Chương 10 - Thêm Những Cuộc Phiêu Lưu Của Anh Chàng Cóc
ửa trước của cái cây rỗng ấy nhìn về hướng đông, vì vậy thằng Cóc được gọi dậy từ rất sớm, phần vì ánh sáng mặt trời rực rỡ, và phần vì những ngón chân nó bị quá lạnh đã khiến nó mơ thấy đang nằm trên giường ở nhà, trong căn phòng xinh xắn của nó với ô cửa sổ xây theo phong cách Tudor, vào một đêm đông giá lạnh, mà những tấm khăn trải giường của nó thì đã ngủ dậy rồi và đang càu nhàu phản kháng vì chúng không chịu nổi cái rét thêm chút nào nữa; và chúng chạy xuống cầu thang, tới bếp lò trong bếp để sưởi ấm, còn nó thì chân đất chạy theo sau, dọc theo những lối đi lát đá dài hàng dặm lạnh như băng, vừa chạy vừa tranh cãi và van xin chúng hãy tỏ ra biết điều. Lẽ ra nó có thể đã tỉnh giấc sớm hơn nhiều nếu như trước đó nó không phải ngủ trên đệm rơm trải trên nền đá phiến suốt vài tuần và hầu như đã quên đi cái cảm giác thân thiện của những tấm chăn dày được kéo lên trùm kín cằm mình.
Sau khi ngồi dậy, trước tiên nó giụi mắt và chà xát những ngón chân đang ca cẩm của mình, băn khoăn một lát không biết mình đang ở đâu và nhìn quanh tìm bức tường đá và ô cửa sổ nhỏ có chấn song quen thuộc; rồi nó mừng quýnh lên, nhớ ra tất cả – cuộc vượt ngục, cuộc chạy trốn, việc bị truy đuổi, và điều tốt đẹp hơn tất cả mà nó nhớ ra là nó đã được tự do!
Tự do! Chỉ cái từ ấy và ý nghĩ về nó thôi cũng đáng giá bằng năm chục cái chăn rồi. Nó thấy mình ấm suốt từ đầu đến chân khi nghĩ đến cái thế giới vui nhộn bên ngoài đang thiết tha chờ đợi nó đắc thắng bước vào, sẵn sàng phục vụ và nịnh bợ nó, nóng lòng giúp đỡ và bầu bạn với nó, vẫn như hồi xưa trước khi nỗi bất hạnh ập đến với nó. Nó lắc lắc mình để giũ bụi và dùng mấy ngón tay chải những chiếc lá khô ra khỏi mái tóc; và sau khi rửa mặt chải đầu xong, nó xăm xăm tiến vào ánh nắng ban mai dìu dịu, vẫn cảm thấy lạnh nhưng đầy tự tin, bụng đói nhưng đầy hy vọng, những nỗi kinh hoàng căng thẳng của ngày hôm qua đã được sự nghỉ ngơi, giấc ngủ và ánh nắng chân thành, hồ hởi xua tan.
Buổi sớm mùa hạ ấy nó đã có cả thế giới cho riêng mình. Vùng rừng đẫm sương, trong lúc nó lách qua, thật là hiu quạnh và tịch mịch; những cánh đồng màu xanh lục tiếp nối rừng cây là của riêng nó và nó muốn làm gì ở đó tùy thích; ngay cả con đường cái, khi nó bước tới, trong bối cảnh quạnh hiu bao trùm khắp nơi, dường như giống một con chó lạc đường đang nóng lòng tìm bầu bạn. Tuy vậy, thằng Cóc lại đang tìm kiếm một cái gì đó biết nói và có thể chỉ bảo rõ ràng cho nó hay phải đi đường nào. Tất thảy mọi sự đều tốt đẹp khi con người ta cảm thấy thư thái với một lương tâm trong sáng, có tiền trong túi và không bị ai lùng sục khắp nơi để bắt và lôi trở lại nhà tù, được bước đi theo hướng mà con đường vẫy gọi và chỉ lối, chẳng cần biết là sẽ đến đâu. Qủa thật là thằng Cóc có đầu óc thực tế này rất lo lắng, và lẽ ra nó đã có thể đá cho con đường một cái vì cái tội cứ yên lặng đến vô vọng khi mà mỗi một phút đều thật quan trọng đối với nó.
Một lát sau, con đường mộc mạc và dè dặt ý tứ ấy lại nhập bọn với một người anh em nhỏ bé mang hình hài của một con kênh. Sau khi bắt tay nhau, dòng kênh lại thong dong nước kiệu bên cạnh con đường với vẻ hoàn toàn tự tin, nhưng vẫn giữ thái độ im lặng, không cởi mở đối với những người xa lạ. “Rõ được cả hai đứa!” thằng Cóc tự nhủ. “Nhưng dù sao thì cũng rõ một điều. Cả hai đứa phải đến từ một nơi nào đó và phải đi tới một nơi nào đó. Cậu chẳng biết đó là nơi nào đâu, anh chàng Cóc thân mến của ta ơi![1]” Thế là nó kiên nhẫn tiến bước dọc theo mép nước.
Tại một khúc lượn của dòng kênh, một con ngựa lẻ loi đang nặng nề bước lên, đầu cúi gục như thể đang lo âu suy nghĩ. Từ những sợi thừng buộc ở cái vòng cổ của nó có một đoạn dài thõng xuống, căng, nhưng cứ dập dềnh theo sải bước của nó, phần cuối của đoạn dây ấy đang nhỏ xuống những giọt nước như ngọc trai. Thằng Cóc để cho con ngựa đi qua, và đứng đó chờ đợi những gì số phận sẽ đem đến cho mình.
Khuấy lên một xoáy nước nhè nhẹ ở phía trước cái mũi bè bè, chiếc xà lan lướt về phía trước song song với thằng Cóc, cái sườn sơn màu rực rỡ của nó ngang bằng với con đường dành cho việc kéo thuyền lên xuống. Trên xà lan chỉ có mỗi một người đàn bà to béo đầu đội một chiếc mũ vải lanh để che nắng, một cánh tay cuồn cuộn bắp thịt đặt dọc theo cần lái.
“Sáng nay trời thật đẹp, thưa bà!” bà ta bình luận với thằng Cóc lúc xà lan vượt lên ngang chỗ nó.
“Chắc chắn là như thế, thưa bà!” thằng Cóc đáp, giọng lịch sự, trong lúc nó thả bộ dọc con đường kéo thuyền ngang với bà ta. “Tôi dám chắc đây là một buổi sáng tốt đẹp đối với những người không ở trong hoàn cảnh đau buồn như tôi. Đứa con gái đã ở riêng của tôi vừa gửi thư hỏa tốc bảo tôi đến với nó ngay lập tức; thế là tôi rời khỏi nhà, chẳng biết chuyện gì đang hoặc sắp xảy đến, nhưng vì sợ tình hình tồi tệ nhất có thể xảy ra, chắc là bà sẽ hiểu, thưa bà, nếu bà cũng là một người mẹ. Tôi đã bỏ mặc công việc làm ăn – tôi ở trong ngành giặt là quần áo, hẳn là bà biết thưa bà – và tôi đã bỏ mặc lũ con nhỏ, mà trên đời này chẳng có lũ trẻ nào tinh quái, nghịch ngợm và lắm phiền toái như chúng nó, thưa bà; tôi lại mất hết cả tiền và bị lạc đường nữa, còn về chuyện gì có thể đang xảy ra với đứa con gái đã ở riêng thì, chà, tôi không muốn nghĩ đến, thưa bà!”
“Thế cô con gái đã ở riêng của bà hiện đang sống ở đâu, thưa bà?” người đàn bà lái xà lan hỏi.
“Nó sống gần dòng sông, thưa bà,” thằng Cóc đáp. “Gần một tòa nhà đẹp có tên gọi là Lâu đài Cóc, cũng ở quanh đây, trong vùng này. Có lẽ bà có thể đã nghe nói về tòa nhà đó.”
“Lâu đài Cóc? Chà, chính tôi cũng đang đi về phía ấy,” người đàn bà lái xà lan đáp. “Vài dặm nữa là dòng kênh này đổ ra sông, còn cách Lâu đài Cóc một quãng ngắn, và từ đó là một con đường dễ đi lắm. Bà hãy lên xà lan với tôi, tôi sẽ cho đi nhờ.”
Bà ta lái xà lan vào gần bờ, và thằng Cóc, sau khi nói nhiều lời nhún nhường bày tỏ lòng biết ơn, nhẹ nhàng bước lên rồi ngồi xuống, lòng rất mãn nguyện. “Anh chàng Cóc lại găp may!” nó nghĩ. “Cuối cùng thì ta bao giờ cũng thắng lợi!”
“Vậy ra bà làm việc trong ngành giặt giũ, thưa bà?” bà lái xà lan lịch sự hỏi, trong lúc cả hai đang lướt đi. “Mà cái nghề ấy của bà thật rất tốt, tôi dám chắc như vậy, chứ không phải là quá tùy tiện nói bừa đâu.”
“Đó là công việc tinh tế nhất trong cả cái hạt này,” thằng Cóc ung dung nói. “Tất cả những người cao sang đều đến với tôi – có các tiền họ cũng chẳng chịu đến với bất kỳ ai khác, họ biết tôi quá rõ mà. Bà hiểu chứ, tôi hết sức am tường cái nghề của mình và đích thân chăm lo giải quyết mọi việc. Nào giặt, nào là, nào gột hồ, cắt may những chiếc sơ mi nam thật đẹp để mặc buổi tối – mọi việc đều được thực hiện với sự có mặt của tôi!”
“Nhưng chắc chắn là bà không tự làm tất cả những công việc ấy, thưa bà?” bà lái xà lan hỏi, vẻ kính trọng.
“Ồ, tôi có các lao động nữ,” thằng Cóc nhẹ nhàng nói, “khoảng hai mươi cô gì đó, luôn có mặt làm việc. Nhưng bà cũng biết cái đám lao động nữ có ra gì đâu, thưa bà. Lũ ranh con vô liêm sỉ, tôi gọi chúng nó là như thế!”
“Tôi cũng gọi như thế,” bà lái xà lan nói, giọng rất nồng nhiệt. “Nhưng tôi dám chắc là bà đã uốn nắn họ rồi, cái lũ phóng đãng lười nhác ấy mà! Mà bà rất thích việc giặt giũ phải không?”
“Tôi rất yêu thích công việc đó,” thằng Cóc nói, “Đơn giản là tôi say mê công việc đó. Chẳng bao giờ tôi thấy vui sướng lúc thò cả hai cánh tay vào chậu giặt. Nhưng sau đó công việc trở nên quá dễ dàng đối với tôi! Chẳng khó khăn gì hết. Một niềm vui thực sự, tôi cam đoan như vậy, thưa bà!”
“Được gặp bà thật may mắn biết bao!” bà lái xà lan nhận xét, vẻ tư lự. “Một cơ may thật sự cho cả hai chúng ta!”
“Sao, bà nói thế có nghĩa là thế nào?” thằng Cóc lo lắng hỏi.
“Ồ, bà hãy nhìn tôi đây này,” bà lái xà lan đáp. “Tôi cũng thích công việc giặt giũ như bà vậy; và về chuyện này, dù muốn hay không, tôi cũng phải giặt quần áo của mình, tất nhiên là thế, vì tôi cứ nay đây mai đó. Còn chồng tôi, lão ta chỉ được cái trốn việc, bỏ mặc tôi với chiếc xà lan này, đến nỗi tôi chẳng còn thì giờ nào mà lo liệu công việc riêng của mình nữa. Đúng ra thì lúc này lão phải có mặt ở đây, hoặc là đang lái xà lan hoặc là đang chăm sóc con ngựa, tuy cũng may mà con ngựa cũng khá có ý thức biết tự lo liệu cho mình. Chẳng làm những việc ấy, lão lại còn dẫn con chó đi, xem có bắt được một con thỏ để dùng bữa ở một nơi nào đó không. Lão bảo sẽ đuổi kịp tôi ở cửa cống sắp tới. Chà, có thể là như thế – tôi không thể tin cậy vào lão, một khi đã dẫn con chó ấy đi thì chẳng ai tệ hại hơn lão nữa. Nhưng trong lúc đó tôi làm sao mà giặt giũ được?”
‘Ồ, đừng bận tâm về việc giặt giũ,” thằng Cóc nói, vì nó không thích chủ đề này. “Hãy cố mà tập trung suy nghĩ về con thỏ ấy. Một con thỏ vừa non vừa béo, tôi tin chắc như vậy. Bà có củ hành nào không?”
