Chương 11
0.
Ngày Chủ nhật đầu tháng Tám, người ta kiểm kê, nội nhật hôm đó phải xong. Ngay từ sáng, như một ngay thường trong tuần, tất cả nhân viên phải có mặt ở chỗ làm, và công việc đã bắt đầu, trong cửa hàng không có khách, cửa đóng kín.
Denise không xuống vào lúc tám giờ với các nhân viên bán hàng khác. Từ hôm thứ Năm, lên cầu thang bị trẹo gân cô phải nằm trong buồng, đến bây giờ đã khá hơn nhiều; nhưng được bà Aurélie chiều, cô không vội vàng, khó nhọc mới đi được đôi giày, nhưng quyết tâm xuống gian hàng. Bây giờ buồng các có bán hàng ở gác thứ năm tòa nhà mới, dọc phố Monsigny; sáu mươi cô, ở hai bên hành lang, có tiện nghi hơn nhưng vẫn chiếc giường sắt, cái tủ áo lớn và chiếc bàn trang điểm nhỏ bằng gỗ hồ đào. Sinh hoạt riêng đã có phần sạch sẽ và lịch sự, một chỗ đặt xà phòng đắt tiền và đồ lót mịn, cả một bước đi lên tất nhiên tới đời sống tư sản, khi mà số phận họ được cải thiện dần dần, mặc dù vẫn còn nghe thấy, những lời tục tằn văng ra, những tiếng đập của theo phong cách nơi nhà trọ lôi cuốn, họ từ sáng đến tối. Vả chăng, Denise, với chức quầy hàng phó, có một trong những buồng lớn nhất, với hai cửa sổ sát mái nhìn xuống phố. Bây giờ đã phong lưu, cô mua sắm sang hơn, một chiếc mền đắp chân phủ đăng-ten, một chiếc thảm nhỏ trước tủ áo, hai lọ thủy tinh màu lơ trên bàn trang điểm để cắm hoa hồng.
Đi giày xong, cô thử đi trong phòng. Cô còn khập khiễng, nên phải vịn vào đồ đạc. Nhưng người ấm lên. Tuy nhiên cô cũng đã có lý khi từ chối ông chú Baudu mời ăn bữa chiều, và nhờ bà thím đón hộ Pépé mà cô đã lại cho đến ở trọ tại nhà bà Gras. Jean, hôm trước đến thăm chị, cũng đến ăn ở nhà chú. Cô nhẹ nhàng tiếp tục thử đi bụng đang nghĩ sẽ ngủ sớm để cho cái chân nghỉ, thì lúc đó, bà Cabin, giám thị, gõ cửa và chuyển cho cô một bức thư, với vẻ bí mật.
Cửa đóng lại, Denise ngạc nhiên vì nụ cười kín đáo của bà kia, mở thư ra. Cô ngồi phịch xuống chiếc ghế: đó là thư của Mouret, anh tỏ lòng vui mừng thấy cô đã bình phục và mời cô xuống ăn chiều với anh vì cô không đi đâu được. Lời lẽ thư vừa thân mật hiền từ, không có gì làm mếch lòng: nhưng cô không thể nào ngộ nhận, cả hiệu Hạnh phúc đều biết rõ ý nghĩa thật sự của những cuộc mời mọc đó, người ta huyên truyền rằng Clara đã ăn chiều, những cô khác cũng thế, tất cả các cô được ông chủ chú ý. Sau bữa ăn, như đám thư ký tán dóc nói, có tráng miệng. Thế là trên đôi má trắng nõn của cô gái máu dồn lên dần đần.
Bấy giờ, bức thư rơi tuột giữa hai đầu gối, tim đập dồn dập. Denise ngồi, mắt đăm đăm về phía một cửa sổ sáng lòa. Cô đã từng tự thú, trong ngay gian buồng này, vào những giờ mất ngủ: nếu cô còn run người khi anh đi qua, thì bây giờ cô biết rằng chẳng phải vì sợ hãi; và nỗi khó chịu xưa kia, niềm sợ hãi cũ chỉ có thể là cái bàng hoàng chưa hiểu của tình yêu, sự bối rối của lòng thương chớm nở, trong tình trạng hoang dại thơ ngây. Cô không lý luận, cô chỉ biết rằng cô đã yêu anh, ngay từ giờ phút mà cô đã rợn mình và ấp úng trước mặt anh. Cô yêu anh khi mà cô sợ anh như một ông chủ nghiêm khắc, cô yêu anh khi mà trái tim si tình của cô mơ ước Hutin một cách vô ý thức, ngả theo nhu cầu thương yêu. Có thể cô sẽ hiến mình cho một người khác, nhưng bao giờ cô cũng chỉ yêu con người đó mà con mắt nhìn khiến cô kinh hãi. Và cả quá khứ sống lại, diễn ra trong ánh sáng của cửa sổ, những chuyện nghiêm trọng buổi đầu, cuộc đi dạo rất êm đềm dưới bóng cây sẫm tối ở vườn Tuilerie, sau hết những thèm muốn anh lộ ra trong gặp gỡ từ khi cô trở lại. Bức thư rơi xuống đất. Denise vẫn nhìn ra cửa sổ, mà trời nắng làm cô chói lòa.
Đột nhiên, có người gõ cửa, cô vội nhặt bức thư giấu biến vào trong túi. Đó là Pauline, cô này kiếm cớ để rời gian hàng đến nói chuyện một chút.
- Đã khỏi chưa, cô bạn? Lâu chẳng gặp nhau.
Nhưng vì có lệ cấm không được lên buồng, và nhất là hai người đóng cửa ở trong buồng, Denise dẫn bạn ra đầu hành lang, ở đó có phòng khách mà ông giám đốc lịch sự tặng các cô, để họ có thể tới đó chuyện trò hay làm việc cho tới mười một giờ đêm. Gian buồng, màu trắng và màu vàng, trần trụi và tẻ như một phòng khách sạn, kê một chiếc dương cầm, một bàn xoay ở giữa, những ghế bành và trường kỷ bọc vải trắng. Vả chăng, sau vài tối hợp với nhau, trong nhiệt tình ban đầu vì cái mới mẻ, rồi các cô hễ gặp nhau là lập tức lời qua tiếng lại sỗ sàng. Đó là một vấn đề giáo dục phải làm, cái tổ tập thể kiểu phalanstére [1] này thiếu đoàn kết. Và, trong khi chờ đợi, chỉ có viên quầy hàng phó quầy corset cô, Pauline, đến gõ nhạc Chopin khó khăn trên chiếc dương cầm, và tài năng cô bị ghen tị khiến mọi người bỏ chạy nốt.
- Cậu xem, chân mình khá hơn rồi - Denise nói -Mình sắp xuống đây.
- Chà! Thế đấy! - Cô bán đồ lót la lên - Chăm chỉ quá! Mình mà có cớ thì cứ là ườn ra đấy!
Cả hai ngồi xuống một chiếc ghế bành. Thái độ của Pauline đã thay đổi, từ khi bạn lên chức phó ở quầy hàng may sẵn. Trong tình thân mật của cô gái tốt có thêm chút kính trọng, một sự ngạc nhiên cảm thấy cô bán hàng nhỏ yếu xưa kia nay đang tiến đến chỗ có tiền của. Tuy nhiên, Denise rất yêu cô và chỉ tâm sự với cô, giữa cuộc chạy đua nước rút liên tục của hai trăm phụ nữ đang làm cho cửa hàng.
- Cậu có chuyện gì thế? - Pauline vội hỏi khi nhìn thấy bạn bối rối.
- Không mà. - Cô này quả quyết, với nụ cười ngượng nghịu.
- Có, có, cậu có chuyện gì... Cậu không tin mình sao, mà lại giấu chuyện lo buồn của cậu?
Bấy giờ, Denise trong cơn xúc động làm cô hồi hộp và không nguôi được, bộc lộ hết. Cô chìa bức thư cho bạn, ấp úng:
- Đấy! Ông ấy vừa viết cho mình.
Giữa hai cô, chưa bao giờ họ cởi mở nói về Mouret. Nhưng chính sự im lặng đó lại như lời thú nhận về những mối quan tâm ngấm ngầm của họ. Pauline biết hết. Sau khi đọc bức thư, cô ta ngồi xít lại, ôm lấy Denise, và dịu dàng rỉ vào tai bạn.
- Bạn thân mến, nếu cậu muốn mình nói thật, mình cứ tin là chuyện đã xong rồi... Vậy đừng chống lại làm gì, mình cam đoan với cậu là cả cửa hàng cũng tin như mình. Chà! Ông ấy đưa cậu lên làm phó nhanh thế, rồi lúc nào cũng kề kề bên cậu, như chọc vào mắt!
Cô ta hôn đánh chụt vào má bạn. Rồi, hỏi:
- Tất nhiên, chiều nay cậu tới, hả?
Denise nhìn cô ta mà không trả lời. Và, đột nhiên cô òa lên khóc nức nở, đầu tựa vào vai bạn. Cô này rất lấy làm lạ.
- Kìa, hãy bình tĩnh. Trong chuyện này chẳng có cái gì khiến cậu phải hốt hoảng đến thế!
- Không, không, để cho mình yên. - Denise lắp bắp.
- Nếu cậu biết mình buồn đến thế nào! Từ lúc nhận được bức thư này, mình chết điếng người. Để mình khóc cho nó nguôi đi...
Polin, rất thương bạn mà không hiểu ra thế nào, tìm cách an ủi bạn. Trước hết, ông ta không liên hệ với Clara nữa. Người ta đồn ông ấy hay đến nhà một bà ở bên ngoài thật đấy, nhưng chẳng có chứng cớ gì. Rồi, cô giải thích người ta chẳng thể ghen với một người đàn ông ở địa vị như thế được. Họ có lắm tiền, chung quy họ là chủ.
Denise lắng nghe cô ta; và, nếu như cô ta còn chưa biết mối tình của cô, thì cô ta không còn nghi ngờ gì về nó nữa khi thấy bạn xót xa đau đớn lúc nghe đến tên Clara và chuyện bóng gió về bà Desforges. Cô ta tưởng như lại nghe thấy lời độc địa của Clara và lại nhìn thày bà Desforges bắt Denise đi rong trong cửa hàng với thái độ khinh bỉ của bà giàu có.
- Thế giá cậu thì cậu đi, hả?
Pauline chẳng đắn đo gì, thốt lên:
- Hẳn rồi, thì có thể làm thế nào khác được.
Rồi cô ta suy nghĩ và nói thêm:
- Bây giờ thì không, là nói trước kia, vì bây giờ mình sắp cưới Baugé, và như thế kể cũng chẳng tốt.
Quả thật, Baugé, ít lâu nay đã thôi việc ở hiệu Bon Marché để sang làm tại hiệu Hạnh phúc các bà, sắp lấy cô ta, vào khoảng giữa tháng. Bourdoncle chẳng ưa gì các gia đình, nhưng họ đã xin được phép, thậm chí họ hy vọng xin được nghỉ nửa tháng.
- Cậu xem đấy - Denise tuyên bố - Khi người đàn ông yêu cầu thì họ lấy cậu... Baugé lấy cậu.
Pauline cười hiền lành:
- Nhưng mà, bạn thân mến ơi, mỗi đằng một khác. Baugé lấy mình vì là Baugé. Anh ấy bằng vai phải lứa với mình, thì chuyện đó là thường... Còn như ông Mouret! Thế ông Mouret có thể lấy cô bán hàng của mình được không?
- Ồ, không, không, - cô gái la lên, bất bình vì câu hỏi phi lý - chính vì thế mà ông ấy chẳng nên biên thư cho mình.
Cách lý luận đó làm cô bán đồ lót hoàn toàn ngạc nhiên. Bộ mặt đầy đặn của cô ta, với đôi mắt nhỏ đằm thắm, tỏ vẻ thân thương. Rồi cô đứng lên, mở dương cầm, dùng một ngón tay dịu dàng đánh bài nhạc “Vua Dagobert”, chắc là để không khí vui lên. Trong cảnh trần trụi của phòng khách, vải trắng bọc đồ đạc càng như làm tăng thêm vẻ trống rỗng, từ dưới vang lên những tiếng động của đường phố, điệu tẻ nhạt xa xa của một bà rao bán đậu xanh. Denise ngả mình sâu trong chiếc ghế trường kỷ, đầu chạm vào gỗ, người lại run lên vì một cơn nức nở mới mà cô lấy mù soa cô chặn lại.
- Lại thế! - Pauline quay đầu lại nói - Cậu thật chẳng biết điều... Thì tại sao cậu dẫn mình ra đây!... Cứ ở trong buồng cậu có lẽ tốt hơn.
Cô ta quỳ xuống trước mặt Denise, lại bắt đầu quở. Biết bao nhiêu kẻ khác ngõm ngọi vị trí của cậu! Vả chăng nếu cậu không ưng thì thật đơn giản cứ việc trả lời không, chẳng phải buồn phiền đến thế. Nhưng cậu hãy suy nghĩ, trước khi từ chối mà không giải thích được, làm hại đến địa vị của mình, vì cậu chẳng có hợp đồng với nơi nào khác. Chuyện ghê gớm đến thế kia à? Và lời quở kết thúc bằng những lời bông đùa thầm thì vui vẻ, vừa lúc đó có tiếng chân đi ở hành lang.
Pauline chay ra cửa đưa mắt nhìn:
- Suỵt! Bà Aurélie! - Cô ta nói khẽ - Mình phải chuồn... Còn cậu thì lau mắt đi... Người ta chẳng cần biết gì đâu.
Khi Denise còn lại một mình, cô đứng lên, cầm nước mắt, và hai tay còn run rẩy, sợ bị bất chợt như vậy, cô đậy nắp dương cầm mà bạn còn để mở. Nhưng cô nghe thấy tiếng bà Aurélie gõ cửa ở buồng cô. Cô liền rời phòng khách.
- Sao! Cô đã đứng lên rồi! - Bà quầy hàng trưởng la lên - Cô em dại dột quá. Tôi lên chính là để biết tin cô và bảo cô ở bên dưới không cần phải cô xuống.
Denise cam đoan rằng mình đã khá rồi, có việc làm thì tốt, nó khuây khỏa:
- Thưa bà, tôi không mệt đâu. Bà cho tôi ngồi ghế, làm việc viết lách.
Hai người đi xuống. Bà Aurélie, rất ân cần, bắt cô phải tựa vào vai bà. Chắc hẳn bà đã nhận thấy đôi mắt đỏ của cô gái, vì bà lén ngắm nghía cô. Cố nhiên bà biết rõ mọi chuyện.
Thật là một thắng lợi vô vọng: cuối cùng Denise đã chinh phục được cả gian hàng. Xưa kia, cô đã phải vật lộn gần mười tháng trời giữa những đau khổ của kẻ bị ngược đãi mà không chuyển được ác ý của các bạn, thế mà nay chỉ mới vài tuần cô đã chế ngự được họ, thấy họ nhũn nhặn, kính cẩn đối với cô. Niềm thân thiết đột ngột của bà Aurélie đã giúp cô rất nhiều trong các công việc ngán ngẩm thu phục nhân tâm đó; người ta khẽ kể rằng bà quầy hàng trưởng là kẻ bợ đỡ Mouret; bà ta giúp anh trong những công việc tế nhị, và bà ta rất nồng nhiệt che chở cô cũng là vì bà được người ta dặn dò một cách đặc biệt. Nhưng chính cô gái cũng phải tự mình đem cái duyên dáng của mình ra để khuất phục các đối thủ. Công việc càng thêm gay go khi cô phải làm cho họ chịu nhận việc cô được đề bạt lên làm quầy hàng phó. Các cô kia la ó về sự bất công, tố cáo cô ta giành được chức đó trong bữa tráng miệng với ông chủ, thậm chí họ con nặn thêm những chi tiết bỉ ổi. Tuy nhiên, mặc dầu sự phản kháng, cái chức phó ấy cũng tác động đến họ. Denise gây được uy tín làm cho những kẻ chống đối nhất cũng phải ngạc nhiên và khom lưng. Chẳng bao lâu cô lại có những kẻ chiều nịnh trong đám nhân viên mới. Tính dịu dàng và lòng khiêm tốn của cô hoàn thành cuộc chinh phục. Marguerite quy phục, chỉ duy có Clara tiếp tục tồi tệ, thậm chí dám văng ra lời nhạo cũ “cô luộm thuộm” mà chẳng ai đồng tình. Trong cuộc ngông cuồng ngắn ngủi của Mouret, cô ta đã lạm dụng để trốn việc, chây lười mà ba hoa và hợm hĩnh; rồi, khi anh sớm ngán, cô ta cũng chẳng oán trách, vì cô không thể ghen tuông trong cuộc sống lăng nhăng bừa bãi của cô, cô đã mãn nguyện ở chỗ được người ta dung túng cho làm biếng. Thế nhưng, cô ta coi rằng Denise đã cướp của cô ta quyền thế chân bà Frédéric. Chẳng bao giờ cô dám nhận chân đó vì sợ phiền lụy, nhưng cô bị mếch lòng vì người ta thiếu lịch sự, bởi lẽ cô cũng có những chức vị như cô kia, mà lại có trước.
- Kìa! Người ta đón cô gái đó. - Cô ta khẽ nói, khi thấy bà Aurélie đỡ Denise ở tay.
Marguerite nhún vai nói:
- Cô thì mới lấy làm lạ đấy thôi!
Chín giờ điểm. Ở bên ngoài, bầu trời một màu xanh chói chang hấp nóng đường phố, xe ngựa hàng chảy về phía các nhà ga, cả đám dân mặc diện ngày Chủ nhật đi thành những dòng dài về phía rừng ngoại thành. Trong cửa hàng, tràn ánh nắng lọt qua những ô cửa lớn mở rộng, nhân viên bị nhốt kín vừa bắt đầu cuộc kiểm kê. Người ta đã tháo những quả nắm cửa ra vào, người đi đường dừng trên vỉa hè, nhìn qua những tấm kính, lấy làm lạ vì thấy đóng cửa mà ở bên trong hoạt động náo nhiệt khác thường. Từ đầu nọ đến đầu kia các gian hàng, từ trên xuống dưới các tầng gác, nhân viên giậm chân, giơ tay, những gói hàng văng qua trên đầu; và tất cả trong những tiếng la, nhưng con số ném ra như vũ bão, hỗn độn tăng lên và tan thành một sự ồn ào nhức óc. Mỗi gian trong số ba mươi chín gian hàng làm việc riêng rẽ, không quan tâm đến những gian bên cạnh. Vả lại, người ta mới gọi là đụng đến các ngăn, ở dưới đất chỉ mới có vài tấm vải. Cỗ máy sẽ nóng rực lên, nếu người ta định kết thúc công việc ngay buổi chiều.
- Chị xuống làm gì? - Marguerite ân cần nói với Denise.
- Chị lại mệt thêm thôi, người làm thì đủ rồi.
- Thì tôi cũng đã bảo cô ấy thế. - Bà Aurélie tuyên bố.
- Nhưng cô ấy cứ nhất định đòi giúp một tay.
Tất cả các cô đều vồn vã xúm quanh Denise. Công việc đình lại. Họ chúc mừng cô, họ xuýt xoa nghe chuyện Denise bị trật gân. Cuối cùng, bà Aurélie để cô ngồi trước một chiếc bàn, và họ nhất định để cô chỉ việc ghi những hàng được xướng lên. Vả lại ngày Chủ nhật kiểm kê người ta trưng dụng tất cả những nhân viên có khả năng cầm bút: những viên thanh tra, tất cả những thư ký sổ sách, cho đến nhân viên phục vụ cửa hàng; rồi các gian hàng chia nhau số phụ tá tạm thời đó để mau chóng hoàn thành công việc. Vì vậy Denise được xếp gần lão thủ quỹ Lhomme và anh phục vụ Joseph.
- Năm măng-tô dạ, có lông thú, cỡ ba, giá hai trăm bốn mươi! - Marguerite xướng lên - Bốn như trên; cỡ một, giá hai trăm hai mươi! Công việc lại tiếp tục.
Đàng sau Marguerite, ba nhân viên bán hàng dỡ các tủ, phân loại hàng, chuyển cho cô ta từng gói; và khi cô đã xướng, cô ném hàng lên những chiếc bàn dần dần chất thành chồng lớn. Lhomme ghi, Joseph làm bảng mục khác để kiểm soát. Trong khi đó, về phía bà Aurélie có ba cô bán hàng giúp việc, bà đếm những quần áo lụa, mà Denise ghi lên giấy. Clara thì giữ việc coi giữ các đóng hàng, xếp ra và chồng lên cho đỡ tốn chỗ, theo dọc các bàn. Nhưng cô ta làm cũng chẳng xong, có những chồng đã đổ xuống rồi.
- Này, - Cô ta hỏi một cô bán hàng bé nhỏ mới vào làm từ mùa đông - họ có tăng lương cho cô không?... Cô biết đấy, họ sắp tăng lương quầy hàng phó lên hai nghìn, như thế với tiền lãi nữa thì lên đến ngót bảy nghìn.
Cô bán hàng bé nhỏ, vẫn không ngừng chuyển những măng-tô, trả lời rằng nếu họ không trả cho cô ta tám trăm phrăng thì cô ta phới. Việc tăng lương đã định vào sau ngày kiểm kê, đó cũng là lúc mà, doanh số thực hiện trong năm đã được biết, các gian hàng trưởng được hưởng lãi về doanh số tăng so với năm trước. Vì vậy, mặc dầu công việc ồn ào và lộn xộn, người ta vẫn hăng hái bàn ra tán vào. Giữa những tiếng xướng hàng, người ta chỉ nói chuyện tiền bạc. Có tin đồn bà Aurélie sẽ lĩnh trên hai nhăm nghìn phrăng và một số tiền như thế kích động mạnh nhiều cô bán hàng. Marguerite, người bán hàng giỏi nhất sau Denise được lĩnh bốn nghìn năm trăm phrăng, một nghìn năm trăm lương cố định và khoảng ba nghìn về khoản phần trăm; còn Clara thì cả thảy không tới hai nghìn năm trăm phrăng.
- Tớ thì tớ cóc cần tăng lương của họ! - Cô này lại nói với cô bé nhỏ - Nếu ông bố mà trăm tuổi thì tớ xin kiếu... Nhưng có điều làm tớ cáu tiết là cái ngữ nửa người nửa ngợm kia mà lĩnh bảy nghìn phrăng. Cô nghĩ thế nào, hả?
Bà Aurélie hầm hầm ngắt chuyện. Bà quay lại với vẻ kiêu kỳ:
- Các cô ơi, hãy im đi! - Chẳng ai bảo được ai đâu, lời danh dự.
Rồi bà lại tiếp tục xướng:
- Bảy áo choàng kiểu cũ. Sicile [2], cỡ một, giá trăm ba mươi!... Ba áo mền bông, lụa surah, cỡ hai, giá trăm năm mươi!... Xong chưa, cô Baudu?
- Thưa bà, xong...
Bấy giờ Clara phải trông đến những ôm quần áo chồng chất trên cái bàn. Cô ta đẩy lui, dọn lấy chỗ. Nhưng chẳng mấy lúc cô ta lại bỏ đấy để chuyện trò với một tay bán hàng đến tìm cô. Đó là gã bán hàng Mignot, trốn bỏ gian hàng của hắn. Hắn thì thầm hỏi vay hai mươi phrăng, hắn đã nợ cô ta ba mươi phrăng, vay sau ngày thi ngựa đã đánh cá ngựa mất cả lương một tuần lần này hắn đã ăn trước vào tiền hoa hồng lĩnh hôm qua nên chẳng còn đến mười xu tiêu ngày Chủ nhật. Clara chỉ còn trong mình mười phrăng mà cô ta cũng vui vẻ cho vay. Và họ chuyện trò, họ nói đến một cuộc vui sáu người đã tổ chức tại một khách sạn ở Bougival, trong đó có các phụ nữ đã góp tiền; như vậy, tốt hơn, ai nấy đều thoải mái. Sau đó, Mignot, muốn có đủ hai mươi phrăng, tới rỉ tai Lhomme. Lão ta đang viết phải ngừng lại, có vẻ rất bối rối. Nhưng lão không dám từ chối, lão tìm trong ví lấy mười phrăng lúc đó bà Aurélie, ngạc nhiên vì không nghe thấy tiếng Marguerite, cô này phải ngừng lại, bà bắt gặp Mignot và hiểu ra. Bà liền tàn nhẫn đuổi anh chàng về gian hàng của mình, bà không cần người đến để làm sao nhãng các cô bán hàng. Sự thật là bà gờm chàng trai, bạn thân của Albert con bà, kẻ đồng lõa trong những trò man trá mà bà lo sẽ kết thúc không hay một ngày nào đó. Vì vậy, khi Mignot cầm lấy mười phrăng và bỏ đi, bà không chịu được, bảo chồng:
- Sao ông lại dễ bị lừa phỉnh như vậy!
- Thì bà tính, tôi thật không thể từ chối gã ấy được...
Bà ta nhún hai vai lực lưỡng của bà để bịt miệng ông ta. Rồi thấy các cô bán hàng thích thú ngầm vì câu chuyện phân bua gia đình, bà ta lại nghiêm nghị tiếp tục:
- Nào cô Vadon, khéo lại ngủ bây giờ.
- Hai mươi bành tô, lót cachemire, cỡ bốn, giá mười tám phrăng năm mươi! - Cô Marguerite lại véo von xướng lên.
Lhomme lại cúi đầu viết. Dần dà người ta cũng đã nâng lương của lão lên tới chín nghìn phrăng, và lão vẫn khúm núm trước bà Aurélie, bà ta bao giờ cũng góp gần gấp ba vào tiền tiêu cho gia đình.
Trong một lúc công việc tiến hành đều. Những con số văng ra, những gói quần áo ào ào rơi mạnh xuống các bàn. Nhưng rồi Clara bầy ra một trò tiêu khiển khác: cô ta trêu chọc gã phục vụ Joseph, về một mối tình mà người ta gán cho hắn với một cô làm ở phòng mẫu hàng. Cô ấy đã hai mươi tám tuổi, gầy và xanh, là người được bà Desforges che chở, bà đã đề nghị với Mouret cho cô ta vào làm nhân viên bán hàng, vừa kể anh nghe một chuyện cảm động: một cô gái mồ côi, người cuối cùng của dòng họ Fontenailles, một dòng quý tộc kỳ cựu ở Poitou, đến ngụ ở Paris cùng với một ông bố nghiện rượu, cô ta vẫn sống lương thiện trong cảnh thất thế, chỉ mỗi tội học hành còn sơ sài quá không thể làm cô giáo hay dạy dương cầm. Mouret thường bất bình khi người ta giới thiệu với anh những cô gái nhà quý tộc mà nghèo; anh nói, không có hạng người nào bất lực hơn, khó chịu hơn, đầu óc sai lệch hơn; vả lại, không thể nhất đán mà làm nhân viên bán hàng được, phải có tập sự, đó là một nghề phức tạp và tế nhi. Tuy nhiên, anh vẫn nhận người được bà Desforges che chở, anh chỉ cho vào làm ở phòng mẫu hàng, cũng như, để chiều lòng hai người bạn, anh nhận hai bà bá tước và một bà nam tước vào phòng quảng cáo, cho họ làm băng và phong bì. Cô De Fontenailles lĩnh ba phrăng một ngày vừa đủ để sống trong một căn phòng nhỏ phố D’Argenteuil. Joseph, vốn tính thương người dưới cái vẻ cứng đơ ít nói của một cựu binh, thấy cô ta buồn rầu, ăn mặc tiều tụy, thì rốt cuộc đâm ra động lòng. Anh không nói ra, nhưng đỏ mặt lên khi các cô ở gian hàng may sẵn trêu chọc; vì phòng mẫu hàng ở một buồng bên cạnh gian hàng và các cô thường thấy anh ta luôn luôn lảng vảng trước cửa.
- Joseph luôn luôn đãng trí - Clara nói khẽ - Anh ta chõ mũi về phía quầy đồ lót.
Người ta đã trưng dụng cô De Fontenailles sang giúp việc kiểm kê ở quầy hành trang. Và quả thật anh chàng luôn liếc mắt về phía đó, cho nên các cô bán hàng ngả ra cười. Anh ta đâm bối rối cắm đầu vào giấy tờ, còn Marguerite thì, sợ lây vui mà bật cười, phải xướng lên to hơn.
- Mười bốn áo jaquette dạ Ănglê, cỡ hai, giá mười lăm phrăng.
Lập tức bà Aurélie đang xướng áo măng-tô tròn, bị lấp tiếng. Vì mếch lòng, bà nói chậm rãi mà oai nghiêm:
- Khẽ một chút, cô ơi. Mình chẳng phải là ở ngoài chợ... Mà các cô thật ít biết điều, đùa cợt như trẻ con khi mà thì giờ đang rất quý.
Vừa lúc đó, vì Clara không nhìn đến các gói hàng nữa, một tai họa xảy ra. Những áo măng-tô đổ xuống, tất cả đống trên bàn đổ theo chồng chất lên nhau, cả mặt thảm bừa bãi:
- Đó, tôi đã bảo mà! - Bà quầy hàng trưởng nổi xung la lên - Cô Prunaire, hãy chú ý một chút, thật đến là khó chịu.
Nhưng một gợn rung động lướt tới: Mouret và Bourdoncle đang đi kiểm tra và xuất hiện. Lời xướng lại tiếp tục, ngòi bút nghiến trên giấy, còn Clara thì hấp tấp nhặt quần áo lên. Ông chủ không làm ngừng công việc. Anh đứng ở đó mấy phút, câm lặng, tươi cười, duy cặp môi anh hơi run vì nhiệt tình, trên bộ mặt vui và đắc thắng của những ngày kiểm kê. Khi anh bắt gặp Denise thì xuýt nữa anh để lọt ra một cử chỉ ngạc nhiên. Thì ra cô ấy đã xuống? Mắt anh bắt gặp mắt bà Aurélie. Rồi, sau một chút lưỡng lự, anh bỏ đi, vào quầy hành trang.
Khi đó Denise, thấy có chút ồn ào thì ngẩng đầu lên. Và, sau khi nhận ra Mouret, cô lại cúi đầu xuống giấy như thường. Từ lúc cô viết, tay như máy, giữa lời xướng hàng đều đều, cô đã nguôi đi dần dần. Bao giờ cũng vậy, cô mềm lòng lúc đầu vì quá xúc động, nước mắt làm nghẹn ngào, mối tình càng làm tăng nỗi đau khổ; nhưng rồi, cô trở lại đúng mực, thấy lại lòng can đảm bình tĩnh cao quý, sức mạnh của ý chí dịu dàng mà kiên quyết. Bây giờ, con mắt trong sáng, nước da xanh nhợt, cô không chút run rẩy, toàn tâm trong công việc, nhất quyết nén lòng và chỉ làm theo ý muốn.
Đã mười giờ, tiếng ồn ào kiểm kê dâng lên trong cảnh hỗn độn của các gian hàng. Và trong những tiếng la văng ra liên tục, đan chéo ra khắp nơi, cái tin đó lan ra nhanh lạ lùng: mỗi nhân viên bán hàng đều đã biết lúc sáng Mouret viết thư cho Denise mời ăn chiều. Chính là Pauline để hở ra. Khi trở xuống, còn đang bị xúc động, cô ta gặp Deloche ở quầy đăng-ten, và không để ý cô Liénard đang nói chuyện với chàng trai, cố nói ra cho nhẹ lòng.
- Thế là xong, anh bạn à... Cô ấy vừa nhận được thư. Ông ta mời ăn chiều.
Deloche tái mặt. Anh ta đã hiểu, vì anh ta vẫn thường hỏi Pauline, hàng ngày cả hai người chuyện trò về cô bạn chung, về mối tình đột ngột của Mouret, về cuộc mời ăn khét tiếng cuối cùng sẽ mở nút cho câu chuyện. Vả chăng cô ta thường quở chàng trai âm thầm yêu Denise và anh sẽ chẳng bao giờ được gì, và cô nhún vai khi anh tán thành cô gái cưỡng lại ông chủ.
- Chân cô ấy đỡ rồi, cô ấy sẽ xuống - Cô ta tiếp tục nói... - Đừng có làm cái bộ mặt đám ma ấy... Đó là một điều may cho cô ấy, nó phải đến.
Và cô ta vội quay trở lại gian hàng mình.
- A ha! Thế đấy... - Liénard đã nghe chuyện, khẽ nói - Ra là cái cô bị trật gân. Thế thì cô ta vội bỏ đi là phải, chiều hôm qua cậu đã bênh vực cô kia ở hiệu cà-phê mà!
Đến lượt hắn cũng bỏ đi, nhưng khi hắn trở về quầy len thì hắn đã kể chuyện bức thư cho bốn năm tay bán hàng. Thế là từ đó, không đầy mười phút, câu chuyện vừa đi vòng quanh khắp cửa hàng.
Câu nói cuối cùng của Liénard nhắc lại một cảnh xảy ra hôm trước ở quán cà-phê Saint Roch. Bây giờ thì hắn và Deloche không rời nhau ra nữa. Deloche đã lấy buồng của Hutin ở khách sạn Smyrne, khi tay này được lên chức quầy hàng phó liền thuê một căn nhà nhà ba buồng, và hai anh chàng sáng cùng đi tới hiệu Hạnh phúc, chiều đợi nhau để cùng về. Buồng của họ, ở kề liền nhau, cùng nhìn xuống một cái sân tối om, một cái giếng hẹp mùi hôi hám làm chết ngạt cả khách sạn. Họ ăn ý nhau tuy có chỗ khác nhau, một anh thì vô lo ngốn tiền của ông bố, anh kia thì không xu, day dứt lo chuyện tiết kiệm, tuy nhiên họ cùng có chung một điểm là bán hàng vụng về cho nên lay lứt ở quầy hàng mà không được tăng lương. Sau khi ra khỏi cửa hàng, phần lớn thời gian họ sống ở quán cà-phê Saint Roch. Quán này ban ngày thì vắng teo, nhưng cứ khoảng tám giờ rưỡi thì chật vì cả đám nhân viên cửa hàng tràn vào, sau khi họ rời khỏi cái cửa cao ở quảng trường Gaillon. Bấy giờ thì ầm ĩ, tiếng đánh bài cẩu, tiếng cười, tiếng nói the thé, giữa thuốc lá đốt khói mù. Bia và cà-phê tràn trề. Ở góc tay trái, Liénard gọi những món đắt tiền, còn Deloche thì bằng lòng với một cốc để uống suốt bốn tiếng đồng hồ. Chính tại nơi đó hắn đã nghe thấy Favier nói xấu Denise, ở một bàn bên cạnh, anh ta kể cái cách Denise “õng ẹo” với ông chủ, cô ta vén váy lên khi leo cầu thang trước mặt ông ta. Ông ta nhịn mà không vả vào mặt cô. Rồi, thấy anh ta tiếp tục, nói rằng đêm đêm cô bé lại mò xuống với nhân tình hắn nổi khùng bảo anh ta là nói điêu.
- Đồ đê tiện.... Hắn nói điêu, nói điêu, cậu nghe không!
Và, trong cơn xúc động mạnh hắn bộc lộ những lời tự thú, giọng nói lắp bắp, bầy tỏ nỗi lòng:
- Tớ biết cô ấy, tớ biết rõ... Cả đời cô ấy chỉ yêu mỗi một người: yêu ông Hutin, thật đấy, thế mà ông này không biết, đến mức ông này cũng chẳng có thể khoe rằng đã đụng tới cô ấy mảy may nào.
Câu chuyện và cuộc cãi lộn đó được phóng đại, xuyên tạc, đã mua vui cho cửa hàng, thì bỗng chuyện bức thư của Mouret truyền đi. Thoạt tiên, chính là Liénard kể tin đó cho một anh bán tơ lụa. Ở gian hàng tơ lụa, việc kiểm kê tiến hành thuận lợi. Favier và hai viên thư ký, đứng trên những ghế đẩu, lôi trong các ngăn ra những tấm vải và chuyển dần cho Hutin, tay này đứng trên giữa một chiếc bàn, xướng những con số, sau khi tra các nhãn hiệu, rồi ném những tấm vải xuống đất, sàn nhà dần dần bừa bộn như bị một làn nước triều mùa thu dâng tràn. Những nhân viên khác ngồi viết, Albert Lhomme giúp họ, mặt hắn nhợt nhạt vì một đêm trắng khiêu vũ ở quán Saplo. Một làn nắng rọi vào qua lớp kính ở gian lớn, để lộ ra nền trời xanh oi ả.
- Hãy kéo mành xuống! - Bouthemont la lên, anh ta đang bận rộn trông nom công việc - Trời nắng khó chịu quá!
Favier đang kiễng lên để với một tấm vải, giọng khàn khàn càu nhàu:
- Phép nào nhốt thiên hạ lại lúc trời đẹp như thế này! Một ngày kiểm kê, không lo mưa!... Mà họ khóa bọn này lại như bọn tù, khi cả Paris dạo chơi!
Anh ta chuyển tấn vải cho Hutin. Trên nhãn hiệu đã ghi số thước, mỗi lần bán đã trừ số bán đi, thành ra công việc nhẹ đi nhiều. Viên quầy hàng phó xướng:
- Lụa tân kỳ, carô nhỏ, hăm mốt thước, giá sáu phrăng năm mươi!
Và tấm lụa ném xuống làm đống hàng dưới đất đầy thêm. Rồi, anh ta tiếp tục câu chuyện bỏ dở, hỏi Favier:
- Thế hắn định đánh cậu à?
- Thì đúng thế. Mình vẫn thản nhiên uống bốc... Vạ gì mà phải cãi lại, con bé vừa nhận được thư của ông chủ mời ăn chiều... Cả lò này sai bét.
- Sao? Thế ra chưa chuyện gì!
Favier lai chìa cho hắn một tấm khác.
- Thế mà ai cũng nói chắc, phải không? Cứ như là chuyện tằng tịu đã từ lâu rồi.
- Như trên, hai nhăm thước! - Hutin xướng.
Người ta nghe tiếng tấm vải rơi phịch, trong khi anh ta hạ giọng nói thêm:
- Cậu biết không, cô ta đã kiếm sống ở nhà lão Bourras hâm ấy.
Bây giờ thì cả gian hàng nhộn lên mà công việc vẫn không ngừng lại. Họ thì thầm nhắc tên cô gái, họ gò lưng lại, họ hếch mũi lên. Ngay Bouthemont, phớn phở vì những chuyện tục, cũng không kiếm được một lời bông đùa cợt nhả khiến anh ta khoái trí, Albert, sực tỉnh, cam đoan đã trông thấy cô quầy hàng phó may sẵn đi giữa hai tay nhà binh, ở Gros Caillou. Lúc đó Mignot xuống với hai mươi phrăng vừa vay được, và hắn dừng lại, vừa tuồn cho Albert mươi phrăng vừa hẹn nơi gặp nhau buổi chiều, một cuộc nhậu nhẹt dự định, bị ngăn trở vì thiếu tiền, nhưng rồi cũng thực hiện được, mặc dầu số tiền ít ỏi. Nhưng gã Mignot xinh trai, khi nghe thấy chuyện gửi bức thư, thốt ra một lời quá tục tĩu đến nỗi Bouthemont thấy phải can thiệp.
- Thôi đủ rồi, các cha ơi. Không việc gì đến các cha... Làm đi, làm đi, kìa ông Hutin.
- Lụa tân kỳ, carô nhỏ, ba hai thước, giá năm phrăng năm mươi! - Anh này xướng.
Những bút lại ghi, những gói hàng rơi xuống đều đều, làn sóng vải dâng cao mãi, y như nước một con sông đổ vào. Lụa tân kỳ được xướng lên không dứt. Favier nói nhỏ, nhận xét rằng lụa trữ ra trò; ban giám đốc sẽ vui lòng, cha Bouthemont lỗ mãng ấy có lẽ là tay buôn cừ nhất Paris, nhưng với tư cách người bán hàng thì chưa thấy cái gì tồi hơn thế. Hutin mỉm cười, hớn hở, đưa mắt thân thiện tán thành, là vì, trước kia, sau khi chính bản thân hắn đưa Bouthemont vào hiệu Hạnh phúc các bà, để tống Robineau đi, thì bây giờ đến lượt hắn mưu bẫy anh này, với mục đích ngang ngạnh chiếm chỗ của anh ta. Vẫn lại cuộc vật lộn như xưa kia, những lời bóng gió hiểm độc rỉ vào tai các thủ trưởng, những việc làm quá hăng để tâng công, cả một chiến dịch tiến hành với mưu thâm hòa nhã. Song, Favier, mà Hutin lại tỏ vẻ chiếu cố, nhìn trộm hắn ta, người gầy gò mà lạnh lùng, nỗi âu lo trên mặt, cứ như anh ta đếm từng miếng ăn của con người lùn mập kia, với cái vẻ chờ đợi anh bạn nhai. Bouthemont để rồi mình nhai hắn. Anh ta hy vọng được cái chức quầy phó khi nào tay kia lên chức quầy hàng trưởng. Rồi sau sẽ hay. Và cả hai, bị lây cơn sốt đang lan từ đầu đến cuối cửa hàng, nói chuyện tăng lương sắp tới trong khi tiếp tục kiểm kê số lụa tân kỳ dự trữ họ dự đoán lương Bouthemont năm đó sẽ tới ba mươi nghìn; Hutin sẽ lĩnh hơn mười nghìn, Favier ước lượng cả lương cố định và khoản phần trăm đạt năm nghìn năm trăm. Mỗi vụ, công việc quầy hàng tăng lên, nhân viên bán hàng lên bậc và lương tăng gấp đôi, y như các sĩ quan thời chiến.
- Ái chà! Thứ lụa còm ấy vẫn chưa hết ư? - Bouthemont đột nhiên nói, vẻ bực bội - Thế mà cái mùa xuân phải gió gì chỉ mưa là mưa! Người ta rặt mua lụa đen.
Bộ mặt cười cười to bè của anh ta đâm ủ ê, anh nhìn đống lụa lan rộng ở dưới đất, trong khi đó Hutin giọng oang oang, càng lớn tiếng lắp lại, vẻ đắc thắng:
- Lụa tân kỳ, carô nhỏ, hai tám thước, giá sáu phrăng năm mươi.
Vẫn còn cả một ngăn nữa. Favier; tay rụng rời, làm thủng thẳng. Nhưng anh ta vẫn làm, và lúc chuyển cho Hutin những tấm cuối cùng, anh ta lại tiếp tục hỏi khẽ:
- Này, tớ quên... Người ta có kể với cậu chuyện cô quầy phó may sẵn đã có lần cao hứng về cậu không?
Chàng trai có vẻ rất ngạc nhiên.
- Ủa! Thế nào nhỉ?
- Thật đấy, chính cái thằng Deloche ngộc nghệch ấy đã tâm sự với bọn mình... Tớ còn nhớ, trước đây, khi cô ta cứ lấm la lấm lét nhìn cậu.
Từ ngày lên chúc quầy phó, Hutin bỏ cái món nữ ca sĩ quán cà-phê ca nhạc [3] rồi và hắn khoe những cô giáo. Hắn rất khoái, nhưng lại trả lời ra vẻ khinh thị:
- Tớ thì ưa cái món đẫy đà hơn kia, anh bạn ạ, vả lại chẳng phải bạ ai tớ cũng theo, như ông chủ.
Hắn ngừng lời để xướng:
- Lụa cát trắng, ba nhăm thước, giá tám phrăng bảy nhăm!
- A ha! Hết rồi! - Bouthemont nhẹ lòng lẩm bẩm.
Nhưng một tiếng chuông điểm, đến lượt ăn thứ hai, có Favier. Anh ta bước từ ghế đẩu xuống, một nhân viên bán hàng khác lên thay; và anh ta phải bước qua cả làn sóng lụa vẫn dâng cao trên sàn nhà. Bây giờ, ở khắp mọi gian hàng, các đống hàng sập đổ như vậy ngổn ngang trên đất; những ngăn; những hộp cactông; những tủ rỗng dần, các hàng hóa thì tràn ngập khắp nơi, ở dưới chân, giữa những bàn, trong cơn lũ liên tục. Ở gian đồ trắng, có tiếng thình thịch của những chồng chúc bâu đổ xuống, gian tạp hóa thì tiếng loảng xoảng nhẹ của những hộp và có tiếng ầm xa xa từ quầy đồ đạc. Mọi thứ giọng hòa với nhau, giọng the thé, giọng ồm ồm, những con số rít lên trong không khí, một tiếng ồn xôn xao rung cả gian buồng mênh mông như giáo đường, tiếng ồn của rừng tháng Giêng, khi gió luồn qua các cành cây.
Favier cuối cùng ra thoát và leo cầu thang đến phòng ăn. Từ khi hiệu Hạnh phúc các bà mở rộng thì các buồng ăn đặt ở gác tư, trong những tòa nhà mới. Vì đi mau, anh ta theo kịp Deloche và Liénard lên trước anh ta; thế là anh ta quay lại đi với Mignot ở đằng sau.
- Quỷ quái! - Anh ta nói trong hành lang nhà bếp, trước chiếc bảng đen ghi thực đơn - Rõ là kiểm kê. Thật linh đình! Gà tơ hay đùi cừu thái mỏng và actisô trộn dầu! Món đùi cừu của họ cứ gọi là nhão!
Mignot vừa cười nhạo vừa lẩm bẩm:
- Thế thì gà có bệnh chắc?
Bấy giờ Deloche và Liénard đã lấy khẩu phần của họ rồi bỏ đi. Favier liền cúi xuống cửa ló nói thật to:
- Gà tơ.
Nhưng anh ta phải đợi, một nhân viên phục vụ thái thịt vừa bị đứt tay, thế là đâm ra bối rối. Anh ta vẫn ghé mặt vào lỗ cửa, nhìn nhà bếp được thiết bị đồ sộ, với bếp lò chính giữa trên đó hai đường rầy đóng vào trần, do hệ thống ròng rọc và dây xích, dẫn tới những chiếc nồi khổng lồ mà bốn người không nhấc nổi. Những tay nhà bếp, mặc đồ trắng bốp trong ánh đỏ sẫm của gang, đang trông món xúp buổi chiều, họ đứng trên những thang sắt, cầm những môi hớt bọt có cán dài to tướng. Rồi, bên tường là những vỉ nướng thịt khả dĩ nướng được cả người, những xoong trộn cả một con cừu, một máy hong bát đĩa đồ sộ, một chậu đá hoa có vòi nước chảy đều. Và, phía bên trái là nơi rửa ráy với những thùng rửa bát bằng đá rộng như bể tắm, còn bên phải là một chạn ăn, nhìn thoáng qua thấy những súc thịt tươi xiên vào những móc thép. Một chiếc máy gọt khoai tây chạy kêu tích tắc như cối xay. Hai chiếc xe nhỏ, đầy xà lách đã nhặt, do hai phụ bếp kéo đưa đi tưới cho tươi dưới một vòi nước.
- Gà tơ. - Favier sốt ruột nhắc.
Rồi quay lại, anh ta nói khẽ thêm:
- Có một gã bị đứt tay... Thật là tởm, máu chảy cả vào thức ăn.
Mignot muốn xem. Cả một dãy nối đuôi những viên thư ký mỗi lúc một đông, có tiếng cười, tiếng xô nhau. Và bây giờ hai chàng trai, thò đầu qua cửa ló, trao đổi ý kiến trước gian nhà bếp tập thể, ở đó bất cứ dụng cụ gì cho đến cái tiêm, cái xiên thịt cũng trở thành to cực kỳ. Nơi đây phải phục vụ hai nghìn suất ăn sáng và hai nghìn suất ăn chiều, chưa nói là số nhân viên cứ tăng lên hàng tuần. Quả là một vực thẳm, ở đó mỗi ngày người ta ngốn một nghìn sáu trăm lít khoai tây, một trăm hai mươi cân bơ, sáu trăm kilô thịt, và mỗi bữa ăn, phải dùi ba tônô rượu, ngót bảy trăm lít rót ra ở quầy giải khát.
- A ha! Xong rồi! - Favier nói khẽ, khi tay nhà bếp phục vụ trở lại với một cái chậu và xiên một đùi gà cho anh ta.
- Gà tơ! - Mignot nói đằng sau.
Và cả hai cầm đĩa, mang vào phòng ăn sau khi lấy phần rượu ở quầy rượu. Trong lúc đó, sau lưng họ, tiếng “gà tơ” vẳng ra liên tục, đều đặn và nghe tiếng nỉa của anh nhà bếp khẽ xiên thịt, mau lẹ và nhịp nhàng.
Bây giờ phòng ăn của thư ký là một buồng rộng thênh thang, ở đó năm trăm người ăn mỗi một trong ba lớp ngồi thoải mái. Người ăn xếp dọc theo những bàn gỗ đào hoa tâm dài kê song hàng theo chiều rộng của gian buồng; ở hai đầu buồng, những bàn y như thế dành cho các viên thanh tra và gian hàng trưởng, và ở khoảng giữa có quầy bán món ăn phụ. Những cửa sổ rộng, bên phải và bên trái, để lọt vào gian buồng một ánh sáng trắng; trần nhà, mặc dầu cao bốn thước, có vẻ thấp, bẹp gí vì những chiều khác phát triển quá mức. Trên các bức tường, sơn dầu màu vàng nhạt, những ô để khăn mặt là đồ trang trí duy nhất. Tiếp theo phòng ăn thứ nhất này là phòng ăn của nhân viên phục dịch cửa hàng và người đánh xe, ở đó các bữa ăn phục vụ không đều, tùy theo nhu cầu của công việc.
- Sao, Mignot, cậu cũng được một đùi. - Favier nói, khi ngồi vào bàn, trước mặt bạn.
Những viên thư ký khác ngồi xung quanh họ. Không có khăn trải bàn, đĩa chạm vào gỗ đào hoa tâm thành tiếng rạn; và hết thảy mọi người trong buồng reo lên, vì số đùi gà thật lớn.
- Lại thế nữa, gà chỉ có chân! - Mignot nhận xét.
Mấy anh vớ phải những miếng mình gà cáu tiết. Thế nhưng ăn uống đã cải thiện hơn nhiều từ khi sửa sang cửa hàng. Mouret không dùng một tay thầu khoán để chi một số tiền cố định nữa, anh tự mình chỉ đạo cả nhà bếp, tổ chức thành một dịch vụ như một gian hàng, có một trưởng và nhiều phó phòng, một thanh tra; và nếu anh bỏ thêm tiền ra thì công việc chạy hơn, và nhân viên được bồi dưỡng tốt hơn, sự tính toán một cách nhân đạo thực tiễn đó khiến Bourdoncle kinh ngạc mãi.
- Này, miếng của mình cũng mềm thôi. - Mignot lại nói - Đưa mình cái bánh!
Chiếc bánh to đi vòng quanh, và hắn là người cuối cùng cắt lấy một lát, xong hắn lại cắm dao vào cùi bánh. Những kẻ đến chậm nhập vào hàng người, một cơn đói dữ, tăng gấp đôi vì công việc buổi sáng, lan suốt các bàn dài, từ đầu này tới đầu kia buồng ăn. Tiếng nỉa loảng xoảng thêm, tiếng chai rót rượu ùng ục, tiếng cốc đặt mạnh xuống bàn, tiếng nghiến của năm trăm hàm răng vững chãi năng nổ nhai. Và tiếng nói, còn thưa thót, tắc nghẹn trong những miệng nhồm nhoàm.
Deloche lúc đó ngồi giữa Baugé và Liénard, hầu như đối diện với Favier, cách nhau vài chỗ. Cả hai hằn thù lườm nhau. Những người ngồi bên xì xào, vì họ biết chuyện hai anh cãi nhau hôm trước. Rồi họ cười về chuyện rủi của Deloche, lúc nào cũng háu đói, mà khi nào cũng vớ phải miếng tồi nhất, cứ như vì số phận hẩm hiu. Lần này anh ta vừa mang về một cổ gà và một mảnh sườn. Lặng lẽ, mặc cho người ta đùa rỡn, hắn vừa nhồm nhoàm những miếng bánh tướng, vừa nhằn cổ gà với nghệ thuật điêu luyện của anh chàng biết tôn trọng miếng thịt.
- Tại sao cậu không kêu lên? - Baugé bảo anh ta.
Nhưng hắn nhún vai. Để làm gì? Cái đó chẳng bao giờ có lợi cả khi nào anh ta không cam chịu thì sự việc càng tồi tệ hơn.
- Các cậu biết không, bọn bobinard [4] bây giờ có câu-lạc-bộ rồi - Mignot đột nhiên kể - Thật đấy, câu lạc bộ Bobin... Họ họp tại nhà một tay bán rượu vang phố Saint Honoré, hắn cho họ thuê một buồng, vào ngày thứ Bảy.
Anh ta nói về những người bán hàng tạp hóa. Thế là cả bàn nhộn lên. Giữa hai miếng ăn, giọng nói nhầy nhụa, mỗi người nói một lời, thêm một chi tiết, duy chỉ có những tay đọc báo ngoan ngạnh vẫn câm lặng, mất hồn, chúi mũi vào tờ báo. Người ta đồng ý: mỗi năm, nhân viên thương nghiệp sống ra trò hơn. Gần một nửa bây giờ biết tiếng Đức hay tiếng Anh. Lịch sự không còn ở chỗ đi làm nhộn ở Bullier, lui tới các quán cà-phê ca nhạc để huýt sáo mấy cô ca sĩ xấu nữa. Không, người ta tập họp vài chục người, người ta lập câu lạc bộ.
- Họ có dương cầm như bọn bán vải không? - Liénard hỏi.
- Có, câu lạc bộ Bobin có một chiếc dương cầm, tôi chắc thế! - Mignot la lên - Và họ chơi, và họ hát!... Có cả một gã, thằng oắt Bavoux, ngâm thơ.
Họ lại càng nhộn, họ tán dóc về tay oắt Bavoux, tuy nhiên, trong những tiếng cười có niềm kính trọng lớn. Rồi người ta chuyện trò về một vở của rạp Vaudeville, ở đó có một tay bán vải sắm một vai đê tiện; Nhiều người lấy làm bực trong khi một số khác lo lắng về giờ buổi chiều, vì họ phải đi dự cuộc vui buổi tối ở những gia đình tư sản. Và ở khắp nơi trong gian buồng thênh thang, diễn ra những cuộc bàn tán như thế, trong tiếng ồn càng ngày càng lớn của bát dĩa. Để xua hơi đồ ăn, cái hơi nóng từ năm trăm đĩa ăn bày loạn xạ bốc lên, người ta đã mở các cửa sổ, các mành hạ xuống nóng bỏng cái oi bức của mặt trời tháng Tám. Những luồng gió từ ngoài phố thổi vào, những ánh vàng rọi chiếu trên trần, tỏa ánh sáng đỏ hoe như tắm người ăn ướt đẫm.
- Ai cho phép họ nhốt anh một ngày Chủ nhật, trời đẹp thế này! - Favier lặp lại.
Ý nghĩ đó dẫn các vị ấy trở lại kiểm kê. Năm vừa qua thật tuyệt vời. Và họ trở lại vấn đề lương bổng, tăng lương, đề tài muôn thuở, vấn đề mê mệt lay động hết thảy mọi người. Những ngày thịt gà thì lần nào cũng thế, mọi người bị kích động, tiếng ồn ào rốt cuộc trở thành khó chịu. Khi nhân viên phục vụ bưng artisô ra thì chẳng còn ai nghe thấy ai. Viên thanh tra làm nhiệm vụ được lệnh phải khoan nhượng.
- À này, - Favier la lên - cậu có biết chuyện không?
Nhưng tiếng nói của hắn bị lấp đi. Mignot hỏi:
- Có ai không ưa artisô không nào? Tớ đổi tráng miệng lấy artisô đây.
Chẳng ai đáp. Mọi người đều thích artisô. Bữa ăn này được xem là một trong những bữa ăn ngon, vì người ta đã thấy được tráng miệng bằng đào.
- Ông ta đã mời cô ả ăn chiều, anh bạn ạ. - Favier nói với tay ngồi bên cạnh, để kết thúc câu chuyện... - Sao, cậu không biết à?
Cả bàn đều đã biết, từ sáng đến giờ nói chuyện đó đã mệt. Và những lời đùa cợt, vẫn những lời ấy, lại từng miệng truyền đi. Deloche rợn mình, cuối cùng mắt hắn nhìn Favier chòng chọc, tay này lải nhải nhắc lại:
- Nếu ông ta chưa chiếm được cô ả thì ông ta sắp chiếm được... Nhưng ông ta không phải là người đầu tiên đâu nhé, a ha! Không, ông ta không phải người đầu tiên.
Anh ta cũng nhìn Deloche. Anh ta nói thêm với vẻ khiêu khích:
- Những thằng nào thích nhai xương có thể trả trăm xu để chiếm được cô ta.
Đột nhiên, anh ta cúi đầu xuống. Deloche không nhịn được, vừa hắt cốc rượu cuối cùng vào mặt anh ta vừa lắp bắp:
- Này, quân điêu toa đê tiện, đáng lẽ tao đã giội mày từ hôm qua kia rồi.
Thật là chuyện bậy bạ. Vài giọt nước bắn vào những người bên cạnh Favier, còn anh này thì chỉ bị ướt tóc một chút; rượu hất mạnh quá, té vào phía bên kia bàn. Nhưng họ tức giận. Thế hắn đã ngủ với cô ấy hay sao mà bênh cô ấy đến thế? Đồ súc vật! Đáng phải cho hắn hai cái tát để dạy hắn cách cư xử. Tuy nhiên, họ hạ giọng, có người báo viên thanh tra đến gần, và chẳng cần để ban giám đốc xen vào cuộc cãi lộn. Favier đành chỉ nói:
- Nó mà hất trúng tớ thì các cậu sẽ coi tớ cho ăn đòn!
Rồi câu chuyện kết thúc bằng những lời nhạo báng. Khi Deloche, người còn run, muốn uống để nguôi cơn bối rối, tay run run cầm lấy chiếc cốc rỗng không thì tiếng cười lan rộng. Hắn vụng về đặt cốc xuống, ngồi mút lá artisô mà hắn đã ăn rồi.
- Hãy đưa bình nước cho Deloche - Mignot thản nhiên nói - Hắn khát đấy.
Tiếng cười lại rộ lên. Các vị bấy giờ lấy đĩa sạch ở những chồng đĩa để cách quãng trên bàn; trong lúc nhân viên phục vụ đưa đào để trong làn ra tráng miệng. Và mọi người ôm bụng cười khi Mignot nói thêm:
- Mỗi người một thích, Deloche ăn đào trộn rượu.
Tay này ngồi yên. Đầu cúi gầm, như điếc, hắn hình như không nghe thấy lời đùa cợt, hắn tuyệt vọng hối hận việc vừa làm. Bọn họ có lý, hắn lấy danh nghĩa gì mà bênh cô ta? Người ta đâm ra ngờ có điều xấu xa, hắn những muốn tự nện mình vì đã làm cô ta mang tiếng khi định thanh minh cho cô. Đó là cái đớp của hắn, chẳng thà chết ngay cho rảnh, vì hắn cũng không thể ngả theo lòng mà không phạm điều ngu xuẩn. Nước mắt hắn trào ra. Mà phải chăng hắn cũng có lỗi khi cả cửa hàng kháo chuyện về bức thư của ông chủ? Hắn rõ ràng đã nghe thấy họ cười nhạo, với những lời sống sượng việc mời ăn đó. Pauline nói khẽ chỉ có một mình Liénard nghe được; và hắn tự buộc tội mình, đáng lẽ hắn không được để cho Pauline nói trước mặt gã này, hắn có trách nhiệm về chuyện hớ hênh đó.
- Tai sao cậu lại đi kể chuyện đó? - Cuối cùng hắn khẽ nói với giọng đau đớn - Như thế là tồi lắm.
- Mình ấy à? - Liénard đáp, nhưng mà mình chỉ nói với một hai người và yêu cầu họ giữ kín. Thì ai biết được mọi chuyện lan đi như thế nào!
Đến khi Deloche đành lòng uống một cốc nước thì cả bàn cùng phá ra cười. Bữa ăn kết thúc, các nhân viên, ngả ra ghế, chờ chuông đánh, gọi nhau từ xa trong lúc tan cuộc. Ở quầy lớn chính giữa, ít người hỏi mua món ăn phụ, thêm nữa hôm đó cửa hàng lại đãi cà phê không mất tiền. Những tách cà phê bốc khói, những bộ mặt đẫm mồ hôi lấp loáng dưới những làn hơi nhẹ chập chờn như khói thuốc lá xanh. Ở các cửa sổ, mành mành buông, bất động, không một tiếng đập. Một chiếc mành quấn lên để lọt một làn nắng vào buồng, như rực cháy trên trần nhà. Tiếng nói ồn ào đập vào các tường đến mức chỉ những người ngồi gần cửa mới nghe thấy tiếng chuông. Họ đứng lên, ào ạt kéo ra đầy dọc các hành lang.
Khi đó, Deloche ở lại phía sau để khỏi nghe những lời cạnh khóe vẫn tiếp tục. Ngay Baugé cũng ra trước hắn; Baugé vốn quen ra khỏi buồng sau cùng, đi vòng ra để gặp Pauline khi cô tới buồng ăn phụ nữ; đó là mánh khóe để được gặp nhau một phút giữa những giờ làm việc.
Nhưng hôm đó, khi họ đang chùn chụt hôn nhau ở một góc hành lang thì Denise, cũng lên ăn, bất chợt. Cô bước đi vất vả vì bàn chân đau.
- Ôi! Bạn thân mến - Pauline, mặt đỏ dừ, ấp úng - Đừng nói gì nhé!
Baugé, với những cánh tay to lớn, vóc người như hộ pháp, mà cũng run lên như đứa trẻ. Anh ta nói khẽ:
- Chẳng là họ rất có thể tống bọn tôi ra cửa. Dù việc cưới xin đã được báo, họ cũng không thấu tình cho người ta hôn nhau, đồ súc vật ấy!
Denise, hoàn toàn xao xuyến, giả bộ không trông thấy họ, Baugé bỏ đi thì Deloche dềnh dàng tới. Hắn muốn xin lỗi, hắn ấp úng mấy lời mà Denise thoạt tiên không hiểu. Rồi, khi hắn trách Pauline đã nói trước mặt Liénard và cô này đâm lúng túng, thì cô gái rốt cuộc hiểu ra những lời người ta xì xào sau cô từ sáng đến giờ. Đó là chuyện bức thư được lan truyền đi. Cô lại thấy rợn mình như khi nhận được bức thư, cô thấy như mình bị lột truồng bởi đám đàn ông kia.
- Tôi thì tôi không biết. - Pauline lặp lại - Vả chăng, không có gì là xấu xa trong chuyện ấy... Cứ mặc cho họ bàn tán, họ phát điên lên tất cả, khốn kiếp!
- Bạn thân mến ạ, - Cuối cùng Denise nói với vẻ đúng mực - tôi chẳng giận gì bạn... Bạn chỉ kể sự thật. Tôi đã nhận được bức thư, thì trả lời bức thư là việc của tôi.
Deloche rầu lòng bỏ đi, hắn cho rằng cô gái chấp nhận tình thế, và chiều nay cô tới nơi hẹn. Khi cô đã ăn xong, trong một buồng nhỏ bên canh buồng lớn, và ở đó phụ nữ được phục vụ tiện nghi hơn. Pauline phải đỡ cho Denise xuống, vì chân cô đâm mỏi.
Ở bên dưới, trong không khí oi bức buổi quá trưa, việc kiểm kê càng ồn ào mạnh. Đã tới lúc phải nỗ lực, vì công việc buổi sáng chưa tiến được nhiều, mọi sức lực phải căng ra để có thể kết thúc vào buổi chiều. Tiếng nói càng to lên, chỉ thấy những cánh tay múa vung, vẫn moi các ngăn, quăng hàng hóa, và người ta không thể đi lại được, những chồng vải, và những bao hàng như cơn lũ từ sàn nhà dâng lên cao ngang tầm các quầy hàng. Một làn sóng đầu người, những nắm đấm giơ lên, những cánh tay vung vẩy, như mất hút vào sâu các gian hàng, vào nơi xa mịt mù của cơn náo động. Đó là cơn sốt cuối cùng của cuộc náo loạn, cỗ máy gần lúc nổ tung; trong khi đó, dọc theo các tấm gương không tráng, chung quanh cửa hàng đóng cửa, vài người dạo chơi hiếm hoi tiếp tục đi qua, môi nhợt nhạt vì nỗi chán ngán ngớt người của ngày Chủ nhật. Trên bờ hè phố Neuve Saint Augustin, ba cô gái lớn để tóc trần, vẻ nhớp nhúa, đứng sững trơ tráo áp mặt vào những tấm gương, cố nhìn xem cái trò nhón nháo kỳ quặc đóng kín ở bên trong.
Khi Denise trở lại gian may sẵn, bà Aurélie để cho Marguerite xướng nốt quần áo. Còn phải làm công việc kiểm soát, và, để được yên tĩnh, bà rút lui vào phòng mẫu hàng, dẫn cô gái vào cùng.
- Cô vào đây với tôi, chúng ta đối chiếu... Rồi cô sẽ cộng lại.
Nhưng, vì bà ta muốn để cửa ngỏ, để còn trông các cô kia, tiếng ồn ùa vào, ở cuối phòng mà cũng chẳng nghe thấy tiếng nói của nhau. Đó là một gian vuông rộng, chỉ kê những ghế và ba chiếc bàn dài. Trong một góc là những dao máy lớn để cắt mẫu hàng. Từng tấm vải nguyên đưa vào đó, hàng năm người ta gửi đi hơn sáu vạn phrăng vải cắt nhỏ thành những dải như vậy. Từ sáng đến chiều, dao xén lụa, len, vải gai, tiếng xén như tiếng lưỡi hái. Rồi thì phải đóng vở dán hay khâu vào. Và, giữa hai cửa sổ còn có một máy in nhỏ để in nhãn.
- Khẽ chứ nào! - Bà Aurélie thỉnh thoảng lại kêu lên, khi không nghe thấy tiếng Denise đọc các khoản.
Khi đối chiếu xong những danh mục đầu tiên, và để cho cô gái ngập vào những bài tính cộng trước một chiếc bàn. Rồi liền đó bà ta trở lại với cô De Fontenailles, mà bên hành trang chuyển cho bà vì không cần đến nữa. Cô này cũng ngồi cộng, như thế tranh thủ được thời gian. Nhưng sự xuất hiện của bà hầu tước như Clara gọi một cách ác ý, làm gian hàng nhộn lên. Họ cười, họ trêu ghẹo Joseph, có những lời hung hãn từ ngoài cửa vào.
- Cô đừng ngại, cô chẳng làm phiền tôi đâu - Denise động lòng thương, nói - Đây này lọ mực tôi là đủ rồi, cô lấy mực chung với tôi.
Cô De Fontenailles, ngây dại trong cảnh sa cơ, cũng chẳng kiếm được một lời cảm ơn. Chắc cô ta uống rượu, người cô gầy mà da dẻ màu chì, chỉ có đôi bàn tay trắng và thanh còn nói lên cái cao quý của dòng họ cô.
Lúc bấy giờ tiếng cười bỗng im bặt, lại nghe tiếng công việc chạy đều. Đó là Mouret lại đi quanh các gian hàng một lượt. Nhưng anh dưng chân, ngạc nhiên không thấy Denise đâu. Anh ra hiệu gọi bà Aurélie, và hai người đứng ra xa, khẽ chuyện trò một lúc. Chắc anh hỏi bà ta. Bà ta đưa mắt về phía phòng mẫu hàng, rồi hình như báo cáo. Chắc hẳn bà kể chuyện cô gái đã khóc lúc sáng.
- Được rồi! - Mouret nói to và đi tới gần - Bà đưa tôi xem những danh mục.
- Mời ông vào đây - Bà gian hàng trưởng đáp -Chúng tôi trốn nơi ồn ào.
Anh đi theo bà ta vào gian bên cạnh. Clara chẳng bị mắc lùa vì mánh khóe: cô ta khẽ bảo tốt hơn là đi kiếm ngay một cái giường. Nhưng Marguerite ném quần áo mạnh hơn để cô ta làm và chặn miệng cô ta. Gian hàng phó chẳng phải là người bạn tốt hay sao? Việc của cô ấy chẳng bận đến ai. Gian hàng trở thành đồng lõa, các cô bán hàng hoạt động mạnh hơn, Lhomme và Joseph cong lưng, như điếc. Và viên thanh tra Jouve, từ xa đã nhận ra mánh lới của bà Aurélie, liền tới đi qua lại trước cửa phòng mẫu hàng, bước đều như kẻ canh gác bảo vệ ý muốn của cấp trên.
- Cô đưa ra những danh mục cho ông. - Bà gian hàng trưởng vừa bước vào vừa nói.
Denise đưa ra, rồi mắt vẫn ngước lên. Cô khẽ giật mình nhưng tự kiềm chế, và giữ vẻ bình tĩnh tuyệt vời, đôi má xanh nhợt. Một lúc, Mouret có vẻ mải mê vào việc đếm các khoản, mắt không nhìn cô gái. Trong phòng im lặng. Bấy giờ, bà Aurélie bước tới gần cô De Fontenailles, cô ta vẫn không quay đầu lại, bà có vẻ không bằng lòng về những số cộng, liền nói khẽ với cô ta:
- Thôi cô ra chỗ gói hàng... Cô không quen tính toán.
Cô này đứng lên, trở lại gian hàng, ở đó người ta xì xào đón tiếp cô. Joseph, dưới con mắt cười cợt của mấy cô, đâm viết sai, Clara thích thú được thêm người giúp, nhưng lại xô cô kia đi, vì cô ta căm ghét tất cả phụ nữ trong cửa hàng. Đã là bà hầu tước mà đi yêu một gã lao công thì thật ngốc. Và cô ta ghen vì mối tình đó.
- Tốt lắm! Tốt lắm! - Mouret lặp đi lặp lại, mà vẫn làm vẻ đọc.
Lúc đó, bà Aurélie chẳng biết đến lượt mình ra khỏi buồng thế nào cho phải lẽ. Bà ta giậm chần, lại xem những con dao máy, bực vì ông chồng không bịa chuyện gọi bà ra, nhưng lão ta thì có bao giờ đụng đến những việc nghiêm chỉnh, lão có thể chết khát bên cạnh một hồ nước. Chính là Marguerite thông minh nghĩ ra một điều để xin ý kiến.
- Tôi ra đây. - Bà gian hàng trưởng nói.
Và, danh dự được bảo toàn, có cớ trước mặt mấy cô bán hàng đang dò xét, cuối cùng bà để cho Mouret và Denise ở lại với nhau, bà đường hoàng bước ra, thân hình chững chạc đến mức các cô bán hàng không dám hé một nụ cười.
Mouret thủng thẳng đặt những danh mục xuống bàn. Anh nhìn cô gái vẫn ngồi, tay cầm bút. Cô không quay mặt đi, chỉ có mặt càng tái thêm.
- Chiều nay, cô đến chứ? - Anh khẽ hỏi.
- Thưa ông, không, - Cô đáp - tôi không thể đến được. Hai anh em tôi sẽ đến nhà ông chú tôi, mà tôi đã hứa sẽ đến ăn với chúng.
- Nhưng mà chân cô! Cô đi còn khó khăn lắm.
- Ồ! Từ đây tới đó tôi đi được, từ sáng tôi đã thấy khỏe hơn.
Đến lượt anh tái mặt đi, trước sự từ chối thản nhiên đó. Môi anh run lên vì lòng bực bội. Tuy nhiên anh tự kiềm chế, anh lại nói với cái vẻ ông chủ ân cần chỉ là quan tâm đến một cô bán hàng:
- Cô biết, nếu tôi mời cô... Cô biết rằng tôi quý mến cô như thế nào.
Denise giữ một thái độ tôn trọng:
- Thưa ông, tôi rất lấy làm xúc động vì ông tốt với tôi, và tôi xin cảm ơn ông về việc mời đó. Nhưng, tôi xin nói lại là không thể được, các em tôi chờ tôi chiều nay.
Cô ngang ngạnh không chịu hiểu, cửa vẫn để ngỏ, tuy nhiên cô cảm thấy rõ ràng toàn thể cửa hàng đẩy nó ra. Pauline đã thân mật coi cô là đại ngốc, những kẻ khác sẽ nhạo cô, nếu cô từ chối lời mời. Bà Aurélie đã bỏ đi, Marguerite mà cô nghe thấy nói to tiếng, lưng lão Lhomme mà cô nhận ra bất động và kín đáo, tất cả muốn cô sa ngã, tất cả ẩy cô vào tay ông chủ. Và cái tiếng ồn ào xa của cuộc kiểm kê, hàng triệu bạc hàng hóa, mà người ta lớn tiếng xướng lên, được bao nhiêu cánh tay chuyển dịch, cứ như một làn gió nóng thổi nhiệt tình đến tận nơi cô.
Hai người im lặng. Chốc chốc, tiếng ồn lấp cả lời nói của Mouret, đệm bằng tiếng ầm ì ghê gớm của một tài sản đế vương, chiếm được qua các trận đánh.
- Thế bao giờ cô đến? - Anh lại hỏi - Ngày mai nhé?
Câu hỏi đơn giản đó làm Denise bối rối. Một lúc, cô mất bình tĩnh, cô ấp úng:
- Tôi không biết. Tôi không thể...
Anh mỉm cười, anh định nắm lấy tay cô, nhưng cô rụt lại.
- Thì cô sợ cái gì?
Nhưng cô đã ngẩng đầu lên, cô nhìn tận mặt anh, và cô vừa nói vừa cười với vẻ dịu dàng mà dũng cảm:
- Thưa ông, tôi không sợ gì hết... Có điều, người ta chỉ làm cái gì người ta muốn, phải không ạ. Tôi thì tôi không muốn, có thế thôi!
Cô vừa nói xong thì một tiếng kẹt làm cô ngạc nhiên. Cô quay ra, thấy cửa từ từ khép lại. Đó là viên thanh tra Jouve tự ý kéo cửa. Công việc của lão là phải đóng cửa, không cửa nào được để mở. Và lão lại nghiêm chỉnh ra chỗ canh gác không một ai có vẻ nhận thấy chiếc cửa đó khép lại một cách đơn giản đến như vậy. Duy có Clara văng một lời sống sượng vào tai cô De Fontenailles, cô này mặt vẫn tái nhợt như chết.
Bấy giờ Denise đứng dậy. Mouret, giọng run run khẽ nói:
- Cô hãy nghe, tôi yêu cô... Cô biết đã từ lâu rồi, cô đừng ác làm ra vẻ không biết đối với tôi... Và cô đừng sợ gì. Đã bao nhiêu lần, tôi định mời cô đến buồng làm việc của tôi. Chúng ta sẽ chỉ có hai người, tôi chỉ việc khóa cửa lại. Nhưng tôi đã không muốn, cô thấy rõ tôi nói với cô ở đây, ai cũng có thể vào được... Tôi yêu cô, Denise...
Cô đứng đấy, mặt trắng bệch, lắng nghe anh, vẫn nhìn tận mặt anh.
- Cô nói đi, tại sao cô từ chối?... Cô lại chẳng cần đến gì hay sao? Các em cô là một gánh nặng. Tất cả mọi điều cô hỏi, tất cả mọi điều cô yêu cầu tôi...
Cô ngắt lời anh, gọn một câu:
- Xin cảm ơn, bây giờ tôi kiếm thừa đủ rồi.
- Nhưng là tôi đem lại cho cô tự do, một cuộc đời lạc thú, sang trọng... Tôi sẽ lo cho cô nhà ở, tôi đảm bảo cho cô một tài sản nhỏ.
- Không, xin cảm ơn, tôi sẽ ngán vì không làm gì... Từ lúc chưa đầy mười tuổi, tôi đã tự kiếm sống.
Anh điên lên. Đây là cô gái đầu tiên không nhượng bộ. Trước đây anh chỉ có việc cúi xuống để tóm lấy những cô khác, tất cả đều chờ làm theo ý muốn anh như những kẻ hầu hạ phục tùng; thế mà cô này trả lời không, và cũng không đưa ra một lý do gì thỏa đáng. Thèm muốn của anh bị kiềm chế từ lâu, nay bị sự cự tuyệt kích động phát cuồng. Có lẽ anh hứa hẹn chưa đủ, thế là anh hứa hẹn nhiều lên, anh thúc ép mạnh hơn.
- Không, không, xin cảm ơn. - Mỗi lần cô đều đáp lại, không nao núng.
Thế là anh thốt ra lời nói tự đáy lòng:
- Cô không thấy rằng tôi đau khổ hay sao!... Thật đấy, thật ngu xuẩn, tôi đau đớn như đứa trẻ con!
Nước mắt anh trào ra. Lại một lúc im lặng. Phía sau cửa đóng kín, còn nghe thấy tiếng kiểm kê bớt ồn ào. Nó như tiếng đắc thắng thoi thóp, tiếng đệm trở nên âm thầm, trong cuộc thất bại của ông chủ.
- Nhưng mà tôi muốn! - Anh vừa hăm hở nói vừa cầm lấy tay cô.
Cô cứ để yên, đôi mắt cô mờ đi, bao nhiêu sức lực tiêu tan. Một hơi ấm từ những bàn tay nóng của người đàn ông đó, truyền vào cô một sự rã rời khoan khoái. Trời! Cô yêu anh đến thế, ví như níu được cổ anh để nép vào ngực anh thì êm ái biết bao?
- Tôi muốn, tôi muốn - Anh điên cuồng nhắc lại -Chiều nay tôi đợi cô, nếu không tôi sẽ có cách xử trí...
Anh trở nên tàn nhẫn. Cô khẽ kêu lên, cổ tay đau khiến cô lấy lại được can đảm. Cô đột ngột giật ra. Rồi, thẳng người, vẻ lớn lên trong cơn nhu nhược:
- Không, để tôi yên... Tôi chẳng phải một Clara, mà người ta rẫy bỏ hôm sau. Mà, thưa ông, ông yêu một người, phải, cái bà đến đây ấy... Ông hãy ở với bà ta. Tôi, tôi không chia sẻ.
Anh đứng lặng đi vì ngạc nhiên. Cô ta nói gì vậy, cô ta muốn gì? Không có cô nào anh nhặt ở các gian hàng lại quan tâm mình có được yêu hay không. Anh như buồn cười, và thái độ kiêu hãnh trìu mến ấy làm trái tim anh hoàn toàn đảo lộn.
- Thưa ông, xin ông mở cửa ra đi. Cùng đứng thế này, thật không tiện.
Mouret làm theo, và, hai bên thái dương lao xao, không biết cách nào che giấu nỗi phiền muộn, anh gọi bà Aurélie vào, giận dữ vì dự trữ áo măng-tô tròn, anh bảo phải hạ giá xuống, và hạ cho đến khi nào không còn một chiếc. Đó là quy định của cửa hàng, mỗi năm người ta quét sạch hết, người ta bán lỗ sáu mươi phần trăm còn hơn giữ lại một kiểu cũ hay một mặt hàng vải đã phai màu. Vừa lúc đó, Bourdoncle tìm ông giám đốc, đã đợi một lúc, trước cánh cửa mà Jouve đã đóng lại, lão nghiêm trang rỉ vào tai anh ta một lời. Anh ta sốt ruột mà không dám liều làm ngăn trở cuộc gặp gỡ. Có thể thế được chăng? Một ngày như hôm nay, với cái cô còm nhom ấy. Và khi cuối cùng cửa lại mở ra, Bourdoncle nói về mặt lụa tân kỳ, dự trữ sắp tới mức to lớn. Điều đó làm Mouret nguôi đi, anh có thể la hét thoải mái. Bouthemont nghĩ gì vậy? Anh vừa bỏ đi, vừa tuyên bố không chấp nhận một tay buôn hàng thiếu nhạy cảm, đến ngu xuẩn dự trữ quá mức bán ra được.
- Ông ấy làm sao vậy? - Bà Aurélie lẩm bẩm, bà ta hoàn toàn bị xúc động vì những lời quở trách.
Và các cô kia nhìn nhau lấy làm lạ. Đến sáu giờ, cuộc kiểm kê chấm dứt. Mặt trời còn soi sáng, ánh nắng vàng rọi qua những tấm kính các gian hàng. Trong không khí oi ả trên đường phố, đã có những gia đình uể oải từ ngoại ô về, mang những bó hoa và kéo theo trẻ con. Từng gian hàng đã im lặng. Cuối các gian chỉ còn nghe lời xướng muộn màng của mấy viên thư ký dỡ nốt một ngăn cuối cùng. Rồi, những tiếng đó cũng im bặt, cuộc ồn ào cả ngày nay chỉ còn là một vang gợn trên đống hàng hóa tràn đầy ghê gớm. Bây giờ, các ngăn, các tủ, cactông, hộp đều trống rỗng không còn một thước vải, không còn một vật nào ở nguyên chỗ. Các gian hàng rộng lớn trơ ra còn bộ sườn đóng khung của chúng, đồ gỗ hoàn toàn sạch trơn, như ngày mới thiết bị. Sự trần trụi đó chúng thực rõ ràng bản lược kê trọn vẹn và đúng đắn của cuộc kiếm kê. Và, dưới đất, chất đống mười sáu triệu bạc hàng, như nước triều lên rốt cuộc tràn ngập cả các bàn và các quầy. Những viên thư ký, ngập đến vai, bắt đầu xếp lại từng mặt hàng. Người ta hy vọng sẽ kết thúc vào mười giờ.
Khi bà Aurélie, ăn vào lớp đầu, ở buồng ăn xuống, bà kể lại doanh số thực hiện trong năm, con số cộng lại từ các gian hàng. Tổng cộng là tám mươi triệu, tăng hơn năm ngoái mười triệu. Chỉ duy có lụa tân kỳ là tụt thật sự.
- Nếu ông Mouret không bằng lòng thì tôi không biết ông ấy cần gì - Bà gian hàng trưởng nói thêm - Kia kìa! Ông ấy đang đứng ở trên đầu cầu thang lớn, vẻ hằn học.
Các cô ra xem. Anh đứng một mình, mặt sa sầm, giữa hàng triệu bạc hàng ngổn ngang dưới chân.
- Thưa bà, - Lúc đó Denise đến xin phép bà - xin bà vui lòng cho tôi rút lui. Tôi chẳng làm được việc gì nữa, vì chân đau, mà tôi lại phải đi ăn chiều với các em tôi.
Mọi người đều ngạc nhiên. Thế ra cô ấy không chịu à? Bà Aurélie do dự, vẻ như định cấm không cho cô đi, giọng nói cộc lốc và bất bình; trong khi đó Clara nhún vai, ra vẻ không tin tí nào: thì mặc cô ấy! Điều đó rất đơn giản, ông ấy không ưng cô ta nữa! Pauline được tin sự việc kết thúc như thế khi cô đang đứng trước những quần áo trẻ sơ sinh, cùng Deloche. Anh này đột nhiên hớn hở khiến cô ta phát cáu: hắn hí hửng lắm phải không? Có lẽ hắn vui mừng thấy cô bạn hắn dại dột đến bỏ lỡ vận may? Còn Bourdoncle, không dám đến quấy rầy Mouret đang trong cơn cô quạnh hung dữ, anh ta đi dạo giữa tiếng ồn ào, bản thân cũng đâm ngao ngán, lo lắng.
Lúc đó, Denise đi xuống. Cô nhẹ nhàng dựa vào lan can xuống tới dưới chân cầu thang nhỏ bên trái thì rơi vào một đám nhân viên bán hàng đang cười nhạo. Tên cô được nhắc đến, cô cảm thấy họ vẫn nói đến chuyện mình. Họ không trông thấy cô.
- Thôi đi! Làm điệu đấy thôi! - Favier nói - Chân lấm bê bết... Phải, tớ biết có tay bị cô ta định cưỡng hiếp.
Và anh ta nhìn Hutin, tay này để giữ uy tín gian hàng phó đứng xa mấy bước, không xen vào chuyện bông đùa. Nhưng hắn khoái vì cái vẻ ghen tị của người khác đối với hắn, đến mức hạ cố khẽ nói:
- Cái cô ấy, chỉ quấy rầy tớ!
Denise bị nhói vào tim, bíu lấy lan can cầu thang. Chắc họ trông thấy cô, tất cả vừa cười vừa bỏ đi. Hắn nói có lý, cô tự trách mình vì những điều không biết xưa kia, khi cô nghĩ tới hắn. Nhưng hắn thật là hên và bây giờ cô thật sự khinh hắn. Cô bỗng hoang mang: phải chăng là kỳ quặc, lúc nãy cô có đủ sức để cự tuyệt một người cô thương yêu, thế mà, khi xưa, cô lại cảm thấy quá nhu nhược trước gã con trai khốn kiếp ấy, mà cô chỉ là yêu trong ước mơ thôi? Lý trí và dũng khí của cô đắm chìm trong mâu thuẫn của con người cô, mà cô không nhìn rõ nữa. Cô vội vàng đi qua gian lớn.
Rồi, một linh tính khiến cô ngẩng đầu lên, khi một viên thanh tra mở chiếc cửa, đóng từ sáng. Và cô bắt, gặp Mouret. Anh vẫn đứng trên đầu cầu thang chính giữa chế ngự cả cửa hàng. Nhưng anh quên phứt cuộc kiểm kê, anh không trông thấy uy quyền của anh; những ngôi hàng ứ đầy của cải. Tất cả đều đã biến mất, những chiến thắng ầm ĩ hôm qua, tài sản kếch xù ngày mai. Con mắt tuyệt vọng, anh nhìn theo Denise, và khi cô đã qua cửa, thì không còn gì nữa, cửa hàng tối sầm.
---------------------------------
[1] Phalanstére: tổ sống tập thể theo học thuyết chủ nghĩa không tưởng của Fourier.
[2] Sicile: đảo ở phía nam nước Ý.
[3] Café-concert: quán cà phê có hòa nhạc.
[4] Bobinard: tiếng lóng để gọi nhân viên bán tạp hóa.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà