Chương 11
Ông luật sư Quế ghi chú ký sự miệng của ông Thần Tốc rồi đi luôn bốn hôm không trở lại để trả lời xem ông nhận biện hộ cho người khách hàng tương lai hay không. Nằm nhà, ông Thần Tốc cứ lật qua trở lại mãi mọi chi tiết của cuộc đánh cướp đêm đó hầu tìm ra một ánh sáng thoát thân, nhưng vẫn bí như trí bị nhét nút.
Hôm ấy, vào lúc mười giờ sáng, Tập đang xem lại sổ sách thì nghe chuông điện thoại reo lên. Chàng rước lấy nghe thì đó là ông luật sư.
- A lô! Ông Tập đó phải không?
- Dạ, chính tôi đây, chào luật sư.
- Nè, ông cụ phải ra mặt nghen!
- Ý chết, thưa ông, ra mặt là bị bắt ngay.
- Không, tôi dẹp đường xong, ông cụ ra mặt được. Đây chỉ là vụ cướp thôi chớ có giết ai đâu, mà kẻ cướp cũng chưa chắc là ai.
- Ông nói sao nghe dễ ợt.
- Đáng lý gì tôi phải bảo là khó lắm để đòi tiền nhiều nhưng tánh tôi không ưa giả dối. Phải, tương đối dễ, nếu ta biết cách gỡ.
- Còn vụ kia?
- Vụ nào?
- Vụ ông chủ biến ra tài xế.
- Hai vụ khác nhau xa, không nên nhập lại cho rắc rối thêm. Xong vụ thứ nhứt, ta sẽ đưa vụ thứ nhì ra.
- Tùy ông, gia đình tôi đặt cả tín nhiệm vào ông. Ông liệu...
- Bảo đảm không hề gì kia mà, nếu ông cụ... thành thật nghĩa là tôi muốn nói... nếu câu chuyện ông cụ kể cho tôi nghe, đúng sự thật thì dễ thoát lắm.
- Còn gì nữa hay không thưa luật sư?
- Thôi chào, tôi cho hay thế, để nhà chuẩn bị tinh thần và ông cụ chuẩn bị lời khai.
Câu hỏi sau cùng của Tập, hơi do dự và đượm hơi hướng nghi ngờ.
Khi Tập lên gác để thưa lại cho cha hay tin nầy thì chàng được nghe câu chuyện sau đây giữa ông Thần Tốc và em gái chàng:
- Vị hôn phu à?
- Dạ.
- Đám hỏi hồi nào?
- Dạ không đám hỏi.
- Không có đám hỏi mà nhận là vị hôn phu?
- Dạ, ngày nay thì bọn trẻ tuổi chúng con đều gọi thế cả. Hễ người con trai nào hợp lý tưởng của tụi con, và hẹn ước là sẽ cưới hỏi nhau thì tụi nó gọi họ là vị hôn phu.
- Kỳ quái, thật là kỳ quái! Thế má con bằng lòng như vậy à?
Tập xen vào:
- Thưa ba, má cũng nghe danh từ ấy xốn tai lắm. Nhưng má cũng để vậy vì thấy điều đó cũng đã xảy ra nơi khác. Vả lại má con nhường quyền lại cho con và không muốn xen vào chuyện của gia đình nầy nữa.
Ông Thần Tốc thở dài, giây lâu, ông ngước lên hỏi người trưởng nam của ông:
- Má con nhường quyền. Nhưng riêng con, con cũng công nhận danh từ vị hôn phu ấy nữa à?
- Dạ, vì con thấy cũng không sao.
- Không sao, không sao! Nếu vạn nhất, hôn nhân bất thành, thì còn ai mà dám đi hỏi con Lệ nữa.
- Dạ, dám ba à. Thời nay, họ dám như thường.
Cả ba đều nói về một người vắng mặt, người con trai đã đến đây chiều hôm qua để mời Lệ đi xem chiếu bóng. Ông Thần Tốc đã khó chịu trước sự tự do của con gái, đi ra ngoài một mình với con trai, và ông đã chua xót tủi thân, vì Lệ chỉ chào ông rồi ra đi chớ không xin phép.
Ông không dè là thế hệ con ông đã sống tự do như vậy, và cứ tưởng là nó không nhận quyền gia trưởng của ông. Ông cam phận, không phản đối, nhưng thấy có bổn phận dìu dắt con, ông mới cật vấn như thế.
Lệ chỉ chào ông rồi ra đi! Ông Thần Tốc rưng rưng nước mắt. Ông không còn quyền gì cả trong nhà nầy, về mặt pháp lý. Về mặt đạo lý, nếu con ông trọng đạo lý thì ông phải có quyền. Nhưng khổ ôi, chúng nó đã quên ông từ lâu rồi, không thể nào một sớm một chiều mà chúng nó nhận lại quyền ấy được.
Mất quyền! Bạn muốn biết sự đau xót ấy đến đâu, bạn thử mất quyền một lần thì biết.
Giây lâu, nguôi ngoai được, ông Thần Tốc hỏi con gái:
- Con có thể cho ba biết sơ về cha mẹ của người thanh niên ấy được không?
- Dạ thưa ba, ảnh là con trưởng nam của bác Hai Hoài, bạn của ba ngày xưa.
- Hoài nào kìa? - Ông Thần Tốc tự hỏi lớn lên câu đó.
- Dạ bác Hai Hoài chủ hiệu kim hoàn Minh Ngọc.
- A...
Ông Thần Tốc chỉ kêu lên thế thôi. Ông trân trối nhìn đứa con gái thân yêu của ông rất lâu, khiến cô Lệ đâm hoảng không hiểu có chuyện gì không ổn trong vụ đó.
Ông nắm tay lại như muốn đánh ai, nhưng rốt cuộc ông chỉ đấm mạnh xuống vế ông, rồi ông hỏi con, giọng xẳng xớm:
- Con có biết giữa Hoài với ba, với gia đình ta, xảy ta chuyện gì hay không?
Cô Lệ sợ hãi, run run giọng đáp:
- Thưa không, ba à!
- Má con không kể câu chuyện gì lạ trong gia đình cho con nghe à?
- Thưa không, ba à!
- Mà má con bằng lòng làm sui với gia đình Hai Hoài à?
- Thưa phải, ba à!
Ông Thần Tốc lần nầy không đấm vế nữa, mà đấm ngực rầm rầm khiến cả hai người con ông đều kinh sợ hết sức.
Tập đánh bạo hỏi:
- Thưa ba, xin ba cho anh em con biết chuyện xích mích gì đã xảy ra giữa gia đình họ và gia đình ta.
Ông Thần Tốc ôm đầu, nuốt nghẹn một lát lâu mới bắt đầu nói được:
- Thật là quá lắm, thái độ của má con trong vụ nầy. Sở dĩ ba đi nghỉ mát trên Đà Lạt, rồi thọ nạn cũng vì buồn về vụ đó. Thế vụ ấy cũng là một nguyên nhân xa của biến động trong gia đình ta. Thế mà...
- Thưa ba, đầu đuôi câu chuyện ra sao ba? - Tập gặn hỏi.
Ông Thần Tốc thở dài rồi bắt đầu kể:
- Năm ấy, nhà ta có bốn mươi mẫu vườn cao su trên Biên Hòa. Hai Hoài cũng có lối chừng ấy và sở hắn nằm cạnh sở của ta, bên phía hướng đông. Phía hướng tây, sở ta giáp ranh với sở của một người Pháp.
Một hôm, không rõ vì nguyên nhân nào sở của người Pháp nói trên lại phát cháy và lửa khởi điểm từ ranh giới của ta và của y.
Nhờ gió nghịch chiều sở ta nên chỉ có sở của người Pháp là cháy thôi.
Sau đó người Pháp ấy đâm đơn kiện ba, phao vu rằng ba đốt sở y vì thù oán (có một lần bò ta chạy qua sở y bị y bắt nhốt và ta có xích mích với y).