“Tôi không thể tập trung suy nghĩ về việc gì ngoài chuyện giặt giũ,” bà lái xà lan nói, “và tôi ngạc nhiên thấy bà có thể nói chuyện về những con thỏ khi mà bà có cả một viễn cảnh vui mừng phía trước. Bà sẽ thấy là tôi có cả một đống đồ trong góc ca-bin kia kìa. Chỉ cần bà lấy ra một hoặc hai cái thuộc loại cần thiết nhất – tôi chẳng dám mạo muội mô tả chúng với một phụ nữ như bà, nhưng chỉ nhìn qua là bà sẽ nhận ra ngay – và ngâm chúng vào cái chậu mà giặt trong lúc chúng ta còn đang tiếp tục hành trình, chà, đó sẽ là một niềm vui cho bà, như bà đã khẳng định, và là một sự giúp đỡ thật sự đối với tôi. Khi đó bà sẽ vui vẻ, còn hơn là cứ ngồi không ở đây mà ngắm nhìn phong cảnh và ngáp ngắn ngáp dài.”
“Này, bà để tôi lái đi!” thằng Cóc nói, lúc này đã hoàn toàn phát hoảng, “để bà có thể tiến hành việc giặt giũ theo cách riêng của bà. Tôi có thể làm hỏng đồ của bà, hoặc là không giặt được thật vừa ý bà. Bản thân tôi quen với đồ của các quý ông hơn. Đó là khu vực kinh doanh của tôi mà.”
“Để bà lái ư?” bà lái xà lan vừa đáp vừa cười to. “Cần phải tập luyện đôi chút mới lái được một chiếc xà lan cho đúng cách. Hơn nữa, việc này rất nhàm chán, và tôi lại muốn bà được vui vẻ. Không, bà sẽ phải làm cái việc giặt giũ mà bà rất ưa thích, còn tôi thì cứ duy trì việc lái xà lan mà tôi am hiểu. Đừng tìm cách tước đoạt của tôi cái hân hạnh được dành cho bà một niềm vui đấy!”
Thằng Cóc bị dồn vào chân tường khá là bức bách. Nó nhìn quanh tìm cách chạy trốn và thấy rằng nó cách bờ sông quá xa nên không thể thực hiện một cú nhảy xa, thôi đành rầu rĩ phó mặc cho số phận. “Đã đến nước này,” nó nghĩ trong tuyệt vọng, “thì một thằng ngốc cũng có thể giặt!”
Nó đi lấy chậu, xà phòng và các thứ cần thiết khác trong ca-bin, chọn bừa vài thứ quần áo, cố nhớ lại những gì nó đã tình cờ nhìn thấy qua các cửa hàng thợ giặt, và bắt tay vào việc.
Nửa giờ đồng hồ đằng đẵng trôi qua, suốt thời gian đó thằng Cóc mỗi lúc càng thêm cáu kỉnh. Nó không làm nổi điều gì khiến cho mớ quần áo đó hài lòng hoặc dễ chịu. Nó cố dỗ ngon dỗ ngọt, cố đập mạnh, cố đấm; bọn chúng vẫn cứ trơ ra trong cái chậu và mỉm cười với nó, tỏ ra sung sướng vì cái tội không tuân lệnh bẩm sinh của mình. Một đôi lần nó bồn chồn ngoái lại qua bờ vai để nhìn bà lái xà lan, nhưng bà ta rõ ràng vẫn đang chằm chằm nhìn về phía trước, mải mê với công việc của mình. Lưng nó đau ê ẩm, và nó thảng thốt nhận ra rằng hai bàn tay mình đang bắt đầu trở nên nhăn nheo khắp lượt. Lúc này thằng Cóc đang hãnh diện vì đôi bàn tay của mình. Nó khẽ lẩm bẩm những lời mà cả các bà thợ giặt lẫn những con cóc cũng chẳng bao giờ nên nói ra ngoài miệng, và rơi mất cục xà phòng đến lần thứ năm mươi.
Một tràng cười rộ khiến nó ngồi thẳng người lên và nhìn quanh. Bà lái xà lan đang ngả người ra đằng sau mà cười như nắc nẻ, cho tới khi những giọt nước mắt chảy ròng ròng xuống đôi má.
“Nãy giờ tao vẫn luôn theo dõi mày,” bà ta hổn hển. “Bằng vào cái cách ăn nói tự cao tự đại của mày, tao đã nghĩ mày đúng là đồ bịp bợm. Thợ giặt à, đẹp mặt nhỉ! Cả đời chẳng giặt nổi một cái khăn lau bát, tao đánh cuộc là thế!”
Cái tính dễ cáu của thằng Cóc đã âm ỉ dữ dội một lát, lúc này sôi lên sùng sục, và nó không kiềm chế nổi mình nữa.
“Mụ lái xà lan tầm thường, hèn hạ và béo ị kia!” nó quát lên; “mụ dám ăn nói như thế với những người cao sang hơn mình ư? Ta mà là thợ giặt! Ta muốn cho mụ biết ta là Cóc, một chàng Cóc rất nổi tiếng, đàng hoàng và khả kính. Có thể bây giờ ta đang hơi thất thế một chút, nhưng ta không chịu để cho một mụ lái xà lan cười nhạo đâu!”
Người đàn bà tiến lại gần nó và nhìn nó thật kỹ và soi mói dưới vành mũ của nó. “Chà, ra là thế!” bà ta kêu to. “Chà, một thằng Cóc gớm chết, đáng ghét và nịnh bợ! Thế mà lại ở trên cái xà lan sạch sẽ của tao! Bây giờ thì tao sẽ tống khứ mày đi!”
Bà ta buông cần lái ra một lát. Một cánh tay to tướng và lốm đốm phóng vụt ra và tóm được một chân trước của thằng Cóc, đồng thời cánh tay kia kẹp chặt một chân sau của nó. Sau đó vạn vật bỗng nhiên lộn ngược tất cả, chiếc xà lan dường như nhẹ nhàng bay lượn ngang bầu trời, gió vù vù trong tai nó, và thằng Cóc thấy mình bay trên không, vừa bay bừa quay tròn rất nhanh.
Khi thằng Cóc rơi xuống dòng kênh đánh tõm một cái, nó thấy nước khá lạnh, tuy rằng cái lạnh ấy không đủ dập tắt tính kiêu căng của nó, hoặc giải nhiệt cho tính nóng nảy dữ dội của nó. Nó nhoi lên mặt nước, thở phì phì, và khi gạt được mấy cái bèo tấm ra khỏi mắt, điều đầu tiên mà nó nhìn thấy là bà lái xà lan béo mập vừa ngoái lại nhìn nó qua phần đuôi của chiếc xà lan đang lùi xa vừa cười to; và trong lúc vừa ho vừa nghẹt thở, nó thề sẽ trả thù.
