II - Lai Lịch Truyện Cổ Tích - 1. Con Đường Phát Triển Từ Thần Thoại Đến Cổ Tích
ruyền thuyết cổ tích xuất hiện vào thời kỳ nào?
Như ai nấy đều biết, truyền thuyết cổ tích xuất hiện không cùng một thời với thần thoại. Nếu chủ đề của thần thoại thường thiên về giải thích tự nhiên, mô tả cuộc đấu tranh giữa người và tự nhiên là chủ yếu, thì trái lại, chủ đề của truyền thuyết cổ tích thường thiên về giải thích xã hội, mô tả chủ yếu cuộc đấu tranh giữa người với người. Ấy là vì, thần thoại xuất hiện vào một thời kỳ mà mâu thuẫn sau đây nổi lên hàng đầu: con người sống lệ thuộc vào tự nhiên mà lại có khát vọng chinh phục tự nhiên. Trái lại, cổ tích cũng như truyền thuyết xuất hiện vào lúc con người nói chung đã lợi dụng được ít nhiều năng lượng của tự nhiên, nhưng lại vấp phải mâu thuẫn giữa người với người trong sản xuất. Hình thái xã hội mà truyện cổ tích phản ánh, sức sản xuất đã tương đối cao, đời sống con người đỡ chật vật hơn trước, tri thức phát đạt, tình cảm phong phú, nhất là cuộc đấu tranh giai cấp đã có phần gay go quyết liệt.
Nói một cách khác, những truyện cổ dân gian được sáng tác sau thời kỳ nguyên thủy, có nội dung xã hội khác biệt rõ với những truyện ra đời từ trước thời kỳ đó. Mác nói: "Khi con người đã có thể khống chế được thực sự những lực lượng tự nhiên thì thần thoại sẽ biến mất". Có nghĩa là khi mà chủ nghĩa thần linh không còn ngự trị lên mọi lĩnh vực của ý thức; khi trình độ hiểu biết của con người đã được nâng cao; con người đã tìm được quy luật của một số lớn hiện tượng tự nhiên, biết dùng cái nhân này để tạo thành cái quả kia; thì bấy giờ nghệ thuật thần thoại sẽ phai nhạt ý nghĩa và không còn chức năng thực tế nữa.
Nhưng mặc dù thần thoại mất đi, sự sáng tạo truyện truyền miệng vẫn cứ tiếp tục. Có dân tộc nào mà lại tắt được nguồn cảm hứng nghệ thuật của mình trên con đường phấn đấu gian nan để sáng tạo ra một lịch sử phong phú và một ngôn ngữ giàu có, sinh động? Đương nhiên con đường phấn đấu đó bao giờ cũng đầy huyền thoại, huyền tích. Một nhà nghiên cứu thần thoại có nhận xét: "Truyền thuyết đời cổ chúng ta gọi là thần thoại, thần thoại đời sau chúng ta gọi là truyền thuyết"[1]. Nhận định này về một mặt nào đó đã vạch được mối liên hệ hữu cơ giữa hai loại truyện ở hai thời kỳ. Đúng là đối với bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, ước mơ và khát vọng của quần chúng cũng vượt lên trên thực tại ước mơ và khát vọng ấy không những đã chắp cánh cho họ trong sáng tác thần thoại mà còn trong sáng tác cổ tích và truyền thuyết sau này. Mặt khác, đứng về phương diện thưởng thức thì bên cạnh thơ, truyện là một nhu cầu tất yếu của nhân dân. Loại truyện ngụ ngôn, truyện thời sự thường quá ngắn, thiếu những tình tiết ly kỳ, chưa kết tinh hiện thực một cách đậm đặc, nên không thỏa mãn cảm hứng của nhân dân bằng thần thoại hoặc cổ tích. Nhưng so với thần thoại, thì truyền thuyết hay cổ tích cho phép người ta không những diễn tả dài hơi hơn, mà trình bày được nhiều uẩn khúc hơn, với những nhân vật phức tạp hơn, gần cuộc đời thực hơn. Nói cách khác, nội dung xã hội của mỗi thời kỳ chính là nhân tố hàng đầu quy định sự khác nhau về phương thức tư duy nghệ thuật giữa thần thoại và truyền thuyết và cổ tích. Ở thời đại của truyền thuyết và cổ tích, quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, đấu tranh xã hội ngày càng gay gắt, thì, kết cấu nghệ thuật của truyền thuyết và cổ tích cũng đòi hỏi phức tạp, nhiều kịch tính hơn nghệ thuật thần thoại.
Truyền thuyết, cổ tích hiển nhiên phải xuất hiện sau thần thoại, tiếp liền với thần thoại. Truyền thuyết hoặc anh hùng ca ra đời vào giai đoạn cuối của thời nguyên thủy chuyển sang thời nô lệ. Truyền thuyết kế thừa nhiệm vụ của thần thoại và phát triển theo hướng xây đắp thêm, làm phong phú và sắc nét dần lên những hình tượng vốn còn mộc mạc của thần thoại. Đây là loại văn học truyền miệng thường được đặt bằng văn vần, có hình thức thành văn cố định. Đồng bào thiểu số nước ta, nhất là đồng bào Tây nguyên, hiện còn lưu truyền khá nhiều loại truyện cổ bằng văn vần mà họ gọi là tơ-đrong ha-mon hay tơ-lây a-khan (hay khan) mà chúng tôi coi là những truyền thuyết hay anh hùng ca. Vần của những truyện đó rất linh động. Vần liền, vần chân, vần lưng đều có cả. Cũng có những đoạn không cần thiết phải dùng vần. Có những đoạn kể rất vắn tắt, nhưng cũng có những đoạn miêu tả rất dài dòng và văn hoa. Nhân vật truyền thuyết của người Ê-đê, Ja-rai (Djarai), Ba-na (Bahnar), v.v... hầu hết là những anh hùng lực sĩ, con cháu của các nhân vật thần thoại, có khi chính là nhân vật thần thoại. Ghi-ông Ghi-ở, Rốc, Xét... trong truyền thuyết của người Ba-na đều là dòng dõi của hai ông bà Tạo thiên lập địa. Họ bay lên không trung để đánh nhau, bắt mặt trời mọc lùi trở lại để kéo dài sự sáng mà tiếp tục chiến đấu, v.v... Thế giới của truyền thuyết là thế giới người, nhưng còn đầy dẫy những lực lượng huyền diệu. Hai bản I-li-át (Ilyade) và Ô-đít-xê (Odyssée) của thi hào Ô-me (Homère)[2] thực chất là những truyền thuyết viết theo hình thức sử thi hay anh hùng ca, trong đó hình tượng thần thoại hãy còn rõ nét. Càng về sau, truyền thuyết càng gần với cổ tích. Đây là thời đại của những nàng công chúa, ông hoàng tử, thời đại của những tên trọc phú gian tham, những bác nông dân khờ khạo và nghèo khổ. Truyện cổ tích cũng tiếp thu truyền thống của truyền thuyết. Nó được xây dựng trên những mảnh vụn rời rạc của truyền thuyết và thần thoại. Cho nên Grim (Grimm) nhận xét về cổ tích nước Đức có nói: "Những truyện cổ tích dân gian là những tiếng dội cuối cùng của thần thoại ngày xưa". Một nhà nghiên cứu khác là Muyn-le (Max Müller) cũng nói: "Chúng ta biết một cách chắc chắn rằng phần nhiều những cổ tích về tiên là tàn dư của một thần thoại cổ đã quên mất một nửa, đã hiểu sai và đã xây dựng lại"[3]. Nói chung, tâm lý, tính tình của những nhân vật trong cổ tích đã trở nên phức tạp, không còn mang dáng dấp thô sơ, man rợ mà kỳ thực là giản dị, chất phác của những nhân vật thần thoại nữa. Họ văn minh hơn, đẹp đẽ hơn, thích hợp với những quy chế và lễ nghi của cuộc sống dưới chế độ phong kiến hơn. Nhưng một điều rõ ràng là cùng với những biểu hiện phức tạp trên đây, họ cũng đã mất đi cái bản sắc cũ của họ, những đường nét đẹp đẽ khỏe khoắn vốn có trong những nhân vật thần thoại. Có thể nói, so với thần thoại và truyền thuyết, tính chất chung của truyện cổ tích là sự đa dạng của tâm lý, tính cách, đặt trong sự phức tạp của những tình tiết. Vì tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng của con người gửi gắm vào đây đã lắm uẩn khúc, không đơn giản như trước, và cuộc đấu tranh xã hội thì nhiều màu nhiều vẻ hơn cuộc đấu tranh với thiên nhiên rất nhiều.
Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam