Gỗ Mun epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Zanzibar (Tt)
rong thương nghiệp này – thực tế là mang tính chất toàn cầu, vì châu Âu, cả Bắc và Nam Mỹ, nhiều quốc gia vùng Cận Đông và châu Á đều tham gia – Zanzibar là một ngôi sao đen buồn thảm, một địa chỉ ác nghiệt, một hòn đảo bị nguyền rủa. Nhiều năm trời, không, hàng thế kỷ, những đoàn nô lệ vừa bị bắt trong lòng lục địa, ở Congo và Malawi, ở Zambia, Uganda và Sudan, bị kéo về đó. Họ thường bị trói với nhau bằng dây để không thế chạy trốn, đồng thời họ phải phục vụ như phu khuân vác – mang ra cảng, lên thuyền những thứ hàng quý: hàng tấn ngà voi, dầu cọ, da thú hoang, đá quý, gỗ mun.
Được chở từ đất liền ra đảo bằng thuyền, họ bì bày bán ngoài chợ. Khu chợ mang tên Mkunazini, là một quảng trường nằm không xa khách sạn của tôi, ngày nay ở đó có nhà thờ Anh giáo. Giá cả rất khác nhau: từ một đô la cho một đứa bé đến mười hai đô la cho một cô gái trẻ đẹp. Khá đắt, vì ở Senegambia người Bồ Đào Nha đổi một con ngựa lấy mười hai nô lệ.
Những người khỏe mạnh và cường tráng nhất bị người ta lùa từ Mkunazini ra cảng: không xa, cách vài trăm mét. Từ đó, trên các con tàu đặc biệt dành riêng để chuyên chở nô lệ, họ đi sang Mỹ hoặc Cận Đông. Những người ốm nặng không ai thèm mua dù chỉ với giá vài cent, khi vãn chợ bị ném ra bờ đá ngoài biển. Ở đó, những đoàn chó hoang luôn rình mò sẽ ăn thịt họ. Ngược lại, những người đôi khi có thể lại sức, khỏi bệnh, thì ở lại Zanzibar và sẽ làm việc như nô lệ cho người Ả rập – chủ nhân các đồn điền đinh hương và dừa mênh mông. Nhiều hậu duệ của các nô lệ này về sau sẽ tham gia cách mạng.
Sáng sớm tinh mơ, khi làn gió từ biển thổi vào còn mạnh và tương đối mát, tôi đi vào thành phố. Có hai thanh niên mang rựa đi sát sau tôi. Bảo vệ? Lính canh? Cảnh sát? Tôi không thử bắt chuyện với họ. Những cái rựa đơn sơ và thảm hại họ mang rõ ràng đang gây khó khăn cho họ. mang chúng thế nào? Một cách kiêu hãnh, hung hăng hay rụt rè và kín đáo? Trước kia rựa là công cụ của người lao động, của kẻ cùng đinh, là dấu hiệu của địa vị thấp, vậy mà chỉ trong vài ngày đã trở thành biểu tượng của thanh thế và quyền lực. Ai mang nó bên mình chắc hẳn thuộc tầng lớp chiến thắng, vì những kẻ bại trận thì đi tay không, không vũ khí.
Ra khỏi khách sạn là gặp ngay con phố nhỏ hẹp đặc trưng của các thành phố Ả rập. tôi không thể giải thích được tại sao họ lai xây căn nhà theo lối chật hẹp và chen chúc như thế, họ tự nhồi nhét chật đến mức người nọ phải ngự lên đầu người kia. Để không đi ra đâu quá xa? Để bảo vệ thành phố dễ dàng hơn? Tôi không biết. Mặt khác, cái đống đá chồng chất vào một chỗ ấy, những bức tường gom góp lại ấy, các tầng tầng lớp lớp can can, hốc, hiên và mái nhà ấy cho phép người ta giữ lại và bảo quản – như giữ trong kho lạnh – bóng râm, cũng như một chút hơi mát và gió trong những giờ nóng nực nhất vào buổi trưa.
Các thành phố được xây dựng với tầm nhìn xa và sự sáng tạo tương tự. Chúng được đặt và bố trí theo cách sao cho đi đường nào và theo hướng nào, cuối cùng cũng ra bờ biển, ra một đại lộ rộng rãi, thoáng đãng và dễ chịu hơn trong khu trung tâm chật ních.
Thành phố giờ đây đang hoang vắng và không sinh khí. Thật tương phản với cảnh trước đó, mới cách đây có vài ngày! Bởi vì Zanzibar là nơi cả nửa thế giới gặp nhau. Hàng thế kỷ trước, người tị nạn Hồi giáo từ Shiraz, Iran, đã đến định cư trên hòn đảo đã có sẵn người bản xứ sinh sống này. Theo thời gian, họ hòa trộn với dân địa phương, trở thành một phần của nó, mặc dù họ vẫn giữ những cảm giác cách biệt nhất định: họ không xuất than từ châu Phi, mà từ châu Á. Sau đó người Ả rập từ vịnh Ba Tu bắt đầu tới. Họ đánh thắng những người Bồ Đào Nha đang cai trị đảo và giành được chính quyền, cầm quyền hai trăm sáu mươi năm. Họ chiếm vị trí áp đảo trong các lĩnh vực sinh nhiều lợi nhất: buôn bán nô lệ và ngà voi. Họ trở thành chủ nhân của những mảnh đất tốt nhất, những đồn điền lớn nhất. Họ có một đội tàu lớn. Theo thời gian, người Ấn và người Paskistan, cả người châu Âu – chủ yếu là người Anh và Đức – đã chiếm vị trí quan trọng trong thương mại.