Nó cố bơi vào bờ, nhưng chiếc áo choàng bằng vải bông đã ngăn trở những nỗ lực của nó rất nhiều, và cuối cùng, khi vào được bờ, nó cảm thấy không có ai dìu thì khó mà trèo được lên bờ sông dốc đứng. Nó phải nghỉ một hai phút để lấy hơi; rồi, vừa ôm cả mớ váy sống sũng nước nó vừa chạy thật nhanh đuổi theo chiếc xà lan, sục sôi căm hờn và khao khát trả thù.
Bà lái xà lan vẫn còn đang cười rộ thì nó đã đuổi đến nơi. “Hãy chui vào cái máy cán là của bà đi, bà thợ giặt ơi!” bà ta kêu to, “Hãy là cái mặt của bà và ép lại nó đi, rồi sẽ trở thành một thằng Cóc ra dáng tử tế!”
Thằng Cóc không dừng lại trả lời. Điều nó muốn là một cuộc trả thù ra trò chứ đâu phải là những chiến thằng bằng võ mồm rẻ tiền và hão huyền, mặc dù trong đầu nó cũng có một đôi điều mà lẽ ra nó đã muốn nói. Nó nhìn thấy cái mình cần ở phía trước. Tiếp tục chạy thật nhanh, nó vượt lên khỏi con ngựa, cởi dây buộc ra, vứt đi, nhẹ nhàng nhảy lên lưng ngựa và giục nó phi nước đại bằng cách đá thật mạnh vào hai bên sườn. Nó phi về phía đồng không mông quạnh, bỏ qua con đường kéo thuyền và cho ngựa rẽ ngoặt xuống một đoạn đường hẹp có nhiều vết lún. Một lần ngoái cổ lại nhìn, nó thấy chiếc xà lan bị mắc cạn ở bờ bên kia của dòng kênh và bà lái xà lan đang vừa khoa chân múa tay rối rít vừa hô to, “Dừng lại, dừng lại, dừng lại!”
“Trước kia mình đã được nghe bài ca này rồi,” thằng Cóc vừa nói vừa cười to trong lúc nó tiếp tục thúc ngựa phi hết tốc lực về phía trước.
Con ngựa làm nghề sông nước không thể có được bất kỳ nỗ lực bền bỉ nào, và nước đại của nó chẳng mấy chốc giảm xuống nước kiệu, rồi nước kiệu của nó lại trở thành một cuộc đi dạo thong thả; nhưng thằng Cóc vẫn hoàn toàn hài lòng về chuyện này vì biết rằng dù sao đi nữa thì nó cũng đang chuyển động, còn chiếc xà lan thì không. Nó đã hoàn toàn vui vẻ trở lại vì lúc này nó đã làm được một điều gì đó mà nó cho là thật sự tài tình; và nó thấy thỏa mãn được tiếp tục đi thong thả lặng lẽ trong ánh mặt trời, vừa tận dụng những con đường phụ hoặc những con đường dành cho ngựa, vừa cố quên đi quãng thời gian dài đằng đẵng kể từ khi nó được ăn một bữa thỏa thuê, cho tới khi dòng kênh bị bỏ lại xa tít phía sau.
Nó đã rong ruổi được vài dặm đường – nó và con ngựa của nó – và còn đang buồn ngủ trong ánh mặt trời nóng bức thì con ngựa dừng lại, cúi thấp đầu xuống và bắt đầu gặm cỏ; còn thằng Cóc thì bừng tỉnh, vừa kịp cố nỗ lực để tránh khỏi ngã xuống đất. Nó nhìn quanh và thấy mình đang ở trên một vùng đất công rộng lớn, lắc rắc khắp nơi những vạt cây kim tước và cây mâm xôi ngút tầm mắt. Có một caravan xám xịt của dân gipxy đậu gần nó, bên cạnh đó là một người đàn ông ngồi trên một cái xô úp sấp đang bận hút thuốc và ngắm nhìn thế giới mênh mông. Một bếp củi đang cháy ở gần đó, phía trên treo lủng lẳng một cái nồi bằng sắt, từ đó vẳng ra những âm thanh ùng ục và một làn hơi lờ mờ quyến rũ. Lại còn những mùi hương nữa – những mùi hương nồng đượm, phong phú và đa dạng – chúng quấn quít, hòa quyện với nhau và cuối cùng trở thành một mùi hương hoàn hảo, hấp dẫn tuyệt vời, cứ như thể mùi hương đó chính là linh hồn của Tạo hóa hiện hình và xuất hiện trước bầy con của Người – một Nữ thần thực sự, một người mẹ của niềm an ủi và cứu giúp. Lúc này thằng Cóc hiểu rõ rằng trước kia nó chưa bao giờ bị đói thực sự. Cái cảm giác khi trước của nó vào buổi sớm hôm đó chẳng qua chỉ là một sự dằn vặt vặt vãnh. Cuối cùng thì lúc này nó cũng thấy đói thực sự, và cái đói ấy cũng sẽ phải được giải quyết nhanh chóng, nếu không thì ai đó hoặc vật gì đó sẽ bị rày rà. Nó vừa quan sát người gipxy thật kỹ, vừa mơ hồ tự hỏi liệu đánh nhau với ông ta hoặc phỉnh phờ ông ta thì việc nào dễ hơn. Thế là nó cứ ngồi đó mà khụt khịt đánh hơi và nhìn người gipxy; còn người gipxy thì ngồi hút thuộc và nhìn nó.
Lát sau, người gipxy bỏ cái tẩu ra khỏi miệng và nói bâng quơ, “Có muốn bán con ngựa kia của bà không?”
Thằng Cóc vô cùng sửng sốt. Nó không biết rằng dân gipxy rất thích buôn bán ngựa và không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào, và nó không biết rằng những chiếc caravan thì luôn luôn chuyển chỗ và cần nhiều sức kéo. Trước đó nó không nghĩ đến việc chuyển con ngựa thành tiền mặt, song gợi ý của người gipxy dường như đã tạo điều kiện dễ dàng để nó đạt được hai điều mà nó đang rất cần – tiền mặt và một bữa điểm tâm ra trò.
“Cái gì?” nó nói, “tôi mà lại bán con ngựa tơ đẹp đẽ của mình ư? Ồ không, chuyện đó không thể được. Hàng tuần lấy ai đem trả đồ cho các khách hàng của tôi đây? Hơn nữa, tôi rất thích nó, mà nó mặc nhiên là quý mến tôi.”
“Hãy cố mà yêu thích một con lừa đi,” người gipxy gợi ý. “Vài người đã làm như vậy.”
“Hình như ông không hiểu,” thằng Cóc nói tiếp, “rằng con ngựa đẹp đẽ này của tôi còn cao sang hơn cả ông ấy chứ. Nó là một con ngựa thuần chủng, đúng thế, nhưng cố nhiên chỉ nhìn thì ông không nhận ra được. Mà nó đã từng là một con ngựa đoạt giải nữa cơ đấy – đó là vào thời gian trước khi ông biết nó, nhưng bây giờ chỉ cần khẽ liếc qua ông cũng có thể nhận ra điều đó, nếu ông am hiểu chút ít về ngựa. Không, việc này không thể giải quyết trong chốc lát được đâu. Dù sao cũng xin hỏi, ông có thể bỏ ra bao nhiêu tiền để mua con ngựa tơ đẹp đẽ này của tôi?”
Người gipxy nhìn kỹ con ngựa, rồi lại nhìn thằng Cóc một cách kỹ lưỡng không kém và rồi lại nhìn con ngựa một lần nữa.
“Mỗi vó một si-linh,” ông ta nói ngắn gọn, rồi quay mặt đi, tiếp tục hút thuốc và nhìn chằm chằm vào thế giới bao la.
“Mỗi vó một si-linh ư?” thằng Cóc kêu lên. “Xin ông vui lòng, tôi cần chút thời gian để tính toán xem cả thảy là bao nhiêu.”
Nó xuống ngựa, để ngựa gặm cỏ rồi ngồi xuống bên cạnh người gipxy và nhẩm tính trên đầu ngón tay. Cuối cùng, nó nói, “Mỗi vó một si-linh? Chà, cả thảy chính xác là bốn si-linh, chỉ có vậy. Ồ không, tôi không thể chấp nhận việc đổi con ngựa tơ đẹp đẽ này lấy bốn si-linh đâu.”
“Được,” người gipxy nói, “Tôi sẽ cho bà biết ý định của tôi. Tôi sẽ trả năm si-linh và thế là cao hơn giá trị con vật những chín xu rồi. Tôi nói dứt khoát đấy.”
Sau đó, thằng Cóc ngồi suy nghĩ thật kỹ hồi lâu. Bởi nó đang đói, lại hoàn toàn không một xu dính túi mà vẫn còn cách nhà một đoạn đường – nó chẳng biết là bao xa – và kẻ thù có thể vẫn còn đang tìm nó. Với một kẻ trong hoàn cảnh như vậy thì năm si-linh rất có thể là một món tiền lớn. Mặt khác, nếu là tiền bán ngựa thì ngần ấy dường như lại không nhiều lắm. Ấy thế nhưng nó đã chẳng mất đồng nào mà được con ngựa này, vì vậy dù được bao nhiêu tiền thì toàn bộ đều là tiền lãi. Cuối cùng, nó dõng dạc nói: “Nghe đây, ông gipxy! Tôi cho ông biết ý định của tôi, mà là ý định dứt khoát đấy. Ông phải trao cho tôi sáu si-linh và sau xu tiền mặt, ngoài ra ông phải cho tôi ăn một bữa điểm tâm căng bụng, cố nhiên là chỉ một lần thôi, những thứ trong cái nồi sắt nãy giờ vẫn tỏa ra những mùi thơm ngon và hấp dẫn kia của ông. Đổi lại, tôi sẽ trao cho ông con ngựa tơ mạnh mẽ của tôi, kèm theo miễn phí cả bộ yên cương đẹp đẽ cùng các thứ đồ ngựa trên mình nó. Nếu thấy như thế vẫn chưa thật hời thì ông cứ nói, để tôi còn đi. Tôi biết một ông ở gần đây muốn mua con ngựa của tôi đã mấy năm nay rồi.”
Người gipxy cằn nhằn om cả lên và bảo rằng nếu thực hiện thêm vài vụ buôn bán kiểu này thì ông sẽ sạt nghiệp mất. Nhưng cuối cùng, ông ta cũng lôi một cái túi vải bạt bẩn thỉu từ đáy túi quần của mình và đếm đủ sáu si-linh và sáu xu đặt vào tay thằng Cóc. Rồi ông ta biến vào trong chiếc caravan một lát rồi quay trở lại cùng với một chiếc đĩa sắt lớn và con dao, cái dĩa, cái thìa. Ông ta nghiêng cái nồi, và một dòng món hầm bổ béo, nóng hổi, đầy màu sắc róc rách chảy vào cái đĩa. Quả thật, đó là món hầm ngon nhất thế giới, được chế biến bằng thịt gà gô, gà lôi, gà nhà, thỏ rừng và thỏ nhà, lại thêm thịt chim công, gà Nhật và một hai thứ khác nữa. Thằng Cóc ôm cái đĩa vào lòng, suýt nữa thì reo lên, rồi ngốn lấy ngốn để và cứ liên tục xin thêm, còn người đàn ông kia cũng chẳng hẹp hòi gì với nó. Nó nghĩ suốt từ trước đến giờ nó chưa từng được ăn một bữa điểm tâm nào ngon như vậy trong đời.
Sau khi đã ních hết cỡ món hầm ấy vào bụng, thằng Cóc đứng dậy chào tạm biệt người gipxy và âu yếm từ biệt con ngựa. Người gipxy rất thông thổ vùng bờ sông này chỉ dẫn cho nó con đường đi tiếp và nó lại dấn bước vào những cuộc hành trình của mình trong tâm trạng vô cùng phấn chấn. Quả thật, nó đã là một anh chàng Cóc khác hẳn với con vật một giờ trước đó. Mặt trời đang tỏa sáng rực rỡ, bộ quần áo ướt của nó đã khô hẳn, túi nó lại có tiền, nó đang về gần nhà và bạn bè một cách an toàn, và điều tốt đẹp hơn cả là nó vừa có một bữa ăn chất lượng, nóng hổi và bổ dưỡng. Nó cảm thấy mạnh mẽ, khỏe khoắn, vô tư và tự tin.
Vừa vui vẻ cuốc bộ nó vừa nghĩ đến những cuộc phiêu lưu, những cuộc chạy trốn và về việc nó đã xoay xở thế nào để thoát thân khi mà tình thế dường như tệ hại nhất; và cái tính tự cao tự đại lại trào dâng trong lòng nó.
“Hà hà!” nó tự nhủ trong lúc tiến bước trên đường với cái mặt vênh váo, “Ta quả là một chàng Cóc tài giỏi! Chắc chắn chẳng có con vật nào tài giỏi bằng ta trên khắp thế gian này! Kẻ thù của ta nhốt ta vào ngục, có lính gác vòng trong vòng ngoài, bọn cai ngục giám sát ngày đêm, ta vẫn bước ra ngoài qua tất cả bọn chúng, chỉ bằng tài năng cùng với lòng dũng cảm. Chúng dùng đầu tàu hỏa, cảnh sát và súng lục đuổi bắt ta; ta bật ngón tay tanh tách vào bọn chúng rồi biến mất cùng tiếng cười rộ ném vào không gian. Chẳng may, ta bị một mụ đàn bà to béo, tâm địa độc ác quẳng xuống một dòng kênh. Thì đã sao nào? Ta bơi vào bờ, ta chiếm lấy con ngựa của mụ, phóng đi trong chiến thắng, rồi lại bán con ngựa lấy cả một túi tiền cùng một bữa điểm tâm tuyệt vời! Hà hà, ta là chàng Cóc đẹp trai và nổi tiếng, chàng Cóc thành công!” Nó dương dương tự đắc tới mức vừa đi vừa sáng tác một bài hát tự ca ngợi mình rồi hát thật to lên mặc dù chẳng có ai ngoài nó nghe. Có lẽ đó là bài hát ngông cuồng nhất mà một con vật từng sáng tác:
Thế gian này nhiều Anh hùng vĩ đại,
Như sử sách đã ghi danh;
Nhưng chẳng một tên tuổi nào
Nổi tiếng bằng anh chàng Cóc!
Các sinh viên thông minh của trường Oxford,
Biết tất cả những gì cần phải biết
Nhưng chẳng cậu nào biết một ai
Thông minh bằng nửa anh chàng Cóc!
Nhưng con vật ngồi khóc trên Con thuyền Lớn[2],
Nước mắt chúng tuôn rơi xối xả
Ai đã bảo: “Phía trước là đất liền”?
Chính chàng Cóc nói lời khích lệ.
Cả đoàn quân đều giơ tay chào
Khi đều bước dọc trên đường cái.
Đó là đức Vua? Hay người Nấu Bếp?
Không. Đó là anh chàng Cóc.
Hoàng hậu cùng các Thị Tỳ
Ngồi bên cửa sổ và khâu vá.
Bà kêu to, “Nhìn kìa! Ai mà điển trai thế?”
Họ trả lời, “Đó là chàng Cóc.”
Còn có rất nhiều bài khác cùng loại này nữa, nhưng vì chúng ngông nghênh khủng khiếp quá chừng nên không thể ghi chép ra đây. Đây chỉ là dăm đoạn thơ thuộc loại ôn hòa hơn.
Nó vừa hát vừa đi, rồi vừa đi vừa hát và mỗi lúc một thêm vênh váo. Song niềm kiêu hãnh của nó chẳng mấy chốc sụp đổ tan tành.
Sau vài dặm đường làng, nó tới đường quốc lộ. Lúc rẽ vào đây và liếc nhìn dọc con đường màu trắng này, nó thấy một chấm nhỏ đang tiến lại gần mình, rồi chuyển thành một đốm nhỏ, rồi thành một viên tròn, và rồi thành một cái gì đó rất quen thuộc; và đôi tai sung sướng của nó bỗng nghe thấy một âm thanh cảnh báo nhấn hai lần quá ư quen thuộc.
“Âm thanh này nghe hơi giông giống!” thằng Cóc sôi nổi nói. “Thế là cuộc sống thực sự một lần nữa lại đến rồi, thế là cái thế giới thuyệt vời mà bấy nay ta bỏ lỡ lại đến! Tã sẽ réo gọi họ, những người anh em bên tay lái của ta, và sẽ kể họ nghe một câu chuyện bịa thuộc loại lâu nay vẫn đem lại kết quả; và cố nhiên họ sẽ cho đi nhờ. Và rồi ta sẽ trò chuyện thêm với họ đôi chút; và có lẽ, nếu may mắn, rốt cục mình có thể được lái một chiếc xe hơi về tận Lâu đài Cóc ấy chứ. Rồi bác Lửng cứ gọi là phải lác mắt!”
Nó tự tin bước ra giữa đường để vẫy chiếc xe hơi đang từ từ chạy đến và giảm dần tốc độ khi đến gần con đường làng. Bỗng mặt nó tái mét, tim nó tan thành nước, đầu gối nó run bần bật và khuỵu xuống, nó gập người lại rồi đổ vật ra cùng một nỗi đau đớn chán chường ở trong lòng. Và con vật khốn khổ ấy có thể khóc, bởi chiếc xe hơi đang tiến lại gần kia lại chính là chiếc xe nó đã lấy trộm trong sân Khách sạn Sư Tử Đỏ vào cái ngày định mệnh ấy khi mà tất cả những phiền toái của nó bắt đầu. Còn những người trên xe ấy cũng vẫn là những người nó đã ngồi quan sát lúc ăn trưa tại phòng cà phê đó.
Nó sụm xuống thành một đống lù lù tiều tụy và khốn khổ trên đường, miệng lẩm bẩm trong tuyệt vọng, “Hết tất cả rồi! Bây giờ thì hết tất cả rồi! Lại xiềng xích và cảnh sát! Lại nhà tù rồi! Lại bánh mỳ khô và nước lã rồi! Ôi, bấy nay ta thật đến là khờ! Việc gì ta phải vừa khệnh khạng khắp vùng quê này vừa hát những bài ca ngông nghênh ấy và vẫy chào mọi người trên đường giữa ban ngày ban mặt thay vì cứ lẩn trốn cho tới khi đêm xuống và lẳng lặng chuồn về nhà theo những con đường vắng? Hẩm hiu thay thằng Cóc! Xấu số thay con vật này!”
Chiếc xe khủng khiếp ấy cứ chầm chậm lăn bánh mỗi lúc một gần thêm và cuối cùng nó nghe thấy chiếc xe dừng lại cách mình một quãng ngắn. Hai người đàn ông lịch sự ra khỏi xe và bước vòng quanh cái đống nhàu nát khốn khổ đang nằm run rẩy trên mặt đường, rồi một người nói, “Trời ơi! Thật đáng buồn! Đây là một bà già khốn khổ – có vẻ là một bà thợ giặt – bị ngất xỉu trên đường. Có lẽ bà ấy bị kiệt sức vì trời quá nóng, thật tội nghiệp; hoặc giả cả ngày hôm nay bà ấy chưa được ăn chút gì. Chúng ta hãy khiêng bà ấy lên xe và đưa đến làng gần đây nhất, ở đó chắc chắn bà ấy có bạn bè.”
Họ nhẹ nhàng khiêng thằng Cóc lên xe và đặt nó tựa vào mấy cái nệm mềm, rồi lại tiếp tục lên đường.
Khi thấy cung cách họ trò chuyện rất tử tế và thông cảm, thằng Cóc biết là họ không nhận ra mình, nó lại thấy can đảm trở lại, rồi nó thận trọng mở một mắt ra trước, sau đó lại mở nốt mắt kia.
“Nhìn kìa!” một quý ông nói, “Bà ấy đã khá hơn rồi. Không khí trong lành có tác dụng tốt đối với bà ấy. Bây giờ bà cảm thấy thế nào, thưa bà?”
“Rất cảm ơn ông,” thằng Cóc nói bằng một giọng yếu ớt, “tôi cảm thấy khá hơn rất nhiều rồi!”
“Đúng là thế,” quý ông đó nói. “Bây giờ bà hãy giữ yên lặng, và trước hết, đừng cố nói gì cả.”
“Tôi sẽ không nói gì hết,” thằng Cóc nói. “Vừa rồi tôi chỉ nghĩ rằng, nếu có thể ngồi vào cái ghế đằng trước kia kìa, bên cạnh ông tài xế, tại đó không khí trong lành phả vào khắp mặt tôi và tôi sẽ sớm bình phục thôi mà.”
‘Quả là một phụ nữ sáng suốt!” quý ông đó nói. “Cố nhiên bà sẽ ngồi chỗ đó”. Thế là họ cẩn thận dìu thằng Cóc lên cái ghế phía trước, bên cạnh tài xế, rồi một lần nữa họ lại tiếp tục hành trình.
Lúc này thằng Cóc hầu như đã là chính mình. Nó ngồi thẳng dậy, ngó nghiêng xung quanh và cố chế ngự những rung động, những khát khao thèm muốn cũ đang trỗi dậy, bủa vây và hoàn toàn chiếm giữ nó.
“Đó là số phận!” nó tự nhủ. “Việc gì phải cố gắng? Việc gì phải đấu tranh?” rồi nó quay sang người tài xế ngồi bên cạnh.
“Thưa ông,” nó nói, “tôi mong ông vui lòng để tôi thử lái xe một lát. Tôi đã quan sát ông kỹ càng, và thấy việc lái xe có vẻ cũng dễ dàng và thú vị lắm. Mà tôi lại thèm muốn được kể với bạn bè rằng tôi từng có lần lái một chiếc xe hơi!”
Người tài xế cười to trước lời đề nghị đó, tiếng cười vui vẻ đến nỗi quý ông nọ phải hỏi xem có chuyện gì. Nghe kể lại xong, ông ta nói, thằng Cóc nghe mà sướng tai, “Hoan hô quý bà! Tôi thích cái tính hăng hái của bà. Hãy để bà ấy thử, và hãy chăm sóc bà ấy. Bà ấy sẽ chẳng gây tổn hại gì đâu.”
Thằng Cóc hăm hở trèo vào chiếc ghế mà người tài xế đã bỏ trống, hai tay nắm lấy bánh lái, giả vờ nhún nhường lắng nghe những lời chỉ dẫn dành cho nó, rồi nó cho xe chạy, nhưng thoạt đầu chỉ chầm chậm và cẩn thận, vì nó đã quyết tâm tỏ ra khôn ngoan.
Các quý ông ngồi phía sau vỗ tay hoan hô, và thằng Cóc nghe thấy họ nói, “Bà ấy lái xe cừ thật. Một bà thợ giặt mà lái xe giỏi đến thế mới lạ chứ, mà lại là lần đầu tiên kia đấy!”
Thằng Cóc cho xe chạy nhanh hơn một chút, rồi lại nhanh hơn nữa, nhanh lên mãi.
Nó nghe thấy tiếng các quý ông la to cảnh báo, “Cẩn thận, bà thợ giặt!” Câu nói này khiến nó bực mình và nó bắt đầu mất bình tĩnh.
Người tài xế tìm cách can thiệp nhưng bị nó dùng một khuỷu tay ghì chặt xuống ghế rồi phóng hết tốc độ. Gió ào vào mặt nó, động cơ nổ rền và cái xe khẽ chồm lên khiến cái đầu ngu muội của nó thật say sưa. “Bà thợ giặt ư, còn lâu nhé!” nó liều lĩnh quát to lên. “Hà hà! Ta là Cóc, kẻ trộm xe hơi, kẻ vượt ngục, cái thằng Cóc luôn luôn thoát nạn! Cứ ngồi yên, rồi các người sẽ biết lái xe thực sự là thế nào, bởi các người đang ở trong tay thằng Cóc lừng danh, tài tình và hoàn toàn không biết sợ!”
Hét lên một tiếng hãi hùng, cả bọn đứng dậy và lao vào nó. “Tóm lấy hắn!” họ kêu lên, “Tóm lấy thằng Cóc, con vật tinh quái đã ăn trộm xe hơi của chúng ta! Trói hắn lại, xích lại mà lôi hắn đến đồn cảnh sát gần nhất. Đả đảo thằng Cóc nguy hiểm và liều lĩnh!”
Than ôi, lẽ ra họ đã phải suy nghĩ, lẽ ra họ đã phải thận trọng hơn, lẽ ra họ đã phải nhớ dừng xe lại bằng cách này cách khác trước khi ra tay kiểu như vậy.
Đánh tay lái nửa vòng, thằng Cóc tông thẳng xe qua bờ giậu thấp dọc lề đường.
Chiếc xe nhảy vọt lên rồi lao ầm xuống, các bánh xe khuấy tung đám bùn đặc sệt trong một cái ao tắm ngựa.
Thằng Cóc thấy mình bay lên không trung, vút mạnh lên cao theo một đường cong thanh tú của một cánh én. Nó thích cái chuyển động này và vừa mới bắt đầu tự hỏi liệu chuyển động ấy có còn tiếp tục cho tới khi nó mọc cánh và biến thành một con chim-cóc hay không, thì lưng nó đã rơi bịch xuống đất, trên đám cỏ tươi tốt và mềm mại của một đồng cỏ. Khi ngồi dậy, nó chỉ nhìn thấy chiếc xe ở dưới ao gần chìm nghỉm; các quý ông cùng người tài xế vì vướng víu những chiếc áo khoác dài còn đang loạng choạng một cách bất lực dưới nước.
Nó nhanh chóng đứng dậy và bắt đầu chạy thật nhanh qua vùng đồng quê, trèo qua các bờ giậu, nhảy qua những con mương, chạy rầm rập qua những cánh đồng cho tới khi mệt bã cả hơi và phải chuyển dần thành những bước đi thong thả. Khi đã lấy lại hơi được đôi chút và có thể bình tĩnh suy nghĩ, nó bắt đầu cười rúc rích, rồi từ chỗ cười rúc rích nó chuyển sang cười lớn mãi cho tới khi phải ngồi xuống dưới một bờ giậu. “Hà hà!” nó kêu to, ngây ngất cảm xúc tự ngưỡng mộ. “Lại là thằng Cóc! Vẫn như thường lệ, thằng Cóc lại thắng! Ai đã khiến được họ phải cho đi nhờ nhỉ? Ai đã tìm được cách lên ngồi ghế trên để hít thở không khí trong lành? Ai đã thuyết phục được họ cho thử lái xe? Ai đã đưa tất cả bọn họ xuống một cái ao tắm ngựa? Ai đã tẩu thoát bằng cách bay lên không trung, hoan hỷ và bình an vô sự, bỏ lại lũ du khách nhỏ nhen, hằn học và nhút nhát trong vũng bùn, một nơi xứng đáng dành cho chúng? Chà, cố nhiên là thằng Cóc rồi, thằng Cóc tài tình, thằng Cóc tuyệt vời, thằng Cóc rộng lượng!”
Rồi nó lại bật ra một bài ca và hát lên bằng một giọng đầy phấn khích:
Chiếc xe hơi phóng ào ào,
Lúc nó lướt đi dọc đường cái.
Ai đã lái nó đâm xuống ao?
Chính là anh chàng Cóc đầy mưu trí!
“Ôi, ta mới tài tình làm sao! Tài tình làm sao, rất tài tình làm…”
Một tiếng động nhẹ phía sau lưng cách đó một quãng khiến nó ngoái cổ nhìn lại. Ôi hãi hùng! Ôi khốn khổ! Ôi tuyệt vọng! Nó nhìn rõ, cách đó khoảng hai thửa ruộng, một người tài xế đi đôi ghệt da và hai người cảnh sát địa phương to lớn đang cố sức chạy thật nhanh về phía nó!
Thằng Cóc tội nghiệp đứng bật dậy và lại vắt chân lên cổ mà chạy, sợ hết cả hồn. “Ôi chao!” nó vừa chạy vừa hổn hển, “mình thật là một con lừa. Một con lừa quá kiêu ngạo và khinh suất! Đã thế lại còn huênh hoang nữa! Lại còn hò reo và hát hỏng nữa! Lại còn ngồi một chỗ mà khoác lác nữa! Chao ôi! Chao ôi! Chao ôi!”
Nó liếc nhìn phía sau và bàng hoàng nhận ra rằng họ đang đuổi sát đến nơi rồi. Nó tiếp tục chạy thục mạng, vừa chạy vừa ngoái nhìn phía sau, và thấy rằng mỗi lúc họ một gần hơn. Nó cố hết sức nhưng nó là một con vật béo mập, chân lại ngắn, và họ vẫn cứ tiến gần hơn. Lúc này nó có thể nghe rõ họ đang ở ngay phía sau. Chẳng cần để ý xem mình đang chạy đi đâu, nó tiếp tục gắng sức nhắm mắt chạy bừa, và còn đang ngoái cổ nhìn kẻ thù của mình giờ đây đang đắc thắng thì bỗng đất dưới chân nó tan biến, nó chới với trong không khí và tõm một cái, nó thấy mình ở dưới nước, ngập đến tận cổ. Dòng nước chảy xiết, cuốn phăng nó đi bằng một sức mạnh mà nó không thể nào chống nổi; và trong cơn hoảng loạn thất thần, nó nhận ra mình đã lao thẳng xuống sông!
Nó ngoi lên mặt nước và cố tóm lấy những đám lau sậy mọc ven dòng nước sát gần bờ, nhưng dòng nước chảy mạnh đến nỗi đã giằng chúng ra khỏi tay nó. “Chao ôi!” thằng Cóc tội nghiệp hổn hển, “Liệu có bao giờ mình lại trộm một chiếc xe hơi nữa! Liệu có bao giờ mình lại hát một bài hát ngông nghênh nữa!” – rồi nó chìm xuống rồi lại ngoi lên, vừa thở hổn hển vừa phun phì phì. Lát sau, nó thấy mình đang trôi tới gần một cái hang lớn tối tăm ở bờ sông, ngay trên đầu nó. Và khi dòng nước cuốn nó ngang qua đó, nó rướn người lên, dùng một tay nắm lấy rìa hang mà níu chặt. Rồi chậm rãi và khó nhọc, nó đu mình lên khỏi mặt nước cho tới khi cuối cùng, nó tì được hai khuỷu tay lên gờ miệng hang.
Nó cứ ở nguyên chỗ đó vài phút, vừa hổn hển vừa thở phì phò vì đã rất kiệt sức.
Trong lúc nó thở dài thườn thượt và chằm chằm nhìn vào trong cái hang tối om ấy thì một cái gì đó nhỏ xíu, sáng rực và nhấp nháy tít sâu trong hang cứ chuyển động về phía nó. Khi điểm sáng đó tới gần, một khuôn mặt dần dần hiện ra ở xung quanh, mà đó lại là một khuôn mặt quen thuộc!
Màu nâu và nhỏ nhắn, có mấy cái ria.
Nghiêm nghị và chân thành, với đôi tai gọn gàng và bộ lông bóng mượt.
Đúng là Chuột Nước rồi!
1. Lúc này là lời của “bà thợ giặt” – ND.
2. Ark: (trong kinh thánh), con thuyền đã cứu Noah, gia đình ông cùng đủ loài thú vật thoát khỏi nạn hồng thủy – ND.
Gió Qua Rặng Liễu Gió Qua Rặng Liễu - Kenneth Grahame Gió Qua Rặng Liễu