nhân viên vận chuyển đóng nắp chiếc két bảo mật chứa Thiếu nữ áo đỏ. Đến trưa, chiếc xe thùng bọc thép của hãng Delahaye rời khỏi phố Albermarle, theo sau là một xe cảnh sát tháp tùng. Clara ngồi ở phía trước, Peter được xếp một chỗ gần bức tranh ở thùng xe phía sau.
- Sóng di động không lọt được vào đây. Một nhân viên vận chuyển nói với Peter khi anh định dùng điện thoại di động. Tất cả các thành xe đều bọc thép và chịu lửa.
- Đến ngã tư tới tôi có thể xuống xe vài phút được không? Tôi cần gọi cho một người bạn.
- Tôi nghĩ là không được, thưa ông. Người đội trưởng mỉm cười trả lời anh.
Xe dừng lại trên đường băng, dưới bụng chiếc Boeing 747. Peter ký năm phiếu giao hàng. Những tờ phiếu này nghiễm nhiên biến anh, kể từ giờ phút này cho tới buổi đấu giá, trở thành người giám hộ chính thức cho các tác phẩm cuối cùng của Vladimir. Kể từ giờ trở đi, anh sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về các bức tranh. Clara và anh tiến về phía cầu thang thoát hiểm của ngăn chứa hành lý dưới bụng máy bay. Peter ngước nhìn lên phòng đợi nơi các hành khách của chuyến tới đang ngồi chờ đến giờ lên máy bay.
- Dù sao thì cũng còn khá hơn là bay cùng với vài đứa trẻ con!
- Chúng ta sẽ gọi cho Jonathan ngay khi đến Boston. Clara nói.
- Không, chúng ta sẽ gọi cho cậu ấy từ trên đó. Peter nói và chỉ tay lên trời. Rồi anh bước lên thang.
° ° °
Jonathan đã ngủ rất ít. Khi ra khỏi buồng tắm, anh nghe thấy tiếng bước chân của Anna đang đi lên xưởng vẽ.
Anh khoác một chiếc áo choàng bông và đi luôn xuống bếp. Tiếng chuông điện thoại reo vang. Anh nhấc ống nghe trên tường và lập tức nhận ra giọng nói của Peter.
- Cậu biến đi đâu thế? Jonathan hỏi, tớ tìm cách liên lạc với cậu hai ngày nay mà không được!
- Thế giới này đảo lộn mất rồi. tớ đang ở độ cao 10000m trên Đại tây dương.
- Cậu đã lên đường ra hòn đảo hoang của cậu rồi đấy à?
- Vẫn chưa đâu, anh bạn thân mến ạ, tớ sẽ giải thích với cậu sau. Có một tin vui lớn muốn báo với cậu, nhưng tớ sẽ chuyển máy cho cậu nói chuyện với một người trước đã.
Peter đưa điện thoại cho Clara. Khi nghe thấy tiếng cô, Jonathan ghì chặt ống nghe vào tai mình.
- Jonathan, chúng ta có bằng chứng rồi! Em sẽ kể cho anh nghe mọi chi tiết khi nào đến nơi, thật không thể tin được. chuyến bay của em sẽ tới sân bay Logan vào lúc năm giờ chiều.
- Anh sẽ chờ hai người ở sân bay. Jonathan nói và bỗng cảm thấy mọi mệt mỏi tan biến.
- Em rất muốn gặp anh ngay, nhưng đến sân bay em và Peter sẽ phải đi cùng đội bảo vệ. Bọn em sẽ phải theo các bức tranh tới tận phòng chứa két an toàn của hãng ChristieỖs. Em đã đặt một phòng tại khách sạn Four Seasons, anh hãy đến gặp em ở đó, em chờ anh trong sảnh vào lúc 8 giờ tối.
- Và anh hứa sẽ đưa em đi dạo dọc bờ sông cạnh khu cảng cũ. Buổi tối khung cảnh ở đó tuyệt đẹp. Rồi em sẽ thấy.
Clara quay ra ô cửa kính của máy bay.
- Em nhớ anh lắm Jonathan ạ!
Cô trả máy cho Peter, anh chào bạn rồi cất điện thoại vào ngăn dưới thành ghế ngồi. Jonathan gác ống nghe lên tường, Anna cũng bỏ điện thoại trong xưởng vẽ. Cô lấy điện thoại di động, lại gần cửa sổ và bấm máy gọi đi Cambridge. Mười lăm phút sau, cô ra khỏi nhà.
° ° °
Cô tiếp viên bước vào khoang phát phiếu nhập cảnh cho hành khách. - Cô không muốn Jonathan tới gặp chúng ta rồi cùng về bằng xe an ninh ư? Peter hỏi.
- Tôi đã sẵn sàng chờ anh ấy mười năm, thì cũng phải cố gắng vượt qua chút thời gian ngắn ngủi chỉ để lên phòng khách sạn một chút. Anh trông thấy bộ dạng tôi rồi đấy.
Nhờ xe cảnh sát tháp tùng, chỉ chưa đầy 20 phút họ đã vào tới thành phố. Khi bức tranh cuối cùng được đưa vào két, Clara lên ngay một chiếc taxi về khách sạn. Peter gọi xe khác để về nhà cất hành lý và lấy chiếc xe Jaguar Trýớc đó anh đã nhờ Jenkins cho ngýời lái xe của khu nhà tới sân bay lái chiếc Jaguar của anh về.
Trên đường đi anh gọi điện cho người bạn anh đã nhờ dịch giúp cuốn sổ của Vladimir. Anh ta đã làm việc cả ngày lẫn đêm trên những trang giấy viết tay và vừa mới gửi cho anh qua thư điện tử phần đầu tiên của bản dịch. Phần còn lại, chủ yếu toàn các công thức hóa học, anh ta sẽ cần một người hiểu biết nhiều hơn về ngành này giúp đỡ. Peter chân thành cảm ơn bạn. Chiếc taxi đã về đến khu nhà. Anh chạy vội qua sảnh, tảng lờ ánh mắt của người gác cổng rồi nôn nóng đứng dậm chân trong thang máy. Vừa vào đến nhà, anh vội vã bật máy tính và in ngay bản dịch ra giấy.
Mười phút sau anh trở xuống nhà, gần như chỉ có thời gian tắm qua loa và thay một chiếc áo sơ mi sạch. Jenkins chờ anh trên bậc thềm. Ông ta mở chiếc ô to che cho anh khỏi làn mưa nhẹ đang rơi trên phố.
- Tôi đã gọi người đưa xe của ông đến. Jenkins thông báo và chăm chú nhìn phía chân trời mù mịt.
- Thời tiết thật đáng ghét phải không? Peter nói.
Cặp đèn pha tròn của chiếc xe hộp hiệu Jaguar XK 140 ló ra khỏi cổng nhà để xe. Peter bước lại phía xe của mình, được nửa đường, anh dừng bước và quay người ôm chầm lấy Jenkins.
- Ông đã có gia đình chưa nhỉ Jenkins?
- Chưa, thưa ông, thật đáng buồn nhưng tôi vẫn còn độc thân.
Trên đường, Peter gọi điện cho Jonathan rồi ghé lại chiếc micro được gắn trên tấm chắn nắng và hét lên.
- Tớ biết chắc cậu đang ở đó! Cậu không thể tưởng tượng được cái hệ thống chặn cuộc gọi của cậu làm tớ khó chịu tới mức nào đâu. Cho dù cậu đang làm gì đi nữa, thì cậu cũng chỉ còn có mười phút thôi, tớ sắp đến
Chiếc xe đậu dọc vỉa hè. Jonathan lên xe và Peter khởi động máy ngay lập tức.
- Tớ muốn cậu kể cho tớ nghe mọi chuyện. Jonathan nói.
Peter kể cho bạn nghe câu chuyện về khám phá khó tin của anh đêm trước. Vladimir đã dùng một thứ sơn phủ mà chỉ có một thứ ánh sáng đặc biệt chiếu trực diện lên bức tranh mới có thể xuyên qua đó. Bố trí mọi điều kiện cần thiết để hiện tượng đó có thể xảy ra sẽ khá phức tạp, song với sự trợ giúp của máy tính, họ sẽ làm được.
- Khuôn mặt đó trông giống Clara lắm à? Jonathan hỏi.
- Với độ chính xác đến nhường ấy, thì cậu hãy tin tớ, nó còn đáng ngạc nhiên hơn cả sự giống nhau thông thường.
Và khi Jonathan tỏ vẻ lo lắng vì không biết Peter có tin rằng một lúc nào đó có thể tái hiện lại cho anh xem hiện tượng mà cậu ta may mắn được chiêm ngưỡng đêm hôm trước, Peter liền trấn an bạn, các nhà hóa học chắc chắn sẽ tìm ra cách để dịch những công thức của nhà danh họa, và ngay cả nếu việc đó cần mất khá thời gian, thì một ngày nào đó bức tranh cũng sẽ được trả về trạng thái ban đầu của nó.
- Cậu có nghĩ rằng đó là điều ông ấy muốn không? Radskin chắc chắn phải có lý do thì mới tìm cách giấu chữ ký của mình như vậy chứ.
- Một lý do rất chính đáng. Peter khẳng định. Đây là bản dịch cuốn nhật ký của ông ấy. Chắc chắn cậu sẽ hài lòng.
Peter với tập tài liệu để trên ghế sau và đưa cho bạn. Anh bạn của Peter đã đính kèm bản chụp các trang gốc vào từng trang bản dịch. Jonathan đưa tay rờ nhẹ nét chữ của Vladimir và bắt đầu đọc.
Clara,
Cuộc sống của cha con mình đã không hề dễ dàng kể từ khi mẹ con qua đời. Cha vẫn còn nhớ cuộc chạy trốn ấy, khi hai cha con mình đã phải cuốc bộ qua những vùng thảo nguyên nước Nga. Cha cõng con trên vai, và chỉ cần cảm thấy đôi bàn tay nhỏ bé của con túm chặt lấy tóc mình là đủ để cha không bao giờ bỏ cuộc. Cha đã nghĩ rằng chúng ta sẽ thoát khi đến nước Anh, song sự cùng quẫn lại dai dẳng mai phục cha con mình tại London. Những ngày lang thang trên đường phố để vẽ người qua đường, cha đã nhờ vài bảo mẫu trông coi con. Để đổi lại, cha trả cho họ những khoản tiền ít ỏi kiếm được nhờ thỉnh thoảng bán một vài bức họa. Rồi cha đã tưởng Ngài Edward là vị cứu tinh của mình. Liệu một ngày nào đó con có tha thứ cho cha vì sự nhẹ dạ đã khiến cho cha con mình bị chia rẽ ngay từ ngày đầu dọn đến đây?
Ông ấy chăm chút con như con đẻ của mình, song chính vì vậy mà ông ấy vừa chiếm được lòng tin của cha vừa phản bội lòng tin ấy. Con chỉ mới lên ba tuổi khi ông ấy tước con khỏi vòng tay cha.
Cha vẫn còn nhớ mãi mùi thơm con trẻ vương trên trán cha khi con hôn cha lần cuối cùng cách đây đã rất lâu. Căn bệnh ngày càng xâm lấn khiến cơ thể cha yếu dần.
Langton đã cho người đưa cha tới căn phòng chật chội này, nơi cha đang ngồi viết cho con.
Thấm thoắt đã sáu năm cha không được ra khỏi chỗ này; cũng từng ấy thời gian cha không được ôm con trong vòng tay, không còn được nhìn thấy ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt con. Ở trong đó cha còn thấy được sức sống mãnh liệt mà cha từng thấy ở mẹ con lúc sinh thời.
Để đổi lấy những bức tranh mà cha vẽ theo yêu cầu của ông ta, Langdon đã chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ con. Người đánh xe ngựa vẫn thường đến thăm và kể cho cha nghe về con.
Đôi khi, cha và ông ấy cùng được cười với nhau, ông ấy kể cho cha nghe những gì con đã làm được và nói rằng con còn lanh lợi hơn cả con gái của Langton. Có những ngày con chơi ở trong sân, ông ấy đã giúp cha đến gần ô cửa sổ nhỏ của tầng xép. Từ đây, cha có thể nghe thấy tiếng con và mặc dù lồng ngực cha xương cốt nhức nhối, cha vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được nhìn con lớn lên. Cái bóng của người đàn ông già nua mà đôi lúc thoáng nhìn thấy dưới mái nhà làm con vô cùng sợ hãi, chính là cha của con.
Mỗi khi ra về, người đánh xe ngựa đều phải khom mình bước đi, đôi vai ông ta oằn xuống dưới gánh nặng của sự câm lặng và xấu hổ. Mọi can đảm đã rời bỏ ông ta kể từ ngày con ngựa yêu của ông ta chết. Cha đã vẽ cho ông ấy một bức tranh, song bức tranh ấy cũng đã bị Langdon chiếm đoạt mất.
Clara, cha đã kiệt sức. Người bạn đánh xe đến kể cho cha nghe một câu chuyện mà ông ta tình cờ nghe được. Những trò cá cược đã đẩy Langton vào cảnh túng quẫn tiền nong và bà vợ của ông ta cho rằng, nếu cha chết đi, các bức tranh của cha sẽ có giá hơn và sẽ cứu họ khỏi bị phá sản. Từ vài ngày nay, cha cảm thấy lồng ngực đau như xé và cha sợ rằng mình sẽ không thể tránh khỏi điều tồi tệ nhất.
Con gái bé nhỏ của cha, nếu như không có con, nếu tiếng cười của con từ bên ngoài không vọng vào như những âm thanh trong trẻo nhất của cuộc sống, thì có lẽ cha đã dám đón nhận cái chết như một sự giải thoát. Song cha không thể ra đi thanh thản trước khi biết chắc mình đã để lại cho con một kỷ vật duy nhất.
Đây là bức tranh cuối cùng của cha, một kiệt tác của đời cha, vì đó chính là con, người cha vẽ trong tranh. Con mới chỉ 9 tuổi, song ngay khi còn bé, con đã mang các đường nét của mẹ con. Để Langton không thể tước đoạt bức tranh này từ tay con, cha đã có cách che khuôn mặt đi nhờ lớp sơn phủ mà chỉ có cha mới biết được công thức.
Con thấy không, những năm tháng tuổi trẻ mòn mỏi gặm trên ghế trường hóa học ở Saint Ờ Pétersbourg cha tự cho là buồn tẻ, cuối cùng thì cũng giúp ích được cho cha. Người đánh xe đã hứa với cha sẽ giữ gìn cuốn sổ này và trao tận tay con vào ngày sinh nhật 16 tuổi của con. Ông ấy sẽ đưa con tới gặp những người bạn Nga của cha, họ sẽ giúp con dịch những dòng chữ này. Chỉ cần áp dụng những công thức mà cha chép trong những trang sau đây là con sẽ biết cách phá đi lớp sơn phủ mà cha đã quét trên bề mặt bức tranh, làm hiện ra bức tranh, và với cuốn sổ này, con sẽ chứng minh được bức tranh này là của con.
Đó là gia tài duy nhất mà cha có thể để lại cho con, con gái bé nhỏ của cha, đó cũng là di vật của người cha vừa ở rất gần vừa rất xa con, nhưng lúc nào cũng yêu con vô cùng. Người ta nói rằng những tình cảm chân thật sẽ không bao giờ chết, và cha vẫn mãi yêu con ngay cả khi không còn trên cõi đời này nữa.
Cha rất muốn được nhìn thấy con trưởng thành, được nhìn thấy con trở thành một người phụ nữ. Nếu như có quyền ước một điều, thì khát vọng duy nhất của cha là cuộc sống của con sẽ cho phép con đi đến tận cùng những ước mơ. Hãy thực hiện những ước mơ của mình, Clara, và đừng bao giờ sợ hãi tình yêu.
Cha yêu con như cha đã từng yêu mẹ của con và cha sẽ còn mãi mãi yêu mẹ của con cho tới hõi thở cuối cùng.
Bức tranh này là của con, vì con,
Clara của cha, con gái yêu của cha.
Vladimir Radskin, 18 tháng 6, năm 1867.
Jonathan gấp tập giấy lại. anh không thể thốt lên nổi lời nào với bạn.
° ° °
Clara bước ra khỏi bồn tắm và quấn một chiếc khăn bông quanh người. Cô ngắm nhìn khuôn mặt mình trong tấm gương treo trên bồn rửa và nhăn mặt.
Chiếc va li của cô mở tung trên giường và đồ đạc nằm rải rác tới tận tràng kỷ.
Tất cả những thứ nào trông giống một chiếc váy dài đều đã được ném lên những mắc treo lủng lẳng hoặc chiếc chụp đèn chân cao, trên đỉnh ống thông khói móc vào nắm tủ tường. Gần cửa sổ, một vài bộ trang phục khác bị vo tròn vất dưới chân ghế bành. Có thể cô sẽ mặc quần Jean, với điều kiện chiếc áo sơ mi nam kèm phải dài trùm qua hông.
Cô rời khỏi căn phòng bừa bãi, đóng cửa và mắc lên nắm đấm tấm biển nhỏ ghi dòng chữ " Xin đừng quấy rầyỢ. Cửa thang máy mở ra sảnh, Clara nhìn đồng hồ, mới 8 giờ kém 10. Trong khi chờ đợi Jonathan, cô muốn uống chút gì cho đỡ khát. Một ly rượu vang sẽ làm cô cảm thấy thoải mái. Cô bước vào quán rượu của khách sạn và đến ngồi ở quầy bar.
° ° °
Chiếc xe Jaguar cũ tiến về phía trung tâm thành phố. Khi họ tới cửa khách sạn nơi Clara ở, Jonathan quay về phía Peter.
- Cô ấy đã đọc bức thư đó chưa?
- Chưa, bản dịch vừa mới được gửi đến cho tớ, ngay trước khi tớ đến đón cậu.
- Peter, tớ muốn đề nghị cậu một điều là.
- Tớ biết, Jonathan, chúng ta sẽ rút bức tranh ra khỏi danh sách đấu giá.
Jonathan đặt bàn tay lên vai Peter đầy vẻ biết ơn. Khi anh xuống xe, Peter mở cửa kính và nói với theo:
- Thế nào cậu cũng sẽ ra đảo hoang thăm tớ chứ?
Jonathan đưa tay vẫy bạn.
Kiếp Sau Kiếp Sau - Marc Levy Kiếp Sau