Trên hình thức, đảo do sultan – hậu duệ của người Ả rập từ Oman đến – cai trị. Trong thực tế, nó là thuộc địa của Anh (một cách chính thức – một nước bị bảo hộ).
Những đồn điền trù phú và tươi tốt của Zanzibar hấp dẫn người dân trong lục địa. Ở đây họ tìm được việc làm: thu hoạch đinh hương và dừa. Họ ở lại mỗi lúc một đông hơn và bắt đầu định cư tại đây. Trong cái khí hậu và sự nghèo khổ này, việc di dời từ nơi này sang nơi khác không khó – chỉ trong vài giờ đồng hồ là có thể dựng một túp lều và để vào đó cả gia tài của mình: chiếc áo sơ mi, cái nồi, chai đựng nước, mẩu xà phòng và manh chiếu. Thế là người ta đã có một mái nhà và trước hết – một chốn cho riêng mình trên mặt đất. Rồi người ta bắt đầu nhìn quanh tìm cái gì đó để ăn. Chuyện này khó khăn hơn. Trên thực tế, chỉ có thể tìm được việc làm ở đồn điền của người Ả rập – mọi thứ đều trong tay họ. Trong nhiều năm, người mới đến từ lục địa coi cái trật tự thế giới ấy là bình thường, cho tới khi có một thủ lĩnh, một kẻ khích động nói với anh ta rằng gã Ả rập kia là Người Khác, và cái khái niệm Người Khác này có cái gì đó báo điềm xấu, ma quỷ, vì Người Khác là kẻ lạ, là con đỉa và kẻ thù. Giờ đây, người mới nhập cư nhìn cái thế giới anh ta từng xem là đã được tổ tiên và thần thánh sắp đặt vĩnh cửu như một thực tại nguy hại và sỉ nhục mà để tiếp tục sống, anh ta phải thay đổi nó.
Đây chính là điều hâp dẫn của sự kích động mang tính chủng tộc – sự dễ dàng của nó: Người Khác là nhìn thấy được, ai cũng có thể trông thấy và ghi nhớ hình ảnh anh ta. Không cần phải đọc sách, suy nghĩ, tranh luận: chỉ cần nhìn là đủ.
Ở Zanzibar sự chia rẽ chủng tộc này càng ngày càng căng thẳng hơn, bị gây ra bởi một bên là những người Ả rập cầm quyền (20% dân số), và bên kia – những người bị cai trị: người châu Phi da đen ở trên đảo và từ lục địa, nghĩa là các điền chủ nhỏ và ngư dân, khối người lao động lỏng và vô định, gia nhân, những người chăn lừa, phu khuân vác.
Điều này diễn ra trong thời điểm khi đồng thời cả thế giới Ả rập lẫn châu Phi đen đều đang trên đường tiến đến độc lập. Nhưng điều đó ở Zanzibar có nghĩa là gì? Ở đây, người Ả rập nói: chúng tôi muốn độc lập (nghĩa là: chúng tôi muốn tiếp tục nắm quyền). Người châu Phi cũng nói: chúng tôi muốn độc lập, nhưng họ khoác cho câu khẩu hiệu ấy ý nghĩa khác: vì chúng tôi là đa số nên quyền lực phải chuyển qua tay chúng tôi.
Đó chính là cốt lõi mâu thuẫn, bản chất của xung đột. Người Anh còn đổ thêm dầu vào lửa. Vì có quan hệ tốt với các sultan của vinh Ba Tư ( sultan Zanzibar thuộc dòng dõi này), lại khiếp sợ một châu Phi đang nổi dậy, họ tuyên bố Zanzibar là một bộ phân của thế giới Ả rập chứ không phải của châu Phi. Họ công nhận nền độc lập của nó đồng thời trao chắc quyền lực cho người Ả rập. Điều này bị một đảng châu Phi phản đối – Đảng Afro-Shirazi, đứng đầu là Abeid Karume, nhưng phản đối một cách hợp pháp, theo đúng luật, bởi vì mặc dù nó là đảng đối lập, nhưng là đối lập nghị viện.
Trong lúc ấy, ở Zanzibar xuất hiện một chàng trai trẻ từ Uganda đến – John Okello. Anh vừa tròn hai mươi lăm tuổi. Như thường thấy ở châu Phi, anh biết hay tỏ ra là mình biết nhiều nghề - anh là thợ đẽo đá, thợ xây, rồi thợ quét vôi. Nửa mù chữ, nhưng với sức thu hút quần chúng thiên phú, anh là nhà truyền giáo bẩm sinh. Những ý nghĩ đơn giản này ra trong đầu khi đang xẻ đá hay xếp gạch luôn thôi thúc anh:
• Thượng đế đã trao Zanzibar cho người châu Phi và hứa với tôi rằng giờ đây hòn đảo sẽ trở về với chúng ta
• Chúng ta phải chiến thắng và đánh đuổi người Ả rập, nếu không chúng sẽ không nhượng bộ và tiếp tục áp bức chúng ta.
• Phải biết miếng bánh mì của chúng ta được phết bơ lên mặt nào: không thể trông cậy vào những người đang có việc làm, chỉ những người đang đói mới ủng hộ công cuộc này.
• Chúng ta sẽ không lôi kéo các chính trị gia như Kurame và những người khác vào cuộc chiến. Họ là những người vĩ đại, nếu chúng ta thua mà họ bị giết thì thật đáng tiếc.
• Ta hãy đợi cho đến tận khi người Anh đi khỏi. Chúng ta không địch nổi với quân Anh. Khi chỉ còn lại người Ả rập, ngay ngày hôm sau chúng ta sẽ tấn công.
Những ý nghĩ này lôi cuốn và thiêu đốt anh tới mức anh thường phải ở trong rừng một mình, vì chỉ ở đó anh mới có thể hoàn toàn để cho chúng chi phối. Đồng thời, từ một năm trước khi Zanzibar độc lập, Okello bắt đầu tự tay tổ chức quân đội bí mật của mình. Anh đi khắp đảo, khắp các làng mạc và thị trấn, thanh lập các đơn vị mà tổng số có hơn ba nghìn người. Việc huân luyện được bắt đầu ngay, bao gồm luyện tập sử dụng cung tên, dao, gậy và mác. Các đơn vị khác thì tập dùng rìu, rựa, xích và búa để chiến đâu. Các khóa học bổ sung bao gồm học đấu vật, quyền anh và ném đá.
Ngày hôm trước cuộc nổi dậy, Okello tự phong mình là đại nguyên soái và phong tướng cho vài phụ tá thân cận, chủ yếu là các phu đồn điền và cựu cảnh sát.
Ba giờ sau khi hoàng đế Philip nhân danh nữ hoàng Elizabeth trao lại hòn đảo vào tay chính phủ Ả rập, đại nguyên soái John Okello cướp chính quyền ở Zanzibar trong vòng một đêm.
Gần trưa, Felix, Arnold và tôi đi xe cùng đội hộ tống đến trụ sở của đại nguyên soái. Trong mảnh sân của một ngôi nhà Ả rập (tôi không biết đó là nhà gì) hàng chục người đang chen chúc. Phụ nữ luộc sắn và rau trên bếp lửa, nướng gà và thịt cừu xiên. Những người dẫn đường đẩy chúng tôi chen qua đám đông này để vào bên trong. Đám đông miễn cưỡng giãn ra, nhìn chúng tôi ngờ vực nhưng cũng đầy tò mò, vào giờ này tất cả người da trắng đều đang lẩn trốn đâu đó trong các xó xỉnh. Trong một sảnh lớn theo kiểu phương Đông, Okello ngồi trong ghế bành gỗ mun và hút thuốc. Anh ta có nước da rất đen, khuôn mặt đồ sộ với những nét nặng nề. Anh ta ních một chiếc mũ cảnh sát trên đầu, vì họ chiếm được các nhà kho cảnh sát, trong đó có một số súng cạc bin và đồng phục. Chiếc mũ này được đính thêm một mẩu vải màu xanh lam (tại sao lại là xanh lam – tôi không biết). Okello dường như đang lơ đãng, đang trong cơn sốc, có vẻ như anh ta không nhìn thấy chúng tôi. Người ta chen chúc nhau xung quanh anh ta, xô đẩy, chen lấn, ai cũng nói cái gì đó, họ ra hiệu, hỗn độn khủng khiếp, chẳng ai thử lập lại trật tự. Tất nhiên là không thể nghĩ đến việc nói chuyện. Chúng tôi chỉ muốn một điều – làm sao để anh ta cho phép chúng tôi tiếp tục ở lại đảo. Những người dẫn đường của chúng tôi hỏi anh ta điều này. Okello gật đầu đồng ý. Sau một thoáng, đột nhiên anh ta nảy ra ý nghĩ gì đấy, vì anh ta dụi tắt điều thuốc và quyết định dẫn chúng tôi ra. Anh ta khoác vào vai khẩu súng trường cũ rồi cầm một khẩu khác lên tay. Tay kia anh ta chỉnh lại khẩu súng lục cài ở thắt lưng, sau đó cầm lấy một khẩu súng lục khác. Vũ trang đến tận răng như thế, anh ta đẩy chúng tôi đi phía trước và đưa ra sân, như đưa đi xử bắn.
Một trong các triệu chứng của căn bệnh đang gặm nhấm tôi là cơn sốt thường trực và gây kiệt sức. Nó tăng lên vào buổi tối, khi đó ta có cảm giác kỳ lạ rằng xương mình đang tỏa ra cơn sốt này. Tựa như có người đặt vào tủy những cái lò xo kim loại rồi cắm điện vào chúng. Lò xo nóng trắng ra, còn cả bộ xương ta thì bị thiêu đốt, chìm vào đám cháy vô hình bên trong.
Không thể ngủ được. Trong những buổi tối như thế, ở Dar es Salaam, tôi nằm trong phòng và xem lũ thạch sùng bắt mồi. Những con thạch sùng hay chạy quanh nhà thường là nhỏ, rất nhanh nhẹn, màu gạch hoặc xám nhạt. Khéo léo và lanh lợi – chúng chạy dễ dàng trên tường và trần nhà. Không bao giờ chúng chạy với nhịp bình thường, nhẹ nhàng. Đầu tiên chúng đứng tê liệt và bất động, cho đến khi đột nhiên chúng lao đi, đuổi theo một mục tiêu mà chỉ chúng mới rõ rồi lại đông cứng lại. Chỉ nhờ cái bụng đang rung nhanh của chúng mà ta thấy được cuộc chạy hết tốc lực ấy, cú lao thân vào dải đích vô hình ấy đã làm chúng kiệt sức đến mức giờ đây chúng phải thực sự đứng thở, nghỉ ngơi và lấy lại sức trước cú lao như chớp tiếp theo.
Những cuộc săn mồi bắt đầu vào buổi tối, khi đèn trong phòng bật lên. Đối tượng quan tâm và tấn công của chúng là mọi loại côn trùng – ruồi, gián, bướm, nhậy, chuồn chuồn và trước hết là muỗi. Thạch sùng xuất hiện đột ngột, tựa như ai đó dùng súng cao su bắn chúng dính vào tường. Chúng nhìn quanh, đầu không động đậy: mắt chúng có thể xoay 180 độ trong hốc mắt, giống như kính thiên văn, nhờ thế chúng nhìn được mọi thứ phía trước và sau mình. Và đây, thạch sùng đột nhiên phát hiện ra con muỗi. Nó lao về hướng ấy. Con muỗi thấy nguy hiểm, bay lên và trốn chạy. Thú vị là không bao giờ nó bay xuống phía dưới, xuống cái vực thẳm dưới đáy là những tấm ván lát sàn, mà nó bay lên không, xoay tròn đầy hoảng sợ và tức tối, rồi sau đó bay lên cao hơn và cao hơn, nó đậu lên trần nhà. Con muỗi không biết và chắc chắn không linh cảm được rằng quyết định này sẽ mang lại cho nó hậu quả chết người. Bởi một khi đã bám vào trần nhà, đầu treo xuống dưới, nó sẽ mất phương hướng, nhầm lẫn các phương. Hậu quả là thay vì biến nhanh khỏi vùng nguy hiểm – đối với nó là trần nhà – thì nó lại hành động như thể bị rơi vào một cái bẫy tuyệt vọng và không lối thoát.
Bấy giờ thạch sùng, khi đã có con muỗi trên trần nhà, có thể hoan hỉ liếm mép: chiến thắng đã gần kề. Nhưng không ngủ quên trên vinh quang, nó vẫn tập trung, cảnh giác và đầy quyết tâm. Nó nhảy lên trần nhà và bắt đầu chạy quanh con muỗi theo các vòng mỗi lúc một hẹp hơn. Ở đây hẳn phải có một yếu tố ma thuật, phép phù thủy hay phép thôi mien nào đấy, vì con muỗi, mặc dù có thể thoát thân bằng cách bay vào khoảng không, nơi không một kẻ săn mồi nào có thể với tới nó, lại để cho con thạch sùng xoay quanh càng lúc càng sát. Con thạch sùng vẫn tiếp tục tiến lên theo nhịp điệu của mình: nhảy lên – rồi bất động, nhảy lên – rồi bất động. Đến một lúc, con muỗi hoảng sợ nhận ra rằng nó chẳng còn chỗ để xoay xở nữa, rằng thạch sùng đã ở ngay sát nó, ý nghĩ này càng làm nó thêm choáng váng và bất lực, tới mức, cam chịu thất bại, nó để mặc cho mình bị nuốt mà không hề chống cự.
Mọi cố gắng làm thân với thạch sùng đều kết thúc bằng con số không. Đó là những con vật rất đa nghi và nhút nhát, chúng đi (đúng hơn là chạy) theo những con đường riêng của mình. Thất bại này của chúng ta cũng có giá trị ẩn dụ nhất định: nó khẳng định rằng có thể cùng sống dưới một mái nhà, nhưng không cách gì hiểu nhau và tìm được tiếng nói chung.
Ở Zanzibar tôi không thể xem những cuộc săn mồi của thạch sùng, vì buổi tối người ta tắt đèn và tôi phải kiên nhẫn chờ trong bóng tối cho đến tận khi ngày mới lại sang. Những giờ đồng hồ dài và trống rỗng với giấc ngủ chập chờn trôi qua trong sự chờ đợi những tia sáng đầu tiên thật là khó khăn.