Vụ kiện kéo dài đến tám năm. Trong thời gian ấy Hai Hoài, lúc đó là bạn thân của ba, đã nhiều lần đề nghị với ba sang cho y đứng tên sở của ba, đề phòng người Pháp thắng kiện thì người ta không còn gì mà tịch thu nữa.
Thuở ấy sao mà ba ngốc quá, không biết rằng những vụ bán chác để chạy của trong lúc thưa kiện, không có giá trị gì cả. Vạn nhứt mà nó thắng là nó kiện hủy vụ sang tên rất dễ dàng.
Vì ngốc thế nên một khi kia ba đã nghe lời hắn. Khi vụ kiện kết liễu, ba trắng án thì Hoài lại không chịu sang tên trở lại. Hắn không từ chối hẳn, nhưng cứ nói lần nói lựa, lấy cớ là sợ tốn tổn phí trước bạ, là thứ nầy thứ khác, mặc dầu tổn phí nào cũng chỉ một mình ba chịu thôi.
Hắn thường nói:
- Tôi với anh là bạn thân, của tôi là của anh, và ngược lại. Tôi chết, anh nuôi vợ con tôi, còn như chẳng may anh vắn số thì tôi nuôi vợ con anh.
Hắn lần lựa như thế trong năm năm rồi nói thẳng cho ba biết là hắn không bằng lòng sang tên lại.
- Trời!
- Trời!
Cả hai người con ông Thần Tốc đều kêu trời lên một lượt. Ông Thần Tốc cười chua chát mà rằng:
- Hai con thấy không? Phần gia tài của hai con, thế là bị người ta cướp đi hết hơn phân nửa rồi đó. Người ấy là kẻ thù không đội trời chung với ba, Lệ, con thấy rõ hay không? Tệ nhứt là mẹ của các con, đã biết thế, lại còn để cho cuộc hôn nhân nầy gần thành.
Cô Lệ bấy giờ ôm mặt mà khóc nức nở. Phải, kẻ đó là người thù bất cộng đái thiên với gia đình cô, không còn cãi chối vào chỗ nào được nữa cả. Tương lai cô sẽ ra sao? Người yêu của cô không có lỗi gì cả trong vụ nầy, nhưng y lại thừa tự tài sản mà gia đình cô mất. Đó là một cuộc thừa hưởng bất đắc dĩ, nhưng kẻ nào thừa hưởng thì phải chịu đựng tất cả sức nặng của căm thù của đối phương.
Ông Thần Tốc nhìn con, thương hại. Tập cũng ái ngại nhìn hết cha, rồi tới em gái của chàng, tội nghiệp cho duyên nợ của nó biết bao.
Giây lâu ông nói:
- Ba biết lẽ phải lắm. Có thể nó không xấu bụng như cha nó. Nhưng không làm sao mà ba đứng làm sui với một kẻ đã bóp họng ba mà giựt tiền... Các con cứ thử tưởng tượng vào địa vị ba thì biết. Như vậy, các con chớ có trách thái độ của ba. Nhưng ba không ngăn cản nếu Lệ tự ý kết hôn một cách tự do.
Lệ chỉ khóc ròng. Nàng chưa có ý định rõ rệt trong vụ nầy nhưng thoáng thấy rằng nàng sẽ khó xử trí vô cùng. Nàng đã bắt đầu thương hại ông cha vô phước. Và ông cha ấy rất có lý mà có một thái độ như thế. Nếu ông dùng quyền cha, bắt ép nàng phải tuyệt giao với bên ấy thì có lẽ nàng sẽ nổi loạn và tự do kết hôn. Đàng nầy ông chỉ chịu ép một bề, thì đứa con khốn nạn đến đâu cũng không nỡ qua mặt cha mình như thế.
Khi Từ Thức Về Trần Khi Từ Thức Về Trần - Bình Nguyên Lộc Khi Từ Thức Về Trần