Khóa Sắt epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Tiếng Hót Ngoài Bầu Trời
iếng Hót Ngoài Bầu Trời
“Không chiếp ngắn, líu lo, chẳng thánh thót chút nào. Có lẽ tôi đã lú cả lúc ngủ nhưng sự thật nó có hiện hữu, chim sẻ xanh. Tin tôi nhé, tiếng sẻ đã đánh thức tôi mỗi sáng sớm. Chỉ một tiếng ngân khẽ, rất trong và đủ xói để tôi thôi giấc ngủ lười. Con vật chỉ hót một lần vào mỗi sáng. Nếu cậu đã từng nghe tiếng hót của nó, sẽ mãi không quên được. Nhiều lần tôi cố kiếm tìm loài chim này, không phải bằng hình ảnh trên mạng xã hội, tôi muốn chụp nó lại bằng máy ảnh hoặc đôi mắt mình. Đã bao lần tôi cố không ngủ, và vẫn ngủ. Sẻ xanh gọi tôi dậy, rồi cất cánh khi tôi mở cửa sổ…” – Wol sẽ còn luyến thoắng nếu tôi không vỗ tay, đòi anh nhường sân khấu cho mình.
Tôi chưa quên mình từng nói với Wol sẻ ngô xanh chỉ có ở Châu Âu, những vùng thuộc Tây Á. Giả thiết về chim sổ lồng không mấy thuyết phục bởi Wol đã phản bác hết thảy. Không phải sẻ ngô, lời Wol, tôi còn nhớ. Anh sẽ còn lặp lại mãi câu này nếu tôi tiếp tục nhắc đến một loài sẻ ngô sống được trong thành phố đầy khói khuẩn như Hà Nội. Chim sẻ xanh chứ không phải gì khác. Wol dứt khoát, sẵn sàng tay đôi tranh luận với bất cứ ai. Chẳng có vằn vện, chút lác đác điểm tô nào ngoài màu xanh. Con sẻ khoác lông xanh từ đầu đến chân. Những cái móng nhỏ sắc vồ hết sâu bọ trong lùm cây. Trên đời chẳng thiếu sự lạ lùng dù con chim xanh đỏ hết thân mình. Gác lại tiếng sẻ của Wol, lúc này tôi cần thư giãn. Công việc trong tuần đã quá bộn bề.
Thuốc lá cháy tiếp. Những năm này tôi quen hơn với thuốc lá. Tôi hút thuốc, oái ăm thay lại thường dị ứng với mùi thuốc từ người khác. Sặc sụa thuốc lá khắp miệng, các ngón tay lẫn áo quần là điều tôi không muốn. Mỗi lần hút thuốc, tôi súc miệng bằng nước muối, rửa tay cũng bằng muối và tất nhiên áo quần cũng phải được thay. Tôi chưa từng hút thuốc trước mặt người khác. Thuốc lá cháy vào họng khi tôi ở một mình. Wol khác tôi, sẵn sàng hút thuốc ở bất cứ đâu. Chỉ một cái nhăn mặt của người khác hay những cái vẩy tay đuổi khói, Wol vứt ngay điếu thuốc. Anh không xin lỗi, chỉ cúi đầu như một tên Nhật sành phép tắc. Lúc gặp tôi thì Wol hút thuốc liên tục, đầu lọc chết hàng đàn trong gạc tàn. Khói sặc sụa, phun mù chỗ ngồi.
Bạn chẳng phải bạn, anh em chẳng phải anh em. Wol và tôi. Mối quan hệ không từ việc nhường nhau điếu thuốc cuối cùng trong túi khi trời Đông hừng hực lửa hàn. Chạm mặt nhau ngoài đường, một cú vả bầm mặt trong mưa rồi ngẫu nhiên kéo dài mãi, xóa nhòa ranh giới xa lạ.
“Này, tôi đã nhai thuốc lá một mình cả tiếng rồi đấy.” – Wol nói, gói thuốc của anh không còn trên mặt bàn. Cả hai rút khỏi quán café từ lúc nào.
“Tôi không hút.” – Tôi nói.
“Cậu nghiền thuốc lá hơn cả tôi.”
“Đúng thế!”
“Chỉ một mình?”
“Tất nhiên rồi.”
“Không có lý do nào khác ngoài một mình?”
Tôi gật, Wol đánh rơi điếu thuốc. Chẳng buồn nhặt lên, anh rút thuốc. Caraven chứ không phải Thăng Long hay Vina. Wol đã đổi thuốc và bao thuốc cũng sắp vào sọt rác. Anh ta có sở thích hút loạn xà ngầu đủ thứ thuốc lá. Wol xả khói mọi nơi, mũi lẫn miệng như cái ống khói, tôi thì chỉ khè khói trong chốn riêng tư.
Wol hút thuốc mãi, nói về tiếng sẻ xanh khiến anh mất trắng giấc ngủ khuya. Sau đấy Wol chẳng thể ngủ lại, mắt như cú vọ. Wol bỏ ra đường. Hôm qua trăng sáng và có mưa, mưa lất phất còn gió thì buốt nghiệt ngã. Trong lúc tôi co quắp trong chăn, chịu dày vò bởi chứng dạ dày kinh niên thì Wol tung vó ngoài đường. Wol nói rằng đã chén no gió lẫn mưa, này nữa, anh kể rằng gặp một con bé đi hoang. Nó lạc nhà, đói và rét. Wol dẫn nó về nhà, nấu ăn, cho nó bộ áo quần dài quá cỡ. Con bé ngủ lại nhà anh, khi nó tỉnh giấc thì Wol chở con bé tìm lại nhà. Chẳng qua một bốt công an hay tin trẻ lạc, Wol cùng con bé đi lại khắp ngõ ngách. Lúc mệt lử thì con bé thấy nhà mình. Wol cười, tiếng ha hả làm tôi nhói óc, anh nói rằng đến bây giờ vẫn tỉnh táo lắm. “Em bé đã ngủ cả phần của tôi. Mà này, em bé sau khi ăn no, ngủ đã giấc nhìn yêu lắm. Trên đời chẳng thứ gì đẹp bằng khuôn mặt no ấm của trẻ con.” Tôi nghe ngóng rồi cố xoay chuyển câu chuyện của mình bằng những đầu sách đã phiền nhiễu tôi cả tuần trời. Wol nghe hết, không một lần cắt ngang.
Trong lúc dạo ngoài hồ, tôi chợt reo lên “Thượng Đế đã chết.”
Mấy người đi đường nhìn tôi, kẻ thầm thì, có người trợn mắt rồi cười khan tiếng. Xe cộ vẫn vèo vèo, tóc liễu lòa xòa gội xuống lòng hồ. Thượng Đế đã chết, tiếng tôi lần này như vọng lên từ dưới đáy vực. Kẻ qua đường chĩa ánh nhìn ngờ vực vào tôi. Phán xét về một tín đồ phản phúc, thằng ngộ chữ, con nghiện The Exorcist…Những bà tám rồi cũng rồ ga phóng khỏi con đường. Mảnh đất này, đâu mấy ai quan tâm về tôn giáo trừ những gia đình gốc đạo nhiều thế hệ. Tôi lặp lại câu này lần nữa, bằng giọng nhẩm thầm.
“Thượng Đế chết lâu rồi!” – Tiếng gần mình, Wol.
Wol hỏi lại tôi “Chết từ bao giờ?”
“Lúc loài người xuất hiện, Thượng Đế băng...” – Tôi nói khẽ.
“Thật không, hay ông ta chết chỉ vừa mới đây thôi?”
“Khi tôi nói hay khi anh nói?” – Lời tôi.
“Tôi không hiểu về thánh thần, cậu thì khác.” – Wol nói và mỉm cười.
“Anh nói tôi sát thánh, đừng điên, tôi chỉ nhẩm lại lời người khác thôi.” – Tôi nói và không mỉm cười.
“Cậu lẫn hình ảnh trong đầu cậu đều vô can, thứ trong suy nghĩ cậu đã đồ tể.”
*
Như một thói quen, áo quần phải nức hương mới ra ngoài, đấy là tôi. Tôi thường xuyên ở trong phòng, công việc của tôi là biên tập. Mỗi ngày tôi phải đọc hàng chồng bản thảo. Cả văn học lẫn tư liệu báo chí, thơ ca, lắm lúc là một mớ bù lù đầu voi đuôi chuột. Nhóm biên tập bốn người. Tôi không có quyền quyết định bản thảo, chỉ sửa morasse. Mọi góp ý của tôi về nội dung bản thảo luôn bị phủ quyết và lâu lâu được người phụ trách cao hơn mang ra dùng. Lương bèo bọt còn tôi không phải người quá hăng hái với việc kiếm tiền. Không chút ấn tượng hay triển vọng, mỗi ngày tôi đến, làm hết giờ thì về. Chào hỏi nhau lúc đến rồi chào hỏi nhau lúc tan ca. Thế thôi. Việc tôi vào làm ở tòa báo này ngay từ đầu chỉ để có một công việc ra tiền, tránh việc ngày ngày phải nhìn những khuôn mặt nhàu nhĩ ở nhà.
Không blog, chẳng facebook, chối bỏ hội nhóm, khước hết mọi tụ tập, tôi náu mình một chỗ. Biên tập bản thảo qua thư điện tử hoặc bản photo không đòi hỏi lúc nào cũng ở cơ quan, tôi có thể đem việc về nhà hoặc bất cứ đâu miễn xong việc. Làm việc trong tòa soạn nhiều năm, trừ bảo vệ phụ trách xe, ai cũng lạ mặt tôi. Cái tên tôi họ nhớ và nhiều lúc quên phéng đi. Chẳng quan trọng gì việc nhớ quên. Wol nói với tôi rằng nếu muốn thu hút đàn bà thì phải dùng thứ nước hoa nồng hơn. Tôi dùng enchanteur, loại nước hoa nhẹ và rẻ tiền nhất trong bảng giá. Mỗi lần, tôi xịt cả lên da lẫn áo trong, áo khoác ngoài. Mang tai, cổ chưa một lần dính nước hoa, họa chăng chúng chỉ phủ hương từ vị trí khác, khi tôi xức quá tay. Thứ hương nhẹ nhõm này dễ bị cuốn trôi nếu tôi đứng cạnh một kẻ sành sỏi, biết làm dáng bằng nước hoa cao cấp. Mùi hương là một mánh khóe đánh lừa bằng việc gây kích thích hormon. Mọi cái bẫy ghê gớm nhất đều liên quan đến mùi. Nhiều khi mùi hương quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài, sự khống chế của mùi có thể áp đảo, tạo thành một thứ sức mạnh tương tự sự thèm ăn, dẫn đến nghiện. Tôi không định bẫy ai, thể chất không nặng mùi đến mức phải che giấu mình bằng hóa chất. Wol không dùng nước hoa bao giờ, người nhà tôi cũng thế. Riêng tôi thì trái khoáy, luôn phải xức cái gì đấy mới chịu ra ngoài. Khi hết nước hoa, tôi sẽ vớ lấy lọ khử mùi rồi lăn khắp thân mình. Có lần tôi còn rưới nước hoa hồng của chị họ. Bà chị tá hỏa khi đánh hơi thấy thứ hương liệu quý giá bị thằng em khó chịu đánh cắp, nhưng rồi chẳng có lời quát máng nào một tràng cười rũ rượi kèm với câu nói “Thằng lỏi này thật điệu đà.”
Trong khu nhà 24, tôi là thằng con trai duy nhất dùng nước hoa con gái. Thiếu gì bọn đàn ông luôn sực nức nước hoa trên cổ áo, vai hay cánh tay. Tay trưởng phòng quen dùng Romano, cậu thư ký tòa soạn thì luôn phải là X-men. Mấy người này tỏ ra khó chịu với thứ nước hoa rẻ bèo tôi vẫn dùng. Một ví von xúc phạm về sự chênh lệch nam tính trong con người tôi, ngờ vực tính nữ trong tôi quá cao, xóa nhòa đi cá tính đàn ông. Ai nhỉ, đã nói lớn trước mặt tôi rằng “Cậu bé này thích đàn ông hay đàn bà.” Thế giới ngày nay, đa cạnh đa giác, quên đi một mặt phẳng với đường vuông góc. Niên kỷ này không hiếm những căn bệnh kinh niên, sự rối loạn về giới tính thiên bẩm, biến đổi gene hoặc sự khủng bố lẫn nhau của giống người. Thật tiếc cho những trí óc luôn hí hoáy chuyện đời tư. Tôi đây, chỉ là một biên tập viên quèn, kiêng mọi thứ trừ enchenter. Ngửi thấy mùi nước hoa, ai cũng biết tôi vừa đi qua hoặc đang ở gần đấy.
Tôi thường viết. Những ghi chép từng ngày và của riêng mình. Không phải lúc nào tôi cũng mang sổ bên người. Bút là thứ bất ly thân với tôi. Từ bé tôi đã hay hí hoáy viết một mình, chẳng để ai đọc. Viết bằng bút ngòi nhỏ trên giấy ô ly, giấy kẻ ngang hoặc giấy trắng muốt. Chữ tôi không đẹp, nhìn xoàng xĩnh chẳng ấn tượng gì. Thời đại máy móc toàn cầu, tôi vẫn kiên trì thói quen viết tay. Cảm giác viết ra thứ mực của mình, ngắm nghía rồi xóa đi. Mới vừa đây thôi, tôi thấy một chiếc lá bị cắt khỏi cành cây, chờn vờn mãi trên không, lúc gần chạm đất thì một cơn gió nâng vút lên. Nghiêng trái, nghiêng phải, chiếc lá la đà mãi cho đến khi gục trong cái mũ liền áo của cô bé áo học trò. Cô bé chẳng hay biết, đạp xe mang theo chiếc lá trong mũ. Chuyến đi của chiếc lá sẽ còn dài cho đến khi cô gái cởi bỏ quần áo, thấy chiếc lá khô trong mũ. Tôi rất muốn chép điều này xuống giấy. Định viết, tôi lại thôi, công việc còn ngổn ngang. Tôi mở sách, rồi gấp lại. Thuốc lá lấy ra rồi lại cất vào. Nước hoa trên mình đã nhẹ đi, sắp cạn trước khi trả lại mùi cơ thể cho tôi. Cũng đến lúc phải bỏ xó áo quần cho nhà tắm.
*
Thuốc lá có sẵn, rượu có sẵn. Wol đến, lết theo một nụ cười. Chúng tôi đang ngồi trên một căn gác chật chội có cửa sổ nhìn xuống đường. Nơi đây từng là nhà của Wol nhưng đã nhượng lại người khác. Cái nhà hai tầng, sáu mươi mét vuông trở thành cửa hàng bán quần áo. Tầng một bán hàng còn tầng hai là nơi chất những đồ đạc cũ, hỏng, phần lớn là đồ Wol bỏ lại. Trên này chẳng có đèn đóm gì nên luôn phải mở toang cửa sổ, trời tối thì phải thắp nến. Chủ cửa hàng không thấy phiền nếu Wol đến, leo lên tầng trên với chai rượu. Không còn chìa khóa cho nhà này, ông chủ cửa hàng ngoài vai trò khách mua nhà thì chẳng có giao tình gì với Wol. Xong hợp đồng là mạnh ai nấy đi. Tôi lấy làm lạ khi Wol vẫn về đây, còn tay chủ cũng tỏ ra dễ dãi. Wol chào ông chủ, cười, bắt chuyện lúc lâu rồi lên gác. Có lần anh ta nhậu nhẹt cùng lũ bạn của mình trên đấy, hát ông ổng, nhảy nhót loạn lên. Chẳng có phiền phức gì. Wol đến và đi như đấy vẫn là nhà mình.
Những cái tủ, hòm đựng quần áo lẫn bát đĩa vẫn nguyên vẹn. Biết bao đợt đồ cũ lẫn mới thay thế nhau trên tầng gác này, và lần nào cũng thế, đồ của Wol vẫn còn. Anh bảo tôi rằng đã cho không ông chủ cái cửa hàng.
Ngồi đối diện, chẳng mấy khi chạm mắt nhau. Wol đợi chờ tôi một câu nói. Thuốc lá cháy từng điếu, rượu cũng vậy. Tôi không biết mình có hút thuốc không nhưng đã uống rượu. Một chén đầy, cùng một cú nuốt sạch cả đáy cốc. Men rượu không giúp tôi sáng suốt thêm. Chút hưng phấn lâng lâng, dọn đường cho một suy nghĩ xuất thần bắn vụt ra bằng tiếng nói cũng chẳng thấy. Trong lúc cố lục lọi từng ngăn sách trong đầu, tôi nghe tiếng thở hắt của Wol. Không rót rượu, Wol lấy bật lửa thắp lại ngọn nến vừa tắt, thắp luôn điếu thuốc quên chưa hút. Phía dưới nhà ồn hơn, chắc có khách. Lối cầu thang lên xuống có tiếng dép nện, vài ba bước. Có người hô xuống và chuyện leo gác kết thúc.
“Thế nào rồi…” – Wol hỏi, đôi mắt Wol tìm tôi khi sợi nến chờn vờn, tưởng tắt. Chẳng nghĩ ngợi được gì, tôi trốn cặp mắt người bạn. Mắt Wol to, sáng và sắc như loài điểu săn mồi. Vóc người Wol to lớn, tóc để dài hết vai.
“Lui ra cái nào.” – Tôi nói vang, khi Wol xoay mình, phủ bóng lên tôi.
Tôi rút một điếu thuốc, định sẽ châm cháy nhưng lại thôi. Cái gác rất nhỏ nhưng không ám khí vì cánh cửa xuyên ra đường lúc nào cũng mở. Khói thuốc nghi ngút. Nến cũng sẽ nhả khói nếu ai đấy thổi phù rồi châm lại. Tôi nhìn ra cửa. Những mái nhà xếp vào nhau, gạch gói cũ mèm. Phía xa là con sông lớn của thành phố. Vào mỗi mùa lạnh, tôi vẫn thường đi một mình trên cầu. Vừa đi trong gió cắt, vừa làm ấm mình bằng thuốc lá trước khi tìm thấy một quán ngô nướng.
“Một mình...” – Tôi buột miệng.
“Tôi không ở nhà.” – Wol buột miệng như cố ý.
Wol không nói gì về công việc của mình và tôi cũng thế. Tôi có nhà, Wol cũng có nhà. Cha mẹ tôi còn sống, cha mẹ Wol vẫn khỏe. Cả hai vẫn thường về nhà để ăn và ngủ. Ai cũng có nhu cầu về một cái tổ. Một chốn tạm bợ qua ngày hay để sống hết cả đời vẫn là điều cần thiết. Đứa em họ nói rằng phải biết cảnh giác với gia đình, đấy là căn nguyên của mọi bi kịch. Em họ tôi có nhà và đã kết hôn, có con. Nó có cả hai thứ quan trọng nhất đời người, nhà và gia đình. Đã lâu tôi chưa gặp lại thằng em này kể sau đám cưới. Những gì còn lại tôi chỉ được nghe qua họ hàng. Qua lời mẹ tôi kể lại từ các họ hàng đàng nội thì em họ đã ổn định.
Ổn định, sự chấm hết của chuyển hóa, tiêu hủy đi cá tính riêng nhưng dầu vậy, vẫn tốt hơn sự bấp bênh chẳng nghiêng sang phải cũng không lệch về trái. Đứa em họ luôn cảnh giác tôi về gia đình và rồi nó cũng kết hôn, biếm họa nào cho thằng em ngổ ngáo đang ngày một thuần đi như mèo thiến. Không thể đi hoang hàng tuần dài, không thể tay đôi với dân quân để bảo vệ người bán rong như thuở nào, em tôi sẽ đi thẳng, dừng chốc lát rồi rú ga mỗi khi thấy tai ách trước mặt…Em này, mày có vợ có con rồi, trách nhiệm đàn ông theo như những gì tôi nghe từ đời trước thì phải chu toàn cho vợ con và chỉ vợ con chứ không phải người dưng, dẹp bạn bè, quên đi những chuyến vui về miền đất hứa, em họ tôi đã nặng như người đá...Lúc này, tôi muốn dùng một điếu thuốc nhưng Wol còn ở đây. Tầng gác này luôn trong tình trạng có người lên xuống.
Một bản thảo tôi đọc trong công ty có một câu thế này “Hôn nhân là cái mặt sáp của ái tình, sự thật náu trong đấy không gì ngoài tiền và quyền.” Dòng viết này đã bị xẻo khỏi trang giấy không cần lý do. Ban biên tập với ba phiếu thuận, một phiếu chống. Sách vở viết rằng hôn nhân là mồ chôn ái tình, lý lẽ của người đời rằng hễ tình yêu tiến đến hôn nhân, ngoài việc cho ra đời thế hệ thứ hai, chỉ còn trầm luân. Khổng Khâu rất tài trong việc ướp băng vai trò nữ quyền. Tam tòng tứ đức là giáo lý ổ khóa một chìa hơn là một nền tảng đạo đức vì con người, dù nó được viết ra để dẫn con người vào một trật tự không tội ác. Võ Mỵ Nương là sự chống đối, nhát đao chặt đầu họ Khổng, tiếc thay, cả hai vẫn chỉ là nô lệ của quyền thế, kẻ chơi lửa bị lửa ăn. Mao Trạch Đông thì không, ông ta không cần thiết phải ép mình vào một tổ ấm, bản thân họ Mao đã là một hệ thống chuyên chế kiểu gia đình. Lẽ dĩ nhiên, ông ta là chúa tể, kẻ nuôi lửa để Ta Bà không một ngày thiếp nắng.
Hàng ngày, trên loa đài, chương trình thời sự rồi sách rồi vở, báo chí luôn thao thao những tuyên giảng về hôn nhân và hạnh phúc, gia đình là tế bào của xã hội…một cú kích chuột hoặc qua lời rao của một sạp báo di động, sẽ là hôn nhân đẫm máu và gia đình mộng dữ cơn nối cơn. Quả đấm và con dao, đấy mới là bộ mặt của gia đình, khi đời sống chung rút cạn máu yêu thương trong mỗi người. Tế bào hỏng thuở nào ngày đã lớn bằng quả trứng của loài thú bay chết mãi vẫn trồi sinh.
Giao thừa năm trước, Wol kể cho tôi mối tình đời anh.
Sau trận pháo hoa lở loét trời mây, đám đông rã đám. Nhà nhà hạ lễ cúng, đoàn người chen chúc trong những miếu những chùa thiêng nhất miền Bắc, cúi xin phép thần. Trời rét và đường vắng hun hút. Trên căn gác này, tôi và Wol đón giao thừa hoặc chẳng có sự đón đợi nào, như tôi đã nói, anh chào năm mới bằng việc mở gói bí mật cuộc đời. Chẳng đèn chẳng nến, ngoài trời lạnh và tối. Năm gà, ngàn con gà bị cắt tiết. Wol ngồi uống rượu phía trong, lưng dựa tường còn tôi đứng ngoài cửa sổ. Khi ấy, tôi hút thuốc mond, thứ hương thuốc nhẹ nhõm giúp Wol biết rằng tôi vẫn ở gần. Anh thấy tôi vì điếu thuốc trên miệng tôi chấm một dấu sáng trong căn phòng tối. Và Wol kể thật chậm chuyện của mình.
“Mối tình nực cười, tồn tại như chưa từng…” Wol nói còn tôi chẳng lạ lùng gì, cái gọi là tình yêu chẳng hài hước lắm so với con sẻ ngẩn ngơ luôn giấu mình bất kể sáng tối.
Họ không cùng tuổi dù cùng lớp, Wol và…( Cái tên nàng sẽ chỉ tôi với Wol biết, ấy là bí mật đàn ông) rồng với rắn. Trung học phổ thông, chín đến mười hai, thời khắc của những mối tình ngọt và trong. Tôi cũng trải qua tuổi học trò và không có mối tình nào, ý nghĩa mối tình của tôi bao gồm cả tình trai gái, bạn bè lẫn thầy trò. Wol, người con gái Wol si rất dễ thương, tóc dài và thật trắng trong chiếc sơmi màu mây sữa. Trong ba năm học giữa hai người không một lá thư chuyền tay hay giấu ngăn kéo, chẳng có quà thậm chí trong ngày bắt buộc như 20/10 và 8/3. Wol cười phá lên rằng đã khiến bà chủ nhiệm hét toáng lên khi con cóc nhảy ra từ gói quà biếu. Cô gái đấy có bạn trai, Wol thì không. Chẳng ai nói gì với ai. Cô nàng cần Wol nhắc bài mỗi khi bị gọi lên bảng. Giờ kiểm tra miệng, ai cũng như lên trường bắn, cô bé kia thường cầu cứu Wol bởi hắn ngồi cuối lớp. Anh bảo với tôi rằng mình thừa sức để cưỡi cổ bọn học sinh giỏi trong lớp nhưng thật vô nghĩa khi phải đối đầu với một tổ chức mafia. Tôi không đồng thuận với Wol về cái từ mafia, tôi gật gù hai chữ tổ chức. Tự gật và ừ với mình, tôi nghĩ đến trường học, bục giảng cao, nơi kẻ tài hoa và cá tính bị kéo dài mũi rồi biến thành lừa. Cha mẹ và thầy cô giáo thời nào cũng vậy, luôn là những cỗ máy nghiền mang trong mình nỗi sợ trứng nở diều hâu. Tuổi ấu nhi, đứa trẻ nào cũng từng mơ sẽ lớn thật nhanh, trở thành người lớn chỉ sau một đêm cầu nguyện. Bởi người lớn được phép làm theo ý mình, không sợ bị đánh đít, bắt úp mặt vào tường và viết kiểm điểm đến rã rời ngón tay. Wol đủ trí lực để cầm đầu toàn khối nhưng không, anh chẳng nỡ ngược đãi mình trong trò chơi vương quyền đến mất cả tuổi thơ. Ngồi cuối lớp, anh thấy hết và biết tỏng tất thảy những gì diễn ra. Wol nhắc bài bạn bè bằng cách nói rất to. Tiếng từ cuối lớp bắn văng lên, một trận mưa sạch tẩy xóa hết những sợ hãi cùng phiền muộn làm thế nào để câu hết mười lăm phút. Các giáo viên chẳng ngại viết tên Wol vào sổ đầu bài. Chuyện phạt đứng cuối lớp mỗi giờ, bị lôi lên bục giảng để luận tội không khiến Wol run sợ, anh vẫn nhơn nhơn thế. Các ông thầy, bà giáo chỉ thắng thế Wol bằng việc cho ăn trứng kiểm tra miệng. Những bài kiểm tra viết Wol luôn đạt điểm tối đa. Không thiếu người thầy cố tình ra đề khó cho riêng Wol nhưng anh vẫn làm tốt, dĩ nhiên, như anh nói, chẳng ai cho điểm mười, tất cả luôn là chín. Số chín dành cho áo học sinh cá biệt với bộ óc tinh quái. Thật đáng thở phào khi kết thúc các kỳ thi, buồn mấy khi phải ném sạch những kiến thức hổ lốn đấy vào sọt rác. Hết ba năm học, mỗi người chọn lấy một trường để thi. Chẳng có cuộc gặp mặt nào nữa, Wol cũng quên phéng cô gái.
Năm nối năm…Năm tiếp năm…Năm chết năm…Wol nhận được thiệp mời cưới từ nàng.
“Trong bộ áo cưới khi chú rể không có mặt, và ngay trong phòng tân hôn, nàng nhẹ như một tiếng thở.” Wol nói vậy. Một tin sét đánh, khách khứa đảo điên, đánh động cánh nhà báo nhàn rỗi. Lúc cô nàng mặc váy cưới, Wol biết mình đã yêu nàng từ rất lâu. Khi Wol hiểu về mối tình đời mình, nàng tắt thở.
“Tình yêu nảy mầm khi anh thấy cô ta mặc váy cưới còn mình không phải chú rể hay khi nàng chết trong ngày cưới.” – Tôi nói và không quay lưng lại. Gác chưa đèn, ngoài trời tối thêm tối.
“Nàng không thay đổi gì so với thời hai đứa học chung. Chẳng có sự đánh lừa nào từ lớp son phấn. Trước đám cưới tôi và nàng chẳng liên lạc gì. Tôi đến một mình, không chụng hội với ai trong lớp. Đám cưới này đáng lẽ tôi không có mặt như mọi đám cưới tôi luôn từ chối khi được mời. Nhưng rồi, tôi đã đi, tôi không biết lý do đã thôi thúc mình phá lệ…”
Wol uống thêm rượu. Thuốc còn nguyên, lửa không cháy, tiếng bật lửa trong tối buồn thiu.
“Tôi vẫn ở đây.” – Tôi gẩy tàn thuốc rồi nói vậy.
“Bởi tôi đến nên nàng mới chết. Tôi muốn nguyền rủa mình đã mang hình tướng loài quạ đen…nhưng…nhưng…sao thế nhỉ, nàng đã tự tử…”
“Cô dâu trả thù chú rể, một đám cưới cưỡng bức?” – Tôi hỏi, tiếng khẽ đủ lọt bốn cái tai.
“Tôi không biết gì về chú rể. Hắn không giống bạn trai thời trung học của nàng. Theo những gì tôi được biết thì hắn con nhà gia giáo, công việc tốt, bề ngoài cũng thuần và rất chiều nàng. Sau cái chết của nàng, hắn rượu chè, ma túy, trước khi bị tóm vào nhà đá.”
Ngừng chốc lát. Wol buồn bã cất một tiếng cười. Cái cười hắt thật mau, tàn nhanh như tận thế.
“Sau khi trang điểm xong, cô bạn cùng lớp bảo tôi vào phòng cô dâu chụp ảnh. Tôi đã vào phòng. Nàng thấy tôi, cười và ném bó hoa về phía tôi. Chả nhớ tôi có chụp hoa không nữa. Rồi thì, nàng ngã xuống. Pháp y chuẩn đoán nàng uống ricin quá liều.”
Thuốc lá hết, rượu đã hết. Chiếc bật lửa phụt sáng sau cái miết tay tình cờ của Wol. Ngọn sáng đầu tiên châm vào sợi nến bị bỏ quên. Cái gác sáng lên và vẫn lạnh.
“Nàng trong bộ áo cưới thật tuyệt. Cậu biết không, chính lúc đấy tôi thấy lại mọi cuộc tình của mình. Các cô gái tôi nặng tình đến cùng một lúc và tập hợp trong nàng. Chỉ lúc đấy, phải rồi, trước lúc nàng thiếp giấc bất tử tôi mới biết trước giờ đã chỉ yêu những cô gái mang dấu ấn của nàng…Tại sao thế…” Tiếng hỏi vẩn quanh cùng làn thuốc lá.
“Thượng Đế đã chết…” Lời tôi, nến cháy rồi tắt, không ai buồn thắp lại.
*
Họ hoảng lên bởi mùi nước hoa trong toa-lét. Tiếng quát tháo từ một gã tóc xù rằng con ranh nào đã ám quẻ trong này. Quán café này thật tồi khi không còn biết đến chuyện sạch sẽ. Có hai thứ quan trọng trong một cửa hàng, nhà bếp và nhà vệ sinh. Hai trục lớn, là bản gốc của những bóng loáng phía ngoài của một quán xá. Chứng đau bụng sẽ gây ách cho tôi nếu những bát đĩa bẩn, được rửa qua loa dọn đường cho các phần ăn thơm phức được gia công bằng hóa chất. Làn khói thơm phức reo báo cho một cái đèn đỏ quay tít mù trên nóc xe. Chẳng có chuyện ngon miệng và sẽ là ói mửa tái mét khi tôi chỉ dùng lại đồ ăn của ruồi của nhặng.
Wol từng nói với tôi rằng “Chúng ta là giống ăn thịt phi lý. Nếu ăn thịt sống, sẽ ngay lập tức bị kết án man rợ, mông muội ăn lông ở lỗ, còn ăn thịt đã nấu chín, cũng chẳng tốt lành gì khi đấy chỉ là hình thức cao hơn của sự ăn thịt. Họ không hiểu rằng mình chỉ là loài ăn xác. Một sự sống có hình hài bị tước đoạt chỉ là xác chết, một cái xác bốc mùi hay còn hôi hổi cũng là xác. Thú dữ ăn thịt vì bản năng sống còn, riêng loài người ăn vì thú vui, vì những tín mê tham vọng, giống loài này tự cho mình là chủ nhân của hành tinh xanh để thỏa sức bành trướng.” Tôi viết cho Wol “Con người vốn đã là một phi lý.” Có lẽ anh đã hỏi tôi, chỉ một dấu hỏi chứ không phải gì khác. Tôi không nhớ mình có trả lời hay viết ra rồi chuyển tới Wol không. Riêng lúc này, đầu óc tôi chợt quái đản và muốn viết xuống thứ đang nở trong óc mình.
Lũ người phi lý bởi tự đặt ra quá nhiều quy luật và tự phá vỡ mọi quy luật.
Lò mổ, nhà bếp, buồng vệ sinh, những gạch nối bằng mực trắng, còn thực khách giữ vai trò trung gian, lũ người tiêu thụ đồng thời là kẻ đồng lõa, những bàn tay vung tiền mua lấy sự ăn từ giết chóc. Tôi không có nhiều nhu cầu về bếp và luôn không gọi gì ngoài café hoặc trà. Thuốc lá tôi luôn có sẵn, chỉ vòi vĩnh một cái gạt tàn cùng bật lửa. WC mới là nơi tôi hay lui tới. Cái khu nhỏ này mới thật quan trọng. Đấy là nơi làm sạch và xả bẩn để nhẹ cơ thể bởi thế không được cẩu thả, luộm thuộm trong việc vệ sinh. Tôi sẵn sàng hạ điểm sao đánh giá cửa hàng, giáng điểm thật thấp nếu quán tôi ghé có nhà vệ sinh quá u ám.
Tôi đã giúp quán dọn sạch mùi uế và làm hương thêm căn phòng bằng cả thuốc tẩy, xà phòng lẫn nước hoa của mình. Đáng lẽ gã đầu bù kia phải vui vì không bị ngạt thở trong cái phòng sặc sụa cứt đái. Tôi dỗ mình bằng ý nghĩ tên khách khó chịu vì ở bẩn đã lâu. Nước hoa enchanter đã quá lỗi thời và tếu thay kẻ dùng lại là một đực rựa. Bà chị tôi sẵn lòng tặng tôi loại nước hoa hàng hiệu dành cho nam giới. Tôi không quen dùng nước hoa nặng, và cảm ơn chị cùng cái lắc đầu. Chị nhíu mày, bảo rằng trông tôi thật quái gở, sẽ chẳng có cô em nào chịu tôi với thứ mùi này.
Ngày hôm qua thật khó chịu. Bởi xe máy hỏng ắc-quy và xăng chưa kịp đổ nên tôi phải đến chỗ làm bằng xe bus. Chuyến xe đông chưa từng thấy dù mới sáu rưỡi sáng. Ghế trên đấy đủ người, các chỗ đứng cũng chật ních cả. Tôi không say xe nhưng mùi máy lạnh bí bách lẫn với mùi cơ thể người đã khiến tôi nôn nao. Nước hoa trên người tôi đã nhạt mùi. Xe quành vào một con quẹo, đám người nghiêng ngửa. Một thằng cha áp vào tôi, miệng hắn nồng nặc mùi rượu và lòng lợn, cái nách hôi rình, ướp nhẹp. Trong lúc cố lách khỏi hắn thì một bà cô phía sau chen lên. Mùi son phấn rẻ tiền cùng thứ nước hoa hàng chợ xịt quá nồng vấy vào. Lượng hơi người trong xe nồng lên khiến tôi như bị ném vào cái ao thuốc tẩy. Họng nôn nao nhưng chẳng nôn được, tôi đành xòe rộng bàn tay bịt cả mũi lẫn miệng. Sau mỗi điểm dừng, xe đông người hơn. Những cơ thể hôi hám, các vạt áo bẩn dính lại với nhau. Tôi không thoát được. Không thể lách và không thể chen nổi ra ngoài. Người đông như tận thế. Thịt nhồi vào nhau. Quá tải và tôi mong một cú húc xe xuống hồ. Chết nước còn sạch chán.
Cuối cùng tôi cũng đến cơ quan. Điều trước tiên tôi làm khi đến công ty là lao vào nhà vệ sinh. Khắp người tôi là mùi người. Tôi mở vòi thật lớn, rửa tay bằng xà phòng, vốc nước rửa mặt, vuốt ướt hết tóc. Hương trên người đã tan hết, tôi không mang theo nước hoa.
“Có ai mang nước hoa không?” Tôi hỏi bất kì ai mình thấy trong WC. Mấy cái đầu nghếch ra, một cái cười khểnh, có kẻ nhiếc mắng rằng “Hóa ra thằng lỏi ngẩn ngơ trên phòng biên tập.” Đám đàn ông chẳng bao giờ mang theo nước hoa và tôi tin ngoài tôi vẫn có người dùng enchanters. Tôi cố kiềm mình không xông vào khu con gái, dẫu chỉ mấp mé phía ngoài. Câu chuyện về nước hoa chấm dứt khi tôi lấy xà bông, thoa quanh áo quần. Vốc một chút nước xoa hòng làm nhờn đi, cơ thể tôi thế là đã có mùi hương. Thứ nước hoa quen thuộc và lạ kì chỉ mình tôi có. Hôm đấy, tôi vẫn bị trách phạt vì đến chỗ làm muộn. Nửa tiếng trong toa-lét đã tước mất ngày nghỉ phép cuối của tôi trong năm.
Những ngày quá nhiều mùi vây quanh, bám lấy từ lọn tóc đến ngón tay xuống đế dày, tôi sẽ tắm hàng tiếng, lấy đá kì hết ghét và tróc cả da, làm nhăn nheo hai bàn tay trong nước lạnh trong sữa tắm trước khi tươm tất ra ngoài, nước hoa ướp khắp mình.
*
Mỗi lần con sẻ hót là một lần Wol mất ngủ. Anh không định kiếm lại giấc ngủ, chẳng quan trọng gì, Wol nói thế, không thèm một giấc ngủ đẫy, bỏ uổng chuyến thuyền săn cá sói. Hễ tiếng hót xuyên đến, anh liền bật dậy như đã chuẩn bị sẵn. Vẫn áo vẫn quần chưa thay, cái thắt lưng nới lỏng, Wol rời khỏi nhà, đúng giờ và chính xác như lính quân đội. Một ngờ vực khác từ tôi rằng Wol chỉ giả ngủ, cứ nằm gục một chỗ đợi chờ tiếng hót con sẻ xanh. Lang thang trong đêm, chốc chốc nghỉ chân ven đường, trên ghế đá, gầm cầu vượt hoặc đứng trên cầu thang bộ vừa phì phèo thuốc vừa thở dài…chỉ dành cho kẻ vô gia cư hoặc một tên nghệ sỹ nửa mùa. Wol luôn thích thú với mấy trò khỉ gió của mình, luôn cười không thành tiếng. Giữa tôi và Wol có sự bất đồng về giờ giấc. Wol luôn không về nhà sau mười hai giờ đêm còn tôi luôn ở nhà sau mười hai giờ đêm. Đêm tối mang lại sự quyến rũ cùng những nguy hại không lường trước. Tôi không có thói quen ra ngoài quá lâu, bóng tối chẳng đáng tụng ca. Công việc biên tập của tôi lúc nhàn nhàn, khi lại bận tối mắt. Chẳng mấy khi có bản thảo tốt. Những dòng viết ngô nghê, lủng củng như ngữ văn cấp 3 rồi cũng đóng quyển và rùm beng thị trường. Mọi ý kiến của tôi đều bị bỏ xó. Mấy người còn lại trong ban biên tập bảo rằng tôi quá khắt khe và nếu không phải nể mối quan hệ gia đình tôi với sếp thì họ đã thay thế tôi từ lâu. Một lần tôi có nói rằng công ty này chỉ sản xuất sách hạng ba, chúng ta đã vỗ béo những con vịt đần, làm nhiễu nhương cái văn hóa đọc vốn quá nhiều sâu béo. Không lời trách mắng, không một cơn giận dữ. Họ lờ đi tôi và tiếp tục đưa ra các dự án mới, những cuộc xúc tiến với mấy tác giả trẻ có cơ thể bốc lửa, ngón bút lèo khèo như sên. Wol hỏi tôi rằng có muốn chuyển đi không. Tôi lắc và nói rằng thế này đã ổn. Tôi có một chỗ náu thân, cố định và bất động mình vào cái ngách nhỏ không ai biết. Thiếu gì những lần tôi nổi da gà khi biên tập bản thảo, phải hút thuốc, xức thật dày nước hoa trên chính cái bản thảo rồi đây sẽ thành sách.
Con sẻ hót. Wol ra đường. Những cột đèn rắc vàng Hà Nội. Lối vào Phố Cổ lắt léo, đường mới đường cũ nhằng nhịt, cấu trúc gạch cũ đã tan hoang trong thứ kiến trúc hậu hiện đại nửa mùa. Con sẻ xanh và vẫn luôn là nó, vấn đề của Wol, nguồn gốc của cơn mất ngủ kinh niên. Có lần, Wol gọi thẳng vào máy tôi lúc nửa đêm, bảo rằng vén rèm mà ra đây, đêm này thật đẹp, tinh tú như đàn ruồi mắc lưới nhện. Tôi ngần ngừ không dập máy, khi đấy tôi ngủ lại ngay. Một lần khác, hắn gọi tôi cũng vào giữa đêm khi tôi chưa ngủ. Không bắt máy, các cuộc gọi đổ dồn và chết điếng trong sổ gọi nhỡ.
Hà Nội về đêm có gì và còn gì ngoài những nấm mồ hình vuông, chữ nhật. Một ngày làm việc mệt nhoài, ai cũng muốn ngủ. Để giấc ngủ thêm ngon lành, cần lắm một cốc sữa nóng, chút nhạc nhẹ, liệng một cuốn sách đọc hòng mỏi mắt…Đầy ra những cuộc làm tình chớp nhoáng giữa đêm, thế rồi trần truồng ngủ ngáy cho đến sáng hôm sau. Trong nhà tôi, gia đình đã bỏ đèn từ bao giờ. Tiếng ngáy cứ như bò, khi lại phập phù, vo ve tiếng nhặng ruồi trên mâm xôi cúng. Một tiếng hét, do ngủ mớ từ người chú. Hét xong, miệng ông chú nhóp nhép nhai và tôi được yên sau bức tường mỏng. Việt Nam những năm hai ngàn, chẳng còn chuyện phải rón rén ăn thịt gà trong chăn, dưới gầm giường, dân quân sẽ gô cổ kẻ tư bản hại dân ngay thôi, thời thế này không còn ai thủ thỉ hát nhau nghe bolero, lúi húi đọc sách dưới ngọn đèn mỡ không biết tắt lúc nào. Điện đóm rực sáng khắp nơi, những năm hai ngàn, tôi nhớ lắm một thiên tiểu thuyết hai tập của một nhà văn phố Cảng. Nghêu ngao rằng “Đòn thù là ái tình nồng say, tù ngục làm thiêng thêm ngòi bút…” tôi thấy mình như tên điên.
Gia đình, kiến trúc nhà trong ngõ, hun hút gió âm. Nơi này gọi là chốn náu thân đúng hơn là nhà, bởi trong nhà thì phải có gia đình. Cái gia đình lớn đã từ lâu chia cắt thành những gia đình nhỏ và căn nào cũng rệu rã, đổ nát. Người vây vào người. Sáng sáng là tiếng cãi nhau tranh nhà xí, ông bác đòi lấn đất, bà bác tranh công, thằng anh bòn rút tiền của, người đi người về vọt qua nhau, thế là may, chỉ một cú va chạm thôi là mắt lừ thành dao sắc, miệng rủa bộ nanh nhọn ăn xương. Đêm xuống, tiếng người gào thét trong mơ. Ngoài cha mẹ mình, tôi ở cùng mấy ông chú kín tiếng. Họ thâm trầm, chẳng chịu chìa tiếng mình ra ngoài, lưỡi họ dâng cho đêm tối. Tiếng thật từ bụng bay ra ngoài khi ai nấy đã ngủ ngon. Người hú, người hét, kẻ nghiến răng, tiếng rủa như la làng, phải đánh chết thằng ăn cướp. Tôi từng nghe thấy cha mình nói mớ đòi bóp cổ lè lưỡi ai đấy. Mẹ cố bịt miệng cha vì tôi đang nằm trên đầu họ. Vô ích, tôi nghe hết và chẳng bận tâm. Người vây vào người. Lý do khiến người thân hóa người dưng là thế, máu nóng thành máu buốt, vòng ôm hóa thòng lọng. Người vây vào người, da thịt thành dao sắc, hơi người hóa chất độc.
Đáng lẽ tôi đã ngủ nhưng cuộc gọi của Wol đã ngáng ngã tất thảy. Tiếng cha dưới nhà vọng lên, đòi cuốc chết kẻ gọi điện giữa đêm khuya. Vấn đề từ nhạc chuông quá lớn, giọng Khánh Ly, Chủ Nhật Buồn. Tôi chuyển về chế độ im lặng. Chốc lát lại thấy một cuộc gọi. Sẽ là Wol và chỉ là Wol chứ không ai khác đòi hỏi tôi một cuộc chạm trán. Con sẻ hót đánh thức Wol, vì bị giật khỏi giấc ngủ nên anh quấy phá tôi bằng tiếng hót nhức như cái răng bật khỏi lợi. Có lần, Wol nói rằng Sài Gòn đêm nhốn nháo còn Hà Nội đêm bình yên. Giờ đấy loa chết, không còn những diễn văn cách mạng, không ai còn hăm hở trong thứ lý tưởng đã giết mòn tuổi xuân, năm này ngày này đại chiến thắng lợi, ngày này năm này địch thắng ta thua, băng rôn, khẩu hiểu, lũ trẻ áo trắng quần vải cổ quàng khăn đỏ đồng ca dưới màn nắng cháy khét tóc tai…Mọi nhốn nháo thành lá tàn sau mười hai giờ. Các cuộc trác táng vẫn tiếp diễn trong những quán Bar, những vũ trường trá hình đầy kim tiêm, và đấy không phải chốn Wol hay lui tới, dĩ nhiên, tôi cũng vậy. Chưa bao giờ tôi quên nhà mình trước mười hai giờ.
*
Trời mưa, thế là trời cũng mưa. Hạt nối hạt, vết mưa ngăn ngắn rồi dài thêm, nhọn như cái vòi hút máu của đàn muỗi cái. Trận mưa nằm ngoài dự đoán của đài khí tượng thủy văn. Ngày hôm nay trời hanh mà không hanh, oi mà chẳng nắng. Trời khô ráo không lọn gió. Giờ thì mưa kéo đến. Hàng trăm hạt nhẹ và hàng trăm hạt nặng. Tôi nghe mái hiên cứ ầm ầm. Đã qua mười hai giờ. Người trong nhà đang ngủ vẫn nói mớ rằng trời mưa mát thật mát. Tiếng mưa lớn sẽ giấu hết tiếng răng nghiến, giọng hú mơ của người nhà. Tôi chưa ngủ được. Nằm xoay trái, nghiêng phải. Vạn vạn con cừu lầm lũi trong mưa. Thường thì, tiếng chân cừu sẽ ru tôi ngủ. Hôm nay chúng bướng bỉnh, gõ móng guốc hòng gọi tôi báo rằng cỏ đã hết và lũ sói đang rình rập, hiển nhiên, thằng bé mũi dài đã đi khỏi đồng cỏ. Tôi lần tay mở đèn, rồi lại thôi. Mưa mát rồi lạnh. Đêm Hà Nội ướt át. Mọi bụi bặm, dơ dáy sẽ sạch trơn sau cơn mưa. Tôi vùi mình xuống gối, mọi thứ sáng sủa dầu mắt tôi đã khép chặt. Trùm chăn, bịt tai, tiếng mưa vẫn quá lớn. Xối xả như bão đổ. Điện thoại reo một tiếng. Tôi chui khỏi chăn, lần mò trong bóng tối ầm ĩ. Tiếng chuông rất nhỏ, vụn vụn, cái mẩu sáng con tí đấy khó khăn lắm tôi mới lần được. Một tin nhắn chứ không phải một cuộc gọi. Tin nhắn từ tổng đài báo tài khoản đã hết tiền. Số máy lạ tôi không nghe, số máy quen không ai gọi. Mọi thư luôn đến từ tổng đài, một ưu ái quá thể mà tôi được ân sủng không biết bao nhiêu lần trong năm.
Mưa không yên nổi, lạnh rồi. Rất khó để nhìn thấy gì khi trận nước dày như lưới mắt cáo và càng khó hơn giữa cái đêm tối với miếng trăng vật vờ có cũng như không. Nước dềnh lên, đến cổ chân. Phố rộng thênh, lâu lâu lại thấy một xe máy rẽ nước phóng đi. Các bóng đèn giờ như những con đom đóm bị đóng đinh trên thập giá, cứ lòe sáng mãi. Mưa luôn độc hại khi đã nhúng ướt áo quần. Có ai không…Một bàn tay với qua, vẫy rồi ẩn đâu mất. Mạnh và chớp nhoáng, một cú lớn giữa đỉnh đầu. Không phải mưa, đấy là nước ào xuống từ mái che đã quá tải. Thứ nước làm tôi nôn ọe. Tôi vuốt mặt, vuốt ngược mái đầu để tóc không chọc vào mắt. Dụi mắt, không thấy gì, mắt cay bởi nước bẩn. Hết cả rồi, mùi nước hoa. Không thứ nước hoa dịu dàng nào ở lại với tôi. Mọi thứ duỗi và rơi bõm cả. Mưa gặm tôi vào, nhai mãi nhằn mãi chẳng chịu tiêu hóa. Có ai không…Ánh sáng lóe qua, rồi một cú tạt nước từ bánh xe lớn. Tôi trượt ngã. Nước ngấm vào từng ngón tay, ăn nhăn thêm đôi bàn tay. Nước chui cả vào lỗ tai, miệng và mắt cay như dính ớt. Cơn lạnh phát ban khắp mình mẩy. Ôm lấy mình hết sải tay cũng không ấm nổi. Mọi quán xá đã đóng cửa. Nhà nào cũng hạ đèn, ngáy khò trong cơn mưa rửa mùa hè. Nước hoa ngấm mưa, khó ngửi lắm, mùi con người cũng vậy. Tôi lên cân trong mưa, mắt cận trong mưa và nặng nề trong mưa. Đi mãi, không biết đường với phố. Đường xá lắt léo, trùng vào nhau, rối tung như dây điện. Mười hai giờ đã qua, và chẳng còn hiệu lực về một giấc ngủ dài. Không còn cỗ xe bí ngô. Cơ thể kia co quắp trong mưa, quá rét và đơn chiếc. Đèn cao áp leo lét nẻo đường, thuốc lá lúc này cũng vô ích. Xoa hai bàn tay vào nhau lấy chút hơi ấm, tôi vẫn lạnh. Hai tay ướt và trượt đi, tôi ngỡ rằng mình đang trầm xuống một cái hồ lớn, với đâu cuãng chỉ thấy nước. Tôi mong lắm một trận hỏa hoạn. Đám lửa không đốt ai, nọc lửa đốt một căn phòng nơi tôi sẽ chui vào đấy và sưởi ấm trong đống tro tàn.
Mưa không tha thứ cho ai. Nhúng ướt và dầm dề mãi. Ngày đấy, không ai báo cho tôi rằng cổng trường sẽ khóa sau mười hai giờ. Không có khẩu phần khi tiệc đã tàn canh và ai về phòng nấy. Leo rào là một cấm kỵ, cũng không ai dại dột, mạo hiểm vượt tường khỏi hàng rào dây thép gai. Mảnh chai cắm dính vào bê tông, nhô lên như cọc sắc, một cú sảy là lòi ruột. Đám đàn ông trong phòng của nam giới, người này người kia nằm gọn lại. Đứa tôi bất hợp pháp, không giấy tờ không có tên trong sổ ký túc xá. Mưa không ngớt lấy một lần. Cuồng điên và đầy lén lút, thứ gì xú uế hơn mùi con người. Sục sâu rồi ăn nát, tôi không lường nổi một cuộc hãm hại giữa đêm đen trong phòng kín đầy người, tương tự trận mưa hôm nay, phắt đến và dai dẳng tận bây giờ. Sau mười hai giờ, mọi cánh cửa khép miệng. Lệnh giới nghiêm thi hành với lý do sau giờ này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Sau mười hai giờ, trời mưa lớn. Cũng sau mười hai giờ tôi bị nghiền vào góc. Vẫn có tiếng ngáy khò, nhép miệng từ giường kế bên, cái cót két của giường bên này. Một cái miệng bị niêm kín trong sợ hãi, da gà nổi lên và tôi ước da mình mọc gai nhọn như nhím. Cái miệng khác thì đầy độc ác, gặm xé tàn nhẫn, giống ong hung tàn hút cạn mật cả cánh đồng hoa chẳng vì một nhiệm vụ từ tổ ong. Có ai không? Tiếng thế thôi, không phải trong ngày giọng tôi mất tiếng và đào thoát không lý do giữa trời mưa giữa cái lạnh xé ruột cùng cơn nôn nao ói mửa. Mắt nhòa, người nào đấy va vào tôi khiến tôi ngã. Người nào đấy bị tôi va vào rồi chửi bới. Không một đòn đánh, roi mưa quất tôi cả trăm hèo. Bị lăng nhục, ô uế bởi đám đàn ông đói khát đàn bà quá mức, đành lấy một đứa con trai mảnh mai giống nữ giới làm thế thân, khổ hình địa ngục đọa đày người cũng chỉ có vậy. Ngày hôm đấy, tôi chạy trốn khỏi căn phòng ô nhục, đi giữa đêm trong trời mưa. Xả nước tắm, không dám bật đèn, lấy đá kỳ không sót chỗ nào, đến xước da, đến rớm máu. Sữa tắm rồi cũng tan trong vòi nước, tôi tắm đến cạn cả lọ sữa tắm, chà hết bánh xà phòng, vốc hết bột giặt phủ khắp mình, dốc cả nước xả vải, thuốc tẩy bồn cầu. Tôi đứng thế, giữa phòng tắm tối ma, nước xả lạnh và tôi mong lắm nước hạ tuyệt âm, chất lỏng thành dao thành kiếm sắc chẻ tôi tan như giọt mưa vỡ. Mưa kìa mưa, mưa vén mãi vẫn chỉ là mưa. Mùi con người đáng gờm, mùi con người làm tôi thê thảm. Nước hoa khắp mình, tôi ra ngoài với cơ thể mới. Mắt xót, òng ọc hết mang tai. Những viên mưa lớn và nặng, bắn tôi tứ phía. Bàn tay vươn lên, cố đuổi mưa như đuổi khói thuốc. Khói sẽ tan và vẫn vương mùi, mưa thì không. Không xé nổi, bàn tay tôi lạnh buốt và rơi xuống. Thượng Đế đã chết…cánh tay rụng xuống, cơ thể lạnh xuống…bàn tay được nắm, kéo lết…
*
“Nghe đi, đừng gục trong đôi mắt buồn. Nghe đi, dậy mà nghe đi…” Tiếng nói ngay bên tai. Tôi co ro trong cái chăn, căn gác chật ních đồ đạc. Một ngọn nến đốt giữa sàn nhà. Wol nhìn tôi và vẫn nụ cười không chịu khô héo, găm một điếu thuốc với sải khói dài.
“Hôm qua…” – Tôi nói.
“Nghe xem.” – Wol nói và không cười.
“Áo quần…” – Tôi thì thào “Ai đã lột ra…” Mắt tôi đỏ một đôi.
“Áo quần trên người cậu đấy thôi!”
“Trước đó tôi không mặc bộ này!”
“Quần áo quan trọng với cậu đến vậy ư? Cậu đã quá tin cậy ác mộng và không hề muốn bước ra phải không?”
“Không đúng!”
“Nghe đi…” Wol nói. Mắt Wol dịu lạ, như nắng và như mật
“Thượng Đế đã…”
“Nghe đi, đừng bằng tai.”
“Thượng Đế…”
“Suỵt, hãy nghe!”
“…” – Tôi nhìn ra. Wol ngồi đấy. Mắt Wol nhìn như không nhìn. Tai Wol không cố chăm chú nghe. Thế rồi Wol vươn rộng hai tay. Bàn tay đã kéo tôi khỏi suối mưa ngày nào. Mái tóc dài phủ đến vai, hết vai. Cả mái tóc lẫn áo quần Wol ướt sũng.
Trong lúc Wol ngước lên, tôi cũng ngồi dậy. Quần áo trên tôi rộng cỡ của Wol.
“Đâu kia…” - Tôi bới tay, lục lọi khắp nhà, kéo lật từng ngăn từng ngăn. Nâng vật này, kéo vật kia, đẩy những cái hộp rồi lật tung tất thảy trong cái đầu êm ẩm dấu hỏi.
Ngọn nến cháy cạn từ khi nào. Cho đến khi bóng tối mất đi sự nhiệm màu và ánh sáng ngày mới quét xuống căn phòng, qua cánh cửa sổ mở toang. Nắng rất vàng và êm ái. Một người đứng vững dang thân mình với cái đầu ngước. Phía sau là một cơ thể đầy mệt mỏi gục xuống những trang giấy dày những chữ viết, mực lấm lem nhem các ngón tay và trên khuôn mặt đã nhắm nghiền trong bình thản. Tiếng chuông nhà thờ gõ tiếng một và nắng như vàng hơn, nhuốm mùi bừng tỉnh trên khuôn mặt nhợt nhạt. Làn hơi du dương của tiếng hót, thứ màu xanh của lông vũ loài chim mất địa đàng.
2017
Khóa Sắt Khóa Sắt - Tru Sa