Hôm qua, vào lúc rạng đông (bình minh nơi này không bao giờ nhợt nhạt, mà đỏ tía, đầy màu sắc và rực lửa ngay), ngoài phố ngân vang tiếng rung của một chiếc chuông nhỏ. Ban đầu còn xa xăm và khẽ khàng, nó lan đến mỗi lúc một gần hơn rồi trở nên rõ ràng, mạnh mẽ và lanh lảnh. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ. Xa xa trên con phố hẹp, tôi nhìn thấy một người Ả rập – người bán cà phê nóng. Trên đầu anh đội chiếc mũ thêu của người Hồi giáo, mặc chiếc áo djellabah trắng rộng thùng thình. Một tay anh cầm cái ấm tích hình nón bằng kim loại, tay kia cầm cái giỏ đựng đầy tách sứ.
Uống cà phê sáng ở đây đã là nghi lễ lâu đời, với nghi lễ này – cùng việc cầu kinh – người Hồi giáo bắt đầu một ngày mới. Tiếng chuông của người bán cà phê, người đi tuần từ phố này qua phố khác vào lúc rạng đông, là tiếng chuông báo thức truyền thống của họ. Nghe tiếng đánh thức này họ tỉnh dậy ngay, ra trước nhà đợi người bán mang tách cà phê nóng hổi, thơm và đặc. Uống cà phê sáng là lúc người ta chào và thăm hỏi lẫn nhau. Đó là khoảnh khắc dành cho những khẳng định qua lại, rằng đêm đã trôi qua hạnh phúc, cho việc biểu lộ niềm tin rằng một ngày mới tốt lành đang hứa hẹn – nếu đấng Allah bằng lòng cho phép.
Khi chúng tôi đến đây, không có người bán cà phê. Còn bây giờ, chỉ mới năm ngày trôi qua, anh đã lại xuất hiện: cuộc sống tiếp tục trôi như cũ, trở lại bình thường, trở lại cuộc sống thường nhật. Sự mưu cầu trạng thái bình thường đầy ngoan cố và anh hùng này, việc tìm kiếm nó – gần như bản năng, cho tất cả mọi thứ – là một điều thật đẹp và đầy phấn chấn của con người. Vì những người dân thường ở đây coi các biến cố chính trị – đảo chính, tiếp quản quân sự, cách mạng và chiến tranh – giống như các hiện tượng thuộc về thế giới tự nhiên. Họ tiếp cận chúng với cùng một sự cam chịu thờ ơ và chủ nghĩa định mệnh. Như với cơn bão, cơn giông. Chẳng thể làm gì với chúng, phải đợi chúng qua đi, trốn dưới mái nhà và thỉnh thoảng nhìn lên trời – xem những tia sét đã biến đi chưa, những đám mây đã tan chưa? Nếu rồi thì có thể ra ngoài và trở lại với những gì vừa bị bỏ dở – trở lại với công việc, với chuyến đi, với ánh nắng.
Trở lại trạng thái bình thường ở châu Phi lại càng dễ dàng và có thể rất nhanh chóng, khi ở đây mọi thứ đều tạm bợ, không bền, nhẹ nhàng và tiều tụy. Do đó, có thể lập tức tàn phá một xóm làng, một cánh đồng hay con đường, nhưng rồi sau đó lại tái thiết nó rất nhanh.
Chúng tôi thường ra bưu điện trước buổi trưa để gửi thư tín. Chúng tôi đã lên tới mười người, vì sau đó có thêm bảy nhà báo nước ngoài nữa được phép vào. Tòa nhà bưu điện nhỏ bé được trang trí bằng các hoa văn Ả rập này có lịch sử riêng: từ nơi đây, các nhà du hành vĩ đại đã gửi đi những bức điện của mình – Livingstone và Stanley, Burton và Speke, Cameron và Thomson. Những chiếc máy telex đặt bên trong cũng gợi nhớ thời xa xưa ấy. Các bộ phận để trần bên trong của chúng trông giống như máy móc của những đồng hồ cổ lớn trên các tháp cao trong quảng trường chính của các thành phố thời Trung cổ, đầy các bánh xe, răng cưa, bánh răng và đòn bẩy.
John, người của UPI, anh chàng tóc vàng cao ráo và lúc nào cũng như đang có chuyện quan trọng, ôm đầu sau khi lấy và đọc bức điện mà anh vừa nhận được, rồi chúng tôi ra khỏi bưu điện, anh lôi tôi sang một bên và cho xem tờ giấy với những dòng chữ gây lo sợ. Tòa soạn thông báo cho John rằng ở Kenya, Tanganyika và Uganda đêm qua vừa nổ ra những cuộc đảo chính quân sự và anh phải đến các nước này ngay lập tức. – Ngay lập tức! – John kêu lên – Ngay lập tức, nhưng bằng cách nào?
Tin tức thật đáng sửng sốt. Đảo chính quân sự! Điều này có vẻ nghiêm trọng, mặc dù chúng tôi không biết rõ chút chi tiết nào. Chỉ mới một tuần trước – Zanzibar. Hôm nay đã là cả Đông Phi! Rõ ràng là châu lục đang bước vào giai đoạn bất ổn của các cuộc náo loạn, nổi dậy và đảo chính. Nhưng chúng tôi, những khách trọ của Zanzibar Hotel, giờ đây lại có một vấn đề khác – làm thế nào để đi khỏi đây? Việc tiếp tục ở lại đã không còn ý nghĩa – người của Okello, đại nguyên soái, không muốn cho chúng tôi ra khỏi thành phố để đến các tỉnh, nơi trước đây diễn ra các trận đánh và hình như là những nơi họ giam giữ nhiều tù binh. Còn ngay ở trong thành phố thì sao? Yên tĩnh, buồn ngủ, ngày lại ngày trôi qua không một sự kiện.
Sau khi trở về khách sạn chúng tôi có một cuộc họp, John thông báo về bức điện của mình. Tất cả mọi người đầu muốn quay lại lục địa, nhưng không ai biết bằng cách nào. Đảo vẫn tiếp tục bị cắt đứt với thế giới, không có thông tin liên lạc gì. Tồi tệ hơn là hình như người bản xứ, vẫn sợ bị can thiệp, giữ chúng tôi như con tin. Karume, người duy nhất có thể giúp chúng tôi, thì không thể gặp được, anh thường hay có mặt nhất ở sân bay, nhưng bây giờ ngay cả ở đó cũng không thấy anh.
Chỉ có một cách duy nhất là thử bằng đường biển. Có người đã đọc trong sách hướng dẫn rằng từ đây đến Dar es Salaam là bảy mươi lăm ki lô mét. Chắc chắn đi tàu thủy sẽ là một hành trình dễ chịu, nhưng kiếm đâu ra tàu? Cũng không thể bàn đến chuyện đi bằng thuyền nhỏ. Không thể tiết lộ bí mật với những chủ thuyền ở đây, vì hoặc là họ đang ngồi tù (nếu như họ còn sống), hoặc họ sợ không biết có chở được không. Nguy hiểm lớn nhất là những người lính ngẫu nhiên và thiếu kinh nghiệm của đại nguyên soái rải dọc khắp bờ biển sẽ bắn nếu nhìn thấy cái thuyền, vì xét cho cùng, chẳng có ai thực sự kiểm soát họ hết.
Khi chúng tôi đang họp, người đưa tin đem đến một bức điện mới. Tòa soạn thúc giục John: quân đội đã chiếm được các sân bay và các tòa nhà chính phủ, còn thủ tướng của ba nước biến mất ở đâu đó, có thể họ đang lẩn trốn, nhưng không chắc chắn là họ còn sống hay không. Chúng tôi nghe những tin chấn động này và – bị giam trên đảo – nghiến răng vì bất lực và tức giận. Thực chất là cuộc họp đã kết thúc mà chẳng đi đến đâu. Chỉ còn lại một điều có thể làm: chờ đợi.
Hai người Anh – Peter của Reuters và Aidan của Radio Tanganyjka – đi vào thành phố kiếm đồng hương và thử nhờ họ tìm cách giải quyết. Chúng tôi sốt ruột nên cố gắng thử mọi cơ hội. Buổi tối, Peter và Aidan trở về và triệu tập một cuộc họp mới. Họ tìm được một người Anh già quyết định đi khỏi đảo trong dịp gần nhất và muốn bán chiếc thuyền máy còn tốt. “Chiếc thuyền nằm không xa, ở cảng, trong một vịnh nhỏ hẻo lánh bên cạnh. Người này sẽ dẫn chúng ta đến đó vào buổi tối, bằng đường phụ và dưới màn đêm. Chúng ta sẽ trốn trong thuyền chờ đến nửa đêm, cho đến khi lính gác đi ngủ. Người Anh này, một thực dân già, nói rằng: ‘Người da đen là người da đen. Gì thì gì anh ta cũng phải đi ngủ.’ Đến nửa đêm, chúng ta sẽ nổ máy và bắt đầu bỏ trốn. Bấy giờ màn đêm sẽ dày đặc đến mức ngay cả khi họ cố bắn cũng khó lòng trúng chúng ta”.
Khi họ dứt lời, im lặng trùm xuống. Rồi những người đầu tiên lên tiếng. Như lệ thường, có người theo và người chống lại sáng kiến này. Các câu hỏi được đặt ra, cuộc tranh luận bắt đầu. Chắc rằng nếu có cách khác thì cuộc chạy trốn bằng xuồng này xem ra quá ư mạo hiểm và điên rồ, nhưng chúng tôi đã bị dồn đến chân tường. Chúng tôi mệt mỏi tin rằng phải thoát khỏi cái bẫy này bằng mọi giá – chính thế: bằng mọi giá! Nước đã đến chân và thời gian là vàng bạc. Zanzibar? Chúng tôi đã cố gắng đến đây với lòng quyết tâm thế nào thì giờ đây cũng muốn ra đi với quyết tâm y như thế. Chỉ có Felix và Arnold là phản đối. Felix cho rằng đó là việc làm ngu ngốc và anh đã quá già để phiêu lưu như vậy, còn Arnold thì đơn giản là có quá nhiều thiết bị quay phim quý giá nên anh sợ mất. Để không gây nghi ngờ, họ đồng ý trả tiền khách sạn cho chúng tôi khi chúng tôi đã ở trên biển.
Buổi tối, một người đàn ông tóc bạc nhỏ nhắn đến, ông mặc trang phục truyền thống của các quan chức thực dân Anh: áo sơ mi trắng, quần soóc trắng rộng và bít tất trắng. Chúng tôi đi theo ông. Bóng tối dày đặc đến mức cái bóng lờ mờ của ông chỉ thấp thoáng trước mặt chúng tôi ẩn ẩn hiện hiện, như bóng ma. Cuối cùng, chúng tôi cũng cảm thấy các tấm gỗ dưới chân – chắc chắn chúng tôi đang ở trên cầu tàu. Bấy giờ ông già thì thầm bảo chúng tôi đi xuống các bậc thang ra thuyền. Bậc thang nào? Ra thuyền nào? Không nhìn thấy gì hết. Nhưng ông nhất định khăng khăng, giọng ông như ra lệnh, hơn nữa người của đại nguyên soái có thể đang rình rập gần đâu đây. Mark, một người Úc, anh chàng đồ sộ với khuôn mặt to bè phúc hậu, đi xuống đầu tiên, trong cuộc họp anh đã nằng nặc rằng mình biết đi biển và có thể lái thuyền. Anh cầm chìa khóa của sợi dây xích buộc chiếc thuyền vào cầu tàu và anh biết cách nổ máy. Khi Mark đặt chân xuống lòng thuyền, nước tung tóe và tất cả mọi người đều xuỵt lên để giữ im lặng. Im lặng! Bây giờ chúng tôi lần lượt bước xuống: hai người Anh – Peter và Aidan, người Đức – Thomas, người Mỹ – John, người Ý – Carlo, người Séc – Jarek, và tôi. Mỗi người đều mò mẫm cố xác định hình dạng cái thuyền, cảm nhận bằng tay thành thuyền và chỗ đặt các tấm vách, rồi sau đó ngồi lên băng ghế hay đơn giản là nằm dài ra sàn một cách thoải mái.
Ông già người Anh biến đi rất nhanh và chỉ còn lại chúng tôi. Không thấy bất cứ tia sáng nào. Im lặng bao trùm và mỗi lúc một buốt thấu hơn. Đôi lúc chỉ có thể nghe được tiếng sóng vỗ vào cầu tàu và đâu đó từ xa, từ rất xa, tiếng rì rào đang cuộn tới của đại dương vô hình. Để không bị phát giác, chúng tôi ngồi trong im lặng, không nói một lời. John có chiếc đồng hồ mặt phát lân quang, chốc chốc anh lại đưa nó cho mọi người xem một vòng – điểm sáng nhỏ được chuyền tay từ người này sang người khác: 22.30, 23.00, 23.30. Chúng tôi cứ chịu đựng như thế, trong bóng tối sâu thẳm, nửa thức nửa ngủ, chết cứng, đầy lo âu. Đến tận lúc đồng hồ của John chỉ hai giờ sáng. Khi đó Mark kéo sợi dây khỏi động máy. Cái động cơ, như một con thú hoang bất ngờ bị chọc giận, gầm và rú lên. Chiếc thuyền tròng trành, chồm mũi lên và lao ra phía trước.
Cảng Zanzibar nằm bên bờ Tây của đảo, phía gần lục địa nhất. Vì vậy theo lô gích, để đến được lục địa thì phải hướng về phía Tây, và nếu là Dar es Salaam thì về hướng Tây Nam. Nhưng nhất thời khi đó chúng tôi chỉ muốn một điều: ra cách đảo càng xa càng tốt. Mark mở máy hết tốc lực, chiếc thuyền khẽ rung lên, nhưng lướt nhanh trên mặt nước bình yên và phẳng lặng. Bóng tối tuyệt đối vẫn bao trùm, không nghe thấy tiếng súng nào từ phía đảo. Cuộc bỏ trốn đã thành công, chúng tôi an toàn. Tin này làm chúng tôi hồi sinh và phấn chấn lên. Chúng tôi bơi trong hạnh phúc ấy được hơn một giờ đồng hồ, thì đột nhiên mọi thứ bắt đầu thay đổi. Mặt nước đang êm ả bắt đầu chuyển động một cách bất ổn và hung hãn. Những con sóng dâng lên, đập vào mạn thuyền, nhanh và mạnh ngay. Tựa như ai đó giận dữ đập chiếc thuyền bằng một quả đấm khổng lồ và mạnh khủng khiếp, ở trong đó có sự quyết tâm cao độ, sự tức giận điên cuồng, sự tàn ác mù quáng, nhưng đồng thời cũng là sự tính toán có hệ thống và lạnh lùng. Gió giật mạnh và mưa đổ xuống cùng lúc, thứ mưa chỉ có ở miền nhiệt đới: mưa như thác, mưa như một bức tường nước. Vì trời vẫn còn tối, chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng mình đang ở nơi nào, đang đi về đâu. Nhưng ngay cả điều này cũng nhanh chóng không còn quan trọng nữa, vì sóng mỗi lúc một lớn và cao hơn cuốn xoay thuyền, nguy hiểm và điên cuồng đến nỗi chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau một phút, một giây. Đầu tiên chiếc thuyền ầm ầm dâng lên cao, nó bất động một lát trên ngọn sóng vô hình, rồi sau đó thình lình lao thẳng xuống dưới, xuống vực thẳm gầm gào, xuống bóng tối sôi sục ầm ào.
Rồi bỗng nhiên máy tắt ngấm vì vị ngập nước. Địa ngục thực sự bắt đầu. Chiếc thuyền bị hất ra khắp mọi phía, quay tròn tuyệt vọng và yếu ớt, chúng tôi chỉ biết hãi hùng chờ cơn sóng tiếp theo sẽ lật úp nó. Mỗi người đều bám chặt lấy mạn thuyền. Ai đó hét lên hoảng sợ, ai đó cầu Chúa giúp đỡ, ai đó nằm trên sàn, rên rỉ và nôn mật xanh mật vàng. Bão làm chúng tôi ướt sũng nhiều lần, những cơn say sóng lộn hết ruột gan chúng tôi ra và nếu như có gì còn lại trong chúng tôi, thì đó chỉ là nỗi khiếp sợ lạnh giá đầy thú tính. Chúng tôi không hề có một cái phao hay áo cứu hộ nào, mỗi đợt sóng đang đến gần đều có thể mang trong mình cái chết của chúng tôi.
Máy chết, không thể nổ lại được. Đột nhiên Peter hét lên trong tiếng gió: “Dầu!” Anh nhớ ra rằng cái máy này không chỉ cần xăng, mà cả dầu để pha cùng. Anh và Mark bắt đầu lục lọi ngăn để đồ. Họ tìm thấy một can dầu và rót thêm vào bình. Mark kéo cái dây vài lần và máy nổ. Tất cả mọi người kêu lên sung sướng, mặc dù cơn bão vẫn đang điên cuồng. Nhưng ít ra là một tia hy vọng đã lóe lên.
Bình minh ảm đạm, những đám mây là là thấp, nhưng mưa đã tạnh và cuối cùng thì trời cũng sáng. Chúng tôi bắt đầu nhìn quanh – mình đang ở đâu đây? Xung quanh toàn nước là nước, mênh mông, tăm tối và vẫn luôn tròng trành. Xa xa – chân trời dâng lên và hạ xuống, dập dềnh theo một nhịp điệu đều đặn kỳ lạ. Sau đó, khi mặt trời đã lên cao, chúng tôi nhận ra cái đường sẫm màu ở chân trời. Đất liền! Chúng tôi bơi thuyền về hướng đó. Trước mặt chúng tôi là bờ biển phẳng, những cây cọ, một đám người, còn ở phía sau là những túp lều. Hóa ra chúng tôi lại đang ở Zanzibar, chỉ có điều là ở phía trên thành phố rất xa. Không thạo về biển, chúng tôi không biết rằng mình bị cơn gió mùa vẫn thổi hằng năm vào mùa này tóm được, may mắn là nó đã ném con thuyền lên đây, vì nó có thể đem chúng tôi đến Vịnh Ba Tư, Pakistan hay Ấn Độ. Nhưng chẳng ai có thể sống sót sau chuyến đi như thế – chúng tôi sẽ chết vì khát hay ăn thịt lẫn nhau vì đói.
Mọi người xuống thuyền và ngã xuống cát dở sống dở chết. Tôi không thể yên tâm được và bắt đầu hỏi những người đang xúm quanh làm thế nào để vào thành phố. Một người trong số họ có xe máy và đồng ý chở tôi. Chúng tôi phóng qua những đường hầm xanh ngát, thơm hương, giữa những cây chuối, xoài và đinh hương. Luồng không khí nóng sấy khô áo sơ mi và quần áo trên người tôi – chúng mặn và trắng xóa vì nước biển. Sau một giờ đồng hồ, chúng tôi đến sân bay, nơi tôi mong sẽ gặp được Karume và anh có thể giúp chúng tôi đến Dar. Đột nhiên tôi trông thấy trên đường băng có một chiếc máy bay nhỏ, thấy Arnold đang xếp vào ca bin các thiết bị của mình. Felix đứng trong bóng râm cánh máy bay. Khi tôi chạy đến bên anh, anh nhìn tôi, chào và nói:
- Chỗ của anh còn trống. Đang chờ anh. Lên đi.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun